Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Ông Trump hứa với Tim Cook sẽ ưu đãi để iPhone được sản xuất tại Mỹ




Tim Cook sẽ chấp nhận những lời đề nghị và ưu đãi từ Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump vì lợi ích của Apple và cả nước Mỹ?
Ông Trump hứa với Tim Cook sẽ ưu đãi để iPhone được sản xuất tại Mỹ


Trong quá trình vận động tranh cử của mình, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã từng tuyên bố sẽ buộc Apple phải sản xuất sản phẩm tại Mỹ nếu ông trở thành Tổng thống. Giờ đây, ông đang có những động thái đầu tiên để thực hiện tuyên bố đó.

Phần lớn các sản phẩm của Apple đều được lắp ráp và sản xuất tại Trung Quốc, tuy nhiên Tổng thống mới đắc cử Donald Trump muốn Apple phải chuyển về sản xuất tại Mỹ, hoặc chí ít có một nhà máy lớn tại Mỹ để tạo ra những sản phẩm “nội địa”.

Donald Trump: Lịch sử "dữ dội"


Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ báo The New York Times, Donald Trump cho biết cả nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates và CEO Tim Cook đã gọi cho ông sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Trong đó, khi đàm thoại với CEO Tim Cook của Apple, Donald Trump đã cho rằng đó sẽ là “một thành tích thực sự” nếu ông có thể thuyết phục Apple sản xuất thiết bị của mình tại Mỹ thay vì các quốc gia khác như hiện nay.

“Tôi nhận được cuộc gọi từ Tim Cook của Apple và tôi nói: ‘Tim, anh biết một trong những điều sẽ là thành tích thực sự của tôi là khi tôi có thể khiến Apple xây dựng một hoặc nhiều nhà máy lớn tại Mỹ thay vì đâu đó ở Trung Quốc hoặc Việt Nam, và anh sẽ sản xuất sản phẩm ngay tại đây’”, Donald Trump chia sẻ lại cuộc đàm thoại giữa mình và Tim Cook.

Donald Trump cho biết đáp lại lời đề nghị của mình, Tim Cook trả lời rằng ông hiểu và sẽ ghi nhận ý kiến này.

Thậm chí, Trump cho biết còn hứa hẹn với Tim Cook rằng Apple sẽ nhận được các ưu đãi ngay nếu xây dựng một hoặc nhiều nhà máy lớn tại Mỹ để sản xuất các thiết bị của Apple. Một trong số đó là nới lỏng các quy định, quy chế và cắt giảm thuế nhằm vào các tập đoàn, trong đó có Apple.

Apple sản xuất tại Mỹ, liệu có đơn giản?

Tuy nhiên trên thực tế việc thuyết phục hoặc thậm chí ép buộc Apple phải chuyển nhà máy sản xuất về Mỹ là điều không hề dễ dàng. Số lượng công nhân làm trong ngành sản xuất và lắp ráp tại Mỹ đã giảm đi 5 triệu người kể từ năm 2000, điều này cho thấy dường như người Mỹ không còn mặn mà với công việc làm công nhân trong các nhà máy lắp ráp và sản xuất. Trước đó vào năm 2011, khi Steve Jobs vẫn còn sống, vị CEO này đã từng khẳng định rằng “công việc lắp ráp sẽ không bao giờ trở lại trên đất Mỹ như trước đây”.

Bên cạnh đó, Apple vẫn tiếp tục muốn tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, điều này giúp Apple có thể tăng được lợi nhuận cho công ty khi mà giá bán các sản phẩm của Apple vẫn rất cao so với mặt bằng chung. Apple cũng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng linh kiện cho các sản phẩm của hãng, chủ yếu đều được sản xuất tại Trung Quốc. Do vậy việc tập hợp các linh kiện để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh sẽ nhanh chóng và đơn giản hơn rất nhiều.

Trên thực tế Apple cũng đã từng thử sản xuất sản phẩm tại Mỹ trước đây, nhưng không đạt được hiệu quả. Trước đó vào năm 2013, Apple bắt đầu quá trình lắp ráp máy tính Mac Pro và sản xuất một số linh kiện sản phẩm của mình tại Mỹ, nhưng đây lại không phải là một sản phẩm thành công và đến nay Apple vẫn chưa tung ra bản nâng cấp của sản phẩm sau 3 năm vì nó không còn hấp dẫn như trước.

Apple cũng từng nỗ lực xây dựng một vài nhà máy tinh thể sapphire ở Mỹ, nhưng quá trình sản xuất hợp tác với các đối tác khác không hiệu quả và đóng cửa vào cuối năm 2014.

Ngoài Apple, vào năm 2013, Motorola khi đó vẫn thuộc sở hữu của Google, đã quyết định ra mắt mẫu smartphone Moto X được sản xuất và lắp ráp hoàn toàn tại nhà máy ở Mỹ. Đây được xem là niềm tự hào của cả Google lẫn Motorola và luôn là yếu tố được nhắc đến trong các chiến dịch quảng cáo của Moto X. Tuy nhiên, Moto X không phải là một smartphone thành công, ngay tại thị trường Mỹ và Motorola sau đó phải đóng cửa nhà máy tại Mỹ vào năm 2014. Google cũng đã phải bán đi Motorola vào tháng 1/2014 với giá 2,91 tỷ USD cho Lenovo dù trước đó Google đã phải chi ra đến 12,5 tỷ USD để mua lại Motorola.

Thực hư cuộc đàm thoại của Tim Cook với Donald Trump

Sau cuộc phỏng vấn của Donald Trump với tờ báo The New York Times, Apple đã không đưa ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi mà giới truyền thông gửi đến cũng như không xác nhận về cuộc gọi của CEO Tim Cook cho Tổng thống mới đắc cử Donald Trump.

Một điều đáng chú ý, CEO Tim Cook là người công khai ủng hộ ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng, mặc dù Apple hỗ trợ cho cả 2 ứng cử viên Tổng thống. Bên cạnh đó, sau khi Donald Trump giành chiến thắng, CEO Tim Cook đã gửi một email nội bộ để trấn an toàn thể nhân viên của Apple, đồng thời kêu gọi mọi người “tiến lên cùng nhau” bất chấp những khó khăn phải đối mặt trong tương lai.

Điều này khiến không ít người đặt ra câu hỏi nghi vấn về việc có hay không việc CEO Tim Cook gọi điện cho ông Donald Trump và phải chăng CEO Tim Cook đang chấp nhận việc vị Tổng thông mới và những ưu đãi mà ông này đưa ra?

Theo: The Verge/NYT/TechTime


Ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, giá iPhone có thể đắt không thể tin nổi

Cả người dùng và Apple đều không vui nếu "táo khuyết" phải sản xuất iPhone tại quê nhà.

Trên hành trình đến với Nhà Trắng, một trong những mục tiêu được ông Donald Trump không ít lần nhắc lại là mong muốn các công ty/ tập đoàn đa quốc gia của Mỹ mang toàn bộ dây chuyền sản xuất trở về nước Mỹ và Tân Tổng thống đặc biệt nhấn mạnh tới trường hợp của Apple. Ở thời điểm hiện tại, iPhone đang được thực hiện lắp ráp tại Trung Quốc với các linh kiện phần lớn đến từ các nước Châu Á. Vậy nhìn từ quan điểm người dùng, việc ông Donald Trump muốn Apple "bê nguyên" dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ sẽ mang lại "hậu quả" gì?




Để dễ hình dung, hãy nhìn vào lương nhân công lắp ráp iPhone. Một công nhân làm việc tại nhà máy Foxconn, Trung Quốc được trả 400 USD mỗi tháng, chưa tính tiền công làm thêm giờ, theo tờ New Yrork Times. Giờ giả sử Apple mang dây chuyền lắp ráp iPhone về Wyoming hoặc Georgia, nơi người lao động mức lương tối thiểu thấp nhất nước Mỹ (ở mức 5,15 USD một giờ). Làm việc 8 tiếng một ngày, 5 ngày một tuần, một công nhân Mỹ vẫn sẽ cần 824 USD một tháng tiền lương, cao gấp đôi con số ở Trung Quốc.

Vậy nếu Apple sản xuất iPhone ở quê nhà California thì sao? Tại đây, mức lương tối thiểu dành cho người lao động là 9 USD một giờ, tương đương mức thu nhập một tháng sẽ lên tới 1.400 USD, cao hơn gấp ba lần chi phí nhân công tại Trung Quốc. Mặc dù chi phí iPhone còn đến từ nhiều yếu tố khác như linh kiện, giao hàng, marketing, nghiên cứu - phát triển, việc chi phí nhân công tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba chắc chắn sẽ khiến giá máy khi tới tay người dùng bị đội lên rất nhiều. Carolina Milansesi, một nhà phân tích tại Kantar Worldpanel thẳng thắn nhận định giá iPhone có thể tăng gấp đôi nếu được sản xuất tại Mỹ.


Ông Donald Trump không phải một người yêu công nghệ.

Đó là chưa kể đến việc ông Donald Trump từng để xuất mức thuế quan nhập khẩu cho các sản phẩm được sản xuất bên ngoài nước Mỹ lên tới 35%. Vì vậy, dù sao đi chăng nữa, người dùng Mỹ vẫn sẽ phải mua iPhone với giá cao hơn.

Thực tế, không chỉ đối với người dùng, Apple cũng sẽ lo sốt vó nếu sản xuất iPhone tại Mỹ cho dù nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ. Trong trường hợp bạn chưa biết, 90% đối tác sản xuất linh kiện iPhone của Apple không nằm tại Mỹ và phần lớn trong số đó đến từ các nước Đông Á. Vì vậy, việc sản xuất iPhone ở Mỹ đồng nghĩa với một thách thức về mặt giao nhận linh kiện khổng lồ dành cho Apple. Ví dụ, nếu một lô linh kiện gặp phải vấn đề, không đạt chuẩn, Apple có thể sẽ phải đợi hàng tuần để lô hàng thay thế cập cảng, dẫn đến chậm muộn trong việc đưa sản phẩm tới tay người dùng.


iPhone mạ vàng hình ông Donald Trump dành cho giới siêu giàu

Một chiếc iPhone 7 bọc vàng, nạm kim cương và có hình ông Donald Trump là lựa chọn mới cho quà tặng của giới siêu giàu vào năm nay.


Điện thoại mạ vàng hình ông Donald Trump

Theo CNN, chiếc iPhone loại này có giá khoảng 151.000 USD và chỉ là một ví dụ của các sản phẩm mà Goldgenie, một cửa hàng ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cho ra mắt. Goldgenie là nơi mà giới siêu giàu đi mua sắm.

“Họ là các cá nhân rất giàu có trên thế giới và đôi khi chọn quà cho họ thật khó khăn, vì họ có tất cả mọi thứ”, giám đốc quản lý Goldgenie Frank Fernando cho hay. Tất cả sản phẩm được bày bán trong cửa hàng ở thành phố Sharjah gần Dubai đều được bọc vàng, làm bằng vàng thuần túy hoặc nạm kim cương. Song ý tưởng về hình ảnh mạ vàng Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chỉ vừa được nảy ra từ một khách hàng gần đây.

Một người phụ nữ Trung Quốc bước vào cửa hàng Goldgenie vào tháng trước và yêu cầu trang trí chiếc điện thoại với nhiều món đồ quý lấp lánh cùng hình ảnh ông Trump, chủ cửa hàng chia sẻ. Ông Fernando cho rằng gia đình người phụ nữ này muốn gửi món quà trên đến ông Trump khi ông nhậm chức vào tháng tới.

Nếu họ tặng, chiếc điện thoại trên sẽ rất phù hợp với nội thất bằng vàng nổi tiếng trong căn hộ mái bằng của ông Trump ở thành phố New York (Mỹ). Từ khi bán được chiếc điện thoại đầu tiên, Goldgenie nhận thêm chín đơn đặt hàng yêu cầu hình ảnh ông Trump được mạ vàng.


Mẫu xe đạp mạ vàng của Goldgenie

Tỉ phú bất động sản Mỹ đang giúp cửa hàng vừa mở cửa đầu năm nay làm ăn tốt song các mẫu iPhone loại này vẫn còn thua xa giá trị của các mặt hàng đắt tiền nhất được bày bán. Đơn cử, một chiếc xe đạp mạ vàng sẽ có giá khoảng 350.000 USD.

Goldgenie được thành lập vào năm 1989 ở London (Anh). Mô hình kinh doanh của hãng khá đơn giản: mạ vàng bất cứ thứ gì khách hàng muốn. Fernando cho hay các nhân viên của ông thậm chí còn đem máy mạ vàng đặc biệt đến nhà những người giàu để dát đầy vàng cho nhà tắm của họ. Công ty chọn UAE làm nơi đầu tiên mở cửa hàng bán lẻ vì đây là nơi phát triển mạnh ở Vùng Vịnh.

“Chúng tôi nhiều lần được các gia đình hoàng gia ghé thăm. Họ đến với chúng tôi ở London và không chỉ mua một chiếc điện thoại. Họ mua năm, mười chiếc để làm quà”, chủ Goldgenie cho hay. Thương hiệu này sẽ mở thêm một cửa hàng mới ở nước láng giềng Qatar vào năm sau và đang thảo luận lập thêm chi nhánh ở Ả Rập Xê Út.


Nhưng cũng có giá “mềm” của chiếc "Trump iPhone" chỉ… mạ vàng

Sự kiện Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ có lẽ là cú sốc lớn nhất đối với dư luận thế giới trong những ngày qua. Ngay sau đó đã có nhiều sản phẩm ăn theo vị Tổng thống mới này, như chiếc iPhone mạ vàng chân dung Trump mặt sau. Tuy nhiên mức giá của chiếc iPhone Trump có lẽ còn làm bạn .. dễ thở hơn.




Sản phẩm trên được sản xuất từ Caviar, một công ty liên doanh của Nga và Ý. Mặt sau có in hinhf chân dung Donald Trump, tên của ông và huy hiệu tượng trưng cho Nhà Trắng. Mức giá của chiếc iPhone này là 3.040 USD, tương đương khoảng 67,6 triệu đồng. Không rõ ai sẽ bỏ tiền ra để mua nó, có thể là vợ con Trump hay các “fan” cuồng của ông chăng, vì Donald Trump đã từng tuyên bố trước đó là không thích dùng iPhone, và bản thân tân Tổng thống Mỹ cũng không phải là một người đam mê công nghệ.

Tuy nhiên Trump iPhone không phải là chiếc iPhone đắt nhất có in hình một vị nguyên thủ quốc gia. Trước đó, chiếc “Putin” iPhone cũng được công ty Caviar sản xuất với mức giá 3.225 USD (khoảng 71,7 triệu đồng), có lẽ công ty này đánh giá Putin cao hơn cả Trump!








iPhone 7 phiên bản Donald Trump của Caviar

Xem cho Zui




Đề phòng ông Trump bắt sản xuất iPhone tại Mỹ, Apple ráo riết tìm lối thoát

Apple được cho là đang bắt đầu chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra - đó là bị Donald Trump yêu cầu đưa dây chuyền sản xuất iPhone trở lại Mỹ, giống như những gì ông từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử tổng thống.




Báo cáo mới đây từ 9to5mac cho thấy Apple đang liên lạc với các đối tác chiến lược trong dây chuyền sản xuất iPhone, cụ thể là Foxconn và Pegatron nhằm tìm cách đưa chuỗi cung ứng, lắp ráp iPhone về Mỹ. Được biết, iPhone (và gần như tất cả sản phẩm khác của Apple) đều đang được sản xuất và lắp ráp tại nhà máy ở Trung Quốc.

Nguồn tin từ Nikkei cho biết Foxconn thì đang "ráo riết" giúp đỡ Apple, còn Pegatron dường như đã từ chối yêu cầu của đối tác trước những lo ngại về chi phí. Trích dẫn một nguồn tin giấu tên, việc sản xuất iPhone trong dây chuyền tại nước Mỹ có thể đội chi phí lên tới "hơn gấp đôi" so với hiện nay.

Apple từ nhiều năm qua đã chịu những lời chỉ trích về việc quá phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Và một trong số đó chính là lời chỉ trích của vị tân tổng thống - ông Donald Trump. Trong một bài phát biểu từ chiến dịch tranh cử tổng thống đầu năm nay, ông Trump cho biết: "Chúng tôi sẽ làm những gì tốt nhất cho đất nước này. Chúng tôi sẽ bắt Apple phải sản xuất những chiếc máy tính của mình tại đất nước này, thay vì ở những quốc gia khác".


Ông Trump từng có nhiều phát biểu không có lợi dành cho Apple trong chiến dịch tranh cử tổng thống

Ông cũng nhấn mạnh rằng nước Mỹ đã mất 10 triệu việc làm và 50.000 nhà máy sản xuất vì các công ty lớn đang đặt hàng sản xuất tại các quốc gia có giá nhân công rẻ như Trung Quốc. "Chúng ta đang bị giết chết", ông khẳng định điều đó.

Tuy nhiên, câu hỏi "tại sao Apple chỉ sản xuất iPhone ở Trung Quốc" từng khiến nhiều phân tích gia phải đau đầu, bao gồm cả cựu tổng thống Mỹ Barack Obama. Khi Steve Jobs còn sống, ông Obama từng đặt câu hỏi tương tự cho "huyền thoại" của Apple. Jobs khẳng định rằng đó là vì Mỹ đã mất lợi thế về giá thành sản xuất.

Lấy iPhone làm ví dụ. Sản phẩm này gồm trên 100 linh kiện, trong đó có hơn 90% được sản xuất bên ngoài nước Mỹ. Bảng mạch bán dẫn đến từ Đức và Đài Loan; bộ nhớ từ Hàn Quốc và Nhật; màn hình và bo mạch đến từ Hàn Quốc và Đài Loan; vi xử lý từ châu Âu, các linh kiện dùng kim loại hiếm đến từ châu Phi và châu Á. Tất cả những linh kiện này hội tụ về nhà máy của Foxconn tại Trung Quốc để lắp ráp.

Tuy nhiên, vị tân tổng thống Mỹ dường như rất nghiêm túc trong các chính sách của mình, bất chấp việc có lợi hay không có lợi đối đối với một công ty như Apple. Giới chuyên gia nhận định sẽ chẳng còn lâu để ông khởi động chiến dịch "bàn tay thép" và bắt Tim Cook phải thực hiện theo những điều mà ông Trump từng tuyên bố.

Từ quan điểm của riêng Apple mà nói, công ty chắc chắn sẽ không chịu sản xuất iPhone tại Mỹ nếu như không chịu tác động của một lý do tài chính nào đó. Tuy nhiên nếu như chính quyền của ông Trump quyết định tăng mạnh mức thuế nhập khẩu, thì Apple sẽ buộc phải lựa chọn phương án có lợi hơn, đó là sản xuất iPhone tại Mỹ với chi phí cao.

Nếu điều này xảy ra, giới chuyên môn cho biết Apple sẽ đối mặt với những quyết định "đau đầu" khác, như việc chấp nhận doanh thu thấp hơn để giữ nguyên giá iPhone, sử dụng linh kiện ít tốn kém hơn, hoặc tăng giá của sản phẩm này để bù cho những khoản chi phí phát sinh. Bất kể là lựa chọn nào cũng đều không có lợi nếu như đứng trên quan điểm của người tiêu dùng.

Theo 9to5mac


Donald Trump không hài lòng với iPhone

Dù có thông tin cho rằng, Donald Trump không biết dùng máy tính và gửi email cũng như đòi đóng cửa Internet, nhưng tổng thống mới của nước Mỹ không hề "lỗi thời" khi sở hữu cả điện thoại của Apple lẫn Samsung và rất tích cực tham gia mạng xã hội.

Được biết, Trump dành khá nhiều tweet để nói về sự không hài lòng của ông với iPhone từ năm 2013 trong việc chậm trễ tích hợp màn hình cỡ lớn, bày tỏ sự tiếc nuối trước sự ra đi của Steve Jobs.

Thậm chí, tân tổng thống của Mỹ còn kêu gọi tẩy chay Apple vì Tim Cook không chịu mở khóa smartphone của kẻ khủng bố.

Dưới đây là một loạt tweet của Donald Trump nói về iPhone đã được các trang tin công nghệ quốc tế đăng tải.


Bắt đầu từ năm 2013, ông Trump liên tục viết thông điệp thúc giục Apple học hỏi Samsung trong việc giới thiệu iPhone màn hình to: "Tôi có rất nhiều cổ phiếu Apple. Và tôi nhớ Steve Jobs. Tim Cook phải lập tức tăng cỡ màn hình iPhone. Nó phải to hơn màn hình Samsung một chút. Tôi thích màn hình lớn".


Tôi không thể tin Apple không nhanh chóng tạo ra một màn hình iPhone lớn hơn. Hãy đưa Steve Jobs trở lại


Ông nhấn mạnh: "Apple phải sản xuất iPhone màn hình lớn, càng sớm càng tốt. Họ đang đánh mất vị trí của mình trên thị trường".


Ngày 28/1/2014, ông tiếp tục chia sẻ: "Doanh số iPhone đang thu hẹp, họ phải tích hợp màn hình lớn hơn như một giải pháp thay thế, thật nhanh vào (tôi đã nói mãi rồi). Kích cỡ smartphone của Samsung tốt hơn nhiều".


Cũng trong ngày này, ông Trump còn viết hai tweet khác: "Tôi đoán cổ phiếu Apple sụt giảm do họ ngu ngốc không chịu tung ra iPhone cỡ to như Samsung. Tôi đã bán cổ phiếu Apple".


"Nếu Steve Jobs còn sống, hẳn ông sẽ rất tức giận vì Apple đã đánh mất cả tầm nhìn lẫn động lực, cần phải nhanh hơn để đưa sự kỳ diệu trở lại".


Ông tiếp tục trăn trở về iPhone cỡ lớn: "Tôi băn khoăn liệu Apple có bực mình khi tôi liên tục hối thúc họ sản xuất iPhone màn hình to. Tôi nghe nói sản phẩm sắp ra mắt rồi. Thật quá chậm chạp".


Tới tháng 2/2016, ông bắt đầu bày tỏ sự giận dữ khi Apple không hợp tác với FBI trong việc mở khóa chiếc iPhone 5c của kẻ khủng bố tham gia vụ xả súng đẫm máu ở San Bernardio (Mỹ). "Tôi dùng cả iPhone và điện thoại Samsusng. Nếu Apple không cung cấp thông tin cho các nhà chức trách về những tên khủng bố, tôi sẽ chỉ dùng máy Samsung mà thôi".


Tiếp đó, ông kêu gọi: "Hãy tẩy chay tất cả các sản phẩm Apple cho đến khi hãng này chịu cung cấp thông tin cho các nhà chức trách về kẻ khủng bố". Ông cũng chỉ trích Apple và khẳng định nếu trở thành tổng thống, ông sẽ đưa ra biện pháp buộc Apple phải sản xuất các sản phẩm của mình tại Mỹ như áp khoản thuế 35% với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ở nước ngoài

Theo: Internet…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template