Xe tăng Nga rời Nam Ossetia sau cuộc chiến 2008
Mỹ thúc giục Nga rút quân khỏi Georgia
Video: TT Trump ký sắc lệnh trừng phạt Iran
Mỹ thúc giục Nga rút quân khỏi Georgia
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Georgia, đồng thời kêu gọi Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7.8 đã có những bình luận liên quan đến vấn đề lãnh thổ của Georgia nhân tròn 10 năm cuộc xung đột giữa Nga và Georgia xảy ra.
AFP dẫn lời người phát ngôn Heather Nauert kêu gọi Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ đòi ly khai Abkhazia và Nam Ossetia.
“Chúng tôi vẫn giữ lập trường vững chắc về việc Nga xâm chiếm các vùng lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia của Georgia”, bà Nauert tuyên bố.
Người phát ngôn này khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền của Georgia về sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Georgia Giorgi Margvelashvili cùng ngày lên án Nga tiếp tục hiện diện tại các vùng lãnh thổ đòi ly khai.
Nga công nhận Abkhazia và Nam Ossetia là 2 quốc gia độc lập. Năm 2008, Moscow đưa quân sang Nam Ossetia tham chiến khi quân đội Georgia phát động chiến tranh với mục đích ngăn chặn vùng này ly khai.
Chiến sự chấm dứt sau thỏa thuận ngừng bắn được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hỗ trợ dàn xếp. Tuy nhiên, mối quan hệ 2 bên vẫn căng thẳng cho đến nay, nhất là khi Georgia có ý định gia nhập NATO.
Cũng trong ngày 7.8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Moscow và NATO sẽ rơi vào một cuộc xung đột tồi tệ nếu liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương kết nạp Georgia làm thành viên, theo đài Kommersant. Ông cũng lặp lại quan điểm công nhận sự độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia đồng thời hy vọng NATO "đủ khôn ngoan để tránh nguy cơ xung đột bằng cách không kết nạp Georgia".
Cuộc chiến Nga-Georgia: Dấu mốc định mệnh
Cuộc chiến cách đây đúng 10 năm giữa Georgia và Nga không chỉ mang lại thất bại nặng nề và gần như trên mọi phương diện đối với Georgia, mà còn là một dấu mốc mang tính định mệnh đối với mối quan hệ giữa NATO và Nga.
Xe thiết giáp Nga tiến đến vùng xung đột ở Nam Ossetia năm 2008
Thời ấy, Georgia phát động cuộc chiến tranh với mục đích đè bẹp ý chí ly khai của hai vùng lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia, khiêu khích Nga can thiệp quân sự để buộc NATO phải ra tay cứu trợ và qua đó biến mối bất hòa giữa Georgia và Nga trở thành chuyện giữa NATO và Nga.
Sự tham chiến của Nga đã làm phá sản hoàn toàn những mưu tính trên. NATO thể hiện thái độ bất bình, nhưng chỉ có mỗi động tác chính trị ấy, hậu thuẫn phía Georgia nhưng không dám can thiệp quân sự để đối đầu quân sự trực tiếp với Nga. Hai vùng lãnh thổ kia càng cách xa Georgia và càng gắn kết với Nga. Mối quan hệ giữa Georgia và Nga từ đó chỉ có xấu thêm đi chứ không ngược lại.
Cuộc chiến này thể hiện cả chiến lược quân sự và an ninh cũng như tiềm lực quân sự của Nga. Nó đồng thời phơi bày những điểm yếu của NATO trước Nga. Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai bên ở khu vực láng giềng xung quanh Nga trở nên quyết liệt hơn và quan hệ hợp tác trong khuôn khổ Hội đồng NATO - Nga dần chỉ còn là hình thức. Cả hai đều ý thức được rằng khuôn khổ này không ngăn cản NATO cứ dần mở rộng phạm vi ảnh hưởng về phía các nước ở xung quanh Nga và không cản nổi Nga lôi kéo những nước này trên cơ sở tạo sự đã rồi.
Những gì được bắt đầu trong mối quan hệ giữa Nga và NATO sau cuộc chiến tranh ở Georgia đã phát triển lên đỉnh điểm khi xảy ra chính biến ở Ukraine, sau khi Nga sáp nhập Crimea và cuộc nội chiến bùng nổ ở Ukraine cũng như NATO coi Nga là kẻ thù. Hiện tại chỉ là một hệ lụy của chuyện 10 năm trước.
‘Chiến tranh khủng khiếp’ sẽ xảy ra nếu Gruzia vào NATO
Quân Nga bắt tù binh Gruzia - Ảnh: New York Sun
Trước thềm kỷ niệm 10 năm xảy ra cuộc chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố nếu NATO đón nhận Gruzia làm thành viên thì động thái đó sẽ kích hoạt một cuộc “xung đột khủng khiếp”.
Khi trả lời phỏng vấn của kênh phát thanh của báo Kommersant ngày 6.8, Thủ tướng Medvedev nói: “Nếu Gruzia gia nhập NATO thì sẽ gây ra một cuộc xung đột khủng khiếp, và không rõ tại sao NATO lại cần làm thế”.
Vài tuần trước, trong cuộc họp kín với các nhà ngoại giao Nga ở Moscow, Tổng thống Vladimir Putin cũng cảnh cáo NATO chớ nên lập quan hệ thân cận với Ukraine và Gruzia, nói chính sách này là “vô trách nhiệm” và NATO sẽ phải nhận những hậu quả.
Vị Tổng thống tuyên bố: “Chúng tôi sẽ phản ứng thích đáng với những động thái hung hăng đó, vốn trực tiếp đe dọa Nga. Các đồng nhiệm của chúng ta đang cố gắng leo thang tình hình, tìm cách đưa Ukraine, Gruzia vào quỹ đạo của NATO. Họ nên nghĩ tới khả năng phải lãnh nhận hậu quả vì chính sách vô trách nhiệm này”.
Dân Nga quy trách nhiệm cho lãnh đạo Gruzia gây ra chiến tranh
Cuộc chiến tranh Nga-Gruzia 2008 xảy ra vào lúc ông Putin-ở vai trò Thủ tướng Nga-đang dự Olympic mùa hè Bắc Kinh, quyền điều hành thuộc về Tổng thống Medvedev.
Lúc đó vào tối 7.8, quân Gruzia tấn công tỉnh Nam Ossestia đòi ly khai, nhưng hai hôm sau, quân Nga chiếm lại tỉnh này và xông qua biên giới chiếm đóng một phần đất lớn của Gruzia, nhanh chóng đánh bại quân Gruzia và thậm chí đe dọa chiếm cả thủ đô Tbilisi của nước này.
Đó là cuộc can thiệp quân sự đầu tiên của quân đội Nga, từ sau lần Liên Xô đưa quân tình nguyện qua Afghanistan đánh quân Hồi giáo cực đoan. Cuộc chiến kéo dài năm ngày đến ngày 12.8, Nga chấp thuận kế hoạch ngưng bắn do Tổng thống Pháp lúc đó là ông Nicolas Sarkozy làm trung gian.
Nga rút quân nhưng đến ngày 26.8, Nga công nhận Abkhazia và Nam Ossetia ly khai khỏi Gruzia là hai quốc gia độc lập, đưa quân Nga đến gìn giữ hòa bình cho đến nay.
Nga cũng phô trương sức mạnh quân sự suốt năm ngày, nhằm thể hiện sẵn sàng dùng vũ lực bảo vệ quyền lợi ở khu vực mà Moscow cho là trong tầm ảnh hưởng.
Quân Nga mừng thắng trận trước cửa ngõ Tbilisi - Ảnh: TASS
Nhưng hai đồng minh thân cận của Nga, Belarus và Kazakhstan từ chối công nhận hai vùng này độc lập. Gruzia và phương Tây vẫn xem hai tỉnh này thuộc lãnh thổ của mình và cáo buộc Nga chiếm đóng trái phép.
Từ đó, các chính khách muốn Gruzia gia nhập NATO, và năm 2008, lãnh đạo NATO hứa sẽ có lúc Gruzia và Ukraine sẽ được kết hợp với khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này. Vấn đề là theo quy định NATO, các nước đang có tranh chấp lãnh thổ thì không thể gia nhập NATO.
Theo Trung tâm thăm dò dư luận độc lập Levada hôm 6.8, cuộc thăm dò của trung tâm từ ngày 25 đến 29.7 với 1.600 dân Nga ở 52 vùng có kết quả sau: 34% số người dân Nga được hỏi chỉ trích lãnh đạo Gruzia đã gây ra cuộc chiến tranh với Nga. 24% cáo buộc Mỹ và NATO kích động cuộc chiến này.
Chỉ có 8% quy trách nhiệm Nga gây ra cuộc chiến, trong khi đa số khẳng định Nga “đã cố gắng hết sức để tránh đổ máu”.
Lãnh đạo Levada, ông Lev Gudkov nói với báo Kommersant: sau cuộc chiến, giới truyền thông Nga bị hạn chế đưa tin cả tích cực lẫn tiêu cực về Gruzia, nên “18% số người được hỏi cho biết lần đầu tiên nghe nói về cuộc chiến này, trong khi 56% nói “có nghe một số chuyện về cuộc chiến”.
Ông Gudkov cũng nói công tác tuyên truyền chống Gruzia, và sự thiếu thông tin hậu chiến từ Gruzia đã định hình dư luận Nga ngày nay: “Từ khi giới truyền thông đưa tin về cuộc chiến ở Ukraine, người dân bắt đầu quên cuộc chiến tranh 2008”.
Tù binh Gruzia - Ảnh: TASS
Bộ phim tài liệu chỉ trích Tổng tư lệnh Medvedev
Vào năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 4 năm cuộc chiến tranh Nga-Gruzia, một đoạn phim video tải lên mạng YouTube, cho biết cựu tướng Yury Baluyevsky chỉ trích việc Tổng thống Medvedev xử lý tệ cuộc chiến này.
Trong đoạn phim video “Ngày thất bại của cuộc chiến”, cựu tướng Baluyevsky cùng Marat Kulakhmetov (cựu chỉ huy quân Nga gìn giữ hòa bình ở Nam Ossetia) nói ông Medvedev chỉ hành động sau khi có sự “đôn đốc” của ông Putin, và việc ông lưỡng lự ra lệnh cho quân Nga phản công trễ khiến hàng trăm người chết oan.
Ông Baluyevsky nói nếu ông Medvedev hành động theo đúng kế hoạch của Bộ tổng tham mưu thì nhiều mạng sống được cứu. Baluyevsky nói: “Tôi tin là trước khi có cú hích của Vladimir Vladimirovich ở Bắc Kinh, một số người không dám hành động”.
Đoạn phim gọi “Sự hèn nhát của Medvedev làm chết 1.000 người”, được một người có tên Aslan Gudiyev đưa lên YouTube ngày 5,8. Không thể biết rõ ai đứng sau đoạn phim. Lãnh đạo Nam Ossetia phủ nhận các thông tin rằng kênh TV nhà nước của họ đã làm phim này.
Người phát ngôn Leonid Tibilov của Tổng thống Gruzia cho rằng đoạn phim do TV Center quay. Kênh này của Tòa thị chính Moscow. Nhưng TV Center phủ nhận.
Ông Medvedev nói ông chỉ xem vài cảnh trong đoạn phim, nói có thể đây là chuyện trả thù cá nhân, do ông từng cách chức tướng Baluyevsky hai tháng trước cuộc chiến. Ông phàn nàn trong thời gian làm ủy viên Hội đồng An ninh quốc gia, tướng Baluyevsky “không bao giờ hé môi” về cuộc chiến, và “rõ ràng ông ta chỉ nói khi đã rời khỏi Hội đồng”.
Ông Medvedev còn khẳng định khi ở vai trò tổng tư lệnh quân đội liên bang Nga, ông đã nhanh chóng ra lệnh tung quân đánh Gruzia kịp thời nhằm tránh tổn thất lớn về nhân sự: “Tối 7.8 rạng 8.8, khi quân Gruzia bắt đầu tấn công, tôi chỉ nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Serdyukov và Bộ Ngoại giao. Tôi ra lệnh cho Bộ trưởng phải bắn trả lúc 4 giờ sáng”.
Trước đó, ông Medvedev nói lệnh của ông được ban 2 giờ rưỡi sau khi quân Gruzia đánh Nam Ossetia.
Người phát ngôn Dmitri Peskov của Tổng thống Putin ủng hộ ông Medvedev, khẳng định đoạn phim trên nhằm gây mất đoàn kết và nhấn mạnh mọi quyết định hoạt động quân sự là trách nhiệm của tổng tư lệnh, lúc đó là Tổng thống Medvedev.
Ông Putin nói quyết định tung quân là một quyết định khó khăn, và cho biết ông đã gọi điện thoại hai lần cho Tổng thống Medvedev vào ngày 7 và 8.8.2018 để bàn về cuộc chiến này. Ông Medvedev nhấn mạnh rằng hai ông không nói chuyện với nhau trước 18 giờ tối 8.8.
Thời đó còn có tin ông Putin gặp Tổng thống Mỹ George Bush ở Bắc Kinh, và đã thông tin cho ông Bush biết về việc Gruzia khiêu chiến.
Năm 2014, quân Nga thực hiện cuộc sáp nhập bán đảo Crimea nhằm phản ứng các chính khách thân phương tây nắm quyền lực ở Ukraine, sau cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych.
Tiếp đó, Nga cử quân ủng hộ quân ly khai trong cuộc chiến ở đông Ukraine mà cho đến nay đã khiến hơn 10.000 người chết.
Nga "dạy" bài học cho các nước Liên Xô cũ
10 năm sau cuộc chiến tranh Gruzia, Nga vẫn có thái độ cứng rắn với láng giềng, trong khi sự bất đồng giữa Nga với phương Tây tiếp tục gia tăng.
Dù quân Nga không công khai tham chiến, Ukraine và các nước phương Tây vẫn cáo buộc Điện Kremlin cấp tiền và vũ khí cho quân ly khai ở đông Ukraine.
Nga đã phủ nhận sự cáo buộc, và bày tỏ sự phẫn nộ, không muốn hai nước láng giềng Ukraine-Gruzia tham gia một khối quân sự thù địch là NATO.
Nhà phân tích Konstantin Kalachev nói: “Ở Nam Ossetia, Nga đã dạy một bài học cho các nước thuộc Liên Xô cũ, rằng họ chớ nên theo đuổi một mô hình phát triển khác hẳn. Nga cần làm rõ rằng các giải pháp hành động của họ đang mở rộng, và phương Tây chớ nên có phản ứng nhạy cảm với các hành động của Nga”.
Ông Kalachev còn nói Gruzia là “nỗ lực đầu tiên” để định hình tương lai chính sách Nga: “Nếu không có hoạt động ở Nam Ossetia thì không thể xảy ra vụ sáp nhập Crimea”.
theo Reuters, Moscow Times…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn