Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Đàm phán TPP kết thúc thành công



Đàm phán TPP kết thúc thành công
Đại diện Thương mại Mỹ nhận định TPP sẽ giúp thúc đẩy việc làm, tăng trưởng bền vững và tiến bộ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Q.D


"Chúng tôi, Bộ trưởng Thương mại Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam xin vui mừng thông báo chúng tôi đã đàm phán thành công Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP", Đại diện Thương mại Mỹ tuyên bố.

"Xin chào quý vị, cuối cùng thì chúng tôi cũng tiến hành được cuộc họp báo hôm nay", Đại diện Thương mại Mỹ - ông Michael Froman mở đầu cuộc họp tại Alanta, sau gần một tuần làm việc liên tục của Bộ trưởng Thương mại 12 nước tham gia TPP. Buổi họp báo chính thức bắt đầu sáng 5/10, tức 8h20 tối Hà Nội, sau nhiều lần trì hoãn vì đàm phán kéo dài.

“Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận sẽ hỗ trợ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, củng cố phát triển và thúc đẩy đột phá trong khu vực châu Á – Thái Binh Dương”, ông nói và khẳng định thỏa thuận này sẽ có lợi cho tất cả người dân các nước. Đại diện Việt Nam tham gia họp báo là Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Ông Froman nhấn mạnh TPP sẽ mang lại lợi ích cho người dân tất cả các nước, thiết lập hệ thống tiêu chuẩn cao hơn cho gần 40% nền kinh tế toàn cầu. Thỏa thuận sẽ giải quyết các thác thức của thế kỷ 21, nhưng vẫn có điều chỉnh tùy vào trình độ phát triển của mỗi quốc gia.

Ông kỳ vọng thỏa thuận này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm lương cao hơn, đẩy mạnh đột phá, năng suất và cạnh tranh, nâng cao chất lượng sống, giảm đói nghèo, đồng thời tăng cường minh bạch, khả năng quản trị và bảo vệ môi trường. Dù vậy, để chính thức hóa các kết quả của hiệp định, các nhà đàm phán sẽ phải tiếp tục làm việc để hoàn thiện phần công bố.

Trong buổi họp báo, đại diện các nước đã trả lời câu hỏi của giới truyền thông về những vấn đề từng là nút thắt trong TPP, như dược phẩm, các sản phẩm sữa, hay vấn đề tiền tệ, lao động.

Trả lời câu hỏi về tác động của thỏa thuận này lên kinh tế Việt Nam và các ngành công nghiệp như dệt may, Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng đã cho biết: “Dệt may đóng góp rất lớn vào nền kinh tế của chúng tôi. Vì vậy, khi tham gia TPP, lĩnh vực dệt may của chúng tôi sẽ tăng trưởng nhanh hơn, làm lợi cho người nghèo. Do ngành này tại Việt Nam đang sử dụng khoảng một triệu nhân lực. Tôi muốn cảm ơn các quốc gia TPP vì đã tạo các điều kiện thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam”.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời về dệt may Việt Nam



Bộ trưởng Thương mại New Zealand – nước có đòi hỏi rất thách thức về mở cửa thị trường sữa đã khẳng định “Thật phi thường khi chuyến xe TPP đã đỗ lại ở Atlanta”. Ông cho biết New Zealand đã có thỏa thuận tốt từ TPP và “TPP có lợi cho tất cả thế hệ người dân các nước chúng ta”.

Đại diện Canada - Bộ trưởng Thương mại Ed Fast thì cho biết TPP sẽ chỉ cho phép tiếp cận hạn chế lên thị trường các sản phẩm từ sữa và gia cầm nội địa đang được bảo hộ của nước này. Đây là vấn đề chính trị nhạy cảm trước cuộc bầu cử ngày 19/10 tới. Ông khẳng định TPP vẫn duy trì các cột trụ chính của hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, gồm kiểm soát nhập khẩu, giá cả và nguồn cung. Người Canada cũng sẽ không bị mất việc làm từ TPP.

Các nhà đàm phán cũng đã nhượng bộ về thời hạn bảo hộ độc quyền dược phẩm. “Đây là một trong những vấn đề thách thức nhất của việc đàm phán”, Đại diện thương mại Mỹ - Froman cho biết. Ông tin rằng TPP sẽ “thôi thúc sự phát triển của các loại thuốc cứu người mới, nhưng vẫn đảm bảo quyền tiếp cận với các loại thuốc này”. Ông cho biết mục tiêu là các nước TPP đều hưởng kết quả tương đương từ dược phẩm làm từ tế bào sống.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản – Akira Amara nhận định TPP không chỉ là vấn đề về thuế nhập khẩu, mà còn là vốn và đầu tư. Ông khẳng định sẽ còn nhiều nước khác tham gia TPP.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe đã hoan nghênh thỏa thuận này. Ông cho biết TPP "là thành quả lớn cho cả Nhật Bản và tương lai khu vực châu Á – Thái Bình Dương". Dù vậy, hiệp định hoàn chỉnh sẽ vẫn cần Quốc hội 12 nước tham gia thông qua.

Trong phiên họp tại Hawaii (Mỹ) cuối tháng 7, các Bộ trưởng Tài chính đã không thể đạt thỏa thuận về TPP, dù nhiều vấn đề cốt lõi đã được giải quyết. Những điểm còn vướng mắc là thuế nhập khẩu sữa và phụ tùng ôtô, cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ với dược phẩm.

Vì vậy, phiên họp tại Atlanta lần này rất được kỳ vọng sẽ hoàn tất TPP. Sau 4 ngày họp của các trưởng đoàn đàm phán, từ 26/9 đến 29/9, Bộ trưởng Thương mại các nước cũng họp bàn từ 30/9. Các cuộc nói chuyện dự kiến kết thúc vào 1/10, nhưng sau đó liên tục được kéo dài khi các Bộ trưởng thể hiện quyết tâm không ra về nếu không ký được TPP.

Đến ngày 4/10, đàm phán TPP vẫn còn vướng mắc quanh vấn đề mở cửa thị trường sữa. Trong khi đó, bảo hộ độc quyền dược phẩm và miễn thuế nhập khẩu ôtô đã tìm được tiếng nói chung.


Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta (Mỹ). Ảnh: USTR

TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia - Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các vấn đề được nêu ra gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. Sau khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế. Tuy nhiên, TPP lại được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.

Chính quyền Tổng thống Obama cũng kỳ vọng Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhì thế giới, cuối cùng sẽ phải chấp nhận các tiêu chuẩn do TPP đặt ra, đặc biệt nếu các quốc gia khác, như Hàn Quốc tham gia như dự kiến.


Quá trình đàm phán TPP 5 năm qua đã hoàn tất.

Đàm phán TPP luôn giữ bí mật về chi tiết các điều khoản trong thỏa thuận. Nhiều nhà chỉ trích cho rằng lợi lộc từ TPP chủ yếu sẽ rơi vào các tập đoàn lớn.

Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), sau khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 12 quốc gia TPP, với lần lượt 13,6% và 31,7%. Malaysia và Nhật Bản cũng sẽ được hưởng lợi.

Trong khi đó, những nước không tham gia TPP sẽ chịu thiệt hại do giao thương chuyển hướng, nhất là Trung Quốc. Xuất khẩu của nước này sẽ giảm 1,2% vì TPP.

Hà Thu


5 điều có thể bạn chưa biết về TPP (tiếng AnhTrans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - viết tắt TPP)

Tôi Viết (TNO) Sau 5 năm trời ròng rã đàm phán, 12 quốc gia tham gia thảo luận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đứng trước cơ may cùng đi đến thống nhất tại vòng đàm phán ở Mỹ. Sau đây là 5 điều cần biết về TPP, theo tổng hợp của trang tin The Straits Times (Singapore):

1. TPP là gì?

TPP là một trong những thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất thế giới từ trước đến nay và hiện đang được 12 quốc gia Thái Bình Dương ngồi lại đàm phán. Các nước này gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.

Hiệp định này được soạn ra nhằm thắt chặt quan hệ kinh tế giữa các quốc gia thành viên và được kỳ vọng sẽ dọn đường cho việc cắt giảm mạnh, thậm chí là gỡ bỏ ở một số trường hợp, hàng rào thuế quan xuất nhập khẩu và mở cửa thị trường buôn bán hàng hóa, cũng như dịch vụ.

Ngoài ra, TPP còn được mong đợi sẽ giúp thúc đẩy luồng đầu tư giữa các quốc gia thành viên và xa hơn nữa là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước này.

2. Vì sao TPP lại quan trọng đến vậy?

Các nền kinh tế tham gia vào TPP đều là thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tổng dân số của cả khối này đạt hơn 650 triệu người. Một hiệp ước thương mại tự do, nếu có, sẽ chiếm đến 2/5 tổng lượng giao thương toàn cầu. Nó còn có tiềm năng biến các nước tham gia thành một thị trường độc nhất cho nhiều loại hình kinh doanh khác nhau.

Và điều đặc biệt là TPP được dẫn đầu bởi Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và là quốc gia có lượng giao thương hàng đầu thế giới, cũng là nước xem châu Á-Thái Bình Dương như yếu tố then chốt đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của mình trong tương lai.

3. Các vấn đề chính của TPP là gì?

Căng thẳng đã phát sinh giữa các nhà thương thuyết của các nước, đặc biệt là Úc, Canada, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ, vì họ không muốn giảm tầm quan trọng của doanh nghiệp trong nước.

Các quan chức tham gia đàm phán cho biết bế tắc chính trong đàm phán TPP chính là thời hạn bảo hộ quyền sáng chế đối với các sản phẩm sinh dược, một nhóm dược liệu được sản xuất từ sinh vật sống.

Mỹ muốn có thời gian bảo hộ dài hơn thời hạn 5 năm thông thường được quy định tại nhiều nước. Tại Mỹ, các công ty dược được bảo hộ sáng chế đến 12 năm trước khi các hãng đối thủ có thể chế ra loại sinh dược tương tự để bán với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia khác, quy định này được cho là quá lâu và quá tốn kém đối với hệ thống y tế công.

Các nước tham gia đàm phán TPP cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp và công nghiệp, cũng như hoạt động cạnh tranh với khối doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, chi tiết của các vòng đàm phán vẫn không được công khai ra công chúng, mà các nhà thương thuyết sẽ soạn ra một bộ tài liệu cho chính phủ nước họ.

Hiện một vấn đề còn vướng mắc chính là thị trường bơ sữa Canada sẽ mở cửa đến mức độ nào cho các sản phẩm đến từ Úc và New Zealand. Ngoài ra, còn một vấn đề nữa là việc thị trường xe hơi Mỹ, nơi hiện mua linh kiện và xe sản xuất tại Canada và Mexico, sẽ mở cửa đến độ nào cho xe hơi và phụ tùng Nhật Bản được sản xuất ở các nước khác.

4. Ai là những thành viên chủ chốt của TPP?

Mỹ và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP và cũng là 2 thành viên chủ chốt của khối. Nhật là quốc gia duy nhất chưa ký kết bất kỳ hiệp định thương mại tự do (FTA) nào với Washington.

Lý do của việc không có FTA nào giữa nền kinh lớn nhất và lớn thứ 3 thế giới là vì các quy định bảo hộ đối với các ngành chủ chốt.

Mỹ vẫn luôn tìm cách thâm nhập mạnh hơn vào thị trường xe hơi và nông nghiệp của Nhật, bất chấp việc Tokyo thề sẽ làm mọi cách để bảo vệ các sản phẩm “nhạy cảm về mặt chính trị” như thịt bò, thịt heo và gạo. Để đưa ra nhượng bộ, Nhật muốn Mỹ gỡ bỏ thuế đánh vào xe hơi và xe tải nhập khẩu.

5. Trung Quốc nói gì về TPP?

Truyền thông và giới chuyên gia phân tích Trung Quốc xem TPP như một nỗ lực của Mỹ dùng để đối phó với sự trỗi dậy của Bắc Kinh tại Thái Bình Dương. Mỹ vẫn luôn bác bỏ lập luận này.

Để đối phó với TPP, Trung Quốc hiện quảng bá cho Khu vực Thương mại Tự do châu Á Thái Bình Dương (FTAAP). Giới phân tích nhận định đây là “chiêu” nhằm đánh lạc hướng chú ý của cộng đồng quốc tế vào TPP của Bắc Kinh.


Thông minh hay đãng trí



Rùng mình bước trên 300m cầu treo bằng kính qua vực sâu 200m




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template