Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

>HLV Park Hang Seo: VN từng gặp đối thủ còn mạnh hơn Jordan




Khách sạn Crowne Plaza thuộc khu tổ hợp dịch vụ sang trọng của thành phố Dubai. Nó nằm cách sân vận động Al Maktoum chỉ khoảng 8 km.
Tuyển Việt Nam có mặt tại Dubai, chuẩn bị đấu Jordan


HLV Park Hang Seo: VN từng gặp đối thủ còn mạnh hơn Jordan

Trước trận đấu giữa ĐT Việt Nam và Jordan, HLV Park Hang Seo và thủ môn Đặng Văn Lâm đã tham dự buổi họp báo do BTC sắp xếp.

Tham dự buổi họp báo với thủ môn Đặng Văn Lâm, HLV Park Hang Seo đã có những đánh giá về đối thủ Jordan và dự đoán về cơ hội của ĐT Việt Nam.

HLV Park Hang Seo: "Tôi cảm thấy rất vui khi đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng 16 đội. Chúng tôi hi vọng sẽ có trận đấu tốt trước Jordan. Đối thủ của chúng tôi chuẩn bị rất kỹ cho trận đấu này. Sau khi phân tích 2 trận đấu gần đây của Jordan, tôi thấy họ đã mạnh hơn rất nhiều so với những lần đối đầu với Việt Nam.

Tuy nhiên chúng tôi đx gặp những đội mạnh hơn cả Jordan là Iran và Iraq. Cơ hội đi tiếp là rất khó khăn khi đội nào cũng quyết tâm. Tuy nhiên tôi sẽ giúp các học trò khai thác điểm yếu của Jordan và giành kết quả tốt."


HLV Park Hang Seo sẽ có sách lược gì trước Jordan?

HLB Park Hang Seo tiết lộ về chiến thuật mà Jordan thường sử dụng: "Jordan kết thúc vòng bảng với vị trí dẫn đầu, giữ sạch lưới và ghi bàn. Điều đó cho thấy họ có hàng phòng ngự tốt. Nhưng khi nghiên cứu băng hình, tôi nhận thấy các bàn thắng của Jordan đến từ cùng một công thức là chuyền dài. Tôi sẽ có cách để giải quyết vấn đề này."

Trong buổi sáng hôm nay 19/1, một nhóm CĐV hảo tâm đã tiếp tế đồ ăn cho đội tuyển Việt Nam. Đó là những đồ ăn làm từ thịt lợn, thứ mà ở UAE không có. Nói về việc này, HLV người Hàn Quốc đánh giá cao:

"Tôi đã nghe qua câu chuyện này. Tôi đánh giá cao nghĩa cử ấy. Thứ mà ĐT Việt Nam nhận được không phải về mặt dinh dưỡng mà là ý nghĩa về tinh thần nhiều hơn."





Quế Ngọc Hải cùng đồng đội chuyển đến đóng quân ở Dubai hôm nay 18/1.
Sau một ngày nghỉ ngơi tại Al Ain và chờ kết quả lượt trận cuối vòng bảng, sáng nay tuyển Việt Nam di chuyển sang Dubai - nơi diễn ra trận đấu với Jordan ở vòng 1/8 - bằng xe buýt.


Sau hai tiếng di chuyển qua quãng đường 120 km, tiền đạo cánh Phan Văn Đức (phải), thủ thành Nguyễn Tuấn Mạnh (trái) và các đồng đội đã có mặt tại khách sạn Crown Plaza Dubai lúc 11h (giờ địa phương, 14h giờ Hà Nội).


Công Phượng (phải) và người bạn thân thiết ở CLB HAGL, Nguyễn Phong Hồng Duy. Cả hai tranh thủ dùng đồ ăn nhẹ tại sảnh khách sạn trong lúc chờ làm thủ tục nhận phòng.


Giống các lần đổi địa điểm đóng quân của đội tuyển trước đây, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đều cử cán bộ đi tiền trạm, phối hợp với Ban tổ chức, nhằm đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho các tuyển thủ.


Mí mắt của Quế Ngọc Hải vẫn còn vết bầm từ cú va chạm mạnh trong trận đấu Iran ở lượt hai vòng bảng. Tuy nhiên, anh cho biết vết đau ấy chẳng thấm gì so với niềm vui khi Việt Nam vượt qua vòng bảng, đi tiếp vào vòng đấu loại trực tiếp.


Đội phó Duy Mạnh nhận chìa khóa và gọi đồng đội ở cùng đến để di chuyển lên phòng. Hậu vệ của CLB Hà Nội vắng mặt ở trận đấu cuối cùng gặp Yemen vì thẻ phạt, nhưng sẽ trở lại ở vòng 1/8. Sự tái xuất của Duy Mạnh đồng nghĩa với việc HLV Park Hang-seo có lực lượng mạnh nhất để đấu Jordan.


Sau khi ổn định chỗ ở, các thành viên đội tuyển xuống nhà ăn khách sạn và dùng bữa trưa.

17h hôm nay, họ sẽ tập buổi đầu tiên tại Dubai, chuẩn bị cho cuộc đọ sức vào Chủ nhật tuần này.








Sau chiếc vé hi hữu, là bài học "tiền không mua được" của các học trò HLV Park Hang-seo




Chiếc vé vào vòng 1/8 mà thầy trò HLV Park Hang-seo đoạt được nhờ vào "người bạn" Triều Tiên sẽ chẳng mấy ý nghĩa, nếu bản thân các cầu thủ không thấm bài học của riêng mình.

1. Đêm qua, người hâm mộ Việt Nam đắm chìm trong niềm vui - niềm vui không hẳn do Quang Hải và các đồng đội mang lại, mà từ trận đấu kiên cường của "người quen" Triều Tiên, chiến đấu kiên cường dẫu bị loại, để mang niềm vui cho thầy trò HLV Park Hang-seo. Niềm vui ấy dẫu lớn, nhưng chắc hẳn không thể so sánh được với chiếc vé mà một "người láng giềng" khác từng tặng cho đội tuyển Việt Nam, dẫu chỉ là chiếc vé vào bán kết SEA Games rất nhiều năm về trước. Đấy là lần đầu tiên người hâm mộ Việt Nam xuống đường với không khí bùng nổ, say sưa và vỡ òa trong niềm vui sướng đến như thế. Niềm vui ngày ấy, giờ đã bước qua tuổi 20 khá lâu...

Ngày ấy, ở SEA Games 1997, đội tuyển Lào cũng chiến đấu hết mình để trao cho Huỳnh Đức, Hồng Sơn và các đồng đội cơ hội đặt chân vào vòng bán kết, bằng trận thắng 1-0 trước Malaysia. Kể từ đó, cái tên Keolakhone đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam.


Với chiếc vé vào bán kết được đội tuyển Lào "tặng", Việt Nam đoạt chiếc huy chương đồng SEA Games 1997.

Đội tuyển Việt Nam ngày ấy, dẫu cho thua Malaysia ngay trong trận ra quân, hòa với Indonesia ở trận thứ hai, vẫn lách mình qua khe cửa hẹp, đem về niềm vui vỡ òa cho người hâm mộ cả nước.

Hai mươi năm sau trận cầu cứu vớt đội tuyển Việt Nam ấy, ở SEA Games 2017, HLV Hữu Thắng và các học trò của mình gục ngã đớn đau, rời đấu trường khu vực ngay sau vòng bảng, đẩy bóng đá Việt Nam đối diện với một tương lai mông lung, vô định...

Một năm sau cái ngày Keolakhone "đẩy" Huỳnh Đức và các đồng đội vào bán kết SEA Games 1997, suýt chút nữa bóng đá Việt Nam đã có được cột mốc lịch sử, với trận chung kết Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup) 1998 ngay trên sân Hàng Đẫy, để rồi phải chứng kiến cái lưng của Sasi Kumar cướp đi chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên của bóng đá Việt Nam.


Hơn 20 năm trước, Sasi Kumar để lại tiếc nuối khôn nguôi cho bóng đá Việt Nam.

Hai mươi năm sau nỗi tiếc nuối khôn nguôi ấy, bóng đá Việt Nam có một năm rực rỡ cùng HLV Park Hang-seo, với ngôi vị Á quân U23 châu Á, cùng lần thứ hai vô địch Đông Nam Á trên đấu trường AFF Cup.

Hai mươi năm, bóng đá Việt Nam có những bước tiến dài, từ phấn đấu chật vật ở đấu trường khu vực, đến gây tiếng vang, thậm chí có khả năng đi sâu ở đấu trường châu lục. Vị thế bóng đá Việt Nam nay đã khác xa so với ngày ấy, thậm chí là đã ở một đẳng cấp cao hơn nhiều. Chỉ có điều, bài học mang tên Hữu Thắng vẫn còn đó. Từ thành công đến thất bại, từ đỉnh cao đến vực sâu cách nhau đâu có xa. Từng con người, từng cho tiết nhỏ nhất, đôi khi cũng là yếu tố quyết định sự thành bại, được thua.

2. HLV Hữu Thắng thất bại, nhưng đâu phải chỉ đến khi HLV Park Hang-seo đến Việt Nam, với tài năng của mình mới xây dựng nên một thế hệ vàng rực rỡ của bóng đá Việt Nam như ngày hôm nay.

Trước Hữu Thắng, những Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Văn Hậu, Tiến Linh, Đức Chinh... chẳng phải đã tỏa sáng rực rỡ trong màu áo U19 Việt Nam trên đấu trường châu Á, đoạt vé dự World Cup U20 ở Hàn Quốc đầu năm 2017 đó sao?


HLV Hoàng Anh Tuấn là người đặt nền móng cho thế hệ vàng của những Quang Hải, Văn Hậu... trên đấu trường quốc tế.

Trước Hữu Thắng, chẳng phải lứa U19 HAGL của bầu Đức cũng đã từng khiến người hâm mộ Việt Nam đặt niềm tin vào một thế hệ vàng, sẽ đưa bóng đá Việt Nam bay cao đó sao? Bàn thua khiến thầy trò HLV Park Hang-seo bị Iraq "cướp đi" 1 điểm trong trận khai mạc Asian Cup, nhiều người trách Văn Lâm, trách Hồng Duy. Nhưng như cựu tuyển thủ Như Thành phân tích, "thủ phạm" chính trong bàn thua này, là sự thua sút về thể lực, bởi: "Một khi thể lực đã đến mức cạn kiệt, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, bởi khi đó cái đầu không thể điều khiển nổi đôi chân nữa rồi".

Trận thắng 2-0 trước Yemen, Xuân Trường bị chỉ trích khá nhiều. Thực ra tiền vệ người Tuyên Quang này không tệ, chỉ có điều thể lực của anh không thể đáp ứng trọn vẹn được những trận đấu ở đấu trường châu lục kiểu thế này, dẫn đến khả năng xoay trở, tổ chức tấn công bị hạn chế rất nhiều.

Cả bàn thua quyết định ở trận chung kết U23 châu Á một năm về trước, đến bàn thua thứ 3 trước Iraq hồi tuần trước, điểm chung là của nó là sự mất tập trung ở những thời điểm quyết định. Oman "cướp" chiếc vé của thầy trò HLV Việt Nam ở những giây cuối cùng của trận đấu, và Lebanon cũng suýt nữa thì "làm nên chuyện" trước Triều Tiên ở những phút cuối cùng.

Bàn thua quyết định trước U23 Uzbekistan một năm trước, hai bàn thua trước Malaysia ở bán kết AFF Cup 2018, cũng như bàn thua quyết định trước Iraq, chẳng phải đều có kịch bản chung là đến từ những tình huống cố định đó sao?

Chiếc vé vào vòng 1/8 của Việt Nam không thể thiếu sự may mắn, nhưng nó cũng là sự ghi nhận cho những nỗ lực, cho sự vươn lên của bóng đá Việt Nam với những ngôi sao trẻ, trong vòng tay của HLV Park Hang-seo. Nhưng hãy nhớ, trong bóng đá, khoảng cách giữa thành công và thất bại gần nhau lắm.

Một chiến tích huy hoàng trên đấu trường châu Á nữa, ở Asian Cup lần này sẽ là món quà quý giá cho bóng đá Việt Nam. Song nếu sẽ phải dừng chân sớm, thì các cầu thủ phải đọc ra được, phải thấm nhuần được những bài học được rút ra trong suốt hơn 1 năm qua, thậm chí là từ những thất bại trước đó cùng HLV Hữu Thắng, bởi những bài học đó không mua được bằng tiền đâu.

Và cũng bởi, không ai có thể vươn tới đỉnh cao nếu không thuộc nằm lòng những bài học mà chỉ có những đấu trường đỉnh cao, với những đối thủ sừng sỏ, sự cạnh tranh khốc liệt mới có thể đem lại trải nghiệm. Đấy mới là điều quý giá nhất, chứ không phải chiếc vé mà đội tuyển Triều Tiên "tặng" cho thầy trò HLV Park Hang-seo đâu.


Sau trận cầu nghẹt thở khó tin, thầy trò HLV Park Hang-seo đi tiếp bằng kịch bản siêu hi hữu




Cảm ơn những cầu thủ Triều Tiên! Họ đã chiến đấu cực kỳ quả cảm và nỗ lực, để Việt Nam có thể lách mình qua khe cửa hẹp cuối cùng, đặt chân vào vòng 1/8 Asian Cup 2019.

Video: Bảng E Asian Cup 2019: Lebanon 4-1 Triều Tiên (nguồn AFC)

Gần 45 năm về trước, ở World Cup 1974, trên sân Parkstadion Gelsenkirchen của Đông Đức (cũ), trong trận đấu cuối cùng vòng bảng giữa Brazil và Zaire, khi tỷ số trận đấu đang là 3-0 nghiêng về đội bóng Nam Mỹ và giờ thi đấu chính thức chỉ còn chừng 5 phút nữa, người ta được chứng kiến một pha bóng được coi là lố bịch nhất trong lịch sử các VCK World Cup. Brazil được hưởng một quả đá phạt trực tiếp các khung thành đối phương chừng 25m. Các cầu thủ Brazil đặt bóng, lùi lại, chuẩn bị thực hiện cú sút phạt. Khi ấy, tỷ số đang là 3-0 nghiêng về họ.

Đột nhiên, từ hàng rào của đội nhà, Mwepu Ilunga - hậu vệ của Zaire lừ lừ bước lên, lấy đà rồi co chân sút mạnh quả bóng về phần sân của Brazil. Các cầu thủ Brazil, trọng tài, khán giả trên sân, tất thảy đều ngạc nhiên cực độ. Trọng tài rút thẻ vàng phạt Mwepu Ilunga và cho Brazil thực hiện lại quả đá phạt.


Triều Tiên mới là đội bóng mở tỷ số trận đấu.

Cả thế giới cười vào mặt Mwepu Ilunga, cả thế giới cười vào mặt bóng đá châu Phi, như thể họ "mới từ rừng rú bước ra". Cho đến tận bây giờ, vẫn còn rất nhiều người cười lăn lộn khi xem lại pha bóng ấy. Nhưng ít người biết rằng đằng sau pha bóng "lố bịch" ấy, là một sự thật quặn lòng, liên quan đến nước mắt, máu và cả sinh mạng của rất nhiều người.

Giải đấu ấy, tương tự như Triều Tiên ở Asian Cup 2019, Zaire thua 2 trận đấu đầu tiên của mình, không ghi được bàn nào và đến lọt lưới đến 11 bàn.

Nhà độc tài Mobutu - tổng thống Zaire, cực kỳ xấu hổ và tức giận, đã gửi đội cận vệ của mình đến để đưa ra tuyên bố với các cầu thủ, rằng nếu họ để thua cách biệt 4 bàn trở lên ở trận đấu cuối với Brazil, thì đừng vác mặt về quê hương nữa, kèm theo đó là tính mạng của người thân ở quê nhà sẽ bị đe dọa.

Đấy là lý do mà Mwepu Ilunga đã thực hiện pha bóng "lố bịch" ngày ấy.

"Tôi cố tình làm như thế đấy chứ. Dĩ nhiên là tôi biết rõ luật. Nhưng tôi không thể tiếp tục đá khi kẻ độc tài ấy ngồi trên khán đài và đem mạng sống của những người thân yêu của tôi ra đánh cược. Tôi không thể tiếp tục thi đấu như thế nữa. Tôi làm để để thà nhận thẻ đỏ rời sân còn hơn là tiếp tục phải đá trong sự sợ hãi tột cùng này.

Tôi nắm luật rất rõ. Trọng tài đã khá nhẹ tay khi chỉ rút thẻ vàng cảnh cáo. Cả đời mình, tôi chưa từng hối tiếc về việc làm ấy", Mwepu hồi tưởng lại khoảnh khắc sinh tử ấy.




Trong giây phút ấy, chàng trai trẻ 25 tuổi chỉ nghĩ được có mỗi một điều, rằng hành động ấy là "ngón tay thối" chĩa thẳng vào mặt nhà độc tài trên ghế VIP khán đài, mọi điều khác - không quan trọng.

Ngày hôm nay, trên sân Shajiah, trong hoàn cảnh tương tự với Zaire ngày nào - chỉ ở kết quả hai trận đấu đầu tiên của họ ở giải đấu thôi nhé, các cầu thủ Triều Tiên chắc hẳn muốn có một trận đấu "rửa mặt", để gỡ lại danh dự cho đội bóng mới trước đây hơn 8 năm còn lọt vào đến tận VCK World Cup, và chắc hẳn có chút ít là để giúp Việt Nam - đất nước mà người Triều Tiên có ít nhiều tình cảm.

Người hâm mộ Việt Nam mong đội tuyển Triều Tiên không để thua Lebanon trên 3 bàn, đúng bằng với yêu cầu của Mobutu với các cầu thủ Zaire ngày nào. Và các cầu thủ Triều Tiên thậm chí còn làm được hơn thế, họ thậm chí còn là người ghi bàn thắng mở tỷ số, đưa số bàn thắng đối phương phải ghi được để có cửa giành vé đi tiếp của thầy trò HLV Park Hang-seo lên con số 4.




Bàn thắng ấy đến sớm, ngay ở phút thứ 9 và là một cú sút phạt đẹp mắt. Bóng được Pak Kwang-Ryong sút chìm vào góc xa, đi không xa với thủ thành Mehdi Khalil, nhưng cũng đủ để cú đổ người của anh chỉ kịp chạm vào bóng, chứ không thể cản phá.

Song nếu như người hâm mộ Việt Nam từng rất ngạc nhiên với màn thể hiện trong trận giao hữu hòa 1-1 với đội tuyển Việt Nam của các cầu thủ Triều Tiên trên sân Mỹ Đình hồi tháng trước, thì trước Lebanon, người ta hiểu vì sao Triều Tiên lại thua đậm đà ở hai trận đấu đầu tiên của giải đấu này đến thế.

Chơi bóng đầy cảm tính, các cầu thủ Triều Tiên mắc vô số sai lầm tai hại, từ thủ môn cho đến các hậu vệ. Khi 45 phút đầu tiên của trận đấu trôi qua, khán giả Việt Nam chắc hẳn phải thở hắt ra khi tỷ số là 1-1, bởi nếu Lebanon tận dụng được hết các cơ hội của mình, tỷ số nghiêng về họ là điều tất nhiên, và thậm chí còn khá đậm là đằng khác.




Nhưng cũng trong hiệp đấu đầu tiên, họ làm được một điều nữa ngoài bàn thắng mở tỷ số: kiếm được 1 chiếc thẻ vàng cho đối phương, để Lebanon phải thắng với cách biệt ít nhất 4 bàn mới có thể giật chiếc vé vào vòng 1/8 của Việt Nam.

Chẳng ai ngạc nhiên với bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 của Lebanon, với cú volley bóng sống chân trái cực đẹp của Hilal Alhelwe ở phút 65, thay vào đó, tất cả những ai theo dõi trực tiếp trận đấu này chắc hẳn sẽ ngạc nhiên với việc Triều Tiên không bị thủng lưới thêm, trước sức ép kinh hoàng đến nghẹt thở của đối phương.

Họ chiến đấu chẳng khác nào các chiến binh, lăn xả và chẳng hề sợ sệt, dù cho kém hơn thấy rõ. Thậm chí, nếu pha phản công 2 đánh 3 ngay trước vòng cấm địa của Lebanon được tận dụng tốt, Triều Tiên lẽ ra đã có được bàn thắng gỡ hòa 2-2 ở phút thứ 75.

Trước trận đấu này, số lượng thẻ của đội tuyển Việt Nam và Lebanon là bằng nhau. Chiếc thẻ vàng mà Robert Melki phải lĩnh ở phút 30 sau pha phạm lỗi ngay trước vòng cấm địa Triều Tiên là yếu tố quyết định chiếc vé đi tiếp vào vòng 1/8 cho thầy trò HLV Park Hang-seo Gần 45 năm về trước, rốt cuộc Zaire của Mwepu Ilunga cũng cầm cự thành công ở 5 phút cuối cùng của trận đấu với Brazil, khiến tỷ số trận đấu dừng lại ở con số 0-3, và cả đội bóng ấy được trở về quê hương với gia đình.

Hôm nay, 18 phút cuối cùng của trận đấu quyết định chiếc vé vào vòng 1/8 của thầy trò HLV Park Hang-seo - tính từ bàn thắng từ chấm phạt đền của Lebanon ở phút 80, diễn ra còn nghẹt hở hơn thế nhiều, nhưng trước nỗ lực khôn cùng của các cầu thủ Triều Tiên, Lebanon chỉ có thể tìm kiếm được bàn thắng nâng cách biệt lên 3 bàn vào những giây cuối cùng, trước khi tiếng còi kết thúc trận đấu nổi lên.

Biết sao không, đội tuyển Việt Nam đặt chân vào vòng 1/8, bằng chênh lệch với Lebanon chỉ đúng 1 chiếc thẻ vàng. Kịch tính thật là kinh khủng, nhưng vỡ òa như thế mới là bóng đá!

Tỷ số: Lebanon 4-1 Triều Tiên
Ghi bàn
Lebanon: George Felix Melki (27'), Hilal Alhelwe (65', 90'+8), Hassan Maatouk (80')
Triều Tiên: Pak Kwang-Ryong (9')
Theo: Int

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template