Kỳ 2: Viết tiếp ở ‘vùng đau thương’ Khánh Sơn_TP.Đà Nẵng là đáng sống, nhưng riêng Khánh Sơn thì gần chết
Người dân hy vọng sau những hứa hẹn ban đầu
Lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã ra những quyết sách ban đầu xử lý ô nhiễm và hỗ trợ đời sống người dân ở quanh bãi rác Khánh Sơn
Những nỗi khổ mà người dân ở bãi rác Khánh Sơn phản ánh, hầu hết các lãnh đạo TP.Đà Nẵng đều xác nhận là đúng. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết sẽ chỉ đạo triển khai xử lý cụ thể.
Nghiên cứu quy hoạch một bãi rác mới
Tại cuộc đối thoại với người dân bãi rác Khánh Sơn sáng 31.10, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND thành phố cho hay: “Sau khi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thị sát nắm tình hình, về phía UBND, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã ra liên tiếp 3 văn bản chỉ đạo xử lý các công việc liên quan đến tình trạng ô nhiễm ở khu vực này”.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (đứng), Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết đã có nhiều văn bản liên tiếp chỉ đạo xử lý tình trạng ô nhiễm ở bãi rác Khánh Sơn - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Ông Tuấn cho biết dựa trên các văn bản chỉ đạo này, Sở TN-MT, lãnh đạo quận, phường và người dân kiểm tra liên tục tại các công ty xử lý rác thải. Nếu phát hiện công ty nào thực hiện không nghiêm túc gây ô nhiễm thì sẽ xem xét đóng cửa đến khi nào khắc phục xong mới cho hoạt động trở lại.
Về phía Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, ông Tuấn yêu cầu phải xử lý tình trạng xe chở rác không đảm bảo gây rỉ nước dọc đường, không che đậy khiến mùi hôi bốc ra. Đề nghị công an thành phố và công an quận kiểm tra, xử lý tình trạng trên.
Việc thành lập tổ giám sát phối hợp giữa chính quyền và người dân cũng được ông Tuấn chỉ đạo Sở TN-MT thực hiện.
Về lâu dài, bãi rác Khánh Sơn sẽ đóng cửa vào khoảng năm 2018-2020. Do đó, ông Tuấn đề nghị Sở TN-MT cần nghiên cứu quy hoạch bãi rác ở chỗ mới và không để lặp lại tình trạng ô nhiễm như ở bãi rác Khánh Sơn.
Vùng Khánh Sơn
Đối với nhà máy tái chế chất thải rắn của Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam, ông Tuấn cho rằng công ty chỉ mới đưa vào vận hành giai đoạn đầu mà đã gây ra tình trạng ô nhiễm khiến dân phản ánh . Đi xử lý ô nhiễm môi trường mà lại gây ô nhiễm môi trường là không thể chấp nhận được. Do đó, UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu công ty này cần phải xem xét lại các khâu xử lý, đảm bảo không gây ô nhiễm ra xung quanh.
Nghiên cứu hỗ trợ việc làm, an sinh xã hội
Có khoảng 2.700 người dân bị ảnh hưởng quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn. Trong đó, có khoảng 311 người dân trực tiếp kiếm sống trong bãi rác nhờ thu lượm phế phẩm. Những hộ dân này phần lớn đều có hoàn cảnh nghèo khó. Những hỗ trợ của thành phố như BHYT, nước sạch đã cấp cho người dân đều bị cắt sạch từ đầu năm 2015.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho hay quận sẽ cấp lại BHYT, khám bệnh miễn phí, nước sạch cho người dân.
Về an sinh xã hội lâu dài, ông Triết cũng đề nghị thành phố cho mở rộng trường mẫu giáo, sân bóng đá cho thế hệ trẻ ở Khánh Sơn được đền đáp phần nào.
“Hiện có 311 khẩu sống nhờ bãi rác, mỗi ngày mỗi người kiếm được khoảng 100 ngàn đồng. Nếu sau này đóng bãi rác thì việc hỗ trợ việc làm cho họ rất khó khăn vì phần lớn là người lớn tuổi. Do đó, đề nghị thành phố cần nghiên cứu để cơ cấu việc làm cho họ”, ông Triết nói.
Ruộng ở Khánh Sơn phần lớn đang bỏ hoang, người dân cho biết nước thải chảy vào nên không thể sản xuất được.
Những đề xuất này, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đều đồng ý về mặt chủ trương. Theo đó, việc xây dựng trường học, khu vui chơi, ông Tuấn yêu cầu quận Liên Chiểu cần làm đề xuất sớm, quy hoạch vị trí gửi lên thành phố. Đồng thời, yêu cầu sở và phòng LĐ-TB-XH rà soát lại danh sách các hộ dân giải tỏa phục vụ dự án bãi rác trước đây chưa nhận được hỗ trợ về giải quyết công ăn việc làm để có hỗ trợ lại cho họ.
Những quyết sách này, ông Tuấn đề nghị đại diện Thường trực HĐND TP.Đà Nẵng quan tâm và đưa khu vực Khánh Sơn vào chương trình trọng điểm, ghi vào nghị quyết thực hiện sang năm tới.
Phần lớn các công ty đều có sai phạm
Bãi rác Khánh Sơn có từ 20 năm nay. Ban đầu khu vực này là một vùng hẻo lánh của TP.Đà Nẵng (trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ). Theo thời gian, nhiều cơ sở xử lý rác thải tiếp tục được đưa về đây.
Hiện người dân vùng Khánh Sơn phải chịu ảnh hưởng từ 5 nguồn xử lý ô nhiễm gồm: bãi chôn lấp rác Khánh Sơn của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng. Khu vực xử lý nước thải bể phốt và nước rỉ bãi rác do Xí nghiệp quản lý bãi và xử lý chất thải rắn (Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng) và Công ty TNHH Khoa học, công nghệ, môi trường Quốc Việt cùng vận hành. Hai lò đốt rác thải y tế và rác thải công nghiệp do Xí nghiệp dịch vụ môi trường số 2 vận hành. Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn của Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam. Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp của Công ty TNHH TM&DV môi trường Ánh Dương (Đà Nẵng).
Xử lý tái chế rác tại Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam.
Cách đây 9 năm, người dân ở đây từng phản ứng vì tình trạng ô nhiễm. Sự việc âm ỉ đến ngày 20.10.2015 tiếp tục bùng phát khi người dân chặn đứng hàng loạt xe chở rác không cho vào bãi. Sau sự việc, lãnh đạo cấp cao nhất TP.Đà Nẵng, Bí thư Nguyễn Xuân Anh đã xuống hiện trường thị sát. Sở TN-MT và quận Liên Chiểu đã lập ngay đoàn khảo sát để tìm ra nguyên nhân ô nhiễm.
Theo đó, phát hiện tại bãi chôn lấp rác thực hiện không đúng quy trình. Đoàn liên ngành đã yêu cầu Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng phải lập lại quy trình, lu lèn rác mỗi lớp dày 2m rồi phun chế phẩm, lấp đất. Mỗi ngày phải thực hiện phun chế phẩm khử mùi quanh bãi chôn lấp 4 lần, tập trung về ban đêm. Ngoài ra, yêu cầu công ty này phải mua bạt chuyên dụng để che bãi rác lại, hạn chế trời mưa xuống sẽ tang lượng nước rỉ rác.
Ở khu xử lý nước rỉ rác và bể phốt, việc xử lý cũng không đúng quy trình gây ra mùi hôi thối. Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT yêu cầu đơn vị liên quan phải thực hiện vét bùn lắng một tháng một lần, tang chế phẩm khử mùi và hạn chế sục nước, nghiên cứu đưa thêm công nghệ xử lý khí bể phốt, đầu tư tiền xử lý màu nước xả.
Tại nhà máy xử lý chất thải rắn, yêu cầu Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam thu gom toàn bộ rác phơi ngoài trời gần đường du lịch Hoàng Văn Thái. Yêu cầu nhà máy nâng cao ống khói, thay đổi giờ đốt rác, xử lý việc nhóm lò gây ra khói đen. Quy trình xử lý phân loại rác phải tăng cường phun chế phẩm, khép kín nhà xưởng, đưa công nghệ hút khí âm để đảm bảo sức khỏe cho công nhân sản xuất trong xưởng cũng như cư dân xung quanh…
Lê Đình Dũng
Đọc thêm
Dân Đà Nẵng chặn xe tải vào bãi rác gây ô nhiễm
Bãi rác lớn nhất Đà Nẵng gây ô nhiễm khiến hàng trăm hộ dân bức xúc tụ tập suốt một buổi và chỉ chịu cho xe chở rác lưu thông khi đích thân Chủ tịch quận lên thuyết phục.
Từ sáng 21/10, hàng trăm hộ dân phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã tụ tập trên đường Hoàng Văn Thái ngăn cản đoàn xe chở rác vào bãi Khánh Sơn. Hàng chục xe phải dừng lại giữa đường, gây ra cảnh ách tắc, hỗn loạn.
Đoàn xe chở rác vào bãi Khánh Sơn bị người dân chặn lại để phản đối tình trạng ô nhiễm. Ảnh: Ngọc Trường..
Theo phản ánh của người dân, lượng xe chở rác lưu thông suốt ngày đêm không chỉ gây tiếng ồn mà còn ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, rác lộ thiên tại bãi Khánh Sơn bốc mùi hôi thối khiến cuộc sống của khoảng 500 hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng.
"Mùi hôi không ai chịu nổi, muỗi nhiều vô kể. Cực chẳng đã dân chúng mới tụ tập chặn xe", bà Lê Thị Bé, phường Hòa Khánh Nam nói.
Người dân và chính quyền phường Hòa Khánh Nam đã nhiều lần đề nghị các xí nghiệp, công ty phải có trách nhiệm trong quy trình xử lý rác thải, cam kết giảm thiểu tối đa mùi hôi trước ngày 10/10 nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm không giảm.
Bãi rác Khánh Sơn có diện tích 38ha, bình quân mỗi ngày tiếp nhận hơn 700 tấn rác thải của người dân toàn thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Trường..
Bị chặn xe dọc đường khi người dân liên tục gây áp lực khiến cánh tài xế bất lực đứng nhìn, hoặc bỏ đi nơi khác. Đến 12h, đích thân chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị có mặt khuyên nhủ, người dân mới đồng ý giải tán.
Ông Thị khẳng định người dân bức xúc vì bãi rác Khánh Sơn ô nhiễm là đúng, và UBND thành phố cần có chỉ đạo xử lý dứt điểm, không thể để dân bức xúc kéo dài vì ô nhiễm, ảnh hướng đến cuộc sống.
Chiều cùng ngày, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng, ông Nguyễn Điểu cùng các bên liên quan đã kiểm tra quy trình tại Xí nghiệp Quản lý bãi rác và xử lý chất thải bãi rác Khánh Sơn.
Đại diện một công ty tham gia xử lý nước thải tại bãi rác Khánh Sơn lấy nước còn máu cánh gián để uống, rửa mặt chứng minh nước đã được làm sạch. Ảnh: Ngọc Trường.
Để chứng minh nước sau khi xử lý đã được làm sạch, một đại diện công ty tham gia xử lý lấy một chai nước múc tại chỗ để súc miệng, rửa mặt ngay trước mắt đoàn kiểm tra. Tuy nhiên ông Nguyễn Điểu đánh giá nước thải qua trạm xử lý dù không còn mùi hôi nhưng vẫn còn màu cánh gián khi ra môi trường.
Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bãi rác và xử lý chất thải bãi rác Khánh Sơn, ông Hà Văn Thái, khẳng định: "Với công nghệ của chúng tôi hiện nay, việc làm cho nước hết màu là không thể".
Ông Thái cũng thừa nhận việc để rác thải chất từng đống ở cả hộc đã đóng cửa và đang vận hành là "không đúng". Theo vị Giám đốc, xí nghiệp đã có nhiều biện pháp xử lý môi trường như phun chế phẩm khử mùi hôi, phả đất tạm thời, phun thuốc diệt côn trùng....
Bên trong một hồ xử lý nước thải ở bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: Ngọc Trường.
Đại diện cho người dân cùng đoàn công tác của Sở Tài nguyên Môi trường vào làm việc tại bãi rác Khánh Sơn, ông Nguyễn Đức Hùng (phường Hòa Khánh Nam) cho rằng phía Xí nghiệp cần công khai quy trình lấp đất và việc phun chế phẩm.
Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng kết luận, quy trình vận hành bãi rác Khánh Sơn chưa hợp lý tại các khu xử lý chất thải nguy hại, nước thải từ bãi bùn bể phốt xử lý nước và quy trình chôn lấp rác. Ông Điểu cũng yêu cầu xí nghiệp tăng cường phun chế phẩm từ 3 lên 4 lần mỗi ngày và phải phủ bạt toàn bộ rác tại các hộc xử lý.
"Chúng tôi phát hiện cỏ mọc rậm rạp xung quanh bãi chất thải các bể phốt, chứng tỏ không có người thu gom lượng phân này từ lâu, cộng với nhiều ngày mưa lớn trước đây làm tăng thêm ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư sinh sống gần bãi rác", ông Điểu nói và yêu cầu đơn vị quản lý bãi rác giảm thời gian thu gom lượng phân từ 2 tháng xuống còn 1 tháng.
Ngọc Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn