Khách sạn nơi ôngNguyễn Xuân Quang báo mất 385 triệu đồng cùng laptop
Tham nhũng và nền kinh tế tiền mặt
Chuyện cán bộ đi công tác mang theo hàng trăm triệu tiền mặt đang ồn ào trên mạng, là không bình thường. Chẳng lẽ gom tiền tích lũy cả năm chỉ để vào khách sạn mở ra nhìn cho sướng? Nếu là tiền nhà thì mang theo khi công tác để làm gì? Bao nhiêu suy đoán. Có tình ngay thì cũng lý gian. Người dân bình thường cho đến các doanh nghiệp, chẳng ai ngu dại gì mang mấy trăm triệu tiền mặt kè kè bên mình, nếu không muốn tự chuốc họa vào thân.
Đồng tiền là phương tiện mua bán, trao đổi, xuất hiện từ khi con người sống tập thể, có nhu cầu trao đổi. Hình thức sơ đẳng ban đầu là hàng đổi hàng rồi đến vật ngang giá. Từ vật chuẩn, các kim loại cho đến tiền giấy và thẻ tín dụng. Gần đây còn có thêm tiền ảo. Quốc gia nào, lãnh thổ nào cũng có đồng tiền riêng của mình. Đồng tiền riêng đó, thể hiện chủ quyền và tiềm lực kinh tế của quốc gia, là một phần của cuộc sống, giống như hơi thở vậy. Chỉ có những bộ tộc sống tách biệt theo chế độ công xã, tự cung tự cấp, mới không dùng tiền. Trong lịch sử loài người, nước “Campuchia Dân chủ” của Pon Pot, tồn tại từ 17.4.1975 – 7.1.1979 là quốc gia duy nhất không dùng tiền.
Tiền Việt
Cũng như đồng tiền của các nước, đồng tiền Việt trong cuộc sống chiếm vị trí cực kỳ quan trọng, thể hiện qua ca dao, tục ngữ. “Có tiền mua tiên cũng được”. “Tiền nào của đó”. “Tiền trao cháo múc”. “Đồng tiền liền khúc ruột”. “Đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn”. “Tiền mất, tật mang”… Tiền làm nên quan hệ xã hội “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. “Tiền - tình - tù - tội”. “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử” (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm). “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” (Năm Cam, trùm giang hồ)… “Tiền tài” gắn liền “Danh vọng”. Do đặc điểm địa chính trị, lịch sử đồng tiền Việt rất đa dạng, phong phú với nhiều dâu bể.
Đồng tiền có giá trị cao nhất thế giới hiện nay, không phải là bảng Anh hay Euro, càng không phải là dollar Mỹ (USD). Đó là các đồng Dinar của các nước Trung Đông theo thứ tự Kuwait, Bahrain, Oman... Đồng bảng Anh xếp thứ 6, Euro xếp thứ 7 và trong top 10 không có USD. Tiền Việt là đồng tiền có tỉ giá quy đổi thấp nhất ở Đông Nam Á. So với thế giới, chỉ hơn được đồng Rial của Iran (1usd = 30.165R, 2016). Dĩ nhiên không tính tới các đồng tiền đại lạm phát của Zimbabwe, Venezuela. Thường xuyên đưa khách đi nước ngoài, cứ sau một vài năm là tiền Việt mất giá. Đồng Riel của Campuchia qui ra Usd là trên dưới 4.000R = 1USD. Từ hơn 20 năm nay, tỉ giá này không thay đổi.
Theo luật định, đồng tiền nhỏ nhất của Việt Nam là 1 đồng nhưng mấy chục năm nay không ai thấy. Hiện nay, chỉ lưu hành đồng nhỏ nhất là 500 đồng, dù thực tế có tiền 200 đồng. Các nước đều có tiền giấy và tiền xu (kim loại). Việt Nam cũng có tiền xu nhưng chết yểu. Nghe đồn, có đầu nậu gom tiền xu nấu thành kim loại bán kiếm lời. Tiền 200 đồng chỉ thấy trong các siêu thị. Lâu lâu được trả tiền dư bằng 200 đồng, tôi gom góp cho mấy người ăn xin mà họ cũng chê vì “ngoài chợ không xài”. Phải nói là cám ơn cánh lái xe tải, đã góp phần nâng giá trị tiền Việt, giải phóng số tiền lẻ tồn kho trong các ngân hàng, khi họ thu gom tiền 200 đồng để trả cho các trạm thu phí. Nếu không có họ, số tiền đồng 200 không biết để làm gì, vì cho cũng không ai lấy.
Nhiều nước lấy đồng USD làm chuẩn khi quy đổi, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, tiền USD đổi ra tiền Việt thì các đồng 50 - 100 USD luôn có tỉ giá cao hơn các đồng 5 - 10 USD, đồng 1 USD càng mất giá. Từ ngân hàng, các quầy thu đổi và người dùng đều chuộng tiền mới, chê tiền cũ. Các nước phát triển thì họ lại chuộng tiền cũ, ngại tiền mới. Vì tiền cũ là tiền thật, đã xài rồi. Còn tiền mới, biết đâu là tiền giả hay tiền mới cướp ở các ngân hàng?
Tiền mặt
Các nước phát triển gần như không xài tiền mặt. Mọi giao dịch đều dùng thẻ và qua ngân hàng. Việt Nam cũng đang từng bước hòa nhập và hạn chế dần việc dùng tiền mặt vì đó là quy luật phát triển của xã hội. Việc giao dịch qua ngân hàng có nhiều cái lợi. Trước hết là an toàn hơn, không sợ bị móc túi hay cướp giật hết tiền, chuyện thường xảy ra ở Việt Nam. Mất thẻ, kẻ trộm cũng khó mở code để trộm tiền trong thẻ. Đặc biệt quan trọng là kiểm soát các nguồn thu chi và đảm bảo không thể trốn thuế. Cách đây hơn chục năm, ngành du lịch ở Vân Nam,Trung Quốc đã buộc các khách sạn phải bán hàng qua mạng. Chỉ có các công ty lữ hành có mã số thuế, được cấp password riêng mới vào giao dịch được với giá riêng. Các giao dịch khác, phải trả giá gần gấp đôi. Việc làm này vừa triệt các công ty du lịch chui, trốn thuế; vừa thông tin cho khách biết khả năng lưu trú và không có chuyện cứ đi đại, tới đâu hay đó.
Từ nhiều năm nay, Luật thuế quy định các doanh nghiệp giao dịch trên 20 triệu là không dùng tiền mặt. Bị phạt rất nặng. Thậm chí vô ý, cùng một ngày, có mấy đoàn khách cùng sử dụng một dịch vụ mà giao dịch tổng cộng trên 20 triệu cũng bị phạt. Nhưng giao dịch cá nhân thì cứ vô tư. Đây là chính là điều cần xem xét lại. Chống thất thu thuế không chỉ từ các doanh nghiệp. Ở các nước phát triển, thuế từ thu nhập cá nhân mới là nguồn thu chính. Do vậy, cả người dân lẫn cán bộ nhà nước cứ khoái xài tiền mặt, đương nhiên chấp nhận rủi ro. Có thể nói, việc lạm dụng tiền mặt cho các giao dịch ngầm, giao dịch đen và các lobby thiếu minh bạch là nguồn gốc của nạn tham ô, hối lộ, nhũng nhiễu…
Có chuyên gia kinh tế khẳng định là nếu mọi giao dịch đều qua ngân hàng thì sẽ giảm ngay được hơn 60% nạn tham nhũng hiện hành. Nếu giao dịch qua ngân hàng, số tiền mấy trăm tỉ lại quả của Ocean Bank sẽ lưu giữ trong bộ nhớ của máy tính. Chỉ cần nhấn phím là có ngay danh sách người nhận và số tiền cụ thể. Tử tù Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Giám đốc Ocean Bank chẳng phải đớn đau tuyệt vọng kêu gọi “Mong những ai đã nhận tiền chăm sóc từ bị cáo và các bị cáo khác hãy bình tâm suy nghĩ thấu đáo để trả lại tiền, để tâm hồn được thanh thản và hưởng lượng khoan hồng của pháp luật". Nếu còn lòng tự trọng thì đã không dám nhận tiền bẩn. Việc tự giác trả lại tiền “chăm sóc” là chuyện không tưởng. Bao nhiêu vụ đại án, các lời khai hối lộ tiền tỉ, đều không có bằng chứng vì toàn giao dịch tiền mặt. Các thủ phạm nhận hối lộ cứ tỉnh queo phủ nhận là xong tất, huề cả làng.
Chuyện cán bộ đi công tác “mang theo hàng trăm triệu tiền mặt”, đang ồn ào trên mạng là không bình thường. Chẳng lẽ gom tiền tích lũy cả năm chỉ để vào khách sạn mở ra nhìn cho sướng? Nếu là tiền nhà thì mang theo khi công tác để làm gì? Bao nhiêu suy đoán. Có tình ngay thì cũng lý gian. Người dân bình thường cho đến các doanh nghiệp, chẳng ai ngu dại gì mang mấy trăm triệu tiền mặt kè kè bên mình, nếu không muốn tự chuốc họa vào thân. Còn hơn bom nổ chậm. Đường đường là lãnh đạo ở trung ương, đi thanh tra địa phương, tự dưng có mấy trăm triệu từ trên trời rơi xuống. Thiên hạ không dị nghị mới lạ. Hay là mới trúng số khẩn cấp? Có người bảo “Ông này dại. Mất thì im luôn, ngậm bồ hòn làm ngọt. Của thiên coi như trả địa. Tiếc mình ên đủ rồi. Tự nhiên khai báo làm gì cho chuyện vỡ lở. Tiền không chắc tìm lại được mà còn bị kiểm điểm, không chừng bị kỷ luật”. Khi mọi chuyện chưa rõ ràng, nói như vậy là hồ đồ, hoài nghi phẩm chất cán bộ. Người khác cho rằng có khi tạo scandal để câu like?
Kinh tế Việt Nam vẫn còn là kinh tế tiền mặt. Làm sao chống tham nhũng, làm sao tính chuyện tăng tốc đuổi kịp bạn bè?
Trần Kù
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn