Thứ 5, ngày 3 tháng 1 năm 2019
Anh Lê Trung Kiên, chị Gái và bà Hiền khi gặp nhau để trao lại tài sản mà bà Hiền đánh rơi - Ảnh: T.K.
'Nhìn chị đạp chiếc xe cũ mèm tới trả lại ví tiền, tôi khóc'
MÓN QUÀ ẤM LÒNG CỦA CHỊ VE CHAI
Chị Trần Thị Gái - 39 tuổi, mưu sinh bằng nghề mua bán ve chai với chiếc xe đạp cọc cạch, cực khổ vậy nhưng khi lượm được hàng chục triệu đồng, chị đã tìm mọi cách trả lại cho người đánh mất.
Trần Thị Gái MỘT TẤM LÒNG -Clip: ĐOÀN CƯỜNG
Người bị rơi (rớt) ví tiền đó là bà Võ Thị Hiền ở Đà Nẵng. Nhắc đến câu chuyện, bà Hiền còn xúc động: "Khi nhìn thấy chị Gái - người gầy gò, đạp chiếc xe cũ mèm, mặc bộ đồ lao động đến trao lại ví tiền, tôi đã khóc. Tôi khóc vì tấm lòng của một người phụ nữ nghèo chứ không phải vì mình nhận lại được ví".
Vào sáng 31-12, bà Hiền đưa người thân của mình đi khám bệnh ở một phòng khám trên đường Phan Thanh, Đà Nẵng thì bác sĩ kêu phải đưa người bệnh vào bệnh viện gấp.
"Nghe vậy tôi vội vàng đưa người thân ra xe để chạy vào viện. Đến khi làm thủ tục thì mới sực nhớ ví tiền hơn 10 triệu đồng cùng tất cả giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe, BHYT đều đã bị rớt" - bà Hiền tâm sự.
May mắn là ở bệnh viện có người quen nên bà Hiền đã lo chu toàn cho người thân. Bà vội quay lại đường Phan Thanh với hi vọng tìm được chiếc ví của mình dù điều đó quá mong manh. Bà hỏi 5-6 nhà dân gần đó nhưng đều không mang lại kết quả. Thất vọng, bà đành đến công an phường trình báo để sau này có cơ sở làm lại giấy tờ tùy thân.
Đúng lúc tưởng như mọi sự đã an bài thì bà nhận được điện thoại từ ngân hàng nói có người đàn ông gọi điện đến ngân hàng báo có lượm được ví. Tuy nhiên, vì tính bảo mật khách hàng nên ngân hàng không đưa số điện thoại của bà Hiền mà gọi xác minh trước.
Người đàn ông gọi cho chị Hiền đó chính là anh Lê Trung Kiên - hàng xóm của chị Gái.
Người hàng xóm tốt bụng
"Gia đình chị hàng xóm tuy có khó khăn vất vả nhưng chị đã sống rất ấm áp tình người. Một ngày cuối năm thật y nghĩa và hạnh phúc"- Anh Lê Trung Kiên chia sẻ.
Anh Kiên tâm sự, hôm đó chị Gái vội vã qua nói với anh là chị lượm được cái ví tiền mà không biết cách chi liên lạc với khổ chủ để trả.
"Mở ví ra thì thấy có thẻ ATM, thẻ BHYT, giấy tờ mang tên Võ Thị Hiền cùng một số tiền khá nhiều… Dựa trên các giấy tờ này tôi mới tìm cách liên lạc với chị Hiền" - anh Kiên cho hay.
Ban đầu anh gọi 4 cuộc điện thoại cho ngân hàng để báo mất thẻ ATM của chị Hiền và xin số điện thoại. Tuy nhiên, vì bảo mật nên ngân hàng không cung cấp số điện thoại.
May là anh Kiên có bạn làm bên BHXH, vì thế từ thẻ BHXH của bà Hiền mà anh đã xin được số điện thoại. Anh Kiên cùng chị Gái hẹn bà Hiền đến quán cà phê để trao trả lại ví. "Tội nhất là khi gặp chị Hiền hỏi chị sao không ngồi uống nước, chị ấy nói: Chị mất ví, không còn đồng bạc nào trong người nên không dám ngồi gọi nước. Chỉ vậy mà 3 chị em cay khóe mắt" - anh Kiên tâm sự.
Số giấy tờ tùy thân quan trọng mà bà Hiền đánh rơi - Ảnh: T.K.
Lúc này bà Hiền mới biết gia cảnh ngặt nghèo của chị Gái. Bà gửi lại chị chút tiền để mua bánh trái cho ngày tết sắp đến. "Mừng vì tìm lại được giấy tờ tài sản cũng có, nhưng mừng hơn là tình người quá ấm áp. Anh ấy bảo mình rằng "Cho đi và nhận lại, vòng luân hồi mà chị", câu nói thật giản dị mà sâu sắc vô cùng. Cám ơn hai anh em đã cho mình một món quà quý giá ấm áp tình người vào ngày cuối năm này" - chị Hiền tâm sự
Tâm niệm của chị ve chai
Nhà chị Gái ở cuối con hẻm nhỏ. Ngôi nhà chưa được 20m2nhưng có tới 6 nhân khẩu gồm 4 đứa con và 2 vợ chồng. "Ông xã tui trước làm nghề thợ sơn nhưng bị đau cột sống, mổ xong thì giờ chỉ ở nhà. 6 miệng ăn dựa vô nghề mua bán ve chai của tui không à" - chị Gái chia sẻ.
Người nhỏ thó, gầy gò với công việc vất vả nhưng suốt buổi trò chuyện chị Gái ít khi nào than thở, trái lại lúc nào cũng nở nụ cười vô tư lự.
Chị Gái cùng chiếc xe đạp gắn bó với công việc buôn bán ve chai của mình - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Chị Gái quê ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, vô Đà Nẵng lập gia đình mười mấy năm. Chị bảo thuở trước cũng mở quán cơm, bún bình dân nhưng không "mát tay" nên phải bỏ. "Rứa rồi tôi dính với nghề mua bán ve chai. Không ngờ lại hợp với nghề ni" - chị Gái tâm sự.
Những ngày đầu đi buôn ve chai, chị giấu biệt chồng con. Thậm chí bạn bè chị cũng ngại nói mình làm nghề gì. Chiếc xe đạp mini trở thành người bạn theo chị đi khắp các kiệt hẻm để mua ve chai. Lúc mua được ít thì chị đẩy xe đạp về, có hồi nhiều thì thuê xích lô chở.
Dần dà thành quen, ngày cũng kiếm được vài ba trăm nghìn đồng. "Tôi cứ nói với các con là làm chi cũng được, miễn là lương thiện, làm ăn bằng đôi tay của mình là đàng hoàng, tử tế nhất. Tôi biểu các con luôn nhớ, cái chi không phải của mình thì mình không được lấy. Được cái mấy đứa nhỏ đứa nào học cũng sáng dạ nên mừng lắm" - chị Gái tâm sự.
Chia sẻ chuyện tìm trả lại ví, chị Gái tâm sự thêm: "Có mấy người kêu sao chị dại rứa, không rút hết tiền rồi trả giấy tờ lại thôi. Mà tính mình không làm được như vầy, nghèo cũng phải cho sạch". Chị Gái cho biết lúc lượm ví về nhà chị phải qua nhờ anh Kiên hàng xóm vì ảnh học hành đàng hoàng, hiểu biết nên sẽ có cách tìm chủ của chiếc ví. "Cả buổi trưa ảnh tìm cách liên hệ với chị Hiền đó" - chị Gái cho hay.
Hằng ngày chị Gái rong ruổi trên các tuyến phố để mua ve chai - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Đây không phải là lần đầu chị Gái lượm được của rơi trả người đánh mất. Hai năm trước lúc chị đi mua ve chai gần chợ Cồn, chị cũng lượm được chiếc ví trong đó chỉ có giấy tờ, có số điện thoại nên gọi người mất đến lấy lại. Rồi một lần khác ở cầu vượt Ngã Ba Huế … "Tôi không sợ chi, chỉ sợ người ta nhìn mình như vầy lại nghi kỵ mình ăn trộm thì tội" - chị Gái chia sẻ.
Nói về ước mơ của mình, chị ước cũng thật giản dị: "Mong rằng vợ chồng được khỏe. Còn sức khỏe để đi mua bán ve chai được là còn lo cho 4 đứa nhỏ ăn học thành người".
ĐOÀN CƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn