Trung đoàn 66 - Sư đoàn 304 truy kích địch ở Kô Công - Campuchia, 1977.
Bài 2: Chuyển hướng chủ yếu, dời ngày N: Quyết định vô cùng chính xác trong Chiến dịch giải phóng Phnom Pênh
Kế hoạch hoàn hảo
Đáp ứng Lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia (MTĐKDTC), đồng thời để tự bảo vệ mình, thời điểm cuối năm 1978 Việt Nam chuẩn bị lực lượng, phương tiện tổ chức tổng phản công trên biên giới Tây Nam. Tướng Lê Trọng Tấn trực tiếp chỉ huy chiến dịch.
Tham gia chiến dịch có các đơn vị chủ lực của Quân đoàn 2, 3, 4 và các quân khu 5, 7, 9; 2 lữ đoàn hải quân đánh bộ, đoàn không quân 901 và một số đơn vị thuộc các quân, binh chủng kỹ thuật được tăng cường.
Theo kế hoạch tác chiến, Quân đoàn 2 sẽ hỗ trợ lực lượng Quân khu 9 tiến công quân khu Đông Nam của Khmer Đỏ, chiếm Kampot và vùng duyên hải Đông Nam Campuchia sau đó đánh về Phnom Pênh từ hướng Nam và Đông Nam.
Quân đoàn 3, tiến công từ Tây Ninh, vượt qua tỉnh Kampong Cham và vùng lãnh thổ đông bắc Campuchia, tiến đánh Phnom Pênh từ hướng Đông Bắc.
Quân đoàn 4 cùng các lực lượng của MTĐKDTC được tăng cường 1 trung đoàn Hải quân, 1 trung đoàn Công binh tiến công từ tây nam Tây Ninh, theo đường 1 qua tỉnh Svay Rieng đánh chiếm bến phà chiến lược Neak Lương và tiến công Phnom Pênh từ hướng Đông.
Quân khu 5, tiến công từ Pleiku theo đường 19 về hướng Tây để tiêu diệt quân Khmer Đỏ ở Đông Bắc Campuchia.
Lực lượng đổ bộ đường biển đánh vào vùng duyên hải Đông Nam Campuchia để chiếm Ream và cảng Sihanoukville trên bán đảo Kampong Som. Đoàn 901 không quân có nhiệm vụ chi viện lực lượng tiến công mặt đất và tham gia truyền đạt.
Do các hướng Đông và Đông Bắc đều bị con sông Mekong ngăn trở, Bộ Tư lệnh Mặt trận xác định hướng chủ yếu tiến công vào Phnom Pênh là hướng Nam và Đông Nam do lực lượng Quân khu 9 và Quân đoàn 2 đảm nhiệm, các hướng khác là thứ yếu và phối hợp. Thời gian nổ súng phản công trên toàn tuyến vào ngày 23.12.1978. Thời gian tổng tiến công vượt qua biên giới là ngày 02.01.1979. Thời gian đồng loạt tiến công vào thủ đô Phnom Pênh là 08.01.1979.
Thực tế muôn màu muôn vẻ
Nói cho công bằng, đó là một kế hoạch hoàn hảo với 3 mũi tiến công hợp điểm vào cơ quan đầu não của địch. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn chỉ là kế hoạch, còn thực tế thì muôn màu muôn vẻ và đòi hỏi con người phải có đối sách linh hoạt và thích hợp.
Trên hướng Quân đoàn 4, trước thắng lợi của các lực lượng Quân khu 7 tại Krachie, được sự đồng ý của Tư lệnh Mặt trận đã nổ súng tiến công sớm hơn 1 ngày- ngày 01.01.1979.
Chỉ huy đơn vị quân đội ta nghiên cứu địa hình, xây dựng phương án tác chiến.
Ngược lại, trên hướng tiến công của Quân đoàn 2 và Quân khu 9, ngay trước ngày N quân Khmer Đỏ bất ngờ tiến công chiếm khu vực kênh Vĩnh Tế - nơi Quân đoàn 2 chọn làm bàn đạp tiến công buộc lực lượng của quân đoàn phải đánh chiếm lại và đến 3.1.1979 mới đồng loạt tiến công.
Trên hướng tiến công của Quân đoàn 3, quân Khmer Đỏ bên bờ Đông sông Mekong nhanh chóng bị đánh tan, phải rút lui về củng cố tuyến phòng ngự bên bờ Tây đồng thời phá hủy hết thuyền, phà để làm giảm tốc độ tiến công của Quân tình nguyện.
Trái ngược với những dự đoán ban đầu, sau khi bị đánh tan tác ở các cứ điểm vòng ngoài, bến phà Neak Luong chỉ được phòng ngự lâm thời với lực lượng tương đối mỏng. Bởi vậy, ngày 06.01.1979, một bộ phận của Quân đoàn 4 đã chiếm được đầu cầu bên bờ Tây sông và phát triển chiến đấu về phía Phnom Pênh.
Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 Bùi Cát Vũ nhớ lại: Trong lúc hầu hết quân địch đang hoang mang rút chạy, nếu ta nhanh chóng dấn lên sẽ rất thuận lợi. Còn nếu chậm trễ, bọn chúng sẽ thiết lập các tuyến phòng ngự mới sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, thời gian quy định vào Phnom Pênh là 08.01 nên phải xin ý kiến cấp trên.
Thật may cho các anh, vào thời điểm đó, phái viên Mặt trận Lâm Hà bay trên chiếc UH-1A đã có mặt.
Phó tư lệnh Bùi Cát Vũ kể: "Tôi đề nghị ngày mai cho đi luôn. Sang sông được bao nhiêu xe, chúng tôi đi bấy nhiêu, còn thì đi bộ. Hễ gặp địch phía trước bộ đội nhảy xuống đánh, thì quay xe lại chuyển tải anh em đi bộ lên tiếp...".
Không đủ thẩm quyền giải quyết vấn đề, phái viên Lâm Hà phải quay về báo cáo Bộ Tư lệnh Mặt trận. Nhưng chỉ 1 giờ sau, ông quay lại với mệnh lệnh mới:
"Một là Quân đoàn 4 chiếm toàn bộ thủ đô Phnom-Pênh, bao gồm cả sân bay Pô-chen-tông, chứ không phải từ cầu Mô-ni-vông lên đến Bộ Tổng Tham Mưu Pôn-Pốt phía nam Hoàng cung như đã qui định cũ; Hai là: N là ngày mai 07.1, chứ không phải là ngày 08.01".
Cờ cách mạng 5 ngọn tháp tung bay trên thành phố CămPốt – Campuchia năm 1979.
Như vậy là, so với Kế hoạch ban đầu, hướng tiến công chủ yếu vào Phnom Pênh đã được chuyển giao cho Quân đoàn 4 thay vì Quân đoàn 2 và Quân khu 9 như trước. Bên cạnh đó, thời gian tiến công Phnom Pênh cũng được đẩy sớm lên 01 ngày.
Được lời như cởi tấm lòng, ngay trong đêm 6.1.1979, với sự trợ giúp của Trung đoàn Hải quân 962, phần lớn lực lượng của Sư đoàn Bộ binh 7 và Lữ đoàn Tăng thiết giáp 22 đã qua được sông Mekong và lập tức chuyển sang tiến công về hướng Phnom Pênh.
Đúng như dự liệu của Phó Tư lệnh Bùi Cát Vũ, lực lượng phòng thủ thủ đô của Khmer Đỏ không quá mạnh, chủ yếu là phòng ngự lâm thời và vào 12 giờ ngày 07.01.1979 Quân đoàn 4 cùng Binh đoàn 1 MTĐTCNK đã làm chủ hoàn toàn Thủ đô Phnom Pênh.
Bài học rút ra ở đây là: Kế hoạch dù cụ thể đến đâu cũng không thể sát với thực tế 100% được. Và người chỉ huy trên chiến trường cần phải hết sức linh hoạt, quyết đoán đưa ra quyết định thích hợp tùy theo thực tế đòi hỏi mới có thể giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất với tổn thất thấp nhất.
Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn "Đường vào Phnom Pênh"- Hồi ký của Thiếu tướng Bùi Cát Vũ, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn