Người biểu tình Hong Kong chống dự luật dẫn độ, ngày 9/6/2019. Ảnh: Reuters/Thomas Peter.
Hiểu về dự luật dẫn độ của Hong Kong trong vài phút
Nếu dự luật dẫn độ được thông qua, Trung Quốc có thể dùng nó để trả thù các công dân Hong Kong và công dân nước ngoài làm việc hoặc du lịch ở Hong Kong. Nguy cơ này là có thật, và vì thế chúng ta cần tìm hiểu về dự luật này… trước khi quyết định phản đối nó.
Dự luật dẫn độ (mà người Hong Kong đang chống) là gì?
Như tên gọi, đây mới chỉ là dự luật, chưa phải là luật vì chưa được cơ quan lập pháp Hong Kong thông qua. Và nó là một dự luật của chính quyền Hong Kong (cho nên có người nói “luật dẫn độ của Trung Quốc” là nói sai).
Dự luật này mới được đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Mục đích của nó là sửa đổi hai đạo luật hiện hành đang điều chỉnh việc dẫn độ và hỗ trợ tư pháp giữa Hong Kong và các nơi khác: 1. Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu; 2. Pháp lệnh về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự.
Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu mà Hong Kong đang sử dụng hiện nay được thông qua ngay trước khi Hong Kong trở về với Trung Quốc (năm 1997). Pháp lệnh này quy định rõ là nó không áp dụng cho việc dẫn độ và tương trợ tư pháp với “chính quyền nhân dân trung ương hay chính quyền của bất kỳ địa phương nào của nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa”.
Bắc Kinh và chính quyền đặc khu Hong Kong hiện nay muốn sửa đổi pháp lệnh đó để có thể dẫn độ nghi phạm về các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Hong Kong, trong đó có cả Trung Hoa lục địa. Và vì thế, dự luật dẫn độ ra đời.
Cho đến nay, Hong Kong đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với 20 nước, như Canada, Mỹ, Anh, Úc, New Zealand. Trong khu vực Đông Nam Á, Hong Kong có hiệp định tương trợ tư pháp với Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines. Danh sách 20 vùng tài phán này không có Trung Quốc và Việt Nam.
Vì sao người dân Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ?
Lý do chủ yếu để người dân Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ là vì lo sợ nó sẽ phá hoại nền tư pháp độc lập cũng như tự do của Hong Kong. Nhà nước CHND Trung Hoa vốn đầy rẫy vi phạm nhân quyền với một bộ máy công an gây ra hàng loạt cái chết trong đồn, một hệ thống xét xử hoàn toàn bị đảng cầm quyền thao túng, dẫn đến tình trạng oan sai, khiếu kiện và dân mang quan tài đi diễu phố . Không có mấy hy vọng về việc nghi phạm bị dẫn độ về Trung Quốc sẽ được hưởng đầy đủ quyền con người liên quan đến quá trình tố tụng.
Những năm gần đây, nhà nước Trung Quốc cũng đã tiến hành bắt cóc nhiều công dân của mình từ các nước khác về Trung Hoa lục địa chịu tội. Ví dụ hay được nhắc đến là Gui Minhai, một người bán sách, bị bắt cóc tại Thái Lan tháng 10/2015 và ba tháng sau “xuất hiện trở lại” trong trại giam ở Trung Quốc . Tháng 1/2016, Gui Minhai thậm chí còn thú tội trên truyền hình, khóc lóc nói rằng đã từng lái xe đụng chết một sinh viên 20 tuổi.
Cho nên, những người phản đối cũng lo sợ dự luật dẫn độ thực chất là “luật hoá việc bắt cóc”, tạo cơ sở pháp lý cho việc nhà nước bắt cóc công dân ở nước ngoài.
Theo dự luật, những tội phạm nào bị dẫn độ?
Dự luật xác định 37 nhóm tội có thể bị dẫn độ, mỗi nhóm bao gồm nhiều hành vi phạm tội khác nhau. Về căn bản thì các tội phạm sau đây sẽ bị dẫn độ: giết người, xúi giục và giúp người khác tự tử, hành hung, doạ giết, hiếp dâm và tấn công tình dục, bắt cóc, tham nhũng, rửa tiền, hải tặc và không tặc…
Các tội phạm bị dẫn độ đều là các tội bị xử ít nhất bảy năm tù, theo luật Hong Kong.
Dự luật quy định không dẫn độ trong trường hợp các vi phạm mang bản chất chính trị.
Như vậy, tội chính trị không thể bị dẫn độ, theo dự luật này?
Mặc dù dự luật quy định không dẫn độ trong trường hợp các vi phạm mang bản chất chính trị, nhưng nhìn lại lịch sử, việc hình sự hoá các hành động chính trị để biến chúng thành “tội hình sự”, biến vụ án chính trị thành vụ án hình sự, là điều mà các chính quyền Trung Quốc vẫn thường xuyên làm. Giới hoạt động nhân quyền ở cả hai nước đều có thể bị buộc vào các tội hình sự thông thường và bị kết án như tù hình sự, trong khi hai chính quyền thường xuyên nói rằng ở nước mình không có tù nhân lương tâm, tù chính trị.
Chính quyền Hong Kong phản hồi ra sao với các quan điểm phản đối?
Chính quyền Hong Kong muốn thông qua dự luật dẫn độ, lấy lý do là không muốn Hong Kong trở thành nơi ẩn náu của tội phạm bị truy nã. Trong một thông cáo báo chí hôm 03/6, Văn phòng Chính quyền Đặc khu cho rằng “việc giao nộp tội phạm đào tẩu là một thông lệ quốc tế lâu đời nhằm chống các tội ác nghiêm trọng và ngăn chặn tội phạm đào thoát, trốn tránh công lý”.
Đối với những ý kiến lo ngại về tác động tiêu cực của luật dẫn độ đến tự do ngôn luận ở Hong Kong, chính quyền đặc khu đáp rằng luật này chỉ nhằm xử lý các tội nghiêm trọng và sẽ không xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận, báo chí xuất bản của người dân Hong Kong.
Luật dẫn độ ảnh hưởng như thế nào đến người nước ngoài ở Hong Kong?
Theo luật pháp Trung Quốc, Trung Quốc có quyền xét xử bất kỳ người nước ngoài nào phạm tội chống lại “nhà nước CHND Trung Hoa hoặc công dân của nước CHND Trung Hoa” bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, miễn là tội đó thuộc loại tội bị xử ít nhất ba năm tù và hành vi phạm pháp cũng bị coi là tội ở nơi mà nó diễn ra. Dĩ nhiên, việc bắt giữ, dẫn độ nghi phạm về Trung Quốc phải được sự đồng ý của nước sở tại.
Giới luật sư Hong Kong cho rằng nếu dự luật dẫn độ được thông qua, Trung Quốc có thể dùng nó để trả thù các công dân nước ngoài làm việc hoặc du lịch ở Hong Kong. Nhân viên người Mỹ, làm việc trong các tổ chức nhân quyền quốc tế có văn phòng ở Hong Kong như Ân xá Quốc tế (Amnesty International), có thể là nạn nhân sớm của luật dẫn độ. Nhà báo, học giả, nghiên cứu viên nước ngoài ở Hong Kong… cũng gặp rủi ro tương tự.
XEM THÊM
7 bài học từ cuộc họp báo của bà Lam
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam trong cuộc họp báo công bố hoãn thông qua Dự luật Dẫn độ, ngày 15/6/2019. Ảnh: Justin Chin/Bloomberg
. Trong buổi họp báo truyền hình trực tiếp vào lúc 15:00 giờ địa phương ngày 15/6, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cuối cùng đã xác nhận bước đi mà vài ngày qua được râm ran đồn đoán: hoãn lại Dự luật Dẫn độ (Extradition Bill).
Với hàng triệu người Hong Kong đã xuống đường tuần hành vào Chủ nhật 9/6, và nhất là hàng chục ngàn người trẻ tuổi đã bao vây Lập pháp viện (Quốc hội) của Hong Kong hôm thứ Tư 12/6, động thái xuống thang này của chính quyền đặc khu khó có thể được xem là thắng lợi.
Điều đa số người dân Hong Kong yêu cầu là dẹp bỏ hoàn toàn “ác luật” (từ người dân dùng để gọi Dự luật Dẫn độ), buộc bà Lam phải từ chức, và những người đứng đầu chính quyền phải xin lỗi vì chụp mũ “bạo động” cho người biểu tình cũng như sử dụng vũ lực trấn áp quá mức cần thiết.
Ngày hôm nay, không có yêu cầu nào của họ được đáp ứng.
Ngược lại, cuộc họp báo công bố hoãn thông qua Dự luật Dẫn độ của người đứng đầu chính quyền Hong Kong có thể được xem như một workshop (buổi huấn luyện) kinh điển về nghệ thuật xin lỗi nhưng không xin lỗi và nhận trách nhiệm nhưng không chịu trách nhiệm.
Có thể rút ra ít nhất bảy bài học từ cuộc họp báo này, và nó giống một cách đáng kinh ngạc với cách chính quyền của đảng Cộng sản Việt Nam phản ứng sau các cuộc biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu và Dự luật An ninh mạng vào tháng 6/2018.
1. Phải luôn nhấn mạnh động cơ trong sáng
Ngay từ phát biểu đầu tiên, bà Lam đã lặp lại hai lý do dẫn đến sự xuất hiện của đạo luật gây phẫn nộ nhất từ năm 1997 đến nay (có lẽ còn hơn cả lần hàng trăm ngàn người dân xuống đường phản đối dự luật “an ninh quốc gia” vào năm 2003).
Lý do thứ nhất là để trả lại công lý cho gia đình nạn nhân trong vụ án giết người ở Đài Loan một năm trước (cả nghi phạm lẫn nạn nhân đều là người Hong Kong). Lý do thứ hai là trám “lỗ hổng” luật pháp của Hong Kong.
Khi trả lời phóng viên, bà Lam nhiều lần dùng từ “đồng cảm” (empathy) để nói về gia đình nạn nhân, rằng bà cảm thấy mình phải có trách nhiệm với cha mẹ của người bị hại.
Nhưng như phóng viên của Đài Loan nêu ra trong câu hỏi cuối cùng, kể từ khi vụ án xảy ra, suốt hơn một năm chính quyền Hong Kong không hề liên hệ trao đổi trực tiếp với chính quyền Đài Loan để tìm phương thức giải quyết, một điều mà các chuyên gia luật pháp hai nước đều khẳng định hoàn toàn có thể xử lý qua cơ chế hiện tại. Thay vào đó, tháng 2/2019, chính quyền Hong Kong lại đưa ra ý tưởng về Dự luật Dẫn độ, và chính quyền Đài Loan gần như ngay lập tức lắc đầu không đồng ý.
Trong suốt nhiều thập niên Hong Kong đóng vai trò là một trong những trung tâm tài chính của thế giới, cũng không có nước nào phàn nàn về “lỗ hổng” luật pháp của Hong Kong trong vấn đề dẫn độ. Các nước có nhu cầu đều thiết lập hiệp định dẫn độ song phương cùng chính quyền Hong Kong. Ngoại lệ duy nhất là không được có hiệp định dẫn độ với Trung Quốc, vì hai nước có hai nền tư pháp khác nhau. Hay nói thẳng ra, người Hong Kong không chấp nhận một nền tư pháp thiếu độc lập, đầy rẫy bất công và cực kỳ không minh bạch của “nước mẹ”. “Lỗ hổng” mà bà Lam nói thực chất là bức tường lửa bảo vệ thể chế độc lập của Hong Kong.
Bất chấp các điều trên, bà vẫn lặp đi lặp lại động cơ trong sáng này của mình.
2. Luôn ca ngợi và bảo vệ sếp
Sếp ở đây là những người đứng đầu chính quyền trung ương, tức các lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bà Lam chủ động khẳng định đạo luật lần này hoàn toàn là sản phẩm của chính quyền đặc khu, không phải do các vị sếp ở Bắc Kinh yêu cầu. Việc chính quyền Bắc Kinh lớn tiếng ủng hộ, chỉ trích đe dọa những người phản đối cũng chỉ vì “nhiều quốc gia nước ngoài có ý kiến nên Bắc Kinh phải lên tiếng”.
Vì không phải là tác giả, không có tác động gì, nên hậu quả tiêu cực từ dự luật này hoàn toàn không có lỗi của Bắc Kinh.
Đối với chính quyền trung ương, bà không có gì ngoài những lời có cánh. Từ đầu đến cuối, họ luôn là những người “thấu hiểu, tin tưởng, tôn trọng và ủng hộ” hết mực các quyết định của chính quyền đặc khu Hong Kong.
3. Không (còn) lên mặt với dân
Nếu những ông chủ ở Bắc Kinh luôn được bà Lam dành sự kính trọng tuyệt đối, thì những người chủ nhân thật sự trả tiền thuế để nuôi chính quyền của bà ở Hong Kong lại không nhận được dù chỉ một phần của sự tôn trọng đó, mãi cho đến tận cuộc họp báo này.
Ngay cả khi hàng triệu người xuống đường biểu tình phản đối vào ngày Chủ nhật 9/6, bà vẫn mặc kệ “tiến hành thông qua dự luật như kế hoạch”, thậm chí còn rút ngắn thời gian để nhanh chóng hoàn tất. Khi xuất hiện xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát, bà nhanh chóng chụp chiếc mũ “bạo động” lên đầu người biểu tình, tuyên bố những hành động phản kháng của người dân đều có hại cho Hong Kong. Bà Lam sau đó cũng xuất hiện trên truyền hình khóc kể về những “hi sinh” của bản thân, còn đưa ra ẩn dụ “xem dân như con”, khiến hàng ngàn bà mẹ cùng những người Hong Kong khác đùng đùng nổi giận.
Thái độ đó nhanh chóng biến mất trong buổi họp báo. Người đứng đầu chính quyền bỗng dưng “ghi nhận sự bức xúc”, khẳng định sẽ tiếp tục lắng nghe và đối thoại với người dân.
Đối diện với làn sóng phẫn nộ ngày một tăng, bà không còn dám thi gan xem thường dân.
4. Thể hiện tinh thần cầu thị
Không còn công nhiên gạt bỏ ý kiến của dân, bà Lam cam kết chính quyền của mình sẽ “cởi mở, chân thành, khiêm tốn” để học hỏi và “tiếp thu phê bình”.
Cầu thị đến mức độ nào?
Câu trả lời nằm ở việc bà khẳng định sẽ tiếp tục “giải thích, tuyên truyền” để người dân “hiểu rõ” dự luật, bất chấp việc phóng viên nhiều lần chất vấn rằng “giải thích và tuyên truyền thêm nữa để làm gì khi không phải người dân không hiểu, mà họ hiểu rõ và không chấp nhận?”.
Kiểu cầu thị này rõ ràng không phải là để nhìn ra cái sai của bản thân để sửa, mà là “cầu cho người khác thị mình” – tìm mọi cách để người khác chấp nhận bằng được ý của mình.
5. Luôn nhìn đại cục (và khuyến khích mọi người phải học theo)
Gạt đi câu hỏi “liệu việc xuống thang này có phải là để giảng hòa với dân hay cứu vớt uy tín bản thân”, bà Lam khẳng định đây đơn thuần là quyết định vì đại cục, để giữ vững sự “ổn định, hòa bình của Hong Kong”.
“Vì đại cục”, hay “bức tranh lớn”, là một trong những cụm từ rất được các “lãnh đạo (tự cho mình) có tầm nhìn” ưa dùng.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Liu Xiaoming khi bị chất vấn trên BBC về việc chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) tại Tân Cương, cũng đã trả lời “anh không nhìn thấy bức tranh lớn”, rằng các “trung tâm giáo dục” (thực chất là trại cải tạo tập trung) có tác dụng duy trì hòa bình và ổn định ở Tân Cương.
Viện dẫn đại cục, cùng với một động cơ trong sáng, là một công thức cổ điển để vẽ nên hình ảnh một lãnh đạo “vừa có tâm, vừa có tầm”.
6. Chỉ nhận thiếu sót, đừng nhận lỗi
Trong số 16 phóng viên được đặt câu hỏi trong buổi họp báo, ít nhất bốn người chất vấn về việc liệu bà Lam có chịu xin lỗi người dân Hong Kong hay không.
Yêu cầu xin lỗi không chỉ từ việc chính quyền của bà đưa ra một dự luật có hại cho thể chế độc lập của Hong Kong (một điều tất nhiên bà phản đối), việc bà liên tục phớt lờ dân ý, chụp mũ “bạo loạn” lên những người biểu tình, mà còn từ các hành động trấn áp bạo lực quá mức đối với những người trẻ tuổi.
Đáp lại, người đứng đầu chính quyền không một lần nhận lỗi.
Tất cả những sự việc “đáng tiếc” diễn ra đều xuất phát từ “động cơ tốt đẹp”. Các hành vi trấn áp của cảnh sát thì chỉ là “tự vệ và hoàn toàn hợp pháp”, bất chấp các tố cáo về việc cảnh sát vây đánh tập thể, nhắm bắn thẳng vào người biểu tình, thậm chí tấn công cả phóng viên.
Thay cho lời nhận lỗi, bà Lam luôn khẳng định năng lực của bản thân và cam kết “tiếp tục phục vụ người dân Hong Kong”.
7. Không bao giờ từ chức
Trong ít nhất sáu lần phóng viên chất vấn “liệu bà có chịu từ chức”, không một lần họ nhận được câu trả lời.
Thứ họ và những người dân Hong Kong nghe được là những lời lặp lại về cam kết, về động cơ tốt đẹp, về tinh thần cầu thị, và về bức tranh lớn tốt đẹp trong tương lai.
Người Hong Kong có chịu nhìn theo bức tranh đó của bà Lam hay không, chúng ta sẽ sớm có câu trả lời.
Họ sẽ tiếp tục xuống đường, còn người lãnh đạo đặc khu có lẽ sẽ lủi nhanh vào hậu trường, như cái cách bà nhanh chóng biến mất khi câu hỏi cuối cùng được bắn ra.
“Cuối cùng ai là người chịu trách nhiệm?”
Thanos Hong Kong và viên đá thần thứ năm
Bà Carrie Lam được ví von với Thanos để giới trẻ dễ hình dung những tham vọng và kế hoạch của bà đối với Hong Kong. Ảnh: AP/The Avengers
. Trong một bài viết đặc sắc mang tên “End Game” trên website cá nhân, nhà văn – luật sư người Hong Kong Jason Y. Ng đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về những tranh cãi liên quan đến dự luật dẫn độ ở đặc khu này, thông qua một lăng kính thú vị: Vũ trụ Marvel từ loạt phim siêu anh hùng The Avengers.
***
Hàng trăm ngàn người dân Hong Kong đã xuống đường biểu tình tối ngày 09/06/2019. Trước đó, 3.000 luật sư tụ tập diễu hành trong im lặng. Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ trở thành phong trào có số lượng người tham dự đông đảo nhất trong lịch sử Hong Kong.
Nguyên nhân của các cuộc biểu tình đã được báo chí trong nước giải thích khá đầy đủ: người dân Hong Kong chống đối việc thông qua một dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm hình sự về Trung Hoa đại lục cho tòa án và nhà chức trách Trung Quốc xử lý. Một số giải thích dễ hiểu hơn về tranh cãi liên quan đến dự luật cũng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Việt Nam.
Trái ngược với phong trào Dù vàng có nhiều quan điểm trái ngược, cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ về Trung Quốc nhận được sự ủng hộ rất lớn của hầu hết cư dân Hong Kong. Nhiều chủ doanh nghiệp thậm đồng ý cho nhân viên nghỉ có hưởng lương để thể hiện bất đồng với Bắc Kinh. Ảnh: SCMP/Robert Ng
Nói chung, tuy những người ủng hộ dự luật này chỉ ra mục đích chính đáng của nó (xử lý các nghi phạm hình sự gây án ngoài lãnh thổ Hong Kong nhưng đang bị giam giữ ở Hong Kong), giới luật sư và nhiều người dân Hong Kong vẫn cho rằng dự luật này có rủi ro lớn đe dọa nhân quyền và nền pháp quyền (rule of law) của Hong Kong.
Bởi vì nội dung dự luật hoàn toàn có thể bị chính quyền Hong Kong (vốn chịu kiểm soát của chính quyền Trung Quốc) lạm dụng để dẫn độ những nhà hoạt động nhân quyền và giới bất đồng chính kiến Hong Kong sang Trung Quốc để Bắc Kinh dễ bề xử lý.
Cuộc tranh giành những “viên đá thần”
Trong loạt phim The Avengers, nhân vật phản diện chính là một quái nhân vũ trụ tên là Thanos. Y thực hiện âm mưu cướp đoạt sáu viên đá thần kỳ có năng lực điều khiển các yếu tố quan trọng nhất vũ trụ
Năm viên đá đó được gọi là những Viên đá Vô cực: Đá Tâm hồn, Đá Thời gian, Đá không gian, Đá Tâm trí, Đá Hiện thực, và Đá Quyền lực.
Khi có đủ sáu viên đá này, Thanos có thể gắn chúng vào một găng tay sắt. Với quyền năng tụ họp từ cả năm viên đá, một cái búng tay dùng găng tay sắt đó có thể làm biến mất một nửa sinh vật trong toàn vũ trụ.
Lý do cho âm mưu độc ác này của Thanos? “Giúp vũ trụ cân bằng trở lại”.
Trong bài viết của mình, tác giả Jason Y Ng so sánh Thanos với vị Đặc khu trưởng của Hong Kong là bà Carrie Lam, người đề xuất dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Nếu Thanos có một lý do nghe rất mỹ miều cho âm mưu của y là “cân bằng lại vũ trụ” thì bà Carrie Lam cũng có một lý do mỹ miều không kém cho dự luật của mình: lấp một “lỗ hổng pháp lý” (legal loophole) để giúp Hong Kong không còn là “chỗ trú ẩn cho tội phạm quốc tế”.
Vấn đề không nằm ở việc mục đích của bà tốt đẹp thế nào, mà là ở phương tiện để đạt được mục đích đó.
Thanos chọn làm biến mất một nửa số sinh vật trong vũ trụ. Bà Carrie Lam chọn một dự luật có khả năng làm suy yếu nền pháp quyền vốn có truyền thống tôn trọng nhân quyền của Hong Kong.
Phép so sánh ẩn dụ của tác giả Jason Y. Ng cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh hữu ích hơn nữa: Trong bối cảnh chính trị Hong Kong, dự luật dẫn độ mới này chỉ là để lắp thêm một viên đá thần đầy quyền lực vào cái “găng tay sắt” của bà Lam.
Giống Thanos, bà Carrie Lam đang từng bước giành giật các “viên đá thần” quyền lực về tay chính quyền Hong Kong. Để cuối cùng chính quyền này có thể bằng một cái búng tay khiến cho một nửa dân số Hong Kong phải im lặng trước quyền uy của nhà nước.
Vậy “găng tay sắt” của chính quyền Hong Kong hiện nay đang có những “viên đá thần” nào?
Hai viên đá “Quyền lực”
Đầu tiên là hai viên đá “Quyền lực” trong Luật Cơ bản (Basic Law) – hiến pháp của Hong Kong.
Theo phân tích của tác giả Jason Y. Ng, Luật Cơ bản hiện nay có hai cơ chế khiến cho luật pháp Hong Kong không thực sự nằm trong tay các nhà lập pháp do người dân Hong Kong tín nhiệm bầu ra, tức là các dân biểu của Hội đồng Lập pháp (Legislative Council – Legco). Cơ chế thứ nhất nằm trong Điều 158 trong Luật Cơ bản, quy định quyền tối cao trong việc giải thích Luật Cơ bản thuộc về Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc nằm ở… Bắc Kinh.
Thực tế là chính quyền Hong Kong đã dùng cơ chế này để “xin chỉ đạo” từ chính quyền Trung Quốc trong một số quyết định gây tranh cãi, bao gồm các quyết định năm 2017 loại bỏ tư cách dân biểu lập pháp của một nửa số dân biểu do người dân Hong Kong bầu ra. Cơ chế “viên đá Quyền lực thứ hai” nằm trong Phụ lục II của Luật Cơ bản, bảo đảm là trong 70 ghế đại biểu của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông luôn có 35 ghế dành cho các nhóm cử tri nghiệp đoàn (functional constituencies). Tức là chỉ có 35 ghế đại biểu lập pháp của Hong Kong là thực sự do người dân bầu bằng lá phiếu dân chủ.
35 đại biểu của cử tri nghiệp đoàn hoàn toàn là do khoảng 29 nhóm nghiệp đoàn, các nhóm lợi ích khác nhau bầu ra, thông qua bỏ phiếu nội bộ trong mỗi nhóm, thay vì bỏ phiếu dân chủ. Ví dụ, ghế đại biểu của nhóm cử tri nghiệp đoàn kỹ sư (Engineering functional seat) do khoảng vài nghìn kỹ sư đăng ký hoạt động ở Hong Kong bầu ra.
Tác giả Jason Y Ng nhận định rằng các nhóm cử tri nghiệp đoàn phần lớn thường ủng hộ giới doanh nghiệp Hong Kong, ủng hộ chính quyền Hong Kong và chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Như vậy, thông qua 35 ghế cử tri nghiệp đoàn, chính quyền Hong Kong thực sự đã có quyền lực bác bỏ mọi dự luật do các cử tri dân chủ đề xuất, đồng thời có quyền lực “đóng dấu” rubber stamp thông qua các dự luật có lợi nhất cho chính quyền và cho nhà cầm quyền cộng sản ở Bắc Kinh.
Hai viên đá “Thủ tục”
Đã kiểm soát chặt quyền lực lập pháp trong tay, chính quyền Hong Kong dưới triều bà Carrie Lam từ năm 2014 cũng đã tận dụng hai viên đá “Thủ tục” để góp phần ngăn chặn các ứng cử viên dân chủ tham chính.
Viên đá “Thủ tục” đầu tiên là cơ chế viên chức giám sát bầu cử (returning officer). Trong một hệ thống dân chủ lành mạnh, viên chức giám sát bầu cử phải chí công vô tư trong nhiệm vụ của mình.
Chính quyền bà Lam đã biến cơ chế này thành một “màng lọc” để loại ra các ứng cử viên nào mang tư tưởng đối lập với chính quyền Hong Kong và với chính quyền Bắc Kinh.
Viên đá “Thủ tục” thứ hai là một thay đổi gần đây trong quy định thủ tục của Hội đồng Lập pháp: không cho phép thực hành filibuster.
Filibuster là một cơ chế đặc trưng trong mô hình nghị viện dân chủ Anh-Mỹ mà Hong Kong thừa hưởng từ thời còn là thuộc địa Anh. Khi thực hiện filibuster, các dân biểu Hong Kong có thể nói cho đến khi kiệt sức để ngăn chặn hoặc trì hoãn Hội đồng Lập pháp đưa một quyết định nào đó.
Tác giả Jason Y Ng cho rằng quyền filibuster là “hàng phòng thủ cuối cùng” của các nhà lập pháp Hong Kong nào muốn chống lại các dự luật họ cho là xấu. Nay quyền này đã không còn nữa.
Dự luật dẫn độ: Viên đá Không gian
Trong bối cảnh chính trị như thế, tác giả Jason Y Ng cho rằng dự luật dẫn độ là viên đá thứ năm trong công cuộc cơi nới quyền lực của chính quyền bà Carrie Lam.
Ông Ng so sánh dự luật này với viên đá Không gian trong vũ trụ Marvel. Viên đá này có khả năng mở ra các lỗ hổng không gian giúp cho người ta xuyên không từ nơi này sang nơi khác của vũ trụ trong nháy mắt.
Tương tự, dự luật dẫn độ có khả năng khiến cho bất kỳ ai ở Hong Kong – người dân bản địa, người nước ngoài, ngay cả những khách du lịch – có thể bị “kéo xuyên không” về Trung Hoa lục địa để đối mặt với các cáo buộc hình sự.
Thực tế là chính quyền Bắc Kinh đã từng dùng các điều khoản luật hình sự “chả liên quan gì” để xử lý những người làm họ khó chịu ở Hong Kong.
Tác giả Jason Y Ng đề cập đến vụ những người bán sách tại Causeway Bay từng bị Trung Quốc bắt cóc về Trung Hoa lục địa năm 2015. Lần đó, một nhóm những chủ nhà sách chuyên bán sách phê phán chính quyền Trung Quốc ở Hong Kong đã biến mất một cách bí ẩn.
Một người trong số họ sau đó bất ngờ xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc trong một màn “thú tội”. Ông này thú nhận từng phạm tội lái xe đụng người rồi bỏ chạy.
Nhưng dự luật dẫn độ không chỉ có khả năng cho phép một chính quyền dùng một tội hình sự giả (fabricated) để bắt những người bất đồng chính kiến. Nó cũng cho phép việc khám xét và tịch thu đồ dùng, tài sản, dữ liệu cá nhân của các nghi phạm rồi chuyển những thứ đó cho cơ quan điều tra Trung Quốc.
Theo tác giả Jason Y. Ng, việc này phải là một hồi chuông cảnh báo lớn cho tất cả mọi người ở Hong Kong, từ những chủ doanh nghiệp nhỏ cho đến các nhà báo đang đóng tại Hong Kong chuyên đưa tin về Trung Quốc, và cho đến cả các công ty công nghệ lớn như Google hay Apple.
Dự luật dẫn độ cũng trở nên đặc biệt nguy hiểm nếu được đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang có thương chiến với Hoa Kỳ và căng thẳng ngoại giao với Canada vì vụ bắt phó chủ tịch Huawei. Giờ đây, một ai đấy quá cảnh ở sân bay Hong Kong cũng có thể bị bắt bằng các cáo buộc hình sự giả mạo, để rồi biến thành một quân cờ mặc cả trong tay chính quyền Trung Quốc.
“Hồi kết” của cuộc đấu tranh quyền lực tại Hong Kong?
Tác giả Jason Y Ng cho rằng viên đá thần cuối cùng mà chính quyền bà Carrie Lam đang lăm le nhắm tới cho đủ bộ sáu viên đá thần là Điều 23 của Luật Cơ bản liên quan đến chống phản động (subversion) ở Hong Kong.
Đã có các đồn đoán ở Hong Kong rằng chính quyền sẽ không áp dụng Điều 23 này bằng các quy định luật pháp chi tiết do cơ quan lập pháp Hong Kong soạn thảo, mà sẽ “xin chỉ đạo” trực tiếp từ chính phủ Trung Quốc thông qua Điều 158 như đã nói ở trên.
Quang cảnh một buổi họp tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong. Ảnh: Edward Wong
Khi dự luật dẫn độ được thông qua, những người bất đồng chính kiến Hong Kong có thể bị cáo buộc tội phản động chiếu theo một diễn giải Điều 23 của chính quyền Trung Quốc, sau đó bị dẫn độ về Trung Quốc bằng chính luật dẫn độ gây tranh cãi kia.
Không như các siêu anh hùng Avengers, người dân Hong Kong không có máy thời gian để mà quay ngược về quá khứ để giải cứu chính mình.
Tác giả Jason Y Ng cho rằng xuống đường biểu tình là cách duy nhất để người dân Hong Kong có thể ngăn chặn “một cú búng tay khiến toàn xã hội Hong Kong im lặng” trước quyền lực nhà nước.
Chúng ta cùng chờ xem cuộc đấu tranh của người dân Hong Kong sẽ tiếp diễn thế nào.
Theo Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn