Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Ông Trump với các phát ngôn 'lật bánh tráng'




Ngày 28-2, Tổng thống Trump phát biểu tại North Charleston (bang Nam Carolina) rằng Đảng Dân chủ đã chính trị hóa virus corona - Ảnh: AP
Ông Trump với các phát ngôn 'lật bánh tráng'


Kênh truyền hình Francetv Info (Pháp) đã đặt ra câu hỏi về những việc Tổng thống Mỹ đã thực sự làm bởi ông đã đưa ra nhiều phát biểu "đá nhau chan chát" vào thời điểm số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ có thể qua mặt châu Âu.

Theo báo cáo hằng ngày của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Mỹ đứng thứ ba trên thế giới về số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) sau Trung Quốc và Ý.

Tâm dịch của Mỹ ở New York, nơi phần lớn các ca tử vong được ghi nhận. Dù vậy, Tổng thống Donald Trump vẫn chỉ trích biện pháp cách ly được cơ quan y tế khuyến nghị.

Các các phát ngôn "bất nhất"

Ban đầu Tổng thống Trump đánh giá thấp và chế nhạo mối đe dọa dịch bệnh suốt vài tuần.

Phát biểu trước những người ủng hộ ở Nam Carolina trong chiến dịch tranh cử tổng thống hôm 28-2, ông nói: "Đảng Dân chủ đã chính trị hóa virus corona".

Hôm sau, Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19.

Ngày 7-3, khi một phóng viên hỏi ông có lo lắng về dịch bệnh lây lan hay không, ông phản bác: "Không hề. Chúng ta đã làm công việc tuyệt vời".

Rồi 6 ngày sau ông đã đổi giọng. Ông ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước quy mô dịch bệnh.

Lúc này ông cố đóng vai trò như một tổng thống tập hợp mọi người trong bối cảnh đất nước "chiến tranh" với dịch.

Ông khẳng định chưa bao giờ đánh giá thấp mối đe dọa của virus và trấn an: "Đây là đại dịch. Từ lâu tôi đã hiểu đây là đại dịch trước khi nó được đánh giá là đại dịch mà".
Ngày 11-3, ông ban hành lệnh cấm các công dân đến từ các vùng có rủi ro nhập cảnh vào Mỹ trong 30 ngày.

Thế nhưng cùng lúc đó ông lại không huy động các nguồn lực mà Nhà Trắng thường sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, như báo New York Times đã ghi nhận.
Cách đây ba ngày ông mới bắt đầu làm như vậy và tuyên bố xây dựng các bệnh viện dã chiến.


TS Anthony Fauci (giữa) và ông Trump đến thăm phòng thí nghiệm văcxin của Viện Y tế quốc gia ngày 3-3. TS Anthony Fauci giải thích phải từ 12-18 tháng nữa mới có văcxin - Ảnh: UPI

Từ đó, ông tăng cường các thông điệp mơ hồ về biện pháp cách ly nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan.

Trong khi Thị trưởng New York Bill de Blasio kêu gọi điều động khẩn cấp hàng trăm máy thở và hàng trăm ngàn rồi sau đó là hàng triệu khẩu trang, ông Trump lại quả quyết muốn chấm dứt biện pháp giữ khoảng cách tiếp xúc nhằm thúc đẩy kinh tế.

Các phát biểu "chỏi nhau" giữa thị trưởng và tổng thống đã cho thấy một quốc gia giàu nhất thế giới lại bất đồng trong công tác chống dịch.

Ông Trump muốn bảo vệ kinh tế quốc gia

Hiện thời biện pháp phong tỏa do các thống đốc bang công bố đã ảnh hưởng đến gần 1/3 số dân Mỹ.

Chính quyền New York còn muốn nghiêm ngặt hơn nữa và kêu gọi phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không muốn áp đặt biện pháp như vậy bởi ông lo ngại tác động xấu đến kinh tế.

Tối 22-3 ông viết trên Twitter: "Chúng ta không thể tìm phương án tồi tệ hơn chính cái xấu xa đó".

Sau đó ông lại tuyên bố Mỹ phải mở cửa lại cho giới kinh doanh "rất sớm", "sớm hơn ba hoặc bốn tháng như người nào đó đề xuất".


New York trở thành tâm dịch của Mỹ. Trong ảnh là một nhà hàng gần nhà ga Grand Central (New York) hôm 25-3 - Ảnh: AFP

Để đối phó với khủng hoảng, ông đã đưa ra kế hoạch phục hồi "lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ" với khoản chi cứu trợ 2.000 tỉ USD, tức tương đương 10% GDP của Mỹ hoặc bằng một năm tăng trưởng của nước Pháp.

Ông tuyên bố muốn vực dậy kinh tế bằng mọi giá. Do đó, trái với ý kiến của giới y tế, trong đó có TS Anthony Fauci vốn là chuyên gia bệnh nhiễm nổi tiếng thế giới, ông chủ trương chấm dứt biện pháp giữ khoảng cách tiếp xúc từ cuối tháng 3-2020.

Báo Washington Post cho rằng ông muốn bảo vệ lợi ích riêng của mình vì bốn khách sạn lớn nhất và hai câu lạc bộ tư nhân của ông đã bị đóng cửa.

Song phát biểu của ông Trump lại bắt đầu tìm thấy phản ứng đồng điệu từ nhiều nhân vật bảo thủ như Phó thống đốc bang Texas Dan Patrick.

Ông này đã phát biểu: "Ông bà nên sẵn sàng chết để cứu lấy nền kinh tế dành cho cháu chắt của mình".


Biện pháp giữ khoảng cách được thực hiện nghiêm ngặt tại Ấn Độ. Trong khi đó ông Trump không thích biện pháp an toàn này - Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Trump chỉ lắng nghe chính mình

Đại dịch hay không đại dịch, Tổng thống Trump vẫn giữ phong cách lập dị của mình. Hồi đầu tháng 3-2020, ông không ngần ngại khẳng định văcxin ngừa SARS-CoV-2 sẽ có sẵn từ 3-4 tháng nữa.

Ngay sau đó TS Anthony Fauci "sửa lưng": "Chúng ta sẽ không có văcxin. Chúng ta chỉ mới bắt đầu thử nghiệm văcxin… Như tôi đã nói với ông, thưa ngài Tổng thống, phải mất 1 năm đến 1 năm rưỡi trước khi phân phối một loại văcxin hiệu quả và an toàn".

Mới đây hôm 23-3, ông Trump một lần nữa lại ca ngợi thuốc chloroquine trong khi việc sử dụng thuốc chống sốt rét này như liệu pháp điều trị SARS-CoV-2 còn là vấn đề tranh luận.

Ông nói trong cuộc họp báo hàng ngày: "Đây là quà tặng từ thượng đế nếu nó hoạt động".

Nghe lời ông ca tụng, một cặp vợ chồng ở bang Arizona đã ăn một muỗng chloroquine phosphate. Rốt cuộc ông chồng "ngủm củ tỏi" còn bà vợ phải nhập viện.

Trước vụ khủng hoảng y tế lớn chưa từng thấy trong lịch sử chính trị hiện đại, liệu ông Trump có xin ý kiến những người tiền nhiệm như họ vẫn thường làm trước đây khi xảy ra thảm họa thiên nhiên?

Ông Trump trả lời: "Tôi nghĩ chúng ta đang làm một công việc phi thường... Tôi không nghĩ mình sẽ học nhiều thứ nữa".

Chính vì vậy David Axelrod - nguyên cố vấn cho Tổng thống Barack Obama, đã chê bai ông với AFP: "Chúng ta có một thách thức lớn và một tổng thống rất tầm thường".


Bác sĩ nhiều bang ở Mỹ tích trữ 'thuốc điều trị corona'

Các bác sĩ tại nhiều bang của Mỹ đang tích trữ các loại thuốc được cho là có hiệu quả trong điều trị virus corona chủng mới bằng cách kê đơn thuốc cho chính họ và người nhà của họ, theo hội đồng dược phẩm của các bang ở Mỹ.


Nhiều bác sĩ tại Mỹ đang tự kê đơn các loại thuốc được cho là có hiệu quả trong điều trị COVID-19 cho bản thân và các thành viên trong gia đình - Ảnh: NYT

Báo New York Times ngày 24-3 cho biết việc tích trữ thuốc đang trở nên đáng lo ngại tại các bang Idaho, Kentucky, Ohio, Nevada, Oklahoma, North Carolina và Texas đến nỗi hội đồng dược phẩm tại các bang này phải ban hành các hạn chế khẩn cấp hoặc hướng dẫn về cách phân phối thuốc tại các nhà thuốc.

"Đây là vấn đề thật sự" - ông Jay Campbell, giám đốc điều hành của Hiệp hội Dược North Carolina, nói.

Các loại thuốc được kê đơn có khác nhau đôi chút giữa các bang, nhưng nhìn chung trong đó bao gồm các loại thuốc tiềm năng trong chữa trị COVID-19 mà Tổng thống Donald Trump đã đề cập trong bài phát biểu trên sóng truyền hình gần đây.

Hiện nay Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại thuốc nào đặc trị COVID-19. Một trong số các loại thuốc tiềm năng bao gồm chloroquine và hydroxychloroquine, thường dùng để trị sốt rét, viêm khớp.

Các dược sĩ đã đưa những câu chuyện liên quan đến việc bác sĩ tích trữ thuốc cho bản thân và gia đình lên mạng xã hội. "Tôi có nhiều đơn thuốc Plaquenil của các bác sĩ kê cho chính họ và gia đình. Làm như vậy có đạo đức không?" - một dược sĩ chia sẻ trên nhóm Facebook dược sĩ ngày 22-3. Plaquenil là tên một nhãn hiệu của thuốc hydroxychloroquine.

Một số người khác cũng chia sẻ kinh nghiệm tương tự và tỏ ra lưỡng lự trước những đơn thuốc như vậy.

"Tôi đã bị chỉ trích khi nói với người kê đơn thuốc cho chính mình rằng tôi sẽ không bán thuốc cho họ" - một người chia sẻ trên một nhóm dược sĩ khác trên Facebook.


Thuốc viên Chloroquine Phosphate - Ảnh: Shutterstock

Ông Carmen Catizone, giám đốc điều hành Hiệp hội Dược phẩm quốc gia, nói rằng hiệp hội dược phẩm các bang "đang cố gắng ngăn nạn tích trữ thuốc kê đơn và cố gắng cân bằng lượng thuốc mà các bệnh nhân thật sự cần".

Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) cũng lên tiếng kêu gọi chấm dứt nạn tích trữ các loại thuốc hiện dùng để chữa bệnh COVID-19, đồng thời yêu cầu tất cả y bác sĩ tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về mặt đạo đức nghề nghiệp.

Báo New York Times cho biết các hạn chế đầu tiên được bang Idaho áp đặt từ tuần trước sau khi ghi nhận một số báo cáo về sự gia tăng đáng kể của các đơn thuốc liên quan đến thuốc có hiệu quả trong chữa trị COVID-19. Bà Nicki Chopski, một quan chức chính quyền Idaho, cho biết nhiều đơn thuốc do chính bác sĩ kê cho bản thân và các thành viên trong gia đình, thường có số lượng lớn.

Theo quy định mới, các nhà thuốc chỉ cung cấp thuốc chloroquine và hydroxychloroquine nếu đơn thuốc có kèm văn bản chứng thực thuốc sẽ được dùng để điều trị bệnh COVID-19.

Bang Texas cũng áp đặt các biện pháp tương tự từ ngày 20-3, mở rộng thêm một loại thuốc trị sốt rét khác là mefloquine cũng như thuốc kháng sinh azithromycin. Ông Trump cũng đã đề cập đến thuốc này.

Trong khi đó, Hiệp hội Dược phẩm Kentucky ra hướng dẫn chung khuyến khích các dược sĩ "chuyên nghiệp hơn trong việc phán đoán" các đơn thuốc.


Những người vô gia cư ở đâu khi thế giới oằn mình chống COVID-19?

Không có nhà ở để mà cách ly, không có nước sạch để rửa tay và không có đủ thông tin, điều kiện để giữ bản thân an toàn trước virus, người vô gia cư đang là một trong những "mắt xích yếu" trong cuộc chiến với COVID-19 trên thế giới.




Mỹ có hơn 500.000 người vô gia cư, tập trung ở các thành phố lớn. Chính quyền bang California đã mở khu trú ẩn tạm thời và cung cấp xe kéo cho người vô gia cư để họ di chuyển đồ đạc đến nơi ở mới. Trong ảnh, một người vô gia cư đẩy chiếc xe chứa toàn bộ "tài sản" của mình ở bãi biển Venice (Los Angeles, California, Mỹ) - Ảnh: EPA

Sự xuất hiện của COVID-19 trong 3 tháng vừa qua đang khiến thế giới đảo lộn. Cùng với một loạt biện pháp phong tỏa ở nhiều cấp, thông điệp chung của các chính phủ đến người dân đều là "hạn chế đi ra ngoài, ở yên trong nhà và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang".

Nhưng có những đối tượng hoàn toàn không có điều kiện áp dụng những biện pháp này - những người vô gia cư, và họ có mặt ở mọi quốc gia, mọi nền kinh tế, trở thành một trong những nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Họ không có nhà ở, kiếm sống bằng cách ăn xin hoặc bán đồ vặt, ngủ trên vỉa hè đường phố, trong công viên, nhà ga. Khi các hoạt động kinh doanh và cơ sở công cộng đóng cửa vì dịch bệnh, họ sẽ không có thức ăn, không có nhà vệ sinh. Công viên, hè phố cũng có thể bị quá tải do không đủ chỗ ngủ.

Hiện các quốc gia đang tìm cách hỗ trợ nhóm dân này, bao gồm phối hợp với các tổ chức từ thiện, quân đội thiết lập nơi trú ẩn, đo thân nhiệt, cách ly ca nhiễm... Tuy vậy, đây vẫn là một thách thức lớn của mỗi quốc gia trong cuộc chiến chống COVID-19.




Tỉ lệ người vô gia cư và người dân sống tại các khu ổ chuột quá đông đẩy Ấn Độ vào tình thế nan giải trong cuộc chiến chống COVID-19. Không có nhà cửa, không có nước sạch, việc duy trì vệ sinh là điều không thể tại quốc gia này. Trong ảnh là một nhóm trẻ em vô gia cư tụ tập dưới chân một cây cầu tại New Delhi - Ảnh: AFP




Tính riêng tại Roma (Ý) có tới hơn 8.000 người vô gia cư. Khi Ý trở thành tâm dịch châu Âu, chính phủ phối hợp cùng các tổ chức từ thiện thiết lập các điểm cư trú tập chung, phát bữa ăn miễn phí và thường xuyên bổ sung thông tin về dịch bệnh tới nhóm dân này. Đến ngày 25-3, số ca nhiễm mới của Ý đang có dấu hiệu giảm rõ rệt so với những ngày trước đó - Ảnh: AF




Người vô gia cư ở Hong Kong thường tìm đến ngủ ở các cửa hàng McDonald 24 giờ nhưng cũng đang sống trong những ngày "không biết đến ngày mai" sau quy định đóng cửa nhà hàng trong ít nhất 2 tuần. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều người phải ra ngoài đường hoặc công viên để ngủ - Ảnh: AP


Một nơi trú ẩn tạm thời cho người vô gia cư ở Quito, thủ đô Ecuador trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: AFP




Một người vô gia cư ở Tehran, Iran được kiểm tra nhiệt độ ở cơ sở y tế. Iran hiện đang thiếu nghiêm trọng các biện pháp bảo vệ cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương trước dịch bệnh này: không có một cơ sở nào cấp phát nước rửa tay, khẩu trang, không có bảo hiểm y tế... - Ảnh: ANADOLU

Sky+ (Từ Internet-TTO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template