Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Ô XIN ĐÃ THÀNH BÁC SĨ NAM PHƯƠNG




Cháu nào đăng quang đây?
Ô XIN ĐÃ THÀNH BÁC SĨ NAM PHƯƠNG


Trao học bổng cho tân sinh viên nghèo xứ Huế



Mùa Tiếp sức đến trường 2013 có một cô bé gây ấn tượng đặc biệt với mọi người, không chỉ cái tên Ô Xin mà còn bởi nỗ lực vượt khó và học hành quá sức giỏi giang.

Năm đó, Trần Thị Ô Xin đậu một lúc hai trường: Đại học Y dược Huế và Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Cô đã chọn học Trường ĐH Y dược Huế với mong ước trở thành bác sĩ.

MẸ Ô SIN, CON Ô XIN

Ôsin là nhân vật trong bộ phim truyền hình cùng tên của Nhật Bản. Vì yêu thích nhân vật cùng làm nghề giúp việc như mình, bà Trần Thị Sửa đã lấy tên Ôsin để đặt cho đứa con gái. Nhưng khi làm khai sinh, người ta ghi nhầm là Ô Xin.

Gia đình Ô Xin ở thôn Đông An, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, chỉ có hai mẹ con. Bà mẹ không chồng tảo tần sớm hôm gánh nước thuê, quét chợ Truồi, rửa chén bát thuê… để nuôi Ô Xin.

Dưới căn nhà xiêu vẹo, dột nát được dựng trên mảnh đất mà người bà con tốt bụng cho mượn, hai mảnh đời bám vào nhau để sống.

Năm Ô Xin được một tuổi rưỡi, bà Sửa nhập viện để điều trị căn bệnh cường lách. Mọi chi phí điều trị đều nhờ vào những đồng tiền quyên góp giúp đỡ của bà con tiểu thương chợ Truồi và chợ Đông Ba.




Sau lần mổ, bà Trần Thị Sửa không đủ sức khỏe để làm những công việc nặng nhọc. Hàng ngày, bà đi xin rửa chén bát, giặt giũ thuê để đổi lấy ít đồng tiền lẻ kiếm cơm cho đứa con mắc căn bệnh thiếu máu và sưng lách bẩm sinh.

Bà Sửa quyết tâm phải sống và nuôi con thành người. Ô Xin được đến trường với các bạn cùng trang lứa. Nhìn mẹ vất vả sớm hôm lầm lũi làm thuê giặt mướn với hai bàn tay thô ráp, đôi chân sưng vù vẫn không đủ tiền để hai mẹ con tồn tại, Ô Xin với bước chân liêu xiêu vẫn phụ mẹ đi rửa chén, giặt thuê…

GIÁO ÁN SINH ĐỘNG VỀ NGHỊ LỰC SỐNG




"Buồn và tủi nhất là có bạn thỉnh thoảng đem thân phận và cái tên của em ra làm trò đùa" - Ô Xin tâm sự.

Nhưng liệu họ, với điều kiện đủ đầy hơn, có thể có được kết quả học hành như Ô Xin không: 12 năm liên tục là học sinh giỏi toàn diện, là học sinh tiêu biểu của Trường THPT An Lương Đông (huyện Phú Lộc), với kết quả cuối năm 12 đạt 8,9, tốt nghiệp thủ khoa của trường với số điểm 55,5?

Thầy giáo Đỗ Thiện Quang, hiệu trưởng nhà trường bấy giờ, không giấu nổi xúc động khi nói về đứa học trò đặc biệt của mình: "Ô Xin là niềm tự hào của trường tôi. Em không chỉ vượt qua được hoàn cảnh ngặt nghèo để luôn luôn là học sinh giỏi, mà còn vượt lên cả mọi tự tin, mặc cảm về bệnh tật, về số phận, để sống tự tin, tự hào về bản thân mình. Ô Xin là giáo án sinh động để thầy cô giáo dạy học sinh về nghị lực sống".

Ô XIN QUYẾT THÀNH BÁC SĨ




Cuối tháng 4-2013, thầy giáo Lê Triều Sơn - hiệu phó trường THPT Gia Hội (Huế) - nghe đồng nghiệp kể về Ô Xin, liền tìm về vùng quê xứ Truồi để gặp em. Những ngày đó, căn bệnh cường lách bẩm sinh đã lên đến độ 2 cùng với bệnh sỏi mật hành hạ, nhưng em cười tươi tâm sự về ước mơ trở thành bác sĩ, để có chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh nghèo khó như mình.

Thầy Sơn liền viết bài gửi đến báo Tuổi Trẻ với hy vọng sẽ có những cánh tay giúp đỡ. Bài báo Cô học trò mang tên Ô Xin đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 20-6-2013.

Hai tháng sau, Ô Xin báo tin đã đỗ cả hai trường đại học Y dược Huế (26 điểm, khối B) và Bách khoa Đà Nẵng (25 điểm, khối A). Cô chọn học ngành bác sĩ đa khoa ở Huế.

Em kể, từ khi báo Tuổi Trẻ đăng bài, nhiều người biết hoàn cảnh ngặt nghèo của hai mẹ con đã gọi điện động viên, ủng hộ lộ phí để Ô Xin đi thi đại học và giúp em tiền chữa bệnh. Ước mơ trở thành bác sĩ của cô học trò nghèo rớt mồng tơi tưởng chừng xa vời, lúc này lại gần hơn bao giờ hết.




NHỮNG BÀN TAY ĐƯA RA VỚI Ô XIN




MẸ RỬA CHÉN NUÔI CON HỌC BÁC SĨ

Ô Xin từ giã làng quê xứ Truồi, lên phố học trường y dược. Mẹ cũng theo em lên phố làm thuê để nuôi con thực hiện giấc mơ bác sĩ. Hai mẹ con thuê trọ trong con hẻm 141 Trần Phú - Huế. Bà Sửa đi giúp việc rửa chén bát cho các quán ăn, để nuôi con gái theo học trường y dược.

Số tiền học bổng Tiếp sức đến trường đã giúp Ô Xin nộp học phí năm đại học đầu tiên (2013). Tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm giúp em trang trải việc học hành ở trường y dược với rất nhiều khoản chi phí.




Đều đặn cuối mỗi năm học, chúng tôi lại nhận được tin của Ô Xin, báo kết quả học hành. Các thầy giáo trường đại học y dược cho biết, học ngành y mà năm nào cũng giỏi là không dễ dàng chút nào. Cô bé Ô Xin gầy gò nhỏ nhắn ấy vẫn bền bỉ sáng giảng đường, chiều bệnh viện, suốt sáu năm trời, và năm nào cũng đạt kết quả giỏi.




Ô Xin cho biết suốt sáu năm đó, cô vẫn luôn được tiếp sức âm thầm của những người nhân hậu. Các cô bác đó luôn dặn đừng nói tên họ. Đơn giản là họ muốn báo đáp ân tình của cuộc đời, vì tuổi trẻ của họ cũng đã nhận sự giúp đỡ như thế.

"Ai cũng nói, nếu cháu cảm ơn cô bác, sau này hãy giúp đỡ người cùng cảnh ngộ như mình!", Ô Xin chia sẻ.




Ô XIN THÀNH BÁC SĨ NAM PHƯƠNG

Ô Xin nói cô không hề xấu hổ với cái tên của mình, vì đó tâm tình của mẹ với cuộc đời này. Nhưng thầy cô và bạn bè khuyên nên đổi tên, tránh bớt phiền toái. Vậy là Ô Xin chọn tên Nam Phương.

Tháng 7-2019, chúng tôi đến dự lễ tốt nghiệp của em. Cái tên Trần Thị Nam Phương đã được xướng lên nhiều lần: là 1 trong 10 sinh viên thủ khoa ngành Y khoa, 1 trong 25 sinh viên ngành Y khoa đạt kết quả học tập xuất sắc toàn khóa.

Bác sĩ Trần Thị Nam Phương được giữ lại làm giảng viên bộ môn Giải phẫu bệnh của Trường ĐH Y Dược Huế, và đồng thời là bác sĩ của Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện ĐH Y Dược - ĐH Huế.

BS Đặng Công Thuận, trưởng Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện ĐH Y Dược Huế, đánh giá rất cao khả năng của của Nam Phương. "Dù hoàn cảnh khó khăn, Phương đã nỗ lực, tự vươn lên khó khăn để đạt được ước mơ của mình", thầy Thuận nhận xét.

Ước mơ trở thành bác sĩ, được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng đã thành, nhưng Nam Phương nói sẽ tiếp tục cố gắng để trở thành bác sĩ giỏi trong chuyên ngành giải phẫu bệnh. Phương đang nỗ lực học tiếng Anh, để xa hơn là giành được học bổng tu nghiệp ở nước ngoài.




Hiện hai mẹ con Nam Phương vẫn sống ở một căn phòng trọ nhỏ nằm trên đường Trần Phú, TP Huế. Con đường trước mắt vẫn còn lắm chông gai, và họ vẫn đang cố gắng cùng nhau viết tiếp câu chuyện cổ tích ngoài đời thật.

Ô Xin - Nam Phương nhờ báo Tuổi Trẻ chuyển một lá thư đến các nhà tài trợ, nhà hảo tâm đã hết lòng giúp đỡ cô trong suốt 6 năm đại học vừa qua.




________________________________________

Nữ sinh có tên 'độc' đỗ 2 trường đại học

Đang nằm trên giường bệnh, cô nữ sinh Trần Thị Ô Xin nhận được tin vui đỗ 2 trường đại học, trong đó có ĐH Y Dược Huế.

Cuộc đời của em Trần Thị Ô Xin (thôn Đông An xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đặc biệt như chính cái tên của em. Ô Xin sinh ra trong một gia đình nghèo, không được sự quan tâm chăm sóc của bố khi còn trong bụng mẹ. Bản thân em lại mang căn bệnh sưng lách bẩm sinh di truyền từ người mẹ.

Trong căn nhà hai gian rộng chưa đến 10 m2 nằm khuất sau một xóm nhỏ, ở thôn Đông An, hai mẹ con bấu víu vào nhau sống qua ngày. Căn nhà nhỏ được dựng trên phần đất của nhà bà con bằng số tiền hai mẹ con đi vay mượn.

Ô Xin - cái tên nghe lạ tai này được mẹ em là bà Trần Thị Sửa đặt cho con gái mình khi đi xem bộ phim của Nhật. “Thời đó nhà nghèo, không có được cái tivi đen trắng để xem phim nữa, thế là tôi đành chạy sang xem nhờ nhà hàng xóm. Bộ phim của Nhật nói về nhân vật có tên là Ô Sin hiền lành tốt bụng nhưng lại luôn gặp nhiều sóng gió trong cuộc đời và rồi kết thúc phim cô bé Ô Sin đó vẫn có được hạnh phúc. Mong muốn có một đứa con như nhân vật ở trong phim, tôi quyết định đặt tên cho con là Ô Sin nhưng rồi khi đi làm giấy khai sinh, cán bộ hộ tịch lại làm khai sinh thành Ô Xin nên đành để vậy”, bà Sửa kể lại về nguồn gốc cái tên đặc biệt của cô con gái.


Ô Xin từng là thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT với số điểm 55,5.

Trong nhà không có bàn tay của một người đàn ông làm trụ cột nên hai mẹ con phải cố gắng gồng gánh, làm tất cả mọi việc để có tiền lo ngày 2 bữa cơm và tích cóp để sẽ có tiền điều trị căn bệnh sưng lách cho con. Nhưng công việc quét dọn, rửa chén bát ở chợ Truồi của bà Sửa chỉ kiếm từ 15.000 đến 20.000 đồng mỗi ngày. “Số tiền này chỉ vừa đủ để mẹ con cơm, cháo qua ngày chứ không thể mơ gì đến tiền chữa chạy cho con bé”, bà Sửa trải lòng.

Thấu hiểu được nỗi vất vả của mẹ, dù biết mình đang mang bệnh trong người nhưng sau những giờ học trên lớp, Ô Xin lại tranh thủ về nhà cùng mẹ đi rửa bát thuê ở những quán cơm, quán nhậu… ven đường.

Không chỉ ngoan hiền mà thành tích học tập của cô bé cũng làm cho hàng xóm, bạn bè thầy cô phải nể phục. 12 năm liền cô gái này là học sinh giỏi toàn diện, em liên tục đại diện cho trường cấp 2 và cấp 3 đi thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh.

Ba năm cấp 3 Xin luôn là người có điểm tổng kết đứng đầu trường và với số điểm 55,5 cô bạn đã trở thành thủ khoa của trường THPT An Lương Đông, huyện Phú Lộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.


Ô Xin nhận được tin vui đỗ 2 trường đại học khi đang điều trị tại bệnh viện

Ô Xin vốn mang trong mình căn bệnh sưng lách, cần phẫu thuật càng sớm càng tốt nhưng cô bé vẫn cương quyết không chịu nhập viện với lý do, hoàn cảnh quá khó khăn, chi phí điều trị lại quá lớn. Điều quan trọng hơn cả, cô bé này tâm sự không muốn bỏ lỡ kỳ thi quan trong nhất đời mình - thi đại học. Nghĩ vậy nên cô bé vẫn cố gắng chịu đau lên đường vào thành phố Đà Nẵng dự thi vào ngành Công nghệ thực phẩm thuộc trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng.

“Ngày đi thi em cũng mẹ lo lắm, không biết vào đó có ai giúp đỡ không, may mà có một chị cùng quê biết được hoàn cảnh của em nên đã cho mẹ con em ở nhờ trong suốt những ngày thi”, Ô Xin chia sẻ. Kết thúc đợt 1 với khối A, mặc dù biết mình nhiều khả năng sẽ đỗ vào trường Bách Khoa nhưng cô bé cùng mẹ vẫn tức tốc ra Huế để tiếp tục dự thi khối B vào trường ĐH Y Dược Huế. Thế rồi, mẹ con Xin lại cùng khăn gói lên thành phố, xin vào nhà dân cho ở nhờ.

“Thi xong môn cuối cùng của khối B, vừa bước ra khỏi cổng trường cô thấy mặt con bé xanh lét và ngất ngay sau đó, lúc đó tay chân tôi cứ run lên vì sợ”, bà Sửa nhớ lại. Biết bệnh con mình ngày một nặng, bà Sửa quyết định cho con nhập viện để điều trị ngay sau kỳ thi đại học được 2 hôm.

Ngày nhập viện cũng là ngày mà cô bé còn biết mình bị thêm căn bệnh sỏi mật và các bác sĩ còn chẩn đoán bị thiếu máu bẩm sinh (thalasemiea) và bệnh đau dạ dày. Những ngày nằm điều trị tại bệnh viện là những ngày Ô Xin vừa phải chiến đấu với bệnh tật, vừa phải hồi hộp chờ đợi điểm thi đại học khối B.

“Khi biết khối A mình được (25 điểm), Xin mừng lắm, nhưng mong đợi nhất của con bé vẫn là điểm thi khối B, vì nó mong được làm bác sĩ lắm”, bà Sửa chia sẻ. Rồi ngày công bố điểm thi khối B, Xin được (26 điểm) nhưng vẫn chưa chắc chắn mình sẽ đỗ đại học Y, cô bé không khỏi lo lắng.


Ô Xin mong muốn được trở thành một bác sĩ tài giải để tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và chữa bệnh cho mọi người.

“Vừa phải nằm viện điều trị bệnh, lại nằm chờ đợi điểm chuẩn vào ngành bác sĩ đa khoa là khoảng thời gian mà em không thể nào ngủ được, cứ luôn phập phồng lo sợ mình sẽ không đỗ vào ngành em đã cố gắng hết sức mình”, Ô Xin nói. Ngày nhận kết quả đỗ, Xin chỉ biết ôm mẹ, vừa nói vừa khóc: "Con đỗ ĐH Y rồi mẹ ơi".

Những ngày con gái nằm viện là những chuỗi ngày bà Trần Thị Sửa ăn không ngon, ngủ không yên. Một mình bà phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để có tiền lo cho con. Bà Sửa tranh thủ xin đi nhờ xe, chạy quanh các cung đường xung quanh bệnh viện tìm việc làm thêm, vì bà biết khi con gái vào nhập học sẽ phải tiêu tốn số tiền khá lớn. “Mẹ con tôi dự định sẽ thuê một phòng trọ nào đó để ở, Xin đi học còn tôi sẽ đi làm thêm, kiếm tiền lo cho cả 2 mẹ con”, bà Sửa tâm sự.

Bản thân mang bệnh trong người nhưng trong cô học trò có dáng người nhỏ nhắn này lại nuôi một khát khao và hoài bão lớn, Xin luôn muốn trở thành một bác sĩ giỏi để có thể cứu chữa bệnh cho nhiều người.

“Em muốn làm bác sĩ để có thể tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, vừa có thể giúp đỡ được nhiều người, đặc biệt là những người nghèo và những đứa trẻ mồ côi bị bệnh không có điều kiện chữa trị”, Ô Xin tâm sự.

Theo VTC- Tuổi trẻ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template