Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2020

Công chúa Huawei có khả năng được trả về Trung Quốc!?



Bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu), Giám đốc tài chính của Huawei
Công chúa Huawei có khả năng được trả về Trung Quốc!?


Thỏa thuận khả thi về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu của Huawei

Theo các báo cáo, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang thảo luận về một thỏa thuận khả thi với Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei.

Thỏa thuận được cho là sẽ cho phép bà Mạnh trở về Trung Quốc từ Canada, nơi bà bị bắt vào năm 2018.

Theo tờ Wall Street Journal, tờ báo đầu tiên đưa tin về thương vụ khả dĩ này, bà Mạnh sẽ phải thừa nhận hành vi sai trái của mình.

Bà Mạnh phải đối mặt với cáo buộc của Mỹ về việc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ giáng lên Iran.

Các tội danh liên quan đến gian lận ngân hàng là việc lừa dối ngân hàng HSBC theo hướng có thể khiến ngân hàng này vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Tuần này đánh dấu hai năm kể từ khi bà Mạnh bị bắt theo lệnh của Mỹ khi bà đang đổi chuyến bay ở Vancouver.

Kể từ đó, bà đã chống lại việc bị dẫn độ sang Mỹ để hầu tòa.

Hiện bà đang được tại ngoại nhưng không được phép rời khỏi Vancouver, nơi bà có một ngôi nhà ở đó.

Các cuộc đàm phán giữa các luật sư của bà Mạnh và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã được xúc tiến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng trước.

Bà Mạnh vẫn nghĩ mình không làm bất cứ điều gì sai trái nên được ghi nhận là miễn cưỡng trong việc thừa nhận những điều mà bà cho là không được đúng.

Động cơ chính trị

Huawei và bà Mạnhbị cáo buộc mưu đồ lừa gạt HSBC và các ngân hàng khác bằng trình bày không đúng về mối quan hệ của công ty với Skycom, một công ty bình phong bị tình nghi hoạt động tại Iran.

Các nhà chức trách Mỹ cáo buộc Huawei đã sử dụng Skycom để có được hàng hóa, công nghệ và dịch vụ của Mỹ vốn bị cấm vận tại Iran.

Bà Mạnh, con gái của nhà sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), từ lâu vẫn luôn khẳng định bà vô tội, chỉ rõ vụ bắt giữ bà là có động cơ chính trị.

Chính quyền Trump đã nhắm mục tiêu vào Huawei, chỉ ra thiết bị của Huawei có thể được Bắc Kinh sử dụng để theo dõi, cáo buộc mà công ty đã liên tục phủ nhận.

Năm ngoái, Mỹ đã đưa gã khổng lồ viễn thông có trụ sở tại Thâm Quyến này vào danh sách đen và gây áp lực buộc các quốc gia khác loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G của họ.

Hiện Mỹ yêu cầu bất kỳ công ty nào bán công nghệ của Mỹ sản xuất cho Huawei trước tiên đều phải có giấy phép.

Xích mích

Các hạn chế về xuất khẩu đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt các thành phần mang tính sống đối với Huawei và khiến công ty này phải bán rẻ đi Honor - thương hiệu điện thoại dành cho giới trẻ. Vụ bắt giữ bà Mạnh cũng đã gây ra xích mích về mặt ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada. Sau vụ bắt giữ bà, Trung Quốc đã cắt nguồn nhập khẩu hạt cải dầu của Canada và bắt giữ hai người Canada về tội danh gián điệp, hiện vẫn chưa được giải quyết.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên án động thái này, tranh luận rằng hai người đàn ông này được dùng như công cụ trong cuộc đấu ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.


CFO của Huawei vừa bị bắt, bà Mạnh Vãn Chu là ai?


Bà Mạnh Vãn Chu (phải), giám đốc tài chính và phó chủ tịch của Huawei, có bằng thạc sỹ ĐH Hoa Trung ở Vũ Hán, là con ông Nhậm Chính Phi (giữa)

Tin Canada vừa bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) đại công ty Huawei hôm 01/12 theo yêu cầu của Hoa Kỳ đã làm rung động Trung Quốc ngày 6/12/2018.

Chỉ trong vài giờ, chừng 30 triệu tin nhắn trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đã đề cập đến vụ bắt giữ bà Mạnh, con gái người sáng lập ra Huawei, theo BBC Monitoring.

Hiện Bắc Kinh đang yêu cầu Canada trả tự do ngay cho công dân của họ, nhưng Hoa Kỳ thì yêu cầu dẫn độ sang Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc gọi vụ bắt giữ này là "vi phạm nhân quyền".

Vụ việc xảy ra không lâu trước 90 ngày 'hưu chiến' mà Tống thống Donald Trump đồng ý để Trung Quốc xem lại cách thức tiến hành xuất nhập khẩu của họ, bắt đầu vào 1/1/2019.

Bà Mạnh là ai, và công ty của cha bà đóng vai trò gì, hoặc vì sao rơi vào 'tầm ngắm' của Hoa Kỳ thời Donald Trump? Bố từng làm trong Quân Giải phóng

Sinh năm 1972, Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) hiện là giám đốc tài chính của Huawei, công ty công nghệ Trung Quốc đóng tại Thâm Quyến, Quảng Đông.

Cha bà là Nhậm Chính Phi, làm việc trong ngành công nghệ quốc phòng, và là đảng viên Cộng sản từ 1958.

Đi lên từ tỉnh miền núi Quý Châu nhưng ông Nhậm có cha người gốc Chiết Giang.
Trong thời gian ở quân đội, ông được bầu là Đại biểu của Quân Giải phóng dự Đại hội Đảng Toàn quốc.
Sau khi rời quân ngũ, ông lập ra công ty Huawei.
Năm 2005, ông được tạp chí Times coi là một trong 500 người có ảnh hưởng nhất thế giới.


Ông Nhậm Chính Phi (thứ nhì từ trái sang) giới thiệu cho Chủ tịch Tập Cận Bình văn phòng của Huawei ở London khi ông Tập thăm Anh Quốc cuối 2015.

Từng làm trong ngành công nghệ quốc phòng, ông Nhậm được các báo Hong Kong cho là "người thường xuyên ra vào chốn cung đình" ở Bắc Kinh

Một số nguồn tài liệu cho rằng tài sản của ông vào khoảng 3,5 tỷ USD.

Ông Nhậm đã tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Anh Quốc cuối 2015 và được các báo Hong Kong cho là "người thường xuyên ra vào chốn cung đình" ở Bắc Kinh.

Chuyên gia ngân hàng và tài chính

Con gái ông Nhậm, bà Mạnh Vãn Chu đã lấy họ mẹ một thời gian trước, khi cha mình kết hôn lần hai.

Tuy thế, theo BBC Tiếng Trung, nhiều con cháu các nhân vật có thế lực ở Trung Quốc khi đi kinh doanh hoặc xuất ngoại đã dùng họ mẹ để giữ sự kín đáo.

Bà Mạnh Vãn Chu có bằng thạc sỹ đại học công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán.

Việc làm đầu tiên của bà năm 1992 là ở Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc (China Construction Bank) nhưng chỉ một năm sau bà vào Huawei, công ty của cha.

Các vai trò từng trải qua của Mạnh Vãn Chu là trong mảng ngân hàng, quản lý vốn và kế toán.
Tuy thế, trong một cuộc phỏng vấn với báo Trung Quốc, bà Mạnh khoe là đã từng bắt đầu ở Huawei trong vai trò người nhận điện thoại, làm thư ký, và đôi khi lo bán hàng tại hội chợ.

Bà làm phó giám đốc tài chính của chi nhánh Huawei tại Hong Kong cho đến lúc bị bắt ở Canada. Năm 2003, Mạnh được trao nhiệm vụ thống nhất các bộ phận tài chính của Huawei trên toàn cầu và chuẩn hóa các thủ tục kế toán, IT.

Từ 2005, bà lãnh trách nhiệm lập ra ba khối dịch vụ của Huawei trên toàn cầu, và hoàn tất trung tâm chi trả, thanh toán quốc tế của tập đoàn này, đặt tại Thâm Quyến.

Sang 2007, nhiệm vụ của Mạnh Vãn Chu là chỉ đạo hệ thống tài chính tích hợp trong một dự án chung tám năm với IBM.

Là người kín đáo, bà không trả lời phỏng vấn gì từ lâu này và ít ai biết về gia đình bà.
Chỉ một lần, Mạnh Vãn Chu tiết lộ có con trai.

Tuy thế, bà có cô em gái cùng cha khác mẹ khá nổi tiếng trong giới thời trang.
Con gái của ông Nhậm Chính Phi từ cuộc hôn nhân thứ hai có tên là Annabel Yao năm nay 21 tuổi, tốt nghiệp ĐH Harvard nhưng làm người mẫu và múa ballet.

Cũng lấy họ mẹ là Yao (Diêu), từng sống ở Anh, Hong Kong, và Thượng Hải, cô Annabel xuất hiện trong cả giới thời trang con nhà giàu ở châu Âu gần đây, theo các báo Hong Kong.

Rung động thị trường


Thiết bị hỗ trợ mạng 2G, 3G và 4G của Huawei vẫn được các công ty mạng điện thoại ở Anh sử dụng nhưng BT gần đây nói họ sẽ không dùng Huawei cho mạng 5G

Tin Mạnh Vãn Chu bị bắt làm cổ phiếu của Huawei bị sụt giảm ngay lập tức nhất là khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục là vấn đề lớn cho Bắc Kinh.

Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu xảy ra khi Mỹ đang đưa một số vụ kiện nhằm vào công ty công nghệ Trung Quốc, với những cáo buộc như trộm cắp an ninh mạng và vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran.

Đầu năm nay, hãng đã cấm các công ty Hoa Kỳ xuất khẩu sang công ty viễn thông ZTE của Trung Quốc vì vi phạm lệnh trừng phạt của Iran.

Hoa Kỳ sau đó đã thay thế lệnh cấm bằng cách phạt tiền và yêu cầu thay đổi cơ chế quản lý. Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steven Mnuchin từng nói Hoa Kỳ sẽ "làm mạnh tay" với bất cứ công ty nào "trốn tránh lệnh cấm vận" với Iran.

New Zealand hiện đã ngăn chặn Huawei cung cấp thiết bị 5G cho một mạng di động trong nước. Tại Anh, thiết bị hỗ trợ mạng 2G, 3G và 4G của Huawei vẫn được các công ty mạng điện thoại sử dụng nhưng BT gần đây nói họ sẽ không dùng Huawei cho mạng 5G.


Nhậm Chính Phi: 'Vụ bắt con gái tôi có động cơ chính trị'


Ông Nhậm Chính Phi mô tả vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu, con gái ông, giám đốc tài chính của công ty, là "có động cơ chính trị"

Người sáng lập Huawei nói rằng Hoa Kỳ "không thể nào bóp nát" hãng này trong cuộc phỏng vấn độc quyền với BBC.

Ông Nhậm Chính Phi mô tả vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu, con gái ông, giám đốc tài chính của công ty, là "có động cơ chính trị".

Mỹ đang theo đuổi các cáo buộc hình sự nhắm vào Huawei và bà Mạnh, bao gồm rửa tiền, lừa đảo ngân hàng và đánh cắp bí mật thương mại.

Huawei phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Ông Nhậm trả lời nhà báo Karishma Vaswani của BBC trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền thông quốc tế đầu tiên kể từ khi bà Mạnh bị bắt - và gạt đi áp lực từ phía Mỹ.

"Mỹ không thể bóp nát chúng tôi", ông nói. "Thế giới không thể rời bỏ chúng tôi vì chúng tôi tiến bộ hơn. Ngay cả khi họ thuyết phục được nhiều quốc gia tạm thời không dùng thiết bị Huawei, chúng tôi luôn có thể giảm quy mô mọi thứ xuống một chút."

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng nguy cơ mất khách hàng có thể có tác động đáng kể.

Ông Nhậm nói gì về Hoa Kỳ?

Tuần trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cảnh báo các đồng minh của nước này không sử dụng công nghệ Huawei và nói rằng điều đó sẽ khó cho Washington khi "hợp tác với họ".

Úc, New Zealand và Hoa Kỳ đã cấm hoặc chặn Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G, trong khi Canada đang cân nhắc liệu các thiết bị của hãng này có đe dọa an ninh nghiêm trọng hay không.
"Nếu đèn tắt ở phương Tây, phương Đông vẫn sẽ tỏa sáng. Và nếu miền Bắc tối, vẫn còn miền Nam. Mỹ không đại diện cho cả thế giới. Mỹ chỉ đại diện cho một phần của thế giới."

Bình luận về khả năng Anh ra lệnh cấm Huawei, ông Nhậm cho biết Huawei "sẽ không rút khoản đầu tư của chúng tôi vì điều đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào Anh quốc."
"Chúng tôi vẫn tin tưởng vào Anh quốc và chúng tôi hy vọng rằng Anh quốc sẽ tin tưởng chúng tôi hơn nữa."
"Bởi vì nếu Mỹ không tin tưởn

g chúng tôi, thì chúng tôi sẽ chuyển đầu tư từ Mỹ sang Anh với quy mô thậm chí còn lớn hơn."
Bà Mạnh Vãn Chu là giám đốc tài chính của Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ nhì thế giới

Ông Nhậm nghĩ gì về vụ con gái bị bắt?

Bà Mạnh bị bắt vào ngày 1/12 tại Vancouver theo yêu cầu của Hoa Kỳ và dự kiến sẽ là đối tượng bị dẫn độ.

Tổng cộng có 23 cáo buộc nhắm vào Huawei và bà Mạnh, trong đó có cáo buộc hãng này che đậy việc làm ăn với Iran - quốc gia chịu lệnh cấm vận của Mỹ và cáo buộc mưu toan đánh cắp bí mật thương mại.

Ông Nhậm rõ ràng phản đối các cáo buộc của Hoa Kỳ.
"Đầu tiên, tôi phản đối những gì Mỹ đã làm. Hành vi có động cơ chính trị này là không thể chấp nhận."
"Hoa Kỳ thích trừng phạt người khác, bất cứ khi nào có vấn đề, họ sẽ dùng biện pháp hiếu chiến như vậy."
"Chúng tôi phản đối. Nhưng bây giờ đã đi theo con đường này, chúng tôi sẽ để tòa án giải quyết vấn đề."


Mỹ đưa tổng cộng 23 cáo buộc nhắm vào Huawei

Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei ra tuyên bố bác bỏ sai trái sau khi công tố Hoa Kỳ ra cáo buộc hình sự.

Huawei cũng bác bỏ việc truy tố giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu, người đang bị giữ ở Canada từ tháng 12/2018.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nộp một loạt các cáo buộc hình sự nhắm vào tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei và giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu.

Trong số các cáo buộc nhắm vào nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới có tội lừa đảo ngân hàng, cản trở công lý và đánh cắp công nghệ.

Vụ việc có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, và tác động đến các nỗ lực mở rộng toàn cầu của hãng này.

Cả bà Mạnh và Huawei đều phủ nhận các cáo buộc.
Bà Mạnh bị bắt ở Canada hồi tháng trước theo yêu cầu của Hoa Kỳ vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran.

"Trong nhiều năm, các doanh nghiệp Trung Quốc đã vi phạm luật xuất khẩu của chúng tôi và làm suy yếu các lệnh trừng phạt bằng cách thường lợi dụng hệ thống tài chính Mỹ cho các hoạt động phi pháp của họ. Tình trạng này sẽ chấm dứt", Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross nói.

Chi tiết về các cáo buộc

Bản cáo trạng cáo buộc Huawei đánh lừa Mỹ và một ngân hàng toàn cầu về mối quan hệ của họ với hai công ty con, Huawei Device USA và Skycom Tech, để làm ăn với Iran.

Chính quyền Donald Trump đã khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt đối với Iran đã được gỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và gần đây đã áp dụng các biện pháp thậm chí nghiêm ngặt hơn, đánh vào xuất khẩu dầu, vận chuyển và ngân hàng.

Vụ thứ hai cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ của T Mobile được sử dụng để kiểm tra độ bền của smartphone, cũng như cản trở công lý và phạm tội lừa đảo chuyển tiền.

Công nghệ T-Mobile được gọi là Tappy mô phỏng ngón tay người để thử nghiệm điện thoại. Mỹ đưa ra tổng cộng 23 cáo buộc chống lại Huawei.

Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết: "Những cáo buộc này cho thấy Huawei bị cáo buộc coi thường trắng trợn luật pháp Mỹ và thông lệ kinh doanh toàn cầu".

"Các công ty như Huawei đặt ra mối đe dọa kép đối với cả kinh tế và an ninh quốc gia của chúng tôi."

Một số quốc gia đã gia tăng mối quan ngại về bảo mật đối với Huawei trong những tháng gần đây. Chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích các công ty và các quốc gia khác không mua sản phẩm của Huawei.

Bối cảnh sự việc

Huawei là một trong những nhà cung cấp dịch vụ và thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, gần đây đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai sau Samsung.

Nhưng Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể tận dụng công nghệ của Huawei để mở rộng khả năng gián điệp, dù hãng này khẳng định họ không chịu sự kiểm soát của chính phủ.

Vụ bắt giữ bà Mạnh, con gái của người sáng lập Huawei, khiến Trung Quốc tức giận.
Hồi tháng 12/2018, Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Huawei, đã bị bắt ở Canada và đối mặt với việc dẫn độ về Hoa Kỳ vì những cáo buộc công ty đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 26/1 sa thải đại sứ ở Trung Quốc John McCallum. Diễn tiến kịch tính theo sau các bình luận của ông McCallum về việc Mỹ yêu cầu Canada cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu của Huawei.

Ông Trudeau nói trong thông cáo rằng đã yêu cầu John McCallum từ nhiệm, tuy vẫn không nói rõ lý do.
Ông John McCallum được bổ nhiệm đại sứ Canada ở Bắc Kinh năm 2017

Nhưng mới hôm thứ Ba, ông McCallum gây tranh cãi khi công khai nói yêu cầu dẫn độ của Mỹ không hoàn thiện.

Ngày hôm sau, ông ra thông cáo xin lỗi rằng ông "nói nhầm".

Nhưng đến hôm thứ Sáu, Đại sứ Canada John McCallum nói với báo StarMetro Vancouver: "Từ quan điểm Canada, nếu Mỹ bỏ yêu cầu dẫn độ, sẽ thật tuyệt cho Canada."

Trước đó cũng trong tuần, Đại sứ Canada gặp báo chí Trung Quốc ở Toronto, nói rằng việc dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ "sẽ không phải là kết cục tốt"

Ông McCallum nói với các phóng viên Trung Quốc rằng bà Mạnh có thể biện hộ vì Canada không tham gia trừng phạt Iran của Mỹ.

Đến hôm 24/1, ông McCallum ra thông cáo rằng ông đã "nói nhầm".

Nhưng việc ông lại tiếp tục nói "thật tuyệt" một ngày sau đó, 25/1, đặt ra những câu hỏi liệu ông đại sứ hay chính phủ Canada có định gửi thông điệp gì cho Mỹ và Trung Quốc.


Thủ tướng Canada Justin Trudeau

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đầu tuần này bác bỏ kêu gọi cách chức đại sứ.

Ông Trudeau nói làm vậy chả giúp gì cho hai công dân Canada đang bị bắt ở Trung Quốc. Trung Quốc đã bắt giam hai người Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor ngay sau vụ bà Mạnh nhằm gây sức ép cho Canada.

Một tòa án Trung Quốc cũng kết án tử hình một người Canada, mặc dù ban đầu người này chỉ nhận án 15 năm tù.

Chính phủ Canada từ chối khẳng định hay bác bỏ câu hỏi liệu đại sứ McCallum có phát ngôn thay cho chính phủ không.

Các phát ngôn của đại sứ McCallum gây ra đồn đoán phải chăng Canada muốn gửi tín hiệu cho Trung Quốc để giảm căng thẳng.

Thủ tướng Trudeau vẫn nói Canada không can thiệp chính trị vào vụ bà Mạnh.
Sau lời xin lỗi 'nói nhầm' của đại sứ Canada, một người phát ngôn Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, tuyên bố: "Dù phía Canada có nói gì, lập trường Trung Quốc về vụ việc vẫn rõ ràng."

Bà Hoa nói: "Chúng tôi hy vọng Canada có thể hiểu bản chất vụ việc rõ ràng thay vì gây hại cho chính mình, có lợi cho người khác."

"Vô địch quốc gia" Trung Quốc đối mặt công lý Hoa Kỳ

Phân tích của Karishma Vaswani, phóng viên kinh doanh châu Á

Huawei là những gì người Trung Quốc gọi là một vô địch quốc gia. Một công ty tư nhân, được giao nhiệm vụ thực hiện tham vọng đi vào và dẫn đường thế giới của Trung Quốc.

Nhưng bây giờ, toàn bộ lực lượng của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ đang nhắm vào công ty.
Các cáo buộc của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ với Huawei nghiêm trọng nhất từng thấy, và đi vào trung tâm của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Huawei đã liên tục bác bỏ các cáo buộc và ông chủ của công ty nói rằng Huawei đang được sử dụng như một con tốt trong các trò chơi quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mặc dù Hoa Kỳ nói rằng các cáo buộc chống lại Huawei không liên quan đến chiến tranh thương mại, nhưng không có hy vọng Trung Quốc sẽ nhìn nhận nó theo cái nhìn tương tự.

Các cáo buộc được đưa ra khi Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp cao ở Washington trong tuần này.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross tuyên bố rằng các cáo buộc của này "hoàn toàn tách biệt" với các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Trung Quốc.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ đôla của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải đáp trả bằng thuế quan của chính họ.

Vào tháng trước cả hai nước đã đồng ý để đình chỉ thuế quan trong 90 ngày để cho phép hai bên đàm phán.

Sky+ (Theo:Internet…BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template