Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Hồng Kông: Phe thân Bắc Kinh thua nặng nề trong cuộc bầu cử hội đồng quận




Người dân xếp hàng tham gia bỏ phiếu. Ảnh: SCMP
Hồng Kông: Phe thân Bắc Kinh thua nặng nề trong cuộc bầu cử hội đồng quận


Kết quả bầu cử hội đồng quận ở Hồng Kông hôm 25-11 cho thấy phe ủng hộ dân chủ kiểm soát ít nhất 12 trong số 18 hội đồng quận với 278 ghế, phe thân Bắc Kinh chiếm 42 ghế, còn phe trung lập là 24 ghế.

Nhóm cử tri trẻ, nhiều người trong số họ đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính quyền gây náo loạn thành phố trong 6 tháng qua, được xem là những người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hội đồng quận khi số cử tri tham gia bỏ phiếu đạt mức kỷ lục là 2,94 triệu người.

Con số này chiếm 71,2% số cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu, tăng so với tỉ lệ 47% tvào năm 2015. Đây là cuộc bầu cử được tổ chức 4 năm một lần, dịp để cử tri Hồng Kông trực tiếp bầu ra người đại diện cho mình tại các hội đồng quận. Năm nay có khoảng 1.090 ứng viên ra tranh cử.

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên tại Hồng Kông kể từ khi làn sóng biểu tình trong thành phố nổ ra từ tháng 6-2019.

Phát biểu tại một điểm bỏ phiếu, Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam cam kết chính quyền sẽ tăng cường lắng nghe quan điểm từ các hội đồng quận.

Bà Lam cho biết bà vui mừng vì Hồng Kông có một không khí yên bình trong cuộc bầu cử và không muốn Hồng Kông rơi vào tình trạng hỗn loạn một lần nữa, hy vọng thoát khỏi tình trạng khủng hoảng để có một khởi đầu mới.


Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam phát biểu tại một điểm bỏ phiếu. Ảnh: SCMP

Mặc dù các hội đồng quận xử lý các vấn đề địa phương và không có tiếng nói trực tiếp về các chương trình nghị sự của đặc khu trưởng Hồng Kông nhưng chiến thắng lớn tại cuộc bầu cử này được xem là sự ủng hộ cho phong trào chống chính quyền bà Carrie Lam.

Các thành viên hội đồng quận trên thực tế không có nhiều quyền lực. Bầu cử hội đồng quận là cuộc bầu cử duy nhất hoàn toàn do người dân quyết định. Lãnh đạo đặc khu này và một nửa Hội đồng Lập pháp là do Bắc Kinh chỉ định.

Dù vậy, cuộc bầu cử này có tính chất quan trọng vì được xem như một thông điệp gửi đến Bắc Kinh và phản ánh mức độ ủng hộ của người dân với các lãnh đạo hiện tại của đặc khu.


Nhiều người đến từ sớm dẫn đến nhiều hàng dài người trước điểm bỏ phiếu. Ảnh: SCMP

Trong nhiều tháng biểu tình, những người biểu tình đã đập phá các cửa hàng của các doanh nghiệp bị xem là thân Trung Quốc, đốt cháy các trạm thu phí, chặn một đường hầm lớn và tham gia vào các trận đối đầu với cảnh sát, chống lại vòi rồng và hơi cay.

Hơn 5.000 người đã bị bắt trong những vụ bất ổn góp phần gây ra cuộc suy thoái đầu tiên của Hồng Kông trong một thập kỷ qua.

Các cuộc bỏ phiếu diễn ra hòa bình khi an ninh được siết chặt, hầu như không có bất kỳ ai mặc quần áo biểu tình màu đen hoặc đeo mặt nạ. Nhiều cử tri đã đến sớm để bỏ phiếu dẫn đến nhiều hàng người kéo dài trước các điểm bỏ phiếu.




(Theo SCMP, AP)

Bầu cử Hồng Kông: Phe ủng hộ Bắc Kinh thua ở 17/18 quận, chuyên gia Trung Quốc cảnh báo chính phủ điều gì?


Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đi bỏ phiếu bầu hội đồng địa phương, ngày 24/11 (Ảnh: K. Y. Cheng/SCMP)

Tính đến 9h sáng (giờ địa phương), phe ủng hộ dân chủ đã thắng tại 17/18 quận trong cuộc bầu cử hội đồng lập pháp quận ở Hồng Kông.

Trước đó, tất cả các hội đồng quận nói trên đều do các đại biểu của phe ủng hộ Bắc Kinh chiếm đa số và nắm quyền kiểm soát.

Theo kết quả cập nhật lúc 9h15 sáng nay, 25/11 (giờ địa phương), của đài Cable News Channel (Hồng Kông), phe ủng hộ dân chủ đã giành được 387 trên tổng số 452 ghế hội đồng lập pháp quận được đưa ra bầu cử, còn phía thân Bắc Kinh giành được 61 ghế - mất hơn 250 ghế so với cuộc bầu cử hồi năm 2015.

Các cuộc bầu cử hội đồng địa phương diễn ra trong bối cảnh biểu tình phản đối dự luật dẫn độ Hồng Kông nổ ra từ tháng 6 và đã leo thang, kéo theo bạo lực trong nhiều tháng qua.




Thắng lợi đến 80% số ghế hội đồng lập pháp địa phương của phe dân chủ được tiến sĩ Ma Ngok từ Đại học Trung văn Hồng Kông mô tả là kết quả "siêu thực". Trong đó, ít nhất 3 thủ lĩnh sinh viên - những người từng đứng đầu phong trào Chiếm lĩnh trung tâm năm 2014 - đã trúng cử các chức vụ ủy viên hội đồng quận.

"Người dân Hồng Kông đã gửi thông điệp vang dội và rõ ràng đến chính phủ [Trung Quốc] rằng họ ủng hộ phong trào xã hội, và không có thay đổi nào trong quan điểm của công chúng," ông nói - đề cập tình trạng biểu tình bạo lực gia tăng trong những tuần qua.

Bất chấp thắng lợi của phe dân chủ ở hầu hết các quận, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) nói rằng nếu tính theo tỉ lệ phiếu bầu, phe dân chủ giành được 57% số phiếu so với 41% của phe thân Bắc Kinh, cho thấy thắng lợi của họ "không phải là một sự áp đảo".

Ứng cử viên Junius Ho của phe thân Bắc Kinh, người bị đánh bại ở cụm bầu cử Tuen Men, nói họ "đã trải qua một kỳ bầu cử đặc biệt với những kết quả bất thường".

Sau nhiều tháng diễn ra biểu tình ở Hồng Kông, bầu cử địa phương là một bài kiểm tra về ý kiến cộng đồng và tâm lý dư luận. Các nhà phân tích cho rằng người dân Hồng Kông không hài lòng với những nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như đảng phái thân Bắc Kinh.


Những người ủng hộ phe dân chủ Hồng Kông ăn mừng thắng lợi trong bầu cử địa phương (Ảnh: AP)

Bắc Kinh cần đánh giá lại về Hồng Kông

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), kết quả bầu cử lịch sử lần này sẽ gióng "hồi chuông cảnh tỉnh" cho Bắc Kinh cùng các quan chức chính quyền địa phương.

Li Xiaobing, chuyên gia về chính sách Hồng Kông của Bắc Kinh, từ Đại học Nankai (Thiên Tân), cảnh báo chính phủ trung ương cần phải điều chỉnh lại những đánh giá của mình đối với tình hình đặc khu này.

"Chúng ta đã kỳ vọng sẽ có chuyển biến trong dư luận khi các cuộc biểu tình chống chính quyền chuyển thành bạo lực, nhưng điều đó không xảy ra," Li nói. "Chính phủ trung ương cần phải xử lý tình hình Hồng Kông theo cách thực tế hơn."

Theo ông, Bắc Kinh cần phải nỗ lực hơn nữa để giành lại sự ủng hộ của người dân bản địa.

Ông Li bình luận, cuộc bầu cử hội đồng địa phương ở Hồng Kông năm nay đã mang màu sắc chính trị hóa và cảm tính cao, đồng thời cũng là thử thách với những ủy viên thắng cử của phe dân chủ, bởi họ phải vượt qua lập trường chính trị để toàn tâm phục vụ cộng đồng và nếu không làm được điều này, cử tri có thể sẽ từ bỏ họ.

Li Xiaobing nhận xét chính quyền đặc khu Hồng Kông "có xu hướng phớt lờ các khủng hoảng tiềm tàng, và các cơ quan quản lý trở nên quan liêu và cứng nhắc".

"Kết quả bầu cử hội đồng quận thể hiện ra những yếu kém trong chiến thuật bầu cử. Chiến dịch của các ứng viên [thân Bắc Kinh] quá truyền thống và thiếu sáng tạo, đồng thời không thể chiếm được ủng hộ của dư luận. Phe thân Bắc Kinh còn thiếu động lực và sự bùng nổ, trong khi phe đối lập dễ dàng làm được điều đó," ông Li nói với tờ Hoàn Cầu.

Tác động của bầu cử địa phương đến lựa chọn trưởng đặc khu

Dù thành viên hội đồng quận chỉ có tiếng nói ở địa phương và không có nhiều tác động đến hội đồng lập pháp đặc khu cũng như việc lựa chọn trưởng đặc khu trong tương lai, song theo SCMP, thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử năm nay giúp phe dân chủ có quyền lực trong đại đa số hội đồng quận và chắc chắn có tiếng nói lớn hơn trong cuộc bầu cử trưởng đặc khu vào năm 2022.

Trong cơ chế bầu cử của Hồng Kông, 117 ủy viên hội đồng quận sẽ được tham gia Ủy ban bầu cử gồm 1.200 thành viên, chịu trách nhiệm bỏ phiếu cho vị trí đặc khu trưởng.

Với việc kiểm soát nhiều ghế ở các hội đồng quận, phe ủng hộ dân chủ có thể nắm chắc các vị trí nêu trên trong Ủy ban bầu cử trưởng đặc khu. Đặc biệt, SCMP chỉ ra, nếu tính cả 325 ghế khác thuộc Ủy ban mà họ có ảnh hưởng, điều này có thể khiến phe dân chủ trở thành một sức mạnh đáng kể trong cuộc bầu cử trưởng đặc khu tiếp theo.


Số phận Hong Kong sẽ thế nào vào năm 2047?




Lễ kỷ niệm 20 năm Hong Kong trở về Trung Quốc đại lục, ngày 12 tháng 7 năm 2017. Ảnh: Associated Press

Dịch từ bài “What Happens to Hong Kong When ‘One Country, Two Systems’ Expires in 2047“, đăng trên website Bloomberg ngày 28/8/2019.

Năm 1997, Trung Quốc giành lại chủ quyền đối với Hong Kong từ Anh theo một hiệp định cho phép thành phố này “được hưởng mức độ tự trị cao” trong 50 năm. Thoả thuận đó, được gọi là “một quốc gia, hai chế độ”, đã đi được gần nửa chặn đường cho đến ngày hết hạn.

Nhiều tháng hỗn loạn trên khắp đường phố Hong Kong vừa qua với hàng trăm ngàn người biểu tình chống lại sự xâm phạm các quyền tự do ở thành phố này, càng khiến người ta đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra vào năm 2047?

1. Đã có giải pháp pháp lý nào cho Hong Kong từ năm 2047 trở đi chưa?

Chưa. Hong Kong với 7,5 triệu dân sẽ mất quyền là một khu vực tự trị đặc biệt và không còn được hưởng các quyền tự do theo “tiểu hiến pháp”, còn được gọi là Luật Cơ bản. Số phận của Hong Kong sau đó sẽ do đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định.

2. Có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ý định của Trung Quốc không?

Gợi ý công khai duy nhất là của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2017, khi ông phát biểu trước Đại hội Đảng lần thứ 19 rằng “chúng ta nên đảm bảo rằng nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’ vẫn không thay đổi”. Một số nhà quan sát nhận định lời nói của ông Tập như bày tỏ quyết tâm kéo dài tình trạng này, hoặc là một cái gì đó giống như vậy.

3. Có những lựa chọn nào khác?

Hong Kong có thể sẽ chính thức sáp nhập vào Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa với một phiên bản cao cấp hơn đi kèm với việc được hưởng quyền tự trị vốn dành cho một số khu vực năng động của Trung Quốc, như đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Tuy nhiên, những đặc quyền của các khu vực đó liên quan đến kinh doanh và thương mại nhiều hơn là quản trị nhà nước hoặc tư pháp độc lập.

4. Vì sao Hong Kong lại trở nên như ngày nay?

Từng là thuộc địa của đế quốc Anh trong 156 năm, công dân Hong Kong đã không có quyền bầu ra nhà lãnh đạo của họ, nhưng vẫn được hưởng các quyền tự do khác. Điều đó giúp thành phố này trở thành một trung tâm kinh tế toàn cầu.

Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984 đặt ra các điều khoản về việc bàn giao, bao gồm việc đảm bảo về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thị trường tư bản và hệ thống thông luật của Anh. Nhiều người ở Hong Kong không muốn từ bỏ các quyền tự do đó và đòi hỏi quyền tự quyết cao hơn. Đòi hỏi này khiến Trung Quốc phải tăng cường khẳng định quyền lực của mình đối với các vùng lãnh thổ đầy biến động như Tân Cương, Tây Tạng hay Hong Kong.

5. Điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế?

Nền quản trị khác biệt của Hong Kong đã giúp nó trở thành cửa ngõ chính cho các nguồn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Một phần vì nhiều công ty toàn cầu không tin tưởng vào các cơ quan quản lý và hệ thống pháp lý của đại lục. Hoa Kỳ cũng coi Hong Kong khác biệt với phần còn lại của Trung Quốc trong các vấn đề thương mại. Vì vậy, nó được miễn thuế thời Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng lớn đã nói rằng họ sẽ xem xét lại tình trạng đặc biệt của Hong Kong nếu nhận thấy Trung Quốc đang phá hoại quyền tự trị của thành phố này. Luật Hoa Kỳ không nói gì về thời kỳ sau năm 2047.

6. “Một quốc gia, hai chế độ” có kéo dài được đến năm 2047? Nó là một sự sắp đặt phù hợp với Trung Quốc theo nhiều cách, bao gồm cả việc củng cố vị thế của Hong Kong như một trung tâm tài chính toàn cầu. Trung Quốc luôn để ý đến việc duy trì tình trạng thành phố này bởi vì nó được xem như là một hình mẫu tiến đến việc thống nhất Đài Loan.

Jonathan Robison, điều phối viên chương trình và trợ lý nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) đã viết một bài báo được đăng trên trang web của tổ chức này, lập luận rằng “một quốc gia, hai chế độ” không nên được coi là khuôn khổ cho nền tự do dân chủ, điều mà Hong Kong chưa bao giờ có được ngay cả dưới thời thuộc địa Anh. Chỉ nên coi nó như một sự dàn xếp mà đảng Cộng sản Trung Quốc có thể chấp nhận.


Ba văn bản về Hong Kong của Hạ viện Mỹ nói gì?


Phái đoàn của phong trào dân chủ Hong Kong họp báo với lãnh đạo Hạ viện Mỹ ngày 19/9/2019 tại Washington DC, Mỹ. Ảnh: The Strait Times

Để ủng hộ phong trào dân chủ Hong Kong, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói ba văn bản vào ngày 15/10/2019.

Ba văn bản này gồm có: Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Hơi cay và Công nghệ Kiểm soát Đám đông cho Hong Kong, và Nghị quyết Đồng hành cùng Hong Kong.

Trung Quốc dĩ nhiên không vui vẻ gì với động thái này. Ta hãy xem ba văn bản này nói gì.

Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong

Mang số hiệu H.R. 3289, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong (Hong Kong Human Rights and Democracy Act) là văn bản dài và phức tạp nhất trong số ba văn bản vừa được Hạ viện thông qua. Đây không phải là đạo luật mới hoàn toàn mà là đạo luật sửa đổi và bổ sung nội dung cho Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ – Hong Kong vốn đã có hiệu lực từ năm 1992 đến nay.

Một trong những mục tiêu đáng chú ý của đạo luật này là việc Hoa Kỳ sẽ hủy bỏ tư cách đặc biệt dành cho thành phố Hong Kong trong mối quan hệ thương mại với nước này trừ khi báo cáo thường niên của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công nhận chính quyền Hong Kong trong năm đó đã tôn trọng quyền con người và các nguyên tắc pháp quyền của thành phố. Tư cách đặc biệt này giúp cho Hong Kong được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với Trung Quốc đại lục.

Tuy nhiên, mục tiêu và phạm vi của đạo luật phức tạp và rộng hơn thế rất nhiều.

Một mặt, Hạ viện Mỹ khẳng định lại nguyên tắc và các cam kết ngoại giao của mình đối với Hong Kong. Những cam kết này bao gồm nhấn mạnh chính sách ngoại giao nền tảng của Hoa Kỳ là ủng hộ tiến trình phát triển dân chủ, xem trọng thực trạng nhân quyền tại Hong Kong.

Các nhà làm luật Hoa Kỳ cũng khẳng định Hong Kong phải nắm quyền tự trị thực tế và hiệu quả trong vùng lãnh thổ của mình nếu chính quyền thành phố này muốn họ tiếp tục được hưởng các chính sách đối xử ưu đãi hơn so với Trung Quốc đại lục. Chính quyền liên bang cũng sẽ quan tâm đến tình hình nhân quyền Hong Kong và chính quyền Hong Kong phải tuân thủ theo đúng Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh, Công ước Liên hiệp quốc về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.

Quan trọng nhất, phải kể đến việc Hạ viện Hoa Kỳ thống nhất ủng hộ “yêu sách tối thượng” của phong trào dân chủ tại Hong Kong, yêu cầu hệ thống chính trị Trung Quốc trao cho người dân Hong Kong quyền bầu cử thực tế chức danh đặc khu trưởng cũng như tất cả các thành viên của Hội đồng Lập pháp thành phố.

Mặt khác, đạo luật cũng đưa ra những chủ trương về thị thực để bảo đảm quyền lợi của các cá nhân tham gia vào hoạt động dân chủ tại Hong Kong. Họ khẳng định hồ sơ của người Hong Kong đủ tiêu chuẩn xin học tập và làm việc tại Hoa Kỳ sẽ không bị từ chối thị thực chỉ vì họ bị bắt giữ, xử phạt hay thậm chí là bị chính quyền Hong Kong xử lý hình sự có động cơ chính trị. Cụ thể hơn, thông thường các cơ quan đại diện ngoại giao sẽ có xu hướng từ chối thị thực cho những người từng có tiền án tiền sự, như Hoàng Chi Phong chẳng hạn. Tuy nhiên, vì vụ án có động cơ chính trị, chính phủ Hoa Kỳ sẽ không từ chối thị thực cho những người có hoàn cảnh tương tự khi tham gia vào phong trào dân chủ Hong Kong.

Không kém phần quyết liệt, đạo luật cũng yêu cầu chính quyền liên bang xác định và báo cáo cho lưỡng viện Quốc hội về các cá nhân có một trong các hành vi sau: (i) can dự vào những hành vi bắt giữ vô căn cứ hay tra tấn công dân Hong Kong; (ii) thực hiện hành vi hoặc đưa ra những quyết định vi phạm các nguyên tắc được xác định trong Luật Cơ bản và Tuyên bố chung; và (iii) thực hiện hoặc đưa ra những quyết định vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của chính quyền Hong Kong. Những cá nhân vi phạm các quy định nói trên sẽ có khả năng bị đóng băng tài khoản, cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ hay bị hủy bỏ thị thực đang có hiệu lực.

Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu hơi cay và công nghệ kiểm soát đám đông cho Hong Kong Được viết tắt và gọi là PROTECT Hong Kong Act, cái tên của đạo luật mang số hiệu H.R. 4270 này đã nói lên tất cả.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm đạo luật có hiệu lực, Tổng thống Hoa Kỳ có trách nhiệm dừng cấp giấy phép xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến hoạt động quốc phòng, hoạt động cảnh sát cho chính quyền và lực lượng cảnh sát Hong Kong.

Quyết định liên quan đến việc dỡ bỏ lệnh cấm phải thông qua Quốc hội. Tổng thống có thể đề xuất Quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm này nếu thỏa mãn hai điều kiện: (i) chứng minh được lực lượng cảnh sát Hong Kong không thực hiện những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong suốt một năm trước đó; (ii) một cuộc điều tra độc lập đã được thực hiện và xác nhận các kỹ thuật kiểm soát và giải tán đám đông của chính quyền Hong Kong không vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc nhân quyền quốc tế.

Nghị quyết Đồng hành cùng Hong Kong

Nghị quyết này (Stand with Hong Kong Resolution) không mang tính pháp lý bắt buộc, song nó thể hiện một cam kết quan trọng của cơ quan lập pháp Hoa Kỳ với phong trào dân chủ tại Hong Kong.

Trong đó, Hạ viện Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Hong Kong đàm phán nghiêm túc và chân thành với phong trào dân chủ của người dân Hong Kong để giải quyết cụ thể các vấn đề liên quan đến năm yêu sách của người biểu tình: (i) chính thức rút bỏ dự luật dẫn độ; (ii) thực hiện quyền bầu cử phổ quát; (iii) thành lập một ủy ban độc lập để điều tra các vi phạm nhân quyền của lực lượng cảnh sát Hong Kong; (iv) loại bỏ việc xếp biểu tình vào một loại hành vi bạo loạn; và (v) rút lại các cáo buộc hình sự mang bản chất chính trị đối với người biểu tình Hong Kong.

Ngoài ra, Hạ viện Hoa Kỳ lên án việc lực lượng cảnh sát Hong Kong sử dụng các biện pháp kiểm soát biểu tình không phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế (như tra tấn, đánh nguội, bắt giữ trái phép, sử dụng côn đồ hay kể cả bắn đạn thật); đồng thời lên án chính quyền Hong Kong trong việc chấp nhận và không xử lý những hành vi trên. Hạ viện cũng khẳng định chính sách “một quốc gia, hai chế độ” phải đảm bảo quyền tự trị cao của chính quyền Hong Kong cũng như quyền tự do dân chủ của người dân Hong Kong.

Triển vọng

Hiện nay, ba văn bản này mới chỉ được thông qua tại Hạ viện. Ngoại trừ Nghị quyết Đồng hành cùng Hong Kong không mang tính ràng buộc pháp lý, hai văn bản còn lại phải được Thượng viện và Tổng thống Donald Trump thông qua thì mới có hiệu lực.

Về mặt quy trình, hai đạo luật nói trên được kỳ vọng nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Thượng viện.

Ẩn số nằm ở Tổng thống Donald Trump. Ông từng nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và nội bộ Trung Quốc có thể giải quyết ổn thỏa vụ việc tại Hong Kong và có vẻ đối với ông này, tình hình nhân quyền tại Hong Kong sẽ chỉ là một trong các con cờ trong cuộc đàm phán chiến tranh thương mại với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump sẽ phải cẩn thận nếu ông thật sự muốn phủ quyết cả hai đạo luật này. Một khi bị phủ quyết, lưỡng viện Quốc hội có thể dễ dàng thông qua cả hai đạo luật với đa số tuyệt đối (⅔ số phiếu) và không cần chữ ký của tổng thống nữa.


Chân dung những người “tự đạp đổ nồi cơm” ở Hong Kong
Dùng vũ lực hay không dùng vũ lực?


Người biểu tình Hong Kong phá cửa xông vào trụ sở Lập Pháp Viện ngày 1/7/2019. Ảnh: Vox.

Trong cuộc vận động dân chủ vô tiền khoáng hậu của người dân Hong Kong năm nay, có một lực lượng đặc biệt chưa từng xuất hiện ở những phong trào trước đó.

Khác với đa số người Hong Kong thuộc kiểu “hòa lý phi” (hòa bình, lý trí, phi bạo lực), nhóm “dũng vũ” này chủ trương sẵn sàng sử dụng vũ lực đáp trả chính quyền.

Họ là những người bị truy đuổi đàn áp khốc liệt nhất trong số những người biểu tình. Họ cũng là hình ảnh được “vinh danh” trên những chiếc loa kèn tuyên truyền của Bắc Kinh, xem đó là tiêu biểu cho “bản chất phá hoại” của phong trào.

Họ đồng thời cũng là chủ đề gây nhiều tranh cãi trong chính nội bộ những người tham gia biểu tình, vì lo sợ các hành động cực đoan, ăn miếng trả miếng này làm mất đi tính chất hòa bình, mất đi sự ủng hộ của người dân trong lẫn ngoài nước.

Nhiều người, công khai hay âm thầm, trách họ hữu dũng vô mưu, không có đầu óc, dễ dàng bị kích động, rơi vào những chiếc bẫy chính trị, là cái cớ để chính quyền tăng cường đàn áp khốc liệt phong trào.

Trong số những nhóm “dũng vũ”, có một nhóm còn nhỏ hơn và gây tranh cãi hơn nữa. Nhóm này dường như không theo chiến thuật phổ biến của lực lượng tiền tuyến là “thủ” (dựng chướng ngại vật giữ trận địa) và “lui” (khi cảnh sát chống bạo động càn quét).

Thay vào đó, họ chủ động “công” có mục tiêu lẫn mục đích, và không ngần ngại mặt đối mặt với cảnh sát.

Những người “dũng vũ của dũng vũ” này được gọi bằng cái tên “đội Đồ Long”.

Tờ Stand News (Lập Trường) của Hong Kong đã phỏng vấn một nhân vật trong đội Đồ Long này nhằm phác họa ra chân dung của họ – những người biểu tình cùng lúc là trung tâm, lại thường xuyên bị gạt ra ngoài lề phong trào.

Người ta bắt đầu chú ý nhiều đến nhóm Đồ Long khi họ gây ra các vụ tấn công đập phá những cửa tiệm ở khu Tsuen Wan vào ngày Chủ nhật 25/8.

Nhìn qua thì đó là những hành động phá hoại không mục đích. Nhưng như George (tên giả), thành viên của đội Đồ Long giải thích, họ hoàn toàn chủ ý nhắm đến những cửa tiệm trên.

“Hôm 12/8, bọn xã hội đen cầm vũ khí núp từ trong những cửa tiệm này phục kích sẵn, tấn công người biểu tình. Chúng tôi nhớ rõ những vị trí này và cố tình nhắm đến nó.”

George cho rằng nguồn cơn của đợt tấn công trên tất nhiên là đến từ sự kiện khủng bố của băng xã hội đen nhắm đến người biểu tình tại ga tàu điện ngầm tối 21/7 và những đợt tập kích riêng lẻ như chém người vào ngày 5/8. Tuy vậy, anh không cho rằng đó là hành động “trả đũa”.


“Bọn xã hội đen chém bị Nhóm người áo trắng tấn công người biểu tình và người dân tại ga tàu điện ngầm ngày 21/7/2019. Ảnh: SkyNews.

Thương người khác, cảnh sát ngó lơ không xử lý. Chúng tôi chỉ là làm thay việc mà cảnh sát phải làm.”

Nhưng không phải người biểu tình nào cũng đồng ý với hành động “dùng vũ lực chống bạo lực” như vậy.

Thậm chí vào tối 25/8, khi nhóm Đồ Long tấn công các cửa tiệm, đã có người nghi ngờ liệu họ có phải là “quỷ” (từ trong tiếng Quảng Đông dùng để chỉ “nội gián”) do cảnh sát cài vào cố tình vu oan giá họa cho phong trào. Đặc biệt trong bối cảnh từ giữa tháng Tám, cảnh sát đã công khai thừa nhận sử dụng chiến thuật cài người trà trộn vào nhóm biểu tình để tiến hành bắt giữ.

George khẳng khái không quan tâm việc người ngoài nghĩ gì, và cũng chắc chắn đội của mình không có “quỷ”. Anh tự tin rằng sự nghi ngờ chỉ trích chỉ đến từ những người xem qua mạng đọc qua tin, còn những ai có mặt ở hiện trường đều hiểu những gì nhóm anh làm.

“Những người biểu tình ở hiện trường chẳng ai nghi ngờ chúng tôi, vì chúng tôi có mặt để bảo vệ họ, chống lại cảnh sát. Chỉ cần có mặt tận nơi, ai cũng có thể phân biệt được đâu là người đâu là quỷ.”

Anh nói như đinh đóng cột, “không tin, cứ việc tự ra hiện trường thì biết.”

Một trong những đặc điểm nổi bật của phong trào biểu tình ở Hong Kong lần này là phi-lãnh-đạo. Thay vì có một đầu mối tập hợp, những người biểu tình tự tổ chức các “tiểu đội” qua các mạng xã hội, công cụ liên lạc như Telegram, Whatsapp…

George tiết lộ đội Đồ Long có khoảng vài chục thành viên, so về số lượng nhiều hơn các tiểu đội khác, nhưng các thành viên không ai quen biết ai, và bình thường cũng không thường xuyên giữ liên lạc.

Chỉ ở trên hiện trường, họ mới nhận ra nhau qua các phương thức liên lạc và dấu hiệu riêng. Cũng giống như sự ngẫu nhiên tập hợp của những kẻ xa lạ, sự ra đời của đội Đồ Long cũng hoàn toàn tình cờ.

Khi nhóm xã hội đen chém người vào tối 5/8 rồi bỏ trốn, một số người biểu tình tình nguyện đi tuần khắp khu vực, rảo qua rảo lại suốt đêm cho tới sáng, cho dù họ biết xác suất tìm ra những kẻ gây tội ác gần như bằng không.

Những ngày sau đó, các thành viên tình nguyện này tự nhiên tập hợp lại cùng nhau tiếp tục việc đi ra tuyến đầu để bảo vệ những người biểu tình khác.

Là một tập hợp ngẫu nhiên, nhưng đội Đồ Long có tiêu chí riêng của họ: các thành viên toàn bộ phải là nam, có sức mạnh thể chất. Họ từng từ chối các thành viên nữ xin gia nhập, với lời giải thích có thể sẽ khiến một số nữ trung hào kiệt nổi giận, “nói thật, con gái dễ trở thành gánh nặng.”

Nhưng lý do cho sự từ chối đó lại rất thực tế và thể hiện đúng tôn chỉ “bảo vệ người khác” của những thanh niên này.

“Tôi nể sự quyết tâm và dũng cảm của các bạn nữ, nhưng họ không thể ra tuyến đầu.” George nhắc đến việc đã liên tiếp xuất hiện những lời tố cáo cảnh sát cố tình làm nhục những phụ nữ tham gia biểu tình bị bắt giữ, buộc họ phải cởi hết quần áo để lục soát mà không có lý do chính đáng nào, “rất nhục nhã, hoàn toàn không dành cho người ta một chút tôn trọng nào.” Anh cho rằng nữ giới một khi tham gia biểu tình sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn nam giới, đặc biệt khi bị bắt giữ và gặp phải cảnh sát lạm quyền như trên.


Người biểu tình Hong Kong tại quận Tsuen Wan, ngày 25/8/2019. Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images.

Ngoài việc chỉ toàn nam, đội Đồ Long còn có một “đặc điểm” khác: gần như các thành viên đều có xuất thân từ những gia đình đổ vỡ, hoặc quan hệ trong gia đình rất lạnh nhạt.

Bản thân George lớn lên trong một gia đình đơn thân, tự lập từ sớm, và cũng rất ít khi liên lạc với người nhà.

“Những người như chúng tôi, trưởng thành hơn, độc lập, biết nghĩ. Còn gia đình thì có cũng được không cũng được, chẳng cần thiết lắm. Cũng buồn chứ, nói ra như vậy.”

“Mà càng vì vậy – George nói – tôi càng sẵn sàng hi sinh cho ngôi nhà Hong Kong này. Những người có năng lực như chúng tôi mà không ra mặt, không lẽ để cho tụi nhỏ phải gánh trách nhiệm.”

Nói xong, George cười sảng khoái. Tiếng cười giòn tan của cậu thanh niên trẻ khiến người ta nhớ ra việc anh chỉ mới 21 tuổi, cái tuổi mà trong mắt rất nhiều người, cũng chỉ là “tụi nhỏ” giống vậy.

Ngay cả cái tên “Đồ Long” (giết rồng), nghe qua là biết để đối chọi với biệt danh “Tốc Long” của đội cảnh sát đặc nhiệm chống bạo động, cũng chỉ là “cái tên gọi chơi cho vui thôi”. Nó bắt nguồn từ ý tưởng của một thành viên, nhắc đến tên bộ phim hài nổi tiếng của Châu Tinh Trì, “Đào học uy long”, kể về các học sinh quậy phá chống lại bọn khủng bố quốc tế.

George tất nhiên không nghĩ mình là tụi nhỏ. Anh cũng không xem mình là người trưởng thành.

“Những người trưởng thành có gia đình riêng, phải lo tiền thuê nhà, lo nuôi các miệng ăn, đám chúng tôi thì không có những nỗi lo này.”

Tuy không phải lo những chuyện “trưởng thành” đó, những người như George không phải không có gì để mất.

Anh đã quyết tâm nghỉ việc để toàn tâm toàn ý “đấu tranh”. Lý do rất giản dị, “cảm giác tội lỗi”, khi có một lần vì bận công việc, anh không đến dự một sự kiện chiếu phim của phong trào phản kháng, và kết quả những người tham gia ở đó bị tập kích tấn công.
“Nếu lúc đó tôi có mặt thì đã ngăn được chuyện này.”

Tự tin vậy?

“Tôi rất tự tin vào thể chất và khả năng chiến đấu của mình.”

Bỏ công việc cố định để dành thời gian cho phong trào đấu tranh, George xuất hiện ở khắp nơi, kể cả những sự kiện hòa bình như các buổi chiếu phim, trang trí các bức tường Lennon, để bảo vệ những người biểu tình “hòa lý phi”.

Trong mắt những người biểu tình, những người như George là “dũng sĩ”. Trong mắt của chính quyền, của những người thuộc phe “bảo hoàng”, và đặc biệt là trong chiếc lưỡi bò khổng lồ của truyền thông cộng sản, những người như anh lại là minh họa điển hình cho “phế thanh” (đám thanh niên bỏ đi): bị kích động, vô công rỗi nghề, gia cảnh kém, suốt ngày lang bạt đi phản kháng.

George gạt phăng, “công việc tôi làm, mỗi tháng lương gần 30.000 đô-la Hong Kong (gần 4.000 đô Mỹ), đám bỏ đi nào làm được vậy? Toàn nhảm nhí.”

Nhưng có một thứ mà những người như George đã sẵn sàng “bỏ đi”.
Họ đều sớm viết sẵn di chúc.

Di chúc đó không phải dành cho gia đình, mà để dành cho “những người bạn yêu hòa bình ngồi nhà xem mọi thứ qua tivi.”

Thật khó tưởng tượng một người được dán nhãn “cực đoan” (radical) như George, chỉ mới hơn hai tháng trước vẫn còn là một “hòa lý phi” đúng nghĩa.

Các cuộc biểu tình hòa bình với hàng triệu người tham gia vào tháng 6 anh đều có mặt. Nhưng phản ứng của chính quyền và hành xử của cảnh sát khiến anh thay đổi tất cả.


Cảnh sát bắn đạn hơi cay vào đoàn biểu tình ngày 11/8/2019. Ảnh: Anthony Wallace/AFP/Getty Images.

Ngày 12/6, lần đầu tiên cảnh sát sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán người biểu tình. George tận mắt chứng kiến đạn hơi cay bay đầy trời, “rất thê thảm, nhiều người nằm dưới đất lăn lộn, không thở nổi, tội nghiệp lắm.”

Những ngày tiếp theo, chính quyền tiếp tục dửng dưng xem thường yêu cầu thay đổi của người dân, cảnh sát thì không ngừng nâng cấp “đối thọi”.

Nó khiến George “giác ngộ”, không bận tâm đến những chỉ trích về phương thức đấu tranh của mình.

“Chúng tôi muốn đánh thức càng nhiều người hơn nữa, muốn họ bỏ đi giới hạn trong đầu mình.”

Lẽ nào chống lại ác quỷ, bắt buộc ta phải biến thành ác quỷ?

“Đối phương đã bỏ đi giới hạn lẫn đạo đức, tại sao chúng ta lại để đạo đức với giới hạn khóa tay khóa chân mình?”

Những người như George tự bỏ đi giới hạn, tự “nâng cấp” hoạt động của mình.
Từ những “vũ khí” ban đầu là chai nước, là chiếc dù, đến viên gạch lát đường, đến cây sắt, từ việc phòng thủ rút lui đến việc chủ động tấn công, liệu các bạn có còn tiếp tục nâng cấp?

“Có, ví dụ trong trường hợp cảnh sát bắn đạn thật vào người biểu tình.”
Anh không nói rõ mình sẽ “nâng cấp” kiểu gì trong trường hợp trên. Nhưng qua các hành động chủ động tấn công “căn cứ” của nhóm xã hội đen, người ta không khó tưởng tượng ra sự leo thang này sẽ đến đâu.

George không ngây ngô đến mức nghĩ rằng mình đủ sức đấu lại chính quyền.
“Đây là đang đánh trận”, nhưng anh hiểu rõ, một khi cảnh sát dùng đến súng đạn thật, “trận chiến” này không có cách nào đánh nổi.

“Ừ, nhưng vẫn phải đánh. Tôi thà chết chứ không chịu ngồi tù mười mấy năm.”

Anh cũng hiểu rõ “kẻ thù” của mình là ai.

“Nếu có lựa chọn, chẳng ai muốn đi đến bước đầu rơi máu chảy cả. Bây giờ chỉ là người Hong Kong đang đánh người Hong Kong.”
Trong số bạn bè của George, có cả cảnh sát, thân thiết đến mức “nếu lấy vợ sẽ kiếm nó làm phù rể”.
Nhưng kể từ khi phong trào phản kháng của người Hong Kong bắt đầu, anh em bạn bè cũng từ mặt nhau. “Nó đã chọn con đường của nó rồi. Mọi người chỉ còn gặp nhau trên chiến trường thôi. Chẳng cần phải nói nhiều làm gì.”


Dưới con mắt của chính quyền đặc khu, những thanh niên như George là thủ phạm muốn “phá hủy Hong Kong”. Dưới con mắt của chính quyền Bắc Kinh, họ là những kẻ hoang tưởng định “bắt cả Hong Kong làm con tin”.

Một chính quyền giả câm giả điếc trước những yêu cầu của người dân, dùng cảnh sát để trấn áp họ, ngồi trốn trong các tòa nhà nguy nga, bình thản ngắm xung đột không ngừng leo thang, lại có thể bảo người dân là thủ phạm phá hủy đất nước.

Một đảng độc tài cầm tù hàng tỷ người dân suốt 70 năm, bưng bít sự thật, bịa đặt dối trá, quyết tâm không để người dân được tự do lên tiếng, càng không để họ tự do lựa chọn, lại cho mình tư cách để phán xét người dân dám “đe dọa” đất nước.

“Chính các người đã dạy tôi rằng biểu tình hòa bình chẳng được cái gì”, câu nói này được sơn lên cây cột lớn trong Tòa nhà Quốc hội Hong Kong vào ngày 1/7, khi người biểu tình đột nhập vào đây.

Đó cũng là điều mà những người như George đã “học được” từ thứ chính quyền như vậy.


Người biểu tình viết dòng chữ “Chính các người đã dạy tôi rằng biểu tình hòa bình chẳng được cái gì” trên cây cột trong Tòa nhà Quốc hội Hong Kong vào ngày 1/7. Ảnh: Stand News.

Trước khi gặp gỡ, người ta tưởng tượng những “dũng vũ” như George chắc sẽ phải nói những lời kích động thù hận ghê gớm, hoặc ít nhất là thể hiện một sự nông nổi bộp chộp như cách nhiều người hình dung về họ, những “con gián chỉ biết làm loạn”.

Chân dung thật về họ là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Những thanh niên này tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng trải nghiệm về cuộc sống thì không hề hạn hẹp.
Họ cũng không dễ bị kích động, xỏ mũi, hoặc ít nhất, không phải kiểu não phẳng, không biết suy nghĩ. Họ chủ động lựa chọn việc mình làm, và hiểu đầy đủ tất cả những hậu quả có thể có. Họ biết rõ lựa chọn của mình không phải là tốt nhất, nhưng đó là lựa chọn khi đã “tuyệt vọng”, bị “bức đến đường cùng”.

“Ban đầu tôi cũng không muốn thấy có bất kỳ ai phải bị thương. Tôi vốn dĩ cũng chỉ muốn biểu tình hòa bình mà thôi.”
Bạn sẽ trách ai, một chính quyền ép người dân đến bước đường cùng, hay những người bị ép phải nổi dậy?

Đừng trả lời vội.

Đây là cách đặt vấn đề điển hình kiểu “câu hỏi dẫn dắt” (leading question), cộng thêm với lựa chọn “chỉ được chọn một trong hai” (dichotomy).
Những cách đặt vấn đề như vậy không bao giờ dẫn đến sự thật, lại càng không bao giờ dẫn đến một giải pháp có ý nghĩa nào.
Michael Kadoorie, đại diện cho gia tộc Kadoorie nổi tiếng, vào tuần trước đã đăng một thư ngỏ trên các tờ báo lớn ở Hong Kong.
“Tôi đã nhiều lần nói rằng những người trẻ tuổi là tương lai của Hong Kong. Chúng ta không thể để cho họ rơi vào tình cảnh tuyệt vọng. Tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm gầy dựng lại niềm tin trong cộng đồng, tạo dựng lại hy vọng cho thế hệ trẻ.”

Kadoorie là một trong những gia tộc có ảnh hưởng lớn ở Hong Kong. Họ là những người Do Thái, đặt chân đến thành phố này từ 140 năm trước. Gia tộc Kadoorie làm chủ tập đoàn CLP, một trong hai doanh nghiệp kinh doanh về điện lớn nhất của Hong Kong, có mạng lưới rộng khắp châu Á.

Trong cơn bão chính trị tồi tệ nhất của thành phố này kể từ năm 1997, nhà Kadoorie cũng lên tiếng như nhiều doanh nhân tại đây.
Nhưng khác với nhiều doanh nghiệp lớn, chịu sức ép từ Bắc Kinh, buộc phải đồng thanh ủng hộ chính quyền, phản đối các hành vi “trái pháp luật”, gia tộc Kadoorie nhận phần trách nhiệm của mình trong đó.

Stephen Shiu, nhà truyền thông kỳ cựu của Hong Kong đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho phong trào. Là một người chủ trường hòa lý phi, phản đối mọi hình thức đấu tranh dùng vũ lực, ông biết những hành động vũ lực của người biểu tình, cho dù “nâng cấp” đến đâu, cũng chỉ như trứng chọi đá, không thể đọ lại với một chính quyền có nguồn lực khổng lồ gần như vô hạn, lại chẳng từ bất kỳ thủ đoạn nào áp bức dân.

Nhưng ông cũng khẳng khái chia sẻ với những người như George, “cho dù các bạn với những hành động của mình kéo Hong Kong đến bờ hủy diệt, kể cả hủy diệt hết những thứ mà bản thân tôi nhiều năm gây dựng, tôi cũng không trách các bạn.”

Ông biết là xét tới cùng, những con người trẻ tuổi này đang tuyệt vọng.
Những người như nhà Kadoorie, như Stephen Shiu, có lẽ nhìn thấy được hình ảnh của chính mình qua chân dung của những con người tuyệt vọng đó.

Họ biết soi gương.

Đó cũng là thứ mà mỗi người có lương tri đều làm được, và đều nên làm.
Quay lại câu hỏi “trách ai” ở trên, bạn có thể vứt nó qua một bên.
Thay vì hao tốn tâm trí suy nghĩ, tranh cãi cho bằng được rồi hả hê “thả like câu tim”, bạn có thể đơn giản tìm một chiếc gương, nhìn thẳng vào đó và tự hỏi.
“Mình đã làm gì để thế giới này không còn những cảnh người ép người?”
Theo Inter...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template