
Bìa cuốn sách với hình ảnh bà Loan (Đậu Thị Cúc) trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam
Độc đáo cuốn sách "Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng"
Các bạn xem 3 tập phim tài liệu: "Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng" phía cuối bài viết.
Một người bạn thiếu thời từ Hà Tĩnh sang Paris mang tặng tôi cuốn sách " Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng" của chị Isabelle Muller, một phụ nữ Pháp gốc Việt, sống ở Đức. Tôi đã đọc một mạch suốt cả đêm không ngủ cuốn sách dày 400 trang.
Cuốn sách viết về mẹ Loan của chị, tên thật là Đậu Thị Cúc, sinh năm 1929 ở một làng quê gần thị xã Hà Tĩnh – nay là thành phố Hà Tĩnh, mất năm 2003 ở gần thành phố Tours, Cộng hoà Pháp.
Cuốn sách thu hút tôi trước hết vì câu chuyện về một phụ nữ quê tôi và là một cuốn sách hiếm hoi tái hiện bối cảnh Hà Tĩnh thời thuộc Pháp. Theo các miêu tả rải rác ở phần đầu của truyện, nơi Loan trải qua tuổi thơ của mình, là một làng quê miền Trung làm nghề nông và săn bắn, có con sông chảy qua, cách không xa rừng rậm nơi cha của Loan vẫn vào đi săn và không xa biên giới Lào. Nơi đó cũng gần đường cái quan (quốc lộ 1A) và rất gần thị xã Hà Tĩnh (bây giờ là thành phố Hà Tĩnh), đủ để một cô bé 6 tuổi hằng ngày có thể đi bộ bê rổ kẹo kéo tới đứng bán rong trước cửa một rạp chiếu bóng (thời thuộc Pháp, thị xã Hà Tĩnh có rạp chiếu bóng tư nhân Tài Phán), gần chợ và gần bốt gác của Pháp ngày xưa.
Tôi tò mò hỏi tác giả nhiều hơn về làng quê đó nhưng chị không biết rõ làng quê đó thuộc huyện nào, vì chị chỉ hình dung và thuật lại theo lời kể của mẹ.
Loan đã trải qua tuổi thơ êm đềm, cho dù những bất bình đã ngấm ngầm trong cô từ bé, nhưng dù sao đó vẫn là những ngày êm đẹp trước khi phải từ bỏ gia đình và quê hương ra đi tìm chân trời tự do cho mình. Loan là một phụ nữ không an phận, nhất định không cam chịu. Ngay từ lúc còn rất nhỏ cô đã nhận ra sự bất công của một xã hội trọng nam khinh nữ, mà theo cô, người phụ nữ An Nam chẳng có giá trị gì so với người đàn ông An Nam (nhưng dưới thời nửa phong kiến nửa thuộc địa, so với một người châu Âu thì người đàn ông An Nam cũng vô giá trị như một người đàn bà, theo so sánh một cách mỉa mai của cô).
Trong gia đình người cha và anh cả có thể bất thình lình tìm một lí do để đánh đập dã man con gái hay em gái của mình không chút thương xót vì họ có quyền đó, có thể gả bán con gái hay em gái để đổi lấy một thửa ruộng và hai con lợn. Phụ nữ không có quyền đi học, chỉ có bổn phận lo việc gia đình, phục vụ những người đàn ông trong gia đình một cách cam chịu.

Một trang trong 400 trang sách về bà Loan
Mẹ của Loan là điển hình của những người phụ nữ như thế. Loan từ nhỏ đã có tư tưởng “nổi loạn” chống lại cái trật tự phi lý đó: Cô lấy trộm sách của anh để học chữ và chịu trận đòn khi bị anh phát hiện vẫn không chịu từ bỏ, dám đi ăn trộm đồ vặt để đổi lấy việc học chữ từ bọn con trai trong xóm, và “nổi loạn” lớn nhất là việc bỏ nhà đi, từ Hà Tĩnh ra Hải Phòng để phản đối cuộc hôn nhân mà nói đúng hơn là gả bán do bố, và sau đó là anh cả sắp đặt. Không cam chịu sự bất công và ngược đãi, cô trốn chạy để được tự do quyết định vận mệnh của mình.
Cô không chỉ chống đối sự bất công trong xã hội An Nam, mà khi cùng chồng sang Pháp, còn chống đối cả những kì thị sắc tộc xảy ra trong xã hội Pháp những năm giữa thế kỉ XX. Tôi nhìn thấy ở Loan tính cách của một con người xứ Nghệ: Chăm chỉ chịu khó, ham học, không chịu khuất phục và luôn mang trong mình tinh thần phản kháng quyết liệt chống lại bất công và áp bức trong cuộc sống đời thường, không chịu đầu hàng dù gặp bất cứ khó khăn nào, ý chí sinh tồn mạnh mẽ.

Bà Đậu Thị Cúc (Loan) thời trẻ (Ảnh: Isabellemueller.de)
Lịch sử được tái hiện dưới góc nhìn của một người dân bình thường không quan tâm đến chiến sự và chính sự. Loan không phải là một nhân vật lịch sử nhưng cô đã cuốn vào vòng xoáy lịch sử. Cuộc đời của cô đã trải qua những thời kỳ biến động của đất nước và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những biến động đó: Một đất nước có vua và bị Pháp đô hộ, việc cướp bóc của phát xít Nhật, nạn đói khủng khiếp, cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Nhật của Việt Minh, thất bại của Pháp ở Cao Bằng và Điện Biên Phủ, cuộc di cư vào Nam, việc rút chạy của quân Pháp...
Loan cũng không phải là một người có ước vọng cao xa, làm những điều to tát. Cô chỉ có mong muốn, trước hết là sinh tồn, sau đó là được làm một người phụ nữ bình thường, được quyền chọn lựa hạnh phúc của mình, làm một người mẹ bình thường chăm lo cho con cái. Nhưng cuộc sống của cô luôn bị bủa vây bởi cái nghèo, bởi chiến tranh, bởi hủ tục, bởi thói xấu và cả sự tàn ác của con người.
Trong cuộc đời của mình, Loan đã trải qua không biết bao thăng trầm, thử thách của cuộc sống. nhiều lúc như từ cõi chết trở về. Tuy nhiên sau mỗi lúc bị dập vùi, sau mỗi bất hạnh cô đều mạnh mẽ hơn lên, nhờ vào ý chí và nghị lực hiếm có, bằng tình yêu cuộc sống, bằng niềm tin vào tương lai và tin vào số phận định trước của mình.
Cuốn sách đề cập nhiều đến yếu tố định mệnh. Dường như cuộc đời của Loan là một chuỗi các yếu tố do định mệnh sắp đặt. Không biết bao nhiêu lần cô thoát chết chỉ trong gang tấc, dường như nhờ vào những ngẫu nhiên may mắn, “trong cái rủi có cái may”, hay nhờ vào linh cảm đặc biệt. Cuộc đời của Loan như được tái sinh nhiều lần, khi bị lính Nhật đâm kiếm vào bụng, khi bị anh trai đánh thập tử nhất sinh, khi gặp tai nạn tưởng như đã chết, khi bị cô ruột lừa bán cho nhà thổ, khi bị chó dại cắn, khi bị chồng chưa cưới phản bội, khi nhà bị đốt, khi bị tra tấn trong ngục, khi mất con gái đầu...
Khi đã sang Pháp đoàn tụ cùng chồng, số phận vẫn chưa buông tha Loan: Cuộc chiến khủng khiếp ở Algeria, cuộc sống bần hàn với việc chu toàn cuộc sống cho một gia đình có 5 đứa con khi chồng còn đi lính hay khi chưa tìm được một công việc thích hợp, sự ghẻ lạnh và phân biệt đối xử ở xứ người… Từ Đậu Thị Cúc (tên khai sinh) trở thành Loan (tên con gái) là một sự hoá thân, từ đây cô trở thành một người khác, mạnh mẽ hơn.

Isabelle Muller
Tác giả Isabelle Muller Trong cuộc đời đầy khổ đau của mình, có những gặp gỡ như là những cuộc gặp của số phận đã tiếp thêm sức mạnh cho cô, những người bạn, những người tốt đã giúp đỡ và cưu mang cô trong lúc khó khăn như ông Hương, như cô Bé, và cả những người đã mang đến cho cô năng lượng tinh thần mới như ông Phan, và trên hết là gia đình, những đứa con là nguồn động lực vô tận cho Loan để cô vượt trên hết mọi khổ đau và bi kịch, vững vàng xây dựng cuộc sống hạnh phúc và bảo vệ các con của mình.
Cuộc đời "bể dâu" của Loan cùng với những yếu tố định mệnh trong câu chuyện khiến tôi liên tưởng tới thân phận nàng Kiều của Nguyễn Du, bên cạnh đó nhân vật Loan đồng thời cũng lại rất gần với nhân vật Angélique nổi loạn trong tiểu thuyết Tình sử Angélique của Sergeanne Golon, một Angélique Việt Nam trong vai trò người mẹ, bản lĩnh đấu tranh vì những đứa con của mình. Trong quan niệm truyền thống Trung Hoa, Loan là biểu tượng của sự bảo vệ tuyệt đối.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, là người giúp cho cuốn sách của Isabelle Muller đến với độc giả Việt Nam.
Bà Trương Mỹ Hoa khám phá ra cuốn sách trong một chuyến công tác ở châu Âu vào tháng 8 năm 2016, khi gặp Isabelle Muller ở Frankfurt về việc hợp tác giữa Quỹ Học bổng Vừ A Dính do bà làm chủ tịch và Quỹ Loan của chị Isabelle Muller. Bà có sự đồng cảm đặc biệt với câu chuyện của Loan, cảm phục một người phụ nữ bình thường đã làm nên những điều phi thường, và cho rằng đây là cuốn sách mà thế hệ trẻ Việt Nam cần phải đọc để hiểu biết về lịch sử đất nước mình.
Isabelle Müller là con gái út của Loan, từ năm 6 tuổi chị đã được nghe những câu chuyện mẹ kể, đến năm 15 tuổi thì bắt đầu ghi chép các tư liệu về mẹ, và 30 năm sau, chị bắt tay vào viết quyển sách Loan - Từ cuộc đời của một con chim Phượng Hoàng. Năm 1990, chị trở về Việt Nam lần đầu tiên với mẹ, và từ 2016 là các chuyến đi thường xuyên để giúp đỡ trẻ em vùng cao Việt Nam. Tái hiện lại cuộc đời của mẹ trên những trang sách, đối với chị Isabelle Muller, đó là cách để chia sẻ một "di sản gia đình" và cũng là cách đưa mẹ trở về gần hơn với quê hương Việt Nam.
Việc làm của chị đặc biệt ý nghĩa hơn khi thành lập Quỹ Loan (Loan Stiftung), trong đó toàn bộ tiền nhuận bút từ cuốn sách (bản gốc tiếng Đức phát hành ở Đức và bản dịch tiếng Việt do Trương Hồng Quang dịch, Nhà Xuất bản Trẻ phát hành ở Việt Nam) đều đưa hết vào quỹ để xây dựng cơ sở hạ tầng cho học sinh miền núi cao Hà Giang và Cao Bằng. Từ trải nghiệm của hai cuộc đời, mẹ chị và chị về khao khát được hiểu biết, được học hành, chị đang xây dựng và phát triển Quỹ Loan với thông điệp: "Nếu như những thăng trầm của cuộc sống là nền tảng cho sự phát triển tâm hồn của chúng ta thì giáo dục chính là cơ sở cho một nền hòa bình vững chắc. Bởi bất kì ai đã từng thấy được vẻ đẹp thần thánh của thế giới này đều không bao giờ cho phép vẻ đẹp đó bị phá hủy".
Tác phẩm Loan - aus dem leben eines phönix bằng tiếng Đức từng lọt vào top 5 chung kết giải Kindle Storyteller Award năm 2015 tại Đức trong hơn 1.000 tác phẩm tham dự. Cuốn sách cũng từng lọt vào top sách bán chạy nhất trên trang Amazon Đức trong hạng mục Lịch sử châu Á, Văn học trẻ và Tự truyện.
Tác giả “Loan, từ cuộc đời của một con chim Phượng Hoàng” và hành trình đi tìm nguồn cội ở Hà Tĩnh
Một người phụ nữ sinh ra ở Hà Tĩnh và sống ở Pháp; một người phụ nữ Pháp có gốc gác Hà Tĩnh, sống ở Đức, quen biết nhau qua sự kết nối của một cuốn sách.
Tôi là độc giả, còn chị ấy là tác giả. Chúng tôi cùng đi vào cuộc hành trình tìm kiếm gốc gác và quê hương của Loan (tên thật là Đậu Thị Cúc), một người phụ nữ khác sinh ra ở Hà Tĩnh đầu thế kỷ XX.
Câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của bà đã được khắc hoạ trong cuốn sách của cô con gái út: Loan, từ cuộc đời của một con chim Phượng Hoàng. Tôi đã có dịp giới thiệu cuốn sách của chị Isabelle Müller trên Báo Hà Tĩnh.
Việc đi tìm gốc gác của Loan bắt đầu từ việc hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh thực hiện bộ phim tài liệu tái hiện lại cuộc đời của Loan, một người phụ nữ Việt Nam với một số phận điển hình trong giai đoạn đất nước trải qua nhiều biến động lịch sử từ đầu thế kỉ XX cho đến hết chiến tranh chống Pháp; đồng thời cũng điển hình cho số phận một Việt kiều Pháp gốc Việt vào thời kỳ cuối của chế độ thuộc địa, đã trải qua những khó khăn vất vả trong việc tạo dựng cuộc sống ở nơi đất khách quê người.
Nhưng bản lĩnh, sự kiên cường trong cuộc sống và sự kiêu hãnh của họ, nhất là ở một người phụ nữ bình dân như Loan, có thể coi là biểu tượng cho sự thất bại của Pháp ở Việt Nam cũng như sự thất bại của chế độ thuộc địa ở thời kỳ đó và là một điển hình cho sự vươn lên và khẳng định của người phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài.

Tôi tham gia vào việc chuẩn bị cho cuộc hành trình tìm về nguồn cội của chị Isabelle, một mặt do bị cuốn hút bởi câu chuyện của Loan, mặt khác vì quê mẹ của chị cũng là quê mẹ của tôi. Một vài chi tiết về không gian miêu tả trong sách cho phép khoanh vùng nơi ở của gia đình Loan, như tôi đã đề cập trong bài viết trước: nơi Loan trải qua tuổi thơ của mình, là một làng quê miền Trung làm nghề nông và săn bắn, có con sông chảy qua, cách không xa rừng rậm nơi cha của Loan vẫn vào đi săn và không xa biên giới Lào;
Nơi đó cũng gần đường cái quan (quốc lộ 1A) nơi người qua lại vào Nam ra Bắc có thể dừng chân ghé qua và rất gần thị xã Hà Tĩnh, khoảng cách đủ để một cô bé 6 tuổi hằng ngày có thể đi bộ bê rổ kẹo kéo tới đứng bán rong trước cửa một rạp chiếu bóng (thời thuộc Pháp), gần chợ và gần bốt gác của Pháp ngày xưa.
Làng đó, sau khi đoàn làm phim đến Hà Tĩnh, tìm hiểu qua một người con dâu 90 tuổi trong gia đình và qua người con của “bà cô xấu tính” mà Isabelle nhắc đến trong sách, thì chính là xã Trung Tiết, nay nằm trong khu đô thị Vinhomes, Hà Tĩnh.

Để thực hiện bộ phim này, đoàn làm phim của đạo diễn Nguyễn Hoàng đã chuẩn bị các thông tin và tư liệu để tái dựng lại cuộc đời của Loan, trong đó có quãng đời tuổi thơ của Loan ở Hà Tĩnh.
Về gia đình Loan, đoàn làm phim có thông tin cần thiết nhờ vào một lá thư của người họ hàng của bà Cúc gửi sang Pháp mấy chục năm trước, trên lá thư có ghi một địa chỉ ở huyện Thạch Hà. Điều may mắn là con cháu trong gia đình này hiện tại vẫn sinh sống ở đó. Tên làng sau những lần tách nhập đã thay đổi, nay là xóm Tây Đài, xã Thạch Đài (Thạch Hà).
Thông qua Hoa, một người bạn cùng quê, cùng lớp xưa, tôi nói chuyện điện thoại trực tiếp với anh Đậu Quang Duẩn, cháu nội người cậu cả của chị Isabelle.
Anh nói là vẫn thường nghe kể đến gia đình bà cô Đâụ Thị Cúcở Pháp và rất mong được gặp. Tôi gửi cho anh cuốn sách của chị Isabelle. Qua những trao đổi với anh, chúng tôi có manh mối để tìm ra nhiều người thân khác của bà Cúc.
Chúng tôi có không ít băn khoăn về một số thông tin, nhưng mọi việc đều được sáng tỏ khi chị Isabelle Müller trở về quê mẹ.
Đoàn làm phim của đạo diễn Nguyễn Hoàng cùng chị Isabelle có mặt ở Hà Tĩnh vào một ngày giữa tháng 2 năm 2019 để bắt đầu dựng lại cuộc đời bà Đậu Thị Cúc.
Đó là lần đầu tiên chị Isabelle đến mảnh đất đã gắn bó với tuổi thơ của mẹ. Một trong những cảnh quay chính ở Hà Tĩnh được quay ở Thạch Đài quê tôi.
Chị Isabelle nói với tôi: “Nếu gia tộc của em và gia tộc chị xưa kia mà quen biết nhau thì phải làm thêm một bộ phim nữa về mối nhân duyên này”.

Chị Isabelle chỉ biết Hà Tĩnh qua lời kể của mẹ từ mấy chục năm trước, lúc chị còn bé. Lần đầu tiên chị được trở về quê ngoại của mình, gặp họ hàng bên ngoại, những người gọi chị bằng bà, dì, bằng o (cô), cảm nhận được tình cảm thân thương của họ hàng.
Như một sự dẫn dắt của định mệnh và của người mẹ quá cố, chị đã gặp lại con cháu trong gia đình cháu nội của người cậu cả (ông Đậu Văn Quế), con trai của người cậu út (ông Đậu Xuân Lệ) và gia đình “bà cô xấu tính” và nhiều người khác.
Lần đầu tiên chị đã có thể thay mặt mẹ mình tha thứ cho những người đã đối xử bất công và độc ác với mẹ. Nén nhang chị thắp trước ngôi mộ của bà ngoại và người cậu cả đã xoá đi mọi kí ức đau buồn của hai phần ba thế kỉ trước, đem cả gia đình về lại bên nhau.
Nếu như cuốn sách của chị Loan, từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng thể hiện mong muốn đưa mẹ về gần hơn với quê hương Việt Nam, thì lần trở về này của chị như đã đưa mẹ thực sự về nơi chôn rau cắt rốn, về lại gia đình.
Hôm đó, tôi dậy từ lúc 4h sáng (giờ Paris) để theo dõi chuyến đi của họ, xen kẽ các cuộc liên lạc với bạn Hoa, với chị Isabelle và mỗi lúc lại phát hiện thêm một tình tiết mới thú vị. Qua tin nhắn tôi cũng cảm nhận được những xúc động của chị.
11h đêm ở Việt Nam sau một ngày nhiều cảm xúc, chị gửi cho tôi một ghi âm rất dài tường thuật lại những việc chị đã có thể làm ở Hà Tĩnh, mà đối với chị, gần như là trọn vẹn, có những việc hơn cả mong đợi.
Tôi nói với chị rằng chính mẹ Loan, và quê hương đã dẫn dắt chị. Chị đã có một buổi tối vui vẻ bên người thân lần đầu gặp mặt. Chị đã có dịp ở lại Hà Tĩnh một đêm, một giấc ngủ thảnh thơi giữa lòng quê mẹ.

Isabelle Müller ở quê hương Hà Tĩnh tháng 2/2019 (ảnh của đạo diễn Nguyễn Hoàng)
Buổi sáng của ngày tiếp theo, đoàn làm phim thực hiện thêm một số cảnh quay ở rạp hát, nơi cô bé Cúc lúc 6 tuổi vẫn thường ngày ngày mang rổ kẹo kéo ra đứng bán, rồi lên đường theo hành trình cuộc đời của Loan.
Phim thực hiện các cảnh quay ở Hà Tĩnh, Vinh, Nam Định, Hải Phòng (Việt Nam), Tours (CH. Pháp).
Đây là một bộ phim rất công phu được thực hiện bởi một ê kíp tên tuổi như đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hoàng, nhà văn Trầm Hương.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng đã dành hơn 40 năm để thực hiện hàng trăm bộ phim tài liệu, bằng tất cả sự say mê của mình, rất nhiều phim của anh đã đoạt các giải thưởng lớn, như: Giữa ngàn thác lũ (Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam, 1994); Cánh chim không mỏi (Bông sen vàng, Liên hoan phim Việt Nam, 1998); Mê Kông ký sự (Cánh diều vàng, 2007, Giải nhất Liên hoan phim ASEAN); Những cánh hoa ngược dòng (Huy chương vàng LHP truyền hình); Từ trái tim đến trái tim (Giải A Báo chí quốc gia, 2014)…
Loan, Phượng Hoàng tái sinh là bộ phim được chờ đón trong năm 2019. Đây là bộ phim đặc biệt kỉ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10, ra mắt ở TP Hồ Chí Minh từ 21 đến 23/10/2019 trên kênh TFS/HTV9.
Đặc biệt, phim được chiếu ở Hà Tĩnh ngày 25/10/2019 cùng sự kiện ra mắt với sự có mặt của đoàn làm phim và chị Isabelle Müller tại Hà Tĩnh.
Ngoài việc theo dấu hành trình cuộc đời của bà Đậu Thị Cúc, phim có thêm phần quay ở Hà Giang, nơi con gái bà, chị Isabelle Müller và Quỹ LOAN Stiftung do chị sáng lập đang thực hiện các dự án giúp đỡ trẻ em vùng cao.
Phim tài liệu:
Tập 1: Loan - Phượng hoàng tái sinh - Tập 1
Tập 2: Loan - Phượng hoàng tái sinh - Tập 2
Tập 3: Loan - Phượng hoàng tái sinh - Tập 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn