Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Người Việt ở Cambodia: Vĩnh viễn là lưu dân xứ lạ



Cambodia
Người Việt ở Cambodia:Vĩnh viễn là lưu dân xứ lạ

New: Campuchia rà soát giấy tờ

Lược dịch từ bài báo Forever Foreign của hai tác giả Michelle Vachon and Chhorn Phearun đăng trên tờ Cambodia Daily ngày 1/9/2017, vài ngày trước khi nhật báo này bị đóng cửa vì lý do chính trị.

***

Căn nhà của Tri Ngan Ros là một chiếc thuyền trên dòng sông Mekong. Sinh tại Tỉnh Kompong Chhnang trong thời kỳ Hoàng thân Norodom Sihanouk trị vì, người ngư dân 60 tuổi này vốn không thể nhớ nổi cha mình đã bắt đầu sinh sống tại Cambodia từ khi nào.

Cả đời ông chỉ biết có nơi này là quê nhà. Ông Ros có bốn người con và chín người cháu, tất cả đều sinh trưởng tại Cambodia. Vậy mà ông lại chia sẻ, “Tôi thậm chí không có cả một tấm thẻ căn cước của Cambodia. Tôi đã ở đây cả đời, và gia đình tôi đã có ba thế hệ sống tại mảnh đất này. Thế nhưng, tôi vẫn chỉ là một kẻ di dân.”

Có gần 1.000 hộ gia đình gốc Việt Nam hiện đang sinh sống tại ngôi làng nổi trên sông cùng với gia đình Tri Ngan Ros. Nhưng ông cho biết, rất ít hộ có thẻ căn cước. Họ đều vướng trong cái thế kẹt của thủ tục pháp lý: sinh ra ở Cambodia, nhưng lại bị xem là những kẻ ngoại lai.

Gốc rễ của tình trạng mang đầy tính tranh cãi về những người di dân này vốn kéo dài suốt lịch sử của Cambodia. Và hậu quả của nó tiếp tục định nghĩa cho thân phận của nhiều con người, cũng như quy chụp lên hàng bao thế hệ vẫn đang chui rúc trên một vùng pháp lý chẳng biết trách nhiệm thuộc về ai.

Bị xã hội gọi một cách nhạo báng là “yuon”, các chính trị gia thì phỉ báng một cách đầy ác ý, và hệ thống giáo dục thì đã bỏ mặc họ, những con người này chính là các chú dê tế thần béo mập trong mọi bộ phận của xã hội Cambodia từ trước đến nay.


Gia đình ông Heang, một người gốc Việt tại một làng nổi – The Cambodia Daily


Lần giở lại vài trang lịch sử Cambodia, thì mối quan hệ với Việt Nam luôn được xem là tâm điểm, hoặc là bối cảnh của những giai đoạn nhất định.

Hãy bắt đầu từ thành phố Paris năm 1991.

Vào thời điểm đó, các hoạt động thương thảo đang diễn ra để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Paris vào ngày 23/10/1991, chấm dứt cuộc chiến ở Cambodia. Bác sĩ Richard Rechtman, một người Pháp đi dự một buổi cơm tối tại Paris khi ấy đã kể lại câu chuyện sau.

Sự kiện đó được tổ chức cho những phe phái khác nhau, chính là những nhóm trong suốt thập niên 1980 đã chiến đấu chống lại chính phủ Cambodia đương thời – sau khi lực lượng này đã lật đổ quân Khmer Đỏ với sự trợ giúp của quân đội Việt Nam năm 1979.

Thế nhưng, suốt cả buổi tiệc, không một ai được phép nhắc nhở gì đến “Việt Nam”, bác sĩ Rechtman nhớ lại. Đến mức khi có nghệ sĩ muốn trình diễn một bài hát tiếng Việt, thì tất cả những người có mặt bắt buộc cô ta phải lập tức từ bỏ ý định ấy đi.

Với cái nhìn của một bác sĩ tâm lý điều trị, ông Rechtman không hề thấy ngạc nhiên về điều này: “Con người luôn cảm thấy thoải mái hơn nếu họ chọn kẻ thù hoàn toàn từ những người ngoại bang”.

“Trong khung cảnh mọi người đều thân thiện với nhau tại buổi tiệc ấy,” bác sĩ Rechtman kể tiếp, “thì một người phụ nữ ngồi cùng bàn lại chia sẻ với tôi rằng, trong thời kỳ Khmer Đỏ nắm quyền, đã có rất nhiều người thân của bà bị sát hại.

Và ngay tại lúc này, ở cái bàn tiệc kế bên, một trong những kẻ phải chịu trách nhiệm về những cái chết ấy đang ngồi ngay bên cạnh chúng tôi.

Điều này có nghĩa là, ngay cả khi một người Cambodia biết rất rõ kẻ thù của mình là ai, thì họ vẫn thà chọn người Việt Nam làm tâm điểm để hứng chịu tất cả các vấn đề ung nhọt tại xứ sở của mình”, bác sĩ Rechtman nhận định.

Liên tục trong những năm sau đó, lòng thù ghét người Việt Nam đã trở thành một phương pháp giải tỏa nỗi oán hận của người Cambodia đối với những gì mà Khmer Đỏ đã gây ra. Và họ đã làm điều này mà không hề nghĩ rằng mình đang sử dụng người Việt Nam như là vật tế thần, bác sĩ Rechtman chia sẻ thêm. Đến cuối cùng, Việt Nam và Cambodia vốn có quá nhiều xung đột xuyên suốt lịch sử.

Ngay cả sau khi Hiệp định Hòa bình được ký kết, chấm dứt hai thập kỷ chiến tranh và xung đột ở Cambodia, thì những người có tổ tiên, gốc gác là người Việt Nam tại đây vẫn là nạn nhân của mối oán hận chệch hướng này.

Cơn cuồng nộ của đám đông đã là mồi lửa cho những hành vi bạo lực, mà không có gì để nghi ngờ là những kẻ thủ ác xem đó là cách mà họ báo thù.

Như trong năm 1998, đã có vài người gốc Việt bị những đám đông treo cổ ngay ở thủ đô Phnom Penh, sau khi có những tin đồn thất thiệt là họ đã đầu độc thực phẩm và nguồn nước của thành phố.

Chỉ hai năm trước đây thôi, một người đàn ông gốc Việt, Nguyen Yaing Ngoc, sau khi bị thương trong một tai nạn giao thông đã bị một nhóm người giết chết bên vệ đường. Phó công an xã tại địa phương đã kể lại rằng, có người đã gào lên “Bọn ‘Yuon’ muốn gây chuyện với ngươi Khmer” ngay trước khi vụ tấn công xảy ra.


Người Cambodia biểu tình phản đối người Việt trước Đại sứ quán Việt Nam năm 2014. Ảnh REUTERS/Samrang Pring


Ngay cả các chính trị gia ở đây cũng không có hành vi thu liễm gì khi bày tỏ quan điểm về những xung đột này.

Sam Rainsy, cựu Chủ tịch đảng đối lập CNRP hiện đang sống lưu vong, xưa nay vẫn nổi tiếng bởi những lời lẽ tấn công hiểm ác chống lại Việt Nam và người Việt sinh sống ở Cambodia.

Trong một lá thư gửi đến nhật báo The Cambodia Daily ngày 28/10/2013, Rainsy đã phản đối việc ông đã bị chụp cho cái mũ là người đóng gông cùm lên cổ những người Việt sống ở Cambodia.

Sau đó, ông ta lập luận rằng, dân số của người tị nạn Việt Nam có thể sẽ vượt xa người Khmer trong thời gian sắp tới nếu việc cưỡng chiếm đất đai của các công ty Việt Nam vẫn tiếp diễn. Đây là kiểu hùng biện mà Rainsy luôn lập đi lập lại ở các buổi tụ tập và gặp gỡ những người ủng hộ sự nghiệp chính trị của ông ta.

Khi được đề nghị đưa ra một lời phát biểu cho chính bài báo này, ông Rainsy đã viết thư phúc đáp cho chúng tôi, và nêu rõ ông là người có lòng tôn trọng tuyệt đối các giá trị nhân quyền. Thế nhưng, ông ta cũng viết thêm, “nói như thế, không có nghĩa là điều này có thể ngăn cản tôi tố giác vô số những yếu tố của chính sách bành trướng và bá chủ của Cộng sản Việt Nam đối với Cambodia”.

Một trong những lời đồn đãi khiến cho rất nhiều người dân Cambodia ngán ngẩm, đó là họ nghe nói từ thập niên 1980 đến nay, đã có hằng triệu người Việt Nam chuyển đến sinh sống ở đất nước này.

Theo Patrick Heuveline, một nhà Xã hội học người Pháp chuyên nghiên cứu về nhân khẩu học, thì con số người Việt định cư ở Cambodia trong thực tế là gần 400.000. Có khoảng 200.000 người Cambodia gốc Việt đã trốn chạy khỏi đây trong những năm của thập niên 1970, và có từ 150.000 đến 200.000 người đã tái định cư ở Cambodia.

Con số này được lấy từ một phân tích chuyên sâu được thực hiện năm 1996 bởi Luật gia Jennifer Berman, một người Mỹ nghiên cứu về quy trình thẩm định quốc tịch ở Cambodia.

“Quốc tịch là một đề tài gây tranh cãi ở một đất nước mà trong vòng 50 năm vừa qua, hầu như là bị cai trị bởi các quốc gia khác nhau. Từ người Pháp – sau khi Hiệp định Bảo hộ được ký kết – đến người Việt Nam trong thập niên 1980. Họ cũng từng bị người Nhật Bản chiếm đóng một vài tháng trong Thế chiến Thứ hai, và được quản lý bởi Liên Hiệp Quốc trước khi cuộc tổng tuyển cử năm 1993 được tiến hành”. Đó là những gì bà Berman đã viết trong nghiên cứu của mình.

“Sự cai trị liên tục của ngoại bang đã sản sinh ra một nhân sinh quan – đặc biệt là ở những người gốc Khmer – mang tính bài trừ người có gốc gác khác tham gia vào những sự vụ nội bộ của quốc gia – gần như là một nỗi lo lắng đầy hoang tưởng về sự có mặt và ý đồ của những nhóm sắc tộc thiểu số, phi bản địa ở Cambodia.

Chính cái tâm lý đầy nghi kị – vốn ăn sâu bén rễ vào xã hội, luật pháp, và các thiết chế nhà nước – đã hiện nguyên hình ngày hôm nay trong dáng vẻ của sự kỳ thị sắc tộc rất rõ nét ở Cambodia.”


Tranh biếm họa ở Cambodia năm 2008 phản đối Việt Nam gây ảnh hưởng đến chính trị Cambodia. Ảnh: editorials.cambodia.org


Những thời kỳ đau thương trong lịch sử trải dài của mối quan hệ Việt Nam – Cambodia đang được giảng dạy cho học sinh tại đây.

Vào thế kỷ thứ 17, một vị vua người Cambodia đã cưới một cô công chúa Việt Nam, theo lời kể của nhà Sử học Pháp – Alain Forest.

Một trong những hòa ước mà cuộc hôn nhân chính trị này mang lại cho Việt Nam, đó là dọc vùng đồng bằng Mekong, người Việt được thiết lập các trạm hải quan. Điều này đã khiến cho một số rất đông người Việt đã di dân đến vùng Kampuchea Krom ngày nay, đến mức họ qua mặt dân số người Cambodia để chiếm lĩnh toàn bộ vùng đất ấy.

Vài thập kỷ sau đó, một vị hoàng thân người Cambodia cướp ngôi và cải sang Đạo Islam. Những kẻ chống đối ông này đã tìm kiếm sự hậu thuẫn của Việt Nam để giành lại vương quyền.

“Mô hình này được lặp đi lặp lại mỗi khi triều đại thay đổi. Những kẻ muốn đối kháng luôn tìm sự ủng hộ từ Xiêm La (Siam) – Thailand ngày nay – hoặc Việt Nam”, ông Forest nhận định.

Nội loạn quốc gia đã khiến cho hai láng giềng hùng mạnh có thể can thiệp vào nền chính trị của Cambodia.

Cũng theo ông Forest, hai nước láng giềng này có ý đồ hoàn toàn khác nhau. Việt Nam dòm ngó vào đất đai của Cambodia. Trong khi đó, người Xiêm thì muốn biến người Cambodia thành nô lệ như họ đã từng làm sau khi chiếm được phía Bắc của nước này.

Giai đoạn này là một thời kỳ kinh hoàng đối với người dân Cambodia, ông Forest cho biết thêm. Và nó chỉ chấm dứt khi Vua Ang Duong đề nghị người Pháp hãy tìm cách ngăn cản hai nước láng giềng của Cambodia. Đó cũng là lý do vì sao Vua Norodom đã ký Hòa ước Bảo hộ 1863. Tại thời điểm ấy, dân số Cambodia đã giảm xuống chỉ còn 900.000 người và biên giới của họ không qua khỏi Tỉnh Kompong Thom.

Giáo sư Sử học Keo Duong của Đại học Hoàng gia Phnom Penh đã viết trong một tài liệu nghiên cứu về sắc dân Việt Nam ở Cambodia vào năm ngoái rằng, trong khoảng thời gian Hoàng thân Norodom Sihanouk trị vì – thập niên 1950 và 1960 – những người gốc Việt hoàn toàn không được xem là người Cambodia cho dù họ đã sinh ra tại đây đi chăng nữa.

Một ngoại lệ duy nhất là những người gốc Việt ở Kampuchea Krom. Ở đó, những người gốc Việt được phép trở thành công dân nếu họ nói được tiếng Khmer và đã trải qua một thời gian sinh sống lâu năm tại tỉnh này.

Tuy nhiên, những người mà ông Duong phỏng vấn thì hầu như không biết gì về quy định trên. Họ chỉ biết là bản thân phải trả một khoảng tiền hằng năm cho phí di dân với các định mức quá khổ cho những gia đình ngư dân.

Trở lại lịch sử chính trị của Cambodia.

Khi Hoàng thân Norodom Sihanouk thất cử trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 3/1970, Lon Nol trở thành người đứng đầu chính phủ. Một trong những việc Lon Nol làm đầu tiên, là trục xuất tất cả người gốc Việt ra khỏi Cambodia, nếu không, họ sẽ bị giết.


Lon Nol trở thành người lãnh đạo Cambodia năm 1970 và đã ra lệnh tàn sát người Việt ở đây (trái), và người Việt trốn chạy khỏi Cambodia (phải). Ảnh: Mekong.net


Chính sách của Lon Nol đã dẫn đến những cuộc thảm sát hàng loạt người Việt Nam

Theo lời kể của Cha xứ Francois Ponchaud, một người đã làm việc cùng các giáo dân Việt Nam ở một số làng Công giáo, thì “thanh niên và đàn ông từ 15 tuổi trở lên đã bị bắt giữ, và họ bị ép phải xuống những chiếc xà-lan đã cập sẵn bến để đi về phía Nam.

Sau khi đi được khoảng 30 cây số, các quân nhân sẽ trói quặt tay những người này ở sau lưng họ, xâu họ lại thành từng nhóm 10 người, rồi bắn chết”, Cha Ponchaud kể.

“Xác người cứ thế mà rơi thẳng vào dòng nước”.

Sau khi biết được tin tức trên, chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi đó – dù đang là đồng minh cùng Mỹ và Cambodia trong cuộc nội chiến với miền Bắc Việt Nam – đã tổ chức cho hơn 200.000 người gốc Việt di tản khỏi Cambodia. Rất nhiều người trong số đó sinh ra ở Cambodia và chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam.

Sau khi nội chiến ở Cambodia leo thang dữ dội hơn, chính phủ Lon Nol đã trưng bày băng rôn với hình ảnh người miền Bắc Việt Nam là kẻ thù mà không hề đả động gì đến việc, đây vốn là một cuộc nội chiến của những phe nhóm Cambodia khác nhau.

Khi Khmer Đỏ chiếm được chính quyền vào tháng 4/1975, người Việt Nam lại trở thành kẻ thù cần bị tiêu diệt, mặc kệ là chính lực lượng vũ trang Bắc Việt Nam đã chiến đấu bên cạnh quân đội của Khmer Đỏ những năm 1972-1973.

Sử gia người Pháp Henri Locard đã giải thích trong sách của ông – Cuốn sổ tay đỏ của Pol Pot, những câu châm ngôn của Angkar – rằng một số khẩu hiệu của Khmer Đỏ khi ấy mang đầy vẻ bài xích nhắm vào người Việt Nam, như “Đập chết bọn Việt Nam! Đập cho tới khi lưng bọn nó gãy mới thôi!” Hay, “Chúng ta hãy tấn công và đập tan bọn sâu mọt Việt Nam một cách tàn nhẫn nhất!”

Những cuộc tấn công của Khmer Đỏ đến các làng mạc người Việt Nam dọc biên giới Việt – Cam cũng chính là nguyên nhân chính phủ Việt Nam quyết định phải lật đổ Pol Pol, với sự trợ giúp của những quân sĩ Cambodia bỏ trốn và tị nạn ở Việt Nam khi đó.


Phnom Penh hoang tàn sau một cuộc tấn công của quân đội Khmer Đỏ năm 1974. Ảnh: Christine Spengler/Sygma/Corbia

Sau khi đánh thắng Khmer Đỏ, phản ứng của các quốc gia Tây phương đã khiến Việt Nam sửng sốt.
Đó là nhận xét của phóng viên Hoa Kỳ Elizabeth Becker.

“Tôi không nghĩ là phần lịch sử này đã được ghi lại một cách toàn vẹn: Việt Nam đã từng mong đợi rằng, mình sẽ được hoan hô khi tiêu diệt Khmer Đỏ. Và họ đã rất sốc với thái độ khi ấy (của phương Tây – ND). Việt Nam đã trông chờ cả thế giới tuyên dương ‘Hoan hô Việt Nam đã dẹp tan chế độ kinh hoàng Khmer Đỏ’. Họ hoàn toàn không chuẩn bị tâm lý cho thái độ thù nghịch đến từ cộng đồng quốc tế sau đó.”

Trong thập niên 1980, bà Becker cho rằng, “đó thật là một sự tra tấn tinh thần khi cả thế giới chỉ trích Việt Nam vì họ đã chấm dứt tội ác diệt chủng và xóa sổ Khmer Đỏ … Nếu quý vị muốn nổi giận, hãy nổi giận với Hoa Kỳ vì họ đã ủng hộ Khmer Đỏ suốt cả những năm 1980. Nếu quý vị muốn nổi giận, hãy nổi giận với cả cộng đồng Tây phương vì họ đã từ chối giúp đỡ để Cambodia có thể hồi sinh.

Thay vì ra tay cứu trợ, Hoa Kỳ, Châu Âu, và toàn bộ Tây phương lẫn ASEAN lại đưa ra các biện pháp chế tài khắc nghiệt và từ chối cho nguồn viện trợ được nhập vào Cambodia.

Quân đội Việt Nam nên rút sớm hơn, đó là điều không cần phải hỏi .. Tuy nhiên, chỉ mang một mình Việt Nam ra để chỉ trích cho tất cả các vấn đề (ở Cambodia – ND) thì thật là quá kỳ quặc”, bà Becker nhận xét.

Câu chuyện biên giới giữa hai nước vẫn là một vấn đề.

Kể từ lúc chính phủ Việt Nam quyết định tiếp tục để quân đội của mình đóng tại Cambodia cho đến năm 1989, các đảng phái đối lập trong nhiều năm qua đã chỉ trích đảng cầm quyền – đảng Nhân dân Cambodia (Cambodian People’s Party – CPP) – là có liên đới với Việt Nam.

Và, bởi vì mối quan hệ trải dài nhiều thập niên giữa Hà Nội và các lãnh đạo đảng CPP, đảng đối lập CNRP vẫn cảm thấy Việt Nam đã được phép cướp đi hàng chục khu đất dọc biên giới trong sự im lặng, không phản đối của CPP.

“Chúng ta không thể phủ nhận có những vấn đề về biên giới đang tồn tại giữa hai nước. Và là những nước láng giềng với nhau, … nếu đảng CNRP nắm chính quyền, thì giải pháp đối ngoại sẽ là phi bạo lực, hòa bình và đối thoại. Chúng tôi sẽ kêu gọi và tìm kiếm giải pháp cùng nhau … thậm chí là sẽ sử dụng công pháp và tòa án quốc tế nếu không tìm ra giải pháp bằng đàm phán song phương”.

Đó là phát biểu của Phó chủ tịch đảng CNRP Mu Sochua vào tuần trước.

Tuy nói thế, ông Sochua còn thêm rằng, “bất kỳ hình thức phân biệt chủng tộc nào đều không thể được biện bạch, và đảng CNRP lên án các hành vi đó … Chúng tôi đã tìm ra những phương pháp giải quyết trong nội bộ của đảng, và chúng tôi cũng kêu gọi những giải pháp đối ngoại phi bạo lực”.

Tư cách pháp nhân của những người di dân gốc Việt tại Cambodia hiện nay.

Ngày nay, người thiểu số gốc Việt là những người buôn bán nhỏ hoặc là các thương buôn. Họ sống trên những ngôi làng nổi, như ông Tri Ngan Ros ở đầu bài, và kiếm ăn bằng nghề đánh bắt cá. Đó là cách kiếm sống tốt nhất mà họ biết.

Những người không được công nhận là người di dân hợp pháp (legal immigrants) sẽ không thể xin được giấy khai sinh cho con cái mình. Mà không có giấy khai sinh, trẻ em sẽ không thể đi học ở các trường công. Đó là những gì mà Phó Giám đốc điều hành tổ chức Quyền của Người thiểu số (Minority Rights Organization) – Nou Va – đã chia sẻ với chúng tôi.

“Những người đến từ một đất nước khác, và bị chính quyền cho là không đủ điều kiện để có tư cách pháp nhân đang phải sống với một tư cách không rõ ràng. Họ đang sống ở đất nước này mà không có bất kỳ giấy tờ hợp pháp gì”.

Thế nhưng, rất nhiều người đang sinh sống ở các ngôi làng nổi của Tỉnh Kompong Chhnang vốn sinh ra ở Cambodia, ông Va cho biết. “Luật quốc tịch có nhắc đến là con cái của những người nước ngoài sinh sống hợp pháp ở Cambodia sẽ được có quốc tịch. Vậy thì câu hỏi được đặt ra ở đây chính là, ‘hợp pháp’ có nghĩa là gì? Đó là một câu hỏi lớn”.

“Những người này quá nghèo để có thể cho con cái đi học”, ông nói thêm.


Trẻ em gốc Việt ở làng nổi Tonle Sap, Tỉnh Kompong Chhnang. Ảnh: alamy.com


Rồi từ những người cha mẹ không biết tiếng Khmer, con cái họ cũng chỉ nói tiếng Việt, là ngôn ngữ được sử dụng tại những ngôi làng nổi này.

“Làm sao họ có thể giao tiếp bằng tiếng Khmer, ngôn ngữ của đất nước mà họ đang sống? Làm thế nào mà họ có thể cạnh tranh tìm việc làm trong tương lai, và làm thế nào để họ có được công việc tốt? Không có khả năng ngôn ngữ Khmer, họ không có cách nào thoát được cuộc sống phụ thuộc vào những cộng đồng người Việt, và cũng không thể đóng góp gì cho sự phát triển của Cambodia”, ông Nou Va chia sẻ.

“Cambodia không phải là một quốc gia được khai phá chỉ bởi người Khmer, mà còn có các sắc dân từ nhiều nguồn gốc khác nhau như người Cham, người Trung Hoa, người bản địa, và người Việt Nam, v.v. Rất nhiều người từ các chủng tộc và nguồn gốc khác nhau, đã cùng chung tay tạo dựng ra đất nước này”, ông nói thêm.

Tương lai của những đứa trẻ gốc Việt dựa hoàn toàn vào việc phải có một định nghĩa pháp lý rõ ràng cho từ “hợp pháp”, để xác định tư cách pháp nhân của bố mẹ chúng.

Khi được hỏi về vấn đề này, Eng Chandara, Giám đốc điều hành Cục quản lý chứng nhận khai sinh, hôn nhân, và chứng tử của Bộ Nội vụ, đã giải thích rằng, “người nước ngoài sống ở Cambodia – nếu có giấy tờ thị thực (visa) hợp lệ – có thể nhận được giấy khai sinh. Nhưng các giấy khai sinh kiểu này sẽ được đăng ký là của người ngoại quốc, chứ không phải là người Cambodia”.

Một người cư trú mà không có giấy tờ thị thực, là một di dân bất hợp pháp, ông Chandra chỉ ra. Hầu hết người gốc Việt sinh sống ở những ngôi làng nổi tại Tỉnh Kompong Chhnang là những người di dân bất hợp pháp.

“Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề này: chúng tôi cũng đâu muốn những đứa trẻ sinh ra mà không có tư cách pháp nhân”, ông nói thêm.

Tìm cách xóa bỏ kỳ thị chủng tộc qua việc thay đổi sử dụng các từ ngữ mang tính miệt thị

Trong những năm vừa qua, cựu lãnh đạo đảng đối lập CNRP Sam Rainsy đã liên tục tự biện hộ cho việc sử dụng từ “yuon” để miêu tả những người gốc Việt. Ông ta cho rằng, từ này chỉ đơn giản có nghĩa là Việt Nam hoặc người Việt Nam trong tiếng Khmer.


Cựu lãnh đạo đảng đối lập CNRP – Sam Rainsy – người bị cho là đã đẩy mạnh việc chống đối người Việt ở Cambodia. Ảnh: ABS


Từ điển phát hành năm 1967 của vị tăng sư và học giả đáng kính Chuon Nath đã định nghĩa từ “yuon” là dùng để chỉ những người sinh sống ở ba vùng Tam Kỳ (Tonkin, Annam, và Cochinchina) của Việt Nam.

Tuy nhiên, từ này có vẻ đã bị biến dạng và mang một ý nghĩa tiêu cực vào những năm 1980, khi Việt Nam bắt đầu giám thị tiền thân của đảng CPP khi đó trong việc quản lý đất nước Cambodia.

Theo ông Tim Frewer, một học giả về Nhân – Địa lý học (human-geography) người Úc đã nghiên cứu về Cambodia hơn một thập niên, chính nhu cầu muốn phân biệt rõ ràng người Khmer và người Việt Nam đã xới lên một vấn đề rất quan trọng.

“Điểm khác biệt giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đó là cái sau cho rằng, có một vấn đề cốt lõi đối với một chủng tộc nhất định, và vì vậy, cần phải gạt bỏ chủng tộc đó ra khỏi định nghĩa thế nào là người Cambodia”.

“Thế nên, nó không chỉ là việc không thích người Việt Nam bởi vì những phẫn nộ chính trị hay các tranh chấp trong lịch sử.

Mà vấn đề ở đây là có những người rao truyền rằng, người Việt Nam không có chỗ ở đây. Không cần biết là họ từ đâu đến, nhưng ở Cambodia, thì không có nơi nào trong quốc gia này dành cho họ, và họ cần phải bị loại trừ.

Và chỉ khi loại trừ toàn bộ người Việt thì – chúng ta – người Cambodia – mới có thể tìm lại chính mình. Đây hoàn toàn là vấn đề dồn ép những người gốc Việt, và biến họ trở thành một mối đe doạ cho chủ nghĩa dân tộc tính Cambodia”, ông Frewer chia sẻ.

Thế những thanh niên độ tuổi 20-30 ở Cambodia thì lại nghĩ gì về những thái độ nói trên, vốn có xuất xứ từ trước khi họ chào đời?

“Đối với thế hệ trẻ, họ không muốn chiến tranh, nhưng họ cũng không muốn mất thêm lãnh thổ ở biên giới một lần nữa”. Đó là chia sẻ của Tim Malay, Chủ tịch Mạng lưới Tuổi trẻ Cambodia (Cambodian Youth Network), và là một người đang theo học chương trình thạc sĩ.

“Mọi người đều muốn hòa bình và phát triển … Thế nên, là những người của thế hệ trẻ, chúng tôi muốn tìm ra một giải pháp mới”.

Người trẻ ở Cambodia đang đặt hy vọng vào chính quyền được đắc cử năm 2018 sắp tới sẽ giải quyết những vấn đề này bằng con đường pháp lý, anh Malay cho biết. Và những người nước ngoài nào muốn chọn Cambodia làm quê hương cũng sẽ có được tiếng nói của mình.

Còn theo Bill Herod, một người đã sống ở Cambodia hơn 30 năm, thì “hầu như tất cả người Cambodia đều có những cảm xúc tiêu cực đối với Việt Nam và người Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ là một thứ cảm giác chung chung mà thôi. Còn trong quan hệ giữa người với người, thì nó hầu như không tồn tại”.

Ông Herod đã đến làm việc của một nhân viên cứu trợ vào những năm 80, và hiện nay đang sinh sống ở Tỉnh Mondolkiri. Ông có bạn là người Việt lẫn người Khmer.

“Tôi có rất nhiều bạn bè, cả người Cambodia lẫn người Việt Nam. Và khi tôi hỏi họ về vấn đề này, thì họ sẽ nói rất nhiều thứ tồi tệ về người Việt. Nhưng nếu tôi lại hỏi, ‘thế anh này hay cô kia thì thế nào?’ thì họ sẽ trả lời, ‘À, thì anh biết rồi đấy, những người đó thì lại rất tử tế. Tôi thích họ.”

Đối với việc sử dụng từ “yuon”, ông Herod cho rằng, “Tôi thì đương nhiên không dùng từ ấy khi trò chuyện … Nhưng tôi lại không cho là nó có ý miệt thị đến mức mà chúng ta thường nghĩ. Tôi cũng đã nghe nhiều người Việt dùng từ ấy nữa kìa.”

Nhưng ông nói thêm, “tôi vẫn hy vọng là từ ‘yuon’ sẽ biến mất, và chúng ta chỉ dùng từ người Việt để nói về người Việt”.


THAM KHẢO

Lịch sử Campuchia









Các vương quốc đầu tiên

Người ta biết về nước Phù Nam trước hết là nhờ những ghi chép của thư tịch cổ Trung Hoa như Lương thư (sử nhà Lương 502-556) là đầy đủ hơn cả. "Nước Phù Nam ở phía Nam quận Nhật Nam, trong một vịnh lớn ở phía Tây biển. Nước cách Nhật Nam chừng 7.000 lý và cách Lâm Ấp hơn 3.000 lý về phía Tây Nam. Đô thành cách biển 500 lý. Một con sông lớn từ Tây Bắc chảy về phía Đông và đổ ra biển. Nước rộng hơn 3.000 lý. Đất thấp và bằng phẳng. Khí hậu và phong tục đại để giống Lâm Ấp"[1].

Tấn thư còn cho biết thêm: "Đất rộng 3.000 lý, có những thành phố xây tường, có lâu đài và nhà ở. Đàn ông Phù Nam xấu và đen, quấn tóc, ở truồng và đi chân không. Tính đơn giản và không trộm cắp. Họ chăm công việc nhà nông, gieo 1 năm gặt 3 năm. Họ thích trang trí bằng điêu khắc, chạm trổ; nộp thuế bằng vàng, bạc, hạt châu, hương liệu. Họ có sách vở, thư viện và nhiều vật khác. Chữ viết giống người Hồ. Ma chay cưới hỏi đại để giống Lâm Ấp"[1].

Theo truyền thuyết cổ được ghi chép lại bởi Khang Thái (Kang Tai), một quan lại Trung Hoa đã từng tới Phù Nam giữa thế kỷ thứ 3 thì xứ này do một người phụ nữ tên Liễu Diệp (Liu Yeh) cai trị. Sau đó một người nước ngoài tên là Hỗn Điền (Hun Tien), có thể là từ Ấn Độ, sang đã cưới Liễu Diệp và lập ra một triều đại tại đây[2]. Theo các truyền thuyết địa phương thì vị ẩn sĩ Ấn Độ này tên là Kambu đã kết hôn với nữ thần Mera và con cháu của họ được gọi là Kambuja (con cháu của Kambu) và tên ghép của hai vợ chồng trở thành tên dân tộc là Kambu-Mera, Kmer hay Khmer.

Thực sự thì Phù Nam là một quốc gia hỗn hợp gồm nhiều tộc người khác nhau, do một xứ Phù Nam chánh tông nắm địa vị tôn chủ và các tiểu quốc kia phải thần phục và cống nạp cho nó.

Triều đại Phù Nam đầu tiên có 4 đời vua kế tiếp nhau là:

• Hỗn Điền
• Con Hỗn Điền (chưa rõ tên họ)
• Hỗn Bàn Huống
• Hỗn Bàn Bàn

Tiếp đó một viên tướng khác lên ngôi, lập một triều đại khác bắt đầu là Phạm Sư Man (khoảng 220-280)

• Phạm Sư Man
• Phạm Chiêu
• Phạm Tràng
• Phạm Tầm

Vào thế kỷ thứ 5 tài liệu Trung Hoa có nói tới một ông vua tên là Trì Lê Đà Bạt Ma ở ngôi từ 424-438 rồi tới Đồ Da Bạt Ma và Lưu Đà Bạt Ma. Thư tịch cổ còn nói tiếp sau đó nước Phù Nam bị một nước khác ở phía Bắc đánh bại (cuối thế kỷ thứ 6, giữa thế kỷ thứ 7). Phù Nam tới đây là dứt.

Vương quốc Chân Lạp

Nước đã đánh bại Phù Nam là Chân Lạp, một quốc gia do người Khmer sáng lập. Trung tâm của họ nằm ở Sae Mun (nay thuộc Thái Lan) và Champasack (nay thuộc Nam Lào). Quốc gia này do Bhavavarman sáng lập trong thế kỷ thứ 6, gọi là nước Bhavapura, tức Chân Lạp.

Bhavavarman đã chấm dứt sự lệ thuộc Phù Nam. Sau khi ông mất, con ông là Mahendravarman lên kế ngôi và tấn công Phù Nam, buộc vua Phù Nam phải chạy trốn tới Naravana tức nước Chí Tôn (nay là Ba Thê, xã Vọng Thê, An Giang). Isanavarman kế ngôi Mahendravarman, tiếp tục tấn công "Với sức mạnh của mình đã vượt qua ranh giới lãnh thổ của Tổ tiên"[3]. Các vua thất trận đã bỏ chạy ra vùng hải đảo.

Jayavarman I lật đổ Isanavarman để cai trị một lãnh thổ rộng lớn. Bia ký của ông được tìm thấy trên một vùng lãnh thổ bao gồm cả Sae Mun, Battambang, Seam Reap, Kompong Thom, Takeo, Prey Veng và Kampot.

Sau khi đánh thắng Phù Nam, người Chân Lạp đã ồ ạt di cư xuống phía Nam. Họ đã dừng lại ở Takeo (cụm di tích Angkor Borey) và Prey Veng (cụm di tích Ba Phnom), trung lưu sông Mekong và Đông Bắc biển Hồ. Isanavarman đã xây dựng kinh đô Isanapura ở gần Kompong Thom. Theo Tùy thư của Trung Hoa thì nơi đây có tới 20.000 gia đình sinh sống. Ngoài ra vương quốc còn có 30 thành thị do các tổng đốc cai quản và quan tước cũng tựa như Lâm Ấp.

Thời kỳ khủng hoảng của Chân Lạp

Jayavarman qua đời năm 680. Hoàng hậu Jayadevi, nắm quyền trong khoảng 681-713, đã gây bất bình trong giới quý tộc và quan lại. Do những mâu thuẫn này mà năm 713, Puskaraksa đã truất phế bà và tự lên ngôi, lập kinh đô mới là Sambhupura ở gần Sambaur.

Do sự biến này mà phần phía Bắc của vương quốc (tức nước Bhavapura cũ) tách ra khỏi Chân Lạp, lập lại nước riêng. Tài liệu Trung Hoa ghi lại là nước này chia làm hai: Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp. Biên giới nằm ở dãy núi Dângrêk (nay là biên giới Thái Lan-Campuchia).

Ở miền Nam, Puskaraksa không thể kiểm soát nổi lãnh thổ của mình. Nhiều nơi nổi lên, tự lập nước riêng. Trong lúc đó vương triều Sailendra của nước Kalinga ở đảo Java, Indonesia mạnh lên đã tấn công vương quốc của Puskaraksa năm 774, chiếm được kinh đô Sambhupura và đẩy đất nước này tới hồi diệt vong.

Thời kỳ Angkor (802-1432)

Phục quốc (802-944)

Đầu thế kỷ thứ 9, nhân khi vương triều Sailendra suy yếu, một người trong hoàng tộc Chân Lạp bị bắt làm tù binh đã trốn về nước, tập hợp lực lượng đấu tranh để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Sailendra và thống nhất lại Campuchia, khởi đầu một đế chế hùng mạnh ở Đông Nam Á - đế quốc Khmer (802-1434). Ông lên ngôi vua, lấy hiệu là Jayavarman II.[4]

Jayavarman II đã cố công tìm kiếm một địa điểm mới để đặt kinh đô. Trong thời của ông, vương quốc đã dời đô nhiều lần, từ Indrapura cho tới Hariharalaya và Mahendrapura ở núi Kulen rồi cuối cùng là quay trở lại Hariharayala.

Thời kỳ Jayavarman II tại vị, sự sùng bái thần Shiva có khuynh hướng biến thành sự sùng bái nhà vua (Devaraja). Do đó mà ông cũng được tôn sùng như một vị thần. Khi ông qua đời năm 854, người ta đã phong tặng cho ông danh hiệu Paramesvara tức "Chúa tể".

Cháu của Jayavarman II là Yasovarman I cai trị từ 889-900 lại tiếp tục dời đô thêm 50 km, tại một nơi mà ông gọi là Yasohadrapura tức là Angkor. Đây là biến âm từ chữ PhạnNagara, tức "Quốc đô". Đế quốc Khmer vì thế còn được gọi là vương quốc Angkor, đế quốc Angkor.

Phát triển (944-1181)

Rajendravarman II lên ngôi năm 944 được thừa kế cả hai dòng Khmer Nam và Bắc. Ông là con Mahendravarman thuộc hoàng tộc Bhavapura (phía Bắc) và Mahendradevi, dì ruột của Harsavarman II (942-944), vua của dòng Nam. Do sự kiện này mà hai dòng tộc Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp đã lập lại được sự thống nhất. Các văn bia thời kỳ này đều nhấn mạnh về nguồn gốc tộc Mặt trời (Suryavamsa) phía Bắc và tộc Mặt trăng (Somavamsa) phía Nam của vương triều. Tên nước được xác định là Kambuja và vua là Kambujaraja.

Tuy đã tái thống nhất nhưng giữa hai dòng tộc vẫn có sự mâu thuẫn. Năm 1002, Jayaviravarman II lên ngôi ở Angkor tại miền Nam thì một hoàng thân khác cũng tự lên ngôi ở Sae Mun phía Bắc là Suryavarman I. Năm 1010, Suryavarman I đã lật đổ vua phía Nam rồi làm vua cả hai miền. Năm 1082, Jayavarman VI tự lên ngôi ở Sae Mun cũng đem quân đi lật đổ vua ở Angkor và cai trị vương quốc từ 1082 đến 1107.

Tuy nhiên về sau thế lực của nhóm phía Bắc tập trung ở Sae Mun dần suy yếu và không còn là đối trọng với phía Nam được nữa. Cuối thế kỷ 12, các văn bia chỉ còn nhắc tới một tộc Kambu Mặt trời nhưng đã di cư xuống phía Nam mà thôi.

Do sự thống nhất và ổn định, Rajendravarman II (944 – 968) vừa lên ngôi đã đem quân sang đánh Champa. Suryavarman I (1002-1050) còn tiến xa hơn, chinh phục được trung và hạ lưu sông Chao Phraya (sông Mê Nam nay thuộc Thái Lan) và cao nguyên Khorat. Harsavarman II(1066-1080) đã đánh Champa và Đại Việt. Tới thời Suryavarman II (1113-1150) thì vương quốc đã chinh phục được Champa trong khoảng 1145-1149 và thậm chí 5 lần đem quân đánh Đại Việt (1128, 1129, 1132, 1138, 1150). Sau cuộc tranh ngôi năm 1010, kinh đô bị hư hại nặng nên Suryavarman II đã cho tiến hành xây dựng Angkor Wat như là một biểu tượng cho sức mạnh của vương triều.

Cực thịnh (1181-1201)

Sau khi Suryavarman II qua đời, ngôi vua bị một người lạ tự xưng là Tribhuvanadi, tức Tyavarman, đánh cướp năm 1165 khiến quốc gia suy yếu. Năm 1177, Jaya Indravarman IVcủa Champa thừa cơ tấn công Angkor. Một hoàng thân trẻ của Angkor phải chờ đợi trong 16 năm mới tập hợp được lực lượng để đánh bại Champa và lên ngôi vua năm 1181, tức Jayavarman VII.

Trong thời kỳ cai trị của Jayavarman VII, vương quốc Angkor đã đạt tới đỉnh cao của sự phát triển.

Sau vài năm để khôi phục vương quốc, Jayavarman VII đã tính tới chuyện trả thù Champa. Năm 1190, Jayavarman VII đã cử một đạo binh lớn sang tấn công Champa và đánh bại hoàn toàn người Chăm. Một hoàng thân người Chăm thân Khmer được cử tới cai trị và Champa trở thành một tỉnh của Chân Lạp trong một thời gian dài. Ngoài việc đánh Champa, ông còn thôn tính luôn cả Haripunjaya gần biên giới Miến Điện-Thái Lan và bán đảo Malaya. Có thể quân Chân Lạp đã tới được cả Luang Prabang ở Lào nữa.

Vương quốc Chân Lạp dưới thời Jayavarman VII có 23 tỉnh. Để cai trị đất nước rộng lớn, ông đã cho xây dựng 121 trạm nghỉ (Dharmasala) dọc theo các tuyến giao thông quan trọng mà ngày nay vẫn còn tồn tại dấu tích trên tuyến đường nối Angkor với Pimai ở Thái Lan và từ Sambor cho tới Vi Jaya của Champa (kinh đô Phật Thệ, nay ở Bình Định). Jayavarman VII cũng đã cho xây dựng kinh đo mới là Angkor Thom.

Suy thoái

Không rõ Jayavarman VII qua đời năm nào nhưng con trai ông là Indravarman II đã lên thay thế ông sau năm 1201 và cai trị tới 1243.

Trong những năm cai trị đầu tiên của Indravarman II, đế quốc Khmer từng 3 lần giao chiến với quân Đại Việt trong các năm 1207, 1216 và 1218. Tuy nhiên, sau năm 1218, không còn thấy Đế quốc Khmer có chiến tranh với các quốc gia khác trong khu vực nữa. Không những vậy, năm 1220, Đế quốc Khmer còn cho lui quân khỏi Champa mà không có bất kỳ sự đấu tranh hay biến động nào từ Champa.

Ở phía tây, những tộc người Thái nổi dậy, thành lập vương quốc Sukhothai, đẩy lui người Khmer. Trong khoảng 200 năm tiếp theo, người Thái trở thành đối thủ chính của người Khmer.

Nối ngôi Indravarman II là Jayavarman VIII (trị vì từ 1243-1295). Không như các vua trước theo đạo Phật Đại thừa và có ảnh hưởng của đạo Hindu, Jayavarman VIII theo đạo Hindu và rất quá khích chống lại đạo Phật. Ông cho phá hủy phần lớn các tượng Phật trong vương quốc (các nhà khảo cổ ước tính trên 10 ngàn tượng Phật bị phá hủy, chỉ để lại rất ít dấu tích) và biến chùa chiền thành đền thờ của đạo Hindu.

Từ bên ngoài, đế quốc này bị đe dọa bởi quân Mông Cổ dưới quyền chỉ huy của tướng Sagatu. Nhà vua tìm cách tránh nạn binh đao bằng cách triều cống cho người Mông Cổ, lúc này đang làm chủ Trung Quốc. Triều đại của Jayavarman VIII kết thúc năm 1295 khi ông bị con rể là Srindravarman (còn gọi là Indravarman III) (trị vì từ 1295-1309) lật đổ. Tân vương là người theo Phật giáo Theravada, là trường phái Phật giáo đến từ Sri Lanka, rồi lan tỏa khắp khu vực Đông Nam Á.

Sau thời kỳ trị vì của Srindravarman, có rất ít tư liệu ghi lại lịch sử vương quốc thời kỳ này. Cột đá cuối cùng mang văn khắc được biết đến là từ năm 1327. Không có đền đài lớn nào được xây dựng thêm. Các nhà sử học ngờ rằng điều này gắn liền với tín ngưỡng Phật giáo Theravada vốn không đòi hỏi việc xây cất các công trình vĩ đại để thờ phụng. Tuy nhiên, việc vắng bóng các công trình lăng tẩm lớn cũng có thể do việc quyền uy của triều đình sút giảm và do đó thiếu nhân công xây dựng. Các công trình thủy lợi cũng dần đổ nát, mùa màng do đó cũng bị thất bát khi có lũ lụt hoặc hạn hán, làm đế quốc càng suy yếu.

Quốc gia Thái láng giềng, vương quốc Sukhothai, sau khi đẩy lùi đế quốc Angkor, bị một vương quốc Thái khác, vương quốc Ayutthaya, chinh phục năm 1350. Từ sau năm 1352, Ayutthaya trở thành đối thủ chính của Angkor. Họ mở nhiều chiến dịch tấn công Khmer, nhưng đều bị đẩy lùi.

Tuy nhiên tới năm 1431, cuối cùng thì sức mạnh áp đảo của Ayutthaya cũng trở nên quá lớn để chống lại, và Angkor thất thủ trước quân Thái.

Thời kỳ hậu Angkor

Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 là giai đoạn suy tàn liên tục và thu hẹp đất đai. Từ giữa thế kỷ 15, Campuchia liên tục bị các cuộc xâm lăng của vương quốc Ayutthaya (Thái Lan cổ) tàn phá. Angkor liên tục bị chiếm đóng và tàn phá. Để duy trì sự tồn tại của vương quốc Khmer, vua Ang Chan I (1516–1567) phải chuyển kinh đô từ Angkor về Longvek [5]. Campuchia có được một giai đoạn thịnh vượng ngắn, trong khoảng giữa thế kỷ 16 sau khi đã xây dựng thủ đô Longvek mới ở vùng đông nam Tonle Sap. Dọc theo lưu vực Sông Cửu Long, Chân Lạp mở rộng buôn bán với các vùng khác ở châu Á. Đây là giai đoạn khi những nhà thám hiểm người Tây Ban Nha, là Blas Ruiz de Hernan Gonzales và Diogo Veloso, lần đầu tiên tới nước này và bắt đầu mở rộng ảnh hưởng của Phương tây tại đây.

Nhưng năm 1594, vương quốc Ayutthaya của người Thái một lần nữa lại tấn công Chân Lạp, tàn phá Longvek. Vua Satha I của Campuchia phải chạy trốn. Sự sụp đổ của Lovek như bắt đầu một thảm họa mà Campuchia không bao giờ gượng lại được nữa, đồng thời việc này cũng tạo cơ hội can thiệp cho người Tây Ban Nha. Năm 1596, Blas Ruiz de Hernan Gonzales và Diogo Veloso giúp vua Satha quay về Campuchia lấy lại Lovek. Tuy nhiên, năm 1598, sự can thiệp của người Tây Ban Nha cũng chấm dứt, do đoàn quân này bị sát hại cùng với vua Satha trong nội chiến giữa những người Khmer với nhau.

Sang đầu thế kỷ 17, Campuchia có sự gắng gượng ổn định đôi chút dưới thời vua Chey Chettha II, tuy không thể bằng các thời kỳ trước đặc biệt là thời Angkor, với việc thành lập một thủ đô mới tại Oudong năm 1618. Vua Chey Chettha II đã mở rộng quan hệ với chúa Nguyễn ở Đàng Trong của Việt Nam, để cân bằng ảnh hưởng từ vương quốc Ayutthaya của Thái Lan. Đồng thời Chey Chettha II cũng giao thương với người Hà Lan, cho họ mở một nhà máy ở Oudong năm 1620 [5].

Từ giữa thế kỷ 17 trở đi, Campuchia trở nên suy yếu trầm trọng trước hai láng giềng hùng mạnh và tham vọng bành trướng là Xiêm và Đàng Trong (Việt Nam). Sự định cư của người Việt ở châu thổ sông Cửu Long từ đầu thế kỷ 17 dẫn tới việc họ sáp nhập hoàn toàn vùng đó vào năm 1757, vì thế Campuchia mất một trong những vùng lãnh thổ trù phú nhất của họ và bị ngăn đường tiến ra biển Đông. ở phía tây người Thái tiếp tục xâm lấn và sát nhập các tỉnh Battambang, Siem Reap vào lãnh thổ của họ. Khi người Pháp tới Đông Dương bảo hộ Campuchia từ năm 1863 đã dần lấy lại phần lãnh thổ Battambang, Siem Reap từ Xiêm La.

Giai đoạn thuộc địa Pháp

Năm 1863 vua Norodom ký một hiệp ước với Pháp để thành lập một chính quyền bảo hộ trên toàn vương quốc. Dần dần đất nước này rơi vào quyền cai trị thuộc địa của Pháp. Năm 1906, Pháp gây chiến với Xiêm và giành lại 4 tỉnh vùng tây bắc từng bị người Xiêm chiếm trong thế kỷ 18,19 là Battambang, Siem Reap, Meanchey, Oddar. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, người Nhật cho phép chính phủ Pháp (chính phủ Vichy) đang hợp tác với Đức Phát xít tiếp tục cai quản Campuchia và các lãnh thổ Đông Dương khác, nhưng họ cũng nuôi dưỡng chủ nghĩa quốc gia Khmer. Campuchia lại được hưởng một thời kỳ độc lập ngắn năm 1945 trước khi quân Đồng Minh tái lập quyền kiểm soát của Pháp. Vua Norodom Sihanouk, người từng được Pháp lựa chọn để kế vị Sisowath Monivong năm 1941, nhanh chóng chiếm lấy vị trí chính trị trung tâm khi ông tìm cách trung lập hóa những người cánh tả và những đối thủ cộng hòa và cố gắng đàm phán những điều kiện có thể chấp nhận được để giành lấy độc lập từ tay người Pháp. "Cuộc thập tự chinh giành độc lập" của Sihanouk dẫn tới việc người Pháp miễn cưỡng bằng lòng trao lại chủ quyền cho ông. Một thoả thuận từng phần được đưa ra tháng 10 năm 1953. Sau đó Sihanouk tuyên bố rằng công việc đòi độc lập đã hoàn thành và thắng lợi trở về Phnom Penh.

Chính phủ đầu tiên của Sihanouk

Những nỗ lực của Việt Minh trong Kháng chiến chống Pháp đã đem lại kết quả. Theo Hiệp ước Geneva về Đông Dương, Việt Minh đang đóng trên lãnh thổ của Campuchia tập kết ra Bắc Việt Nam, quân Pháp phải rút khỏi Đông Dương. Chính quyền do Sihanouk xây dựng một Campuchia độc lập, thân thiện với Bắc Việt Nam và các đồng minh.

Trung lập là yếu tố cơ bản của chính sách đối ngoại Campuchia trong các thập kỷ 1950 và 1960. Tuy nhiên, chính phủ Campuchia xây dựng quan hệ tốt đẹp với khối Xã Hội Chủ nghĩa, nhận viện trợ to lớn từ Liên Xô và Trung Quốc, giúp đỡ to lớn quân Giải Phóng Việt Nam. Tới giữa thập kỷ 1960, nhiều phần tại các tỉnh phía đông Campuchia được dùng làm những căn cứ cho quân đội Bắc Việt Nam và các lực lượng Việt Cộng (NVA/VC) hoạt động chống lại Nam Việt Nam, cảng Sihanoukville được xây dựng và sử dụng để tiếp tế cho họ. Song song với việc đó là hàng hóa từ Hạ Lào qua đông bắc Campuchia vào Việt Nam. Campuchia trở thành mắt xích quan trọng của các tuyến Đường Hồ Chí Minh, trước năm 1970, phần lớn hàng hóa được chuyển qua đây.

Khi các hoạt động của NVA/VC tăng lên, Hoa Kỳ và Nam Việt Nam bắt đầu lo ngại, và vào năm 1969, Hoa Kỳ bắt đầu một chiến dịch ném bom rải thảm dài mười bốn tháng nhắm vào các cơ sở của NVA/VC khiến nước này rơi vào tình trạng bất ổn định. Hoa Kỳ tuyên bố rằng chiến dịch ném bom chỉ diễn ra ở vùng không lớn hơn mười, và sau này là hai mươi dặm bên trong biên giới Campuchia, các vùng nơi có dân Campuchia sinh sống đã được NVA di tản.[6][7][8]

Những cuộc ném bom này gây ra thương vong rất lớn cho dân Campuchia, vốn không quen với chiến tranh như dân Việt Nam. Hoàn toàn không có việc sơ tán dân như tuyên bố, đơn giản vì quân Mỹ và Nam Việt Nam không đến những vùng bị ném bom, được cho là còn quân Bắc Việt Nam và các lực lượng Việt Cộng (NVA/VC). Từ vị thế trung lập Campuchia bị lôi kéo vào cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Trong suốt thập kỷ 1960, chính trị trong nước Campuchia bị chia rẽ. Chống đối nổi lên bên trong tầng lớp trung lưu và cánh tả gồm cả những lãnh đạo từng được đào tạo ở Pháp như Son Sen, Ieng Sary, và Saloth Sar (sau này được gọi là Pol Pot), những người này đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy dưới sự lãnh đạo bí mật của Đảng cộng sản Campuchia (CPK). Sihanouk gọi những người nổi dậy đó là Khmer Rouge, dịch chính xác là "Khmer đỏ." Nhưng cuộc bầu cử quốc hội năm 1966 cho thấy cánh tả được ủng hộ nhiều hơn, và tướng Lon Nol đã lập ra một chính phủ, tồn tại tới tận năm 1967. Trong giai đoạn 1968 và 1969, cuộc nổi dậy ngày càng tồi tệ. Tháng 8, 1969, tướng Lon Nol lập ra một chính phủ mới. Hoàng tử Sihanouk đi ra nước ngoài để chăm sóc sức khoẻ từ tháng 1 năm 1970.

Cộng hòa Khmer và cuộc chiến

Tháng 3, 1970, khi hoàng tử Sihanouk đang vắng mặt, tướng Lon Nol lật đổ hoàng tử Sihanouk và nắm lấy quyền lực. Sơn Ngọc Thành tuyên bố ủng hộ chính phủ mới. Ngày 9 tháng 10, chế độ quân chủ ở Campuchia bị bãi bỏ, và đất nước được đổi tên thành Cộng hòa Khmer.

Hà Nội từ chối yêu cầu của chính phủ mới đòi họ rút quân. Khoảng từ 2.000-4.000 người Campuchia từng tới Bắc Việt Nam năm 1954 trở về Campuchia, được các binh sĩ Bắc Việt Nam hỗ trợ. Để đáp lại, Hoa Kỳ cung cấp viện trợ vũ khí cho các lực lượng của chính phủ mới, và họ lao vào cuộc chiến chống lại cả những kẻ nổi loạn bên trong và cả những lực lượng Bắc Việt Nam.

Tháng 4 năm 1970, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố với công chúng rằng các lực lượng trên bộ của Mỹ và Nam Việt Nam đã tiến vào Campuchia trong một chiến dịch nhằm tiêu diệt các vùng căn cứ của NVA tại Campuchia (xem Cuộc xâm nhập Campuchia). Người Mỹ ném bom Campuchia trong hơn một năm. Những cuộc phản đối diễn ra tại các trường đại học Mỹ, dẫn tới cái chết của bốn sinh viên tại Kent State, ủng hộ việc rút quân Mỹ khỏi Việt Nam.

Dù một số lượng lớn trang thiết bị đã bị Hoa Kỳ và các lực lượng Nam Việt Nam chiếm được và phá huỷ, chính sách ngăn chặn các lực lượng Bắc Việt vẫn tỏ ra không thành công. Quân Bắc Việt di chuyển sâu hơn vào bên trong Campuchia để tránh các cuộc hành quân của Hoa Kỳ và Nam Việt Nam. Các đơn vị NVA tràn qua các vị trí quân sự của Campuchia trong khi CPK mở rộng các cuộc tấn công quy mô nhỏ vào những đường thông tin liên lạc.

Trong ban lãnh đạo Cộng hòa Khmer có tình trạng không thống nhất giữa ba thành viên chính: Lon Nol, Sirik Matak anh em họ của Sihanouk, và lãnh đạo Quốc hội In Tam. Lon Nol vẫn nắm quyền lực một phần nhờ bởi không có ai đã được chuẩn bị để thế chỗ ông. Năm 1972, một hiến pháp ra đời, nghị viện được bầu ra, và Lon Nol trở thành tổng thống. Nhưng tình trạng không thống nhất, những vấn đề về việc nâng lực lượng quân đội 30.000 người lên hơn 200.000, và tình trạng tham nhũng tràn lan làm suy yếu chính quyền hành chính và quân đội.

Cuộc nổi dậy của những người cộng sản bên trong Campuchia tiếp tục lớn mạnh, và được cung cấp trang bị cũng như ủng hộ quân sự từ phía Bắc Việt Nam. Pol Pot và Ieng Sarynắm được quyền lãnh đạo lực lượng cộng sản do người Việt Nam đào tạo, nhiều người trong số đó đã bị thanh lọc. Cùng lúc đó các lực lượng của Đảng cộng sản Campuchia trở nên mạnh hơn và độc lập hơn khỏi quyền kiểm soát của người Việt Nam. Tới năm 1973, CPK đã đánh những trận lớn chống lại các lực lượng chính phủ mà không cần hoặc có rất ít sự hỗ trợ từ phía quân Bắc Việt Nam, họ kiểm soát gần 60% lãnh thổ Campuchia và 25% dân số.

Chính phủ đã ba lần nỗ lực đàm phán với những người nổi dậy nhưng không mang lại kết quả, nhưng tới năm 1974, CPK đã hoạt động thành những nhóm tách biệt với nhau và một số lực lượng Bắc Việt Nam đã chuyển vào trong Nam Việt Nam. Quyền kiểm soát của Lon Nol bị giảm xuống chỉ còn những vùng bao quanh thành phố và những đường vận chuyển chính. Hơn hai triệu người tị nạn chiến tranh sống ở Phnom Penh và các thành phố khác.

Vào ngày đầu năm 1975, quân cộng sản tung ra một cuộc tấn công kéo dài 117 ngày và vô cùng ác liệt làm sụp đổ chính quyền Cộng hòa Khmer. Những cuộc tấn công đồng thời xung quanh vành đai Phnom Penh ghìm chặt các lực lượng cộng hòa, trong khi các đơn vị của CPK vượt qua và chiếm quyền kiểm soát vùng tiếp tế chiến lược là hạ lưu sông Cửu Long. Chiến dịch không vận cung cấp vũ khí và lương thực do Hoa Kỳ thực hiện đã chấm dứt khi Quốc hội nước này từ chối viện trợ thêm cho Campuchia. Phnom Penh và các thành phố khác bị tấn công bằng rocket hàng ngày gây ra thương vong cho hàng nghìn thường dân. Chính phủ Lon Nol đầu hàng ngày 17 tháng 4, 5 ngày sau khi phái đoàn Hoa Kỳ rời khỏi Campuchia.

Campuchia dân chủ (1975-1979)

Ngay sau khi giành chiến thắng, CPK ra lệnh sơ tán dân ra khỏi tất cả các thành phố và thị trấn, đưa những người dân thành thị tới những vùng nông thôn để làm việc như những nông dân, bởi vì CPK đang muốn tái lập lại xã hội thành một hình thức mà Pol Pot đang thai nghén.

Hàng ngàn người đã chết đói và chết vì bệnh tật trước khi CPK giành được chính quyền. Hàng ngàn người chết đói hay chết vì bệnh tật trong thời gian tản cư sau đó và vì những hậu quả của nó. Nhiều người trong số đó bị buộc phải rời khỏi các thành phố và định cư tại những ngôi làng mới được lập nên, thiếu lương thực, dụng cụ lao động và chăm sóc y tế. Nhiều người từng sống trong các thành phố nên đã đánh mất khả năng tự kiếm sống để tồn tại trong môi trường nông nghiệp. Hàng ngàn người chết đói trước khi mùa màng được thu hoạch. Thiếu ăn và suy dinh dưỡng - ở bờ vực của nạn đói – là điều xảy ra liên tục trong nhiều năm. Đa số các lãnh đạo quân sự và dân sự của chế độ cũ, những người không thể che giấu được nhân thân của mình đã bị hành quyết.

Bên trong CPK, những lãnh đạo từng được đào tạo tại Pháp -Pol Pot, Ieng Sary, Nuon Chea, và Son Sen— nắm quyền lực. Một hiến pháp mới vào tháng 1 năm 1976 biến nước Campuchia dân chủ thành một nước Dân chủ nhân dân cộng sản, và một quốc hội gồm 250 thành viên đại diện cho Nhân dân Campuchia (PRA) được chọn ra vào tháng 3 để lựa chọn một kiểu lãnh đạo nhà nước tập thể, chủ tịch của ban lãnh đạo đó trở thành nguyên thủ quốc gia.

Hoàng tử Sihanouk từ chức nguyên thủ quốc gia ngày 4 tháng 4. Vào ngày 14 tháng 4, sau khoá họp đầu tiên, PRA thông báo rằng Khieu Samphan sẽ làm chủ tịch hội đồng lãnh đạo quốc gia trong nhiệm kỳ 5 năm. Nó cũng lựa chọn ra 15 thành viên chính phủ do Pol Pot lãnh đạo với chức vụ Thủ tướng. Hoàng tử Sihanouk bị quản thúc tại gia.

Chính phủ mới tìm cách tái cơ cấu hoàn toàn lại xã hội Campuchia. Những tàn tích của xã hội cũ bị xoá bỏ và tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo và Thiên chúa giáo, bị đàn áp. Nông nghiệp được hợp tác hóa, và những gì còn sót lại của các cơ sở công nghiệp đều bị vứt bỏ hay bị đưa vào dưới quyền kiểm soát của nhà nước. Campuchia không có hệ thống tiền tệ cũng như hệ thống ngân hàng.

Cuộc sống dưới chính quyền Campuchia dân chủ rất ngặt nghèo và bạo tàn. Ở nhiều vùng trong nước, người dân bị bố ráp và bị hành quyết vì tội nói tiếng nước ngoài, đeo kính, bới rác kiếm thức ăn, và thậm chí là than khóc khi có người thân qua đời. Những doanh nghiệp và các quan chức thời trước bị săn đuổi một cách tàn nhẫn và bị giết chết cùng toàn bộ gia đình họ. Khmer đỏ sợ rằng những người đó có lòng tin là họ có thể sẽ đứng lên phản đối lại chế độ của chúng. Một số kẻ trung thành với Khmer đỏ thậm chí còn bị giết vì tội không thể kiếm đủ số "phản cách mạng" để hành quyết.

Chưa có những ước tính chính xác về số lượng người đã chết trong giai đoạn 1975 và 1979, nhưng có lẽ hàng trăm ngàn người đã bị hành quyết một cách tàn nhẫn bởi chính quyền Khmer đỏ. Hàng trăm ngàn người chết vì đói và bệnh tật (cả dưới thời Khmer đỏ và thời cai trị của Việt Nam từ năm 1978). Một số ước tính về số người chết nằm trong khoảng từ 1 đến 3 triệu người, trong tổng số dân năm 1975 của nước này là 7,3 triệu. Theo ước tính của CIA, có chừng 50.000-100.000 đã bị hành quyết, cùng với khoảng 1,2 triệu người bị chết từ năm 1975 đến năm 1979.[9]

Quan hệ của nước Campuchia dân chủ với Việt Nam và Thái Lan trở nên xấu đi nhanh chóng vì các cuộc xung đột biên giới và khác biệt về ý thức hệ. Mặc dù theo chủ nghĩa cộng sản, CPK có tư tưởng dân tộc rất nặng, và thanh trừng đa số các thành viên của họ từng sống tại Việt Nam. Campuchia dân chủ thiết lập những mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, và cuộc xung đột Campuchia-Việt Nam đã trở thành một phần của sự đối đầu giữa Trung Quốc và Liên Xô trong đó Moskva hỗ trợ Việt Nam. Các cuộc xung đột biên giới ngày càng tệ hại khi Campuchia dân chủ tấn công quân sự vào các làng mạc nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Tháng 12 năm 1977, Campuchia chấm dứt quan hệ ngoại giao với Hà Nội, buộc tội Việt Nam có mưu đồ thành lập một Liên bang Đông Dương. Giữa năm 1978, các lực lượng Việt Nam tấn công Campuchia, tiến sâu khoảng 30 km rồi rút lui trước khi mùa mưa diễn ra.

Lý do để Trung Quốc ủng hộ CPK là vì họ muốn ngăn chặn phong trào liên kết toàn thể Đông Dương nhằm giữ vững ưu thế quân sự của mình trong vùng. Liên Xô ủng hộ mạnh mẽ cho Việt Nam để giữ một mặt trận thứ hai chống lại Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột giữa họ với Trung Quốc và ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Từ khi Stalin qua đời, các quan hệ giữa nước Trung Quốc của Mao Trạch Đông và Liên Xô trở nên lạnh nhạt hơn bao giờ hết. Cuối thập niên 1970 và đầu 1980, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã xảy ra một cuộc chiến tranh ngắn về vấn đề này.

Cộng hòa Nhân dân Campuchia (1979 - 1993)

Tháng 12, 1978, Việt Nam thông báo thành lập Mặt trận Campuchea thống nhất bảo vệ quốc gia (KUFNS) dưới sự lãnh đạo của Heng Samrin, một cựu chỉ huy trong quân đội Campuchia dân chủ. Nó bao gồm những người Khmer cộng sản còn ở lại Việt Nam sau năm 1975 và các viên chức ở khu vực phía đông – như Heng Samrin và Hun Sen – người từng chạy sang Việt Nam từ Campuchia năm 1978. Cuối tháng 12 năm 1978, các lực lượng Việt Nam tấn công tổng lực vào Campuchia, chiếm Phnom Penh vào ngày 7 tháng 1, đuổi những tàn quân của nước Campuchia dân chủ chạy về phía tây sang Thái Lan.

Được Việt Nam hậu thuẫn, ngày 8 tháng 1 năm 1979 Hội đồng Nhân dân Cách mạng nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia do Heng Samrin làm Chủ tịch đã được thành lập. Tuy vậy chính quyền này chỉ được một số nước cộng sản công nhận và chưa tự bảo vệ được mà vẫn cần đến sự có mặt của quân đội Việt Nam. Năm 1981, Cộng hòa Nhân dân Campuchia tổ chức bầu quốc hội và ban hành hiến pháp.

Trong thời gian này, Campuchia dân chủ của Khmer Đỏ vẫn giữ được ghế đại diện cho Campuchia ở Liên Hiệp Quốc.

Năm 1989, Việt Nam hoàn thành việc rút quân khỏi Campuchia. Các nỗ lực khôi phục hòa bình diễn ra sôi động trong thời gian 1989 và 1991 với hai hội nghị quốc tế ở Paris, và một phái đoàn gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc giúp đỡ duy trì ngừng bắn.

Ngày 23 tháng 10 năm 1991, Hội nghị Paris tái họp để ký kết một thỏa ước tổng thể, trao cho Liên Hiệp Quốc quyền giám sát ngừng bắn, hồi hương người tị nạn Khmer dọc theo biên giới Thái Lan, giải giáp và giải ngũ các phe xung đột, chuẩn bị tiến hành bầu cử tự do. Hoàng thân Sihanouk, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Tối cao Campuchia (SNC), và các thành viên khác của SNC trở về Phnom Penh tháng 11 năm 1991, bắt đầu quá trình hòa giải tại Campuchia. Phái đoàn Tối cao Liên Hiệp Quốc về Campuchia (UNAMIC) được triển khai cùng thời gian đó để duy trì liên lạc giữa các phe phái, bắt đầu các chiến dịch tháo mìn và đưa người tị nạn, khoảng 370 ngàn người, trở về từ Thái Lan.

Trong cuộc bầu cử do Liên Hiệp Quốc tổ chức năm 1993, có hơn 4 triệu người Campuchia (chừng 90% số người trong độ tuổi bầu cử) bỏ phiếu, mặc dù Khmer Đỏ, vốn không chịu giải giáp và giải ngũ, tìm cách đe dọa và ngăn chặn một số người tham gia bầu cử. Đảng FUNCINPEC của hoàng thân Ranariddh nhận được nhiều phiếu nhất, khoảng 45,5% số phiếu, tiếp theo là đảng Nhân dân của Hun Sen, rồi đến đảng Dân chủ Tự do Phật giáo. Đảng FUNCINPEC tiếp đó thành lập chính phủ liên minh với các đảng phái tham gia bầu cử, với quốc hội gồm 120 thành viên. Quốc hội thông qua hiến pháp mới ngày 24 tháng 9, theo đó Campuchia sẽ là một quốc gia quân chủ lập hiến, đa đảng, tự do, với cựu hoàng thân Sihanouk được đưa lên làm vua trở lại. Hoàng thân Ranariddh và Hun Sen trở thành Thủ tướng thứ nhất và thứ hai, trong chính phủ Hoàng gia Campuchia (RGC).

Vương quốc Campuchia (1993 - hiện tại)

Đảng Nhân dân Campuchia - CPP dần dần dẹp yên Khmer đỏ và thanh trừng các thành phần Hoàng Gia chống đối. Các lực lượng Khmer đỏ cuối cùng phải đầu hàng năm 1998. Sau các cuộc xung đột vũ trang giữa các đảng kình địch nhau khiến hơn 100 người chết, Hun Sen tiến hành đảo chính giành chính quyền, hoàng thân Norodom Ranarit bị phế truất, và Hun Sen trở thành Thủ tướng duy nhất.

Giới lãnh đạo đảng FUNCINPEC quay trở lại Cambodia sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 1998. Trong cuộc bầu cử đó, đảng CPP giành được 41% số phiếu, đảng FUNCINPEC được 32%, và đảng của Sam Rainsy (SRP) được 13%. Do tình hình bạo lực chính trị và việc thiếu tiếp cận từ giới truyền thông, nhiều quan sát viên quốc tế cho rằng có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong cuộc bầu cử. Đảng CPP và FUNCINPEC lập một chính phủ liên hiệp mới, trong đó CPP đóng vai trò đối tác chính.

Do tình hình sức khỏe ngày càng kém đi, năm 2004, vua Sihanouk tuyên bố thoái vị, ở lại Bắc Kinh và Bình Nhưỡng để chữa bệnh. Hoàng thân Norodom Sihamoni được truyền ngôi và trở thành vua mới của Campuchia.

Ngày 4 tháng 10 năm 2004, Quốc hội Campuchia phê chuẩn thỏa thuận với Liên Hiệp Quốc về việc thiết lập một tòa án xét xử tội ác của các quan chức cao cấp Khmer đỏ. Các quốc gia bảo trợ cam kết tài trợ 43 triệu USD tài chính cho tòa án, dự kiến kéo dài trong 3 năm, trong khi chính quyền Campuchia cũng đóng góp phần của mình là 13,3 triệu USD. Tòa án dự kiến sẽ bắt đầu xét xử các quan chức cấp cao của Khmer đỏ vào năm 2008.

Xem thêm

• Lịch sử Đông Nam Á
• Lịch sử châu Á
• Lịch sử các nước hiện nay
Ghi chú

1. ^ a ă P.Pelliot, Le Fou Nan, Hanoi 1903
2. ^ Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc tới TK X-Phần Quốc gia cổ Phù Nam-Nguyễn Cảnh Minh p.148-149
3. ^ Sambór Prei Kuk, K.440
4. ^ Những mẩu chuyện Lịch sử Thế giới tập II-Đặng Đức An p 265
5. ^ a ă Bài giới thiệu Một cái nhìn về lịch sử Campuchia của giáo sư sử học "Ralph Smith" (1939-2000), trên BBC Việt ngữ
6. ^ Davidson, Phillip B. Vietnam at War: The History 1946-1975. 1988. P. 593
7. ^ In October 40.000 North Vietnamese soldiers entered Central Cambodia with Sihanouk's approval.
8. ^ The Encyclopedia of World History. Ed. Peter N. Stearns. 2001. P. 1012
9. ^ “The Cambodian Genocide Program”. Genocide Studies Program. Yale University. 1994-2008. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2008. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
Tham khảo
• Lịch sử các nước Asean, Nhà xuất bản Trẻ 2003
• Tìm hiểu lịch sử các nước Đông Nam Á, Nhà xuất bản Hà Nội 2008
• State Department Background Note: Cambodia
• Summary of UNTAC mission [1]
• Bài viết này kết hợp các tài liệu thuộc phạm vi công cộng từ website hay thư mục thuộc Library of Congress Country Studies.
• Mekong Network


Xem…cho Zui
Lịch sử Campuchia (1431-1863)

Giai đoạn từ năm 1431 đến năm 1863 trong lịch sử Campuchia được gọi là thời kỳ Hậu Angkor. Năm 1431 là năm quân Ayutthaya (của người Thái) đã chiếm được kinh đô Angkor của Đế quốc Khmer (đã suy thoái), đốt phá nó, đánh dấu sự chấm dứt của giai đoạn Đế quốc Khmer trong lịch sử Campuchia. Còn năm 1863 là năm mở đầu thời kỳ Campuchia trở thành thuộc địa của Pháp. Đặc trưng của giai đoạn này là những cuộc xung đột nội bộ tranh giành ngôi vua ở Campuchia và nỗ lực của quốc gia này để tồn tại giữa hai đế quốc hùng mạnh của người Thái ở phía Tâyvà người Việt ở phía Đông.

Kháng cự Ayutthaya

Tuy vào năm 1431, quân Ayutthaya chiếm và cướp phá kinh đô Angkor, nhưng người Khmer không dễ khuất phục. Họ đã kháng cự mãnh liệt. Vua Khmer lúc đó là Borommaracha II đã thành lập kinh đô mới, ban đầu ở Srei Santhor, rồi sau đó là Charktomok (phía Nam Phnom Penh ngày nay). Khi vua Ayutthaya là Paramaraja II lập con trai mình là Indrapath làm vua Campuchia, người Khmer đã ám sát Indrapath. Cuộc kháng chiến chống quân Ayutthaya của người Khmer tiếp tục không ngừng.

Đến năm 1510, vua Khmer là Srei Sokunbat đã giải phóng được gần hết các khu vực trung tâm của đế quốc Khmer xưa. Tuy nhiên, sau khi Srei Sokunbat qua đời, Campuchia đã rơi vào một cuộc nội chiến tranh giành ngôi vua giữa Ponhea Chan (xưng vương hiệu là Borommaracha III) và Sdech Kan (xưng là Chey Chettha Thirach). Chettha Thirach đóng đô ở Charktomok. Còn Borommaracha III lập đô ở Lovek (vào khoảng giữa Charktomok và góc phía Nam của hồ Tonle Sap. Kết cục của cuộc chiến là Borommaracha III thắng lợi.

Những nhà thám hiểm phương Tây tới Campuchia thời kỳ này đã ghi chép lại rằng những người Khmer là những chiến sĩ, đặc biệt là vua của họ rất hiếu chiến, sẵn sàng chiến đấu với ngoại bang. Campuchia khi đó vẫn thực sự là một cường quốc quân sự và không chịu làm chư hầu cho nước nào. Suốt 50 năm kể từ khi Campuchia tự giải phóng khỏi Ayutthaya, giữa hai nước vẫn tiến hành các cuộc tấn công qua lại.

Những nhà thám hiểu, nhà truyền giáo, thương gia phương Tây còn miêu tả về kinh đô Lovek của Campuchia như một thành phố đông dân, thịnh vượng. Campuchia sản xuất nhiều gạo, thịt, rượu, cá khô. Các sản vật có giá hấp dẫn các thương gia ngoại quốc là đá quý, kim loại quý, lụa, bông, ngà voi, sừng tê giác, hương liệu, đồ sơn, và cả súc vật (voi). Thương gia Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Mã Lai, Nhật Bản, A Rập đã lập thương điếm ở Lovek. Sự thịnh vượng của Campuchia khi đó đã hấp dẫn những kẻ thực dân phương Tây. Người Tây Ban Nha khi đó đã chiếm được Philippines vẫn kể về Campuchia như là một quốc gia quan trọng hàng đầu ở Viễn Đông xét về mặt thương mại. Do đó, khi vào năm 1593, vua Campuchia là Chey Chettha I (1586–1593) đề nghị toàn quyền Philippines giúp mình đối phó với Ayutthaya. Vị toàn quyền người Tây Ban Nha đã phái 120 binh sĩ sang Campuchia giúp; nhưng khi đến nơi thì Lovek đã rơi vào tay người Thái.

Chư hầu của Ayutthaya

Năm 1593, Ayutthaya lần nữa đánh bại Campuchia, tàn phá Lovek. Người Thái bắt hàng nghìn thợ thủ công, học giả, nghệ sĩ và tu sĩ Khmer đem về kinh đô Ayutthaya, khiến cho Campuchia suy thoái nghiêm trọng. Từ đó, Campuchia trở thành một chư hầu của Ayutthaya suốt khoảng 30 năm, kinh đô đóng ở Srey Santhor (vị trí của huyện Srey Santhor, tỉnh Kampong Cham ngày nay) ở hữu ngạn sông Mê Kông.

Kẹp giữa Đại Việt và Ayutthaya

Ở phía Đông của Campuchia, người Việt chậm rãi nhưng vững chắc Nam tiến. Họ thôn tính dần và cuối cùng tiêu diệt Champa, quốc gia từng là kình địch của Campuchia. Campuchia chịu thêm một sức ép lớn nữa từ Đại Việt, bên cạnh Ayutthaya. Trong khi đó, nội bộ Campuchia thường xuyên mâu thuẫn và có sự tranh giành ngôi báu. Các phe phái tranh chấp thường dựa vào sự chi viện của hoặc người Thái hoặc người Việt. Nhiều lần, quân đội Đại Việt và quân đội Ayutthaya thâm nhập Campuchia để đưa người mà mình ủng hộ lên ngôi, thậm chí giữa hai quân đội đã có giao chiến ngay tại Campuchia.

Năm 1620, vua Chey Chettha II kết thân với chúa Nguyễn ở Đàng Trong và lấy con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên là Công nữ Ngọc Vạn. Chey Chettha II dời đô đến Oudong Meanchey. Những sự kiện này mở ra cơ hội cho người Việt bắt đầu thâm nhập vào đồng bằng châu thổ sông Mê Kông vốn ban đầu thuộc Campuchia. Vào khoảng năm 1623, Chey Chettha II cho phép chúa Nguyễn mở một đồn thu thuế ở Prey Nokor (vị trí thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng gần thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).

Năm 1628, vua Chey Chetta II từ trần, triều đình Chân Lạp liên tục xảy ra các cuộc tranh chấp ngôi giữa những hoàng thân. Prea Outey là em ruột của Chey Chetta II, giữ chức Giám quốc (ab joréach). Chan Ponhéa Sô, con trai cả của Chey Chetta II, lên ngôi vua gia đoạn 1629-1632. Prea Outey giết vua cháu Chan Ponhéa Sô do phát hiện vua cùng vợ mình là Ang Vodey lén hẹn gặp nhau ở 1 buổi săn bắn.

Người con thứ hai của Chey Chetta II được đưa lên ngôi với vương hiệu là Ponhea Nu ở ngôi 1632–1640. Năm 1640, Ponhea Nu đột ngột băng hà, phụ chính Preah Outey liền đưa con ruột của mình lên ngôi, tức quốc vương Ang Non I. Nhưng Ang Non I cũng chỉ làm vua được hai năm (ở ngôi: 1640-1642) thì bị người con thứ ba của Chey Chetta II là Chau Ponhea Chan (húy là Ang Chan, sách Đại Nam thực lục gọi là Nặc Ông Chân[1]) giết chết cả chú Préah Outey và Ang Non I để giành lại ngôi vua.

Cuộc biến loạn này của Nặc Ông Chân dựa vào một số người Chăm và người Mã Lai. Ông cưới một công chúa người Mã Lai theo đạo Hồi (Islam) làm Hoàng hậu và nhà vua cũng bỏ quốc giáo (Phật giáo Tiểu thừa) để theo đạo của vợ. Điều này cùng với việc cho người Mã Lai và người Chăm được nhiều ưu đãi, đã gây bất bình trong giới hoàng tộc và dân chúng Chân Lạp. Nặc Ong Chân xưng là Ramathipadi I, sau đó đổi thành Ibrahim, ở ngôi: 1642-1659.

Năm 1658, con của Preah Outey là Ang Sur và Ang Tan dấy binh chống lại Nặc Ông Chân nhưng thất bại. Nghe lời khuyên của Thái hậu Ngọc Vạn, Sur và Ang Tan cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần liền sai Phó tướng dinh Trấn Biên (Phú Yên) là Nguyễn Phước Yến dẫn 3.000 quân đến thành Hưng Phước (bấy giờ là Mỗi Xuy, tức Bà Rịa), phá được thành rồi tiến vào bắt Nặc Ông Chân bỏ vào cũi đem về giam ở Quảng Bình.

Năm sau (1659), Nặc Ông Chân chết[2] chúa Nguyễn phong cho Sur làm vua Chân Lạp, hiệu là Batom Reachea (ở ngôi: 1660-1672). Từ đó, lưu dân Việt đến Gia Định, Mỗi Xuy (Bà Rịa), Biên Hòa ngày càng đông để khai khẩn đất đai.

Năm 1672, vua Barom Reachea VIII bị một người vừa là rể vừa là cháu là Chey Chetta III giết chết, em là Ang Tan (Nặc Ông Tân) chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Nhưng ngay sau đó Chey Chetta III cũng bị người của Nặc Ông Chân sát hại.

Ang Chea hiệu là Keo Fa II (Nặc Ông Đài) (1673-1674) là con trai đầu của vua Batom Reachea lên ngôi. Nội bộ Chân Lạp lại xảy ra mâu thuẫn giữa Ang Chea và Ang Tan. Ang Chea cho đắp thành lũy ở địa đầu Mỗi Xuy, nhờ Xiêm cứu viện để chống lại chúa Nguyễn.

Bị quân Xiêm đánh đuổi, Ang Tan cùng cháu là Ang Nan (Nặc Ông Nộn[3]) chạy sang Sài Gòn kêu cứu chúa Nguyễn. Năm 1674, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ Nguyễn Dương Lâm và Tham mưu Nguyễn Đình Phái chia quân làm hai cánh cùng tiến lên Chân Lạp. Nặc Ông Đài bỏ thành Nam Vang chạy vào rừng, để rồi bị thuộc hạ đâm chết.

Campuchia bị chia làm hai nửa. Nửa phía Đông do Nặc Ông Nộn làm Đệ nhị vương hiệu là Padumaraja, đóng đô ở khu vực gò Cây Mai (thuộc Sài Gòn, nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), với sự hậu thuẫn của chúa Nguyễn. Nửa phía Tây do Chính vương Chey Chettha IV (Ang Sor hay Nặc Ông Thu (1656-1725) là con của Barom Reachea VIII) cai quản, đóng đô ở Phnôm Pênh (Nam Vang).

Chúa Nguyễn cho lập quân đồn, danh nghĩa để bảo vệ Nặc Ông Nộn, nhưng thực chất là để bảo vệ người Việt vào khai khẩn, buôn bán. Năm 1679, chúa Nguyễn bận đối phó với chúa Trịnh, nên đã tạo điều kiện cho khoảng 3 nghìn người nhà Minh (Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên) chạy nạn vào khai khẩn ở nơi nay là Biên Hòa và Mỹ Tho. Về thực chất, vùng châu thổ sông Mê Kông vốn thuộc Campuchia đã bị nhà Nguyễn kiểm soát.

Những năm cuối của thế kỷ 17, khi chúa Nguyễn cho lập phủ Gia Định và một số đơn vị hành chính khác của Đại Việt xung quanh, Chey Chettha IV nổi giận chống lại Đại Việt, nhưng thất bại.[4]

Con vua Chey Chettha IV là Thommo Reachea III (1690-1747) (húy là Ang Tham, Việt Nam gọi là Nặc Thâm) lên nối ngôi. Thommo Reachea III nhờ Ayutthaya giúp mình chống lại Ang Em (1672-1696) (con của Ang Nan và là con rể của Chey Chettha IV, sau thành vua Keao Fa III, Việt Nam gọi là Nặc Yêm). Việc này dẫn tới cuộc xung đột giữa quân Đại Việt và quân Ayutthaya.

Nửa đầu thế kỷ 18 chính là thời kỳ Đại Việt (ủng hộ Ang Em) và Ayutthaya (ủng hộ Ang Tham) can thiệp sâu vào chính sự của Campuchia, tìm cách đưa người của mình làm vua Campuchia.

Satha II (1702-1749) (Nặc ông Tha) sau đó lên nối ngôi cha là Ang Em. Nặc ông Tha sau đó lại bị cha con Ang Tham và Ang Snguon (có quân Xiêm hỗ trợ) đuổi đánh rồi chết ở Gia Định. Ang Snguon (Nặc Ông Nguyên) lên ngôi hiệu là Chey Chettha VII (1709-1755). Nặc Nguyên lại chống chúa Nguyễn, sau bị thua phải dâng hai phủ là Tầm Bôn (Tầm Đôn) và Lôi Lạp (nay là Tân An và Gò Công) để tạ tội.

Năm 1757 Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận làm giám quốc. Nặc Nhuận (Neac Ang Nhuan) xin hiến đất Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắc (Sóc Trăng, Bạc Liêu) để cầu được chúa Võ Vương phong làm Vua. Song không lâu, Nhuận bị rể là Nặc Hinh nổi loạn giết chết cướp ngôi (1758).

Con của Nhuận là Ang Ton (Nặc Tôn) chạy qua Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ che chở và cầu cứu với chúa Nguyễn.

Năm 1757, Nặc Tôn được chúa Nguyễn giúp lên làm vua Chân Lạp. Nặc Tôn dâng đất Tầm-phong-long để tạ ơn chúa Nguyễn.

Ang Non II (Nặc Non), con trai của Satha II, theo phe Xiêm và Tây Sơn để tranh ngôi với Nặc Tôn (phe chúa Nguyễn).

Năm 1769, vua Xiêm mới lên ngôi là Taksin sai binh đưa Nặc Ong Non về đánh lấy lại Cao Miên nhưng việc không thành, bèn đến phủ Lò Gò Vật đánh cướp rồi trở lui.

Năm 1771, quân Xiêm sang tập kích phủ Nam Vang bắt mất dân hơn vạn người, lại gặp lúc đang xảy ra đại dịch bệnh nên xứ này bị tổn thất rất nặng. Riêng ở Đàng Trong, quyền thần Trương Phúc Loan lộng hành, khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, khiến cho sự can thiệp của chúa Nguyễn lên Chân Lạp càng suy giảm.

Năm 1775, Ang Non (hiệu là Ramraja) làm đệ nhất vương và người em Ang Ton sẽ làm đệ nhị vương (hiệu là Maha Uparayoj hoặc Narairaja). Một vị hoàng tử khác là Nak Ong Tham (Tam) làm Maha Uparat (nhiếp chính) cho cả hai vị vua. Thỏa hiệp này không làm thỏa mãn các bên.

Tam sau đó bị ám sát, trong khi đệ nhị vương Ton đột ngột từ trần (có thể do bị đầu độc).

Cho rằng quốc vương Ramraja phải chịu trách nhiệm về những việc này, nhiều quan chức cao cấp dưới quyền lãnh đạo của hoàng tử Talaha (Mu hoặc Fa Thalaha) nổi loạn, bắt Ramraja bỏ vào lồng sắt và ném xuống sông vào năm 1780. Talaha đưa Ang Eng (Nặc Ấn hoặc Nặc Ong In - con Ang Ton) mới bốn tuổi làm quốc vương, còn bản thân thì làm nhiếp chính, song ông ra nghiêng quá nhiều về phía chúa Nguyễn, do đó xung đột với chính sách của Taksin là ủng hộ một nhân vật thân Xiêm trên vương vị Cao Miên.

Năm Tân Sửu (1781), vua Xiêm La là Taksin[5] chia quân làm 3 đạo, sai con là Chiêu Nỗi (Intarapitak) đánh phủ La Vách, tướng Phi nhã Chất Tri đánh phủ Lò Gò Vật, Phi nhã Sô Sĩ (em ruột Chất Tri) đánh lộ Phong Xoài. Chân Lạp xin viện binh Đại Việt, Nguyễn Ánh sai quan Chưởng cơ là Nguyễn Hữu Thoại và Hồ Văn Lân đem 3.000 quân sang cứu.

Tháng 3 năm Nhâm Dần (1782), Hữu Thoại cùng hai tướng Xiêm La giảng hòa rồi cùng phân địa giới nước Xiêm La, Chân Lạp, xong thì đem quân trở về. Chất Tri sau đó về Xiêm, giết vua Taksin và đoạt ngôi, xưng là Rama I.

Năm Quý Mão (1783), cựu thần của Nặc Ong Vinh là Ốc nha Nhum Rạch Bèn từ nước Xiêm trở về giết Chiêu trùy Mô và Tham Đích Sưu, Nhum Rạch Bèn còn tự xưng là Chiêu trùy.

Năm ấy có người Đồ Bà (có thể là cướp biển người Java) là Toàn Sét Cháu Voi Vuốt khởi loạn, Nặc Ấn (Ang Eng) và Chiêu trùy Bèn[6] chạy sang Xiêm La. Chất Tri (Rama I) sau đó giữ Ang Eng ở lại Vọng Các làm con nuôi, sai Chao Phraya Abhaya Bhubet (Chiêu Thùy Biện) qua làm chức nhiếp chính vương Chân Lạp.

Năm Giáp Dần (1784), Chao Phraya Abhaya Bhubet giết được Toàn Sét, viện binh của Xiêm La quét sạch luôn bè đảng quân Đồ Bà.

Năm Ất Tỵ, (1785) Đô úy Trấn của Tây Sơn đánh cướp phủ Nam Vang.

Năm 1794, Rama I rút Chiêu Thùy Biện về giữ tỉnh Bắc Tầm Bôn, cho Ang Eng trở về Chân Lạp để lên ngôi quốc vương, hiệu là Narairaja III. Các đất Xiêm Riệp, Battambang và các vùng phía Tây Chân Lạp đều thuộc về Xiêm La quản lý.

Năm 1796, Ang Eng mất, con là Ang Chan (Nặc Ong Chân, Nặc Chăn) còn nhỏ, mới khoảng hơn 4 tuổi, nhân đó vua Xiêm Rama I không đưa Ang Chan lên ngôi. Thay vào đó, vua Xiêm cử quan bảo hộ tên là Pok, thay cho cựu nhiếp chính Bên (Bhubet, Chiêu thùy Biện), sang Cao Miên cai trị trong 10 năm.

Năm 1806, sau khi Pok chết, triều đình Xiêm La mới chấp nhận đưa Ang Chan về nước để lên ngôi vua Cao Miên. Trước đó, năm 1802, Nguyễn Ánh đã đánh bại Tây Sơn, thống nhất Đại Việt. Nặc Chăn sau đó không muốn theo Xiêm La nữa mà sai sai sứ thần là Ốc nha Bôn Lịch đến xin được thần phục vua Gia Long nước Việt Nam.

Năm 1807, Gia Long phong cho Nặc Chăn làm Quốc vương Cao Miên rồi sai Ngô Nhơn Tĩnh, Trần Công Đàn làm Chánh phó sứ mang sắc phong và ấn mạ vàng có núm hình lạc đà đến Chân Lạp, làm lễ sách phong, rồi định ra lệ cống tiến mỗi 3 năm 1 lần, lấy năm 1807 làm đầu.

Vật cống gồm: 2 thớt voi đực (mỗi con cao trên 5 thước ta), 2 sừng tê, 2 ngà voi, 50 cân đậu khấu, (từ đây trở xuống mỗi thứ thêm 5 cân) 50 cân sa nhân, 50 cân sáp vàng, 50 cân tử ngạnh, 50 cân trần hoàng, 20 vò ô tất. Sứ bộ gồm một Chánh sứ, 1 Phó sứ, 2 thông ngôn, 6 tùy tùng, cộng [17b] lại là 10 người. Đến kỳ dâng biểu và vật cống, vào tháng 4 đoàn sứ phải đến thành Gia Định để trình kiểm phẩm vật, sau khi được xem xét xong thì ủy cho người dẫn theo đường trạm hộ tống đến kinh để nộp, còn những việc cung đốn khoản đãi thì đã có cơ quan bộ Lễ cứ theo lệ mà làm.

Năm 1809, vua Xiêm La Rama II lên ngôi. Vua Xiêm đưa em của Nặc Ong Chân là Nặc Ong Nguyên (Ang Suguon), Nặc Ong Yêm[7] và Nặc Ông Đôn (Ang Duong)[8] về Cao Miên rồi lệnh cho Nặc Ong Chăn phải chia đất ấy ra cho Nguyên làm Nhị vương và Em làm Tam vương.

Nặc Ong Chân còn chưa chịu thi hành thì vừa gặp lúc tháng 8 niên hiệu Gia Long thứ 8 (1809), vua Xiêm gửi trát nói rằng Xiêm La có chiến sự với Miến Điện ở vùng Xa Lãng[9], nên bắt phải mang một vạn binh Chân Lạp, nhưng phải có đủ 3.000 binh đi trước theo đường biển đến thành Vọng Các [10] để chờ lệnh sai khiến.

Nhưng số lính chưa kịp xuất phát thì vào ngày 13 tháng ấy, Ốc nha Cao la hâm Mang[11] và Ốc nha Ca tri [12] Bèn (hai người này vốn phụng mệnh vua Xiêm làm phụ thần cho vua Cao Miên) mưu làm phản, chúng bị Nặc Ong Chân giết, đồ đảng là Đê Đô Minh chống lại và chiếm lấy phủ Phong Xoài. Quan A phi phù biệt [13] Bèn lo đắp đồn Tầm Bôn có ý muốn hại Nặc Ong Chân.

Ngày mùng 8 tháng 11 mùa đông, Gia Long ra chiếu cho Khâm sai Tổng trấn Chưởng Chấn võ quân Nhơn Quận công[14] đích thân đem đại binh đi kinh lược Cao Miên để gây thế bảo hộ cho nước ấy.

Lúc ấy tướng Xiêm là Phi nhã Rồng Mang, Phi nhã Na Trật và Phi nhã Ba Lạc Ân Gò Rạch đem đại binh đến đóng ở Bắc Tầm Bôn. Nặc Ong Chăn xin binh bảo hộ. Ngày mùng 7 tháng 12, Nhơn Quận công tiến quân đến dinh La Vách (chỗ ở của Quốc vương Cao Miên) để trù tính việc ngoài biên, quân Xiêm thấy thế nên đóng yên không dám khinh động. Ngày 14 tháng 1 năm 1811, Nhơn Quận công đem quân về thành Gia Định.

Ngày 16 tháng 12 mùa đông năm Tân Mùi (1811), Nặc Ong Nguyên đang đêm trốn qua trú ẩn ở phủ Phủ Lật, phần nhiều các tội thần của Cao Miên đang ẩn trốn đều theo về với y. Nặc Ong Chân sai bọn Rạch Y Giá Thiên lần lượt đến đón, Nặc Ong Nguyên chống lệnh, lại còn bắt giữ bọn Thiên, mặt khác lo sửa sang binh bị và cho đòi lại đất 3 phủ Ca Gò, Phủ Trông và Phủ Trong. Nặc Ong Chân rất lo sợ bèn đem việc ấy khai báo.

Thành Gia Định ủy cho trấn thủ Định Tường là Chưởng cơ Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại đem 500 quân đến dinh La Vách giả vờ đốn gỗ, thực ra đó là kế sách bảo hộ Cao Miên.

Lúc ấy vua Xiêm sai thêm Phi nhã Nhum Ba Lạc làm Đại tướng quản lĩnh binh tướng của bọn Phi nhã Thái Nam đem quân tiếp đến Bắc Tầm Bôn, khí thế rất hung hăng.

Ngày 24 tháng 3 mùa xuân năm Nhâm Thân (1812), tướng Xiêm Phi nhã Nhum Ba Lạc chia quân ra làm 2 đạo thủy lục tiến thẳng đến dinh La Vách, Thoại Ngọc hầu đem quân binh ngăn lại khiến chúng không dám xâm phạm. Ngày 28, Nặc Ong Chân đưa môn quyến xuống thuyền rồi giục bọn bề tôi chạy xuống đạo Tân Châu, em của Nặc Ong Chân là Nặc Ong Yêm và Nặc Ong Đuông thì trước đêm 29 đã đầu hàng quân Xiêm, gặp lúc ấy viện binh của Gia Định vừa đến, hộ tống đưa Nặc Ong Chân về thành (Tân Châu).

Thoại Ngọc hầu thống quản đồn Oai Viễn, còn Dung Ngọc hầu Nguyễn Văn Dung thì đóng ở xứ Lò Yêm, trấn thủ Vĩnh Thanh là Tường Quang hầu Lưu Phước Tường đóng ở đạo Châu Đốc để gìn giữ nơi địa đầu. Quân Xiêm đóng tạm tại Vũng Long, niêm phong kho tàng, sửa sang thành lũy, không có ý tiến quân. Ngày 15 tháng 4, quan quân bố trí Nặc Ong Chăn ở tại một ngôi dinh thự bên bờ sông cái cạnh phía đông thành (Tân Châu), còn bọn tùy tùng như bề tôi, binh lính, trai gái lớn nhỏ đều được cấp tiền gạo đầy đủ.

Ngày 15 tháng Giêng mùa xuân năm Quý Dậu (1813), nước Xiêm sai sứ là Phi nhã A Ha Mặc và Phi nhã Lạc Đô Tha Sá Thông Sừ đến thành Gia Định trình quốc thư rồi theo đường trạm đến kinh đô bái kiến. Đại để trong thư viết: Nặc Ong Chăn với Nặc Ong Nguyên vốn tình thân anh em ruột thịt nhưng họ đã không có lòng hiếu hữu. Khi Nặc Ong Nguyên chạy trốn qua phủ Phủ Lật để chỉ xây dựng kế phòng thân, thì Nặc Ong Chăn lại cho quân truy nã rất gắt, gây thành cuộc đánh giết lẫn nhau. Chỉ vì sợ tổn thương tình máu mủ mà lại phụ nghĩa vun bồi của hai nước (Xiêm - Việt) mình, nên nước chúng tôi mới sai trọng thần thân tín đến nơi để hòa giải, ngờ đâu Nặc Ong Chăn bỏ nước mà đi, đành phải niêm phong kho tàng, sửa sang thành lũy để đợi y trở về.

Ngày 15 tháng 2, Gia Long hạ chiếu cho Tổng trấn thành Gia Định là Chưởng Tả quân Bình Tây tướng quân Duyệt Quận công Lê Văn Duyệt và Hiệp tổng trấn Thượng thư bộ Công là Tĩnh Viễn hầu Ngô Nhơn Tĩnh rằng: Trong thư của vua Xiêm, lý tình rất thuận hòa đôn hậu, các khanh nên sửa soạn thuyền bè binh bị để cùng sứ nước Xiêm đưa Nặc Ong Chăn về nước.

Ngày mồng 3 tháng 4, Duyệt Quận công và Tĩnh Viễn hầu thống lãnh thuyền chiến và 13.000 quân cùng với sứ nước Xiêm là bọn Phi nhã A Ha Mặc hộ tống Nặc Ong Chăn lên đường. Vua cấp cho tiền đi đường là 5.000 quan, ban lúa kho là 20.000 phương và bạc thỏi trị giá 10.000 quan để chi dùng.

Ngày 14, quan quân đến dinh La Vách cùng hội kiến với các tướng Xiêm là Phi nhã Phì Sai Phủ Liên Tra và Phi nhã Phì Phạt Phạt Cô Sả để sửa sang sắp đặt mọi việc.

Ngày 18 tháng 7, quân Việt đắp xong thành Nam Vang rồi rước Quốc vương đến ở, tướng nước Xiêm bàn giao kho tàng thành lũy xong rồi triệt binh về nước. Các em của Quốc vương là Nguyên, Yêm và Đuông thì đã ngầm trốn sang Xiêm La từ trước. Tháng 8, giao Chưởng cơ Thoại Ngọc hầu cùng 1.500 quân ở lại để bảo hộ nước Cao Miên. Ngày 16, Duyệt Quận công và Tĩnh Viễn hầu dẫn toàn quân khải hoàn. Từ đó tình giao hảo láng giềng càng tốt đẹp, nước Cao Miên cũng do đó mà được yên ổn.

Ngày 26 tháng 8, dựng đài An Biên ở xứ Ngỗi Tràng Oa, trên đài dựng nhà Nhu Viễn, đến những ngày lễ như Tết, Trừ tịch, Đoan dương, Vạn thọ, ngày rằm mồng một thì vua tôi nước ấy đến trước tiền đường chiếu theo nghi thức để làm lễ vọng bái. Ngày 25 tháng 9, Gia Long ban dụ cho Chưởng cơ Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại và Tham tri bộ Binh là Đàn Ngọc hầu Trần Văn Đàn đóng quân giữ thành Nam Vang để bảo vệ cho nước Cao Miên.

Ngày mùng 5 tháng 10, đồn Lò Yêm được xây xong, lấy đó làm nơi chứa tiền và lương thực cho các súc. Ngày mùng 2 tháng 12, Gia Long ban triều phục cho Nặc Ong Chăn như khăn bịt đầu nạm vàng, áo mãng bào màu hồng và đai lưng có đính ngọc.

Ngày mùng 6 tháng 7, mùa thu năm Bính Tý (1816), Gia Long ban quan phục cho các quan văn võ nước Cao Miên. Từ đó y phục, đồ dùng của quan dân nước Cao Miên đều bắt chước theo phong tục Tàu, các man tục như mặc áo xỏ qua đầu, dùng vải vận làm quần (xà rong), quỳ dài mà lạy, bốc cơm ăn đều đổi bỏ cả.

Năm 1833, quân Xiêm cùng Nặc Yêm, Nặc Đôn (Nặc Nguyên đã chết 1 năm trước đó) tấn công Chân Lạp và Đại Nam (Chiến tranh Việt – Xiêm (1833-1834)). Lần đánh này phe Xiêm thất bại.

Cuối năm giáp ngọ (1834), Nặc Chăn mất, không có con trai, quyền cai trị trong nước về cả mấy người phiên liêu là bọn Trà Long và La Kiên. Những người này đều là người Chân Lạp mà lại nhận quan chức Việt Nam.

Đến năm ất mùi (1835), Trương Minh Giảng xin lập người con gái của Nặc Chăn tên là Ang mey (Ngọc Vân) lên làm quận chúa, rồi đổi nước Chân Lạp ra làm Trấn tây thành, chia ra làm 32 phủ và 2 huyện. Đặt một tướng quân, một tham tán đại thần, một đề đốc, một hiệp tán, và 4 chánh phó lĩnh binh, để coi mọi việc quân dân. Ở các chỗ yếu hại, lại đặt chức tuyên phủ, an phủ để phòng ngự.

Năm 1843, người Xiêm đưa Ang Duong (Nặc Ông Đôn - là em trai sống ở Xiêm của vua Nặc Chăn, và là chú ruột nữ vương Ang Mey) lên ngôi ở U Đông.

Ba năm sau (1844) quân Việt lại giao chiến với quân Xiêm (Chiến tranh Việt- Xiêm (1841-1845)). Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn vây hãm thành U Đông, đánh bại quân Xiêm La do Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) chỉ huy buộc người Xiêm phải giảng hòa. Hai bên đình chiến.

Tháng chạp năm Bính Ngọ (1846), Nặc Ông Đôn dâng biểu tạ tội và sai sứ đem đồ phẩm vật sang triều cống, nhìn nhận sự bảo hộ song phương của Xiêm và Việt Nam.

Tháng 2 âm lịch năm Đinh Mùi (1847), vua Thiệu Trị phong cho Ang Duong làm Cao Miên quốc vương (ý trao cho làm chủ toàn cõi Cao Miên gồm cả Nam Vang lẫn Oudong) và phong cho Ang Mey làm Cao Miên quận chúa (ý trao cho làm chủ vùng Trấn Tây (Nam Vang) nhà Nguyễn kiểm soát). Thiệu Trị lệnh cho quân nhà Nguyễn ở Trấn Tây (vùng Nam Vang đến biên giới với Nam Kỳ của Đại Nam) rút về An Giang. Quân đội Xiêm La do Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) chỉ huy cũng rút về Battambang (vùng đất Thái Lan chiếm đóng của Campuchia trong suốt thế kỷ 19), Campuchia được độc lập trong vùng lãnh thổ nguyên là đất Trấn Tây giai đoạn (1836-1840), bao gồm cả Nam Vang và Oudong.

Ang Duong mất năm 1860, Ang Vody là con trưởng lên nối ngôi, đặt hiệu là Norodom I.

Đến năm 1861 (tân dậu), thì người em là hoàng tử Sivotha nổi lên tranh ngôi với Ang Vody. Sivattha được người Chăm hậu thuẫn chiếm thủ đô Oudong buộc Norodom phải chạy sang Xiêm.

Năm 1863, Xiêm buộc Norodom lên ngôi ở tỉnh Battambang (lúc đó vẫn do Xiêm kiểm soát) và do Xiêm bảo hộ.

Năm 1867, Pháp sau khi đã chiếm phần lớn nước Việt Nam, quay sang đòi Xiêm nhượng quyền bảo hộ Chân Lạp cho Pháp. Xiêm đưa Norodom về nước, đóng đô ở Oudong để ký hiệp ước chuyển quyền bảo hộ Cao Miên cho Pháp.

Tham khảo

• Ross Marlay, Clark D. Neher (1999). Patriots and Tyrants: Ten Asian Leaders. Rowman & Littlefield. ISBN 0847684423.
• John Tully (2005). A Short History of Cambodia. Allen & Unwin. ISBN 1-74114-763-8.
• Craig A. Lockard (2009). Southeast Asia in World History. Oxford University Press. ISBN 978-0-19-516075-8.
• Quốc sử quán triều Nguyễn (không rõ năm). Đại Nam thực lục. Bản dịch của Viện Sử học. Nhà xuất bản giáo dục.

1. ^ Đại Nam thực lục, Tiền biên, quyển IV. Bản do Đào Duy Anh dịch.
2. ^ Theo Việt Nam sử lược và Việt sử tân biên (quyển 3), thì Nặc Ông Chân chỉ bị giam một ít lâu rồi được tha sau khi chịu nạp cống, và hứa sẽ bênh vực người Việt đang làm ăn sinh sống trên đất Chân Lạp. Tuy nhiên, các nguồn ghi năm ông mất khác nhau: "Việt sử tân biên" (quyển 3) ghi Nặc Ông Chân mất năm 1674. TS. Trần Thuận ghi ông mất năm 1659, nhưng không nói rõ ở đâu, có nguồn ghi ông mất trong nhà lao Quảng Bình.
3. ^ Tên gọi theo Đại Nam thực lục, Tiền biên, quyển V. Bản do Đào Duy Anh dịch.
4. ^ Đại Nam thực lục, Tiền biên, Quyển VII.
5. ^ Là vị vua gốc Hoa, có tên gọi tiếng việt là Trịnh Quốc Anh.
Trong Gia Định thành thông chí. Quyển 3: Cương vực chí có chép tên là Phi nhã Tân
6. ^ Chao Phraya Abhaya Bhubet, nhiếp chính Bên, Chiêu thùy Biện, Chiêu Chùy Biện, một người Khmer thân Xiêm
7. ^ Nặc Ông Lem tức Nặc Ông Em (Ang Im)
8. ^ Nặc Ong Đuông
9. ^ Một địa phương trên đất Xiêm
10. ^ tên cũ của thành vua Xiêm là Mang Cóc, Vọng Các là tên do nước ta gọi
11. ^ là tên một chức quan to ở triều đình Khơ me được mặc áo đỏ, thường phụ trách bộ hải quân
12. ^ (屋牙伽知): Ốc nha Ca tri cũng là tên một chức quan của Cao Miên
13. ^ một chức quan to của Cao Miên, tương đương như Nhiếp chính vương
14. ^ Tổng trấn thành Gia Định Nguyễn Văn Nhân, hay đọc theo trong Nam là Nguyễn Văn Nhơn.


Xem thêm
Lịch sử của Angkor Wat Campuchia có bí mật gì?


BÍ ẨN LỊCH SỬ | Đế chế KHMER bị diệt vong như thế nào?


Khám Phá Ngôi Đền Cổ Ăng Co Vát


Angkor Wat : Viên ngọc quý của xứ Chùa Tháp


Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template