Tướng Khalifa Haftar chỉ huy NLA- Ảnh: www.alaraby.co.uk
Sky+_ Ông Putin được mời cho quân Nga can thiệp vào Libya và Yemen
Video: Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton: Mỹ đang cân nhắc áp dụng "mô hình Libya" đối với Triều Tiên
Lãnh đạo các tổ chức vũ trang có ảnh hưởng ở Libya và Yemen đều cầu cứu Tổng thống Nga Vladimir Putin cử quân đến can thiệp, để giải quyết khủng hoảng ở mỗi nước, sau các cuộc nổi dậy ‘Mùa xuân Ả Rập” hồi năm 2011.
Dưới thời đại tá Muammar Gaddafi, Libya từng có quan hệ quân sự vững chắc với Nga, nhưng rồi đổ vỡ sau khi cuộc nổi dậy “Mùa xuân Ả Rập” bùng nổ, từ đó, cộng đồng quốc tế cấm bán vũ khí cho các tổ chức vũ trang ở Libya.
Cuộc nổi dậy “Mùa xuân Ả Rập” 2011 đã dẫn đến những vụ lật đổ các nhà lãnh đạo ở Bắc Phi và Trung Đông, quân nổi dậy giết chết đại tá Gaddafi sau khi phát hiện ông trốn trong một ống cống. Nhưng cuộc nổi dậy cũng gây ra sự bất ổn và các cuộc can thiệp quân sự của nước ngoài, khiến nhiều nước vẫn đang phải gánh chịu hậu quả.
Theo Newsweek, cuộc nổi dậy cũng là một thời khắc đáng kể cho Nga, để Moscow theo đuổi tham vọng tái lập ảnh hưởng ở Trung Đông, trong nỗ lực thách đố sự thống trị của Mỹ và phương Tây ở khu vực này.
Tại Libya, việc đại tá Gaddafi bị quân nổi dậy lật đổ và bị giết, nhờ họ có NATO do Mỹ dẫn đầu hỗ trợ, nhưng ông Barack Obama đã tuyên bố đó là “sai lầm tệ hại nhất” khi ông làm Tổng thống Mỹ. Việc đấu đá quyền lực đã gây chia rẽ ở Libya giữa hai bè phái lớn kình chống nhau và gây ra sự nổi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Một trong hai lực lượng đối địch muốn kiểm soát Libya là LNA dưới quyền tướng Khalifa Haftar, một cựu sĩ quan thời Gaddafi. LNA đại diện cho đảng Quốc gia Libya ở miền Đông Libya, và tướng Haftar tăng uy tín nhờ đánh thắng các nhánh theo IS.
Nhưng LHQ ủng hộ Chính phủ đồng thuận quốc gia ở thủ đô Tripoli (miền Tây Libya). Các cường quốc đã nỗ lực hòa giải cho hai phái trên và Nga hứa giữ một vai trò hàng đầu để hướng tới một giải pháp.
Ngày 8.8, người phát ngôn của Quân đội quốc gia Libya (LNA) tự phong nói sự ủng hộ của Nga là cần thiết, để trang bị vũ khí tốt hơn cho LNA và giúp lập một chính phủ thống nhất.
Trong tuyên bố gửi hãng tin nhà nước Nga Sputnik, thiếu tướng LNA Ahmed al-Mesmari nói quan hệ quân sự Nga-Libya đã có từ lâu, hiện LNA sử dụng toàn vũ khí Nga, từ đó Libya rất cần Nga khi “cuộc chiến chống khủng bố vẫn tiếp tục”.
Tướng Mesmari giải thích từ việc Nga giúp quân đội Syria đánh bại quân nổi dậy và bọn IS, LNA nhận định sự ủng hộ của Nga sẽ có ích cho lực lượng vốn cần sự hủy bỏ lệnh cấm quốc tế bán vũ khí qua Libya. Người phát ngôn LNA còn nói: “Vấn đề của Libya cũng cần sự tham gia giải quyết của Nga và của đích thân Tổng thống Putin, để loại bỏ các phần tử bên ngoài, ví dụ Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là Ý, khỏi vũ đài chính trị Libya”.
Với việc quân đội Syria thắng trận, Nga đã có một căn cứ mạnh ở Địa Trung Hải, tức áp sát sườn nam của NATO, và Nga có thể tìm cách tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực chiến lược này.
Nga duy trì quan hệ với cả hai phái ở Libya, nhưng vài năm gần đây, Moscow chú ý lôi kéo tướng Haftar nhằm chống Chính phủ đồng thuận có phương Tây ủng hộ ở thủ đô Tripoli.
Quân Houthi ở Yemen quyết chống liên quân Ả Rập Saudi - Ảnh: Getty Images
Trong khi đó, quân nổi dậy ở Yemen bất ổn từ cuộc nổi dậy “Mùa xuân Ả Rập” cũng kêu gọi Nga giúp.
Vào năm 2011, các cuộc biểu tình lớn đã buộc Tổng thống Ali Abdullah Saleh phải từ chức năm 2012. Thay ông là Tổng thống Hadi Abed Rabbo Mansour, nhưng chính phủ Yemen bị rúng động vì sự bất mãn vẫn tiếp tục và có sự kình chống nhau giữa các tay súng Al-Qeada (theo đạo Hồi dòng Sunni) với quân nổi dậy Houthi theo đạo Hồi dòng Shiite.
Quân Houthi từng chiếm thủ đô Yemen năm 2015, và Ả Rập Saudi bắt đầu ném bom vào tổ chức này, với sự giúp đỡ của liên quân khu vực có Mỹ ủng hộ, nhằm phục hồi quyền lực cho ông Hadi.
Hồi tháng 7, thủ lĩnh Mahdi al-Mashat của Hội đồng Chính trị tối cao (thân Houthi) đích thân viết thư gửi Tổng thống Putin, theo báo Asharq Al Awsat (của Ả Rập Saudi) và theo các nhánh thân ông Hadi và thân Houthi ở hãng tin Saba (Yemen).
Trong thư, ông Mashat bày tỏ mong ước củng cố quan hệ giữa Yemen với Nga, và hy vọng Moscow sẽ giữ một vai trò hàng đầu, để chặn các cuộc tấn công của liên quân do Ả Rập Saudi ủng hộ, và kết thúc điều LHQ gọi là “cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới”.
Nga chưa quyết định can thiệp vào Yemen, thậm chí bảo vệ thành tích nhân quyền của Ả Rập Saudi. Nhưng hồi tháng 6, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo một cuộc chiến dữ dội ở Hodeida có thể gây hậu quả thảm họa cho toàn Yemen”, theo TASS.
Nga cũng ngăn những sáng kiến của LHQ nhằm trừng phạt Iran, với lý do Tehran cấp vũ khí cho quân Houthi. Cánh quân này cùng Nga và Iran đều phủ nhận cáo buộc ấy.
Từ "cung điện" tới cống ngầm: Đằng sau hành trình cuối cùng của cố lãnh đạo Libya Gaddafi
Ảnh: Reuters
Từ một "đại tỉ phú" với tài sản lên tới hàng trăm tỉ USD, ông Gaddafi bị truy nã gắt gao, bị xét xử bởi "luật rừng" và chết trong cay đắng, tủi nhục.
Cái chết của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã trở thành một trong những sự kiện nổi bật nhất thế giới năm 2011, sau khi những thước phim ghi lại hình ảnh ông Gaddafi bị tra tấn bởi phe nổi dậy được đăng tải trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, những chi tiết đằng sau vụ việc - nhất là diễn biến quanh thời điểm phiến quân tìm thấy người đàn ông này trong một cống bê tông ở thành phố Sirte - vẫn chưa được xác nhận cụ thể.
Theo tờ The Guardian, bản báo cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) công bố ngày 16/10/2012 có thể được coi là nguồn thông tin đáng tin cậy nhất về những giây phút cuối cùng của nhà lãnh đạo Libya.
Qua các cuộc phỏng vấn với những người thân cận nhất của ông Gaddafi - cũng là những người đã sống sót và chứng kiến toàn bộ vụ việc, HRW đã thu thập được nhiều chi tiết quan trọng xoay quanh cái chết của người đàn ông này.
Cái chết của ông Gaddafi
Sau vài năm liên tục được cựu thủ tướng Anh Tony Blair và các nhà lãnh đạo thế giới khác hối thúc từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, không ai có thể ngờ người điều hành đất nước Libya lại có ngày bị mắc kẹt giữa sa mạc hoang vu, tuyệt vọng vì thiếu thốn lương thực, thực phẩm.
Từ một "đại tỉ phú" với tài sản lên tới hàng trăm tỉ USD, ông Gaddafi bị truy nã gắt gao, bị xét xử bởi "luật rừng" và chết trong cay đắng, tủi nhục.
Bản báo cáo của HRW ước tính rằng có ít nhất 66 nạn nhân trong đoàn người của ông Gaddafi đã bị phiến quân hành quyết sau khi bắt giữ
.
Chiếc xe chở ông Gaddafi đang hấp hối trên hành trình từ Sirte đến Misratah. Ảnh: Reuters
Trong khi chính quyền Libya tuyên bố ông Gaddafi trúng đạn trong cuộc chiến cuối cùng ở nơi trú ẩn, các bằng chứng được HRW thu thập cho thấy nhà lãnh đạo này đã bị hành hình tại chỗ.
Theo lời khai của một thủ lĩnh phiến quân, thì "tình hình khi đó rất rối loạn, bạo lực và không thể kiểm soát". Các thước phim ghi lại bằng điện thoại di động cho thấy thân thể ông Gaddafi bị thương nặng.
Hành trình trốn chạy
Ngày 28/8/2011, Tripoli thất thủ sau làn sóng Mùa xuân Ả rập, ông Gaddafi và một đoàn bao gồm người thân cận và tùy tùng tìm đường rời khỏi thủ đô. Khi ấy, không ai biết họ dự tính đi về đâu. Vài người họ hàng ông Gaddafi sau này xuất hiện tại nước láng giềng Algeria.
Còn bản thân nhà lãnh đạo quay trở lại quê hương Sirte - một thành phố nằm dọc bờ biển phía đông từng được ông Gaddafi tôn làm thủ đô của ý tưởng "Nước Mỹ ở Châu Phi". Chịu các mũi tấn công dồn dập từ Benghazi ở phía đông và Misrata ở phía tây, thành phố này bị bao vây trong gần hai tháng. Người lãnh đạo chiến dịch phòng thủ Sirte là Mutassim, con trai thứ 4 của ông Gaddafi.
Khẩu súng vàng của ông Gaddafi - Chiến lợi phẩm do phe nổi dậy thu được. Ảnh: Reuters
Khi phiến quân ngày càng tiến sâu vào khu vực, Gaddafi và những người thân cận buộc phải di chuyển thường xuyên hơn. Cuối cùng, họ tới vùng ngoại ô ở miền đông Libya. "Ban đầu, chúng tôi ở lại khu vực trung tâm thành phố," Mansour Dhao, người đứng đầu lực lượng cảnh sát thuộc chế độ ông Gaddafi thuật lại.
"Nhưng chúng tôi buộc phải rút lui khi phiến quân tràn vào khu vực. Không còn thực phẩm, không còn thuốc men, nước uống cũng khan hiếm. Các bể chứa nước lớn bị phiến quân tấn công. Cứ 4 hoặc 5 ngày, chúng tôi lại phải tìm nơi trú ẩn mới."
Theo bản ghi chép của HRW, ông Gaddafi "giành hầu hết thời gian đọc kinh Koran và cầu nguyện".
Dhao kể: "Các phương tiện giao tiếp với thế giới bên ngoài đã bị tước bỏ: không có TV, không có gì cả. Chúng tôi chẳng có việc gì để làm, chỉ ngủ hoặc ngồi không. Gaddafi bắt đầu trở nên bực bội."
"Ông ấy tức tối vì không có điện, không có điện thoại, TV và không có cách nào để giao tiếp với thế giới. Chúng tôi nhìn ông ấy, ngồi xuống bên cạnh trong khoảng 1-2 giờ gì đó. Ông Gaddafi bắt đầu hỏi: 'Tại sao ở đây không có điện? Tại sao không có nước?'"
Khoảng ngày 19-20/10, lực lượng của ông Gaddafi liên tiếp hứng chịu các cuộc tấn công tên lửa và pháo dữ dội từ phe nổi dậy. Ông Mutassim ra lệnh mở vòng vây, đưa thường dân và những người bị thương lên các xe chở đầy vũ khí và đạn dược.
Tuy nhiên, giờ khởi hành ban đầu trong khoảng 3h30 đến 4h sáng đã bị lùi xuống 8h sáng. Tới lúc này, các nhóm phiến quân đã chuẩn bị sẵn sàng.
Một trận không kích của NATO tại Libya. Ảnh: Reuters
Đoàn người của ông Gaddafi hầu như không có chút cơ hội nào để vượt qua vòng vây. Trên đường rời khỏi thành phố, chiếc xe đi ngay cạnh xe chở Gaddafi trúng tên lửa và nổ tung.
"Lực nổ mạnh đến nỗi túi khí bung ra," ông Dhao nói.
Tới thời điểm ấy, chẳng còn đường nào để đoàn xe của ông Gaddafi chạy. Các chiến cơ, máy bay không người lái theo sát mọi động thái từ trên cao. Một căn cứ quân sự của phe nổi dậy chốt chặn ở cuối đường di chuyển.
Một nguồn tin cho hay: "NATO không biết rằng ông Gaddafi đang di chuyển trong đoàn xe. Máy bay của lực lượng NATO tấn công những chiếc xe chứa đầy vũ khí này để giảm mối đe dọa đối với thường dân."
Chỉ huy phiến quân Khalid Ahmed Raid nhớ lại: "Đoàn xe của Gaddafi lao thẳng tới căn cứ và dùng súng phóng lựu tấn công chúng tôi. Họ tìm cách đi vòng qua khu vực. Chúng tôi sử dụng súng phòng không để bắn trả."
Những giây phút cuối cùng
Nhóm người của ông Gaddafi buộc phải đầu hàng, tìm cách trú ẩn trong một khu nhà ở gần đó nhưng tiếp tục bị vây hãm. Trả lời HRW, một người sống sót cho biết đã thấy ông Gaddafi "đội mũ phòng hộ và mặc áo chống đạn, tay cầm súng tự động và súng ngắn trong túi áo".
Trước tình hình nguy cấp, Mansour Dhao thuyết phục ông Gaddafi né đường chính, chui xuống đường cống để sang khu vực nông trại ở đầu bên kia. Khi họ vừa chui ra, các phiến quân tung một loạt đạn đón đầu. Nhóm của ông Gaddafi ném lựu đạn đáp trả.
Không may, một quả lựu đạn bật trở lại, giết chết người ném và làm ông Gaddafi bị chấn thương đầu.
Trên đà chiến thắng, phiến quân tràn lên, lục soát. Theo lời một vài binh sĩ, họ lần theo vết máu và phát hiện một gương mặt quen thuộc.
Cống bê tông, nơi phát hiện ông Gaddafi. Ảnh: Fardanews
"Muammar! Muammar!" một người hét lên. Quân nổi dậy xúm lại, kéo người đàn ông lớn tuổi trong bóng tối ra bên ngoài.
"Cậu đang làm gì vậy? Con trai ta, cậu đang làm gì vậy?" - ông Gaddafi hoảng hốt trước vòng vây người xung quanh. Ông van xin được tha mạng, nhưng không ai lắng nghe. "Tôi đã làm gì các người?"
Nhà lãnh đạo Libya đứng không vững, tóc tai rối bù, máu chảy nhỏ giọt xuống gương mặt thất thần. Khung cảnh sau đó được ghi lại trong một thước phim điện thoại kéo dài 3 phút 38 giây.
Khalid Ahmed Raid thừa nhận: "Lúc đó rất hỗn loạn. Quân nổi dậy túm tóc và đánh ông ấy. Chúng tôi hiểu rằng phải đưa ông ấy ra xét xử, nhưng tôi không thể cản tất cả mọi người được."
Nhiều người có mặt giơ điện thoại trước mặt, ghi lại những giờ phút cuối cùng của Gaddafi. Ông bất tỉnh nhiều lần trước trận đòn thù.
• "Khi Gaddafi được đưa lên xe cứu thương, ông ấy đã hấp hối. Sau chuyến hành trình tới Misrata kéo dài hai tiếng đồng hồ, Gaddafi qua đời."
Nguyên nhân thực sự gây ra cái chết của ông Gaddafi vẫn còn là điều gây tranh cãi. Theo một binh sĩ, ông đã bị bắn vào bụng bằng khẩu súng ngắn 9 ly.
Theo các bác sĩ khám nghiệm tử thi, ông đã bị bắn vào đầu. Một vài quan chức thuộc Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya cho hay Gaddafi đã bị "giết hại sau khi bị bắt", trong khi những người khác cho rằng ông đã bị bắn giữa lúc giao tranh hỗn loạn.
Tuy nhiên, di sản ông Gaddafi để lại sau 42 năm lãnh đạo Libya mới là những gì người dân nước này quan tâm nhất. Một vài đại diện người Libya đã có cơ hội được tiếp cận nhà xác nơi bảo quản thi thể của cựu lãnh đạo.
Một thời đại đã khép lại và người dân Libya có những lựa chọn của riêng mình cho kỉ nguyên mới.
Diễn biến nội chiến Libya
Cuối năm 2010, phong trào Mùa xuân Ả rập còn được gọi là Cách mạng hoa nhài bắt nguồn từ các cuộc diễu hành chống tình trạng tham nhũng tại Tunisia, sau đó lan rộng sang các nước Ả rập khác như Ai Cập, Yemen, Jordan... Đến tháng 2/2011, làn sóng này "đổ xô" sang người láng giềng Libya.
Tại thủ đô Tripoli và thành phố lớn thứ hai ở Libya - Benghazi, các nhóm phản đối chính quyền Gaddafi tự phát tổ chức diễu hành thị uy quy mô lớn, rất nhanh sau đó, các cuộc biểu tình phát triển thành cuộc nổi dậy vũ trang trên toàn quốc.
15/2/2011 - Các cuộc biểu tình nổ ra tại Benghazi sau khi chính quyền Gaddafi bắt giữ Fathi Terbil, một nhân vật chống đối chính phủ. Khoảng 2.000 người tham gia phản đối qua đêm. Cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã dẫn tới thương vong.
17/2/2011 - Hàng ngàn người Libya tổ chức "Ngày thịnh nộ", diễu hành trên các đường phố để phản đối sự lãnh đạo của Gaddafi. Lực lượng cảnh sát bị cáo buộc giết hơn chục người biểu tình khi phản ứng bằng cách bắn đạn thật trực tiếp vào đám đông.
20/2/2011 - Sau vài ngày, lực lượng nổi dậy quân chống Gaddafi chiếm quyền kiểm soát Benghazi. Các thành phố xa hơn về phía đông, bao gồm Baida và Tobruk, đã bị kiểm soát đối lập vào thời điểm này.
26/2/2011 - Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 1970 áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với ông Muama Gaddafi, cấm vận vũ khí đối với Libya và yêu cầu đưa các vụ xử lý biểu tình ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
5/3/2011 - Một nhóm các nhà lãnh đạo nổi dậy tự xưng là Hội đồng chuyển tiếp quốc gia đưa ra tuyên bố rằng, lực lượng này là đại diện duy nhất của Libya.
19/3/2011 - Sau một cuộc tranh luận, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu để thiết lập vùng cấm bay ở Libya. Liên quân Anh-Pháp-Mỹ tổ chức tấn công Libya vài giờ sau khi nghị được thông qua.
15/4/2011 - Quân của Gaddafi rút khỏi Misrata.
21/8/2011 - Máy bay tiêm kích phe đối lập tiến vào Tripoli
16/9/2011 - Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) được Liên Hợp Quốc công nhận là đại diện hợp pháp của Libya, thay thế chính phủ Gaddafi.
20/10/2011 - Gaddafi bị bắt và bị giết khi cố gắng trốn thoát khỏi Sirte
23/10/2011 - NTC tuyên bố giải phóng Libya và kết thúc chiến tranh
Cuối tháng 4 vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Fox News, Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton đã tuyên bố nước này đang cân nhắc áp dụng kiểu mẫu giải trừ hạt nhân của Libya hồi những năm 2003-2004 đối với Triều Tiên. Tuyên bố này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận trong những ngày vừa qua.
Xin trân trọng gửi tới quý độc giả loạt bài tư liệu về Quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác của Libya để giúp quý độc giả có cái nhìn tổng quan hơn về sự kiện lịch sử này.
Mời quý độc giả xem các bài viết trước:
Phần 1: Vì sao người Libya phẫn nộ và xấu hổ khi ông Gaddafi quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân?
Ngày 19/12/2003, lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã khiến thế giới sửng sốt khi tuyên bố từ bỏ chương trình phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).
Ngày 19/12/2003, lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã khiến thế giới sửng sốt khi tuyên bố từ bỏ chương trình phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và cho phép các thanh sát viên quốc tế đến Tripoli để chứng kiến nước này thực hiện cam kết.
Sau tuyên bố của ông Gaddafi, các thanh sát viên từ Mỹ, Anh và các tổ chức quốc tế khác đã được phái đến Libya để đảm bảo quá trình tháo dỡ và phá hủy các cơ sở vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân, cùng với các loại tên lửa đạn đạo tầm xa. Washington cũng đã bình thường hóa quan hệ song phương với Tripoli sau hơn 20 năm lạnh nhạt.
Kể từ đó, quyết định từ bỏ hạt nhân của Libya đã trở thành "tấm gương" cho những quốc gia được cho là đang phát triển WMD. Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Stephen Rademaker từng nói về quyết định của Libya hồi tháng 5/2005: "Trong một thế giới phản đối phổ biến vũ khí hạt nhân, quyết định quay đầu (như Libya) không bao giờ là quá muộn".
Việc Tripoli giải trừ WMD cũng được coi là thành công đối với ngành tình báo Mỹ, bởi họ được cho là đã phát hiện và ngăn chặn một số hành động hỗ trợ cho Libya của cha đẻ chương trình hạt nhân Pakistan, ông Abdul Qadeer Khan. Vào thời điểm đó, ngành tình báo Mỹ cũng đang phải đối mặt nhiều lời chỉ trích gay gắt vì đã không ngăn chặn được Iraq phát triển WMD.
Những tưởng mọi sự đã ổn thỏa sau khi Tripoli quyết giải trừ WMD, thì tháng 2/2011, một cuộc nội chiến khốc liệt đã nổ ra tại Libya, mở màn là cuộc đụng độ giữa những người biểu tình chính trị hòa bình và chính phủ nước này.
Những cuộc đụng độ nhỏ đã mở đường cho những cuộc xung đột vũ trang lớn hơn và đẫm máu hơn giữa lực lượng trung thành với ông Gaddafi là các nhóm phiến quân nổi loạn chống đối chính phủ. Căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm khi lực lượng phiến quân lật đổ chính quyền và giết chết ông Gaddafi ngày 20/10/2011.
Những diễn biến chính dẫn đến quyết định giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Libya
- 29/12/1979: Chính phủ Mỹ liệt Libya vào danh sách những nước tài trợ cho khủng bố, và áp lệnh trừng phạt đối với các quốc gia trong danh sách này.
- 6/5/1981: Mỹ đóng cửa đại sứ quán Libya tại Washington và lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Libya.
- 7/1/1986: Tổng thống Mỹ Reagan gia tăng lệnh trừng phạt kinh tế và đóng băng tài sản của Libya tại Mỹ, vì tin rằng Tripoli vẫn tiếp tục tiếp tay cho mạng lưới khủng bố quốc tế, và liên quan đến hai cuộc tấn công nhằm vào các sân bay tại Rome và Vienna.
- 15/4/1986: Tổng thống Reagan ra lệnh không kích một số mục tiêu tại Libya để trả đũa cho vụ tấn công hộp đêm tại Berlin, Đức được cho là có sự tham gia của Libya.
- 21/12/1988: Máy bay Pan Am 103 khởi hành từ London tới New York phát nổ trên bầu trời Lockerbie, Scotland khiến 259 hành khách và 11 người có mặt tại hiện trường thiệt mạng. Hai quan chức Libya trở thành đối tượng tình nghi chính trong vụ tai nạn thảm khốc này.
- 19/9/1989: Máy bay UTA 772 phát nổ trên đường đến Paris, Pháp, khiến 171 hành khách thiệt mạng, và các điều tra viên cho biết họ tìm thấy chứng cứ cho thấy đây là hành động khủng bố, và có sự tham gia của Libya.
- 31/3/1992: Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp các lệnh trừng phạt đối với Libya, bao gồm các lệnh cấm buôn bán vũ khí và cấm hàng không.
- 7/1995: Libya quyết định tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.
- 5/4/1999: Libya giao nộp 2 kẻ tình nghi trong vụ tấn công máy bay tại Lockerbie ra xét xử, và Liên Hợp Quốc quyết định tạm hoãn lệnh trừng phạt.
- 5/1999: Các quan chức Libya thỏa thuận từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hóa học trong cuộc họp kín với Mỹ, đồng thời thừa nhận trách nhiệm vụ nổ máy bay ở Lockerbie.
- 1999-2000: Các cơ quan tình báo Mỹ bắt đầu thu thập được tin tức rằng Libya đang "tái phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa và vũ khí sinh học", đồng thời phát hiện chuyến tàu chở các bộ phận chế tạo vũ khí hạt nhân trên đường đến Libya.
Sau khi LHQ hoãn lệnh trừng phạt, Libya lại tiếp tục tìm cách sở hữu và phát triển các loại vũ khí hóa học.
- 8/2002: Mỹ tiếp tục gây sức ép khi gia tăng trừng phạt và giảm mức đầu tư vào Libya.
- Đầu tháng 3/2003: Các quan chức cấp cao Libya thỏa thuận với Anh và Mỹ về việc từ bỏ WMD.
- 12/9/2003: HĐBA LHQ đồng thuận dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Libya.
- 19/12/2003: Libya chính thức tuyên bố giải trừ các loại WMD (vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học) sau 9 tháng thỏa thuận với Anh, Mỹ.
Những nguyên nhân dẫn đến quyết định giải trừ WMD của Libya cũng là vấn đề gây tranh cãi. Rất nhiều cựu quan chức thời chính quyền Tổng thống Bush khẳng định Tripoli vì sợ kịch bản Mỹ tấn công Iraq năm 2003 sẽ lặp lại tại Libya, hơn nữa, hồi tháng 10/2003, một con tàu chở các thành phần chế tạo vũ khí hạt nhân được cho là đang hướng đến Libya đã bị Mỹ chặn lại.
Chính lãnh đạo Libya Gaddafi, trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi năm 2003 đã thừa nhận rằng việc Mỹ tấn công Iraq là một trong những yếu tố dẫn đến quyết định giải trừ các loại WMD của ông này.
Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài lại cho rằng chính các lệnh trừng phạt nặng nề và nỗ lực ngoại giao của các nước phương Tây mới là nguyên nhân chủ yếu khiến chính quyền ông Gaddafi quyết định từ bỏ WMD.
Các bộ phận chế tạo vũ khí hạt nhân của Libya. Ảnh: Reuters/Courtesy.
Sau đây là bài phân tích của tác giả Målfrid Braut-Hegghammer, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Oslo, Thụy Điển, về quyết định giải trừ vũ khí hạt nhân của Libya:
Trong cuốn sách Unclear Physics: Why Iraq and Libya failed to build nuclear (Tạm dịch: Vật lý mơ hồ: Lí do Iraq và Libya không thể phát triển vũ khí hạt nhân), tôi đã giải thích lí do hai nước này không thể có được vũ khí hạt nhân.
Chương trình của Iraq bị gián đoạn bởi cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, khi nước này gần chạm tay đến đột phá mới về vũ khí hạt nhân; còn Libya thì tự nguyện từ bỏ chương trình phát triển WMD hồi cuối năm 2003, sau khi đạt được một thỏa thuận với Mỹ và Anh.
Cho đến nay, những điều đã xảy ra tại Iraq và Libya vẫn là chủ đề gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn trên thế giới. Trong những năm gần đây, các quan chức Triều Tiên đã nhắc đến trường hợp của Iraq và Libya để biện hộ cho việc họ phát triển vũ khí hạt nhân, với lí lẽ rằng số phận của hai ông Saddam và Gaddafi chính là "gương tày liếp" về hậu quả khủng khiếp khi từ bỏ WMD.
Không chỉ riêng Triều Tiên, mà các quan chức Iran cũng đưa ra quan điểm tương tự.
Quyết định từ bỏ WMD của Libya được Mỹ coi là mô hình mẫu, là tấm gương để các nước khác noi theo. Tuy nhiên, sự thật là các nước khác không hề muốn 'theo chân' Libya. Qua những cuộc phỏng vấn với các quan chức Libya sau khi quyết định này được đưa ra, tôi nhận thấy nhiều người tỏ ra vô cùng hối tiếc vì quyết định của ông Gaddafi.
Những quan chức tôi phỏng vấn trong 2 năm 2005 và 2006 cho biết họ thấy rất xấu hổ, và cảm thấy bị lừa dối trước quyết định này.
Nhiều quan chức thất vọng vì lợi ích kinh tế có được từ thỏa thuận quá ít ỏi, và không đủ để mang đến những biến chuyển to lớn cho nền kinh tế nước nhà mà họ luôn mong đợi. Họ phẫn nộ vì chỉ được tham dự những diễn đàn thế giới trong vai trò thứ cấp, dù họ đã tự nguyện từ bỏ phát triển WMD với mong muốn được tái hội nhập với cộng đồng thế giới.
Vậy các quan chức Libya đã kì vọng nhận được gì từ thỏa thuận năm 2003? Tại sao họ lại từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, và họ đã phản ứng ra sao trước kết quả của thỏa thuận này, trước khi cuộc nội chiến năm 2011 nổ ra?
Quyết định của Libya đã được suy tính kĩ lưỡng
Việc Libya từ bỏ hạt nhân năm 2003 không phải quyết định bộc phát, mà nó đã bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỉ trước, khi Tripoli đề nghị thảo luận về chương trình hạt nhân với Washington.
Tuy nhiên, quá trình đưa ra quyết định năm 2003 của nước này không hề dễ dàng. Libya đã theo đuổi vũ khí hạt nhân từ những năm 1970, và việc từ bỏ loại vũ khí hủy diệt này đã đánh dấu bước chuyển vô cùng quan trọng trong các chính sách đối ngoại và an ninh của Libya.
Nhiều quan chức và người dân Libya cho rằng ông Gaddafi đã quyết định sai lầm.
Trước hết phải kể đến những thành phần quan tâm đến việc phát triển vũ khí hạt nhân và WMD trong chính quyền ông Gaddafi, bao gồm một số thành phần cấp tiến thuộc quan chức chính phủ hoặc quân đội Libya. Tuy nhiên, họ cũng phải đấu tranh với các nhóm ảnh hưởng ủng hộ việc từ bỏ hạt nhân để giúp Libya thoát khỏi tình trạng cô lập và các lệnh trừng phạt quốc tế.
Những người ủng hộ từ bỏ vũ khí hạt nhân đã thuyết phục ông Gaddafi rằng quyết định này sẽ mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể khi các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành công nghiệp dầu khí được dỡ bỏ, đồng thời họ cũng rất trông đợi vào những lời hứa hỗ trợ của Anh và Mỹ.
Những người Libya muốn được đảm bảo về an ninh (nhưng không hề nhận được điều này) - nên có vẻ các nhà đàm phán từ Anh và Mỹ đã gợi ý sẽ bán khí tài quân sự cho họ. Tôi không rõ họ đã hứa những gì, và các bên đã hiểu những lời hứa đó ra sao, nhưng rõ ràng Libya muốn một lời cam kết chắc chắn từ đối phương để đảm bảo chế độ tồn tại nếu họ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Con trai ông Gaddafi, Saif al-Islam Gaddafi, cho biết một trong những điều khiến cha ông trăn trở nhất chính là những rủi ro khi từ bỏ chương trình hạt nhân, trong đó bao gồm nỗi lo ngại rằng phương Tây sẽ tiếp tay cho các lực lượng nổi dậy chống lại chế độ của ông. Và nỗi sợ của ông Gaddafi đã trở thành sự thật khi cuộc nội chiến đẫm máu nổ ra tại nước này.
Tuy nhiên, chương trình vũ khí hạt nhân của Libya cũng đã phải đổi mặt với nhiều thách thức lớn khiến nó khó có thể thành công như chính quyền Tripoli mong đợi. Quả thật, có thể coi chương trình này là một chuỗi các sáng kiến thất bại, chủ yếu do những điểm yếu của bộ máy chính quyền Libya.
Khi tôi phỏng vấn các quan chức Tropoli, bao gồm những người tham gia đàm phán thỏa thuận năm 2003 và các cá nhân có liên quan mật thiết đến quá trình đàm phán, họ đã đưa ra hai câu trả lời hoàn toàn khác nhau về tình trạng chương trình vũ khí hạt nhân của Libya. Một bên cho rằng chương trình này không thành công, và Libya đã được hưởng lợi khi từ bỏ nó.
Trái lại, các quan chức cấp cao khác - kể cả con trai ông Gaddafi - lại khẳng định chương trình hạt nhân của Libya là một nỗ lực nghiêm túc. Cả Saif al-Islam và Matuq, người lãnh đạo chương trình hạt nhân trước năm 2003, đều cho rằng Libya chỉ cần thêm 5 năm nữa để có thể chạm đến loại vũ khí hủy diệt hàng loại này.
Dựa vào đánh giá trên, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được sự tiếc nuối và phẫn nộ của nhiều quan chức Libya, bởi họ tin rằng chính quyền ông Gaddafi đã từ bỏ một điều mà họ sắp sửa đạt được.
Những người dân Libya cũng không hài lòng khi lãnh đạo của họ công bố quyết định hệ trọng này. Họ cảm thấy xấu hổ và không muốn nghĩ rằng lãnh đạo của họ quyết định như vậy vì sợ sẽ kết thúc như số phận của Iraq và chế độ ông Saddam Hussein.
Tóm lại, có rất nhiều bài học có thể được rút ra từ quyết định từ bỏ hạt nhân của Libya. Chẳng hạn, sự phẫn nộ của các quan chức Libya cho thấy các nước tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân cần được đền bù xứng đáng hơn về mọi mặt. Hoặc việc gạt các nước đó khỏi bàn nghị sự có thể sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng sau này.
Cuối cùng, vẫn còn một bài học quan trọng khác từ thất bại của Libya, đó là: một số nước sẽ thấy rằng, việc tin tưởng các cam kết lâu dài của Mỹ đôi khi có thể trở thành sai lầm chí tử.
Phần 2: "Đòn hiểm" của tình báo Anh, Mỹ và bí mật thương thảo khiến Libya từ bỏ vũ khí hạt nhân
Tháng 9/2003, tình báo CIA và MI6 bí mật tới Tripoli gặp Gaddafi. Sau 17 phút chỉ trích Mỹ và phương Tây, Gaddafi trở nên nghiêm túc và nói rằng ông muốn "rửa sạch thanh danh".
Đêm 19/12/2003, lãnh đạo Libya Gaddafi đã khiến cả thế giới phải bất ngờ khi lên tiếng xác nhận một điều: Libya đã quyết định từ bỏ nỗ lực chế tạo bom hạt nhân, kho vũ khí hóa học và toàn bộ tên lửa tầm xa của mình.
Quyết định của Libya đã khiến ngay cả những chuyên gia kiểm soát vũ khí giàu kinh nghiệm nhất cũng phải ngạc nhiên.
Những thông cáo chuẩn chỉ, đầu tiên là từ Bộ ngoại giao Libya, sau đó là Gaddafi, rồi tới Thủ tướng Anh Tony Blair và cuối cùng là Tổng thống Mỹ George W. Bush, là kết quả của nhiều tháng ngoại giao cẩn trọng, công tác phân tích, thu thập tình báo khéo léo, chiến dịch chống phổ biến vũ khí táo bạo, nhiều thập kỷ cấm vận kinh tế và cuối cùng - như cựu Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách An ninh Quốc tế và Kiểm soát Vũ khí Mỹ Robert G. Joseph nói trong cuốn sách của mình - là quyết tâm mang tính chiến lược của ông Gaddafi: "Ông ta có nhiều thứ để mất hơn là được nếu duy trì chương trình vũ khí".
"Rửa sạch thanh danh"
Tính đến mùa xuân năm 2003, Gaddafi rất nghi ngại về chương trình hạt nhân và vũ khí hóa học của mình, có lẽ là vì những lý do liên quan tới sự an toàn của bản thân. Mặc dù Libya đã công khai phủ nhận sở hữu chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), Gaddafi vẫn tìm kiếm đối thoại với phương Tây.
Chỉ vài ngày sau khi Mỹ tấn công Iraq vào tháng 3/2003, con trai Gaddafi, Saif al-Islam và Musa Kusa, người đứng đầu lực lượng tình báo nước ngoài của Libya lúc bấy giờ, đã tiếp cận các quan chức Anh.
Musa Kusa, người đứng đầu lực lượng tình báo nước ngoài của Libya năm 2003. Ảnh: Reuters
Dù không thừa nhận Libya sở hữu chương trình vũ khí nhưng họ tỏ ra quan tâm tới chuyện "xoa dịu căng thẳng" về Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt (WMD). Họ đã đề nghị người Anh chuyển thông điệp của mình tới Washington.
Thủ tướng Blair đã làm như vậy tại Trại David vào cuối tháng 3/2003.
Mặc dù chương trình nghị sự tràn ngập bởi thông tin về cuộc chiến mới nổ ra và kế hoạch cứu trợ nhân đạo, tái thiết, khôi phục các cơ quan dân sự ở Iraq, nhưng Blair và cố vấn chính sách ngoại giao của ông, David Manning, vẫn kéo Tổng thống Bush và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Condoleezza Rice ra trao đổi riêng.
Họ nhắc tới đề nghị bất ngờ của Gaddafi. Người Mỹ tỏ ra hoài nghi nhưng trong vài phút, ông Bush và ông Blair đã hội ý về việc liệu đề nghị của Libya có nghiêm túc không và nếu có thì nó ẩn chứa điều gì.
Từ bài học 11/9, các lãnh đạo đều đặc biệt lo ngại về những nước như Libya, nơi mà chủ nghĩa khủng bố và vũ khí hạt nhân có thể tụ hội. Sau khi chật vật với hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Iraq và sự đáp trả của Saddam Hussein, họ háo hức tìm những phương thức mới để thuyết phục các nước từ bỏ chương trình vũ khí cấm. Tuy nhiên, do nhiều động thái nguy hiểm và đặc biệt là vụ tấn công chuyến bay 103 của hãng Pan Am trên bầu trời Scotland, Libya trở thành đối tượng bị ghét bỏ.
Để đảm bảo bí mật, ông Bush đã đề nghị George Tenet, giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tiếp tục làm việc với người Anh. Tenet đã giao việc này cho Stephen Kappes, một trong hai quan chức hàng đầu của cơ quan này.
Mặc dù Kappes, một cựu lính thủy đánh bộ rất cẩn trọng, nói tiếng Ba Tư chứ không phải tiếng Ả rập nhưng kinh nghiệm phong phú về Trung Đông, châu Á và châu Âu khiến ông trở thành lựa chọn hoàn hảo cho nhiệm vụ này.
Tháng 4/2003, chưa đầy 1 tháng sau khi Libya đưa ra đề nghị, đại diện của 3 chính phủ đã đồng ý tổ chức cuộc gặp đầu tiên trong bữa sáng tại một khách sạn trang nhã ở Geneva. Trên tầng thượng của tòa nhà, Kappes và người đồng cấp Anh từ MI6 (cơ quan tình báo của Anh) mặt đối mặt với Musa Kusa.
Quyết định gặp gỡ ở Geneva không phải là ngẫu nhiên. Kusa không được chào đón ở Anh.
Năm 1980, là người đứng đầu "Cơ quan Nhân dân" của Libya ở London - cụm từ chỉ đại sứ quán của Tripoli - Kusa đã tuyên bố ủng hộ ám sát các thành phần đối địch với Gaddafi ở Anh. Phát ngôn này khiến Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố ông là nhân vật không được hoan nghênh (persona non grata).
Mặc dù Washington và Tripoli không có quan hệ ngoại giao, không khí giữa Anh và Libya thì căng thẳng nhưng các cơ quan tình báo giữa các bên thì vẫn trao đổi với nhau. Các quan chức Anh thường xuyên gặp người Libya để giải quyết các vấn đề liên quan tới vụ Pan Am 103. Ngoài ra, CIA cũng bí mật gặp các quan chức cấp cao Libya kể từ 1999 để "tìm hiểu về các nhóm khủng bố Hồi giáo".
Những cuộc gặp này đã gia tăng sau vụ 11/9, đặc biệt là khi Gaddafi tin rằng al-Qaeda đe dọa ông ta và chính quyền của ông ta. Không thể nói là các bên tin tưởng lẫn nhau nhưng các quan chức Libya và Mỹ đã tham gia vào những cuộc "đối thoại mang tính xây dựng". Trong cuộc gặp đầu tiên, Anh và Mỹ đã cố gắng đánh giá động lực và mục đích của Libya. Tinh thần của họ thêm phấn chấn khi Kusa thừa nhận rằng Libya đã vi phạm các nguyên tắc quốc tế, tạo điều kiện cho Kappes thuyết phục Libya chấp nhận cho các chuyên gia kỹ thuật vào nước này. Tuy nhiên, người Libya không cam kết gì.
Tới tháng 5/2003, Kappes và cộng sự người Anh lại ngỏ lời mời người Libya gặp mặt. Lần này, cùng đi với Kusa còn có Saif al-Islam, con trai của Gaddafi.
Saif al-Islam, con trai của Gaddafi. Ảnh: EPA
Là người từng sống ở phương Tây, lại hiểu rõ cái giá mà Libya phải trả nếu bị cô lập, Saif đã mạnh dạn đưa ra yêu cầu dù yếu thế. Tuy nhiên Kappes và người đồng cấp Anh đáp rằng, sẽ không có tiến triển nào cho tới khi Anh và Mỹ xác nhận được Libya đã tiêu hủy hoàn toàn vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời đóng cửa các chương trình liên quan. Tháng 8/2003, Kappes và người đồng cấp Anh lại gặp Kusa một lần nữa. Lần này ông mời họ tới Libya gặp Gaddafi. Vậy là tháng 9/2003, họ bí mật đáp máy bay tới Tripoli. Cuộc gặp diễn ra vào đêm muộn.
Sau 17 phút chỉ trích Mỹ và phương Tây, Gaddafi trở nên nghiêm túc hơn và nhiều lần nói rằng ông muốn "rửa sạch thanh danh". Tuy nhiên, bất cứ khi nào Kappes nhắc tới chương trình WMD của Libya thì Gaddafi đều giận dữ phủ nhận.
Vậy là Gaddafi muốn được công nhận là đã từ bỏ các chương trình bất hợp pháp mà ông ta không thừa nhận mình vận hành. Tuy nhiên theo Tenet, Gaddafi có vẻ bớt gay gắt trước khái niệm "các chuyến thăm kỹ thuật". Ông đã chỉ đạo cố vấn của mình sắp xếp cho hoạt động này.
Đòn bẩy của Anh - Mỹ
Bế tắc kết thúc vào 3/10/2003, sau nhiều năm phương Tây thu thập tin tình báo liên quan tới mạng lưới A.Q.Khan, một mối đe dọa phổ biến hạt nhân khác, và cũng là khi một bộ khung mới về chống phổ biến vũ khí - Sáng kiến An ninh Hạn chế Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt (PSI) ra đời.
Bốn tháng sau khi ban hành PSI, Mỹ và các đồng minh chặn được BBC China, một chiếc tàu thuộc sở hữu của người Đức với điểm đến là Libya. Tàu này đã được điều hướng tới cảng Taranto của Italy để kiểm tra.
Khi tra soát giấy tờ và hàng hóa trên tàu, các quan chức phát hiện ra 5 thùng hàng tiêu chuẩn chứa hàng nghìn thành phần trong chương trình làm giàu uranium bí mật của Libya dù trên bản kê ghi là "phụ tùng máy móc đã qua sử dụng".
Các thiết bị này do các tay buôn lậu hạt nhân của A.Q.Khan sản xuất ở Malaysia. Người Italy thả cho tàu đi sau 5 giờ trì hoãn để tránh đánh động Libya nhưng trước đó họ đã tháo dỡ những thùng hàng bất hợp pháp. Vậy là người Libya bị "bắt quả tang" nhập khẩu thiết bị để làm giàu uranium.
Diễn biến mới này khiến các nhà hoạch định chính sách Âu - Mỹ đứng trước một lựa chọn khó khăn: Họ nên công bố vụ việc, gia tăng tín nhiệm cho một chính quyền Mỹ vốn đã bị chỉ trích vì thất bại trong việc tìm WMD ở Iraq và đứng trước nguy cơ phá hỏng cuộc đàm phán hay lặng lẽ sử dụng số hàng bí mật để làm đòn bẩy với Tripoli?
Người Mỹ đã chọn phương án thứ hai.
Để tối đa hóa ảnh hưởng của vụ BBC China, người Anh đã cử một quan chức tình báo cấp cao tới Tripoli 4 ngày sau vụ việc để thông báo riêng cho Gaddafi về số hàng hóa được tìm thấy trên tàu.
Các quan chức Libya đáp lại rằng, số thiết bị này đã được đặt hàng từ rất lâu trước khi bắt đầu đàm phán và dẫu gì, việc vận chuyển các phụ tùng máy ly tâm cũng không gây hậu quả lớn nào
Quyết định tránh đối đầu trực diện và công khai với Gaddafi về lô hàng hóa ra lại sáng suốt. Sau này Saif Gaddafi đã nói với Tạp chí Time rằng, chính cách xử lý lặng lẽ và cứng rắn của Anh - Mỹ đã khiến Gaddafi tin rằng London, cũng như Washington hành động dựa trên thiện chí chứ không phải dàn dựng bối cảnh để can thiệp quân sự.
Các chuyến thăm "kỹ thuật" được lên kế hoạch. Trong vòng 10 ngày từ 19/10/2003, một nhóm chuyên gia 15 người đã lưu lại ở Libya.
Dù người Libya cung cấp thông tin thêm về chương trình vũ khí hóa học và tên lửa của mình nhưng họ vẫn kiên quyết phủ nhận mình có một chương trình vũ khí hạt nhân. Thậm chí một số người còn nói họ không hay biết gì về các phụ tùng máy ly tâm trên BBC China.
Quá trình thanh sát vũ khí rất chi tiết và khó khăn. Các thanh sát viên hiếm khi phát hiện ra dối trá nhưng họ lại thấy sự không đồng nhất trong báo cáo hoặc chứng cứ. Nhóm chuyên gia đã hỏi nhiều câu hỏi mà các cộng sự Libya không thể hoặc không sẵn lòng trả lời. Nhóm này sau đó đã rời Libya, bất mãn vì sự không hợp tác của Tripoli.
Libya thừa nhận
Tháng 11/2003, các đại diện Mỹ, Anh và Libya lại gặp nhau, lần này là ở nước Anh. Cuộc gặp rất căng thẳng.
Rõ ràng Gaddafi vẫn giấu giếm về chương trình hạt nhân của mình. Người Anh và người Mỹ cho rằng mình phải gây áp lực nhiều hơn nữa. Vậy là họ đối chất với người Libya về các bằng chứng mà họ có. Họ nói thẳng rằng họ đã nắm trong tay thông tin về việc Libya mua bán cơ sở máy ly tâm.
Giờ thì Libya không còn có thể phủ nhận được nữa.
Tripoli cho phép nhóm kỹ thuật Âu - Mỹ thực hiện một chuyến thăm khác vào 1-12/12/2003 và tới giữa tháng 12, mọi sự đã rõ. Những bí mật về chuyện Libya đã làm như thế nào, nhập thiết bị hạt nhân cấm và tài liệu từ đâu tuôn ra, khiến các quan chức và tình báo Anh, Mỹ ngạc nhiên.
Trong chuyến thăm lần này, Tripoli đã cho các chuyên gia thấy thiết bị xử lý uranium để sử dụng trong các máy ly tâm, nguyên liệu Urani hexafluorua và các máy ly tâm có khả năng làm giàu các nguyên liệu này thành vật liệu ở mức vũ khí. Tất cả đều vi phạm Thỏa thuận Đảm bảo An toàn mà Libya cam kết với Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Libya cũng thừa nhận đã sản xuất khoảng 25 tấn khí mù tạt và một lượng nhỏ chất độc thần kinh cho vũ khí hóa học.
Kết thúc chuyến thăm này, Libya đã tiết lộ quá đủ về chương trình WMD của mình, cho phép công tác kiểm chứng và tiêu hủy bắt đầu. Thực ra họ còn tiết lộ cả những cơ sở mà nhóm thanh sát không hề hay biết.
Phần 3: Vụ bắt giữ Saddam Hussein và "phút cân não" cuối cùng trước khi Gaddafi chịu xóa sổ vũ khí cấm
Phút cuối, phía Libya chuyển lời rằng, Gaddafi bị đau họng nên không thể đọc thông cáo (tuyên bố Libya từ bỏ vũ khí cấm) thành lời. Được Libya tiết lộ về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của mình và mở cửa tạo điều kiện cho quá trình thanh sát là chưa đủ với quan chức Anh, Mỹ. Washington và London muốn Gaddafi phải tự mình nói cho cả thế giới về quyết định không tái lập chương trình WMD. Nhưng người Libya lại im lặng.
Cuộc đàm phán trong câu lạc bộ
Ngày 16/12/2003 - 4 ngày sau khi các chuyên gia trở về từ chuyến đi thứ hai tới Libya và 3 ngày sau khi Saddam Hussein bị phát hiện ở chỗ ẩn nấp gần Tikrit, cố vấn Nhà Trắng Robert Joseph, giám đốc phụ trách tình báo - quân sự thuộc Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (Bộ Ngoại giao Anh) William Ehrman, quan chức tình báo Mỹ Stephen Kappes và người đồng cấp Anh Mark Allen đã gặp nhóm 6 đại diện Libya do đại sứ Libya Abdul al-Obeidi dẫn đầu ở London.
Lần này Anh, Mỹ muốn thuyết phục các đại diện Libya - để rồi họ đi thuyết phục Gaddafi - rằng quyết định từ bỏ WMD chiến lược là cách duy nhất giúp Libya chấm dứt trạng thái bị cô lập.
Chuyến đi của Joseph được giữ bí mật theo yêu cầu của Nhà Trắng, bí mật tới mức ngay cả Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell và Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cũng không được biết trước.
Tại London, Joseph không lưu lại khách sạn gần đại sứ quán Mỹ như các quan chức Mỹ hay lựa chọn mà ở khách sạn Stafford tại khu St.James, gần Pall Mall. Để đảm bảo bí mật và tránh rò rỉ, cuộc gặp mặt được tổ chức ở Travellers Club, một câu lạc bộ lâu đời ở Pall Mall.
Câu lạc bộ Travellers Club. Ảnh: Khalid Kassem
Travellers Club yêu cầu thành viên và khách phải mặc áo khoác và đeo cà vạt, việc mà người Libya không để tâm tới. Vì muốn tránh gây sự cố ngoại giao nên các quan chức Bộ Ngoại giao Anh phải nhanh chóng đưa các vị khách của mình đi khuất tầm mắt nhân viên câu lạc bộ, vào phòng họp trên tầng hai - tờ Times of London cho hay.
Chỉ dẫn mà Joseph nhận được về nhiệm vụ lần này cũng bất thường như chuyến đi. Thay vì tập tài liệu 3 ngăn chứa thông tin thảo luận trước đó, tiểu sử của người tham gia và các điểm cần nhắc tới thì Joseph chỉ có một chỉ dẫn đơn giản: Cơ bản là "đừng phá tung mọi chuyện".
Joseph hiểu rằng nếu cuộc đàm phán với Libya thành công, Tổng thống Bush sẽ có thể cho thế giới thấy: Chiến tranh phòng ngừa như cuộc chiến ở Iraq không phải cách duy nhất để đối phó với những nỗ lực sở hữu WMD của các quốc gia bất hảo (rouge state). Joseph còn nghĩ rằng, nếu Gaddafi thật sự từ bỏ hạt nhân, Libya có thể trở thành hình mẫu cho các nước phổ biến WMD khác.
Cuộc đàm phán do quan chức ngoại giao Anh William Ehrman chủ trì.
Phiên họp đầu tiên lúc sáng tại Bộ Ngoại giao Anh diễn ra rất tệ. Obeidi mở màn với một bài nói dài dòng về những bất mãn của Libya và kết thúc với yêu cầu đòi dỡ bỏ cấm vận nhằm vào Libya ngay lập tức. Joseph cứng rắn đáp lại rằng cấm vận không nằm trong chương trình nghị sự và sẽ không được đàm phán lần này.
Tuy nhiên, trong không khí bớt phần trang trọng của Travellers Club, người Libya đã tạo điều kiện cho các bên nói tới những điều mà Libya phải công bố trước dư luận. Joseph và Ehrman đưa câu chuyện trở về với việc Libya công nhận công khai và cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, hóa học của mình.
Nếu Tripoli làm điều này, Joseph nói, một rào cản đáng kể trong nỗ lực cải thiện quan hệ với phương Tây của Libya sẽ được loại trừ.
Ban đầu, người Libya vẫn kiên quyết muốn Mỹ dỡ bỏ cấm vận ngay lập tức, khôi phục quan hệ ngoại giao và quan trọng nhất là từ bỏ nỗ lực thúc đẩy thay đổi chế độ ở Tripoli để đổi lấy lời tuyên bố công khai của mình. Joseph biết rằng điều này là không thể chấp nhận được.
Ông cũng rất bất ngờ trước "sự lảng tránh" vấn đề trong tuyên bố sơ thảo mà Musa Kusa, lãnh đạo tình báo Libya, đưa ra ban đầu. Bản thảo dài 3 trang thậm chí còn không đề cập tới sự tồn tại của chương trình vũ khí cấm ở Libya, hay việc ông Gaddafi đã sẵn sàng từ bỏ nó. Trong đó chỉ nói, Libya muốn thiết lập một "khu vực không WMD" ở Trung Đông.
Robert Joseph, thành viên đàm phán phía Mỹ. Ảnh: Cyril Bruneau
Sau khi kiên nhẫn xem từng câu trong bản thảo của Libya, Joseph và Ehrman tiếp tục gây sức ép. Về phần mình, người Libya lưỡng lự. Họ lo sợ, một khi người Mỹ có lời thú nhận của Tripoli trong tay thì họ có sử dụng để tiến hành tấn công quân sự hay không?
Trong suốt cuộc đàm phán kéo dài 6 tiếng, có những lúc Joseph ngẩng lên và thấy tất cả 6 thành viên trong đoàn Libya đều ôm đầu suy nghĩ.
Joseph cảm thấy, vụ bắt giữ Saddam Hussein 3 ngày trước cũng được các đại diện Libya tính đến. Những bức ảnh ghi lại cảnh ông Hussein xơ xác, rối bời khi bị lôi khỏi nơi ẩn náu trong một trang trại gần Tikrit xuất hiện khắp các mặt báo và màn hình vô tuyến ở London - lời nhắc nhở về hậu quả cho những người không hiểu rằng vụ tấn công 11/9 đã làm thế giới thay đổi.
Thực ra, Joseph có lợi thế nhất định trong bối cảnh này. Chuyến đi của nhóm kỹ thuật do Mỹ dẫn đầu tới Syria đã khai thác được rất nhiều thông tin về các chương trình vũ khí của Tripoli - nhiều tới mức không phủ nhận nổi.
Mãi tới chiều muộn hôm đó, Joseph, Ehrman và các cộng sự mới tạm hài lòng dù kiệt sức. Libya đã thừa nhận các chương trình vũ khí hạt nhân, hóa học và tên lửa tầm xa. Họ cũng nhất trí rằng Libya sẽ hủy bỏ toàn bộ các vật liệu và thiết bị liên quan tới WMD, đồng thời cam kết không sử dụng tàn dư của nỗ lực làm giàu uranium bí mật cho mục đích dân sự.
Lo lắng của Gaddafi
Ngày 17/12/2003, các quan chức Mỹ và Libya về nước. Liệu Gaddfi sẽ phản ứng ra sao với thông cáo sơ thảo? Ông có chấp nhận nội dung và câu chữ trong đó không? Cả Kusa lẫn Obeidi đều không chắc chắn.
Lo sợ vụ bắt giữ đầy tủi nhục của ông Saddam có thể được coi là động lực đằng sau quyết định giải trừ vũ khí tự nguyện nên Gaddafi đột nhiên trì hoãn. Theo lời con trai Seif al Islam của Gaddafi, ông Blair đã phải thúc giục Gaddafi rằng: "Làm ơn, chúng ta đang vội mà. Đây là thành công lớn cho tất cả chúng ta".
Trưa hôm đó, để gia tăng khả năng thành công, Thủ tướng Anh Tony Blair điện cho Gaddafi. Lãnh đạo Libya bày tỏ 2 mối lo ngại, có lẽ cũng chính là động lực khiến ông từ bỏ chương trình vũ khí cấm của mình.
Thứ nhất, ông không muốn tỏ vẻ thỏa hiệp với yêu cầu của Mỹ. Saddam Hussein vừa bị bắt mấy ngày trước đó và so sánh giữa Iraq với Libya là không thể tránh khỏi, Gaddafi phàn nàn. Thứ hai, ông lo Mỹ sẽ tấn công Libya nếu nước này thừa nhận sở hữu các vũ khí cấm.
Gaddafi cũng nói thêm rằng ông không hài lòng với câu chữ trong bản thảo, ông muốn Bộ trưởng Ngoại giao của mình là người ra tuyên bố. Ông Blair đã trấn an Gaddafi và khẳng định rằng nếu Gaddafi nói rõ về chương trình WMD và thể hiện quyết tâm loại trừ thì Mỹ, Anh sẽ đáp lại một cách tích cực.
Sau khi kết thúc điện đàm với Gaddafi, Blair gọi cho Bush và hai nhà lãnh đạo Anh, Mỹ thống nhất rằng Gaddafi phải tự mình ra thông cáo và Libya phải thừa nhận cũng như cam kết rõ ràng.
Giới chức Libya chuyển cho người Anh hai thông cáo sơ thảo khác do Bộ Ngoại giao Libya soạn và cho biết, nếu một trong hai bản thảo được chấp nhận thì nó sẽ được công bố vào ngay hôm sau, 19/12. Tuy nhiên, Washington không hài lòng.
Cho tới chiều tối ngày 19/12, sau nhiều trao đổi, 3 nước mới đi đến thống nhất về văn kiện cuối cùng. Vấn đề còn lại là liệu Gaddafi có chịu tự mình ra tuyên bố hay không.
Sau một khoảng thời gian im ắng, cuối cùng người Libya chuyển lời rằng, Gaddafi bị đau họng nên không thể đọc thông cáo thành lời, Ngoại trưởng Libya sẽ là người đọc và Gaddafi sẽ ban hành văn kiện giấy ủng hộ hành động này.
Ngoại trưởng Libya Abdel Rahman Shalgham đã công nhận Libya sở hữu "vật liệu, thiết bị và chương trình dẫn tới việc sản xuất các vũ khí bị thế giới bài trừ", bao gồm cả "các máy ly tâm và vũ khí hóa học". Ông nói: Libya tự nguyện quyết định từ bỏ tất cả các vũ khí này.
Gaddafi đã ủng hộ tuyên bố này bằng một văn kiện 121 từ chỉ trong một câu. Ông cho hay, ông đi bước đi này, "để màu xanh (màu không chỉ của cờ Libya mà còn của Hồi giáo - PV) sẽ tràn ngập khắp thế giới". Gaddafi gọi thông cáo của Bộ Ngoại giao Libya là "sáng suốt" và là "bước đi quan trọng xứng đáng với sự ủng hộ của người dân Libya" .
Mười tháng sau, sau khi các đặc vụ phương Tây bắt tay vào dỡ bỏ tất cả những thành phần trong chương trình WMD và tiêu hủy tên lửa đạn đạo tầm xa của Libya, Blair đã gửi cho lãnh đạo Libya một lá thư chúc mừng thân thiện, gọi ông Gaddafi là "Muammar thân mến" và ký tên "Chúc ông mọi sự tốt lành, Tony".
Theo Newsweek, tổng hợp nhiều nguồn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn