Cuộc đời bi thảm của người phụ nữ sở hữu tế bào bất tử
Trong khi tế bào HeLa thay đổi ngành y, chẳng mấy người biết về cuộc sống của Henrietta và con cái bà cũng chẳng được hưởng lợi gì từ hoạt động chăm sóc y tế ở Mỹ.
Trong ngày 4.10.1951, một người phụ nữ trẻ mới 31 tuổi có tên Henrietta Lacks đã qua đời vì bệnh ung thư cổ tử cung ở Bệnh viện Johns Hopkins tại Baltimore. Người ta chỉ nhớ rằng Henrietta là một người phụ nữ da đen với ngoại hình dễ nhìn. Nhưng ngoài điều đó ra, dường như chẳng có gì đặc biệt về cuộc đời của bà.
Cái chết mang lợi ích tới cho hàng triệu con người
Chính xác hơn là cuộc sống của Henrietta không có gì nổi trội. Chỉ khi qua đời, bà mới trở thành một con người đặc biệt. Trong quá trình điều trị bệnh ung thư cho Henrietta, các bác sĩ đã lấy đi các tế bào từ cơ thể bà. Cụ thể hơn, họ lấy tế bào ở khu vực khối u phát triển và thành công trong việc khiến chúng lớn lên trong ống nghiệm. Đây là lần đầu tiên có một dòng tế bào người sống sót lâu dài tại môi trường bên ngoài cơ thể. Trước đó tế bào thường chỉ phát triển được 2-3 tuần rồi sẽ chết.
Không ai rõ vì sao tế bào của Henrietta lại phát triển mạnh như vậy. Nhưng có điều chắc chắn là các tế bào này, còn có tên chính thức là HeLa - đặt theo 2 chữ cái đầu tiên trích từ tên và họ Henrietta - đã trở thành “con ngựa thồ” của y học. Nó được hàng loạt bác sĩ, nhà nghiên cứu sử dụng và qua đó cách mạng hóa hoạt động nghiên cứu thuốc.
Nhờ tế bào HeLa, người ta đã tìm ra vaccine phòng bệnh bại liệt, tạo ra kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, đẩy mạnh nghiên cứu gene. Các nhà khoa học cũng đã hiểu biết rõ hơn về cơ chế phân chia của tế bào, về hoạt động của các căn bệnh ung thư.
Một trong những bức ảnh hiếm hoi chụp bà Henrietta khi còn sống.
Tế bào HeLa còn được dùng để nghiên cứu cách thức chống AIDS, tác động của phóng xạ và chất độc lên tế bào, lập bản đồ gene, chế ra thuốc chống cúm, bệnh lậu và nhiều căn bệnh khác. Những phát hiện ấy đã mang lại lợi ích cho hàng triệu con người trên hành tinh này.
Kể từ khi Henrietta qua đời, các nhà khoa học trên thế giới đã nuôi cấy hơn 50 tấn tế bào HeLa. Hoạt động sử dụng chúng được thừa nhận trong hơn 60.000 tài liệu khoa học, với mỗi ngày lại có thêm 10 nghiên cứu mới góp mặt vào danh sách này.
Nhưng trong khi tế bào HeLa tạo nên cuộc cách mạng y học thì Henrietta lại được chôn cất trong một ngôi mộ không bia. Suốt nhiều thập kỷ, con cái bà vẫn sống trong nghèo đói, khổ sở. Họ cũng không hề biết rằng các tế bào của mẹ vẫn còn sống, vẫn đang hỗ trợ thay đổi y học và... làm giàu cho vô khối người.
Tế bào nổi tiếng, con người vô danh
Câu chuyện khó tin ấy về Henrietta hẳn sẽ chẳng được nhiều người biết tới, nếu không nhờ có vai trò của một nhà văn tên Rebecca Skloot. 37 năm sau khi Henrietta qua đời, Skloot mới chỉ là một nữ sinh 17 tuổi, đã tình cờ biết tới câu chuyện về bà qua một tiết học ở trường trung học.
Do rất nhiều câu hỏi của Skloot về Henrietta không có đáp án nên sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô đã theo học ngành sinh học và dành nhiều thời gian để tìm hiểu về sự thật đằng sau tế bào HeLa. Đồng thời cô viết ra một cuốn sách về khám phá của mình, mang tên The Immortal Life of Henrietta Lacks (Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks).
Hóa ra câu chuyện liên quan tới tế bào này lại rất thu hút sự chú ý của dư luận. Từ khi ra mắt hồi năm 2010 cho tới đầu năm nay, sách của Skloot chưa từng rời khỏi danh sách các tác phẩm bán chạy nhất của tờ New York Times.
Nhà văn Rebecca Skloot và cuốn sách của cô về cuộc đời Henrietta Lacks..
Sách của Skloot nói rằng Henrietta là chắt của các nô lệ và bản thân bà từng làm việc trên các cánh đồng thuốc lá. Bà cưới anh họ David Lacks và có với nhau 5 mặt con. Cuộc sống của gia đình bà chưa bao giờ thoát khỏi cái bóng của sự nghèo khổ.
Sau khi sinh đứa con thứ 5 là Joe, Henrietta nhận thấy bà thường xuyên bị chảy máu dữ dội ở âm đạo. Bà tìm tới Bệnh viện Johns Hopkins, nơi duy nhất trong khu vực khám và điều trị cho các bệnh nhân da đen, để kiểm tra và cuối cùng phát hiện việc bị ung thư cổ tử cung.
Một mẫu khối u của Henrietta sau đó được lấy ra khỏi cơ thể bà và trao cho Tiến sĩ George Gey - nhà nghiên cứu tại Trường Y Đại học Johns Hopkins. Khi nhận tế bào của Henrietta, Gey đã xử lý nuôi chúng bằng một số loại hóa chất, gồm muối đặc biệt trộn với máu trích từ dây rốn người, máu trích xuất từ phôi thai bò và máu gà.
Trước đây kỹ thuật này luôn thất bại. Tuy nhiên các tế bào ung thư của Henrietta rất khỏe và có khả năng phân chia rất mạnh nên chúng không chết đi mà còn tăng thêm về số lượng. Cũng bởi tế bào ung thư quá khỏe nên chỉ trong vài tháng, các khối u đã di căn ra khắp cơ thể Henrietta. Bất chấp việc đã qua trị xạ, bà vẫn chết trong đau đớn khủng khiếp.
Cùng thời điểm, Gay phát hiện các tế bào của Henrietta đang phân chia và lớn lên trong phòng thí nghiệm của mình. Ông bắt đầu gửi các mẫu tế bào đi khắp thế giới và yêu cầu trợ lý Mary Kubicek (21 tuổi) lấy thêm tế bào từ Henrietta, khi thi thể bà đang nằm trong nhà xác của bệnh viện. Chẳng ai buồn nói với gia đình Henrietta lấy một câu.
Cái kết không có hậu
Ngày hôm nay đã có cả ngành y học sống khỏe dựa trên các tế bào của Henrietta. Hàng ngàn người đã làm nên sự nghiệp khoa học dựa trên việc nghiên cứu tế bào HeLa. Tuy nhiên phải tới tận năm 1973, con cái bà mới tình cờ phát hiện ra rằng các tế bào của mẹ đẻ, giờ đã trở nên bất tử, đã không chỉ cách mạng hóa y học mà còn giúp nhiều người trở nên rất giàu có.
Và trong khi các tế bào HeLa mang tới món quà trong mơ cho y học, đã chẳng có phép màu cổ tích nào tới với gia đình bà Henrietta. Trong những ngày đau đớn nằm trên giường bệnh, bà Henrietta bị cách ly không được gặp chồng con. Ông Day thường mang các con tới chơi ở một công viên đối diện bệnh viện, để vợ có thể ngắm con từ xa.
Đề nghị cuối cùng bà Henrietta gửi tới cho chồng là “chăm sóc con cái và không để chuyện gì xảy ra với chúng”. Day đã cố thực hiện di nguyện ấy của vợ, nhưng không thành.
Cô con gái cả trong gia đình là Elsie bị bệnh tâm thần. Elsie bị đưa tới Bệnh viện Crownsville ở bang Maryland từ khi còn bé và qua đời năm 15 tuổi. Một đứa con trai tên Joe bỏ học và sau này cầm dao đâm một cậu trai khác, để rồi bị kết án 15 năm tù. Cô con gái Deborah thì có thai và làm mẹ từ khi còn ở tuổi teen. Bà này sau đó đã bỏ đi vì bị chồng đánh.
Thời điểm Skloot gặp gỡ tất cả những người còn sống của nhà Lacks vào năm 2000, họ đều ở trong tình trạng sức khỏe rất yếu. Ông Day bị bệnh ung thư tuyến tiền liệt; đứa con trai Sonny có trái tim không khỏe mạnh; Deborah bị viêm xương, khớp và trầm cảm. Chẳng ai có đủ tiền để trị bệnh và họ càng không có tiền để mua bảo hiểm y tế.
“Nếu mẹ tôi rất quan trọng với khoa học, vì sao chúng tôi lại không được bảo hiểm y tế?” - người con trai Lawrence đã cay đắng hỏi Skloot như vậy, khi hai người gặp gỡ.
Có thể nói, thông qua câu chuyện về Henrietta, sách của Skloot đã vạch ra một khía cạnh đen tối của ngành y ở Mỹ, nơi người Mỹ gốc Phi từng bị coi như các “vật thí nghiệm”. Kết quả nghiên cứu trên họ thường chỉ giúp các công ty dược trở nên giàu có và chỉ phục vụ người có tiền, thay vì mang lợi ích tới cho dân nghèo.
Cùng thời điểm, cuốn sách nêu vấn đề quyền lợi của bệnh nhân với các mô tạng bị lấy đi khi chưa hỏi ý kiến họ. Câu hỏi đặt ra là ai sở hữu các mô tạng này và người cung cấp các mô tạng ấy có quyền gì với chúng? Hiện tại gần như mọi ý kiến đều ủng hộ các nhà khoa học và các công ty sản xuất thuốc. Nhưng ngày càng nhiều nhóm dân quyền, gồm Liên minh tự do dân sự Mỹ, đã bênh vực các bệnh nhân. Họ nói rằng các công ty dược chỉ cố thu lợi từ những phát hiện, được tiến hành trên các mẫu mô tạng do bệnh nhân hiến tặng.
Với việc những trường hợp như Henrietta được phát hiện ngày càng nhiều, các tranh cãi sẽ càng tăng thêm. Vấn đề này đã được con gái Deborah của bà Henrietta tổng kết trong cuốn sách của Skloot: “Sự thực cần phải được nói ra. Tôi không thể tức giận với khoa học, vì nó giúp người ta tiếp tục sống. Nhưng tôi sẽ không nói dối. Tôi muốn được hưởng một số chế độ bảo hiểm để không phải trả cả đống tiền mỗi tháng, cho các loại thuốc mà có thể nhờ tế bào mẹ tôi đã giúp tạo ra”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn