Sky+
Andrew Weissmann, “Gia Cát Lượng” của công tố viên đặc biệt đang điều tra Donald Trump
59 tuổi, có hai bằng đại học Ivy League, và là kẻ thù của một cơ số các sát thủ chuyên nghiệp và trùm mafia New York. Đó là Andrew Weissmann, luật sư, “cánh tay mặt” của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Và là người Donald Trump nên e sợ.
Trâm Huyền lược dịch từ “Andrew Weissmann, Mueller’s Legal Pit Bull” của tác giả Matt Flegenheimer đăng trên bản điện tử báo The New York Times ngày 31/10/2017. Cách dòng của người dịch.
Mục tiêu đang bị kết án khi đó là một ông trùm của thành phố New York – nói năng bình dân nhưng kín kẽ, rất thu hút báo giới trong thành phố, và luôn đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối của đám đàn em.
Ông ta là Vincent Gigante. Một kẻ đã thâu tóm quyền lực trong vai trò đầu sỏ của gia đình mafia Genovese. Và bây giờ thì ông ta đang giả điên giả khùng để có thể che dấu tội lỗi của mình.
Có duy nhất một vị công tố viên đến từ khu Brooklyn là sẵn sàng xử lý trọn gói ông trùm này, bằng cách sử dụng các nhân chứng đã được thuyết phục hợp tác với cảnh sát.
“Hắn ta không thể ngăn cản mọi người khác nói về hắn,” Vị công tố viên, Andrew Weissmann, phân tích về bị cáo Gigante, trong phần trình bày với bồi thẩm đoàn trong phiên tòa năm 1997 xử một trong những vụ án đình đám đã làm nên danh tiếng vị công tố viên này. “Khi bạn phải điều hành một tổ chức lớn, bạn không thể xóa bản thân mình khỏi tâm trí, và quan trọng hơn là khỏi miệng lưỡi của những kẻ cùng băng dưới quyền.”
Hai thập niên sau, ông Weissmann giờ đang tập trung chú ý vào một băng nhóm còn đình đám hơn băng nhóm mafia New York hồi trước.
Weissmann là “cánh tay mặt” của công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller III trong cuộc điều tra đặc biệt về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 tại Mỹ, và về các mối liên kết có thể có với chiến dịch tranh cử của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Điều đặc biệt ở đây là, Weissmann là một tay cự phách trong việc thuyết phục các bị cáo trở thành các nhân chứng cộng tác với bên công tố. Ông ta thường làm được việc này bằng cách sử dụng óc chiến lược tài giỏi của bản thân, hoặc bằng cách tích cực gây sức ép lên các bị cáo. Tùy vào việc bạn nhìn từ bên nào của vụ việc.
Không rõ là Tổng thống Trump và các trợ tá có sợ Weissmann hay không. Nhưng cả các cựu đồng nghiệp lẫn cựu địch thủ của Weissmann đều đồng ý: Trump và bộ hạ nên biết sợ vị công tố viên này.
“Tôi không phải người ủng hộ Trump. Nhưng thẳng thắn mà nói, tôi không nghĩ ra được cặp đôi nào xứng đáng với nhau hơn cặp Andrew Weissmann và Donald Trump.” Dan Cogdell bình luận. Ông là một luật sư bào chữa từng chạm trán Weissmann khi Weissmann tham gia nhóm công tố liên bang đặc biệt xử lý vụ bê bối Enron hồi đầu những năm 2000.
Trong khi công tố viên đặc biệt Mueller là gương mặt nghiêm nghị đại diện cho nhóm công tố điều tra thì luật sư Weissmann, 59 tuổi, chính là trái tim của cả nhóm.
Andrew Weissmann, thứ hai từ trái sang, cùng đội công tố viên bên ngoài tòa án hồi tháng 9 vừa qua. Ảnh: Al Drago/The New York Times.
Ông là một con người ham sách vở. Một “con chó ngao” trong giới luật sư Mỹ với hai bằng đại học từ các trường nhóm Ivy League. Một người thích uống rượu Gin và cocktail Martini, thích nghe nhạc cổ điển, và có một danh sách dài các kẻ cựu thù bao gồm cả những kẻ sát nhân chuyên nghiệp và giới tội phạm cổ cồn trắng.
Làm việc dưới quyền ông Mueller, vốn là sếp cũ của Weissmann khi ông còn là luật sư trưởng của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Weissmann đang nắm vai trò tiên phong trong việc truy tố Paul Manafort, cựu trưởng ban điều hành chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump.
Quyết định truy tố Manafort với nhiều tội danh, bao gồm tội âm mưu chống lại nước Mỹ, đã làm rúng động thủ đô Washington thứ hai vừa qua, và là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhóm điều tra đặc biệt của ông Mueller đang chơi “rắn” tới mức nào.
Hôm thứ hai vừa rồi người ta nhìn thấy luật sư Weissmann tại phiên tòa đầu tiên của vụ việc tại Washington. Ông ta xuất hiện với một nụ cười nhẹ nhàng trong lúc tán dóc với luật sư của ông Manafort vào giờ giải lao giữa phiên tòa.
Bạn bè của Weissmann miêu tả ông là một con người quyết liệt, sẵn sàng ‘chơi tới bến’, nhưng cốt lõi vẫn là một con người công bằng. Ông được xem là một chiến lược gia pháp lý đầy sáng tạo, với một đức tính “cuồng công việc” không nên bị nhầm lẫn là cuồng tới mức bất cần tất cả.
Bạn bè Weissmann cho rằng ông là một dạng công tố viên mà họ muốn có nếu như người thân của họ bị kết án oan. Tuy nhiên nếu những người thân đó thực sự đã phạm tội, họ sẽ rất lo sợ nếu có một công tố viên như Weissmann.
“Nếu như đúng là có gì đó khuất tất, anh ấy sẽ tìm ra được,” Katya Jestin, một cựu đồng nghiệp của Weissmann tại văn phòng công tố Quận Đông New York, nhận xét. Bà cho rằng Weissmann có tư cách đạo đức không thể nào chê. “Nếu thật sự không có gì, anh ấy sẽ không làm cái việc ngụy tạo cho thành có.”
Tuy nhiên nhiều luật sư bào chữa khác thì phàn nàn về thứ mà họ gọi là phong cách “sắt máu” của Weissmann. Một phong cách được định hình trong thời gian Weissmann xử lý đám mafia ở Brooklyn, và đã được trui rèn thêm trong quá trình Weissmann làm việc trong nhóm công tố viên phụ trách truy tố vụ bê bối Enron.
Phong cách đó của Weissmann đã để lại một di sản thắng thua có đủ: một vài vụ kết án thành công, một vài vụ kết án bị tòa cấp trên bác, và một lần thất bại lớn trên Tối cao Pháp viện khi bị toàn bộ các thẩm phán bác án.
Chính Weissmann và đội công tố viên liên bang của ông đã làm cả thành phố Houston bang Texas choáng váng khi họ quyết định khởi tố người vợ của giám đốc tài chính công ty Enron với tội danh gian lận thuế. Mục đích chính là để gây sức ép bắt vị giám đốc tài chính này trở thành nhân chứng hợp tác với bên điều tra liên bang. Vị giám đốc đó cuối cùng đã trở thành một trong những nhân chứng quan trọng nhất cho thành công của bên công tố.
Chính Weissmann là người đạo diễn vụ bất ngờ khám xét lúc rạng sáng nhà riêng của ông Manafort tại bang Virginia hồi tháng 7 vừa rồi, khi nhân viên điều tra liên bang bẻ khóa xông vào nhà Manafort trong khi mấy công tố viên thông báo cho Manafort rằng họ dự định sẽ truy tố ông ta.
Trong khi công tố viên đặc biệt Mueller từ bao lâu nay vẫn được xem là “kẻ thủ ác đầu têu” trong mắt những đồng minh của Tổng thống Trump, và trong mắt giới truyền thông phe bảo thủ tại Mỹ, thì gần đây hơn đã có thêm các nỗ lực công kích luật sư Weissmann.
Nhiều tháng qua, những người bảo vệ cho ông Trump đã tìm cách thu hút sự chú ý của công luận vào việc ông Weissmann từng đóng góp hàng trăm nghìn đô-la cho đảng Dân chủ. Nhiều khoản đóng góp đó là dành cho các chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Barack Obama.
Thế rồi, đùng một phát, vụ khám xét bất ngờ tại nhà Manafort diễn ra – một nước cờ mang đầy phong cách Weissmann, cả những người mến mộ và những người phê phán Weissmann đều nhận ra điều đó. Nước cờ đó như thể dấu chữ Z mà nhân vật kỵ sĩ chống tội phạm Zorro thường để lại mỗi khi hành hiệp.
“Có một cái tên phải để ý,” phát thanh viên của một kênh radio bảo thủ Rush Limbaugh cảnh báo người nghe của mình tuần qua khi ông ta thuật lại “biện pháp đe dọa” của bên công tố nhà nước. “Chính là Weissmann.”
Andrew Weissmann. Ảnh: Bloomberg.
Truy tố các trùm băng đảng
Bên công tố và bên tội phạm khó mà nằm chung giường một cách vui vẻ với nhau. Tuy nhiên, liên minh đó đã được hình thành trong một vụ án mấy chục năm trước của Weissmann.
Một bên bàn là luật sư Weissmann, tốt nghiệp đại học Princeton, con trai của một nhà tâm lý học và một nhà khoa học – người từng được lưu danh là đã có công giúp sáng tạo ra chất liệu hóa dược liposome.
Bên kia bàn là Salvatore Gravano, một tay sát thủ có biệt danh Bò Mộng Sammy, một người đã quyết định trở thành chỉ điểm cho bên công tố.
Weissmann và đội công tố của ông đã dùng Gravano làm một đồng minh đặc biệt hiệu quả trong các nỗ lực truy tố các trùm băng đảng New York của họ.
Trong vụ truy tố ông trùm Gigante, Weissmann và đồng nghiệp tận dụng lời khai của Gravano làm một phần quan trọng giúp phản bác thành công lời bào chữa dựa trên bệnh điên khùng của Gigante.
Gigante, hỗn danh Oddfather, nổi tiếng có thói quen lang thang khu Greenwich Village trong khi mặc trên người một tấm áo choàng tắm và đồ ngủ, vừa đi vừa lảm nhảm một mình, tạo ra một hình ảnh giả tạo là ông ta không có khả năng tư duy bình thường và không hiểu chuyện gì trên đời.
“Tao đã đầu tư rất nhiều năm qua vào cái màn giả điên đó,” Gravano thuật lại một lời nói của Gigante trong một phiên xử.
Luật sư Weissmann, người từ chối trả lời phỏng vấn cho bài báo này, thì tìm cách chỉ ra cho bồi thẩm đoàn một chi tiết khác: tấm áo choàng tắm mà ông trùm Gigante sử dụng đã được lựa chọn một cách có chủ đích: khi đi ra ngoài, ông ta mặc những tấm áo choàng tắm bẩn rách, nhưng ở nhà ông ta lại dùng những chiếc sạch sẽ.
“Bọn họ tôn trọng Weissmann,” George A. Stamboulidis, từng là đồng đội trên công đường với Weissmann, kể về ông ta và những nhân chứng từ giới tội phạm mà họ từng làm việc cùng. “Anh ấy rất thông minh và thẳng thừng, nhưng cũng rất biết cách đọc người khác. Mối quan hệ giữa anh ấy và nhân chứng thuộc giới tội phạm thật sự là một mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.”
Geoffrey S. Mearns, một cựu công tố viên của văn phòng công tố Quận Đông thành phố New York, người bây giờ là chủ tịch trường đại học Ball State tại bang Indiana, thì cho rằng cá tính của Weissmann phản chiếu cá tính của cả phòng công tố Quận Đông – một nhóm luật sư “gan bằng trời”, nhưng luôn mang một nỗi ám ảnh rằng họ phải chứng minh giá trị của bản thân trong một khu vực vốn có một văn phòng công tố khác thường được xem là danh giá hơn: Văn phòng công tố Quận Nam New York ở khu Manhattan.
Chính việc rằng phòng công tố Quận Đông New York luôn chọn xử lý những tay tội phạm giết người đáng sợ nhất của thành phố, cũng là một chi tiết phải thu hút sự chú ý của người khác.
“Anh ấy đã được đào tạo trong một môi trường như thế, một môi trường mà tất cả chúng tôi đang truy đuổi những tên trùm băng đảng hoạt động lâu năm,” ông Mearns bình luận. “Anh ấy được huấn luyện để trở thành một công tố viên hung hăng.”
“Tôi đếch uống nước suối Evian”
Những người dân thành phố Houston lúc đó không hoan nghênh lắm những vị khách lạ đến từ văn phòng chính phủ liên bang, những kẻ vừa được cử đến Houston sau sự kiện công ty Enron sụp đổ để điều tra và truy tố các hành vi lừa đảo của công ty này.
“Một đám luật sư Bộ Tư pháp dân ngoại tỉnh, lưu manh, chuyên uống nước suối Evian”. Đó là cách báo Houston Chronicle miêu tả đội công tố liên bang trong vụ Enron.
Miêu tả đó là một sự xúc phạm, Weissmann nói với một phóng viên sau đó, vì “tôi có uống nước suối Evian đếch đâu.”
Chính thái độ phớt tỉnh đó giúp định hình phong thái của cả đội công tố nhà nước trong việc thực hiện công tác của họ. Weissmann ban đầu là phó đội, sau trở thành trưởng đội công tố. (Ông Mueller, khi đó là Giám đốc FBI, chính là người giúp thành lập đội công tố này).
Andrew Weissmann, bên trái, năm 2002. Ảnh: James Nielsen/Getty Images.
Đội công tố Enron đã có nhiều thành công: cho dù có rất ít tiền lệ có liên quan cho vụ điều tra gian lận tài chính phức tạp này, đội công tố liên bang vẫn kết án thành công và đưa vào nhà giam được gần như toàn bộ các thành viên chóp bu của công ty Enron.
Chính Weissmann được ghi nhận vai trò chính trong việc quyết định lần theo một đầu mối mà Weissmann có linh cảm sẽ dẫn đến thành công: Ben F. Glisan Jr., cựu thủ quỹ của Enron.
Glisan vốn đã chấp nhận tội danh và từ chối hợp tác với bên điều tra. Weissmann thì cho là Glisan có khả năng nói nhiều hơn nữa. Đội cảnh sát Bộ Tư pháp bèn vô tù ‘lượm’ Glisan ra cho Weissmann tra hỏi trước một đại bồi thẩm đoàn. Glisan trở thành một trong những nhân chứng quan trọng nhất của vụ việc.
Bên công tố liên bang ban đầu cũng đã truy tố thành công công ty kiểm toán Arthur Anderson, bên kiểm toán cho Enron, vì tội tiêu hủy trái phép các giấy tờ kiểm toán cho Enron. Nhóm công tố cáo buộc Arthur Anderson cản trở công lý.
Một số đồng nghiệp của Weissmann ca ngợi tính tháo vát và mưu lược pháp lý của ông ta. Còn bên luật sư đối địch thì cáo buộc Weissmann chuyên làm thái quá vấn đề, dẫn đến một số án bị tòa cao hơn bác bỏ.
Một trong những thất bại của nhóm công tố Enron chính là liên quan đến công ty kiểm toán Arthur Anderson: công ty này giành chiến thắng thuyết phục (toàn bộ các thẩm phán nghị án ủng hộ) tại Tối cao Pháp viện khi họ kháng cáo lên tòa này. Các thẩm phán đã xử thắng cho Arthur Anderson dựa vào một chi tiết kỹ thuật nhỏ: một lời hướng dẫn bồi thẩm đoàn từ thẩm phán tòa dưới được xác định là đã sai lầm về mặt pháp lý.
Dù gì thì ngay từ trước khi có quyết định đó của Tối cao Pháp viện, giới doanh nghiệp Mỹ đã phê phán đanh thép quyết định truy tố của bên công tố. Giới doanh nghiệp cho rằng chính việc đưa ra bản cáo trạng đó đã đủ “tử hình” công ty Arthur Anderson rồi.
“Rõ ràng là Weissmann luôn tạo ra không khí vụ việc khiến cho mọi người phải coi như là những ai đang bị điều tra chắc chắn phải có tội,” Tom Kirkendall, một luật sư bào chữa từ Houston từng đại diện cho nhiều thân chủ có liên quan đến Enron, nhìn nhận.
Danh tiếng đó đã đi theo Weissmann suốt nhiều năm qua. Một trong những người giúp tuyên truyền về danh tiếng đó nhiều nhất là một luật sư và tác giả tên là Sidney Powell. Bà Powell dạo này rất hay được những người ủng hộ Trump như Newt Gingrich nhắc đến. (Năm 2015, bà Powell phê bình ông Weissmann trong một bài báotrên báo The New York Observer – một tờ báo do Jared Kushner, con rể ông Trump, sở hữu – sau khi có quyết định bổ nhiệm ông Weissmann làm lãnh đạo phòng đặc trách về gian lận hình sự của Bộ Tư pháp.)
Nhưng những người thân cận với ông Weissmann – và một số trong những người đó vốn thường không có khuynh hướng xem trọng công việc của các công tố viên lắm – thì lại rất hăng hái bảo vệ tư cách đạo đức của ông ta.
Peter Neufield, một luật sư nhân quyền và là người sáng lập Dự án Vô tội (Innocence Project), ca ngợi phẩm chất mà ông Weissmann đã thể hiện trong thời gian ông ta làm việc cho FBI. Lúc đó cục này đang phải đối mặt với việc hàng loạt các án hình sự bị phát hiện đã sử dụng bằng chứng pháp y xét nghiệm lông tóc không có độ chính xác khoa học.
“Ông ấy nhận ra rằng đã có những sai sót của cục trong quá khứ,” ông Neufield thuật lại về quyết định của ông Weissmann: tiến hành thẩm tra lại hàng trăm các án hình sự đã xử vốn dựa vào các bằng chứng pháp y kém chính xác. “Ông ta đã chọn làm điều đó. Và nó thực sự có tác động thay đổi.”
Hồi năm 2013 khi cả ông Weissmann và ông Mueller rời FBI, có vẻ như là họ sẽ không còn dịp nào làm việc cùng nhau nữa.
Nhưng cái duyên của họ chưa dừng lại ở đó.
Adam Goldman đóng góp cho bài báo này. Kitty Bennett có đóng góp nghiên cứu.
Công tố viên đặc biệt – Anh là ai?
Người đang sờ gáy và bắt giam những thuộc hạ thân tín của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông là ai và có quyền lực như thế nào?Ảnh: CNN.
Ngày 30/10/2017, chính trường Mỹ rúng động với việc cựu chủ tịch ban vận động tranh cử của Donald Trump là Paul Manafort và người đối tác Rick Gates, đã ra đầu thú với chính quyền liên bang Hoa Kỳ. Hiện cả hai đang bị tạm giữ tại Cục Điều tra Liên bang (Federal Bureau of Investigation – FBI) và bị cáo buộc 12 tội danh, trong đó có tội “âm mưu chống lại nước Mỹ” (conspiracy against the United States).
Người ký bản cáo trạng nói trên là Robert S. Mueller.
Robert Muller không phải là một cái tên xa lạ trong chính trường Mỹ. Ông là cựu Giám đốc FBI trong 12 năm liên tiếp dưới thời các tổng thống Geogre W. Bush và Barack Obama (được bổ nhiệm 10 năm và sau đó được đề nghị tiếp tục chức vụ thêm hai năm).
Giữa tâm bão cuộc khủng hoảng chính trị của nội các chính phủ Donald Trump vào đầu năm nay, ngày 17/05/2017 Robert Mueller được bổ nhiệm để điều tra về những cáo buộc liên quan đến việc Nga đã thao túng mùa bầu cử Mỹ năm 2016.
Vậy Robert Mueller là ai, và chức vụ công tố viên đặc biệt mà ông được bổ nhiệm có những quyền hạn gì khi điều tra một vụ việc có liên quan đến tổng thống Hoa Kỳ?
Công tố viên đặc biệt là ai?
Trước khi tìm hiểu về công tố viên đặc biệt, chúng ta nên nói sơ qua về công tố viên. Quyền công tố (prosecution) được hiểu nôm na là quyền quyết định có tiến hành điều tra, truy tố một người đang bị nghi ngờ là phạm tội theo trình tự của pháp luật hay không, kể cả các quan chức nhà nước.
Ví dụ khi nghi ngờ ai đó phạm tội, cơ quan công tố sẽ mở hồ sơ điều tra, kết hợp với các cơ quan hành pháp để thu thập bằng chứng phạm tội, rồi đưa người đó ra tòa án để xét xử.
Nhiệm vụ của cơ quan công tố không phải là cố gắng buộc tội ai đó, mà nó đại diện cho lợi ích công cộng, tức là bảo vệ nhân dân và hiến pháp, đảm bảo pháp luật được thực thi.
Tại Việt Nam, kiểm sát viên nắm quyền công tố, thuộc Viện Kiểm sát nhân dân các cấp. Ở hầu hết các nước khác, công tố viên (public prosecutor) nắm quyền công tố và thuộc Bộ Tư pháp.
Tại Mỹ, công tố viên là những luật sư làm việc cho chính phủ ở cấp tiểu bang và liên bang. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp liên bang và tiểu bang đóng vai trò là công tố viên cao nhất ở cấp của mình, và còn được gọi là Tổng Chưởng lý.
Ở cấp liên bang, có 94 công tố viên (U.S attorneys) do Tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện phê chuẩn. Công tố viên cấp liên bang điều tra các vi phạm luật liên bang: lũng đoạn, hối lộ quan chức của các doanh nghiệp (white-collar crime), buôn bán ma túy và tham nhũng.
Ở cấp bang, quận hạt và thành phố, công tố viên (district attorneys) chịu trách nhiệm về các vụ án hình sự theo luật của tiểu bang.
Vậy ai sẽ điều tra các sai phạm của tổng thống hay các quan chức của nhánh hành pháp? Trong một số trường hợp, khó có thể để công tố viên nhánh hành pháp điều tra nhánh hành pháp. Như thế có vẻ vừa có xung đột lợi ích, vừa không khách quan.
Vì vậy một chức danh mới được chỉ định, đó là công tố viên độc lập (independent counsel), hay công tố viên đặc biệt (special counsel hay special prosecutor). Hai tên gọi này được dùng trong các thời kỳ khác nhau nhưng quyền hạn là hoàn toàn giống nhau.
Lịch sử của chức vụ công tố viên đặc biệt
Năm 1875, John B. Henderson được Tổng thống Ulysses S. Grant bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt để điều tra vụ trốn thuế của các hãng sản xuất rượu, liên quan đến các quan chức chính phủ. Chính Tổng thống Grant cũng bị nghi ngờ có liên quan đến vụ việc này.
Tuy nhiên, Henderson bị tổng thống cách chức vì che dấu một lá thư cá nhân liên quan đến cuộc điều tra. Một công tố viên mới được bổ nhiệm. Cuối cùng, hơn 110 người bị kết án, bao gồm các quan chức và hơn ba triệu đô la tiền thuế được trả lại cho chính phủ.
Năm 1952, Tổng thống Harry S. Truman bổ nhiệm Newbold Morris cho chức danh Trợ lý đặc biệt của Tổng chưởng lý (Special Assistant Attorney General) để điều tra vụ tham nhũng ở Sở Thuế vụ (Internal Revenue Service). Không lâu sau, Morris lại bị Tổng chưởng lý Howard McGrath sa thải, khi buộc các quan chức cao cấp phải minh bạch về tài sản cá nhân. Ngay sau đó, chính Tổng chưởng lý McGrath cũng bị Tổng thống Truman sa thải và bổ nhiệm một vị mới, không bị xung đột lợi ích và tiếp tục điều tra.
Như vậy, cho đến năm 1952, công tố viên đặc biệt được bổ nhiệm bởi tổng thống và chỉ có tổng thống mới có quyền sa thải. Điều này đã có thay đổi sau khi cơn “địa chấn” Watergate làm rung chuyển chính trường Hoa Kỳ năm 1973.
Năm 1973, vụ bê bối lịch sử Watergate của chính quyền Richard Nixon nổ ra sau khi năm người bị bắt quả tang đã đặt máy nghe lén trong trụ sở Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ. Những người đó bị cáo buộc là đã nhận nhiệm vụ này trực tiếp từ thành viên nội các của Nixon. Sau đó, Archibald Cox được Nixon bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt. Cox là một giáo sư luật của đại học Harvard, nguyên là Tổng biện lý sự vụ (Solicitor General).
Cox yêu cầu chính quyền Nixon giao nộp các đoạn băng ghi âm, nhưng bị từ chối. Tổng thống Nixon ra lệnh cho Tổng Chưởng lý và Phó Tổng Chưởng lý, Elliot Richardson và William Ruckelshaus, phải cách chức Cox, song cả hai đều từ chức chứ không chịu tuân theo yêu cầu này.
Công tố viên đặc biệt Archibald Cox trả lời báo chí tại Tòa địa hạt bang Washington, sau khi Nixon ra lệnh sa thải ông tháng 10/1973. Ảnh: AP.
Giông tố nổi lên từ đây. Nixon bổ nhiệm một người tạm giữ chức tổng chưởng lý, Robert Bork. Quyền Tổng chưởng lý Bork đã sa thải Cox. Việc này khiến công chúng nổi giận, và người ta càng nghi ngờ hơn về những hành vi mờ ám của chính quyền Nixon.
Hơn 50.000 người dân gửi điện đến Washington và 21 nghị sĩ Quốc hội ra nghị quyết luận tội Nixon. Nixon buộc phải bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt mới, Leon Jaworski. Nhưng chính Leon Jaworski vẫn tiếp tục cuộc điều tra theo hướng của Cox chứ không lùi bước trước phe Nixon. Cuối cùng, Jaworski đã có được các đoạn băng ghi âm, sau khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết là tổng thống không có đặc quyền với những cuốn băng này.
Kết cục, Nixon đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên từ chức khi đang tại vị để tránh bị luận tội ở Hạ viện.
Sau những lùm xùm quanh việc bổ nhiệm công tố viên đặc biệt liên quan đến vụ Watergate, Quốc hội Hoa Kỳ đã sửa luật mà theo đó, nhiệm vụ điều tra chính phủ và kể cả tổng thống được giao cho các “công tố viên độc lập” (independent counsel), là những người được chọn và bổ nhiệm theo một quy trình khá phức tạp, dựa trên Đạo luật Đạo đức Chính phủ (Ethics Government Act) năm 1978. Tổng chưởng lý phải tiến hành điều tra bước đầu về người mà họ định đề cử. Nếu cần, ứng cử viên có thể phải trải qua một buổi thẩm định trước ba thẩm phán liên bang. Tuy nhiên, đạo luật này chỉ có hiệu lực đến năm 1999.
Việc bổ nhiệm công tố viên đặc biệt ở Mỹ hiện nay được điều chỉnh bởi Bộ luật Quy tắc Liên bang (Code of Federal Regulations). Công tố viên đặc biệt được tổng chưởng lý bổ nhiệm hoặc quyền tổng chưởng lý, nếu tổng chưởng lý rút khỏi cuộc điều tra.
Không chỉ riêng gì nước Mỹ, cơ chế công tố viên đặc biệt đang được sử dụng ở nhiều nước để hạn chế quyền lực nhà nước.
Tháng 3/2017, công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc, ông Park Young-soo đã phanh phui bê bối về nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực trong thời gian bà Park Geun-hye làm tổng thống. Bà Park sau đó không những bị Quốc hội nước này luận tội, bị Tòa Bảo hiến phế truất chức vụ tổng thống, mà còn phải đối diện với án tù.
Công tố viên đặc biệt Mỹ có gì… đặc biệt?
Công tố viên đặc biệt Mỹ trước hết phải là một luật sư. Ngoài ra, không thuộc đảng phái chính trị nào, có kinh nghiệm điều tra, hiểu biết về luật hình sự và chính sách của Bộ Tư pháp.
Điều quan trọng, công tố viên đặc biệt phải là người nằm ngoài bộ máy chính quyền để đảm bảo yếu tố công chính vô tư.
Mueller tuyên thệ trước khi tham gia điều trần tại Ủy ban đặc trách về Tư pháp của Hạ viện. Ảnh: Alex Wong/Getty Images.
Robert S. Mueller đã được Phó Tổng Chưởng lý Rod Rosenstein, hiện nắm quyền tổng chưởng lý của vụ điều tra này ký quyết định bổ nhiệm trong vụ việc điều tra những cáo buộc về Nga thao túng mùa bầu cử năm 2016. Do có thông tin Jeff Sessions đã từng gặp gỡ Đại sứ Nga tại Washington trong kỳ bầu cử đó nên ông này đã rút khỏi cuộc điều tra nói trên.
Bộ Tư pháp bổ nhiệm Mueller làm công tố viên đặc biệt một cách hoàn toàn độc lập. Tổng thống Trump chỉ được thông báo sau khi Bộ Tư pháp đã ký quyết định bổ nhiệm.
Việc bổ nhiệm Mueller được cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ủng hộ.
“Robert Mueller là lựa chọn đúng đắn nhất. Mueller là một người phi chính trị. Ông ấy chỉ tuân theo pháp luật và đưa ra quyết định dựa trên chứng cứ, bất kể chúng dẫn đến các kết quả chính trị nào”, John Pistole, cựu Phó Giám đốc FBI cho biết.
Quyết định bổ nhiệm nêu rõ Mueller có quyền điều tra “bất kỳ liên kết hoặc sự phối hợp nào giữa chính phủ Nga và các cá nhân liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump”. Mueller cũng có quyền điều tra “bất kỳ vấn đề nào trực tiếp phát sinh từ cuộc điều tra này”.
Điều này bao gồm cả việc điều tra liệu chính Tổng thống Trump đã có hành vi cản trở tư pháp (obstruction of justice) hay không. Trump đã bị cáo buộc là từng yêu cầu Giám đốc FBI James Comey, ngừng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn (James Comey sau đó bị sa thải). Mueller cũng có quyền mở hồ sơ đối với bất kỳ ai cản trở quá trình điều tra.
Quyền Tổng Chưởng lý Rosenstein có thể yêu cầu Mueller giải thích bất kỳ hành động điều tra nào. Thế nhưng, muốn can thiệp vào tiến trình điều tra, Rosenstein phải giải trình lý do can thiệp hợp lý với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Sẽ ra sao nếu Trump sa thải Mueller?
Với toàn quyền điều tra, Mueller đang sở hữu thứ “vũ khí” có thể “sát thương” Tổng thống Trump và nhóm vận động tranh cử của ông ấy. Và việc quyết định khởi tố Paul Manafort và Rick Gates hôm nay có lẽ là màn mở đầu cho những ngày càng căng thẳng hơn sắp tới tại chính trường Mỹ.
Trong trường hợp Mueller tiếp tục cuộc điều tra theo hướng ngày càng bất lợi cho phía Trump, thì Tổng thống có thể ra yêu cầu Bộ Tư pháp sa thải Mueller và bổ nhiệm công tố viên đặc biệt mới. Nhưng điều này thật không dễ xảy ra.
Ngay khi có tin đồn Trump muốn sa thải Mueller trong những ngày ông này vừa được bổ nhiệm vào tháng 5/2017, Rosenstein đã lên tiếng và cho biết, Mueller “chỉ có thể bị sa thải vì lý do chính đáng”, và chỉ có quyền tổng chưởng lý, là ông, mới có thể quyết định.
Liệu phe Trump có ngồi yên để chờ các kết quả điều tra từ Mueller lần lượt được đưa ra trước công chúng, hay sẽ châm ngòi cho một vụ bê bối Watergate thứ hai của nước Mỹ bằng một quyết định sa thải công tố viên đặc biệt? Mọi việc vẫn còn ở phía trước.
Tài liệu tham khảo:
• Special counsel vs. special prosecutor: What’s the difference? (USA Today)
• What was the Saturday Night Massacre? (History.com)
• Part 600 – General Powers of Special Counsel (e-CFR)
• Everything you need to know about the Russia investigation’s ‘special counsel’ (Washington Post)
• Robert Mueller (Biography)
• Deputy AG Rosenstein says Comey firing could be part of special counsel’s probe (CNN)
Theo: LK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn