Nếu tham tôi cũng có nhiều nhà, nhiều xe
Ông Lê Như Tiến - Ảnh: Lê Kiên.
04/01/2016 11:27 GMT+7
TTO - Chiều cuối năm 2015, phóng viên Tuổi Trẻ tìm gặp lại đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, người đã có phát biểu nổi tiếng về tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ” và “chuyến tàu vét” của quan chức.
Ông Tiến cho chúng tôi xem những tin nhắn, thư từ ông nhận được sau phát biểu về tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ” và “chuyến tàu vét” và hiến kế để chặn đứng tình trạng trên.
Ông Tiến nói: “Sau phát biểu đó, tôi nhận được nhiều phản hồi rất tốt, ủng hộ từ các đồng chí lão thành cách mạng trong cả nước. Đặc biệt, dư luận xã hội đồng cảm với tôi, nhiều tờ báo cũng đã điều tra, phản ánh, phân tích tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ” là có thật. Bên cạnh đó cũng có những phản hồi dè bỉu, kích động tôi”.
* Xin hỏi cá nhân ông cũng đang ở buổi “hoàng hôn nhiệm kỳ”, ông có thấy rung rinh trước cơ hội về những “chuyến tàu vét”, chẳng hạn như trước lời mời đi du lịch nước ngoài hoặc lợi dụng xin việc cho người nọ, chạy chức cho người kia?
- Tôi cũng đã từng một số lần đi nước ngoài. Nhưng tôi khẳng định đó là các chuyến đi công tác, làm việc, phục vụ cho một nhiệm vụ cụ thể thực sự chứ không phải đi du hí, chơi bời. Thế còn bạn nói vào lúc này, khi sắp nghỉ hoặc tới đây đã nghỉ rồi mà lại nhận “ân huệ” của cơ quan, đơn vị, tổ chức nào đó mời đi thì chắc chắn là tôi không đi. Sau này, nếu có điều kiện, tôi chỉ đi du lịch nước ngoài bằng tiền túi của mình với hộ chiếu phổ thông.
Phải nói rằng, trước lợi ích vật chất thì chắc là nhiều người rung rinh, bởi quyền lực và tiền bạc có sức cuốn hút rất ghê gớm. Với cá nhân tôi, nếu tham lam thì với vị trí của mình (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội), tôi cũng có thể trục lợi để có nhiều nhà, nhiều xe riêng, nhưng tôi không làm điều đó.
Tôi ở căn hộ 60m2 trong một ngõ nhỏ cùng với 2 người con trai đều đã có gia đình riêng, các con tôi đã trưởng thành và đều tự túc mua xe máy đi làm việc.
Công khai, cạnh tranh trong tuyển dụng sẽ chọn được người tài
* Thực hiện những “chuyến tàu vét”, suy cho cùng cũng là cách để một số quan chức “thu hồi vốn”, bởi cho đến thời điểm này các phát ngôn chính thống đều nhận định rằng tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi và việc chạy chức, chạy quyền vẫn diễn ra. Khi đã chạy tức là phải bỏ tiền ra để “đầu tư” và sau đó thì phải “thu hồi vốn” và “kiếm lời” chứ. Làm thế nào để ngăn chặn, thưa ông?
- Đến nay, trong các văn bản của Đảng, nhận định của Quốc hội, Chính phủ đều cho rằng tham nhũng chưa được đẩy lùi, có tình trạng chạy chức chạy quyền, tham quyền cố vị… Để đấu tranh, vạch trần các “chuyến tàu vét” như tôi đã đề cập thì các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc quyết liệt, nếu không sẽ rất khó phanh phui bởi các hành vi như vậy họ thực hiện rất tinh vi.
Nhưng theo tôi, quan trọng nhất là phòng ngừa, ngăn chặn. Mà để phòng ngừa tốt nhất thì phải đổi mới công tác cán bộ theo hướng cạnh tranh thi tuyển công khai, minh bạch, có sự giám sát của dư luận, nhân dân.
Để ngồi vào một vị trí lãnh đạo thì phải thi chứ không phải là cử, mà thi thì không được tổ chức lấy lệ, thi hình thức mà phải có nhiều ứng cử viên để ganh đua nhau, cuối cùng tìm ra người tốt nhất, đáp ứng cao nhất tiêu chuẩn đề ra cho vị trí ấy.
Cạnh tranh, thi tuyển công khai, minh bạch thì sẽ chấm dứt được nạn chạy chức, chạy quyền.
Người ta chỉ chạy được khi công tác tuyển dụng, bổ nhiệm phụ thuộc vào một người hoặc một nhóm nhỏ người có thẩm quyền quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm. Chứ một khi đã công khai, ví dụ khi cần thi tuyển vị trí giám đốc sở, điều kiện đưa ra cho người nắm giữ vị trí này gồm những gì, mọi người đủ tiêu chuẩn đều có quyền nộp hồ sơ, hội đồng giám khảo độc lập gồm những nhà quản lý và những nhà chuyên môn có uy tín, tất cả quy trình nộp hồ sơ và tổ chức thi tuyển đều được giám sát, thì kết quả cuối cùng là vừa tìm được người xứng đáng nhất, lại vừa chống được nạn “chạy”.
Tôi thấy vừa rồi ở Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tư pháp đã tiến hành thi tuyển lãnh đạo một số đơn vị chức năng, bước đầu cho thấy dư luận hoan nghênh. Tuy nhiên, để làm thành công được thì cần phải tiến hành rà soát, sửa đổi đồng bộ nhiều quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
* Hiện nay, gần như tất các vị trí lãnh đạo trong bộ máy đều đỏi hỏi những tiêu chuẩn theo quy định của đảng, ví dụ muốn làm giám đốc sở phải là chuyên viên chính, trình độ lý luận chính trị cao cấp… Như vậy thì với một người có trình độ chuyên môn cao, có năng lực thực sự, GS.TS ở nước ngoài về, người ta chưa kịp trở thành đảng viên, chưa có thời gian đi học để trở thành chuyên viên chính, lý luận chính trị cao cấp…, thì có nghĩa là họ không có cơ hội được tuyển dụng và cống hiến?
- Theo tôi thì Đảng và Nhà nước cũng đã nhìn ra những bất cập trong một số quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Tôi nghĩ rằng quy định nào cũng do con người làm ra và một khi đã nhận thấy nó bất cập thì nên khẩn trương tiến hành nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với thực tế, đặc biệt là để các quy định đáp ứng được mục đích thu hút nhân tài phụng sự đất nước.
Vừa qua chúng ta tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ với nhiều quy định rất khắt khe về chứng chỉ, bằng cấp, ví dụ như phải chừng này năm mới đủ điều kiện thi chuyên viên chính, rồi thêm chừng này năm nữa mới thi chuyên viên cao cấp…
Với những quy định hiện hành, trong một số trường hợp chúng ta chỉ tuyển được người có đủ tiêu chuẩn về bằng cấp, chứng chỉ nhưng lại không tuyển được người tài năng.
Dân chủ để tìm người tận tâm lo việc nước
* Với chính khách, cụ thể là đại biểu Quốc hội, thì làm thế nào để có được những người tốt nhất, tránh tình trạng như nhiệm kỳ này có đại biểu bị bãi nhiệm, có đại biểu bị bắt, có đại biểu thì dùng blog cá nhân miệt thị đại biểu khác?
- Trước hết phải đánh giá khách quan rằng Quốc hội nhiệm kỳ này đã làm được rất nhiều việc, trước hết là ban hành Hiến pháp 2013 và tiến hành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều đạo luật để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và quản lý xã hội.
Quốc hội cũng đã tiến hành nhiều cuộc giám sát có chất lượng như giám sát tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự, giám sát việc thực hiện pháp luật quản lý đất đai trong các nông, lâm trường…
Nhiều phiên chất vấn của Quốc hội được cử tri quan tâm, chú ý, đồng tình và giải quyết được những vấn đề nóng bỏng, bức xúc. Có được dấu ấn đó là kết quả lao động đầy cố gắng, sự toàn tâm toàn ý của đa số các vị đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, có tình trạng đáng buồn như bạn nói là đầu nhiệm kỳ có một vị nữ đại biểu là doanh nhân bị bãi nhiệm, cuối nhiệm kỳ một vị nữ đại biểu là doanh nhân khác bị bắt, có đại biểu dùng blog cá nhân công kích đại biểu khác…
Rồi dư luận đặt ra có hiện tượng đại biểu phát biểu không phải ý kiến của mình mà đọc bài của bộ nọ, ngành kia nhờ với mục đích có lợi cho họ, tức là dấu hiệu của tình trạng vận động hành lang không lành mạnh.
Để có được những đại biểu Quốc hội, những chính khách chất lượng cho nhiệm kỳ tới, tôi nghĩ rằng khâu quan trọng nhất là tuyển chọn ứng cử viên để có những người tài năng, đức độ, tận tâm với đất nước, với nhân dân tham gia ứng cử, loại bỏ được những kẻ cơ hội, sâu mọt.
Theo tôi, Quốc hội không nên quá nặng về cơ cấu (lứa tuổi, giới tính, dân tộc…) mà phải chú trọng đến tiêu chuẩn, chất lượng. Đặc biệt là cần tăng tính cạnh tranh trong cuộc bầu cử lần này, mỗi đơn vị bầu cử phải có số dư nhiều hơn các cuộc bầu cử trước để cử tri rộng đường lựa chọn, công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử phải đảm bảo dân chủ trong ứng cử và tiến cử người tài nhằm tuyển chọn được những người tài năng nhất, tâm huyết nhất sẵn sàng tham gia tranh cử để lo việc nước.
Các ứng cử viên phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ trình bày ý kiến, vận động bầu cử trước đông đảo các tầng lớp nhân dân nơi họ ứng cử, tiểu sử và những thông tin liên quan đến các ứng cử viên phải rõ ràng, minh bạch để mọi cử tri có thể tiếp cận.
Chỉ bỏ phiếu cho người xứng đáng
Năm 2016 chúng ta sẽ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tôi nhắn nhủ với cử tri rằng hãy tìm hiểu thật kỹ hồ sơ, tiểu sử, thông tin của các ứng cử viên, tích cực chất vấn, trao đổi với ứng cử viên trong quá trình họ vận động bầu cử, chỉ bỏ phiếu bầu cho những người thực sự xứng đáng, thực sự tin cậy.
Mỗi cử tri hãy tự đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, đừng nhờ người khác bỏ phiếu hộ, bởi đây là quyền dân chủ trực tiếp thiêng liêng.
Tự mình lựa chọn người đại diện của mình là cách bầu cử thực chất và chính xác nhất, nếu cử tri tự từ bỏ quyền bầu cử của mình là thiếu trách nhiệm với công việc của đất nước.
Những chuyến tàu vét trước khi "hạ cánh"
28/11/2015 08:08 GMT+7
TT - Những chuyến đi nước ngoài hào nhoáng dưới vỏ bọc học tập, trao đổi kinh nghiệm vào buổi "hoàng hôn nhiệm kỳ" cũng chính là những "chuyến tàu vét" trước khi "hạ cánh".
Ảnh: Việt Dũng
“Phải công khai chương trình, mục đích, kinh phí các chuyến đi nước ngoài”. Đó là ý kiến của đại biểu LÊ NHƯ TIẾN - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ.
Ông Tiến nói:
- Tại kỳ họp này tôi đã đề cập tình trạng vào buổi “hoàng hôn nhiệm kỳ”, khi sắp về hưu hoặc chuyển giao công việc, người ta thường làm những “chuyến tàu vét” trước khi “hạ cánh”.
Tình trạng này biểu hiện ở nhiều khía cạnh như việc ký vội vàng các quyết định bổ nhiệm, đề bạt; ký gấp gáp các dự án lớn để có phần trăm trong đó; rồi những chuyến đi nước ngoài hào nhoáng dưới vỏ bọc học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm.
Riêng chuyện đi nước ngoài học tập kinh nghiệm là vấn đề bức xúc từ lâu nay rồi, vừa qua lại xảy ra ở nhiều nơi khiến dư luận càng thêm bức xúc. Ai cũng biết để tổ chức những chuyến đi như vậy, đặc biệt là đi Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... rất tốn kém.
* Có những người bạn nước ngoài rất ngạc nhiên khi thấy nhiều đoàn của VN đến nước họ nhưng lại học tập, trao đổi với cùng nội dung. Ông có nghe chuyện này không?
- Đây là vấn đề rất bức xúc đang tồn tại. Đã từng xảy ra những chuyện như trong một khoảng thời gian ngắn mà cùng bộ, ngành, địa phương ấy tổ chức các đoàn khác nhau để đi nước ngoài học tập, trao đổi kinh nghiệm về những vấn đề, nội dung tương tự nhau.
Và hãy xem lịch trình, địa điểm mà các đoàn của chúng ta mới kinh ngạc: đó là những địa danh nổi tiếng về mua sắm, cảnh quan, du lịch đắt tiền.
Tôi còn thấy trong chương trình đi của một số đoàn học tập, trao đổi rất ít, còn thời gian tham quan, ngắm cảnh, mua sắm rất nhiều.
Có những đoàn đi học tập, trao đổi chỉ một, hai buổi nhưng năm, sáu ngày còn lại dành để di chuyển từ TP này đến TP kia, từ địa danh lịch sử này đến thắng cảnh khác.
Tất nhiên, chúng ta cũng không cấm việc tranh thủ du lịch kết hợp với làm việc, nhưng khi mà thời gian đi chơi gấp nhiều lần thời gian làm việc thì thử hỏi đó là những chuyện học tập, trao đổi hay dùng tiền nhà nước để đi du lịch trá hình?
Tôi nhiều lần nghe chuyện có những người nước ngoài ngạc nhiên hỏi rằng:
“Tại sao các đoàn của VN sang gặp chúng tôi cứ trao đổi những vấn đề lặp đi lặp lại, đoàn sau hỏi y chang những câu hỏi mà đoàn trước đặt ra và đã được giải đáp? Tại sao các đoàn của các bạn về không thông tin, trao đổi với nhau?”.
Tôi đề nghị Chính phủ đưa ra các quy định cụ thể để kiểm soát vấn đề này, chẳng hạn với những nội dung đã có đoàn đi học tập, nghiên cứu thì các đoàn sau không được đi với cùng chủ đề đó nữa.
Các chuyến đi nước ngoài đều phải công khai nội dung, lịch trình làm việc, kinh phí chuyến đi để các cơ quan có trách nhiệm và cử tri giám sát.
* Vậy còn những chuyến đi của quan chức dưới danh nghĩa được doanh nghiệp mời, đi nước ngoài bằng tiền của doanh nghiệp, ông nghĩ sao?
- Chắc hẳn khi doanh nghiệp bỏ tiền túi ra để mời quan chức nhà nước đi tham quan, học hỏi thì họ phải tính toán xem gặt hái được những gì?
Đó hẳn là những chuyến đi để vận động hành lang dự án nào đó, chính sách nào đó có lợi cho họ; là những chuyến đi để “cảm ơn” những gì mà quan chức nhà nước đã ban phát cho họ trước đó...
Đã đến lúc Chính phủ đưa ra quy định cụ thể những trường hợp nào, vị trí nào được nhận lời mời của doanh nghiệp, những trường hợp nào và vị trí nào không được nhận lời mời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn