Thanh Lan (sinh năm 1948) và Tuấn Ngọc (sinh năm 1947) lần đầu song ca trên sân khấu trong nước
Thanh Lan 'nổi da gà' khi được Tuấn Ngọc gọi là em
Danh ca trêu đồng nghiệp vì anh bẽn lẽn, không chịu "diễn" khi cả hai song ca lần đầu trên sân khấu Sài Gòn sau 25 năm chị xa quê.
Khi xưa ta bé - đêm nhạc tái ngộ khán giả của Thanh Lan diễn ra tại TP HCM, tối 29/7. Một trong những điểm nhấn của chương trình là phần hát chung của danh ca và khách mời - ca sĩ Tuấn Ngọc.
Mặc bộ áo dài sequin hồng bạc, Thanh Lan bước ra sân khấu trong tiếng vỗ tay của khán giả và tiếng huýt sáo của Tuấn Ngọc. Đứng cạnh đàn anh, chị cười kể mấy mươi năm làm bạn chưa bao giờ được Tuấn Ngọc gọi một tiếng "em". Nghe vậy, Tuấn Ngọc đáp lại: "Bây giờ em muốn hát bài gì?". Thanh Lan bật cười trêu Tuấn Ngọc "giả dối" và bảo: "Chưa thấy ổng tình tứ bao giờ, nay nghe ổng nói liền nổi cả da gà". Khán giả vỗ tay tán thưởng phần đối đáp hài hước của hai giọng ca nổi tiếng.
Tuấn Ngọc bối rối vì bị Thanh Lan trêu "giả dối"
và Unchained melody. Cặp ca sĩ có nhiều khoảnh khắc lãng mạn khi trình bày nhạc phẩm nổi tiếng về tình yêu đôi lứa. Đôi chỗ, họ ngập ngừng rồi cười khỏa lấp khi đối phương không thuộc lời. Kết thúc tiết mục, Thanh Lan giải thích đây là tiết mục ngẫu hứng, chưa tập tành từ trước, mỗi người phân một câu hát tạm nên gặp nhiều trúc trắc. Chị hứa sẽ cùng đàn anh hát chỉn chu hơn khi có dịp tái ngộ trên sân khấu.
Đêm nhạc Thanh Lan kéo dài gần ba giờ đồng hồ, được chia làm ba phần: các tình khúc nhạc Pháp, nhạc tiền chiến và tiết mục tri ân các nhạc sĩ thân thuộc. Chị mở đầu buổi hội ngộ khán giả bằng ca khúc làm nên tên tuổi của mình: Khi xưa ta bé (Bang bang) với ba ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh qua phần phối khí sôi động. Thanh Lan kể cái duyên âm nhạc đến với chị như định mệnh. Thời trẻ, chị tham gia hát trong đoàn văn nghệ học sinh - sinh viên mà không hề nghĩ đây sẽ là cái nghề nuôi sống mình, giúp mình được đông đảo khán giả biết đến và yêu thương hàng chục năm qua.
Sân khấu được chạy slide ảnh chân dung Thanh Lan thời trẻ
Các bản nhạc Pháp từng làm nên tên tuổi Thanh Lan đều được giữ nền hòa âm cũ, như để cùng khán giả gợi nhắc ký ức xưa. Cách danh ca sắp xếp thứ tự tiết mục thể hiện dụng ý người hát khi muốn tìm lại những hoài niệm tại quê nhà. Chị lần lượt hát các bài Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza), Mẹ hiền yêu dấu (Maman Oh Maman), La vie en rose... Khi Thanh Lan tiết lộ một số ca khúc nổi tiếng là do chị viết lời, trong đó có bài La vie en rose của danh ca Edith Piaf, khán giả ồ lên thích thú.
Thanh Lan hát "Lại gần hôn em"
Thời trẻ, Thanh Lan nổi tiếng với chất giọng trong trẻo, bay bổng phù hợp với dòng nhạc trữ tình. 25 năm xa quê, trong ngày trở lại, dù màu thời gian in đậm trong chất giọng, ngoại hình, danh ca một thời vẫn giữ được nét nữ tính, ngọt ngào thấm đẫm qua lời ca lẫn phong cách. Chị chinh phục người mộ điệu bằng kỹ thuật hát giả thanh, làn hơi dài ở những tiết mục như Nỗi lòng (Nguyễn Văn Khánh), Một đời yêu anh (Trần Thiện Thanh), Hoa xoan bên thềm cũ (Tuấn Khanh)... Nhiều lần, chị nhắm mắt say sưa "phiêu" theo ca từ. Khi hát câu "Em để tang cho một cuộc tình", chị đưa tay cao ngang trán, mắt đăm chiêu. Danh ca lặng người đi khi hát Gọi người yêu dấu trong tiết mục tưởng niệm nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm - người vừa qua đời cách đây ít hôm.
Sự tác động về thời gian, tuổi tác lên tiếng hát Thanh Lan là điều dễ dàng nhận thấy. Ở đa số tiết mục, tiếng trống, kèn saxophone lấn lướt chất giọng mỏng của Thanh Lan. Về cuối chương trình, ở những đoạn ngân cao, chị hát chênh vênh. Sự kết hợp không ăn ý với ban nhạc cũng là nguyên nhân khiến Thanh Lan chưa thật thỏa sức với giọng hát của mình.
Thanh Lan hát "Búp bê không tình yêu"
Danh ca 69 tuổi gây ấn tượng với lối trò chuyện giao lưu hóm hỉnh, vẫn vương nét ngây thơ của một Thanh Lan tuổi đôi mươi. Chị điệu đà khi tâm sự: "Mấy ngày qua trời nắng nóng quá, may mà tối nay mát hơn, không thì mình ra mồ hôi, khán giả chê xấu thì chết". Chị giải thích khi về Việt Nam, nằm trong phòng điều hòa nhiều nên nghẹt mũi, giọng hát bị ảnh hưởng. Danh ca cũng không giấu nổi sự lo lắng khán giả sẽ "vỡ mộng" khi tái ngộ. Chị kể sợ phải khóc trong đêm nhạc, nhưng khi thấy khán giả thương mình quá, lại muốn giữ không khí luôn tươi vui, sôi nổi.
Sau 25 năm xa quê, danh ca chia sẻ niềm hạnh phúc khi tình cảm khán giả dành cho chị vẫn vẹn nguyên. Đêm nhạc quy tụ hơn 700 khán giả, đa phần thuộc lứa tuổi trung niên, muốn gặp lại thần tượng một thời của thanh niên Sài Gòn trước năm 1975. Nhiều người trong số đó nhẩm hát, vỗ tay hòa theo từng lời bài hát nhạc Pháp, lời Việt của danh ca. Đa số nán lại đến cuối chương trình, liên tục yêu cầu Thanh Lan hát tiếp dù đồng hồ đã nhích sang 23 giờ. Với họ, Thanh Lan vẫn là thiếu nữ xinh xắn với nốt ruồi duyên trên chiếc TV trắng đen ngày nào.
Danh ca 69 tuổi hát sung đến cuối chương trình.
Elvis Phương - ca sĩ khách mời thứ hai - cũng tạo dấu ấn với loạt ca khúc nhạc Pháp lời Việt cùng lối giao lưu sôi nổi, hóm hỉnh. Anh kể về Việt Nam 20 năm, mỗi lần đi diễn, anh luôn được khán giả hỏi sao lâu quá không thấy Thanh Lan về để hát cùng mình. Anh gọi Thanh Lan là Thanh, tên thân mật của chị và nhắn danh ca hãy về nước hát thường xuyên hơn để thỏa lòng khán giả.
Ngồi bên bà xã, ông Trần Công Hương, 55 tuổi, nhà ở quận 9, say sưa hát theo từng tiết mục. Mỗi khi nghe ca sĩ giới thiệu một bài hát quen thuộc, ông quay qua vợ và xuýt xoa. Thuở thanh niên, khi còn học Đại học Y, ông là một trong số hàng nghìn khán giả mê mẩn Thanh Lan. Trong tâm trí, ông vẫn còn nhớ giai điệu của những Khi xưa ta bé, Phượng hồng... trên truyền hình. Khán giả này đã coi đi coi lại bộ phim Ván bài lật ngửa Thanh Lan đóng cùng Chánh Tín.
"Nhìn thấy chị ngoài đời sau nhiều năm vắng bóng, tôi xúc động lắm. Tôi còn ngỡ ngàng hơn khi thấy sau hàng chục năm, chị vẫn giữ nét duyên dáng", ông tấm tắc.
Đêm nhạc vấp một số sự cố nhỏ về âm thanh. Đôi lúc, ca sĩ phải trao đổi với ban nhạc trên sân khấu để điều chỉnh tông nhạc. Màn hình chính của sân khấu được bài trí khá đơn điệu khi chỉ chạy slide ảnh chân dung xưa của các danh ca. Nhiều khán giả tiếc nuối vì Thanh Lan chưa trải lòng nhiều hơn để kể lại các câu chuyện xưa cũ trong khuôn khổ một đêm nhạc ôn lại hoài niệm.
Ngày 6/8, Thanh Lan biểu diễn trong đêm nhạc Vũ Thành An tại Đà Nẵng cùng ca sĩ Vũ Khanh. Chị tiếp tục hát trong chương trình Tình ca Vũ Thành An - Đời đá vàng ngày 19-20/8 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.
Tam Kỳ
Xem thêm
"Tiếng Hát Học Trò" Thanh Lan - Phim Tài Liệu
Phỏng vấn ca sĩ Thanh Lan cuối năm 1993
Ca sĩ Thanh Lan về nước biểu diễn
Theo thông tin từ Công ty Tiếng Xưa (đơn vị xin phép cho Thanh Lan biểu diễn và tổ chức chương trình) thì đêm nhạc chủ đề Bang bang - Khi xưa ta bé sẽ có sự góp mặt của 3 ngôi sao hải ngoại: Tuấn Ngọc, Elvis Phương và Thanh Lan. Bài hát Bang bang do nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt khoảng thập niên 1970 luôn gắn với Thanh Lan vài chục năm qua. Thanh Lan cũng được xem là ca sĩ hát ca khúc này thành công nhất.
Thanh Lan tên thật là Phạm Thái Thanh Lan, năm nay 69 tuổi. Bà từng học tại Trường trung học Marie Curie (Sài Gòn), sau đó học tiếp Đại học Văn khoa Sài Gòn và tốt nghiệp năm 1973. Từ khi học năm thứ nhất, Thanh Lan đã trở thành ca sĩ nổi tiếng. Khi phong trào nhạc trẻ VN phát triển, cùng với sự thịnh hành của nhạc ngoại lời Việt, Thanh Lan nổi lên như một hiện tượng với các ca khúc nhạc Pháp và Việt. Sau năm 1975, Thanh Lan được khán giả ái mộ với vai nữ điệp viên Thùy Dung trong bộ phim nhiều tập Ván bài lật ngửa của đạo diễn Lê Hoàng Hoa.
Cuối năm 1993, bà sang Mỹ định cư tại California và tiếp tục biểu diễn trên sân khấu ca nhạc hải ngoại.
Thanh Lan 25 năm (độc đáo)
Thanh lan: HNT ...quay phim BENBEN
Duong Xua ThanhLan
Phỏng vấn ThanhLan 1993
Thanh Lan về nước hát gây quỹ Vòng tay nhân ái
Nữ ca sĩ, diễn viên Thanh Lan sẽ về nước và có một đêm diễn duy nhất vào ngày 29-7 tại khách sạn Equatorial (Q.5, TP.HCM) sau 25 năm định cư tại hải ngoại.
Định cư tại Mỹ từ năm 1993, đây là lần đầu tiên cô trở về và có một sô diễn tại quê nhà. Hai giọng ca khách mời sẽ hát cùng Thanh Lan trong đêm nhạc đặc biệt này sẽ là danh ca Tuấn Ngọc và Elvis Phương.
Sinh ra tại thành phố Vinh, Nghệ An nhưng Thanh Lan lớn lên tại Sài Gòn. Thuở nhỏ, cô học tại trường trung học Marie Curie, sau đó theo học Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Thanh Lam và bài hit Bang Bang
Từ năm 9 tuổi, Thanh Lan đã học dương cầm và tham gia ca hát từ khi còn là nữ sinh của trường Marie Curie.
Cô bắt đầu từ việc hát trên đài phát thanh VTVN trong ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức và tham gia trong ban nhạc sinh viên mang tên Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà.
Sau ban Việt Nhi, Thanh Lan gia nhập đoàn văn nghệ học sinh sinh viên Nguồn Sống.
Vào năm nhất Đại học, Thanh Lan đã là một ca sĩ nổi tiếng và là một trong những giọng ca nhạc Pháp được yêu thích nhất thời bấy giờ.
Năm 1973, Thanh Lan đã có chuyến lưu diễn tại Nhật với hai nhạc sĩ Ngọc Chánh và Phạm Duy.
Cô trình bày ca khúc Tuổi biết buồn được vào chung kết Đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha tại Tokyo.
Cô còn ở lại Tokyo để thu âm hai bài Ai no hio Kesanaide và Tuổi mộng mơ (được dịch sang tiếng Nhật là Yume o Miruno) của Phạm Duy.
Sau năm 1975, Thanh Lan tiếp tục được yêu mến với các ca khúc: Cô đi nuôi dạy trẻ, Đi qua vùng cỏ non, Phượng hồng, Em đi chùa Hương, Khi xưa ta bé (Bang bang), Trở về mái nhà xưa (Come back to Sorrento), Búp bê không tình yêu, Giàn thiên lý đã xa...
Cô cũng tổ chức những buổi biểu diễn riêng như Tiếng hát Thanh Lan vào năm 1991 tại sân khấu 4A ngoài trời Nhà Văn hóa Thanh niên, Đêm nhạc Thanh Lan vào năm 1992 tại hội trường 1 Nhà văn hóa Thanh Niên và ghi âm nhiều ca khúc cho các hãng Sài Gòn Audio, Bến Thành Audio, Vafaco, Phương Nam phim, Trẻ, Phú Nhuận...
Không chỉ là giọng ca được yêu thích, cô còn để lại ấn tượng đẹp trong lòng công chúng với hơn 25 vai diễn, trong đó nổi bật nhất là vai Thùy Dung trong Ván bài lật ngửa, vai Diệu Hương trong Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc…
Ban tổ chức cho biết doanh thu đêm nhạc lần này tại TP.HCM của Thanh Lan sẽ dành tặng cho quỹ Vòng tay nhân ái - chia sẻ, hỗ trợ các mái ấm, nhà tình thương, nhà hưu dưỡng, bệnh viện...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn