Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Xưởng Bitcoin lớn nhất thế giới sắp hoạt động tại Mỹ




Các máy đào tiền mã hóa.
Xưởng Bitcoin lớn nhất thế giới sắp hoạt động tại Mỹ



Mỹ có thể trở thành trung tâm khai thác tiền điện tử lớn nhất thế giới khi nhà máy rộng hơn 526 hecta ở đây đi vào hoạt động.

Video: Bên trong xưởng "đào" bitcoin đầu tư chục triệu USD.


Video_Dân công nghệ: Bán tiền ảo trả tiền thật


Theo CCN, công ty Coinmint đã chi 50 triệu USD để chuyển đổi nhà máy sản xuất nhôm Alcoa ở Masena (Mỹ) thành xưởng đào Bitcoin. Với công suất 435 megawatt trên khuôn viên hơn 536 hecta, đây sẽ là một trong những trung tâm khai thác tiền ảo lớn nhất thế giới.

Coinmint có kế hoạch đầu tư 700 triệu USD cho dự án này, ước tính tạo ra 150 việc làm khi đi vào hoạt động trong một năm tới. Nhà máy sẽ có người làm việc 24 giờ mỗi ngày, liên tục tất cả các ngày trong năm. Đội ngũ bao gồm nhân viên an ninh, kỹ thuật viên công nghệ thông tin, thợ điện, điều hành...

"Có thêm 150 việc làm cho lao động ở đây sẽ thật tốt", Steve O'Shaughnessy, giám sát thị trấn Massena cho biết. "Chúng tôi sẵn sàng cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào có thể cho dự án này". Nhà máy Alcoa cũ đã đóng cửa vào 2014 nhưng Coinmint đã ký hợp đồng thuê lại trong vòng 10 năm, bất chấp giá Bitcoin giảm.

"Miễn là mạng lưới Bitcoin tồn tại, chúng tôi dự tính khai thác và thu về lợi nhuận", Giám đốc công nghệ Coinmint Prieur Leary nói. "Chúng tôi đã phát triển một quy trình để có được lợi thế trên thị trường". Các chuyên gia cho rằng điện chính là yếu tố quan trọng quyết định đến lợi nhuận khi đào Bitcoin.

"Cộng đồng người dân và nguồn thủy điện là chất xúc tác để chúng tôi chuyển dịch và chọn nơi đây đặt trung tâm khai thác Bitcoin", đại diện Coinmint cho biết. "Nguồn điện giá rẻ cho phép chúng tôi cạnh tranh khi mà thị trường tiền điện tử ngày càng phát triển".

Công suất 435 megawatt khi trung tâm khai thác Bitcoin của Coinmint đi vào hoạt động gần bằng một phần tư công suất thiết kế của thủy điện Hòa Bình (1.920 megawatt) và gần bằng một phần năm của thủy điện Sơn La (2.400 megawatt).


DMG Blockchain lắp đặt trạm biến áp 85 megawatt và đường điện riêng cho việc khai thác Bitcoin.

Điện được xem là vấn đề quan trọng nhất với các xưởng đào Bitcoin. Để đủ tải, DMG Blockchain, một công ty khai thác tiền mã hóa tại Canada, đã phải xây dựng trạm biến áp công suất 85 megawatt và làm đường điện cho riêng mình, chi phí ước tính hết hàng triệu USD. Thậm chí, các chủ xưởng Bitcoin ở Trung Quốc còn mua cả trạm thủy điện để phục vụ việc khai thác của mình.

Nga và Trung Quốc được xem là khu vực đào Bitcoin nhiều nhất trên thế giới. Theo CoinInsider, khoảng 600 Bitcoin được đào tại các trang trại ở Moscow mỗi tháng, trong khi con số này ở Đại Liên là 750 Bitcoin. Linthal (Thụy Sĩ), Reykjavik (Iceland) hay Washington (Mỹ) cũng là nơi tập trung các xưởng đào tiền số hàng đầu thế giới.

Vì Bitcoin là hữu hạn nên càng nhiều nhà khai thác tham gia thì số tiền mà mỗi bên thu về lại càng nhỏ do phải chia nhau. Do đó, các xưởng đào Bitcoin liên tục phải cạnh tranh với nhau. Họ thường cập nhật các dòng máy mới có hiệu suất cao, tiêu tốn ít điện năng, tìm nơi có nguồn điện giá rẻ, khí hậu mát mẻ... để tối ưu hóa lợi nhuận.


XEM THÊM
Cuộc sống của thợ đào tiền ảo Trung Quốc

Từ bỏ cuộc sống hiện đại để lên núi làm bạn với chim muông và máy móc, nhà xưởng là một phần trong miêu tả về thợ đào tiền ảo.




Không phải nơi nào cũng có thể xây dựng một khu mỏ đào tiền ảo, nhất là với những người muốn đầu tư quy mô lớn. Cũng không phải tự nhiên mà 70% tiền ảo được đào ra ở Trung Quốc và phần lớn chúng có nguồn gốc tại một số khu vực nhất định như Tứ Xuyên, Tân Cương, Nội Mông. Bởi nơi có thể xây nhà xưởng phải đáp ứng được ba yêu cầu nghiêm ngặt của dân đào tiền ảo là giá điện rẻ, khu vực cách xa thành thị để tiếng ồn không trở thành nỗi phiền phức với những người sống xung quanh và cuối cùng là có khí hậu phù hợp (mát mẻ, ít thiên tai). Trong ảnh là một mỏ Bitcoin lớn tại Tứ Xuyên, nằm sát một con sông và rất gần trạm thủy điện. Ảnh: EPA.




Các mỏ đào tiền ảo được xếp vào dạng vừa và lớn phải có từ 2.000 thiết bị trở lên. Thay vì sử dụng máy tính, gần như 100% các mỏ đào tiền ảo hiện nay đều sử dụng các máy đào chuyên dụng như ASIC, mang lại hiệu suất cao hơn thiết bị cũ gấp nhiều lần. Tất cả được đánh số, sắp xếp một cách khoa học, trật tự trên các hệ thống dàn thép, trong những căn phòng đơn sơ. Tiếng ồn chủ yếu của các mỏ phát ra từ hệ thống quạt thông gió, hoạt động suốt ngày đêm nhằm đàm bảo cho các thiết bị luôn được làm mát một cách tối ưu. Ảnh: EPA, NYTimes.




Phía sau các dàn máy gọn gàng là những nhà kho chứa đầy vỏ hộp linh kiện với những miếng xốp đệm chất cao như núi. Đi cùng với sự phát triển của các mỏ đào tiền ảo là sự phất lên của các công ty bán linh kiện cũng như thu mua thiết bị cũ. Nhiều đơn vị lớn thiết lập cả các chi nhánh bảo hành ở những khu vực tập trung nhiều mỏ tiền ảo để có thể phục vụ tốt hơn cho khách hàng. Ảnh: EPA.




Tuy nhiên, không phải lúc nào các mỏ Bitcoin cũng ngăn nắp, sạch sẽ. Nhiều nơi, các thiết bị bị đặt trong những căn phòng tồi tàn, với sàn nhà dễ dàng ngập nước chỉ sau một trận mưa. Nhiều chủ mỏ chỉ quan tâm tới một vấn đề duy nhất là hệ thống vẫn có thể hoạt động để kiếm tiền về cho họ. Ảnh: EPA.




Hầu hết chủ đầu tư sống tại mỏ cùng nhân công. Công việc của những người này quanh năm suốt tháng là lắp đặt và sửa chữa thiết bị hỏng hóc, lau dọn vệ sinh, tuần tra để khắc phục mọi vấn đề từ an ninh, điện nước, thông gió cho tới máy móc thiết bị trong mỏ.




Những con người này chấp nhận cuộc sống trong các vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh, cách xa thành thị hàng trăm cây số để canh giữ và vận hành hệ thống máy móc trị giá hàng triệu USD. Đây là một công việc với đầy khiếm khuyết như không hề có bảo hiểm, môi trường độc hại (tiếng ồn và bụi bặm), làm thêm ca bất kể ngày đêm, không giao tiếp với xã hội. Ưu điểm duy nhất của nó là thu nhập rất cao. Ảnh: NY Times.


Dân đào Bitcoin tháo chạy khỏi Tứ Xuyên vì mưa lũ

Ở Trung Quốc, Tứ Xuyên là tỉnh có nguồn thủy điện dồi dào nhất, với hơn 20 trạm thủy điện ở lưu vực sông Lan Thương (dòng chính tại thượng nguồn sông Mekong). Vào mùa nước cao, một "số" điện hay một kWh ở đây có thể thấp tới 0,08 nhân dân tệ (khoảng 276 đồng), trong khi giá từ các nhà máy nhiệt điện là 0,28 nhân dân tệ (khoảng gần 1.000 đồng). Đây là lý do tại sao có một "đội quân đào tiền ảo" đã đổ xô đến vùng đất này. Giá nước và điện thấp đã thu hút các nhà đầu tư, giúp biến nơi đây thành thủ phủ của giới đào tiền ảo Trung Quốc, thậm chí cả thế giới. Có khoảng 25.000 thợ đào tiền ảo đang ẩn nấp, sinh sống ở khắp các vùng núi non hiểm trở trong tỉnh.

Tháng 6 vừa qua, lượng mưa tại Tứ Xuyên tăng đột biến. Là một thợ đào tiền ảo chuyên nghiệp thuộc đội quân kể trên, Lý Dương, rất chú ý đến những thay đổi về thời tiết như thế này. Mưa lớn khiến cho việc lái xe đi mua thức ăn hằng ngày tại đây cũng khó khăn. Khi mưa quá to, trạm thủy điện sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho các xưởng khai thác. Mất điện nghĩa là máy móc không thể hoạt động. Với các thợ đào tiền ảo, việc này giống một cơn ác mộng. Nhưng đó chưa phải điều tồi tệ nhất.

10 giờ sáng ngày 26/6, một trận lũ đột ngột xuất hiện và mực nước sông dâng lên ngập hai bờ. Nhiều nhà xưởng (hay còn gọi là "mỏ") đào tiền ảo có vị trí thấp đã bị nước tràn vào tàn phá khiến hàng chục nghìn thiết bị bị ảnh hưởng. "Mỏ" của Lý Dương cũng nằm trong số đó.

"Chúng tôi chỉ có hai người, nhưng quản lý hơn 2.000 máy đào tiền ảo. Chúng không thể tránh khỏi cảnh bị ngập nước", anh nói.


Hàng nghìn máy đào tiền ảo thành phế liệu sau trận mưa lũ tại Tứ Xuyên. Ảnh: Weibo.

Sau 3 ngày, hơn 2.000 máy đào tiền ảo của anh cũng được thu gom lại. Nhưng những thiết bị điện tử có giá trị tới 5.000 USD mỗi chiếc trông không khác gì đống sắt vụn. Chỉ một trận mưa lớn đã khiến Lý Dương mất 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 34,5 tỷ đồng).

Hàng chục đơn vị cung cấp linh kiện gần đó đã "đánh hơi" được sự việc, phát hiện cơ hội và vội vã đến vùng núi non hiểm trở này để thu mua những máy đào tiền ảo phế liệu. "50 USD một chiếc", họ đã ra giá cực thấp để mua lại những chiếc máy này với hi vọng có thể dùng linh kiện còn tốt trong đó để sửa chữa hay lắp ráp cho thiết bị khác.

Theo Sina, những cơn mưa cuối tháng 6 ở Tứ Xuyên đã khiến 20.000 máy đào tiền ảo bị hư hại, tổng thiệt hại ước chừng một tỷ USD. Một số người trong ngành còn cho rằng các trận mưa là nguyên nhân khiến giá Bitcoin trên thị trường thế giới thăng trầm thời gian qua, theo cái họ gọi là "hiệu ứng cánh bướm". Suy đoán này được cho là khá hợp lý, bởi Tứ Xuyên chiếm 70% lượng Bitcoin được đào ở Trung Quốc, tương đương khoảng 30% thế giới.

Trên thực tế, không giống suy nghĩ của nhiều người, các mỏ đào tiền ảo không phải là một "căn cứ" bí ẩn. Trong khu vực gần các nhà máy thủy điện, người ta dễ dàng tìm thấy chúng dưới hình thức những dãy nhà xưởng với mái bằng tôn xanh. Từ cách xa hàng chục mét, ai cũng có thể nghe thấy tiếng máy móc hoạt động. Âm thanh chủ yếu phát ra từ hệ thống điều hòa không khí hoạt động suốt ngày đêm. Bước qua những cánh cửa sắt, đập vào mắt người xem là căn phòng lớn cao tới vài mét, bên trong chứa đầy các máy đào tiền ảo. Ẩn giữa là vô số dãy đèn nhỏ nhấp nháy, giống như những đôi mắt lập lòe trong đêm.

"Lần đầu tiên nhìn thấy nó, tôi nghĩ rằng mình đang đứng trong hậu trường quay bộ phim Ma trận, hay các bộ phim khoa học viễn tưởng", Lý Kha, một chủ mỏ chia sẻ.

Một xưởng khai thác rộng 5.000 mét vuông có thể chứa 40.000 máy đào tiền ảo. Ở giữa vùng đồi núi hiểm trở này, các mỏ đào tiền ảo như những con quái thú liên tục gào thét ngày đêm để tạo ra sự giàu có. Sự giàu có này, ngược lại, hình thành nên một lực lượng gắn kết để thu hút ngày càng nhiều người tham gia vào cuộc chơi hơn.


Một "mỏ bitcoin" xây ngay sát bờ sông ở tỉnh Tứ Xuyên, tháng 9/2016. Ảnh: Liu Xingzhe

Lý Dương là một trong số họ. Anh quê gốc ở Thành Đô và thậm chí từng làm việc cho Apple. Tuy nhiên do cảm thấy nhàm chán, không muốn ngày ngày đi làm rồi cuối tháng nhận lương, vào năm 2017, anh tham gia vào đội quân đào tiền ảo rồi mở một nhà xưởng bên cạnh một trạm thủy điện ở Tứ Xuyên.

"Việc kinh doanh của tôi rất đơn giản. Nhiều người muốn đào tiền ảo, nhưng chi phí hoạt động để nuôi một hệ thống đơn lẻ khá tốn kém. Do đó, khách hàng trả tiền để thuê máy của tôi. Họ có thể kiểm tra trạng thái của máy khai thác bất kỳ lúc nào, thông qua phần mềm hoặc ứng dụng", anh chia sẻ.

Theo tính toán của Lý Dương, chi phí tiền điện phải trả khoảng 0,5 nhân dân tệ một kWh (tương đương 1.750 đồng). Một nghìn máy đào tiền ảo có thể tạo ra 1,4 bitcoin mỗi ngày, trừ đi chi phí tiền điện khoảng một bitcoin, anh có thể kiếm được 0,4 bitcoin. Trừ thêm các chi phí khác, một mỏ đào tiền ảo với 1.000 máy có thể mang lại cho anh khoảng một triệu nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ đồng) một năm. Tối đa với 5 mỏ, Lý Dương có trong tay thu nhập hàng năm là 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 17,3 tỷ đồng).

Ở vùng rừng núi này của tỉnh Tứ Xuyên, có khoảng 5 triệu máy khai thác tiền ảo đang hoạt động. Số lượng các mỏ vừa và lớn (có từ 2.000 máy trở lên) khoảng 600. Số lượng các mỏ nhỏ thì không thể kiểm đếm hết. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đây là một công việc dễ tới mức "hái ra tiền".

"Bạn có biết tôi sợ gì nhất không? Đó là cúp điện và cô đơn", Lý Dương nói. Theo anh, cúp điện có nghĩa là mất tiền, nhưng thứ khủng khiếp và gây khó chịu hơn cả mất tiền lại là sự cô đơn.

Bước chân ra khỏi cửa, anh cho biết trước mặt chỉ có núi rừng. Với địa hình hiểm trở và quy định di chuyển nghiêm ngặt, những người sống ở đây cũng không thể nhìn thấy cả khu rừng bên cạnh trông ra làm sao. Về âm thanh, ngoài tiếng chim hót thì chỉ còn tiếng "gầm" của những dàn máy tính. Thói quen sinh hoạt và giải trí hằng ngày của Lý Dương xoay quanh WeChat và game trên điện thoại.


Công nhân của một xưởng đào bitcoin chơi game và xem truyền hình trên smartphone bên cạnh con sông gần nhà xưởng, tháng 9/2016. Ảnh: Liu Xingzhe

Sau đợt mưa lũ vừa qua, cuộc sống của những thợ đào tiền ảo ở đây đang bị đe dọa. Họ bị đẩy vào một tình thế "tiến thoái lưỡng nan" chưa từng gặp trước đó. Lần đầu tiên trong nhiều năm, chính quyền Tứ Xuyên đã đưa ra cảnh báo cấp II để ứng phó với lũ lụt. Các xưởng đào tiền ảo sẽ phải đối mặt với tình trạng mất điện thường xuyên. Một lượng lớn nhà đầu tư đã di chuyển thiết bị và nhà xưởng từ Tứ Xuyên đến Tân Cương. Đây cũng được xem là cuộc "di cư điện toán" lớn nhất trong lịch sử.

Tứ Xuyên đang mất đi vị thế chiến lược cốt lõi của nó trong vai trò là "thủ phủ Bitcoin" của Trung Quốc. Việc kinh doanh máy đào tiền ảo cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng nặng nề không kém. Trước đó, tiền điện tăng, giá máy đào tăng, số người tham gia đào Bitcoin càng khiến thị trường này bước vào ngưỡng cửa bão hòa. Đồng hành với nó là một xu hướng đào tiền ảo mới đã xuất hiện, dựa trên việc "khai thác điện toán đám mây". Giải thích một cách đơn giản là người chơi đào tiền ảo dựa trên việc thuê hoặc tạo một máy chủ ảo từ các trung tâm dữ liệu. Xu hướng này cũng phần nào ảnh hưởng tới giá Bitcoin cũng như giá dịch vụ thuê máy đào. Với giá Bitcoin dao động ở khoảng hơn 6.000 USD một đồng như hiện nay, lợi nhuận được các chủ mỏ ví là "mỏng như tờ giấy". Không gian sống của họ đang bị tước đoạt.

"Những nhà đầu tư nhỏ không thể cắt giảm chi phí thêm nữa, giá máy đào thì bị độc quyền, họ không có tiếng nói", Ngô Ca, người làm việc tại một mỏ đào tiền ảo lớn, cho biết. Lý Dương cũng nói rằng anh đã sẵn sàng trả lại tiền đặt cọc cho khách. Một lượng lớn các chủ mỏ khác đang tìm cách tháo chạy khỏi thị trường.

Dẫu vậy, với bản chất của blockchain là phi tập trung, nhiều người vẫn có niềm tin. Họ tin chắc rằng ngành khai thác tiền ảo cuối cùng sẽ thuộc về những người như mình, với các mỏ đào tiền ảo tập trung. Đây có thể là thứ duy nhất giúp họ tiếp tục lao vào cuộc chơi này, trong hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, không ai biết "thời hoàng kim" bao giờ mới quay trở lại. Thời gian chờ đợi điều đó xảy ra có thể khá lâu, 5-10 năm, hoặc lâu hơn nữa.


Sàn tiền ảo của Israel bị đánh cắp 23,5 triệu USD

Bancor, một sàn giao dịch tiền ảo phi tập trung, đã mất số tiền mã hóa trị giá khoảng 23,5 triệu USD (tương đương 550 tỷ đồng).

Theo TechCrunch, số tiền mã hóa mà Bancor bị mất trong đợt tấn công sáng nay bao gồm gần 25.000 ETH (khoảng 12,5 triệu USD), số NPXS trị giá một triệu USD và 10 triệu USD đồng BNT. Sàn giao dịch này cho biết nguyên nhân của vụ hack là do "một ví dùng để nâng cấp một số hợp đồng thông minh (smart contract) đã bị xâm nhập".


Sàn Bancor phải ngừng hoạt động sau khi bị tấn công.

Bancor nói họ đã đóng băng BNT, đồng tiền do chính sàn này phát hành, nhưng không thể thực hiện tương tự với các đồng tiền mã hóa khác. Công ty cũng liên lạc với các sàn giao dịch khác trong nỗ lực khiến cho những kẻ tấn công khó thanh khoản số tiền đã đánh cắp. Bancor tạm đóng cửa sàn giao dịch của mình.

Trên Twitter, nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi về Bancor. Nhà sáng lập Litecoin, Charlie Lee, cho biết: "Một sàn giao dịch không là phi tập trung nếu nó có thể làm mất quỹ của khách hàng hoặc nó có thể đóng băng quỹ của khách hàng. Bancor có thể làm cả hai và nó tạo cảm giác sai lệch về phi tập trung".

Trước đó, nhà sáng lập Ethereum Vitalik Buterin tuyên bố những sàn giao dịch tập trung nên bị "đốt thành tro bụi". Ông cho rằng các sàn giao dịch kiểu này đòi hỏi phí giao dịch lớn và thường xuyên phải nâng cấp bảo mật. Tuy nhiên, vụ hack của Bancor cho thấy ngay cả sàn phi tập trung cũng không thực sự an toàn. Được biết đến là một trong những dự án ICO thành công nhất lịch sử, Bancor đã huy động được 153 triệu USD (khoảng 3.600 tỷ đồng) chỉ trong ba giờ ngày 12/6/2017. Nó được hình thành nhằm tạo lập một sàn mua bán các đồng tiền kỹ thuật số cũng như hỗ trợ phát triển token cho các dự án ICO khác.

Trong 2018, nhiều sàn giao dịch tiền điện tử đã bị hack, gây thiệt hại hàng trăm triệu USD. Đầu năm, khoảng 500 triệu token NEM trị giá 58 khoảng 533 triệu USD trên sàn Coindesk Nhật Bản đã bị đánh cắp. Bithumb, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất Hàn Quốc cũng bị tin tặc tấn công hồi tháng 6, lấy đi 30 triệu USD.


Những vụ hack Bitcoin lớn nhất lịch sử

Tiền điện tử Bitcoin trở thành mục tiêu nhiều tin tặc nhòm ngó từ 2011 với hàng hoạt vụ hack gây thiệt hại hàng chục triệu USD.

Bitcoin được đánh giá là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm bởi giá trị của đồng tiền này liên tục biến động mạnh, các quy định và quản lý chưa rõ ràng, đặc biệt là nguy cơ tấn công mạng. Công ty bảo mật Symantec cho biết đã chứng kiến sự gia tăng "gấp 10 lần lượng mã độc nhắm vào tiền mã hoá".

Thực tế, không phải đến khi Bitcoin lên giá 16.000 USD như hiện nay mà ngay từ 2011, lúc đồng tiền này mới chỉ khoảng 20 USD, nó đã trở thành mục tiêu của tin tặc. Trong những năm qua, nhiều vụ tấn công nhắm vào Bitcoin đã gây thiệt hại rất lớn cho người đầu tư.

6/2011: vụ hack Bitcoin trị giá 500 nghìn USD

Đầu 2011, Bitcoin dần hình thành cộng đồng nhưng vẫn tương đối dễ khai thác. Thời điểm đó, người "đào" có thể nhận được hàng nghìn Bitcoin bằng cách sử dụng máy tính cá nhân để giải mã.


Bitcoin trở thành mục tiêu của nhiều hacker. Ảnh minh hoạ

Bởi vậy, Allinvain, một người dùng trên diễn đàn Bitcoin Talk, cho biết đã tích luỹ được hơn 25.000 Bitcoin. 2010, đồng tiền này có giá trị rất nhỏ nhưng đến 2011 đã tăng lên 20 USD, làm cho số Bitcoin của Allinvain có giá trị khoảng 500.000 USD.

Tuy nhiên 6/2011, Allinvain cho biết máy tính của ông đã bị tấn công và toàn bộ số Bitcoin trên đã bị chuyển sang ví của kẻ tấn công. "Tôi thức giấc và thấy ví của mình hoàn toàn trống rỗng", người này viết.

Nếu số Bitcoin trên không bị đánh cắp và Allinvain tiếp tục giữ nó cho đến nay, ông sẽ nắm trong tay khối tài sản trị giá 250 triệu USD.

8/2011: Ví MyBitcoins biến mất cùng 1,8 triệu USD

Các dịch vụ ví Bitcoin được giới thiệu với người dùng như một giải pháp lưu trữ tiện lợi. Tuy nhiên không ít người to ra hoài nghi về tính an toàn của nó trước các cuộc tấn công.

Thực tế 8/2011, MyBitcoins, một trong những dịch vụ ví Bitcoin nổi tiếng thời ấy, đã bất ngờ biến mất . Trang web của công ty tuyên bố đã bị tấn công và lúc đó dịch vụ này đang lưu trữ khoảng 150.000 Bitcoin. Thời điểm đó, số tiền "bốc hơi" tương đương 1,8 triệu USD nhưng nếu quy theo giá hiện tại thì lên đến 2,4 tỷ USD.

3/2012: Sàn Bitcoin bị hack 60.000 Bitcoin

Các hacker đã khai thác lỗ hổng trong dịch vụ máy chủ (hosting) Linode để đánh cắp ít nhất 46.703 Bitcoin, trị giá hơn 200.000 USD từ một số người dùng. Trong số này có khoảng 43.000 Bitcoin thuộc Bitcoinica, một sàn giao dịch Bitcoin thời kỳ đầu.

Đến 5/2012, sàn Bitcoinica lại bị hack 18.000 Bitcoin. Một cuộc điều tra sau đó đã được tiến hành và người dùng dịch vụ đã đòi được khoản tiền trị giá 460.000 USD.

9/2012: Sàn Bitcoin bị hack buộc phải đóng cửa

Bitfloor tiếp tục là nạn nhân của vụ hack làm thiệt hại 24.000 Bitcoin, trị giá khoảng 250.000 USD. Sàn này tiếp tục hoạt động sau đó với hi vọng có thể trả nợ cho khách hàng cũ. Tuy nhiên những nỗ lực của Bitfloor không đem lại kết quả, buộc công ty phải đóng cửa vào 4/2013.

2/2014: Sàn Bitcoin lớn nhất thế giới sập

Sự sụp đổ của Mt. Gox, sàn giao dịch Bitcoin hàng đầu thế giới thời kỳ 2014, được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử tài chính Bitcoin. Sàn này được thành lập từ 2010 bởi giám đốc điều hành người Pháp, trụ sở chính ở Nhật Bản.

Đầu 2014, Mt. Gox thông báo 850.000 Bitcoin trên đây đã biến mất, có thể do tin tặc tấn công. Thời điểm đó, số tiền bị đánh cắp tương đương 450 triệu USD, còn theo tỷ giá mới thì lên đến 14 tỷ USD. Tháng 7, cơ quan thực thi pháp luật Mỹ tuyên bố đã bắt giữ nghi phạm của vụ trộm trên. Một người đàn ông Nga tên Alexander Vinnik, chủ sở hữu và điều hành sàn giao dịch Bitcoin BTC-e, bị cáo buộc tấn công Mt. Gox và "rửa tiền" thông qua sàn giao dịch của chính mình.

Mt. Gox phá sản nhưng không làm giá của Bitcoin suy giảm. Ngược lại, đồng tiền này tăng giá đã giúp sàn giao dịch có thể trả nợ khách hàng. Tài sản và nợ của Mt. Gox bị "đóng băng" theo giá đồng yen, trong khi đó số Bitcoin còn lại của sàn này tăng vọt từ 400 USD lên đến hơn 16.000 USD hôm nay.

Chủ nợ của Mt. Gox kỳ vọng số nợ của mình sẽ được trả bằng Bitcoin, tuy nhiên luật pháp Nhật không cho phép nên khách hàng chỉ nhận được số tiền tương đương giá Bitcoin thời điểm 2014.

1/2015: Sàn Bitstamp bị tấn công

Đầu 2015, sàn giao dịch khá nổi tiếng là Bitstamp, tuyên bố đã bị hack 19.000 USD trị giá khoảng 5 triệu USD. Vụ việc trên không làm công ty sập mà ngược lại nó vẫn trở thành một trong những sàn giao dịch Bitcoin hàng đầu hiện nay.

8/2016: Sàn Bitfinex bị hack 120.000 Bitcoin

Số Bitcoin trị giá 77 triệu USD trên sàn Bitfinex đã bị đánh cắp vào 8/2016, khiến tài khoản của khách hàng sụt giảm 36%. Sàn nói sẽ bồi thường cho khách hàng song vụ việc vẫn khiến giá Bitcoin giảm khoảng 20% sau đó.

Có trụ sở tại HongKong, Bitfinex tiếp tục hoạt động đến nay nhưng có nhiều câu hỏi xung quanh độ tin cậy của sàn này. Theo New York Times, Bitfinex có hoạt động mờ ám khi website của công ty không nêu rõ thông tin về vị trí văn phòng cũng như đội ngũ điều hành của sàn.


Dân công nghệ bán tiền ảo trả nợ tiền thật

Nhiều đồng tiền điện tử, đặc biệt là Bitcoin, tăng giá "chóng mặt" thời gian gần đây đã giúp một số người đầu tư máy đào coin thu tiền về.

Cầm gần 50 triệu đồng sau khi bán hơn 70 ETC (một loại tiền kỹ thuật số), Phúc Minh (Hoài Đức, Hà Nội), hớn hở với một phần thành quả sau hơn ba tháng "đào". Đồng tiền kỹ thuật số mà Minh khai thác đã tăng giá gấp đôi từ khi anh bắt đầu "cày", từ khoảng 15 USD hồi cuối tháng chín lên hơn 30 USD hôm 29/11.


Một "trâu" đào tiền điện tử sử dụng sáu card đồ hoạ.

"Ngày mới 'đào', giá ETC ở mức 15 USD rồi tăng lên hơn 20 USD mỗi đồng nên tôi hứng khởi lắm", Minh chia sẻ. "Tuy nhiên sau 'sóng' tăng đó, ETC sụt còn 10 USD và cứ 'ì ạch' như vậy đến đầu tháng 11. Lợi nhuận tính được lúc đó khá thấp nên nhiều lúc chán nản, trong khi tiền mua máy hơn 200 triệu nhưng phải đi vay mất một phần ba".

Ngoài tiền mua thiết bị, Minh cho biết để trả gần 5 triệu đồng tiền điện mỗi tháng "nuôi" bốn cỗ máy có tổng công suất gần 3.500 W, có thời điểm anh tiếp tục phải mượn thêm từ người thân. "Đã vài lần mình định bán coin đi để trả tiền điện, tiền vay mua máy nhưng giá thấp nên tiếc. Đợt này được giá, mình quyết định bán gần hết để trả nợ cũng như thu vốn về", anh phấn khởi.

ETC, đồng mà Minh khai thác, chỉ là một trong số rất nhiều tiền điện tử tăng giá "chóng mặt" cùng với "cơn sốt" Bitcoin. Đồng tiền được cho là quyền lực nhất trong lĩnh vực này, Bitcoin, đã tăng giá hơn 2,5 lần so với cách đây ba tháng để cán mốc gần 11.500 USD (hơn 260 triệu đồng). Trong khi đó các đồng ETH, XMR, LTC hay DASH... cũng liên tục lập đỉnh giá mới.

Trường hợp của Minh chỉ là một trong số rất nhiều người đang đầu tư máy "đào" tiền điện tử tại Việt Nam. Hàng trăm nhóm trên Facebook được thành lập, thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia thảo luận về "đào" tiền điện tử, phần nào cho thấy sức "nóng" của lĩnh vực này.

Những người đầu tư "đào" tiền điện tử thường tự gọi vui mình là "nông dân", còn máy đào là "trâu". Và để tậu "trâu", một số người đã vay tiền đầu tư bởi hấp dẫn trước những con số lợi nhuận "khủng", thời gian thu hồi vốn rất ngắn và công việc tưởng như nhàn hạ. Tuy nhiên, lĩnh vực này không đơn giản và cũng nhiều rủi ro.

Đức Hùng, chủ một "trại trâu" với hơn 200 máy đào coin ở Sơn Tây, Hà Nội, cho rằng đầu tư máy đào coin đòi hỏi sự chuyên nghiệp chứ không dành cho những "tay mơ". Số vốn bỏ ra không hề nhỏ khi người đầu tư sẽ mất khoảng 50 triệu đồng để "tậu" một "trâu", chi phí điện hết 1,5 triệu đồng mỗi tháng với giá điện gia đình.

"Là cỗ máy tính với card đồ hoạ công suất lớn, hoạt động liên tục nên máy đào toả nhiệt rất nhiều, thường trên 50 độ, nếu đặt chung trong nhà sẽ rất nóng, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt", anh Hùng cho biết. "Nếu lắp trên hai 'trâu' thì phải lưu ý đường điện có đủ tải không, điện và mạng Internet phải thật ổn định".

Ngoài ra, "trâu cày coin" đôi khi cũng gặp trục trặc do cả phần mềm và phần cứng, vừa gây ảnh hưởng tới doanh thu, vừa mất thời gian và cả tiền bạc nếu phải sửa chữa, thay thế hay bảo hành. "Do hoạt động 24/7 và chạy hết công suất, chạy vượt công suất nên độ bền của máy đào cũng là vấn đề cần lưu ý", anh Hùng nói.

Việc các đồng tiền điện tử lên giá có thể không đem lại nhiều hơn lợi nhuận mỗi tháng cho nhà đầu tư. Khi một coin tăng giá nó sẽ khiến nhiều người nhảy vào khai thác hơn, làm cho số coin kiếm được mỗi ngày giảm đi, lợi nhuận thành ra không tăng. "Việc giá coin tăng mạnh thậm chí có thể làm giảm doanh thu của "nông dân", xét về lâu dài", anh Hùng nhận định.

Trường hợp của Phúc Minh, số coin "đào" vẫn tiếp tục được chuyển về "ví ảo" của anh mỗi ngày, nhưng khoản tiền đầu tư 150 triệu chưa thu hồi được là thật, 5 triệu đồng trả tiền điện hằng tháng là thật. Anh nhẩm tính sẽ mất thêm khoảng nửa năm nữa để hồi vốn, với điều kiện mọi thứ cứ tốt đẹp như những gì anh tính trên giấy.


Bitcoin trong kịch bản ngày tận thế

Bên cạnh việc tích trữ thức ăn nước uống, nhiều người đang chuẩn bị cho kịch bản thảm họa hay tận thế của Trái Đất bằng việc mua tiền ảo.

Wendy McElroy, một phụ nữ sống ở vùng Ontario (Canada) đã sẵn sàng cho mọi kịch bản ngày tận thế mà cô có thể nghĩ ra. Trong hầm rượu tại trang trại, các loại đồ hộp, thực phẩm đủ dùng trong một năm được xếp chồng lên nhau một cách cẩn thận. Tuy nhiên, khác với trước đây, giờ kế hoạch sinh tồn của cô phụ thuộc cả vào Internet khi một phần tài sản đã được chuyển sang mua Bitcoin phòng trường hợp "nền văn minh sụp đổ".

Trên các vùng nông thôn khác ở Bắc Mỹ, nhiều người cũng đang làm như McElroy khi cố gắng tích trữ tài sản của mình sang dạng tiền kỹ thuật số thay vì giấu vàng và tiền trong két dưới tầng hầm. Mặc dù họ sẽ không thể truy cập vào mạng và sử dụng tiền ảo của mình ngay khi thảm hoạ xảy bởi các lý do như mạng lưới điện hay Internet gặp vấn đề, tất cả vẫn tin rằng nếu còn sống sót thì Bitcoin sẽ là thứ sẽ vượt qua được sự sụp đổ của các nền kinh tế, đại dịch toàn cầu, biến đổi khí hậu hay thậm chí cả chiến tranh hạt nhân.

"Tôi coi Bitcoin là một đồng tiền ngang bằng với vàng", McElroy chia sẻ. "Nó cho phép các cá nhân trở thành những người tự chủ chi tiêu. Khi tôi hiểu đầy đủ các khái niệm và ý nghĩa của nó, Bitcoin đã trở thành một niềm đam mê".

Theo Bloomberg, dường như trực giác của những người ủng hộ Bitcoin hăng hái nhất đều cho rằng trong tương lai cơ sở hạ tầng công cộng sẽ sụp đổ bởi khủng hoảng xã hội và chính trị.

Điều này bất chấp việc đồng tiền ảo này vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi như một phương thức thanh toán và các chi phí giao dịch cao khiến cho việc sử dụng nó với các nhà cung cấp không thuận tiện. Thế nhưng chính nhờ có sự ủng hộ tán dương Bitcoin như loại tiền có thể thay thế USD hay euro trong tương lai, giá trị của nó đã tăng gấp 10 lần trong 12 tháng qua.




Tom Martin, một lái xe tải từ Washington, người điều hành một trang web dành cho những người quan tâm đến các kỹ năng sinh tồn để đối phó với các thời điểm xấu như khủng hoảng kinh tế, chính trị (còn gọi là prepper), nói: "Cách đây không lâu, những người trong cộng đồng prepper đã tích cực cảnh báo về tiền ảo và bây giờ họ lại đang đầu tư vào nó. Để có thể tồn tại trước thảm hoạ".

"Miễn là lưới điện vẫn còn, mọi người sẽ tiếp tục sử dụng Bitcoin", anh nói thêm. Bên cạnh vàng, bạc và cổ phiếu, Martin giờ đầu tư cả vào nhiều loại tiền ảo khác nhau vì cho rằng chúng dễ sử dụng khi di chuyển mọi nơi, khó ăn cắp hơn và mang lại sự bảo vệ tốt hơn trong trường hợp có sự đổ vỡ xã hội, đặc biệt khi đồng USD sụp đổ. Anh tin rằng Bitcoin có thể chịu đựng được mọi áp lực thông qua sức mạnh của công nghệ blockchain, một sổ cái công cộng và vô danh ghi lại mọi giao dịch bitcoin đơn lẻ.

Các cuộc thảo luận về những ưu và nhược điểm của việc đầu tư vào tiền ảo đã xuất hiện trên các diễn đàn về sinh tồn trong năm nay, khi đồng bitcoin bắt đầu tăng lên trên mức 7.000 USD. "Mua Bitcoin" bây giờ là cụm từ tìm kiếm phổ biến hơn cả "mua vàng" trên Google. Đây có thể là lý do khiến doanh thu từ các đồng tiền vàng của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất thập kỷ, chỉ trong ba tháng đầu năm 2017. Và các nguồn cung cấp bitcoin bắt đầu xuất hiện bên cạnh các cuộc giao dịch kim loại quý giá.

Philip Newman, người nghiên cứu về kinh doanh kim loại quý và là một trong những người sáng lập công ty nghiên cứu Metals Focus, cho biết điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến thị trường. "Mọi người nhìn thấy giá Bitcoin tăng như bay lên mặt trăng. Không ai nghĩ rằng vàng có thể làm được như vậy". Và để thu hút các nhà đầu tư, một số tài sản kỹ thuật số đã được phát triển bên cạnh vàng vật chất.


Biểu đồ so sánh giá bitcoin và vàng trong vài năm trở lại đây.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn khó để tưởng tượng việc mọi người sẽ chi tiêu các đồng tiền ảo để mua thức ăn hay nước đóng chai tại siêu thị trong khi nhà họ không có điện để sạc smartphone hay kết nối Internet.

"Tôi nghi ngờ việc Bitcoin có thể là nơi ẩn náu an toàn trong một hoàn cảnh môi trường đầy rủi ro. Bitcoin không phải là vàng", Charlie Morris, Giám đốc đầu tư của quỹ Newscape Capital Advisors cho biết.

"Bitcoin cũng không đạt được khối lượng đủ lớn để được coi là một đồng tiền có thể đầu tư", theo Mark Haefele từ công ty dịch vụ tài chính toàn cầu UBS Group AG. "Tổng số tiền ảo thậm chí chưa đủ kích cỡ để so sánh với một đồng tiền loại nhỏ".

Tuy nhiên, các "prepper" không quan tâm tới việc này. Họ có đủ lương thực và vật tư để duy trì cuộc sống của mình hàng tháng, thậm chí nhiều năm và có thể chờ đợi một cơ cấu quản lý nào đó đứng lên sau thiên tai sẽ ưu tiên cho việc vực dậy nền kinh tế bằng tiền ảo.

"Nó có thể khó khăn, có thể không truy cập được trong một thời gian, nhưng một khi mọi thứ bắt đầu trở lại ở mức độ bình thường thì blockchain sẽ trở lại như thời điểm trước thảm hoạ", Rob Harvey, một nhà đầu tư bitcoin đang chuẩn bị cho các thảm họa tự nhiên và cả thảm họa hạt nhân bằng cách học các kỹ năng sinh tồn, như tạo ra lửa. "Blockchain không cần một nơi cụ thể hoặc một người cụ thể để tồn tại. Đó là một chiến thuật sinh tồn mạnh mẽ", anh khẳng định.

Và sự quan tâm đến tiền ảo đã bắt đầu thâm nhập tới mọi nơi. Khi Morris khảo sát hàng trăm giám đốc điều hành tham dự hội nghị thường niên của Hiệp hội Ngân hàng Bullion hồi tháng 10, một trong số 10 người cho biết họ thích sở hữu Bitcoin hơn là vàng nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra.


Nhiều người tin rằng khi thảm họa xảy ra, đồng bitcoin sẽ cứu vớt họ và cả thế giới

McElroy có niềm tin vào Bitcoin. Cô đã viết một cuốn sách mang tên "Cách mạng Satoshi", lấy cảm hứng từ bút danh của người (hoặc những người) được cho là đã tạo ra Bitcoin năm 2009 với nội dung giống như một câu trả lời cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Cô nói rằng đồng tiền số đã phá vỡ sự lệ thuộc của xã hội vào một quốc gia sử dụng sự độc quyền trong việc phát hành tiền để thống trị nền kinh tế, khiến cho nó trở thành một hàng rào tự nhiên có thể chống lại thiên tai.

"Đó là đồng tiền của mọi người", bà viết trong phần giới thiệu cuốn sách. "Bitcoin di chuyển liền mạch thông qua một thế giới mà không có tiểu bang hoặc biên giới, chỉ tuân theo lệnh của các cá nhân, những người chọn nó để giao dịch với nhau. Nó miễn dịch với việc thao túng tiền tệ và lạm phát, không phục vụ các tầng lớp hùng mạnh với có chi phí phù hợp với những người bình thường".

Theo: Int, VNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template