Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

‘Sếp’ Huawei được tại ngoại với 7,5 triệu USD bảo lãnh




Bà Meng Wanzhou, giám đốc tài chính Huawei, trao đổi với luật sư David Martin tại tòa ở Vancouver, British Columbia, Canada ngày 10-12 - Ảnh: AFP
‘Sếp’ Huawei được tại ngoại với 7,5 triệu USD bảo lãnh


Who Is Meng Wanzhou?


Phán quyết cho bà Meng Wanzhou, giám đốc tài chính Công ty Huawei, được bảo lãnh tại ngoại được đưa ra sau khi có thông tin một nhà cựu ngoại giao Canada bị bắt tại Bắc Kinh.







Theo Đài CNBC, sau hai phiên xử mà không đi đến kết luận, tại phiên ngày 11-12, thẩm phán Canada rốt cuộc đã cho phép bà Meng Wanzhou được đóng tiền bảo lãnh tại ngoại trong lúc chờ tiến hành các thủ tục xét xử tiếp theo.

Bà Meng Wanzhou bị chính quyền Mỹ cáo buộc đã có hành vi gian lận, sử dụng công ty bình phong để lừa các ngân hàng quốc tế, giao dịch với Iran, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.

Thẩm phán tại tòa ở Vancouver, ông William Ehreke, đã cho phép bà Meng Wanzhou được tại ngoại có điều kiện nếu bà đóng tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD, trong đó có ít nhất 5,2 triệu USD tiền mặt.

Trước đó, các luật sư của bà Meng đã đề nghị dùng hai căn nhà ở Vancouver của gia đình bà Meng có tổng trị giá 16,3 triệu USD để làm tài sản bảo lãnh.

Ngoài tiền bảo lãnh, nhóm pháp lý của bà Meng cũng cho biết bà sẽ thanh toán chi phí theo dõi từ xa bằng công nghệ GPS và tiền trả cho công tác canh giữ toàn thời gian tại nơi ở sẽ được tiến hành với bà.

Nữ giám đốc tài chính của Huawei bị nhà chức trách Canada bắt theo yêu cầu của cơ quan tư pháp Mỹ từ ngày 1-12 tại Vancouver trong lúc đổi chuyến bay.

Trong phiên xử ngày 8-12, các công tố viên Canada đã lần đầu tiên công bố những thông tin chi tiết về những cáo buộc của phía Mỹ với bà Meng.

Theo đó, chính quyền Mỹ cáo buộc bà Meng đã lừa các ngân hàng, khiến họ tin rằng công ty của bà không liên quan gì với Công ty Skycom Tech có trụ sở ở Hong Kong, trong khi thực tế là có.

Công ty Skycom Tech bị cáo buộc đã cố tình bán thiết bị máy tính của Mỹ cho một công ty điện thoại di động của Iran. Tất cả những động thái này đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.

Trong diễn biến khác, chưa rõ có liên quan tới vụ việc bà Meng Wanzhou hay không, Hãng tin Reuters ngày 11-12 dẫn hai nguồn tin cho biết ông Michael Kovrig, một cựu nhân viên ngoại giao người Canada, đã bị bắt ở Trung Quốc.


"Nữ tướng" Huawei được tại ngoại, ông Trump nói "sẽ can thiệp" nếu cần

Tòa án ở Canada ngày 11-12 đã chấp nhận yêu cầu tại ngoại của Giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou trong khoảng thời gian bà đợi một phiên tòa về việc dẫn độ sang Mỹ.

Huawei CFO Sabrina Meng Wanzhou, daughter of founder, arrested in Canada at request of US government


Quyết định cho bảo lãnh tại ngoại đối với "nữ tướng" của công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc này khép lại phiên tòa kéo dài 3 ngày và mở ra một hành trình có thể là một cuộc chiến pháp lý lâu dài giữa lúc bà Meng phải đấu tranh với nỗ lực dẫn độ bà sang Mỹ.


Giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou. Ảnh: Reuters

Quyết định nói trên của tòa án ở Vancouver đưa ra giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Reuters rằng ông sẽ can thiệp vào vụ này nếu nó gây ảnh hưởng tới lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp tiến gần tới thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Trong khi đó, nổi lên thông tin cựu quan chức ngoại giao của Canada Michael Kovrig đã bị bắt giữ ở Trung Quốc. Ông Kovrig từng là người đứng đầu bộ phận chính trị cho chuyến thăm năm 2016 tới Hồng Kông của Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Theo Guardian, ông Trudeau nói với báo giới rằng chính phủ Canada coi việc bắt giữ nói trên là một vấn đề nghiêm trọng. Các cựu quan chức ngoại giao cũng như giới phân tích trước đó đã cảnh báo Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp trừng phạt để trả đũa vụ bắt giữ bà Meng. "Vụ bắt giữ đã gởi một tín hiệu tới các nhà ngoại giao đương nhiệm về sự nghiêm trọng với những vấn đề mà Trung Quốc đang quan tâm" - GS về quan hệ quốc tế Stephanie Carvin tại ĐH Carleton nhận định, dù ông cho rằng vẫn còn quá sơm để khẳng định hai vụ việc có liên quan tới nhau.

Bà Meng bị giới chức trách Canada bắt giữ ngày 1-12 ở Vancouver khi đang chờ chuyến bay theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc "âm mưu lừa đảo các tổ chức tài chính", nghi vấn lách lệnh trừng phạt của Washington áp dụng lên Iran.

Nếu bị dẫn độ sang Mỹ và bị tuyên có tội, bà có thể đối diện với án 30 năm tù.

Trước khi tại ngoại, bà Meng đã bị giam giữ hơn 1 tuần và việc bà được tại ngoại một phần do các yếu tố về sức khỏe, bao gồm cuộc phẫu thuật ung thư trước đó và vấn đề về ăn uống.

Bà Meng phải đáp ứng 15 yêu cầu để tại ngoại, bao gồm việc đeo thiết bị theo dõi GPS, giao nộp cả hai hội chiếu và nộp 7,5 triệu USD. Bà phải tự chi trả toàn bộ chi phí giám sát và theo dõi GPS.

Về phía Mỹ - nước đã yêu cầu Canada bắt giữ bà Meng, tới nay họ vẫn chưa gởi yêu cầu chính thức về việc dẫn độ. Nếu yêu cầu này không được đưa ra trong vòng 60 ngày, bà Meng sẽ được thả.


CFO vừa bị bắt là con gái người sáng lập Huawei

Canada-China free trade deal unlikely after Huawei CFO arrest


Bà Meng Wanzhou được xem là người thừa kế tiềm năng của tập đoàn Huawei...


Meng Wanzhou - Ảnh: Getty Images.

Theo Financial Times, Meng Wanzhou, giám đốc tài chính (CFO) của Huawei - người vừa bị bắt tại Canada, chính là con gái của người sáng lập tập đoàn - Ren Zhengfei.

Wanzhou được xem là người kế vị của ông Ren - người hiện giữ chức giám đốc điều hành (CEO) của Huawei.

Theo thông tin trên website của tập đoàn này, ông Ren trải qua quá trình xây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Là con trai trong một gia đình giáo viên tại một thị trấn miền núi xa xôi của Trung Quốc, ông từng làm việc cho các công ty kỹ thuật của quân đội và dần lên được vị trí tương đương với "phó trưởng trung đoàn dù không có cấp bậc trong quân ngũ".

Khi đơn vị bị giải thể, vào năm 1987, ông Ren nghỉ hưu và thành lập Huawei với số tiền khoảng 3.000 USD. Trong khi đó, con gái Meng Wanzhou của ông gia nhập Huawei vào năm 1993 với vị trí lễ tân và sau đó bắt đầu nắm giữ nhiều vị trí cao hơn. Khi bị bắt tại Canada hôm 1/12, bà đang giữ chức vụ CFO đồng thời là phó chủ tịch của Huawei.

Với vai trò CFO, bà Meng phụ trách quản lý hoạt động tài chính của tập đoàn khổng lồ với 180.000 nhân viên và doanh thu 325,7 tỷ Nhân dân tệ (47,4 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2018. Trong quý 2 năm nay, Huawei đã vượt qua Apple về doanh số smartphone và dự báo bán được 200 triệu chiếc trong năm nay.

Tập đoàn này có kế hoạch đầu tư tới 20 tỷ USD một năm vào nghiên cứu và phát triển. Năm ngoái, tập đoàn chi 13,8 tỷ USD, tương đương 15% doanh thu vào hoạt động này.


Người sáng lập tập đoàn Huawei Ren Zhengfei.

Nhiều người cho rằng các vị trí của bà Meng tại Huawei là bước đệm cho vị trí cuối cùng: tiếp quản chức CEO từ ông bố 74 tuổi. Tuy nhiên, ông Ren luôn phủ nhận việc này.

Ông từng nói với tờ China Economic Times: "Làm sao việc này có thể được quyết định bởi một người? Kể từ ngày Huawei ra đời, nó được xây dựng dựa trên nguyên tắc bổ nhiệm theo năng lực, chứ không phải theo chủ nghĩa gia đình trị".

Bà Meng có bằng thạc sĩ quản trị của Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong Ms Meng. Năm 2013, Meng chia sẻ với tờ Beijing News rằng chồng bà không hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và bà có 2 con nhỏ.

Trước đó, ngày 1/12, bà Meng bị bắt ở Canada và có thể sẽ bị dẫn độ về Mỹ, trong bối cảnh cơ quan chức năng Mỹ đang điều tra nghi án tập đoàn công nghệ Trung Quốc này vi phạm lệnh trừng phạt Iran.

Hồi năm 2016, Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành tìm kiếm thông tin liên quan đến khả năng Huawei chuyển công nghệ Mỹ đến Syria, Triều Tiên và Iran. Trước đó, Mỹ đã trừng phạt ZTE, một đối thủ đồng hương của Huawei, vì giao dịch với Iran và Triều Tiên.


Vì sao 2 ái nữ tập đoàn Huawei không mang họ cha?


Bà Meng Wanzhou (trái) và cô Annabel Yao. Ảnh: SCMP

Bà Meng Wanzhou, ái nữ của nhà sáng lập Huawei, Ren Zhengfei, cùng với em gái cùng cha khác mẹ Annabel Yao đang trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông sau khi bà Meng bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ.

Trước khi bị bắt, bà Meng, 46 tuổi, là Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc). Bà Meng là con gái của ông Ren, 74 tuổi, với người vợ đầu tiên Meng Jun - con gái của một cựu quan chức cấp cao ở tỉnh Tứ Xuyên, Meng Dongbuo. Ông Ren còn có một người con trai tên Meng Ping với người vợ này.

Cả bà Meng Wanzhou lẫn ông Meng Ping đều lấy họ mẹ mà không lấy họ cha để "tránh gây sự chú ý không cần thiết", mặc dù ông Meng Ping trước đây thường được gọi bằng tên Ren Ping. Còn theo kênh CNA (Singapore), bà Meng lấy họ mẹ kể từ khi cha mẹ ly dị.

Việc con cái không lấy họ cha không phải là hiếm trong các gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu ở Trung Quốc. Chẳng hạn, người đồng sáng lập nhà đấu giá China Guardian, bà Wang Yannan, cũng không lấy họ cha – ông Zhao Ziyang (Triệu Tử Dương), thủ tướng Trung Quốc từ năm 1980-1987 và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1987-1989.

Bà Meng làm việc cho công ty của cha mình từ năm 1993 sau khi lấy bằng thạc sĩ tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Huazhong, trích tiểu sử được đăng trên trang web của Huawei. Tuy nhiên, công việc đầu tiên của bà Meng là tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.

Tại Huawei, bà Meng bắt đầu với nhiệm vụ thư ký. Sau đó, bà giữ vị trí giám đốc bộ phận kế toán quốc tế của Huawei, giám đốc tài chính cho Huawei Hong Kong và cũng là chủ tịch bộ phận quản lý kế toán. Bà Meng khẳng định vị thế của mình từ năm 2011 sau khi gia nhập hội đồng quản trị. Những người trong công ty mô tả bà Meng là người có năng lực và chăm chỉ.

Báo South China Morning Post (SCMP) cho biết bà Meng đã có một con trai và một con gái. Người phụ nữ này hầu như không công khai cuộc sống riêng tư cho đến khi đồng ý tham gia phỏng vấn vào năm 2013.

"Một ngày nọ, con trai tôi không muốn đi bơi và xin chồng tôi được ở nhà nhưng bị từ chối. Bây giờ, nó đại diện cho trường học tham gia các cuộc thi bơi lội" – bà Meng phát biểu tại Trường Quốc tế Trùng Khánh vào năm 2016.


Hình ảnh của Annabel Yao trên Instagram

Bà Meng từ lâu được xem là nhân vật kế nhiệm ông Ren, người sáng lập Huawei vào năm 1983. Ông Ren trước đây phục vụ trong quân đội Trung Quốc và được bầu vào quốc hội Khóa XII của nước này.

Trong khi đó, Annabel Yao, 21 tuổi, là con gái của ông Ren với người vợ thứ hai Yao Ling. Vợ thứ ba của ông Ren là Su Wei who, người từng làm thư ký cho ông Ren, theo truyền thông Trung Quốc. Annabel Yao là sinh viên ngành khoa học máy tính tại Trường ĐH Harvard, đồng thời là nữ diễn viên múa ba-lê, trích thông tin đăng tải trên tài khoản Instagram của cô.


Ái nữ Huawei và vũ hội hoàng gia ra mắt giới thượng lưu

Annabel Yao, con gái thứ hai của chủ tịch tập đoàn công nghệ Huawei Nhậm Chính Phi, được chọn tham dự vũ hội hoàng gia của các "cậu ấm, cô chiêu" nổi tiếng trên thế giới.

Annabel Yao, 21 tuổi, con gái thứ hai của người sáng lập tập đoàn công nghệ Huawei Nhậm Chính Phi, là một trong số 19 thiếu nữ trẻ ra mắt giới thượng lưu thế giới trong buổi tiệc khiêu vũ Le Bal des Debutantes tại Paris vào tháng trước.

Annabel Yao và 18 cô gái khác được chọn vì vẻ bề ngoài xinh đẹp, học vấn cao và danh thế của gia đình họ, thường là những thế lực trong các lĩnh vực kinh doanh, giải trí và chính trị.


19 "ái nữ" ra mắt tại tiệc khiêu vũ Le Bal des Debutantes tại Paris vào tháng trước. Ảnh: Yunling Fang.

Tại buổi phỏng vấn sau sự kiện, Yao nói với South China Morning Post: “Tôi chắc chắn coi đây như màn ra mắt của mình với thế giới. Kể từ giờ phút này, tôi sẽ không còn là cô gái sống trong thế giới riêng của mình nữa mà sẽ bước vào thế giới dành cho người lớn, nơi tôi phải cẩn trọng trong mọi hành động của mình và nhiều người sẽ dõi theo tôi”.

Sự ra mắt của “công chúa”

Tiệc khiêu vũ Le Bal, còn được gọi là Crillon Ball, là một sự kiện đa dạng, một mô hình thu nhỏ thể hiện làn sóng chuyển dịch trong giới tinh hoa toàn cầu. 19 cô gái ra mắt trong sự kiện năm nay đến từ khắp nơi trên thế giới: Ấn Độ, Mỹ, Bồ Đào Nha, Pháp, Bỉ, Đức, Hong Kong, Philippines và Trung Quốc.

Các cô gái thướt tha trong những bộ váy thiết kế cao cấp đầy quyến rũ và khiêu vũ điệu waltz với bạn nhảy, thường là các quý ông trẻ tuổi xuất thân hoàng gia ở châu Âu. Yao là một trong 3 tiểu thư được chọn để nhảy điệu mở màn. Hai “ái nữ” còn lại là Baroness Ludmilla von Oppenheim đến từ Đức và Julia McCaw, con gái của người sáng lập tập đoàn viễn thông Mỹ AT&T Craig McCaw.


Annabel Yao nhảy mở màn tại bữa tiệc cùng thành viên hoàng gia châu Âu. Ảnh: Yunling Fang.

Theo học ngành khoa học máy tính tại Havard, Yao còn là một vũ công ballet. Cô từng sống ở Anh, Hong Kong và Thượng Hải. Con cái của các ngôi sao Hollywood như Forest Whitaker, Bruce Willis và Sylvester Stallone cũng trở thành khách mời quen thuộc của vũ hội Le Bal.

Khi những cô gái này đánh đổi quần jeans và những trò vui thanh niên để khoác lên người những bộ cánh cao cấp cùng vương miện để nhảy điệu waltz, họ đã sẵn sàng chơi trò chơi công chúa trong 3 ngày đầu tiên ra mắt giới thượng lưu châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Những “ái nữ” đến Paris từ hai ngày trước vũ hội để giao lưu với nhau và với những thành viên hoàng gia châu Âu sẽ trở thành bạn nhảy của mình. Họ luyện tập và tham gia vào buổi chụp hình chân dung.

Các cô gái được đưa một bảng câu hỏi về phong cách thời trang và sau đó chọn một kiểu trang phục mà mình thích. Tại sự kiện, Yao đã mặc bộ váy dạ hội màu vàng champagne của nhãn hiệu J Mendel. “Đó là một nhà thiết kế người Mỹ với phong cách rất Pháp… Tôi muốn thứ gì đó hiện đại. Tôi không phải là người cực kỳ nữ tính, vì vậy tôi thích thứ gì đó sang trọng hơn và không quá công chúa… Bộ váy này rất thanh lịch, và tôi cũng không thích màu sắc nổi bật. Tôi thích kết cấu vải tuyn của bộ váy vì nó gợi nhớ đến một vũ công ballet”, Yao nói.




"Cuộc sống của tôi nhạt hơn buổi khiêu vũ này..."

Nhìn lướt qua các trang thông tin trên mạng xã hội của hệ thống trường đại học Ivy League, có thể thấy hình ảnh “ái nữ” Huawei trong những bộ đồ hàng hiệu, có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Mùa hè vừa qua, Yao đã thực tập tại tập đoàn công nghệ Microsoft, tham gia vào “một nhóm tập trung nghiên cứu máy móc và nhận dạng hình ảnh”.

“Mọi cô gái ở đây đều là những thiên thần được gửi xuống Trái Đất, rất hòa đồng, thân thiện và cởi mở. Không ai khoe khoang về mình cả. Họ đều theo học các trường trung học hoặc đại học hàng đầu như Stanford, Brown và Columbia. Vì vậy tuy được hưởng nhiều đặc quyền nhưng họ cũng làm việc rất chăm chỉ”, Yao nói với South China Morning Post.

“Chắc chắn là tôi cảm thấy vinh dự khi là một trong số chỉ 18 cô gái trên thế giới ra mắt tại sự kiện vào năm nay. Điều đó có nghĩa là tôi phải làm việc chăm chỉ hơn, cố gắng đạt được những điều tuyệt vời trong cuộc sống và trở thành hình mẫu cho những cô gái khác”, cô nói thêm.


Chân dung ái nữ Annabel Yao của chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi. Ảnh: Yunling Fang.

"Ái nữ" Huawei cho rằng: “Được hưởng nhiều đặc quyền hơn những người khác nên chúng tôi cảm thấy cần phải giúp đỡ những người có ít cơ hội hơn. Tôi muốn tham gia vào hoạt động từ thiện… Tôi vẫn luôn coi mình là một cô gái bình thường và cần phải làm việc chăm chỉ để hoàn thiện mình hơn mỗi ngày. Cuộc sống hàng ngày của tôi thực sự khá nhàm chán nếu so với sự kiện này. Tôi vẫn sống như một sinh viên bình thường thôi”.

Khoa học máy tính là một ngành học rất nặng với khối lượng kiến thức nhiều nên Yao dành phần lớn thời gian trong ngày để nghiên cứu. Lúc rảnh rỗi cô thường tham gia vào nhóm vũ công ballet của trường Đại học Harvard. Kể từ khi còn bé, “tôi luôn cố gắng dành nhiều thời gian cho ballet nhất có thể”, Yao nói.

Tuy nhiên, Yao cho biết thêm: “Ngoài lập trình, tôi cũng thích kết giao với mọi người… Tôi có niềm đam mê với thời trang, quan hệ công chúng và giải trí”.

Trong tương lai, “ái nữ” thứ hai của tập đoàn Huawei mong muốn làm việc trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ. “Tôi sẽ cố gắng tích hợp những kiến thức về công nghệ của mình vào công việc. Tôi không nghĩ mình sẽ trở thành kỹ sư phần mềm, có lẽ tôi sẽ làm quản lý nhiều hơn. Tôi thích xây dựng những mối quan hệ kết nối”, Yao chia sẻ với South China Morning Post.


Sếp Huawei vừa bị bắt là bộ mặt viễn thông Trung Quốc

Với cộng đồng tài chính quốc tế, bà Meng Wanzhou không chỉ là một lãnh đạo cấp cao tại Huawei, bà còn là “bộ mặt” của nhà cung cấp smartphone và thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc.

Theo báo Wall Street Journal, bà Meng Wanzho, 46 tuổi, còn có tên khác là Sabrina Meng, không phải là một lãnh đạo cấp cao thông thường tại Huawei.

Nhà lãnh đạo Huawei tương lai?

Không chỉ là ái nữ yêu quý của nhà sáng lập tập đoàn này, thời gian gần đây, bà còn nổi lên như một người có khả năng sẽ kế nhiệm cha mình để điều hành Huawei.

Dĩ nhiên việc nhà chức trách Canada bắt giữ bà Meng theo yêu cầu của Mỹ là một "cú đánh" riêng nhắm vào cha bà, ông Ren Zhengfei, 74 tuổi, một cựu kỹ sư từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc.

Từ hơn 3 thập kỷ trước ông Zhengfei đã sáng lập Huawei và gây dựng, phát triển nó trở thành một trong những đế chế doanh nghiệp tư nhân lớn nhất và có độ bao phủ toàn cầu lớn nhất của Trung Quốc.

Trong năm nay bà Meng đã được bổ nhiệm vào giữ một trong những vị trí phó chủ tịch của Huawei. Cương vị này khiến bà trở thành một trong những người có quyền lực chỉ còn dưới cha bà trong cấp bậc phân quyền quản lý tại Huawei.

Việc thăng chức với bà Meng được nội bộ rộng rãi của Huawei nhìn nhận như động thái đặt bà vào vị trí một ngày nào đó sẽ trở thành lãnh đạo cao nhất điều hành một trong những công ty viễn thông lớn nhất thế giới.

Dù vậy, cho tới thời điểm này tại Huawei vẫn chưa có một quy hoạch rõ ràng về nhân sự kế nhiệm được vạch ra rõ ràng.

Trong suốt 25 năm thăng tiến trong sự nghiệp, bà Meng đã làm việc tại khá nhiều bộ phận khác nhau. Bà cũng là đại diện của Huawei trong tiếp xúc, quan hệ với cộng đồng tài chính.

Mặc dù Huawei là công ty tư nhân (công ty có cổ phần được nắm giữ bởi một số ít các cổ đông và các cổ đông này không bán cổ phiếu trên thị trường, nói cách khác Huawei không phải là công ty cổ phần đại chúng), nhưng Huawei vẫn thông báo các kết quả kinh doanh thường niên, mà bà Meng là người làm việc này, tới các nhà đầu tư.

Bà Meng cũng là người chủ trì các hội nghị tài chính thường niên của Huawei, còn gọi là sự kiện Huawei ICT Finance Forum, đã được tổ chức tại New York, Cancún và Milan. Góp mặt tại hội nghị này thường là các chủ ngân hàng đầu tư, các chuyên gia phân tích và các thành viên khác trong cộng đồng tài chính quốc tế.

Cựu chủ tịch quỹ dự trữ liên bang Mỹ, ông Alan Greenspan, cũng đã từng tham gia với tư cách diễn giả tại một hội nghị thường niên như vậy do Huawei tổ chức.


Một sự kiện quảng bá của Huawei - Ảnh: REUTERS

Người trầm tính

Trong nội bộ công ty Huawei, bà Meng được mọi người đánh giá là một người mạnh mẽ nhưng trầm tính. Trái ngược với những vị lãnh đạo khác thường xuyên xuất hiện trước công chúng của Huawei như một phó chủ tịch khác là ông Eric Xu, bà Meng thường không phải là người phát biểu tại các sự kiện lớn hàng năm như Huawei Connect của công ty.

Năm 2007 bà Meng giữ cương vị "thư ký hội đồng quản trị" cho một công ty cổ phần của Huawei lúc đó sở hữu công ty Skycom Tech có trụ sở tại Hong Kong. Công ty này có quan hệ làm ăn với Iran và các nhân viên của công ty này cũng nói họ làm việc cho công ty "Huawei-Skycom"

. Bà Meng trở thành giám đốc tại Skycom Tech vào tháng 2-2008, tuy nhiên tới tháng 4 năm sau đó, bà đã từ chức. Tuy nhiên vị trí bà Meng từng nắm giữ này tại Skycom đang bị nhà chức trách Mỹ điều tra. Hiện chưa rõ nó liên quan như thế nào tới việc bà bị bắt giữ tại Canada ngày 1-12 vừa qua.

Bà Meng là một trong hai người con của ông Ren hiện đang nắm giữ vai trò quan trọng tại Huawei. Người kia là ông Ren Ping, lãnh đạo một công ty khác cũng thuộc sở hữu của Huawei là Smartcom.


Mạng xã hội Trung Quốc phản ứng gay gắt

Việc nữ giám đốc tài chính toàn cầu của Huawei bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ đã làm dấy lên dư luận phản ứng gay gắt trên truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc.

Hãng tin Reuters dẫn lại phản ứng trên mạng xã hội Twiteer của biên tập viên tờ Thời báo Hoàn cầu Hu Xijin: "Tôi rất sốc. Mỹ không thể đánh bại Huawei trên thị trường. Đừng hành động kiểu đê hèn như vậy".

Trong khi đó, theo giáo sư Jia Wenshan của đại học Chapman tại California, vụ bắt giữ bà Meng là một phần trong chiến lược địa chính trị rộng rãi hơn của chính quyền ông Trump nhằm chống lại Trung Quốc. Cũng theo giáo sư Wenshan, động thái này "có nguy lớn làm chệch hướng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung".

Cũng có tài khoản trên mạng Weibo của Trung Quốc kêu gọi người dân nước này hãy tẩy chay các hàng hóa do hãng Apple của Mỹ sản xuất, chuyển sang mua hàng của Huawei để biểu thị sự ủng hộ với công ty này.



'Công chúa Huawei' bị bắt có đến 7 cuốn hộ chiếu

Dư luận Hong Kong lo ngại hệ thống nhập cư của đặc khu này tồn tại lỗ hổng khi xuất hiện thông tin cho thấy CFO của Huawei cầm trong tay đến 3 hộ chiếu Hong Kong khi bị bắt giữ.

Những yếu tố ly kỳ xoay quanh vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn Huawei, tại Canada đã lan đến cả Hong Kong. Tài liệu của tòa án Canada tuần qua cho thấy bà Mạnh giữ đến 7 hộ chiếu, trong đó gồm 4 hộ chiếu của Trung Quốc và 3 hộ chiếu của Hong Kong.

“Trong vòng 11 năm qua, bà Mạnh đã được cấp không dưới 7 hộ chiếu khác nhau từ Trung Quốc và Hong Kong”, thư của Bộ Tư pháp Mỹ gửi phía Canada cho biết.

Các công tố viên Mỹ dùng yếu tố này để cảnh báo bà Mạnh có rủi ro bỏ trốn nếu được bảo lãnh. Lá thư của phía Mỹ còn liệt kê cụ thể số của từng hộ chiếu.


Bà Mạnh Vãn Châu, CFO của tập đoàn Huawei, bị bắt tại Vancouver vào ngày 1/12. Ảnh: Reuters.

Người phát ngôn của Cơ quan Nhập cư Hong Kong từ chối bình luận về những trường hợp mang tính đơn lẻ. Tuy nhiên, người phát ngôn xác nhận rằng những trường hợp được cấp hộ chiếu của đặc khu Hong Kong chỉ được sở hữu một hộ chiếu có hiệu lực cho mỗi lần cấp, theo South China Morning Post.

Có những trường hợp người giữ hộ chiếu sẽ nộp đơn xin giữ một hộ chiếu cũ và không còn hiệu lực (hết hạn, hư hỏng hoặc phiên bản cũ). Hộ chiếu này có thể còn visa có hiệu lực nên sẽ sử dụng kết hợp với hộ chiếu mới. Tuy nhiên, bản thân hộ chiếu cũ vẫn không có giá trị sử dụng độc lập.

“Liên kết chéo hộ chiếu HKSAR nghĩa là sử dụng cùng lúc cả hộ chiếu cũ và hộ chiếu mới nhằm sử dụng được visa còn hiệu lực nằm trên hộ chiếu cũ, nhưng bản thân hộ chiếu cũ vẫn sẽ bị hủy”, người phát ngôn này cho biết. “Mọi cá nhân được cấp hộ chiếu sẽ không sở hữu cùng lúc nhiều hơn một hộ chiếu HKSAR có hiệu lực”.

South China Morning Post dẫn nguồn tin cho biết có khả năng bà Mạnh chỉ sở hữu một hộ chiếu Hong Kong hợp lệ, nhưng mang theo 2 hộ chiếu cũ khi ra nước ngoài vì cần sử dụng visa còn hiệu lực.


Cơ quan Nhập cư Hong Kong đang đứng trước sức ép làm rõ vì sao bà Mạnh Vãn Châu có nhiều hơn một hộ chiếu Hong Kong khi bị bắt giữ. Ảnh: SCMP.

Các chuyên gia luật và chính trị gia Hong Kong trong tuần qua đặt nghi vấn vì sao CFO của Huawei nắm trong tay nhiều hộ chiếu như vậy. Một số nhà lập pháp Hong Kong đã yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành điều tra.

Eric Cheung Tat-ming, chuyên gia luật tại Đại học Hong Kong, lưu ý cả 3 hộ chiếu Hong Kong của bà Mạnh đều mở đầu bằng ký hiệu KJ. Ông cho rằng các hộ chiếu được cấp liên tiếp trong một thời gian ngắn và việc bà dùng hết 2 hộ chiếu là vô lý. Ngược lại, trả lời South China Morning Post, một nguồn tin chính quyền cho biết các ký hiệu này chỉ thể hiện số lượng trang của hộ chiếu.

Trong khi đó, 2 cựu lãnh đạo cơ quan an ninh Hong Kong là Lai Tung-kwok và Regina Ip Lau Suk-yee đã lên tiếng xoa dịu những quan ngại về lỗ hổng trong hệ thống nhập cư của đặc khu. Cả 2 từng là lãnh đạo Cơ quan Nhập cư Hong Kong.

Bà Regina cho rằng các văn bản của tòa án và đăng tải truyền thông thời gian qua chưa cho thấy đủ bằng chứng bà Mạnh sở hữu nhiều hơn một hộ chiếu Hong Kong hợp lệ. Tuy nhiên, bà thừa nhận việc Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ khi mang theo hộ chiếu Hong Kong buộc chính quyền đặc khu này phải theo dõi sát sao diễn biến vụ án.

Bà Mạnh Vãn Châu là con gái của chủ tịch kiêm nhà sáng lập tập đoàn Huawei, ông Nhậm Chính Phi. Bà bị giới chức Canada bắt giữ khi đang chuyển tiếp chuyến bay ở Vancouver vào ngày 1/12, theo lệnh bắt và yêu cầu dẫn độ của tòa án Mỹ.

Bà bị cáo buộc bao che mối liên quan của tập đoàn này với một doanh nghiệp cung cấp thiết bị cho Iran và vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.


Từ vụ Huawei nhìn lại vai trò "cảnh sát toàn cầu" của Mỹ

Việc kết tội một cựu quan chức Hồng Kông ở TP New York và vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei ở Canada phần nào nêu bật tầm với ra toàn cầu của lực lượng thực thi pháp luật Mỹ.

Thông tin vụ bắt giữ bà Sabrina Meng Wanzhou, giám đốc tài chính tập đoàn thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei, ở Canada được công bố hôm 5-12.

Ngay trong ngày này, ông Patrick Ho, cựu Giám đốc Sở Nội vụ Hồng Kông bị tòa án ở TP New York - Mỹ kết tội rửa tiền và hối lộ liên quan tới các lợi ích dầu mỏ tại Chad và Uganda. Ông Ho làm điều này thay mặt cho Công ty Năng lượng Trung Quốc CEFC.

Đáng chú ý là ông Ho ra tòa và bị kết tội theo Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA), một đạo luật Mỹ được thực thi từ năm 1977 nhằm vào hành vi hối lộ các quan chức nước ngoài. Bất kể có sự dính líu của công dân Mỹ hay không, FCPA đã cho phép Washington trở thành cảnh sát chống tham nhũng của cả thế giới.


Thông tin của bà Meng Wanzhou hiển thị trên một máy tính tại Bắc Kinh. Ảnh: AP

"Có nhiều trường hợp mà toàn bộ hành vi phạm tội diễn ra bên ngoài nước Mỹ, do những người không phải công dân Mỹ thực hiện. Đó là các quan chức hoặc công ty không phải của Mỹ, thực hiện công việc kinh doanh bên ngoài nước Mỹ. Nhưng nếu bất kỳ khoản tiền nào được chuyển qua Mỹ, hoặc nếu có một tài khoản ngân hàng nào liên quan ở Mỹ, hoặc nếu một máy chủ đặt ở Mỹ được sử dụng để email, Washington sẽ có thẩm quyền thực thi pháp luật" - bà Wendy Wysong, làm việc tại Công ty luật Clifford Chance (Anh), giải thích về FCPA.

Hồi năm 2017, ông Eberhard Reichert, một công dân Đức và là một quan chức cấp cao của Tập đoàn Siemens, bị dẫn độ đến Mỹ. Ông này bị bắt tại Croatia vì cáo buộc dính líu đến âm mưu hối lộ các quan chức Argentina để giành một hợp đồng sản xuất thẻ căn cước vào năm 1996.

Vụ việc lớn nhất trong lịch sử FCPA có liên quan tới Công ty năng lượng quốc gia Brazil Petrobras. Hãng này bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt số tiền 853,2 triệu USD vì hối lộ các quan chức tại Brazil. Petrobras sau đó đã tiếp cận các thị trường vốn của Mỹ và do đó được xem là nhằm trong quyền thực thi pháp luật của Mỹ.


Ông Patrick Ho. Ảnh: SCMP

Không vụ việc nào nói trên liên quan trực tiếp tới các thực thể hoặc công ty Mỹ nhưng phạm vi rộng lớn của FCPA cho phép Washington ra tay.

Trong nhiều thập niên, lệnh trừng phạt kinh tế trở thành một phần trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Tuy nhiên, không như FPCA, lệnh trừng phạt mang tính chính trị và được thực thi nhằm gây áp lực tối đa lên các chính quyền mà Mỹ nhắm tới.

Không chỉ các công ty, cá nhân bị trừng phạt không được làm ăn với các thực thể Mỹ. Sự thống trị của đồng USD cũng như sự phổ biến của hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT đồng nghĩa cũng có một lệnh trừng phạt không chính thức nhằm vào các quốc gia khác làm ăn với những nước bị trừng phạt.

Chẳng hạn như hồi năm 2015, ngân hàng Deutsche Bank bị phạt 258 triệu USD vì làm ăn với Iran và Syria. Deutsche Bank là một ngân hàng của Đức nhưng có nhiều hoạt động làm ăn tại Mỹ và sử dụng đồng USD. Điều này đồng nghĩa họ phải tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cô Tatman Savio, làm việc cho Công ty luật Akin Gump Strauss Hauer & Feld (Mỹ), nhận định lệnh trừng phạt luôn được sử dụng như một đòn bẩy chính trị nhưng trong những năm gần đây đã được sử dụng quyết liệt hơn.

Mỹ đã sử dụng các lệnh trừng phạt kinh tế để gây sức ép lên Tập đoàn công nghệ ZTE (Trung Quốc) hồi đầu năm nay sau khi công ty này thừa nhận làm ăn với các quốc gia bị Washington trừng phạt.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, các công ty Trung Quốc có thể tiếp tục bị nhắm tới. "Cuộc chiến thương mại và Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ được thiết kế nhằm cản trở Bắc Kinh tiếp cận công nghệ cao của Washington" - ông Savio giải thích.


Sky+ Tổng hợp, Intrenet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template