Kỳ 1: TP.Đà Nẵng là đáng sống, nhưng riêng Khánh Sơn thì gần chết
Ở nơi phồn hoa thì cầu Rồng cầu rắn, cầu tình yêu…
Sau khi nghe những lời trình bày thống khổ của người dân tại chuyến thị sát bãi rác Khánh Sơn, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã chỉ đạo UBND TP nhanh chóng có buổi đối thoại với dân để ghi nhận ý kiến và đưa ra những biện pháp xử lý cụ thể.
Một tuần sau khi tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đi thị sát tại bãi rác Khánh Sơn (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), sáng nay 31.10 lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng đã có buổi đối thoại với hàng trăm người dân ở khu vực Khánh Sơn. Những lời van xin, những tiếng ta thán về đời sống thống khổ, bệnh tật vẫn nức nở vang lên…
Ở nơi phồn hoa thì cầu Rồng cầu rắn, cầu tình yêu…
Cuộc đối thoại do ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chủ trì cùng các ban ngành liên quan, lãnh đạo quận Liên Chiểu với sự tham dự của hàng trăm người dân bị ảnh hưởng từ các cơ sở xử lý ô nhiễm môi trường quanh bãi rác Khánh Sơn.
Đông đảo người dân quanh bãi rác Khánh Sơn đến dự buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố
Phản ánh, lên tiếng gần như đã quá nhiều, bà Nguyễn Thị Thành (tổ 162, P.Hòa Khánh Nam) sáng nay chỉ ngắn gọn: “Dân tui khổ lắm, bức xúc lắm! Cái bãi rác đầu tiên (bãi rác Khánh Sơn cũ) dân tui đã ăn ngủ với ruồi và hôi thối rồi. Sau đó thêm 2 cái lò đốt rác y tế, anh Điểu (ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT) lúc đó nói bà con đừng lo, sẽ không có khói độc đâu. Nhưng khói dữ lắm. Rồi đến Công ty Quốc Việt vào xử lý nước rỉ rác, rồi Công ty Ánh Dương đốt hóa chất, rồi Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam xử lý tái chế chất thải rắn, khói đốt như cháy rừng…”.
“Cho tôi hỏi, nơi phồn hoa dưới kia thì sạch sẽ, xây cầu này nối cầu nọ, nào cầu Rồng cầu rắn, cầu tình yêu… còn chúng tôi ở đây chỉ xin hơi thở mà hai mươi mấy năm rồi có được đâu!”, bà Thành bức xúc.
Hội trường quá đông, dân ngồi tràn cả ra ngoài sân
Những người già bảo làng này đã có từ khoảng 600 năm rồi. Buổi sáng ở Khánh Sơn trời nắng. Đi dọc đường Hoàng Văn Thái, con đường du lịch của thành phố mà lúc nào cũng nghe (hít) mùi thum thủm.
Trong hội trường tổ dân phố, người dân tranh nhau nêu ý kiến với lãnh đạo đang ngồi một hàng ở phía trên. Dân ngồi tràn từ trong hội trường ra ngoài sân, dưới gốc cây lớn.
Nếu cho dân phát biểu có lẽ nhiều lắm. Lãnh đạo giới hạn nên có khoảng 20 ý kiến trình bày. Lời phát biểu của họ run run, cử chỉ bức xúc, có cả bệnh tật trong người, pha lẫn sự khốn khổ từ bãi rác.
Đường Hoàng Văn Thái, đường lên "tiên cảnh" Bà Nà Hills nhưng hai bên đầy những cơ sở xử lý rác thải đang gây ô nhiễm - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Người làng than thở, Đà Nẵng luôn tự hào là thành phố du lịch, thành phố môi trường. Phía đông thì có bán đảo Sơn Trà, tây thì có Bà Nà Hills, bắc có Hải Vân quan, phía nam thì có Ngũ Hành sơn. Đẹp lắm chứ. Mà ngay con đường Hoàng Văn Thái, đường lên Bà Nà Hills, đường lên tiên cảnh, thế mà có một cái bãi rác thối um đã tồn tại ¾ thế kỷ như thế không giải quyết được.
Bà Nguyễn Thị Đa (tổ 157, P.Hòa Khánh Nam) nói gần như khóc: “Thành phố Đà Nẵng đáng sống, xanh sạch đẹp; nhưng Khánh Sơn thì gần chết”.
“Tui van xin lãnh đạo, tui hy sinh đời bà để cũng cố đời cháu, cháu tui sinh ra sao nó đau ốm, khổ sở vậy. Người già đau ốm thì đã không nói rồi. Bây giờ các ông có cho BHYT, nhưng rồi khám ra bệnh thì tiền đâu mà chữa. Nếu các ông không giải quyết được thì dân tui phải ra nằm trước đầu xe phản đối mà cứu lấy đời con cháu thôi. Các ông hứa hoài, không làm được thì nghỉ chứ đừng lên mà hứa”. Theo ý bà Đa, thành phố cần phải lựa chọn di dời bãi rác hoặc di dời dân chứ không thể sống chung.
Những đứa trẻ đâu có tội gì…
Nhà ở gần bãi rác, bà Nguyễn Thị Hằng (tổ 170) tha thiết: “Những người già đã đành, mà những đứa bé nó đang nằm nôi kìa. Hôi thối, nó không bệnh ngay đâu, 5-10 năm nữa thành bệnh đó. Các anh chỉ biết môi trường của các anh, còn những đứa trẻ của chúng tôi đâu có tội tình gì. Mai mốt nó lớn lên mang bệnh, sao tội vậy!”.
Bà Hằng tiếp: “Chúng tôi trước làm ruộng, trồng thêm rau rác bán kiếm sống qua ngày. Giờ đã nhường đất cho bãi rác, nếu ai còn đất mà trồng rau để bán củng không ai mua, người ta nói đất Khánh Sơn ô nhiễm, rau rác ăn sao được”.
“Rồi những đứa thanh niên ở quê tôi giờ phần lớn không có việc làm. Có đứa đi nghĩa vụ quân sự về tìm việc không được lại phải chui vào bãi rác kiếm sống. Có đứa sinh viên ra trường cũng không tìm được việc”.
“Cấp trên hãy dang tay ra mà cứu vớt những đứa trẻ của dân tôi”, bà Nguyễn Thị Đa nói.
Ông Lê Thành tiếp lời: “Hồi đó giải tỏa các anh nói sẽ giải quyết công ăn việc làm, nay thấy có ai có (việc) đâu. Không có việc, thanh niên sáng ra nó uống cà phê, tối nó phải đi ăn trộm thôi”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân không cầm nổi nước mắt khi kể về hoàn cảnh của mình - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Không kìm nổi nước mắt, chị Nguyễn Thị Hồng Vân (41 tuổi) mếu máo: “Nhà tui có 4 người. Chồng bị u não. Mẹ già bị bệnh thần kinh. Con trai đầu đi bộ đội về không có việc phải vào bãi rác làm cùng mẹ. Thế mà nhà tui không được xét hộ nghèo. Hôm rồi, chồng đau ốm, tui ra xin phường làm cái bảo hiểm, thiếu 1 tháng mà họ không bán. Tui phải về đi mượn khắp được 1 triệu đồng mua để lo cho chồng, lỡ chuyện gì”.
Người chị nhỏ thó, mấy chị em ngồi quanh cứ phải an ủi. Chị nhớ lại: “Hồi xưa, ông Phan Văn Tâm, Bí thư quận, ổng sao mà gần dân thế. Ổng xuống ăn cơm với tụi tui ngay ở bãi rác luôn. Ổng đi khảo sát từng nhà, ai nghèo thì hỗ trợ đến cả gói mì tôm, cái mái tôn, cái áo mưa. Chúng tôi từng được hỗ trợ BHYT, cấp nước sạch miễn phí. Nhưng năm nay thì người ta cắt sạch cả. Sao nỡ vậy…”.
Tại buổi đối thoại, ông Tuấn - cho biết, TP đồng ý tiếp tục hỗ trợ sử dụng nước không thu tiền cho các hộ tại khu vực bãi rác Khánh Sơn. Thời gian thực hiện kể từ tháng 10.2015. Bên cạnh đó, TP cũng thống nhất xây dựng trường mầm non, khu vui chơi giải trí cho người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn.
Chịu ô nhiễm hết nổi, người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Khánh Sơn vào ngày 21.10. Ảnh: Hữu Long .
UBND TP cũng đồng ý chủ trương hỗ trợ kinh phí mua bào hiểm y tế và khám sức khỏe định kỳ cho người dân khu vực bãi rác theo kiến nghị của UBND quận Liên Chiểu. UBND TP giao quận Liền Chiểu chủ trì, phối hợp với Sở LĐTB-XH, Sở Tài chính, BHXH TP và các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp danh sách các hộ, báo cáo đề xuất TP xem xét, phê duyệt hỗ trợ.
Theo ông Tuấn, dự kiến đến 2018, bãi rác Khánh Sơn sẽ đóng cửa. Nhưng đóng cửa rồi phải hoàn trả môi trường, trồng cây xanh... để cải thiện môi trường. Ông Tuấn đề nghị các đơn vị liên quan sớm triển khai các hạng mục phục hồi môi trường còn tồn đọng (giai đoạn 2) của dự án đóng cửa bãi rác Khánh Sơn (cũ) đã được TP phê duyệt.
Ông Tuấn giao Sở Xây dựng, Sở TNMT, quận Liên Chiểu nghiên cứu quy hoạch bãi rác Khánh Sơn, xem xét lại vị trí, khoảng cách cách ly với khu dân cư đã đảm bảo hay chưa, từ đó đề xuất hiện trạng theo khảo sát, báo cáo TP xử lý, đồng thời nghiên cứu quy hoạch bãi rác mới, đảm bảo sức chịu tải về môi trường để di dời bãi rác Khánh Sơn.
Clip tại buổi đối thoại:
(còn tiếp)
Lê Đình Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn