Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Doanh nghiệp quân đội đang kinh doanh những lĩnh vực gì?




Viettel là doanh nghiệp quốc phòng đứng đầu về đóng góp vào ngân sách với hơn 40.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp quân đội đang kinh doanh những lĩnh vực gì




Dù số lượng không quá nhiều nhưng các doanh nghiệp quốc phòng đang giữ vị thế lớn ở nhiều lĩnh vực.

Bộ Quốc phòng hiện là bộ trực tiếp quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty với hơn 20 doanh nghiệp trực thuộc. Do đặc thù hoạt động, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xây dựng - bất động sản, viễn thông, tài chính, logistics, cơ khí, xăng dầu, cho tới nông nghiệp.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động đang trở thành những doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình như Viettel, Ngân hàng Quân đội, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội hay Tổng công ty Đông Bắc...

Đứng đầu trong danh sách này là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Dù chỉ là doanh nghiệp duy nhất của Bộ Quốc phòng hoạt động trong lĩnh vực viễn thông nhưng Viettel lại là đơn vị đang giữ vị thế lớn nhất trên thị trường và tạo sự cách biệt lớn với hai nhà mạng đứng sau là VinaPhone và Mobifone.

Năm 2016, Viettel đạt hơn 226.000 tỷ đồng doanh thu, xấp xỉ 10 tỷ USD và hơn 43.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng doanh thu của Viettel cũng gấp gần 3 lần doanh thu của VinaPhone và Mobifone cộng lại, đồng thời là đơn vị đang đóng góp vào ngân sách lớn nhất trong số các doanh nghiệp quốc phòng, đạt trên 40.000 tỷ đồng.

Không chỉ ở thị trường trong nước, Viettel cũng là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động ra nước ngoài. Tính đến năm 2016, Tổng công ty Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) - công ty con của Viettel, có 35 triệu thuê bao trên 9 thị trường quốc tế, cung cấp dịch vụ tới khách hàng trải dài từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Kết thúc năm, doanh nghiệp này đạt hơn 15.300 tỷ đồng doanh thu, nhưng báo lỗ hơn 3.000 tỷ đồng do tỷ giá, chủ yếu tại thị trường Mozambique.

Một cái tên thường được nhắc đến ngay sau Viettel là Ngân hàng Quân đội (MBB). Nhà băng này cũng thuộc top một trong những ngân hàng lớn nhất hiện nay và được xét trong nhóm "Big 4" của thị trường. Được niêm yết từ năm 2011 nhưng phải đến đầu năm 2017 và đặc biệt là cuối tháng 5/2017, cổ phiếu MBB mới thực sự thăng hoa và đưa vốn hóa thị trường của Ngân hàng Quân đội lên hơn 38.000 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I/2017, MBB đạt tổng tài sản hơn 250.000 tỷ với vốn điều lệ hơn 17.000 tỷ đồng. Năm 2016, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này cũng đạt tới 24% - cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực Logistics, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn giữ thị phần container xuất nhập khẩu trên 85% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước. Doanh nghiệp này ghi nhận hơn 17.200 tỷ đồng doanh thu và gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2016, với hệ thống 19 cảng biển tại TP HCM, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Hải Phòng…

Tương tự Viettel và Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) cũng là doanh nghiệp lớn dù là doanh nghiệp duy nhất của Bộ Quốc Phòng hoạt động trong lĩnh vực này. Tổng công ty là một trong những doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trên thị trường xăng dầu nội địa, cung ứng các chủng loại xăng dầu, mỡ nhờn cho quốc phòng và các đối tượng kinh tế khác.

Các đơn vị thành viên Mipecorp trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn 58 tỉnh, thành phố với gần 100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc Tổng công ty và hàng trăm cửa hàng đại lý. Năm 2016, doanh nghiệp này đạt hơn 8.500 tỷ đồng doanh thu và 130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Trong số hơn 20 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trong lĩnh vực hàng không, chủ yếu phục vụ hoạt động bay dầu khí và cho thuê chuyên nghiệp. Đơn vị này đang sở hữu đội ngũ phi công 120 người với 28 chiếc trực thăng, theo kế hoạch đội bay sẽ tăng lên 36 chiếc vào năm 2020.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, Tổng công ty 15 cũng là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trồng cao su và khai thác cao su thiên nhiên. Tuy nhiên với đà lao dốc của giá mặt hàng này trong những năm gần đây, hoạt động của Tổng công ty 15 dần trở nên mờ nhạt so với những doanh nghiệp khác trong nhóm.

Với xây dựng – bất động sản, Tổng công ty 36 và Tổng công ty 319 là những doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng nổi trội nhất. Năm 2016, Tổng công ty 319 đạt gần 9.400 tỷ đồng doanh thu và gần 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hoạt động chính của doanh nghiệp này là đầu tư hạ tầng giao thông thông qua các dự án BT, BOT và đầu tư bất động sản.

Trong khi đó, Tổng công ty 36 lại hướng tới hoạt động thi công xây lắp và xây dựng cơ bản (chiếm trên 80% tổng doanh thu). Năm 2016, tổng doanh thu của doanh nghiệp này đạt gần 3.700 tỷ đồng, so với quy mô tổng tài sản gần 7.000 tỷ. Những năm gần đây, giá trị doanh thu của doanh nghiệp luôn duy trì ở mức cao, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 12% mỗi năm.

Cùng xuất phát từ Binh đoàn 11, Tổng công ty Thành An góp mặt trong nhiều công trình trọng điểm như Nhà ga T1 Sân bay Nội Bài, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai cơ sở II, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba – Đồng Hới, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cùng một số dự án BOT Quốc lộ 1; còn Tổng công ty 789 lại nổi bật với hoạt động xây dựng dân dụng và sản xuất vật liệu xây dựng.

Trong số này, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty xây dựng Lũng Lô là đơn vị có thế mạnh trong xây lắp các công trình thủy điện. Trường Sơn cũng là đơn vị lắp đặt đường dây tải điện 500Kv Bắc Nam và nhiều công trình thủy điện miền Trung, trong khi Lũng Lô từng nhận những công trình hàng trăm tỷ đồng từ Tổng công ty Điện lực Việt Nam thi công đường hầm Thủy điện Đa Him và Thủy điện Hàm Thuận.

Với lĩnh vực hoạt động khá chuyên biệt, Tổng công ty Hợp tác Kinh tế đầu tư chủ yếu vào các công trình tại Lào và 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, trong khi Tổng công ty xây dựng Công trình Hàng Không (ACC) sản xuất chủ yếu các sản phẩm bê tông cho các dự án lớn.

Với lĩnh vực đóng tàu, hai doanh nghiệp lớn trực thuộc Bộ Quốc phòng đang hoạt động này gồm Tổng công ty Sông Thu và Tổng công ty Ba Son, tuy nhiên mỗi doanh nghiệp hoạt động với một đặc thù riêng.

Trong khi hoạt động chính của Ba Son hướng đến loại tàu chở hàng tổng hợp và tàu container (chiếm trên 50% số sản phẩm trong những năm gần đây), thì Sông Thu hướng tới các sản phẩm mang công năng riêng biệt như tàu công trình, tàu tuần tra quốc phòng và tàu đa năng xử lý các sự cố trên biển.


Bộ trưởng Quốc phòng: Quân đội phấn đấu có thêm nhiều Viettel

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đề nghị, trách nhiệm chính trị của đảng bộ quân đội là phải phấn đấu có thêm nhiều doanh nghiệp như Viettel.

Tại buổi làm việc với tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel ngày 7/7, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định, tham gia phát triển kinh tế, xây dựng kinh tế là chức năng, thể hiện được truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam.

Cho biết đứng đầu trong các doanh nghiệp quân đội là Viettel, Đại tướng Ngô Xuân Lịch tự hào khi công ty này liên tục đứng đầu doanh thu, nộp ngân sách nhà nước và hiện là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất.

"Đây là nhân tố chính tạo ra sự bùng nổ viễn thông tại Việt Nam, giúp đất nước đạt được mục tiêu phổ cập dịch vụ viễn thông trước kế hoạch", Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.

Bộ trưởng Quốc phòng thông tin, hiện Viettel đã tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất nhiều trang thiết bị kỹ thuật cao mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm như máy thông tin, radar, hệ thống quản lý vùng trời, hệ thống tự động hoá chỉ huy... Nhiều dòng trang thiết bị đáp ứng từ 50 đến 70%, thậm chí 100% nhu cầu của quân đội, giúp đất nước và quân đội giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu.

"Một tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao đang được hình thành từ Viettel nhằm hiện đại hoá quân đội, bảo vệ tổ quốc", Bộ trưởng Quốc phòng nói.

Ông cũng nhấn mạnh, thời gian tới, trách nhiệm chính trị của đảng bộ quân đội là phải làm tốt hơn, phấn đấu "có nhiều Viettel nữa".


Đại tướng Ngô Xuân Lịch.

Theo Bộ trưởng, hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với chức năng là đội quân chiến đấu, quân đội còn có chức năng quan trọng là đội quân lao động sản xuất. Chức năng này đã được hoàn thành xuất sắc.

Cụ thể, sau cuộc kháng chiến chống Pháp, có 70.000 cán bộ chiến sĩ đã chuyển sang làm kinh tế, tham gia trực tiếp vào hàng loạt khu công nghiệp như khu công nghiệp Việt Trì, khu gang thép Thái Nguyên, đại thủy nông Bắc Hưng Hải và khoảng gần 30 nông trường. Nhiều nghị quyết của Đảng thời kỳ ấy cũng xác định quân đội tham gia làm kinh tế và đã làm tốt.

Gần đây, quân đội phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng các khu kinh tế quốc phòng. Hiện có 23 khu kinh tế quốc phòng đứng chân ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm mà không doanh nghiệp nào tới được. Hai binh đoàn 15, 16, doanh nghiệp của các quân khu đã đưa hàng chục nghìn hộ dân lên các điểm định cư, các địa bàn mới để sinh sống lâu dài, tạo ra thế bố trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng an ninh.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho hay, những năm qua, các doanh nghiệp quân đội không ngừng hội nhập, gắn phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng. Không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, các doanh nghiệp quân đội còn đầu tư cả ở nước ngoài và trở thành đối tác kinh tế quốc tế có uy tín.

"Nói như vậy để thấy nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã, đang và sẽ là chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội trong mọi thời kỳ", Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định. Bộ trưởng Lịch đề nghị các doanh nghiệp quân đội phải phấn đấu trở thành hình mẫu, vừa là doanh nghiệp làm kinh tế trong quân đội, vừa là một đơn vị tổ chức quân dụng đặt trong quân đội.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp quân đội phải nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các sản phẩm, làm sao chất lượng tốt, thương hiệu mạnh, có uy tín, sản xuất kinh doanh đúng quy định của pháp luật, làm chủ về tài chính. Đồng thời, đổi mới cách làm, đặt mục tiêu cao để đột phá, làm xuất hiện người tài, tạo ra thách thức mới, lấy khó khăn làm môi trường rèn luyện để thành công...


Cục trưởng Kinh tế Quốc phòng: Quân đội sẽ tiếp tục xây dựng kinh tế

Cục trưởng Kinh tế Võ Hồng Thắng khẳng định, quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là chiến lược lâu dài.

Ngày 6/7, Cục trưởng Kinh tế Quốc phòng Võ Hồng Thắng trả lời phỏng vấn của VnExpress về nội dung "quân đội làm kinh tế".

- Trước ý kiến "quân đội có thể không làm kinh tế" mới đây, ông có nhận định gì?

- Chủ trương quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, không phải do lợi ích hoặc quân đội muốn làm thì làm. Đây là một trong ba nhiệm vụ được giao cho quân đội, là xây dựng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất.

Do là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước, Quân ủy Trung ương nên không ai có thể nói kết thúc, hay không thực hiện được. Hiện nay, chủ trương của Đảng, nhà nước, Quân ủy Trung ương vẫn xác định quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài.


Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Kinh tế, Bộ Quốc phòng.

- Quân đội làm kinh tế đóng góp thế nào cho sự phát triển của Quốc phòng và đất nước, thưa ông?

- Người ta nói quân đội làm kinh tế, đó là văn nói, không biểu hiện đúng nội dung. Chúng ta phải hiểu rõ rằng quân đội tham gia sản xuất, lao động, xây dựng kinh tế. Trong lịch sử hình thành quân đội và các cuộc kháng chiến, nhiệm vụ này được Đảng, nhân dân ghi nhận vì không những góp phần xây dựng quân đội mà còn kinh tế đất nước.

Thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, các doanh nghiệp quân đội đều hoạt động theo luật doanh nghiệp, nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Quốc phòng và thực hiện đóng thuế minh bạch, đầy đủ. Hằng năm, doanh nghiệp quân đội đóng góp cho ngân sách nhà nước tương đối lớn, như năm 2016 là trên 43.000 tỷ đồng, trong đó Viettel đứng đầu trong các doanh nghiệp của quốc gia.

Ngoài ra, các doanh nghiệp quân đội sau khi hạch toán có lợi nhuận tốt thì trích một phần tuỳ theo từng đơn vị đóng góp cho ngân sách quốc phòng để giải quyết chi cho hậu phương quân đội, để đầu tư, khấu hao, nâng cao thiết bị.

Trong giai đoạn mới yêu cầu cao hơn thì nhiệm vụ quân đội lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế cũng phải cao hơn. Thường vụ, Đảng uỷ, Quân uỷ trung ương đã có những nghị quyết, văn bản để triển khai thực hiện.

- Nhiều người băn khoăn doanh nghiệp trong quân đội thì được ưu tiên hơn các doanh nghiệp bên ngoài. Ông lý giải thế nào về điều này?

- Doanh nghiệp quân đội có ưu thế hơn các doanh nghiệp khác là kỷ luật lao động, lòng tin của dân cao hơn. Còn về cạnh tranh, đầu tư sản xuất, giá trị các dịch vụ hàng hoá cung cấp ra thị trường, tuân thủ pháp luật thì đều như các doanh nghiệp khác, cạnh tranh bình đẳng. Các doanh nghiệp khác muốn không thua kém các doanh nghiệp quân đội thì phải sản xuất tốt, giá cả hợp lý, bán ra thị trường được dân tin.

Việc thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội đã và đang thực hiện theo quy định của nhà nước, nghị quyết của Quân uỷ Trung ương, thông tư của Bộ Quốc phòng. Bộ cũng có kế hoạch và các cơ quan tham mưu giúp kiểm tra các đơn vị làm kinh tế. Những sai phạm nếu có xảy ra thì kiên quyết xử lý.

- Bức tranh kinh tế quốc phòng hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Nước ta có hơn 4.500 km đường biên trên bộ và hơn 3.200 km bờ biển. Ở nhiều vùng biên giới trên bộ có tình trạng trắng bản, trắng dân nên quân đội báo cáo Chính phủ, Thủ tướng quyết định cho đầu tư xây dựng 33 khu kinh tế quốc phòng dọc biên giới quốc gia. Hiện nay đã triển khai 28 khu, 5 khu đang triển khai.

Việc này gồm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cụm bản, sắp xếp ổn định dân cư, đưa dân ra biên giới, làm các mô hình về vật nuôi, cây trồng, định hướng nhân dân tham gia thực hiện kinh tế hộ gia đình. Từ đó cung cấp dịch vụ thiết yếu cho nhân dân, thu mua sản phẩm, giúp họ ổn định cuộc sống, đồng thời, xây dựng và phát triển kinh tế vùng dọc biên giới.

Đây là cách xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ tổ quốc. Trong thời bình thì chống xâm nhập trái phép, buôn lậu, vận chuyển hàng hoá, hàng độc hại như ma tuý. Những việc này bộ đội hay lực lượng nào dù đông đến bao nhiêu cũng không đủ mà phải có nhân dân tham gia cùng phát hiện. Khi có chiến tranh xảy ra, lực lượng này sẽ biến thành đội quân chiến đấu, cùng dân quân tự vệ làng bản bảo vệ biên cương. Đây là việc chỉ có quân đội làm được chứ không thể có lực lượng nào khác.

Còn các nhà máy quốc phòng, doanh nghiệp tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, quân đội đầu tư xây dựng có đủ khả năng phục vụ cho chiến tranh trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, trong thời bình những đơn vị này không sử dụng hết công suất vì sản phẩm phục vụ huấn luyện chiến đấu ít hơn nhiều so với chiến tranh. Nếu để nguồn lực như vậy sẽ bị lãng phí, hao mòn vô hình vì vậy, phải tận dụng để làm ra các loại hàng hoá phục vụ dân sinh.

Hoạt động này tạo ra hiệu quả kinh tế, một mặt cải thiện đời sống cho cán bộ chiến sĩ, tái đầu tư nâng cao năng lực, thiết bị công nghệ của bản thân cơ sở sản xuất đấy, đến khi phục vụ trở lại cho quốc phòng thì đáp ứng yêu cầu tốt hơn, tức là góp phần tăng thêm tiềm lực quốc phòng.

- Trong thời gian tới, các doanh nghiệp quân đội thay đổi thế nào để đáp ứng với tình hình mới? - Các doanh nghiệp quốc phòng sẽ được sắp xếp lại, làm sao nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, hỗ trợ và không làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác.

Do lịch sử hình thành và quá trình sắp xếp, còn nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tính hiệu quả trung bình thì doanh nghiệp nhà nước trong quân đội đạt hiệu quả cao hơn. Tất nhiên cũng có một số ít thua lỗ, tồn đọng tài chính, những doanh nghiệp này phải sắp xếp lại.

Những doanh nghiệp có nhiệm vụ quân sự quốc phòng thì nhà nước vẫn phải giữ 100% vốn. Những doanh nghiệp có chung ngành nghề thì sáp nhập tạo quy mô lớn hơn, tái cơ cấu lại để nâng sức cạnh tranh, bảo đảm sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Còn các doanh nghiệp khác như xây dựng, dịch vụ thương mại hoặc nhiệm vụ quân sự quốc phòng ít và không đáng kể thì thực hiện cổ phần hoá và thoái vốn. Những công ty làm ăn thua lỗ không có cổ phần hoá được thì thực hiện giải thể phá sản theo đúng quy định. Các doanh nghiệp đã sắp xếp thì hoạt động, cạnh tranh bình đẳng.

Bộ đội thường trực, ngoài huấn luyện thì tích cực tham gia tăng gia lao động sản xuất để cải thiện đời sống, khoanh bếp khoanh vườn, xây dựng doanh trại. Nuôi dưỡng bộ đội tốt là tăng sức khoẻ phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu.

Các cơ sở công lập đơn vị sự nghiệp có thu như bệnh viện, nhà trường, cơ sở nghiên cứu cũng phải phục vụ nhân dân, tăng nguồn thu để tái đầu tư cơ sở thiết bị nâng cao công nghệ phục vụ tốt hơn.

Theo: VNExpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template