Cảnh sát Mỹ huy động khí tài hạng nặng khi săn lùng hai nghi can xả súng trưa 2-12 - Ảnh: Reuters
Thảm sát ở California: Chưa loại trừ động cơ khủng bố
Những vụ xả súng hàng loạt thường xuyên là độc nhất vô nhị tại Mỹ, không xảy ra ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới _ Tổng thống Mỹ BARACK OBAMA
Một ngày sau cuộc thảm sát đẫm máu tại thành phố San Bernardino, bang California, nhà chức trách Mỹ vẫn chưa thể xác định được động cơ của nghi can.
Theo AFP, vụ tắm máu tại Trung tâm Inland, một cơ sở chăm sóc người khuyết tật ở San Bernardino, đã cướp đi sinh mạng 14 người và làm 17 người bị thương, trong đó ít nhất 10 người đang nguy kịch.
Cảnh sát xác định nghi can là Syed Farook - công dân Mỹ gốc Nam Á, 28 tuổi và Tashfeen Malik - 27 tuổi, chưa rõ quốc tịch. Hai nghi can có thể là vợ chồng hoặc đã đính hôn. Cảnh sát trưởng Jarrod Burguan của San Bernardino, thành phố lớn thứ 17 của bang California, cho biết Farook là nhân viên điều tra môi trường thuộc Sở Y tế quận San Bernardino năm năm qua.
Lên kế hoạch từ trước
Điều tra ban đầu cho thấy Farook dự buổi tiệc mừng Giáng sinh do Sở Y tế tổ chức tại tòa nhà của Trung tâm Inland. Sau khi xảy ra cãi cọ, Farook rời bữa tiệc và không lâu sau quay lại cùng Malik thực hiện cuộc thảm sát.
Cả hai mặc đồ nhà binh, cầm theo súng xả đạn vào đám đông. Họ trốn khỏi hiện trường trên một chiếc xe màu đen.
Các đặc vụ FBI lần theo dấu vết họ tới một căn hộ ở thị trấn Redlands gần đó. Sau cuộc đọ súng, cả Farook và Malik đều bị bắn chết. Cảnh sát trưởng Burguan và đặc vụ FBI David Bowdich đều không loại trừ khả năng đây là một vụ tấn công khủng bố.
“Rõ ràng họ phải có sự chuẩn bị từ trước với vũ khí và trang bị như vậy. Không thể có chuyện vì cãi cọ mà họ về nhà, mặc đồ nhà binh, cầm súng và quay lại bắn giết” - ông Burguan nhấn mạnh.
Trước khi gây án, Farook và Malik đã gửi lại đứa con 6 tháng tuổi cho bà nội, nói rằng cả hai phải đi khám bệnh. Cả hai còn gài ba quả bom ở hiện trường, do đó cảnh sát phải mất vài giờ mới có thể tiếp cận tòa nhà.
Có động cơ khủng bố?
Báo The Daily News dẫn lời cha của Farook cho biết Farook theo đạo Hồi và rất sùng đạo. Một số đồng nghiệp của Farook cho biết Farook từng đến Saudi Arabia.
Nếu nói rằng có động cơ khủng bố thì vụ xả súng ở San Bernardino xảy ra trong một trung tâm không nhiều người biết đến. FBI cũng cho biết trước đây Farook chưa từng bị điều tra hay có hành vi cực đoan khả nghi nào.
Do đó, nhiều quan chức và chuyên gia Mỹ kêu gọi nhà chức trách không kết luận vội vàng động cơ gây án của Farook và Malik. “Chúng tôi sẽ điều tra dựa theo các bằng chứng” - đặc vụ FBI Bowdich nhấn mạnh. FBI đang điều tra nghi vấn Farook từng liên hệ với một kẻ bị điều tra khủng bố vài năm trước.
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ qua thư điện tử, phóng viên tự do Chris Meyer sống tại thành phố San Francisco, bang California cho biết California là bang có các luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ nhất nước Mỹ, phần đông người dân California cũng theo tư tưởng cấp tiến, không ưa súng đạn như những người bảo thủ, theo Đảng Cộng hòa.
“Nhưng thực tế nếu muốn thì bạn vẫn có thể mua súng ở đây không quá khó khăn. Vấn đề là ở nước Mỹ có quá nhiều súng. Do đó các vụ bắn giết liên tục xảy ra” - anh Meyer viết.
* Anh David Dương (29 tuổi, quản lý xây dựng ở quận Cam, bang California):
Ở San Bernardino không có nhiều người Việt
Sau vụ xả súng, cộng đồng người Việt nhắn tin, gọi điện hỏi thăm, dặn dò nhau không nên đi ra chỗ đông người nhằm đề phòng bất trắc có thể xảy ra đối với mình và người thân. Có người Việt sống ở San Bernardino nhưng không nhiều bằng ở quận Cam.
Cho đến giờ tôi chưa nghe thông tin có nạn nhân người Việt trong vụ xả súng vì các cơ quan hữu quan vẫn chưa công bố danh tính các nạn nhân.
Trong hơn 13 năm sinh sống ở Mỹ, trung bình cứ mỗi tháng tôi lại nghe thông tin về một vụ xả súng giết người hàng loạt, do đó xả súng đã trở thành một phần của cuộc sống ở đây.
Từ vụ xả súng ở San Bernardino, tôi lo lắng khi nghĩ đến các biện pháp an ninh sơ sài ở những nơi tập trung đông người Việt như các trung tâm mua sắm, chợ búa hoặc những trung tâm văn hóa như Phước Lộc Thọ ở quận Cam.
Có cảm giác rằng hầu hết bảo vệ ở những khu vực này chỉ được đào tạo phòng chống ăn cắp vặt, chứ chưa được huấn luyện để chống lại những vụ xả súng, tấn công khủng bố...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn