Cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey, Chủ tịch Hội đồng tín thác FUV
ĐH Fulbright VN mời cựu chỉ huy thảm sát Mỹ làm chủ tịch quỹ: Có nên?
Hay tin cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey là Chủ tịch Hội đồng tín thác Trường Đại học Fulbright Việt Nam từng chỉ huy đội đặc nhiệm liên quan cuộc thảm sát Thạnh Phong (Bến Tre), lập tức mạng xã hội dậy sóng...
Chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama được chào đón bằng sự cuồng nhiệt, mến khách của hàng vạn người dân Hà Nội, TP HCM. Điều này thể hiện khát vọng hòa bình, hòa giải giữa 2 dân quốc gia vốn là cựu thù lớn đến dường nào.
Nốt buồn Thạnh Phong
Nước Mỹ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam như là một thông điệp khép lại hoàn toàn quá khứ đau thương. Không chỉ vậy, hàng loạt các quan hệ về kinh tế, chính trị, các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế cũng đã khẳng định mối quan hệ toàn diện và sâu sắc của 2 đối tác.
Chưa hết, một trường đại học phi lợi nhuận, dạy và nghiên cứu theo tinh thần khai phóng được ra đời tại Việt Nam. Đó là Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).
Bà Bùi Thị Nhi, 73 tuổi (giữa) tại mộ của cha mẹ và 3 người cháu gái của bà đã thiệt mạng trong cuộc thảm sát ở Thạnh Phong, Bến Tre, năm 1969. Ảnh: Tư liệu
“Chúng ta cần 20 năm để bình thường hóa quan hệ, 20 năm để từ hàn gắn sang xây dựng quan hệ. Các bạn thử tưởng tượng, chúng ta sẽ còn làm được nhiều điều to lớn hơn thế đến chừng nào trong 20 năm tới…” - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại lễ ra mắt FUV.
Tất cả hết sức tuyệt vời cho một cuộc bang giao cực kỳ tốt đẹp giữa 2 quốc gia. Thế nhưng, vẫn có điều gì đó rất lấn cấn khi mà một nhân vật “quá đặc biệt” là cựu thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Nebraska - ông Bob Kerrey đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng tín thác FUV. Một nốt trầm rất buồn trong tính khai phóng rất đáng được ủng hộ của FUV và quan hệ tốt đẹp Mỹ - Việt.
Bob Kerrey đã dính líu trực tiếp trong cuộc thảm sát đẫm máu ở Thạnh Phong, Bến Tre năm 1969. Khi ấy, toán lính đặc nhiệm Mỹ, mà Kerey là chỉ huy, đã giết chết ít nhất 13 phụ nữ và trẻ em không vũ trang.
Cuộc thảm sát Thạnh Phong và Mỹ Lai (Quảng Ngãi, năm 1968) là 2 vết nhơ của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Đến năm 2001, New York Times tung ra loạt bài điều tra dài hơn 11.000 từ về chuyện này, gây rúng động dư luận.
Sau cuộc điều tra này, uy tín của thượng nghị sĩ Kerrey sa sút thảm hại.
Thực tế, Bob Kerrey đã nhận ra lỗi lầm của mình một cách chân thành, cả trước đây và ngay thời điểm hiện tại. Mới đây nhất, trả lời chất vấn của một trang mạng ở Việt Nam, ông Kerrey lại xin lỗi: “Một cách chân thành và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới”.
Thực tế là như vậy nhưng khi mà bàn tay đã vấy máu, liệu có được rửa sạch, hay máu ở Thạnh Phong đã chìm vào ký ức?
Tại sao chọn Bob Kerrey?
Dư luận đang băn khoăn liệu ông Kerrey có xứng đáng để nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng tín thác FUV?
Về mặt công sức, ông Kerrey đã tham gia dự án thành lập FUV từ năm 1991, kêu gọi tài trợ hiệu quả đào tạo cao học ở TP HCM. Đặc biệt, ông đã vận động được từ chính phủ Mỹ tài trợ 20 triệu USD cho FUV và hy vọng sẽ còn có thêm tài trợ nữa.
Ngoài ra, ông cũng là một nhà quản lý giáo dục rất xuất sắc khi tham gia lãnh đạo Đại học Harvard và New School. Các chuyên gia giáo dục liên quan đến dự án thành lập FUV rất tin tưởng vào vai trò của ông Kerrey.
Thomas Vallely, Chủ tịch Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) - một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ, chịu trách nhiệm huy động vốn để đầu tư mở FUV, trả lời báo chí Việt Nam cho biết các bên liên quan đã cân nhắc kỹ trước khi chọn Bob Kerrey và tin rằng ông ấy xứng đáng.
Ông Thomas Vallely cũng khẳng định Bob Kerrey là nhà bảo trợ chính cho đạo luật thành lập Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) - tổ chức đã đưa hàng trăm người Việt Nam sang học cao học và tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên tại Mỹ.
Để có một FUV như hôm nay, có công rất lớn của Bob Kerrey.
Theo ông Thomas Vallely, việc lựa chọn một nhân vật gây tranh cãi như Bob Kerrey không gây bất lợi cho FUV mà ngược lại. Nhiều năm qua, Bob luôn thừa nhận trách nhiệm của mình trong tấn thảm kịch kinh khủng ở Thạnh Phong, năm 1969.
Trả lời BBC, Bob Kerrey nói ông được hiệu trưởng FUV Đàm Bích Thủy và những người liên quan đề nghị làm chủ tịch. Ông còn khẳng định: "Tôi chắc chắn là có nhiều người đủ khả năng để làm chủ tịch và tôi sẽ vui lòng rút lui nếu tôi thấy vị trí của tôi ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trường”.
“MỘT LỜI XIN LỖI SẼ LUÔN LÀ KHÔNG ĐỦ…”
"Một lời xin lỗi sẽ luôn là không đủ. Nó giống như món súp cá mà thiếu con cá vậy. Vì thế, tôi cố gắng giúp người Việt mỗi khi có thể. Như đóng góp chấm dứt đạo luật TWEA (coi Việt Nam như nước thù địch), bình thường hoá quan hệ, ủng hộ đàm phán BTA, và đặc biệt là ủng hộ nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam thông qua chương trình Fulbright" - ông Bob Kerrey chia sẻ.
Làm sao quên…!
Có một điều chắn chắn là khi mời Bob Kerry làm chủ tịch Quỹ Tín thác, bà hiệu trưởng Đàm Bích Thủy thừa biết quá khứ của ông. Một điều chắc chắn nữa là Bộ Ngoại giao, Bộ GD-ĐT cũng phải biết. Còn vì sao họ chấp nhận, đó là câu chuyện khác.
Riêng người dân, họ không được lý giải vì sao ông Bob Kerrey từng dính líu đến vụ thảm sát ở Thạnh Phong, nay trở lại Việt Nam không phải để xin lỗi mà làm "chủ tịch" một trường ĐH dạy theo kiểu Mỹ tại Việt Nam. Đó là lý do tại sao từ khi biết quá khứ của cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey, mạng xã hội dậy sóng. Nhiều người đặt câu hỏi và thử tự trả lời: Tha thứ hay tiếp tục thù hận?
Trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã chết vì bom nguyên tử ở Hiroshima trong thế chiến thứ 2, như để chia sẻ với người dân Nhật. Nhưng đâu phải người Nhật nào cũng quên được nỗi ám ảnh kinh hoàng này.
Người Việt Nam chúng ta vốn bao dung, trái tim đủ lớn để tha thứ, vốn rất hiếu khách, mến khách nhưng trong trường hợp Bob Kerrey, không ai đảm bảo rằng ông được yêu mến, dù ông ở cương vị nào đi nữa.
Thực ra, cho đến bây giờ, nhiều người trong chúng ta đã quên hận thù song không phải khi máu đã khô rồi mọi chuyện sẽ qua đi. Phải nhớ đến Mỹ Lai, nhớ đến Thạnh Phong để chúng ta càng yêu quý hòa bình, quý xương máu người Việt đã đổ xuống để có quê hương hôm nay
LƯU NHI DŨ
Thảm sát Thạnh Phong
Là sự kiện xảy ra ngày 25 tháng 2 năm 1969 tại Khâu Băng (ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), lực lượng biệt kíchSEAL của quân đội Mỹ, do Bob Kerrey chỉ huy, giết hại 21 thường dân gồm người già, phụ nữ và trẻ em trong khi truy tìm một cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Sau cuộc thảm sát, Bob Kerrey được tặng thưởng huân chương Sao Đồng (Bronze Star) do "kết quả của cuộc tuần tiễu là 21 Việt Cộng bị giết, hai căn nhà bị phá hủy, và thu được 2 vũ khí".
Năm 2001, Tạp chí New York Times và chương trình 60 Minutes II của đài truyền hình Mỹ CBS đã thực hiện một loạt phóng sự về sự kiện trên. (xem phần cuối)
Theo lời kể của các nhân chứng, đầu tiên, đội biệt kích của Kerry vào một nhà dân, dùng dao giết những người trong nhà. Theo Gerhard Klann, một thành viên trong nhóm, những người này gồm 2 ông bà già và 3 đứa cháu dưới 12 tuổi. Kerrey nhận trách nhiệm cho các vụ giết người này với tư cách chỉ huy đội. Ông nói với tạp chí New York Times rằng "Quy trình tiêu chuẩn là phải loại bỏ những người mà chúng tôi chạm trán" (Standard operating procedure was to dispose of the people we made contact with).
Sau đó, theo lời của Kerrey, đội biệt kích thấy có súng bắn từ giữa làng nên bắn trả từ xa, kết quả là chỉ tìm thấy các xác chết là phụ nữ và trẻ em[1]. Còn Gerhard Klann và nhân chứng người Việt là bà Phạm Thị Lãnh (hai người được phỏng vấn độc lập) cùng khẳng định rằng đơn vị lính Mỹ không hề bị tấn công, và các nạn nhân đã bị tập trung lại để bắn bằng súng máy tự động ở cự li gần.
Bob Kerrey làm Thống đốc bang Nebraska từ năm 1983 đến 1987, Thượng nghị sĩ Hoa Kì đại diện cho Nebraska (1989–2001). Từ khi rờiThượng viện Mỹ, ông làm Hiệu trưởng New School, một trường đại học ở thành phố New York. Năm 2016 ông đuọc bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác trường đại học Fulbright Việt Nam. Đây là bước tiến lớn trong sự hòa giải của 2 nước.
Chủ tịch ĐH Fulbright Bob Kerrey và nỗi ám ảnh mang tên Thạnh Phong
Thứ 3, 11:30, 31/05/2016
VOV.VN - Vụ thảm sát Thạnh Phong đã được Chủ tịch Đại học Fulbright Bob Kerrey nhắc đến nhiều lần với sự hối hận.
Theo New York Times, trong cuốn hồi ký của mình mang tên “When I was a Young Man” [tạm dịch: Khi tôi còn trẻ], ông Kerrey đã nhận trách nhiệm về vụ thảm sát làng Thạnh Phong ở Đồng bằng sông Cửu Long vào đêm 25/2/1969 do một đội Đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ dưới quyền chỉ huy của ông thực hiện.
Đây là một ống cống của gia đình ông Bùi Văn Vát, chứng tích của vụ thảm sát ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đêm 25/2/1969. Ba đứa trẻ là cháu nội ông Vát (10 tuổi, 8 tuổi và 6 tuổi) ẩn nấp trong ống cống này đã bị lính biệt kích Mỹ phát hiện, bắt và hành hình dã man. Năm 2009, kỷ niệm 40 năm ngày giỗ của các nạn nhân,gia đình ông Vát đã tặng lại Bảo tàng làm hiện vật trưng bày.
Cựu Thượng nghị sĩ Kerrey viết rằng, vụ thảm sát đó đã “thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi” và thuật lại vụ việc như nhau: “Người chỉ điểm của tôi dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà mà anh ta cho là nơi tập trung lính canh gác.
Chúng tôi được huấn luyện rằng, trong tình huống như vậy, sẽ rất mạo hiểm nếu cứ tiếp tục tiến vào làng vì những người lính canh sẽ báo động cho dân làng. Chúng tôi phải lựa chọn, hoặc là giết hết bọn họ, hoặc dừng chiến dịch càn quét của mình.
Tôi không ra lệnh cho họ giết chóc nhưng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn được việc này, tuy nhiên, tôi đã không làm như vậy”.
Sau đó, ông Kerrey cho biết, ông và người của mình tiến vào làng Thạnh Phong. Tại đó, họ chỉ thấy nhiều phụ nữ và trẻ em đứng trước cửa nhà sau khi bị dựng dậy bởi tiếng súng. Ông Kerrey kể lại rằng, có ai đó đã bắn súng về phía họ và đội SEAL của ông đáp trả “bằng một loạt súng dài”. “Tôi nhìn thấy nhiều phụ nữ và trẻ em bị đánh đập và sát hại. Ngay cả khi chúng tôi rút lui, tôi vẫn nghe thấy tiếng khóc của họ cũng như nhiều tiếng la hét khác trong đêm”, ông Kerrey viết.
Ông Kerrey khi còn là chỉ huy đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Ảnh CBS News
Ông Kerrey cho biết, ông vẫn bị ám ảnh bởi đêm tàn sát đẫm máu tại Thạnh Phong ấy: “Chúng tôi nghĩ rằng, mình đến Việt Nam để chiến đấu bảo vệ người dân Mỹ nhưng khi trở về, chúng tôi phát hiện ra rằng, người dân Mỹ không muốn chúng tôi làm vậy. Kể từ đó, chúng tôi thường xuyên bị châm chọc, chỉ trỏ và là tâm điểm của mọi lời chỉ trích”.
Theo ông Kerrey, trong giấc ngủ của mình, hình ảnh về cuộc Chiến tranh Việt Nam luôn hiển hiện, trong đó có một giấc mơ luôn trở đi trở lại, đó là về người chú của ông- người đã mất tích trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
“Trong giấc mơ ấy, tôi sắp sửa rời khỏi Việt Nam. Chú tôi cảnh báo rằng, điều đáng sợ nhất nhất trong chiến tranh không phải là việc cháu có thể phải bỏ mạng mà là việc cháu tước đi mạng sống của người khác và nhanh chóng trượt dài vào ham muốn giết chóc”, ông Kerrey nói.
Cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey là từng là chỉ huy lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ tham chiến tại Việt Nam từ năm 1966-1969.
Ông đã bị mất một chân khi đang chiến đấu tại Vịnh Nha Trang vào ngày 14/3/1969 và được tặng thưởng Huân chương Danh dự của Quốc hội Mỹ- huân chương cao quý nhất của quân đội Mỹ.
Từ năm 1893-1987, ông là Thống đốc và từ năm 1989-2001 là Thượng nghị sĩ bang Nebraska. Ngày 25/5/2016, ông Kerrey chính thức nhận quyết định thành lập Đại học Fullbright Việt Nam và trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị của trường.
Ông Kerrey cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, ông luôn tự hỏi rằng, liệu mình có thể làm khác đi không trong cái đêm “định mệnh” ở Thạnh Phong. “Đó còn hơn cả một tội ác”, ông Kerrey thừa nhận. “Đó là một nỗi hổ thẹn. Bạn không bao giờ có thể thoát khỏi nỗi ám ảnh ấy. Nó sẽ theo bạn suốt đời”, ông Kerrey nói thêm./.
Trần Khánh/VOV.VN
Xem thêm:
'Lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey?'
Memories Of A Massacre: Part I
Memories Of A Massacre: Part II
Memories Of A Massacre: Part III
One Awful Night in Thanh Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn