Tổng thống Trump quyết cứng rắn với Trung Quốc vì chuyện Hồng Kông - Ảnh: Reuters
Ông Trump xóa bỏ ưu đãi thương mại với Hồng Kông
Ngày 29.5, Tổng thống Donald Trump hạ lệnh bắt đầu quá trình xóa bỏ quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ dành cho Hồng Kông nhiều năm nay nhằm đáp trả kế hoạch áp đặt luật an ninh với đặc khu này của chính quyền Bắc Kinh.
“Chúng tôi sẽ thực hiện biện pháp thu hồi sự ưu đãi dành cho Hồng Kông vốn với tư cách vùng lãnh thổ độc lập về hải quan và giao thông với phần còn lại của Trung Quốc. Tuyên bố của tôi có hiệu lực với một loạt thỏa thuận giữa Mỹ với Hồng Kông. Những biện pháp sẽ rất mạnh mẽ”, Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng.
Ông còn đe dọa áp đặt trừng phạt nhằm vào các cá nhân gây tổn hại sự tự do của Hồng Kông (nhưng không tiết lộ danh tính cụ thể) và chuẩn bị cấm sinh viên Trung Quốc “có thể là mối đe dọa đến an ninh” nhập cảnh vào Mỹ.
Tổng thống Trump không đặt ra lộ trình cụ thể cho quá trình xóa bỏ quy chế thương mại đặc biệt dành cho Hồng Kông – điều cho thấy có thể ông đang cố trì hoãn để có thêm thời gian cân nhắc xem có nên thực hiện biện pháp quyết liệt hay không.
Nhà lãnh đạo Washington cũng chẳng đả động gì đến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, làm yên lòng giới đầu tư.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Mỹ - Trung Craig Allen: “Tôi không nghĩ có thay đổi nhiều. Chúng ta chưa thực hiện bước đi khiến căng thẳng leo thang đáng kể”.
Những lời tuyên bố chống lại Trung Quốc xuất hiện giữa chiến dịch tái tranh cử của ông Trump. Trong các cuộc thăm dò dư luận, kết quả cho thấy các cử tri ngày càng phẫn nộ đối với Bắc Kinh, đặc biệt là về dịch coronavirus.
Ông Trump có thể lưu ý chuyện này mặc dù một sự rạn nứt nghiêm trọng hơn với Bắc Kinh có thể khiến thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 của ông với Trung Quốc thêm chông gai.
Ông Trump cũng phải tính đến các ảnh hưởng đối với hơn 1.300 công ty Mỹ có văn phòng tại Hồng Kông, dính dáng đến khoảng 100.000 công ăn việc làm.
Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Đông Á trước đây, cho biết các điều khoản tại Hồng Kông của ông Trump vẫn còn khá mơ hồ và vẫn phải xem chúng được thực hiện nhanh chóng và rộng rãi như thế nào.
Mỹ đưa chiến hạm tới Hoàng Sa, đi sâu vào vùng Trung Quốc chiếm đóng phi pháp
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) - Ảnh: Hải quân Mỹ
Hải quân Mỹ hôm 28.5 đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) tới gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp) để tiếp tục các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.
"Vào ngày 28.5, tàu USS Mustin đã khẳng định quyền tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Bằng cách tiến hành hoạt động này, Mỹ thể hiện rằng các vùng biển trên nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố là lãnh hải về mặt pháp lý", CNN dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Trung úy Anthony Junco.
Tàu USS Mustin đã đi qua khu vực trong vòng phạm vi 12 hải lý quanh đảo Phú Lâm và đảo Đá Tháp thuộc quần đảo Hoàng Sa, một quan chức hải quân Mỹ cho biết. Đây là lần thứ 4 trong tháng Mỹ triển khai tàu tới vùng biển chiến lược này.
Hải quân Mỹ trước đó xác nhận tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) và tàu hộ vệ RSS Steadfast (FFS 70) của Singapore đã tiến hành một cuộc tập trận trên Biển Đông trong 2 ngày 24 và 25.5. Tháng trước, Mỹ cũng đã 2 lần điều tàu chiến thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tiến hành hoạt động tương tự gần Hoàng Sa hồi tháng 3.
Phản ứng trước động thái mới nhất của quân đội Mỹ, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh chiến khu Nam Bộ, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), Đại tá Li Huamin hôm 28.5 cho biết, quân đội nước này đã điều lực lượng hải quân và không quân tới khu vực có tàu chiến Mỹ.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng khai thác và quân sự hóa trái phép các rạn san hô ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng gia tăng sự hiện diện của các máy bay và tàu quân sự trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh hải của mình. Phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý này vào năm 2016.
Là một phần trong sự thay đổi chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông khiến Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phản đối.
Sky+ (Từ Internet-MTG- theo Reuters, CNN, Global Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn