Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Ai đang sở hữu Trung Nguyên?





Ai đang sở hữu Trung Nguyên?


Cơ cấu sở hữu cô đặc phần nào lý giải việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo muốn ông Đặng Lê Nguyên Vũ chu cấp cho 4 con bằng cổ phần thay vì cổ tức.

Theo báo cáo tài chính năm 2017 của Tập đoàn Trung Nguyên, công ty này chỉ có ba cổ đông chính là Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (sở hữu 70%), ông Đặng Lê Nguyên Vũ (20%) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (10%).




Nếu tính gộp cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp thông qua Đầu tư Trung Nguyên thì ông Vũ đang là cổ đông lớn nhất nắm 62% của đế chế Trung Nguyên. Trong khi đó, sở hữu của bà Thảo có phần yếu thế hơn khi tỷ lệ cộng gộp khoảng 31%.

Một trong những lý do chưa tìm được tiếng nói chung trong các buổi hòa giải ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo là vấn đề trợ cấp cho con cái. Theo đó, bà Thảo yêu cầu ông Vũ trợ cấp cho mỗi người con 5% cổ phần tại Trung Nguyên, trong khi ông Vũ chỉ chấp nhận yêu cầu trợ cấp bằng phần cổ tức bằng với 5% cổ phần.


Đứng đầu trong hệ sinh thái Trung Nguyên là Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG), doanh nghiệp được thành lập năm 2006 do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng này sở hữu toàn bộ các công ty hiện tại liên quan đến thương hiệu Trung Nguyên như Cà phê Trung Nguyên, Cà phê hòa tan Trung Nguyên, Trung Nguyên franchise và Trung Nguyên International (Singapore).


Với tỷ lệ sở hữu hiện nay, việc trợ cấp 5% cổ phần cho bốn người con của ôngVũ cũng bằng đúng sở hữu trực tiếp của ông tại công ty này. Nếu quyết định này được thông qua, cộng thêm 20% sở hữu của các con, bà Thảo sẽ có ưu thế hơn đáng kể về quyền biểu quyết.

Dù vậy, cổ tức ứng với 5% cổ phần cho mỗi người con cũng không phải số tiền nhỏ, nếu xét theo tỷ lệ chi trả năm gần nhất. Năm 2017, Tập đoàn Trung Nguyên đã chia cổ tức 1.000 tỷ đồng cho các cổ đông, trong đó 500 tỷ dưới dạng tiền mặt và 500 tỷ đồng cổ phiếu.

Báo cáo tài chính năm 2017 của Trung Nguyên trong phần giao dịch với người có liên quan cũng cho biết, phần cổ tức ứng với 20% sở hữu của ông Vũ trong năm gần nhất là 200 tỷ đồng, trong khi cổ tức mà bà Thảo nhận được là 100 tỷ đồng (bao gồm một nửa là tiền mặt và một nửa là cổ phiếu).

Theo số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), doanh thu và lợi nhuận gộp của Trung Nguyên trong năm 2017 vẫn tương đương những năm gần đây nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 11% so với năm 2016 và giảm gần một nửa so với kết quả năm 2014 khi còn 680 tỷ đồng.

Ba năm trước, lợi nhuận của Trung Nguyên tăng mạnh nhờ kết chuyển lãi từ các công ty thành viên về công ty mẹ. Tuy nhiên, loại trừ con số đột biến, kết quả cũng không mấy sáng sủa nếu nhìn từ đà tăng của các khoản chi phí.




Lợi nhuận giảm không đáng kể, nhưng rõ ràng hiệu quả trên mỗi đồng chi phí của Trung Nguyên đã sụt mạnh so với trước. Doanh thu gần như không đổi nhưng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao, riêng chi phí bán hàng đội thêm 16% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 117% so với năm 2014 – giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng tại tập đoàn.

Tranh chấp giữa hai vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo bắt đầu từ tháng 4/2015, khi Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) ra quyết định bãi nhiệm chức danh điều hành của bà Thảo tại TNG và các công ty thành viên. Không đồng ý với quyết định này, bà Thảo liên tục kháng nghị và gửi đơn lên tòa án để khôi phục chức danh điều hành.

Cuộc tranh chấp quyền lực lên đỉnh điểm với hàng loạt tố cáo qua lại, được nối dài với nhiều vụ kiện đan xen chưa có hồi kết, trong đó có cả diễn biến ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo. Bà Thảo tố 4 người điều hành thao túng quyền lực cướp nhà máy Trung Nguyên tại Bình Dương, đồng thời cho biết ông Vũ đang bị bệnh về thần kinh, không thể xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên, giữa tháng 6, ông Vũ đã tái xuất trong một buổi ra mắt sản phẩm. Mới đây nhất, đầu tuần này, ông cũng có cuộc trao đổi với báo chí để khẳng định sức khỏe bình thường.


Vụ càphê Trung Nguyên: Bà Diệp Thảo bất ngờ viết "gia đình mình tuyệt đối không bỏ rơi nhau"


Bà Thảo chia sẻ tâm tư sau buổi gặp gỡ báo chí của chồng.

Sau 1 ngày im lặng, mới đây, trên trang cá nhân, bà Lê Hoàng Diệp Thảo bất ngờ có chia sẻ liên quan đến gia đình sau buổi gặp gỡ của ông Vũ với báo chí hôm 13.8.

Cụ thể, bà Thảo chia sẻ: "Các con bảo: "Mẹ ơi, mẹ cần phải về để cứu Ba và cứu công ty". Trẻ con dễ thương thế đấy, chúng chỉ hiểu là nếu mẹ về ít bữa thôi thì mọi việc sẽ giải quyết được hết. Bởi vậy, các con đồng lòng hy sinh hạnh phúc bé nhỏ ấm áp của 5 mẹ con, để mẹ thường xuyên bay đi bay về tìm lại người Cha khi xưa cho các con.

Trong những lúc khó khăn đến cùng cực, mẹ luôn nhớ lại lời các con, nghĩ về động lực nào để mẹ bắt đầu và tại sao vẫn kiên trì đến phút này.

Mẹ cảm ơn các con vì tình thương yêu các con dành cho ba mẹ. Và mẹ vẫn đang thực hiện ước nguyện của các con đây. Gia đình mình tuyệt đối không bỏ rơi nhau!"

Trước đó, chiều 13.8, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ gặp gỡ báo chí sau một thời gian dài im lặng. Ngoài chia sẻ các câu chuyện xung quanh tranh chấp của Trung Nguyên trong thời gian qua, ông Vũ cũng dành thời gian chia sẻ về gia đình, đặc biệt là các con.


Ông Vũ tại buổi gặp gỡ báo chí. Ảnh: Tô Thanh Tân

Ông nhắc đi nhắc lại: "Chuyện này không có hay ho gì hết. Qua mong anh chị em có viết gì cũng đừng kéo mấy đứa con của qua vào cuộc. Qua không muốn tụi nhỏ bị ảnh hưởng bởi ồn ào của vụ ly hôn này”.

Về cuộc ly hôn sắp tới, ông cũng khẳng định ông không sân si về tài sản: "Qua nói với toà thôi phiên phiến thôi, qua chấp nhận hết. Qua sẽ chu cấp cho các con chu đáo".

Ngày 14.8, Tòa án nhân dân TP. HCM tiếp tục mở phiên hòa giải vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên) và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có mặt, riêng bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn chưa thấy xuất hiện. Tuy vắng mặt bà Thảo nhưng phiên hòa giải vẫn đang được tiến hành.

Trước đó, trong buổi hòa giải ngày 3.8, tại Tòa án nhân dân TP. HCM, bà Thảo đã yêu cầu được nuôi dưỡng 4 người con chung và yêu cầu ông Vũ cấp dưỡng nuôi con đối với mỗi người con là 5% số cổ phần của ông Vũ, 4 người con là 20% số cổ phần của ông Vũ.

Ông Vũ yêu cầu được nuôi dưỡng 4 người con chung và không yêu cầu bà Thảo cấp dưỡng nuôi con. Tuy nhiên ông Vũ cho biết tôn trọng nguyện vọng của các con.

Nếu các con muốn sống với mẹ và nếu tòa án phán quyết giao cho bà Thảo nuôi dưỡng 4 người con chung, ông Vũ cấp dưỡng mỗi người con là 5% số cổ tức của ông, 4 người con là 20% số cổ tức của ông. Ông Vũ cấp dưỡng nuôi con cho đến khi người con đã thành niên, tốt nghiệp đại học.


Bà Lê Hoàng Diệp Thảo phản đối bổ nhiệm cựu Chủ tịch Đăk Lăk làm sếp Trung Nguyên

Bà Thảo đề nghị ông Đặng Lê Nguyên Vũ thu hồi bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc thường trực với cựu Chủ tịch UBND Đăk Lăk Lữ Ngọc Cư.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo mới có văn bản gửi ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên để phản đối việc doanh nghiệp này ban hành quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực đối với ông Lữ Ngọc Cư và Phó tổng giám đốc truyền thông đối với bà Phạm Thị Điệp Giang.

Việc bổ nhiệm dự kiến diễn ra ngày 8/8 nhưng bà Thảo cho biết “đến thời điểm này vẫn chưa được thông báo mời họp để thông qua bổ nhiệm”.

Theo bà Thảo, đây là hai chức vụ quan trọng và trực tiếp điều hành hoạt động công ty nên theo điều lệ thì việc bổ nhiệm phải thuộc thẩm quyền của HĐQT. Bà Thảo khẳng định đủ tư cách tham dự buổi họp bởi đang là thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực, cộng thêm đồng sở hữu với ông Vũ 93% tài sản hữu hình và vô hình tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.

“Việc bổ nhiệm nhân sự nắm giữ hai chức danh này hoàn toàn không phù hợp và trái với quy định của điều lệ công ty và pháp luật. Điều này không những ảnh hưởng đến quá trình điều hành hoạt động kinh doanh của tập đoàn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của tôi”, chủ thương hiệu King Coffee nói, đồng thời nhắc lại việc ông Vũ bãi nhiệm bà khỏi chức danh Phó tổng giám đốc thường trực trước đó, nhưng được TAND TP HCM tuyên bố huỷ bỏ và khôi phục chức danh.


Ông Lữ Ngọc Cư được cho là vừa nhận chức Phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên.

Bà Thảo nhận định những việc làm liên tiếp của ông Vũ “thể hiện rõ ý đồ trong việc cô lập, cản trở bà khỏi việc tham gia quản lý điều hành Trung Nguyên; xoá bỏ công sức đóng góp và tâm huyết của bà trong thời gian qua”, nên đề nghị thu hồi quyết định bổ nhiệm mới và chấm dứt hành vi cản trở quyền điều hành của bà tại doanh nghiệp này.

Liên quan đến cá nhân được bà Thảo nhắc đến trong văn bản phản đối quyết định bổ nhiệm, ông Lữ Ngọc Cư từng giữ chức Giám đốc Công an và được phong quân hàm Thiếu tướng. Giữa năm 2011, ông Cư giữ chức Phó bí thư tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nhưng sau đó một năm phải chịu quyết định kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương do để xảy ra nhiều sai phạm.

Điển hình là việc đứng tên vay ngân hàng với số tiền lớn trên địa bàn tỉnh, để vợ mua đi bán lại nhiều nhà đất, không báo cáo đầy đủ việc làm trên của vợ với tổ chức đảng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Trao đổi về việc bổ nhiệm hai nhân sự cấp cao trên, đại diện của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên cho biết chưa thể công bố thông tin chính thức vào lúc này.

Theo: Int

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template