Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe của người dân tại TP Indian Wells - Mỹ hôm 26-3. Ảnh: Reuters
Covid-19: Mỹ có số ca nhiễm cao nhất thế giới
Tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch Covid-19 tại Mỹ đã tăng thêm 14.995 ca lên tổng số 81.378 ca vào ngày 26-3, cao hơn bất cứ quốc gia nào, kể cả Ý và Trung Quốc, theo Reuters.
Trung Quốc hiện đang xếp vị trí thứ hai với 81.285 ca nhiễm, theo sau là Ý với 80.539 ca. Tại Mỹ, ngày càng nhiều bệnh viện quá tải vì Covid-19 và 40% người dân đang sinh sống theo khuôn khổ của lệnh phong tỏa để ngăn ngừa sự lây lan của virus. Ít nhất 1.178 người đã thiệt mạng vì Covid-19 tại Mỹ, trong đó có khoảng 100 người trong 24 giờ qua tại điểm nóng New York, theo Trường ĐH John Hopkins.
Tổng thống Donald Trump hôm 26-3 cho biết ông sẽ đề xuất phân chia Mỹ thành các khu vực khác nhau, dựa trên mức độ rủi ro địa phương cao, trung và thấp.
Ông Trump không tiết lộ thời gian cụ thể nhưng nhiều khả năng động thái nêu trên sẽ được tiến hành vào tuần tới, khi các biện pháp phong tỏa đợt 1 hết hạn sau 15 ngày.
Các thống đốc bang có quyền ban bố hoặc gỡ bỏ lệnh cách ly hay các biện pháp hạn chế hoạt động đi lại, vì thế hiện vẫn chưa rõ lời kêu gọi trở lại hoạt động bình thường nhanh chóng của Tổng thống Trump sẽ được đón nhận như thế nào.
Được cảnh báo về sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế vì nhiều lao động Mỹ ở nhà, Tổng thống Trump tuần này đưa ra lời kêu gọi nêu trên.
Tuyên bố hôm 26-3 cho thấy ông chủ Nhà Trắng đang cân nhắc giải pháp gỡ bỏ lệnh phong tỏa linh hoạt và hạn chế ở các khu vực rủi ro thấp, thay vì điện rộng.
"Trong lúc chúng tôi tăng cường chống virus, người Mỹ trên khắp cả nước đang hy vọng ngày đó sẽ tới sớm khi họ có thể trở lại cuộc sống kinh tế, xã hội và tôn giáo bình thường" – ông Trump khẳng định.
Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ đề xuất phân chia Mỹ thành các khu vực khác nhau, dựa trên mức độ rủi ro địa phương. Ảnh: Reutersl
Hỗn loạn gia tăng trong các bệnh viện ở New York
TP New York đang trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Mỹ với hơn 960 ca nhiễm được xác nhận, trong khi các bệnh viện gồng mình đối phó.
Bác sĩ Matthew Morrison làm việc cho bệnh viện BronxCare, khu vực South Bronx, TP New York cho biết họ không có cách điều trị cụ thể dành cho bệnh nhân Covid-19, thay vào đó chỉ hỗ trợ ở mức tối đa trong khả năng cho phép.
Bệnh viện này đang lập khu cách ly dành riêng cho bệnh nhân Covid-19 giữa thời điểm nhiều người gặp phải triệu chứng ho đến xét nghiệm xem có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không, gây áp lực lên các nhân viên y tế. Hầu hết sau đó được đề nghị trở về nhà, tự cách ly. Còn xét nghiệm được thực hiện đối với những người mắc bệnh phải nhập viện.
Khó khăn mà các bác sĩ, y tá ở TP New York nói riêng phải đối mặt, đó là họ không am hiểu về dịch bệnh chết người đang diễn ra. Tất cả những kiến thức bây giờ chỉ là lên trang web Wikipedia để tìm hiểu về bệnh cúm Tây Ban Nha. Nỗi sợ hãi lớn nhất là nhận ra họ có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 bất kể lúc nào và bất kể hành động như thế nào.
Nhân viên y tế tại bệnh viện Brooklyn, TP New York. Ảnh: Reuters
Bác sĩ Jessica van Voorhees đến từ bệnh viện Methodist ở Brooklyn, TP New York, chia sẻ: "Lúc đầu, chúng tôi có một bệnh nhân, sau đó tăng lên 3 người, rồi gấp đôi mỗi ngày… Hiện có hàng trăm người bị ho, sốt và đau họng muốn xét nghiệm".
Đáng lo ngại, có những người mắc các triệu chứng nhẹ như sốt, đau nhức cơ thể, đau họng và ho, được yêu cầu trở về nhà cách ly. Tuy nhiên, ít ngày sau, họ quay lại bệnh viện với các triệu chứng nặng hơn, bao gồm một người đàn ông nhiễm virus nặng ở cả 2 phổi, phải nhập viện và thở oxy.
"Thông thường, khi bệnh nhân bị viêm phổi, họ nhập viện và sử dụng kháng sinh. Khi kháng sinh có tác dụng, sức khỏe của họ được cải thiện. Nhưng với Covid-19, không có phương pháp điều trị mà chỉ có hỗ trợ. Vì vậy, tình trạng của bệnh nhân ngày càng tồi tệ" – bác sĩ van Voorhees nói.
Các nhân viên y tế ở TP New York cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ. Hiệp hội Y tá bang New York trong một lá thư gửi Thống đốc Andrew Cuomo đã viết rằng khoảng 42.000 y tá không có thiết bị cần thiết để bảo vệ bản thân khỏi virus. Nếu họ và các bác sĩ bị cách ly hoặc mắc bệnh, các bệnh viện sẽ ngưng hoạt động.
"Nếu chúng tôi không nhận được thiết bị phù hợp sớm, chúng tôi sẽ bị bệnh. Lúc đầu, chúng tôi được yêu cầu chỉ sử dụng khẩu trang N95. Sau đó, họ bảo chúng tôi chuyển sang dùng khẩu trang phẫu thuật và che mặt, hướng dẫn cất khẩu trang đã sử dụng vào túi nhựa để tái sử dụng" – nữ y tá Michelle Gonzalez tại Trung tâm Y tế Montefiore, cho biết.
Trên toàn nước Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 tính đến hôm 26-3 là 68.594 ca, trong khi số ca tử vong là 1.036 ca.
Mỹ: Nữ nhân viên y tế nhiễm Covid-19 tử vong, bỏ lại con 4 tuổi trong nhà
Một kỹ thuật viên chụp quang tuyến vú tại Bệnh viện Piedmont Newnan nhiễm Covid-19 được tìm thấy chết trong nhà tại quận Coweta, bang Georgia – Mỹ và khi đó trong nhà có đứa con 4 tuổi.
Người phụ nữ tên Diedre Wilkes, 42 tuổi, tử vong từ 12 đến 16 giờ trước khi cảnh sát đến nơi và phát hiện thi thể ở phòng khách. Đứa con ở trong nhà vào thời điểm đó. Đội ngũ y tế tiến hành xét nghiệm Covid-19 và kết quả xác nhận nữ nhân viên y tế này dương tính. Nhân viên điều tra Richard Hawk cho biết Diedre Wilkes không có bất kỳ bệnh lý tiềm ẩn nào và đang khám nghiệm tử thi.
Tin tức về cái chết đau lòng này xuất hiện khi giới chức Mỹ thông báo tính đến nay, ghi nhận thêm 155 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết lên 935. Số ca nhiễm mới là 10.941, nâng tổng ca nhiễm lên đến 65.797 ca.
Diedre Wilkes là kỹ thuật viên chụp quang tuyến vú tại Bệnh viện Piedmont Newnan. Ảnh: NBC NEWS
Trong tình hình này, Nhà Trắng và Thượng viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận về gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD để hỗ trợ nền kinh tế nước này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19.
Ngay sau đó, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer xác nhận: "Chúng tôi đạt một thỏa thuận lưỡng đảng về gói giải cứu lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ". Ông Schumer nói thêm: "Rất nhiều người bị mất việc mà không phải do lỗi của họ. Họ không biết tương lai của mình sẽ ra sao và họ sẽ thanh toán các hóa đơn như thế nào. Chúng tôi đến giải cứu họ".
Sau khi được Thượng viện thông qua, dự luật này sẽ được chuyển tới Hạ viện Mỹ trước khi đệ trình lên Tổng thống Donald Trump ký thành luật.
Trước đó, chính phủ Mỹ cũng đã có hàng loạt động thái hỗ trợ kinh tế bằng những gói hỗ trợ trị giá hàng trăm tỉ USD, điển hình như gói hỗ trợ 300 tỉ USD dành cho doanh nghiệp nhỏ, chương trình tặng tiền cho công dân và kế hoạch đề ra là mức tiền có thể lên đến 1.200 USD/người tùy vào đối tượng.
Nhân viên y tế ra dấu qua phòng xét nghiệm Covid-19 quây kín ở Trung tâm Bệnh viện Brooklyn hôm 23-3. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, cựu Tổng thống Barack Obama hôm 25-3 chia sẻ trên Twitter rằng các chính sách cách ly xã hội cần được duy trì cho tới khi xét nghiệm Covid-19 được tiến hành rộng rãi hơn. Đính kèm dòng chia sẻ là bài viết về những gì đội ngũ y tế New York phải đương đầu của tạp chí New Yorker. "Đây là những gánh nặng mà các anh hùng y tế của chúng ta đã phải đối mặt ở New York" – ông Obama viết.
Dòng chia sẻ của ông Obama xuất hiện sau khi Tổng thống Trump tuyên bố thúc đẩy mở cửa nền kinh tế Mỹ trở lại vào ngày 12-4 sau những tác động do Covid-19.
Những tuần gần đây, cựu tổng thống Obama đăng tải các thông điệp về các biện pháp an toàn, giải thích lý do đằng sau những hạn chế để chống lại Covid-19 và chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng cho các cá nhân và tổ chức trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Sky+ (Từ NLĐO- Reuters -NBC News- The New Yorker)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn