Tổng thống Obama khi còn nhỏ và bố mình. Ảnh: NYTimes
Người cha nghèo đầy tham vọng của ông Obama
Trong thư của mình, cha của Tổng thống Obama hiện lên là một thanh niên da màu đầy tham vọng với ước mơ đổi đời ở Mỹ.
Các nhân viên lưu trữ tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa người da màu Schomburg, tại Harlem, New York đã vô tình tìm được những bức thư được viết từ hơn 50 năm trước, ghi lại những giấc mơ cùng gian khó một thanh niên trẻ người Kenya phải đối diện.
Đó là một thư ký da màu 22 tuổi có thể đánh máy 75 từ/phút và dịch tiếng Anh sang ngôn ngữ Swahil, theo New York Times. Nhưng anh lại không có tiền để học đại học, nên buộc phải cặm cụi trên một máy đánh chữ tại Nairobi, Kenya, để viết thư đề nghị các trường đại học và quỹ từ thiện ở bên kia bờ Đại Tây Dương hỗ trợ tài chính.
Những bức thư đó đã giúp thay đổi lịch sử nước Mỹ.
"Tham vọng tôi ấp ủ lâu nay là được tiếp tục theo đuổi con đường học tập tại Mỹ", một bức thư viết năm 1958 có đoạn. Tác giả bức thư là Barack Hussein Obama, và những bức thư đó đã giúp ông nhận được một loạt học bổng để rời Kenya tới Mỹ. Tại đây, ông đã trở thành cha của một cậu bé sau này trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Thế nhưng, người cha đó lại bỏ đi chỉ vài năm sau khi cậu con trai ra đời.
Năm 2013, Trung tâm Schomburg từng mời Tổng thống Obama tới xem những tài liệu mới được phát hiện, trong đó có gần hai chục bức thư của thân phụ ông, học bạ trong thời gian cha ông học tại Đại học Hawaii và Đại học Harvard, cùng những thư giới thiệu từ các giáo sư, nhà cố vấn cùng những người hỗ trợ. Gần ba năm sau, ông Obama kỷ niệm Ngày của Cha cuối cùng (ngày chủ nhật thứ 3 của tháng 6, năm nay ngày này rơi vào 19/6) trước khi rời Nhà Trắng, nhưng lời mời của Trung tâm Schomburg vẫn bị bỏ ngỏ.
Những tài liệu này mới được New York Times lần đầu tiên công khai trên truyền thông, cho thấy chân dung của ông Barack Obama Cha qua chính lời của ông, qua những bản viết tay do ông tự thảo trong thời gian học tập tại Mỹ. Nhưng nó cũng đồng thời hé lộ khởi đầu cho những rạn nứt trong quan hệ giữa hai cha con.
Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama sẽ muốn thấy những tài liệu đó sau khi rời Nhà Trắng, nhưng từ chối bình luận vì sao các quan chức chính quyền không phản hồi về những bức thư khi chúng được phát hiện. Quan chức này sau đó nói rằng tổng thống gần đây mới biết về những lá thư này.
"Những bức thư đó chứa rất nhiều thông tin. Chúng là tự truyện của một người đàn ông thú vị và đậm tính truyền thống", Khalil Gibran Muhammad, giám đốc Trung tâm Schomburg cho biết.
Sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Obama không ít lần nói chuyện một cách cởi mở về khoảng trống cha ông để lại trong đời mình. Ông Barack Obama Cha trở về Kenya năm 1964, khi ông Obama mới ba tuổi, và chỉ trở lại thăm con một lần, trong khoảng một tháng, khi ông 10 tuổi.
Trong cuộc phỏng vấn tháng trước, tổng thống cho biết sự vắng mặt của cha khiến ông gặp nhiều khó khăn trong những năm tháng vị thành niên, để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi "phải như thế mới là một người đàn ông đúng nghĩa".
Ông Obama trong cuốn sách "Dreams from My Father" (tạm dịch: Những giấc mơ từ cha tôi) đã mô tả khao khát tìm hiểu kỹ hơn về cha mình. Ông tìm thấy một vài câu trả lời trong hành trình trở về Kenya ở tuổi ngoài 20, nhưng không phải tất cả đều rõ ràng. "Tôi vẫn không rõ cha tôi xưa kia như thế nào", ông Obama viết. "Điều gì đã tạo nên những tham vọng của ông ấy?".
Theo Washington Post, hồi năm ngoái, trong cuộc phỏng vấn với nghệ sĩ hài Marc Maron, Tổng thống Obama cho biết cha mình là "một người đàn ông thông minh người đã nhảy vọt từ một ngôi làng nhỏ bé tại Kenya tới Mỹ".
"Ông ấy đã không thể làm chủ cú nhảy đó như kỳ vọng", ông Obama nói. "Và một phần trong quá trình viết sách của tôi là tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với ông, và sao ông ấy trở thành người như vậy".
Ông Obama cho biết suốt tuổi thơ của mình, cha ông là "một sự trừu tượng". Mẹ và ông bà của ông thường kể về những điều tốt đẹp của người cha vắng mặt. Sau đó, cha ông "trở thành một người nghiện rượu và trở nên hung hăng với những người vợ khác của mình, và ở một mức nào đó trở thành một người cha hờ hững", ông chủ Nhà Trắng kể với nghệ sĩ Maron.
Những điều ít biết về thân phụ của Tổng thống Obama
Trong thư của mình, cha của Tổng thống Obama hiện lên là một thanh niên Kenya nghèo, đầy tham vọng, luôn tránh đề cập đến cuộc hôn nhân với mẹ của ông Obama.
Barack Obama Sr. phát biểu tại một sự kiện ở Hawaii năm 1962, khi ông là một sinh viên. Ảnh: NYTimes
Các bức thư của ông Barack Obama Sr., được viết trong những năm 1958 tới 1964, đã cho thấy những thông tin mới, đặc biệt là về những năm ông sống tại Mỹ. Tuy nhiên, những tài liệu này cũng có thể gợi lại những vết thương cũ.
Ông Barack Obama Sr. gặp bà Ann Dunham, một bạn học cùng lớp, trong thời gian theo học Đại học Hawaii năm 1960. Mặc dù đã có vợ và hai con tại Kenya, ông Obama vẫn kết hôn với bà Dunham trong năm 1961 sau khi bà có thai. Con của họ ra đời ngày 4/8/1961, nhưng ông Barack Obama Sr. không khi nào đề cập đến người vợ mới cùng con trai, thậm chí cả trong đơn xin học bổng cũng không.
Năm 1963, ông nộp đơn xin học bổng để giúp chu cấp cho thời gian học cao học tại Đại học Harvard. Khi điền đơn tới phần câu hỏi về tình trạng hôn nhân và số người phụ thuộc, ông Obama Sr. bỏ trống.
Những người họ hàng thì mô tả thân phụ của Tổng thống Obama là một người đàn ông phức tạp, tài giỏi và độc đoán, quyến rũ và ngang ngược. Ông bắt đầu uống nhiều rượu sau khi giấc mơ trở thành một trong những kinh tế gia hàng đầu của chính phủ Kenya đổ vỡ. Ông qua đời ở tuổi 46, trong một tai nạn giao thông.
Theo ông Said Obama, người chú út của tổng thống Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Kenya hồi tháng này, cho biết ông hy vọng những tài liệu này sẽ giúp gia đình hiểu rõ hơn về ông Barack Obama Sr. Ông cũng cho biết, anh mình luôn quan tâm tới cậu con trai ông bỏ lại ở Mỹ, và thường tự hào khoe ảnh cùng những thành tích học tập của con tại trường.
"Ông ấy yêu con trai mình", Said Obama nhớ lại. "Tôi không nghĩ bạn sẽ làm những việc đó nếu không yêu con mình".
Về phần mình, Tổng thống Obama thường mô tả cuộc đời mình như một câu chuyện dài hiếm thấy tại Mỹ, về cậu con trai một gia đình có mẹ là phụ nữ da trắng đến từ bang Kansas, còn bố là người đến từ Kenya, đã trở thành tổng thống Mỹ. Thế nhưng, sự thành công của cha ông cũng gây ngỡ ngàng không kém, khi từ những con đường làng nhỏ, bụi bặm ở quê nhà đã bước tới giảng đường Đại học Harvard.
Khi còn nhỏ, ông Barack Obama Sr. hàng ngày phải đi chăn dê và đến trường với đôi chân trần, theo cuốn sách tiểu sử có tên "The Other Barack" của tác giả Sally H. Jacobs. Dù vậy, ông là một học sinh xuất sắc và có những giấc mơ lớn, cho dù cơ hội cho người da màu tại Kenya - nơi khi đó vẫn là thuộc địa của Anh - là rất hạn chế.
Ông đã không thể hoàn tất trung học vì "khó khăn về tài chính", một trong những đơn xin học bổng của ông viết. "Do cha tôi có sức khỏe yếu, tôi phải bỏ học đi làm và phụ giúp gia đình", Barack Obama Sr. viết.
Ông xin được công việc kiểm toán, làm người khảo sát cho một công ty dầu mỏ, quản lý văn phòng một công ty bảo hiểm và sau đó là thư ký cho một chương trình xóa mù chữ. Chàng thanh niên Barack Obama Sr. kết hôn và có một con. Những khó khăn tài chính đã không thể dập tắt tham vọng của ông. Ông muốn "mở một công ty của riêng mình về xây dựng và kiến trúc, hoặc làm việc cho chính phủ".
Ông quyết tâm gia nhập làn sóng thanh niên Kenya ra nước ngoài du học giữa lúc những kêu gọi giành độc lập lan khắp châu Phi. Những bức thư đã giúp ông được nhận vào Đại học Hawaii, và có được tiền để trang trải các chi phí.
Ngày 4/8/1959, Barack Obama Sr. lên máy bay rời Kenya và sau hai lần quá cảnh tại Rome và Paris, ông đã tới được New York, trước khi tiếp tục bay tới Hawaii. Một năm sau, ông quen người sau này trở thành mẹ của Tổng thống Obama.
Khi đó, ông Barack Obama Sr. đã thích nghi tốt với đời sống sinh viên, khi tham gia câu lạc bộ tranh luận, Hội Sinh viên Quốc tế, đồng thời là biên tập cho tờ báo sinh viên International Students Newsletter.
"Những người ở đây khiến tôi có cảm giác như ở nhà", ông viết, và cho biết thêm họ đã "đề nghị tôi có nhiều bài nói chuyện về châu Phi và về Kenya" cũng như mời ông tới nhà ăn tối.
Cũng có lúc ông nhớ nhà, nhưng vẫn hoàn thành khóa học đại học, chuyên ngành kinh tế học một cách xuất sắc, chỉ trong ba năm.
"Cậu ta gây ấn tượng với mọi người khi là một thanh niên thế kỷ 20 thực sự được khai sáng, và người châu Phi nên tự hào khi có cậu ta đại diện cho họ tại đây", Lee E. Winters Jr., một giáo sư Anh văn, viết.
Dù vậy, hầu hết bạn học của ông không hề biết ngôi sao của trường đã kết hôn với người vợ thứ hai trong năm học thứ hai, cũng như việc Barack Obama Sr. trở thành cha của một bé trai. Năm 1962, khi ông tới Harvard để học cao học, gia đình tại Mỹ của ông đổ vỡ.
Các quan chức nhập cư đã điều tra tin đồn về chuyện hôn nhân của Barack Obama Sr. Dù vậy, những khó khăn trong hôn nhân không hề được ông đề cập trong các bức thư, mà chỉ có vấn đề tài chính.
Trong bức thư gửi đi để xin học bổng, ông cho biết ngay cả một chiếc bánh hamburger cũng có giá 50 cent, và ông chưa từng thấy cuộc sống đắt đỏ như vậy.
Cuối cùng, ông tốt nghiệp với bằng thạc sĩ kinh tế học, đại học Harvard, không phải bằng tiến sĩ như ông từng hy vọng. Sau đó, ông trở về nước mà không mang theo con trai.
Christine McKay, chuyên viên lưu trữ phát hiện ra các bức thư, nói rằng cô không thể không ngừng nghĩ về Tổng thống Obama khi đọc những lá thư này.
"Tôi nghĩ rằng sẽ rất tuyệt nếu tổng thống có thể nhìn thấy những trang viết của cha mình", cô nói. Said Obama, chú của Tổng thống Obama, thì do dự khi nói về khả năng ông Obama xem các lá thư. Về một vấn đề nhạy cảm như vậy, giữa cha và con trai, ông nghĩ tốt nhất là nên bình tĩnh xem xét.
Các lá thư hiện được giữ trong hộp 214 của bộ sưu tập thuộc Quỹ Stokes Phelps tại trung tâm Schomburg. Giám đốc trung tâm cho biết các lá thư của cha ông Obama luôn chờ đợi bất cứ khi nào tổng thống sẵn sàng.
Xem các lá thư của bố Tổng thống Obama:
Đơn xin hỗ trợ tài chính năm 1958
Ông Barack Obama Sr. nộp đơn cho Viện Mỹ - Phi để xin hỗ trợ tài chính năm 1958. Tài liệu: Trung tâm Schomburg
Thư nêu thành tích học tập năm 1961
Trong thư, Barack Obama Sr. cảm ơn Viện Mỹ - Phi đã hỗ trợ tài chính cho mình, nêu các thành tính học tập tại Đại học Hawaii, và xin mẫu đơn để tiếp tục xin học bổng. Tài liệu: Trung tâm Schomburg
Thư viết tay xin hỗ trợ phí đi lại năm 1962
Barack Obama Sr. được nhận vào hệ cao học tại Đại học Harvard nhưng không có đủ tiền mua vé máy bay đến Cambridge. Tháng 6/1962, ông viết thư xin được hỗ trợ kinh phí đi lại. Tài liệu: Trung tâm Schomburg
Xem thêm:
Lý giải nguồn gốc họ của ông Obama
Họ của ông Obama xuất phát từ đặc điểm dáng đi của tổ tiên bên nhà nội tại Kenya.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngồi bên bà mình Mama Sarah (đeo khăn vàng) và người chị em cùng cha khác mẹ Auma Obama tại Kenya tháng 7/2015. Bà Sarah là vợ thứ ba của ông nội Obama, không phải là mẹ đẻ của bố Obama. Ảnh: AFP
Obama.
Đó là từ đã quen thuộc với hầu hết mọi người thế giới. Nó được truyền tai trong những hành lang đá cẩm thạch của Washington. Nó được hét lên bởi những người biểu tình. Tất cả lãnh đạo thế giới đều đã nhắc đến từ đó.
Tên đầy đủ của Tổng thống Mỹ là Barack Hussein Obama, được đặt giống với tên của cha ông, một người Kenya từng học ở Mỹ. Các lá thư được viết bởi bố của ông Obama đã được công bố vào cuối tuần trước, trong một bài báo của New York Times. Tổng thống Mỹ chưa từng xem những lá thư này. Qua những lá thư, bố ông Obama hiện lên là một người đầy tham vọng và thiếu kiên nhẫn, sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó tại tỉnh Nyanza, ở miền tây Kenya.
"Tôi sinh ra trong một ngôi làng nhỏ ở Trung Nyanza", ông viết trong đơn xin hỗ trợ tài chính gửi đến các trường đại học Mỹ. "Cha tôi kiếm sống bằng công việc nấu ăn trong nhà hàng châu Âu. Mẹ tôi làm nông".
Tuy nhiên, lá thư này không đề cập đến việc bố ông Obama sinh ra trong bộ lạc Luo, bộ lạc quyền lực thứ hai tại Kenya. Người Luo sống trải dài từ Sudan tới Tanzania, phần lớn sống tập trung tại bờ đông của hồ Victoria.
Max Bearak, cây bút của Washington Post, đã làm việc cho Viện Nghiên cứu Y khoa Kenya tại tỉnh Nyanza vào mùa hè năm 2010. Viện khi đó muốn phân nhóm hàng trăm nghìn bệnh nhân của họ trong khu vực, hầu hết là người Luo. Tuy nhiên, một khía cạnh văn hóa của bộ lạc này đã khiến quá trình gặp nhiều khó khăn: đó là họ của các thành viên trong bộ lạc.
Thay vì thừa hưởng họ từ đời trước, họ của phần lớn người Luo được đặt theo hoàn cảnh khi sinh ra, vì vậy, có rất nhiều người trùng họ nhưng không có quan hệ huyết thống. Ví dụ, tất cả bé trai sinh ra vào lúc bình minh được đặt họ là Onyango, bé trai sinh ra lúc nửa đêm được đặt là Oduor, còn lúc chạng vạng thì là Odhiambo. Tương tự, các bé gái sinh ra trong các thời điểm nói trên được đặt lần lượt là Anyango, Aduor và Adhiambo.
Với các cặp song sinh nam, bé sinh trước được đặt là Opiyo (hoặc có thể gọi là Apiyo), bé sinh sau là Odongo. Theo truyền thống, Opiyo sẽ bú vú bên phải của mẹ, còn Odongo ở bên trái. Em của một cặp song sinh sẽ được đặt họ là Okello, có nghĩa là "theo sau".
Người Luo còn có cách đặt họ không dựa vào thời gian sinh mà tùy theo tình huống trong cuộc sống, và không nhất thiết đều phải bắt đầu với chữ cái O hoặc A, mặc dù hầu hết đều như vậy. Nếu người cha vướng vào một vụ tranh chấp đất đai trong khi vợ mang thai, và nếu anh ta thắng trong tranh chấp, em bé có thể được mang họ Loch, có ý nghĩa là chiến thắng.
Còn với gia tộc nhà nội của ông Obama thì họ được đặt nhất quán và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, giống như cách đặt họ thông thường trên thế giới. Họ của gia tộc thường biểu thị một đặc tính của những người trong gia đình, mặc dù đặc điểm này có thể đã phai mờ theo thời gian. Họ phải bắt đầu bằng chữ cái "O".
Obama có nghĩa là "cúi xuống", hoặc "đi khập khiễng" trong tiếng Luo. Một số người ở Nyanza nói rằng tổ tiên của ông Obama có cách đi đặc biệt, khiến họ mang họ này. Tuy nhiên, với chiều cao 1m85, và dáng đi khá nhanh nhẹn của ông Obama, có thể nói rằng đặc điểm đó của dòng họ ông đã phai nhạt dần theo thời gian.
Theo VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn