Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

Triển khai Mobile Money: Thêm kênh thanh toán không tiền mặt




Sử dụng điện thoại để thanh toán trực tuyến trong mua sắm - Ảnh: TTO
Triển khai Mobile Money: Thêm kênh thanh toán không tiền mặt


Sẵn sàng thí điểm Mobile Money



Thị trường thanh toán điện tử đón làn sóng Mobile Money



Qua nghiên cứu và học tập kinh nghiệm quốc tế, Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng nếu dịch vụ Mobile Money được triển khai sẽ hỗ trợ rất lớn cho người dân, bổ sung và cộng sinh với các dịch vụ truyền thống như Internet banking.

Hiện Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để trình Chính phủ về đề án thí điểm Mobile Money.

“Với Mobile Money, người dân có thêm kênh thanh toán không dùng tiền mặt thuận lợi; các ngân hàng thương mại nắm tài khoản tổng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile Money có thêm kênh huy động vốn từ các tài khoản nhỏ lẻ mở tại doanh nghiệp, và qua đó các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính khác có thể cung cấp sản phẩm bằng cách bán chéo dịch vụ...

Ông Trần Duy Hải (phó cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT-TT)

Ông Trần Duy Hải, phó cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT-TT, khẳng định như trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc bộ này đã chuẩn bị triển khai Mobile Money, sẽ cùng Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho các nhà mạng hoạt động sắp tới như thế nào. Ông Hải cho biết thêm:

Để chuẩn bị kỹ hơn, bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phải thực hiện nghiêm túc việc quản lý thông tin thuê bao, vì khi Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho triển khai dịch vụ, người sử dụng điện thoại có thể mở tài khoản Mobile Money để thực hiện chuyển tiền, rút tiền và thanh toán cho các hàng hóa dịch vụ hợp pháp có giá trị nhỏ.

Như vậy khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông đăng ký thông tin thuê bao chính xác sẽ có "lợi" kép, vừa đảm bảo thực hiện theo các quy định về thông tin thuê bao chính xác để sử dụng dịch vụ viễn thông - CNTT hiện đại nhất, vừa giúp người sử dụng an toàn trong thanh toán, bảo vệ tiền trong tài khoản của khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Với ý nghĩa đó chúng tôi cho rằng đây là yếu tố quan trọng khi Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp phép cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển/rút tiền Mobile Money.


Khách mua hàng thanh toán qua điện thoại tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngoài ra, cũng như nhiều dịch vụ khác sử dụng hạ tầng viễn thông, Internet, Bộ TT-TT còn phải chỉ đạo các công tác liên quan đến hạ tầng kết nối, an toàn an ninh mạng... để đảm bảo cho giao dịch thông suốt, không gián đoạn và an toàn đối với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung trong đó có Mobile Money.

Lợi ích của dịch vụ, theo chúng tôi cũng là rất lớn: người dân có thêm kênh thanh toán không dùng tiền mặt thuận lợi; các ngân hàng thương mại nắm tài khoản tổng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile Money có thêm kênh huy động vốn từ các tài khoản nhỏ lẻ mở tại doanh nghiệp, và qua đó các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính khác có thể cung cấp sản phẩm bằng cách bán chéo dịch vụ... từ đó kích thích các chuỗi sản phẩm tài chính - ngân hàng - bảo hiểm ứng dụng công nghệ và mạng viễn thông cùng phát triển trong một hệ sinh thái.

Việc triển khai Mobile Money của các nhà mạng, theo đánh giá của chúng tôi có thuận lợi rất lớn, đó là sự chỉ đạo của Chính phủ chủ trương cho phép Ngân hàng Nhà nước triển khai thí điểm dịch vụ này, cũng như sự nỗ lực rất lớn từ phía Ngân hàng Nhà nước để có thể cấp phép cho các doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.

Dịch vụ nào khi mới đưa ra thị trường cũng đều có những khó khăn nhất định, chúng tôi cho rằng thói quen sử dụng tiền mặt luôn là trở ngại để các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như ví điện tử hay Mobile Money triển khai thành công. Việc mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán hoặc chi phí lớn trong giai đoạn bắt đầu triển khai dịch vụ theo chúng tôi cũng là những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thí điểm.





Mobile Money là gì? Ứng dụng thanh toán như thế nào tại Việt Nam và thế giới?

Mobile Money là gì mà được phát động mạnh thời gian qua song song với các hình thức khác? Câu trả lời hoàn toàn đơn giản nếu xem đây như là một dịch vụ thanh toán trung gian.

Mobile Money là gì và có lợi như thế nào với người dùng?

Nếu như sử dụng ví điện tử hiện nay như Momo, Zalopay, ViettelPay..., người dùng khi muốn thanh toán dịch vụ giá trị nhỏ phải chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng qua ví, rồi từ đó thanh toán dịch vụ.

Dịch vụ thanh toán có thể là mua thẻ nạp điện thoại, thanh toán hóa đơn, vay tiêu dùng... Tất cả dịch vụ này được ví điện tử làm trung gian thanh toán để tiện lợi cho người tiêu dùng.

Nay với dịch vụ thanh toán điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng - Mobile Money, người dùng chỉ cần tài khoản di động là có thể sử dụng trả tiền ngay cho mọi dịch vụ giá trị nhỏ nhanh chóng, thuận tiện mà không cần qua trung gian thanh toán này.

Điều này được cho là tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng khi mà tài khoản điện thoại có thể dễ dàng nạp tại bất kỳ đâu, cũng như dễ dàng tại các cửa hàng trực tuyến... Người dùng khi cần chỉ việc thanh toán là xong cho mặt hàng mình cần.

Với hình thức Mobile Money, không cần tài khoản ngân hàng và ví điện tử, người dùng vẫn có thể thanh toán nhanh. Đây được xem là lợi điểm nhất của Mobile Money tính đến thời điểm hiện giờ.

Mobile Money triển khai như thế nào trên thế giới?


Mobile Money triển khai đại trà giúp ích cho thuê bao rất nhiều khi mua hàng hóa - Ảnh: Internet.

Tại Bangladesh, từ nhiều năm trước, Mobile Money đã được triển khai cho nông dân và nhiều loại hình khác.

Cụ thể, vào mỗi vụ mùa, người nông dân khi bán sẽ được thanh toán qua tài khoản di động. Việc này được cho là tiện lợi rất nhiều khi mà họ có thể an tâm hơn cho việc bảo quản tiền của mình.

Pakistan cũng khá tương đồng khi hơn một nửa số lượng người dùng di động sử dụng điện thoại để mua sắm và thanh toán hàng hóa.

Mobile money hiện cũng đang được triển khai tốt tại Philippines sau một thời gian dựa vào đối tác ngân hàng. Đến nay thì dịch vụ này đã hoàn toàn độc lập.

Tại Ấn Độ, Sri Lanka và Thái Lan, thanh toán di động cũng khá ổn dù thấp hơn hai quốc gia trên. Riêng tại châu Mỹ và châu Á hiện vẫn chưa được gọi là thịnh hành lắm khi hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng vẫn rất phổ biến.

Mobile Money có gặp khó khi triển khai tại Việt Nam?

Với những gì mà Mobile Money được hoạch định là kênh thanh toán, nhìn chung đã và đang mang tính tích cực cho người dùng. Nhà mạng vì thế cũng được tiện hơn khi tài khoản di động không còn dùng để nghe gọi, mà còn là cả dịch vụ cho khách hàng.

Dù có hiệu quả khả quan và tích cực về hình thức thanh toán, nhưng Mobile Money vẫn chưa thể nói là hiệu quả cho những gì mà hệ sinh thái viễn thông có được.

Thứ nhất, đó là tỷ lệ chuyển đổi giá trị cho khách hàng. Vì tài khoản di động là kênh thanh toán, nên khi sử dụng nạp tiền sẽ theo quy đổi 1 - 1, điều này sẽ gặp khó cho các hình thức khác lẫn người dùng.

Hiện mức phổ biến người dùng nạp tiền là 4%, tương đương với việc sử dụng ví điện tử để mua thẻ cào. Do đó, nếu để Mobile Money thịnh hành thì còn cần thời gian ý thức từ người dùng để thấy cái lợi so với thực tế hiện nay.

Thứ hai, Mobile Money có thể sẽ phá vỡ hệ sinh thái mà ví điện tử đang làm, điển hình là chiết khấu.

Bài toán có thể sẽ quay sang với nhà mạng và đối tác, nhưng để thanh toán giá trị nhỏ mà còn bị mất chiết khấu thì liệu có đối tác nào chấp nhận để triển khai?

Ngay cả nhà mạng cũng khó mà chịu thiệt khi tiền không về túi họ mà có thể chảy sang một đơn vị thứ ba.

Thứ ba, đó là việc rút tiền. Hiện chưa biết được Mobile Money có cho người dùng rút tiền khi cần hay không? Ai sẽ là đơn vị chịu triển khai việc này? Nhà mạng hay chỗ bán thẻ cào? Và mức phí là bao nhiêu khi mà số tiền rút có thể không lớn?

Thứ tư, đó là với thuê bao trả sau thì như thế nào? Khi mà hiện nay loại thuê bao này cũng chiếm 5% và dùng trước trả sau. Loại thuê bao này còn được nhà mạng ưu đãi đến 40 ngày thì liệu nhà mạng có sẵn sàng chịu thiệt cho thuê bao khi phải ứng tiền để thu lại sau đó? Tất nhiên, Mobile Money với những lợi thế của nó sẽ phát huy thế mạnh khi được đại trà thông qua chính sách cụ thể từ cơ quan quản lý lẫn triển khai.

Vấn đề còn lại vẫn là thời gian để người dùng thật sự thấy hình thức này hiệu quả để đồng hành trong cuộc sống không tiền mặt hàng ngày.


Cuộc đua mobile money giữa VNPT và Viettel: Kẻ tám lạng, người nửa cân


Theo kế hoạch, trong tháng 6/2020, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép dịch vụ mobile money cho các doanh nghiệp viễn thông.

Nhiều khả năng, 2 “đại kình địch” VNPT và Viettel sẽ là những đơn vị đầu tiên được thí điểm cung cấp dịch vụ mobile money (chuyển tiền và nhận thanh toán thông qua thuê bao di động).sẵn sàng triển khai dịch vụ

Ngay sau khi nhận thông tin sẽ được cấp phép triển khai dịch vụ mobile money trong tháng 6/2020, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty VNPT - Media hồ hởi cho biết: “Chỉ cần 1 tháng sau khi được cấp phép, chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ ra thị trường. VNPT sẽ phủ dịch vụ mobile money tới 100.000 điểm bán của Tổng công ty, tiến tới thương mại điện tử và merchant (tổ chức sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến để bán hàng hóa và dịch vụ - PV)”.

Theo ông Hải, đặc thù của các khoản thanh toán mobile money là có giá trị vừa và nhỏ, thêm vào đó, tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp. 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, nhưng các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tập trung ở các đô thị lớn… Trong khi đó, mật độ thuê bao di động tại Việt Nam đã trên ngưỡng 100%. Đó là những điều kiện vô cùng thuận lợi để triển khai mobile money.

Khẳng định VNPT đã sẵn sàng cho dịch vụ mobile money về mọi mặt, từ hạ tầng đến tài chính, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT nhấn mạnh, VNPT chỉ chờ được cấp phép để triển khai.

“Mobile money là xu hướng chung của thế giới, là giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và cũng là một trong những cấu phần quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Long chia sẻ.

Có thể nói, lợi thế lớn của VNPT trong “cuộc đua” cung cấp dịch vụ mobile money là đã xây dựng được hệ sinh thái tài chính số. VNPT Pay đã có gần 50.000 điểm chấp nhận thanh toán. VNPT cũng đã hoàn thiện toàn bộ giải pháp công nghệ và kỹ thuật với hệ sinh thái dịch vụ, gồm mạng giáo dục Việt Nam (VnEdu), dịch vụ phần mềm quản lý bệnh viện (VNPT HIS), dịch vụ phần mềm một cửa điện tử VNPT-iGate…

Cùng với đó, VNPT đang triển khai giải pháp định danh vạn năng Mobile Connect - một trong những giải pháp cho thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt. Đây là giải pháp đăng nhập an toàn, đơn giản bằng cách kết hợp người dùng với điện thoại di động của họ. Ngoài ra, VNPT đang hướng tới triển khai Cổng thanh toán dịch vụ công (Payment Connect) nhằm cung cấp nền tảng thanh toán trung gian, kết nối giữa cổng dịch vụ công quốc gia với các kênh thanh toán (ngân hàng, cổng trung gian thanh toán…). Đây là nền tảng để VNPT tự tin tham gia “cuộc chơi mới” với mobile money.

Viettel tỏ rõ lợi thế

VNPT, Viettel và MobiFone là những nhà mạng đã nộp hồ sơ xin cấp phép thí điểm triển khai mobile money từ năm 2019. Trong đó, VNPT và Viettel đã được cấp giấy phép trung gian thanh toán.

Riêng Viettel, không chỉ xây dựng đề án, nhà mạng này còn thành lập Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital) để sẵn sàng triển khai mobile money. Viettel Digital được giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm mobile money và ngân hàng số ViettelPay.

“Sau khi được phê duyệt đề án, chúng tôi sẽ nhanh chóng điều chỉnh theo các yêu cầu của cơ quan quản lý nếu có và ra mắt dịch vụ. Đặc biệt, không chỉ smartphone dùng mạng 3G/4G, mà ngay cả những chiếc điện thoại dùng sóng 2G cũng có thể sử dụng dịch vụ mobile money”, ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Viettel Digital nói.

Như vậy, Viettel cũng đang tỏ rõ những lợi thế trong cuộc đua mobile money. Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện triển khai dịch vụ mobile money ngay sau khi được cấp phép. Cụ thể, Viettel đã xây dựng hạ tầng chấp nhận thanh toán, hệ thống cung cấp dịch vụ từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hệ sinh thái số thiết thực cũng đã được hình thành gồm thanh toán số và các dịch vụ tài chính số, thương mại điện tử trên nền thanh toán số.

“Vùng phủ sóng lớn, thuê bao lớn và kinh nghiệm triển khai các dịch vụ trên nền tảng thanh toán số sẽ là lợi thế lớn của Viettel trong cuộc cạnh tranh này”, ông Nam tự tin.

Có thể thấy, trong “cuộc chơi mới” mobile money, Viettel và VNPT đang ngang sức, ngang tài khi có trong tay hệ sinh thái số, kinh nghiệm về thanh toán điện tử, hệ thống đại lý rộng khắp và số lượng thuê bao lớn. Cuộc đua sẽ càng hấp dẫn, kịch tính trong thời gian tới, không chỉ là việc cạnh tranh giữa 2 nhà mạng, mà còn là sự xuất hiện của các ví điện tử, trung gian thanh toán mới được cấp phép tạo ra một thị trường thanh toán điện tử bùng nổ, đa sắc màu.

Sẽ cấp phép dịch vụ mobile money trong tháng 6/2020

Kế hoạch triển khai mobile money đã được đề cập tại cuộc họp giao ban của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây. Theo đó, trong tháng 6/2020, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các đơn vị chuẩn bị kỹ đề án, cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép. Báo cáo của Bộ cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép triển khai mobile money trên toàn quốc.

Sky+ (Từ Internet- TTO…)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template