Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

U23 Việt Nam – U23 UAE




U23 VN- U23 UAE- Thắng, thua hay hòa!?
U23 Việt Nam – U23 UAE



Sân vận động...




Hát đi em - KTĐN



Soi thành tích khủng của U23 Việt Nam



Công nghệ VAR áp dụng ở U23




Rất nhiều câu chuyện "hậu trường" của thầy Park, cầu thủ và đội tuyển đã được trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa quan sát tỉ mỉ suốt 2 năm. Và 3 bài báo dài mà chúng tôi đăng tải, chỉ là một phần nhỏ của những điều vô cùng thú vị phía sau cái tên của một người ngoại quốc góp phần quan trọng giúp bóng đá Việt Nam trỗi dậy. TẠI SAO ÔNG PARK KHÔNG ĐỌC LÝ LỊCH TRƯỚC KHI PHỎNG VẤN

Thanh An: Thưa ông Lê Huy Khoa, nhớ lại thì ông bắt đầu nhận công việc phiên dịch cho HLV Park Hang-seo từ bao giờ?

Lê Huy Khoa: Tôi và ông Park gặp nhau vào tháng 12 năm 2017. Nhưng tại sao lại có sự hợp tác này thì chính xác là bởi tôi rất thích bóng đá, nhất là bóng đá nội. Bản thân mình là người hâm mộ Việt Nam thấy đội tuyển trước đây cứ vào đến trận chung kết là thua. Thua cay thua đắng thì mình buồn và xót lắm. Có lúc mình đau nữa. Cảm xúc này phải là người hâm mộ bóng đá Việt Nam mới hiểu được.

Tháng 11/2017, tình cờ thôi, có thông tin rằng ông Park là người được VFF lựa chọn làm HLV trưởng cho tuyển nam quốc gia. Lúc đó tôi chỉ biết ông ấy là người Hàn Quốc, và mình thì rất vững tiếng Hàn, thế là tôi lập tức gửi hồ sơ cho Liên đoàn. Lúc đó tôi gửi thư điện tử. Chờ mãi không thấy người ta trả lời. Nóng ruột quá, tôi lại gửi một lá thư khác bằng đường bưu điện, chuyển phát nhanh đảm bảo.




Sau một thời gian VFF có liên lạc lại. Họ bảo: "Ông Park sang, mời anh ra phỏng vấn nhận việc". Thế là tôi liền bỏ tiền túi bay ra Hà Nội. Tôi còn nhớ chuyến bay đó hết cỡ sáu hay bảy triệu gì đó tiền vé. Hành lý tôi mang theo là háo hức và hồi hộp, như một sự mong chờ gì đó khó tả.

Ra đến Hà Nội, tôi đợi một đêm ở nhà người quen. Đến buổi trưa hôm sau VFF hẹn lên văn phòng để phỏng vấn. Hôm đó cùng phỏng vấn còn có nhiều ứng viên khác. Có người phỏng vấn về chuyên môn, có người hỏi nhiều thứ lắm, ông Park thì ngồi ở giữa, người của Liên đoàn ngồi xung quanh. Có vẻ như ông Park lo lắng nhất là từ ngữ chuyên môn và cách người phiên dịch thể hiện tư duy của ông qua chuyển ngữ từ tiếng Hàn sang tiếng Việt như thế nào.

Lúc này tôi mới vỡ lẽ ra là ông ấy không biết tiếng Anh, còn các anh Liên đoàn thì không biết tiếng Hàn. Như vậy, trong buổi phỏng vấn đó, tôi vừa là người được phỏng vấn, nhưng lại cũng là người dịch cho cả hai bên.

Thật ra trong hồ sơ của mình, tôi có nói rằng tôi là một người rất mê bóng đá, và có kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia vào các giải đấu bóng đá, các hoạt động từ thiện của các ngôi sao Hàn Quốc sang Việt Nam, nhưng cuối cùng tôi phát hiện ra ông ấy không đọc.




Ông chỉ quan tâm những yêu cầu thực tế tại lúc đó thì ứng viên có diễn đạt được hay không, kỹ năng trình bày, thần thái. Rồi ông còn hỏi về gia đình, tư cách đạo đức cá nhân, nhân sinh quan, hoàn cảnh sống, bố mẹ làm gì, vợ con làm gì… Tóm lại, ông ấy chẳng xem lý lịch. Ông Park có đặc trưng là như thế. Trước đó anh là ai, anh làm gì tôi không biết, tôi không quan tâm, tôi quan tâm lúc này anh làm việc như thế nào, thái độ ra sao thôi.

Buổi phỏng vấn không có kết quả ngay. Tôi quay về Sài Gòn và những háo hức ban đầu có thời gian lắng xuống. Nhìn lại điều kiện của mình thời điểm ấy, tôi nhận ra mình khó có thể trúng tuyển, vì nguyện vọng xin làm bán thời gian chứ không làm toàn thời gian được. Thực tế là ông Park thì ở ngoài Hà Nội, tôi lại sống và điều hành một trung tâm tiếng Hàn ở Sài Gòn…

Tôi nghĩ, vậy cũng đúng. Nhưng mà chỉ vì không thấy bất kỳ tín hiệu nào hồi đáp từ VFF, cho nên cứ có điều gì đó cứ thôi thúc mình. Và tôi quyết định phải gọi điện ra liên đoàn. Người ta trả lời: "Có thể là không anh ạ. VFF cần một phiên dịch làm fulltime. Anh thì tuyệt vời nhưng hơi tiếc anh không làm toàn thời gian được". Lúc đó coi như tôi đã mất hết hy vọng rồi. Thế thì thôi! Không sao, khi nào có điều kiện hỗ trợ được thì tôi hỗ trợ.

Đùng cái, một tuần sau người ta liên lạc lại và cho biết vẫn chưa tìm được phiên dịch đúng ý ông Park, nhờ anh giúp hộ cho đến khi nào tìm được người. Từ đó cho đến nay, hễ khi nào có kế hoạch làm việc, huấn luyện đào tạo hay vào các giải đấu thì tôi tham gia, hỗ trợ ông ấy. Thực lòng, tôi muốn cảm ơn ông Park và Liên đoàn đã lựa chọn tôi lúc đó.




THẦY PARK: “SAO TÔI HỎI MÀ KHÔNG AI TRẢ LỜI ? SAO HỌ CỨ IM LẶNG?”

Thanh An: Những ngày đầu làm việc với một ê kíp mới, lại thường xuyên sử dụng chuyên môn sâu về bóng đá, anh đã phải làm như thế nào?

Lê Huy Khoa: Tôi nhớ chuyến công tác đầu tiên với ông ấy là chuyến đi hai tuần xuyên Việt. Tôi, ông Park và anh Tuấn Phó phòng đội tuyển, ba người rong ruổi từ Hà Nội, xuống Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh xong lên Gia Lai, về Nha Trang, Đà Nẵng rồi thành phố Hồ Chí Minh… để xem các cầu thủ thi đấu như thế nào. Cứ rong ruổi như thế có chỗ thì đi máy bay, có chỗ thì đi ô tô, ngồi mà mệt mỏi luôn được.

Thời gian này, nói chung ông Park là người rất vui vẻ, hòa đồng. Nhưng khi bắt đầu vào giải đấu thì HLV Park Hang-seo là con người hoàn toàn khác, chỉ biết đến công việc và công việc. Ông ấy đòi hỏi mọi thứ 100% chỉ được tập trung phục vụ cho công việc.

Phải nói rằng dù đã có 20 năm làm việc với người Hàn Quốc rất thường xuyên nhưng thời gian đầu vào giải với ông ấy, tôi thực sự thấy áp lực. Mọi việc lúc đó căng thẳng lắm. Bạn hình dung từ sinh hoạt cho đến tất cả mọi thứ đều phải răm rắp như quân đội ấy. Đúng giờ dậy, đúng giờ mới ăn, đúng giờ xuất phát, đúng giờ làm việc… không sai 1 phút.

Tất cả hình thức sinh hoạt ở đời thường không tồn tại trong thời gian huấn luyện, nghĩa là không có sự tùy tiện hay những công việc cá nhân bên ngoài len lỏi vào. Tôi cũng hiểu rằng văn hóa người Hàn Quốc nổi tiếng nghiêm khắc, thậm chí bóng đá còn nghiêm khắc hơn, cứ như quân đội. Và bóng đá Hàn Quốc là nơi phần nào thể hiện rất rõ nét tính quân sự hóa hoạt động thể dục thể thao của xã hội Hàn Quốc. Cho nên thời kỳ đầu mình không quen, cũng khá ngỡ ngàng.




Trong thành phần ban huấn luyện (BHL) lúc đó tôi là người lớn tuổi, lại gần bên cạnh ông Park cho nên mình phải gương mẫu để ít ra các cầu thủ nhìn vào mà noi theo. Trên thực tế tại thời điểm đó, ông Park là một thế giới khác, cầu thủ và BHL người Việt là một thế giới khác, lạ lẫm và tìm hiểu nhau là chính. Tôi là người ở giữa, nhiệm vụ của mình là phiên dịch ngôn ngữ, đồng thời lại phải "phiên dịch" luôn cả tư duy, quan điểm và thậm chí là hành vi cho cả hai bên.

Tôi nhớ Thường Châu là giải đấu đầu tiên ông Park ra mắt khán giả Việt Nam, cũng là giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên mà tôi tham gia. Nó thực sự vất vả.

Vất vả là bởi vì cầu thủ họ mới, họ chưa hiểu chiến thuật và sơ đồ của HLV, chúng tôi tập liên tục ngày đêm gần 1 tháng. Huấn luyện viên mới, triết lý mới, nhiều khi họ không biết phải di chuyển thế nào cho đúng ý đồ. Hồi đó, có những lúc tôi phải làm việc trực tiếp với cả 3 huấn luyện viên. HLV thể lực, trợ lý số 1 là anh Lee Young-jin, và HLV trưởng Park Hang-seo. Phải nói cả 3 người xoay cho tôi kiệt sức và đau rát cổ họng hàng đêm. Riêng mỗi chuyện thế đứng, nhiều khi cũng phải dịch hướng dẫn đến cả một hai phút cho riêng một cầu thủ. Tập và dịch từng ly từng tý một như vậy. Sướng thì cũng sướng nhưng mà mệt.

Rèn kỹ thuật xong, HLV lại truyền đạt triết lý bóng đá của ông ấy, rồi đến sơ đồ chiến thuật… Phức tạp thực sự. Bóng đá không đơn giản như chúng ta nghĩ đâu. Mỗi sơ đồ là một vị trí riêng, mỗi sơ đồ là một yêu cầu riêng, mỗi sơ đồ là những con người riêng và rất đặc thù. Mà nếu cùng con người đó thì cầu thủ phải thay đổi lối chơi. Tham gia dịch sâu như thế này về bóng đá tôi mới hiểu rằng, bóng đá là một môn thể thao tổng hợp, nó đòi hỏi kiến thức ở mọi phương diện.

Mà hồi đấy tôi có hiểu gì về bóng đá đâu. Tôi chỉ là thích bóng đá thôi. Lại cũng chỉ thích bóng đá Việt Nam vì mình là người Việt Nam. Những khái niệm như chiến thuật rồi đội hình 3 - 5 - 2 nó khác 4 - 1 - 4 -1 ở những điểm nào? Di chuyển ra sao, yêu cầu từng người thế nào, tại sao phải dùng các sơ đồ đó?... Mình chịu!

Thời gian đó, nói thật là lấy thân mình làm thí nghiệm thôi, vừa học trên sân ban ngày, tôi lại phải tìm đọc tài liệu bóng đá trong nước và nước ngoài ban đêm để tìm hiểu thêm. Đương nhiên không phải để hiểu theo cách của các HLV, mà chỉ để phục vụ cho mình kiến thức nền nhằm đáp ứng công việc dịch thuật của mình cho thật chắc chắn. Đảm bảo mình dịch đúng. Hỗ trợ tối đa sự thông hiểu giữa ông Park và cầu thủ.




Thanh An: Ông có nói rằng thời điểm đó, HLV Park Hang-seo là một thế giới còn cầu thủ Việt Nam là một thế giới. Vậy sẽ có những điểm gì được gọi là kỳ lạ khi hai thế giới ấy gặp nhau?

Lê Huy Khoa: Ta đừng tưởng sự khác nhau phải là màu trắng màu đen. Có những khác biệt nhỏ thôi nhưng đúng chính xác là khoảng cách văn hóa, thói quen văn hóa rất khó để thu hẹp. Nó thậm chí tạo sự khác biệt rất khó để hiểu nhau.

Ví dụ như người Hàn Quốc nghiễm nhiên cho rằng, mọi câu hỏi được đưa ra thì người nghe nhất định phải đáp lại. Kể cả câu đơn giản nhất như "Đã hiểu chưa?" Nhưng người Việt Nam thì khác. Với dạng câu hỏi này, thường người Việt cứ thế mà im lặng.

Trên sân tập, ông Park sau mỗi lần trao đổi đều hỏi "Đã hiểu chưa?" Các cầu thủ nhà mình cứ đứng im không à. Không ai nói gì hết. Những lúc như thế ông ấy bực lắm. Ông ấy rất bực bởi vì cứ mỗi một lần im lặng như thế thì băn khoăn trong ông ấy lại lớn lên: "Sao tôi hỏi mà không ai trả lời? Như thế thì làm sao tôi biết cầu thủ đã hiểu hay chưa? Sao họ cứ im lặng?"

Nếu chỉ là người dịch bình thường thì mình kệ. Cầu thủ nói thì mình dịch, còn im lặng thì thôi. Nhưng như tôi nói từ ban đầu, tôi muốn mình là cầu nối giữa hai thế giới này.

Cuối cùng sau vài bữa ức chế như vậy, tôi phải tập cho các bạn ấy kỹ năng trả lời và giao tiếp với người Hàn Quốc. Khi HLV hỏi bạn bất kỳ câu hỏi nào, hiểu hay chưa hiểu, bạn đều phải phản ứng rõ ràng. "Dạ, chưa hiểu" hoặc "Hiểu rồi ạ". Và nhiều nhiều điều thú vị nữa.




BODY LANGUAGE CỦA ÔNG PARK PHẢI NÓI LÀ QUÁ ỔN

Thanh An: Có bao giờ cầu thủ sợ ông Park không? Yêu thì tôi thấy nhiều rồi còn sợ?

Lê Huy Khoa: Cầu thủ sợ chứ. Ông ấy có cái uy của người chỉ huy, có cái trách nhiệm của người anh, và cái tình của người cha. Cầu thủ sợ vì ông ấy rất nghiêm. Ông dặn là phải thực hiện.

Tôi được kể lại rằng ngày xưa, đã từng có HLV tuyển Quốc gia mà buổi sáng còn phải gõ phòng cầu thủ mời xuống ăn cơm. Còn bây giờ thì không có đâu. Đến giờ ăn mà không có mặt là thể nào cũng bị khiển trách. Ông Park quán triệt rất rõ ràng, quy củ chuyện giờ giấc và sinh hoạt chung. Muốn trên sân là một đội thì sinh hoạt cung phải là một đội. Thời ông Park, tinh thần "one team’ là giá trị cốt lõi của đội bóng. Ý thức được ông đánh giá hàng đầu, điều đó khiến cầu thủ cũng trở nên chuyên nghiệp hơn hẳn. Ngày xưa người ta còn bảo, ùi, cầu thủ ăn chơi thế này, nhậu nhẹt thế kia… Tôi theo đội tuyển 2 năm nay, thực sự là chưa bao giờ thấy cầu thủ đụng đến rượu. Họ uống ở đâu tôi không biết chứ trong thời gian sinh hoạt ở đội tuyển là tuyệt nhiên không. Nước uống có ga, có cồn cũng hạn chế uống chứ nói gì rượu. Chỉ uống nước lọc, nước hoa quả… Hút thuốc cũng không có ai.

Thực ra việc cầu thủ sợ HLV tôi nghĩ đó là điều tốt. Bởi vì sao? Bởi vì nếu HLV đưa ra chiến thuật mới, cầu thủ mà không sợ, người ta không theo chiến thuật đó đâu. HLV cũng không thể kiểm soát đội của mình được nữa. Mà không thực hiện được đúng chiến thuật thì chắc chắn khi thi đấu sẽ vỡ trận. Cho nên hiện nay, mỗi một cầu thủ đều đang cố gắng thực hiện tốt những gì ông Park chỉ đạo. Rồi cự li đội hình của Việt Nam thời điểm này rất kín kẽ. Cầu thủ thực hiện tốt vai trò, vị trí của họ trên sân ở mọi thời gian trong từng trận đấu. Nhìn vào những biểu hiện đó, tôi biết là các cầu thủ họ vừa nể, vừa sợ ông Park.




Thanh An: Rõ ràng là từ hai thế giới khác biệt, thầy trò HLV Park Hang-seo đã tìm được tiếng nói chung. Anh có sợ mình bị thất nghiệp không?

Lê Huy Khoa: Haha, không. Tôi là giáo viên tiếng Hàn, hết việc về tôi đi dạy thôi. Tôi chỉ biết rằng khi mà HLV và cầu thủ hiểu nhau hơn thì công việc của tôi đỡ vất vả hơn nhiều. Rất may cho tôi là sau hai năm ông Park huấn luyện, các cầu thủ Việt Nam bây giờ đã hiểu gần như toàn bộ những gì ông Park đưa ra.

Chúng tôi đang làm việc với các thuật ngữ chuyên môn bằng đủ loại ngoại ngữ, ngôn ngữ. Bằng ngôn ngữ cơ thể có, bằng ký hiệu có, bằng tiếng Hàn có, bằng tiếng Anh có, mà bằng cả tiếng Việt cũng có. Hay lắm. Những cái nào mà không biết thì nói tiếng Hàn thì thậm chí dùng cả tiếng Việt. Ví dụ như anh Lee chẳng hạn, anh ấy cũng đã học được những từ đơn giản của tiếng Việt. Bây giờ muốn yêu cầu cầu thủ "lật đi" chẳng hạn, anh ấy cũng nói là "lắt đi". Phát âm không đúng đâu, cứ ngọng ngọng lơ lớ nhưng cầu thủ vẫn hiểu.

Mà họ hiểu nhau đến mức bây giờ trên sân, chỉ cần thầy Park ra động tác một cái là họ đã biết rồi. Body language của ông Park phải nói là quá ổn. Các cầu thủ cũng rất cầu thị, thỉnh thoảng họ hỏi tôi để học thêm tiếng Hàn. Và cầu thủ bây giờ họ thông minh lắm, nói một lần họ nhớ à.

Ví dụ như có khoảng cỡ 100-200 câu khẩu lệnh trên sân tập bằng tiếng Hàn, thì hiện tại đến 50 câu là các cầu thủ đã biết rồi. Thật ra tiếp xúc với nhau hằng ngày 24/24 giờ,




NGƯỜI PHỤ NỮ YÊU VÀ XÓT CẦU THỦ VIỆT NAM KHÔNG KÉM GÌ ÔNG PARK

Thanh An: Cho đến nay, mối quan hệ giữa anh với ông Park nó đã là như thế nào rồi?

Lê Huy Khoa: Nói chung, ông Park đối với tôi hiện nay, chính xác là một người rất thân thuộc. Có lẽ là tôi đã quá hiểu ông ấy rồi. Và ông ấy ngược lại cũng quá hiểu tôi rồi. Vì đã làm việc quá lâu, quá gắn bó rồi, có những tâm sự riêng chẳng hạn, ông ấy nói riêng với tôi. Nếu không phải vào giải đấu, người ở Sài gòn, ở Hà Nội nhưng ông ấy và tôi liên lạc thường xuyên.




Ông ấy sống chân tình, thực thà, yêu Việt Nam hết lòng. Ông ấy rất thích ăn bún chả. Lạ một điều là cứ được đi ăn hàng bún chả nào về là ông ấy đều nhớ mãi cửa hàng đó. Nước mắm ông cũng thích… nói chung món ăn Việt Nam món nào ông cũng thích.

Gia đình ông ấy có một điều chung khá thú vị đó là ai cũng đều rất yêu Việt Nam. Tôi gặp bà xã ông ấy thường xuyên và qua cách họ đối xử với nhau, tôi nghĩ có lẽ ông bà ấy đã quá hiểu nhau rồi, họ luôn hỗ trợ và chia sẻ mọi điều họ yêu thích cho nhau. Bà Park yêu cầu thủ không thua kém gì ông Park đâu. Bà ấy xem bóng đá mà thấy Đình Trọng bị đốn chẳng hạn là bà ấy xót xa lắm. Bà ấy kêu lên: "Trời ơi mình à, thằng nhỏ có việc gì không?" Gia đình này có đặc điểm chung khi họ đã yêu ai là họ yêu hết mình. Yêu công việc cũng yêu hết mình.

Mà nói về thành công của ông Park ta đừng quên bà vợ. Bà Park là người rất hay. Người phụ nữ này quyết đoán như phụ nữ Việt Nam mình đấy.

Ông Park chia sẻ với tôi khi mà nhận được lời mời sang Việt Nam làm việc, thực ra ông ấy vẫn chần chừ. 60 tuổi rồi cho nên ông ấy khá lưỡng lự trong việc có nên đi ra nước ngoài để bắt đầu một thử thách mới trong công việc của mình nữa hay không? Các bạn trẻ đổi việc còn băn khoăn cân nhắc nữa là ông ấy nhảy việc.

Chính bà Park là người khích lệ chồng. Bà ấy chủ động liên lạc, tìm người đại diện và đưa ra ý kiến quyết định rất lớn trong việc ông ấy sang Việt Nam. Bà ấy ở thời kỳ đầu chính là đầu mối giữa ông Park với Việt Nam. Chi tiết cho cuộc trao đổi giữa bầu Đức và ông Park tôi không rõ, nhưng bà vợ là người tác động tư tưởng để chồng mình sang Việt Nam.

NGƯỜI VIỆT NAM CẦN HỌC ÔNG PARK VỀ SỰ DŨNG CẢM… KHỞI NGHIỆP

Thanh An: Nếu riêng bản thân anh, có những điểm gì anh nghĩ cần học từ ông Park?

Lê Huy Khoa: Nhiều chứ. Riêng cá nhân mình, tôi thấy có rất nhiều điều đáng học từ ông Park. Năm nay ông ấy 60 tuổi rồi mà còn dám ra nước ngoài khởi nghiệp. Sự dũng cảm đó có mấy người Việt Nam làm được? Thậm chí chúng ta có khi mới hai mươi tuổi hừng hực sức trẻ mà cứ bước nghĩ bước chân ra nước ngoài là sợ. 60 tuổi ông còn dám thử thách, mình thì làm gì cũng sợ. Tại sao lại thế?

Điều thứ hai là ông ấy rất tập trung và toàn tâm toàn ý cho công việc. Trong thời gian tập huấn chẳng hạn, ông ấy không tiếp khách. Trước những trận đấu quan trọng ông ấy không tiếp xúc với người ngoài. Trả lời điện thoại ông ấy cũng không trả lời. Ông ấy dành mọi thời gian cho bóng đá. Thứ ba là phương pháp làm việc hết sức khoa học và chi tiết. Mọi công việc ông ấy đều theo đúng kế hoạch mà làm. Phân chia vai trò rất cụ thể cho từng thành viên…

Và điều quan trọng nhất là mình phải học cho được là kỹ năng phân tích và phát hiện vấn đề cực chuẩn xác của ông Park. Ông ấy là người có khả năng tìm thấy điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề. Ví dụ như câu chuyện TINH THẦN VIỆT NAM chẳng hạn.




Đây cũng là lần đầu tiên tôi kể về cuộc họp đội trước lúc ra sân ở trận gặp Campuchia. Ông Park khẳng định với các cầu thủ rằng: "Các bạn thực sự là những chiến binh mà tôi và những HLV người Hàn Quốc muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ, và tôn kính đối với tinh thần của các bạn". Òa, nghe xong câu đó tôi hơi nghi ngờ. Tôi nghĩ việc gì phải dùng đến từ "tôn kính", dù chính xác tiếng Hàn mà ông Park nói là như vậy đấy.

Nhưng cũng trong tích tắc đó, tôi hiểu rằng: người nước ngoài mà người ta đã phát hiện ra trong bản thân người Việt có một sức mạnh tinh thần rất kinh khủng như vậy. Người nước ngoài người ta đã khai thác được sức mạnh nội tâm của người Việt như vậy, thì chẳng cần băn khoăn nữa, tôi dịch nguyên văn luôn!

Qua những đỉnh cao mà các cầu thủ lứa U22, U23 rồi ĐTQG đã vượt qua được nhờ sức mạnh TINH THẦN VIỆT NAM mà ông Park khơi lên, thì rõ ràng điều cần làm là chúng ta phải đốt tiếp, mạnh mẽ hơn cái tinh thần ấy. Mình phải làm thế nào để lan tỏa TINH THẦN VIỆT NAM ra các lĩnh vực khác đi chứ. Như vậy đất nước mình mới phát triển được.

Tại sao cứ phải chờ một người nước ngoài nào đó đến khai phá TINH THẦN VIỆT NAM của chúng ta ?

Mà nói thẳng, ngay trong bóng đá thôi, ông Park năm nay 60 tuổi rồi, ông ấy đâu có thể gắn bó với bóng đá Việt Nam lâu dài được nữa. Cùng lắm có khi cũng chỉ được 5 năm nữa thôi, mình phải tranh thủ mình học hỏi, lĩnh hội những gì hay của ông ấy. Đó mới là điều quan trọng.

Chúng ta cứ hay nói với nhau về lòng tự hào dân tộc. Nhưng chúng ta chỉ nói chung chung thế thôi. Người Việt mình có đặc điểm là cái gì cũng chung chung đại khái được. Cái gì cũng là "một số không ít", "phần lớn", "nhìn chung"…

Ông Park bảo, lòng tự hào dân tộc mà nói chay thì chỉ gây sự bối rối hoặc nhàm chán cho các cầu thủ thôi. Lòng tự hào dân tộc thì phải thể hiện bằng hành động ăn đúng giờ, ngủ đúng giờ, tập đúng giờ, đá đúng vị trí, chạy đúng cự ly, có trách nhiệm trong hành động… Anh phải làm được cụ thể như thế một cách hoàn hảo rồi anh mới tự hào được, dân tộc anh mới tự hào được.

Nhìn rộng hơn nữa, tôi mong muốn một ngày nào đó sẽ có một ông Park người Việt, hai ông Park người Việt hoặc nhiều hơn những ông Park người Việt có thể đứng ra lãnh đạo được đội tuyển quốc gia và thậm chí là dẫn dắt một đội tuyển nước ngoài nào đó. Ở bất kỳ đâu họ cũng sẽ làm được những việc đáng tự hào như ông Park đã làm. Được thế thì hình ảnh của đất nước Việt Nam sẽ đẹp hơn rất nhiều. Nó sẽ trở nên lộng lẫy hơn rất nhiều. Nó sẽ thắt chặt được hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, và nó góp phần tạo dựng nên những biểu tượng, những giá trị cho người Việt trong quá trình chúng ta hội nhập với thế giới.

Thực ra bài học của ông Park có lẽ đã đến lúc các chuyên gia ngồi phân tích lại, từ những việc làm của ông ấy mình có thể học được những gì?





Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: "Cởi đồ cầu thủ ra đi. Người đầy sẹo, chân biến dạng. Trời ơi, tội lắm"

"Thật sự là nhiều khi tao muốn bỏ bóng đá lắm, nhưng mà vì không biết làm nghề gì cho nó tốt hơn, cho nên vẫn theo thôi" – thầy Park đã có lần tâm sự như vậy về cái nghề khắc nghiệt nhưng đam mê khó cưỡng này.

Ở phần 2 cuộc trò chuyện, ông Lê Huy Khoa đã bật mí về sự lão luyện bậc thầy của HLV Park Hang-seo trong việc kích cầu tâm lý các tuyển thủ. Phần 3 - phần cuối của cuộc phỏng vấn này, là những chi tiết xúc động về mặt trái của tấm huy chương.

HÀ ĐỨC CHINH GẦN MỘT NĂM NAY CHƯA THỂ VỀ NHÀ

Thanh An: Tôi là người không am hiểu bóng đá. Tôi rất muốn biết tại sao những người như anh, dù đã có công việc kinh doanh thuận lợi, lại mê bóng đá đến độ sẵn sàng đi theo đội tuyển như vậy?

Lê Huy Khoa: Bóng đá có sức hấp dẫn riêng của nó. Nó hấp dẫn đến mức mà bất cứ ở đâu, làm ngành nghề gì, lúc vui hay buồn, thậm chí cả lúc chẳng có việc gì làm người ta vẫn có thể đưa bóng đá ra nói say sưa được. Mà chuyện về bóng đá là đủ thứ trên trời dưới đất, từ chuyện tốt đến chuyện xấu, từ chuyện sung sướng đến chuyện bực mình, từ chuyện có đến chuyện không có… Người ta nói đủ thứ. Chính vì thế tôi nghĩ rằng nó là mối quan tâm của xã hội.

Trên thế giới thì rõ rồi, ngôi sao bóng đá là ngôi sao đắt giá bậc nhất. Còn ở Việt Nam, bằng chứng cho thấy là những người tạo ra nhiều giá trị trong xã hội đều đang quan tâm thực sự đến bóng đá. Bầu Đức và Bầu Hiển là rõ rồi chứ. Thật ra những người có hàng nghìn tỷ ấy mà, tôi nghĩ họ đầu tư vào điều gì cũng đều phải là lĩnh vực cả xã hội quan tâm. Vì họ muốn thể hiện trách nhiệm của họ với xã hội. Tôi cho rằng họ phải rất mê bóng đá đấy. Vì cỡ không có tiền như tôi mà còn nghĩ được là thôi cố nốt đợt này đi tuyển, hôm sau về cày bừa kiếm tiền bù vào cùng vợ nuôi con. Đấy, từ một người nhỏ bé như tôi cho đến các ông Bầu nghìn tỷ, tất cả đều cảm thấy thỏa mãn khi đến với bóng đá.




Cái thứ hai nữa là thế này này, những người như cầu thủ, hay HLV khi tham gia vào bóng đá rồi thì họ không bỏ được đâu. Bởi vì sao? Sự gắn bó quá mức nó sinh ra hệ quả tất yếu là lệ thuộc. Mà với bóng đá, bạn không gắn bó, không hết lòng cho nó, bạn không bao giờ thành công cả. Mà gắn bó nghĩa là gì? Là phải quên hết tất cả mọi thứ khác, chỉ biết có bóng đá và đá bóng thôi. Một cầu thủ gắn bó tất cả với bóng đá, thành tài thành danh đến khi bước qua thời kỳ đỉnh cao là 28 tuổi rồi. Cả quãng đời từ 12 tuổi cho đến 28 tuổi họ chỉ biết có bóng đá cho nên họ rất khó học thêm bất cứ một nghề nào khác. Rất khó. Như ông Park còn tâm sự với tôi rằng:

"Thật sự nhiều khi tao muốn bỏ bóng đá lắm, nhưng mà vì không biết làm nghề gì cho nó tốt hơn, cho nên vẫn theo thôi". Bởi vì không biết gì ngoài bóng đá cho nên người ta phải theo là vì vậy. Đi làm cùng ông ấy tôi thấy đặc thù bóng đá đúng là như vậy.




Các cầu thủ cũng như thế, cũng phải theo vòng quay đó. Bạn đã bước vào trò chơi rồi thì bạn phải chấp nhận thử thách chứ. Như Hà Đức Chinh chẳng hạn, tôi biết rằng gần một năm nay chưa được về nhà. Nhà bạn ấy ở Phú Thọ, CLB lại ở Đà Nẵng, hết thi đấu rồi tập huấn, hết đá CLB xong thì đá các giải của đội tuyển… Với lịch tập huấn như thế này, Tết không biết có về được hay không ấy.

CÁI ĐAU VỀ THỂ XÁC CHƯA LÀ GÌ SO VỚI ÁP LỰC TINH THẦN CẦU THỦ ĐANG PHẢI VƯỢT QUA

Thanh An: Tôi đã từng thích xem bóng đá chỉ vì nhìn thấy trên sân các cầu thủ rất đẹp. Đến bây giờ tôi mới mang máng hiểu rằng để có một trận bóng hay đúng là có quá nhiều sự cống hiến và hy sinh!

Lê Huy Khoa: Ôi, bạn không biết đâu. Vết thương đầy ra, toàn vết sẹo lồi, vết mổ gối thôi… Người ta cứ ví von cầu thủ tài giỏi là những đôi chân vàng, rồi giải thưởng danh giá là chiếc giày vàng… sự thực ra bàn chân là chỗ xấu xí nhất trên người một cầu thủ. Nhiều cầu thủ chân biến dạng đi, có những ngón chân không còn cử động vì chấn thương, móng chân luôn được sơn màu đen vì tụ máu. Chân đi bằng chữ bát, đi vòng kiềng luôn. Các bạn cứ nhìn thấy đội hình mặc đồng phục trắng tinh hay đỏ rực rỡ, tóc xịt keo ngẩng cao đầu, hát quốc ca như thế… Cởi ra đi rồi biết, trên người toàn sẹo. Trời ơi, tội lắm.

Tôi nói ví dụ vừa rồi, chấn thương của Trọng Hoàng như thế, rách bươm cả 2 đầu gối kìa. Thành Chung vừa mới bị 3 mũi khâu ở ngay gần mắt, cạnh đó vẫn còn 3 cái sẹo khác nữa, những vết khâu cũ chưa lành. Nhiều lắm. Có nhiều cầu thủ chấn thương quanh năm suốt tháng tội lắm bạn ơi.




Như Tuấn Anh ấy, cầu thủ này là một thiên tài về xử lý bóng ở không gian hẹp, trong đội tuyển ai cũng công nhận. Quan sát cá nhân của tôi thì thấy bạn ấy xử lý vô cùng uyển chuyển, nhanh và cực kỳ hiệu quả. Dù có 3 - 4 đối thủ ập vào thì bạn ấy cũng không bao giờ rối, không bao giờ mất bóng. Đó là điểm tuyệt vời của Tuấn Anh. Nhưng cậu ấy suốt ngày chấn thương! Thương và đau lắm.

Mà cái đau về thể xác chưa là gì so với áp lực tinh thần cầu thủ đang phải vượt qua. Mọi người nhìn bóng đá với con mắt nhiều khi yêu quý quá mà thần tượng hóa, chứ thực ra sau tất cả, cầu thủ hôm nay chính là đại diện của những người bền chí vượt qua gian khổ. Bình thường một cậu bé khi chọn bóng đá hoặc bóng đá chọn nó, nghĩa là 12 tuổi phải xa gia đình, đi tập 7 - 8 năm trời mới thi đấu được. Bọn trẻ con hồi mới vào CLB để học, chúng nó nhớ nhà khóc inh ỏi cả tháng trời. Lúc đó, nó bắt đầu biết thể nào là khổ về mặt tinh thần. Khi đã thành danh, là cầu thủ bóng đá nổi tiếng, họ là mối quan tâm của xã hội. Nhiều khi họ gánh vác cả khát vọng của xã hội luôn. Lúc đấy đá penalty quan trọng mà trượt thì thôi rồi.

Nói thật, hôm đó về không chỉ mình bị chửi mà gia đình mình cũng bị réo tên, người yêu cũng bị vạ lây. Cầu thủ hôm đó, chắc chắn họ mất đi những phần tự tin cực lớn. Đá penalty mà quả đó khiến cho đội thua trận thì đừng nói gì nữa. Nhưng nếu mà đá vào được là ngược lại nhé. Chỉ một tích tắc thôi hoặc là lên thiên đường hoặc là xuống địa ngục. Những áp lực đấy, không là cầu thủ không ai hiểu nổi đâu.

CHUNG KẾT HAY KHÔNG LÀ DO CÁC CẬU. CÁC CẬU ĐÁ CHỨ TÔI CÓ ĐÁ ĐÂU

Thanh An: Để vượt qua quá nhiều những thử thách đó, các cầu thủ cần điều gì?

Lê Huy Khoa: Bản thân cầu thủ phải tự nỗ lực không ngừng trước đã. Sau đó, họ chỉ cần trao cho họ sự tin tưởng. Quá khứ thì tôi không biết, bởi vì tôi không gắn bó với bóng đá từ trước. Còn ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng các đội tuyển cấp quốc gia dưới thời HLV Park Hang-seo dẫn dắt là một thể thống nhất gần như tuyệt đối. Tất cả mọi thành viên thống nhất từ đồng phục, hành động đến tinh thần, mục tiêu, ý chí.

Tính thống nhất còn được thể hiện ở sự hỗ trợ từ Liên đoàn, từ các cơ quan nhà nước liên quan, từ chính phủ và đặc biệt là của người dân Việt Nam. Bây giờ người hâm mộ nhìn bóng đá với một niềm tin rõ ràng chứ không phải như ngày xưa nữa. Bước vào trận đấu không có những nghi ngờ rằng liệu có đá thật hay không, có bán độ hay không, có gì đó mờ ám hay dàn xếp hay không… Bây giờ tuyệt đối là không có.




Và thầy Park thì tin tưởng tuyệt đối vào học trò của mình. Niềm tin của ông giúp cầu thủ hiểu họ cần phải làm gì. Tôi nhớ có lần đi đá King’s Cup ở Thái Lan, Quế Ngọc Hải mới nói với thầy như này: "Sang tận đây mà chỉ đá có một trận rồi về thì phí quá, ta phải đá đến trận chung kết thầy ạ". Ông Park bảo: "Chung kết hay không là do các cậu. Đá là các cậu đá chứ tôi có đá đâu". Ý ông ấy rằng: trong quá trình huấn luyện, tập huấn tôi dạy hết rồi, dặn dò hết rồi, nhắn nhủ hết rồi, các bạn lên sân cứ thế mà thể hiện đúng những gì các bạn muốn có thôi. Ông Park luôn luôn tin tưởng cầu thủ.

Cái hay của ông Park là niềm tin không phân biệt chính phụ. Ở đội tuyển Việt Nam tất cả mọi người được ông ấy tin tưởng. Ông Park nói rằng: "tôi không xây dựng đội tuyển dựa vào một con người". Ông ấy chẳng quý ai đặc biệt, chẳng ghét bỏ ai, mọi người đều bình đẳng. Kể cả những cầu thủ ngồi ghế dự bị. Đối xử của ông ấy với các cầu thủ dự bị giống hệt như các cầu thủ quan trọng khác. Đó là cái rất hay để tất cả mọi người cùng ông ấy vượt qua thử thách.

CHIẾN CÔNG CỦA CÁC TRỢ LÝ VÀ SỰ CHU ĐÁO CỦA LIÊN ĐOÀN

Thanh An: Góc nhìn của anh về những trợ lý của ông Park? Cả những người đến từ Hàn Quốc và cả thành phần ban huấn luyện người Việt?

Lê Huy Khoa: Tôi nghĩ rằng một trong những yếu tố mang lại thành công lớn nhất trong thời gian qua của các đội tuyển bóng đá nam đó là bởi vì xung quanh ông Park có một đội ngũ những người trợ lý rất tài giỏi. Mà giỏi không là chưa đủ đâu, họ vừa giỏi lại vừa hết sức tâm huyết và đồng lòng.

Ví dụ nhé, càng làm việc thì tôi càng thấy anh Lee là một cận thần đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Anh này lạnh lùng, ít nói, đọc tình huống giỏi, phân tích cá nhân giỏi, luôn ở cạnh ông Park trong mọi trường hợp. Anh ấy là một con người toàn diện và sâu sắc. Ông Park có thể rối ở một vài trường hợp nhưng mà anh Lee tuyệt đối chưa bao giờ rối. Trong trận gặp Thái Lan có thể thấy ông Park đã bắt đầu lo lắng nhưng anh Lee vẫn bình tĩnh. Anh ấy nói: "thôi trường hợp này chúng ta làm như thế này, và cứ làm đúng như thế". Cuối cùng thì mình đã có được lợi thế. Các trợ lý người Hàn Quốc khác cũng là một thể thống nhất. Họ đoàn kết lắm, đồng lòng phò tá hết sức cho cấp trên của mình.

Còn các trợ lý Việt dưới thời của ông Park cũng là nhân tố mà chúng ta cần phải phân tích và đánh giá đúng vai trò của họ. Sau mỗi một chiến công chúng ta thường hay nói đến những người xuất hiện ở trên sân. Thực ra phía sau những thành công đó còn là rất công sức đóng góp cần được trân trọng. Tôi có cơ hội làm việc với khá nhiều trợ lý người Việt của ông Park. Đầu tiên là anh Lư Đình Tuấn, anh Nguyễn Đức Cảnh, sau này là anh Minh Quang, anh Thế Anh, anh Văn Đàn, Đinh Hồng Vinh, Danh Minh... Họ hết sức chuẩn mực về tư cách đạo đức, chuyên môn rất giỏi. Những tư vấn của các anh ấy dành cho ông Park thật ra nhiều khi rất hữu hiệu về sơ đồ chiến thuật, về bố trí con người. Ông Park vẫn nói tôi thành công vì nhờ có đội ngũ trợ lý giỏi mà.

Huấn luyện viên thủ môn như anh Cảnh hoặc anh Thế Anh chẳng hạn. Ông Park là huấn luyện viên trưởng của toàn đội nhưng việc đào tạo, huấn luyện thủ môn thì vai trò của các anh này rất lớn. Mọi người vẫn tính vui, mỗi ngày anh Cảnh phải sút cỡ 500 - 700 quả bóng vào gôn cho thủ môn chứ chẳng đùa.

Nếu như bà vợ ông Park đã mở ra cánh cửa mới cho chồng, thì đội ngũ trợ lý chính là những người cùng ông ấy tạo nên thành công đấy.

Sau họ vẫn còn có rất nhiều hỗ trợ khác nữa. Tôi nói ví dụ như là sự hỗ trợ từ liên đoàn cũng rất quan trọng.




Như đợt vừa rồi đi SEA Games, tất cả các đội khác sang đều ngỡ ngàng hết. Indonesia đợi ở sân bay đúng 3 tiếng đồng hồ mà vẫn không có xe. Việt Nam không bao giờ có chuyện đợi. Sang cái là có xe ngay, ra đến cửa là có người chỉ dẫn đưa về khách sạn luôn. Bởi vì sao? Bởi vì liên đoàn bây giờ họ cũng biết cách làm việc lắm. Họ làm việc rất bài bản.

Họ cử người đi tiền trạm trước từng sân đội tuyển sẽ thi đấu để kiểm tra xem tình hình sân bãi như thế nào. Họ lên phương án tính cự li giữa các điểm như thế nào? Từ khách sạn đến sân tập là bao xa? Từ khách sạn đến chỗ thi đấu có những điểm nóng gì?... Họ check cẩn thận từng ly từng tí một như thế. Làm việc chu đáo và bài bản. Tất nhiên đây cũng là một phần phong cách làm việc của ông Park dẫn đến việc Liên đoàn phải chuyên nghiệp hơn. Nhưng mà Liên đoàn hỗ trợ tối đa đấy. Sự hỗ trợ của họ, tôi nghĩ rằng ở thời kỳ này, đã mang lại điều kiện lý tưởng cho ban huấn luyện và các cầu thủ.

ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA: XUẤT SẮC CHUYÊN MÔN LẪN TƯ CÁCH ĐẠO ĐỨC, KỸ NĂNG SỐNG

Thanh An: Có vẻ như tất cả các thành phần của đội tuyển hiện nay đều đang trưởng thành cùng nhau?

Lê Huy Khoa: Chúng tôi đang vẫn tiếp tục chinh phục các đỉnh cao, và giới hạn vẫn chưa dừng lại. Chúng tôi như người leo núi, lúc leo thì rất mệt, nhưng cảm giác lên đến đỉnh thì rất hạnh phúc. Leo riết rồi bất kỳ ai trong đội cũng đều nhờ đó mà trưởng thành.

Đó là về chuyên môn, còn về tư cách đạo đức, về ý thức nghề nghiệp, có thể nói tuyển thủ quốc gia thời kỳ này đang là những đại diện ưu tú nhất cho bóng đá Việt Nam. Và không chỉ bóng đá thôi đâu, họ xứng đáng đại diện cho lớp trẻ Việt Nam đi hội nhập. Họ là những người xuất sắc. Họ đang trở thành những ngôi sao của xã hội theo đúng nghĩa của nó. Giống như một phong cách sống mới mà các bạn trẻ ngày nay muốn hướng tới.

Tôi nói ví dụ như sự thay đổi của đội trưởng ở các cấp độ đội tuyển, từ thời ông Park xuất hiện, suy nghĩ, hành xử của các thủ lĩnh như đội trưởng ĐTQG là Quế Ngọc Hải, U23 là Xuân Trường, U22 là Quang Hải đã thay đổi hoàn toàn. Người ta nhắc nhau, tâm sự với nhau, khuyên bảo nhau cùng tạo nên một tập thể rất đẹp, hoàn thiện lắm. Các cầu thủ của chúng ta bây giờ suy nghĩ về công việc rất chuyên nghiệp. Họ hiểu rằng nghề nghiệp có họ đang được mọi người quan tâm, nó mang lại thu nhập khá tốt và họ được mọi người yêu quý cho nên họ cố gắng giữ gìn lắm.




“SÂM KHÔNG PHẢI THẦN DƯỢC” VÀ BÍ QUYẾT BỀN BỈ CỦA NGUYỄN QUANG HẢI

Thanh An: Một câu hỏi rất tò mò của tôi, các cầu thủ nhà mình từ thời ông Park sang có dùng thêm sâm vào chế độ dinh dưỡng không mà sức khỏe cải thiện thế?

Lê Huy Khoa: Nói tầm bậy, người Việt mình không hiểu, đâm ra chém gió. Sâm có phải là thần dược đâu, cũng không phải doping đâu. Sâm chỉ là góp phần làm tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể thôi, nếu sâm là doping chắc chắn mọi người đã mua sâm ăn hết rồi.

Cầu thủ khỏe mạnh hơn tôi nghĩ phải nhìn từ gốc rễ của vấn đề đào tạo trẻ. Thứ nhất các CLB bây giờ họ tuyển chọn và đào tạo con người khá tốt. Chế độ ăn uống, đời sống sinh hoạt của Việt Nam cũng đang dần được cải thiện. Bạn thấy đội tuyển U22 không? Nền tảng thể chất tăng lên hẳn, đến mức bây giờ tranh chấp với các đội trong khu vực là mình ngang ngửa luôn. Cái thứ 2 là sự thay đổi chính từ Liên đoàn. Liên đoàn hiện nay đang đảm bảo cung cấp cho các đội tuyển chế độ dinh dưỡng, ăn uống, nghỉ ngơi rất chuyên nghiệp và khoa học. Rồi phương pháp huấn luyện, phương pháp phục hồi tốt, cũng rất quan trọng. Tôi cho rằng thể lực cầu thủ của chúng ta tốt lên một phần còn ở lối chơi nữa đấy.

Lối chơi hiện nay tạo cho cầu thủ nhiều cơ hội để thể hiện hết mình, vừa bứt phá vừa tích lũy sức bền. Những cầu thủ chạy liên tục trên sân như Quang Hải, nhỏ nhỏ thế thôi, lúc chạy mông cứ đánh tích tích tích tích hay lắm, nhưng mà sức bền của cậu ấy thì cực kỳ khủng khiếp.




Hơn nữa là họ có ý thức giữ gìn sinh hoạt cá nhân lắm. Ăn uống là như lập trình rồi, họ cố gắng ăn đầy đủ các nhóm chất. Cả đội không sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích. Như Quang Hải, những thứ rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích không đụng đến đã đành, thậm chí thức uống có ga cậu ấy cũng không chạm vào. Tuổi mới có 20 - 21, cơ thể được rèn luyện và giữ gìn hàng ngày, do đó, đội tuyển chẳng có sâm nào cả, suốt ngày ăn cơm như bình thường. Chỉ khác biệt là họ ăn uống điều độ, đúng lượng, đúng chất, đúng giờ. Không có chuyện thích ăn thì ăn mà chán ăn thì nhịn đâu. Luôn có người đi kiểm tra đầy đủ: "Hôm nay ăn không? Tại sao ăn ít như thế?"

NGƯỜI VIỆT NAM LÀM GÌ ĐỂ THÀNH CÔNG KHÔNG PHẢI DỪNG LẠI Ở BÓNG ĐÁ

Thanh An: 60 tuổi ông Park Hang-seo mới khởi nghiệp ở xứ người, và thành công rực rỡ. Bí quyết của ông Park và sự bền bỉ, chuyên nghiệp của các cầu thủ cho chúng ta bài học gì?

Lê Huy Khoa: Tôi chỉ muốn làm thế nào đó để tinh thần của bóng đá lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Bóng đá phải phát triển trong mối tương quan với các lĩnh vực đời sống xã hội thì mới có thể bền chặt và lâu dài. Vì thế tôi mong rằng mọi người hãy tìm hiểu bóng đá, tìm hiểu lý do thành công của bóng đá để ứng dụng vào các lĩnh vực mình đang làm việc, đừng chỉ sướng 2 - 3 ngày rồi lại hết, rồi lại thành ký ức, nếu thế thì đó là sự lãng phí của toàn xã hội. Chúng ta cần phải nói thẳng với nhau thế này, ông Park đã trở thành 1 biểu tượng của bóng đá Việt Nam, ở một mức độ nào đó là biểu tượng yêu quý của xã hội. Bây giờ đã đến thời điểm chúng ta phải phân tích nguyên nhân của thành công đó. Và người Việt Nam phải làm gì để thành công không chỉ dừng lại ở bóng đá? Điều đó thôi thúc tôi viết một cuốn sách về chủ đề này.




Thực ra, viết sách chẳng được bao nhiêu tiền đâu. Bản thân tôi là người đọc nhiều, rồi khi đi dạy tôi lại khuyến khích học viên của mình đọc nhiều. Muốn đọc nhiều thì phải có người viết ra cho mà đọc. Tôi háo hức viết là vì muốn chia sẻ cho mọi người góc quan sát rất gần và suy nghĩ rất chi tiết của mình về hiện tượng Park Hang-seo.

Tôi viết là vì tôi muốn người Việt Nam mình biết rằng, thực ra người Hàn Quốc với tư duy và cách làm của họ mà đại diện là ông Park, không chỉ có tốt cho riêng bóng đá đâu.

Chúng ta biết rằng 30 năm phát triển kinh tế của Hàn Quốc bằng cả quá trình phát triển 100 năm của châu Âu. Hàn Quốc có tốc độ phát triển thần kỳ về kinh tế, và các mặt khác trong xã hội, thể thao cũng thế. Hàn Quốc có 50 triệu dân thôi, nhưng đoàn Olympic của họ đứng thứ 5 thế giới. Bóng đá của Hàn Quốc là một thế lực bóng đá hàng đầu ở khu vực châu Á và là một trong số ít các đội bóng luôn góp mặt ở các vòng chung kết World Cup từ lâu lắm rồi. Vậy mình học là học cái hay chung của người Hàn Quốc để có được những thành công thần kỳ đó.

Thanh An: Xin cảm ơn ông!

Nội dung:
Thanh An
Photo:
Tuấn Mark, Hiếu Lương, Phong Anh
Thiết kế:
Đỗ Linh

Đỗ Xuân Thạnh- Sky+ (Ghi lại)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template