Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Hun Sen bất ngờ thay đổi lập trường bản đồ Hiến pháp 93?



Ts Trần Công Trục: Hun Sen bất ngờ thay đổi lập trường bản đồ Hiến pháp 93?
Đàm phán ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới trên bộ, ông Hun Sen lúc đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia, cho nên hơn ai hết ông biết rất rõ sự thật.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài phân tích của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về việc Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng các nhà soạn thảo Hiến pháp Campuchia 1993 đã sai lầm khi ấn định lấy 26 mảnh bản đồ bonne do Sở Địa dư Đông Dương của Pháp phát hành từ 1933-1954 làm bản đồ biên giới quốc gia trong Hiến pháp.

Để rộng đường dư luận trước những thông tin từ phía Campuchia liên quan đến biên giới với Việt Nam về mặt pháp lý, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

Gần đây, liên quan đến vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, một số chính khách phía Campuchia thường nhấn mạnh Hiến pháp 1993 đã xác định rằng bản đồ được xuất bản bởi chính quyền thực dân Pháp sẽ là căn cứ duy nhất có giá trị pháp lý đối với phân giới cắm mốc biên giới.

Số người này đã “sử dụng” các mảnh bản đồ này để “đối chiếu” với một số vị trí mốc biên giới vừa được cắm tại thực địa bởi các chuyên gia pháp lý, kỹ thuật của cả Việt Nam và Campuchia trong các Tổ chức liên hợp phân giới cắm mốc được thành lập đúng thủ tục pháp lý theo Hiệp ước hoạch định biên giới 1985 và 2005 hiện đang có hiệu lực thi hành.

Nhóm người Campuchia này đã “quả quyết” rằng một số cột mốc biên giới đã cắm sai, lấn sang lãnh thổ Campuchia. Từ đó họ đòi hủy bỏ các Hiệp ước biên giới đã ký với Việt Nam, hủy bỏ thành quả về phân giới cắm mốc mà hai bên đã thực hiên được trong thời gian qua và vu cáo Chính phủ Vương quốc Campuchia đã vi phạm Hiến pháp 1993 của Campuchia.

Và điều đặc biệt nghiêm trọng là số người này đã kích động, huy động đám đông người Campuchia thiếu thông tin và kiến thức về biên giới tiến hành gây rối ở khu vực biên giới Tây Nam, bất chấp nững đề nghị thiện chí và mọi cố gắng của Việt Nam mỗi khi xẩy ra tranh chấp trên thực địa. Để hiểu rõ bản chất của những luận điệu và động thái nói trên, chúng ta cần xem xét một số nội dung sau đây:

1. Mối quan hệ giữa Hiến pháp và các Điều ước quốc tế mà quốc gia đó đã ký kết hoặc tham gia

Theo nguyên tắc của Công pháp quốc tế hiện hành, Luật pháp của một quốc gia (bao gồm cả Hiến pháp) không được trái với nội dung của các Điều ước quốc tế mà quốc gia đó đã ký kết hoặc tham gia. Nếu có quy định nào đó của Nội luật trái với các Điều ước quốc tế thì các quy định của các Điều ước quốc tế đó vẫn có giá trị thi hành đối với quốc gia là chủ thể trong quan hệ quốc tế.

Vì vậy, khi ban hành bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật, Cơ quan xây dựng và ban hành chúng phải nắm vững những quy định của các Điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết hoặc tham gia. Nếu có những quy định của Nội luật trái với Điều ước quốc tế đó thì phải điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa kịp thời.

Chẳng hạn, khi một quốc gia đã trở thành thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) thì mọi quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về biển của mình phải được điều chỉnh và sửa; không thể nói rằng các ”sản phẩm lịch sử” (như yêu sách “lưỡi bò” của Trung Quốc) có trước khi UNCLOS ra đời thì không bị điều chỉnh bởi Công ước này!


Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Vì vậy, Hiến pháp 1993 của Campuchia, mặc dù là đạo luật cơ bản nhất của nhà nước Campuchia, nó thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân tồn tại ở trong hoặc ngoài nước Campuchia thì nó vẫn chỉ có giá trị thi hành đối với các tổ chức và cá nhân mang quốc tịch Campuchia.

Nó không có giá trị phủ định được các Điều ước quốc tế mà Nhà nước Vương quốc Campuchia đã ký kết. Theo đó, các Hiệp ước biên giới đã được ký kết và phê chuẩn theo đúng thủ tục pháp lý năm 1983, 1985 giữa Campuchia và Việt Nam không thể bị hủy bỏ một cách tùy tiện, chủ quan được.

Nói như vậy không có nghĩa là các Hiệp ước này là bất di bất dịch, nếu cả hai bên thấy cần thiết phải sửa chữa, bổ sung, thậm chí hủy bỏ, thì đều có thể thực hiện theo đúng thủ tục pháp lý, đương nhiên phải được sự đồng ý của cả hai bên ký kết. Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoach định biên giới Việt Nam-Campuchia năm 2005 là một thực tế tiêu biểu cho ý chí của cả hai bên, thể hiện tinh thần cầu thị, khách quan và bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền.

2. Về quy định liên quan đến đường biên giới đất liền Campuchia và Việt Nam

Hiến pháp 1993 của Campuchia có đề cấp đến đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia lả dựa theo đường biên giới được vẽ trên 26 mảnh bản đồ bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản từ trước năm 1954.

Theo tôi, về cơ bản điều này không trái với các Điều ước về biên giới đã ký giữa 2 nước năm 1983, 1985, 2005. Bởi vì khi đàm phán ký hết các Hiệp ước này, hai bên đều thống nhất dựa vào đường biên giới được vẽ trên 26 mảnh bản đồ bonne nói trên làm căn cứ pháp lý để hoạch định biên giới.

Vấn đề là 26 mảnh bản đồ này có phải là bản gốc hay không? Đường biên giới được vẽ trên đó có đáng tin cậy không hay đã bị cạo sửa theo ý đồ chủ quan của một bên? Trong quá trình trao đổi xem xét các mảnh bản đồ mà hai bên đang sở hữu, hai bên đã cùng nhau loại bỏ các mảnh bản đồ không phải là bản gốc và một vài mảnh có đường biên giới bị cạo sửa trên một tinh thần thật sự khách quan, khoa học, cầu thị, tôn trọng lẫn nhau…

Với kết quả đó, hướng đi của đường biên giới đã được hai bên thống nhất mô tả trong Hiệp ước hoạch định biên giới và được thể hiện trên bản đồ UTM của Mỹ, đính kèm theo Hiệp ước này, sau khi đã được các chuyên gia bản đồ tính toán chuyển đổi từ bản đồ bonne sang UTM theo các phương pháp chuyển đổi khoa học tiên tiến, đáng tin cậy nhất.

Căn cứ vào quy trình làm việc và thủ tục pháp lý ghi nhận kết quả đó thì rõ ràng hướng đi của đường biên giới được thể hiện trên bản đồ UTM của Mỹ kèm theo Hiệp ước hoạch định biên giới 1985 và 2005 chính là đường biên giới được vẽ trên 26 mảnh bản đồ bonne của Pháp.

Hiến pháp 1993 của Campuchia qui định đường biên giới theo 26 mảnh bản đồ bonne đã được 2 bên thỏa thuận dùng làm căn cứ để chuyển đổi nói trên thì chẳng có gì phải bàn cãi. Nhưng nếu dùng các mảnh bản đồ đã bị loại ra, do có sự cạo sửa đường biên giới thì đương nhiên phát sinh vấn đề. Đó là còn chưa tính đến các sai số kỹ thuật trong khi đối chiếu, xác định các loại bản đồ được xác lập theo các hệ quy chiếu hoàn toàn khác nhau.


Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lễ cắt băng khánh thành cột mốc biên giới số 314.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhận xét trên The Cambodia Daily ngày 16/7: Các nhà soạn thảo Hiến pháp 1993 đã mắc sai lầm khi xác định rằng bản đồ được xuất bản bởi chính quyền thực dân Pháp giai đoạn 1933 - 1954 sẽ là cơ sở duy nhất có giá trị pháp lý đối với phân giới cắm mốc biên giới.

Phe đối lập Campuchia gần đây đã phát động một chiến dịch quyết liệt cáo buộc Chính phủ không sử dụng bản đồ đó, cho nên Thủ tướng Hun Sen mới yêu cầu Liên Hợp Quốc cho mượn bản copy của nó để so sánh các mảnh bản đồ đã được Chính phủ của ông sử dụng trong đàm phán hoạch định biên giới với Việt Nam.

Ông Hun Sen cho biết, việc lựa chọn bản đồ đó bị hạn chế vì chúng đã bị xuống cấp trong quá trình lưu trữ tại Phnom Penh, trong khi các mảnh tại Liên Hợp Quốc có thể bây giờ trong thực tế bị mất.

Khi đàm phán ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới trên bộ, ông Hun Sen lúc đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia, cho nên hơn ai hết ông biết rất rõ sự thật đúng sai, những khó khăn thuận lợi khi thống nhất các mảnh bản đồ dùng làm căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, để thanh minh và trấn an dư luận, Hun Sen sẵn sàng đề nghị Liên Hợp Quốc cũng như các nước liên quan giúp đỡ tìm ra sự thật về 26 mảnh bản đố này.

Đó là công việc nội bộ của Campuchia, chỉ hy vọng rằng họ tránh được “con dao 2 lưỡi” nguy hiểm mà họ đang sử dụng; đặc biệt là con dao này có thể hiện đang nằm trong tay của những phần tử cơ hội chính trị, gió chiều nào che chiều ấy.

3. Về những thông tin từ phía Campuchia đã vu khống Việt Nam vi phạm thỏa thuận về quản lý biên giới trong khi hai bên chưa giải quyết xong việc phân giới cắm mốc.

Trong bức công hàm gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam tối 30/6 phía Campuchia cũng nêu rõ các vị trí biên giới giáp với Việt Nam hiện đang chưa được phân định rõ ràng, và yêu cầu Việt Nam chờ đến khi nào Ủy ban Phân giới cắm mốc biên giới của hai quốc gia hoàn tất công việc của mình thì mới tiến hành các dự án xây dựng… Sự thật của tình hình trên một vài khu vực biên giới Tây Nam hiện nay như thế nào?

Đúng là hiện nay việc phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia mới hoàn thành được hơn 80%. Vì vậy hai bên tiến hành quản lý biên giới theo Hiệp định quy chế biên giới đã ký năm 1983 mà nội dung cơ bản là quản lý theo đường biên giới và mốc giới theo hiện trạng.

Mọi tranh chấp về quan lý thực tế phải được 2 bên cùng nhau xem xét giải quyết theo các phương án có tính thức tiễn và hợp tình, hợp lý nhất, tránh để xẩy ra xung đột, gây bất ổn là làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị truyền thông tốt đẹp giữa 2 nước. Đặc biệt là có 7 khu vực hai bên còn có nhận thức khác nhau.

Xuất phát từ thiện chí đó, phía Việt Nam đã chủ động đề xuất với phía Campuchia cùng nhau xem xét cụ thể tại thực địa để tìm ra phải trái. Đối với các khu vực chưa phân giới cắm mốc xong tạm thời không được tiên hành xây dựng bất kỳ công trình nào trong phạm vi 100 mét cách đường quản lý thực tế. Đó là đề xuất rất thực tế và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc quản lý biên giới.

Nhưng phía Campuchia chưa đáp ứng và vẫn tiếp tục khăng khăng bảo vệ cho quan điểm chủ quan của họ rằng Việt Nam đã xâm phạm đất đai của họ….Tuy nhiên, các lực lượng quan lý của Việt Nam cũng đã nhiều lần bác bỏ sự vu khống này của một số phần tử cực đoan, chống đối của phía Campuchia.

Đồng thời, người Việt Nam cũng đã sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong phạm vi đường biên giới đã được các Hiệp ước, Hiệp định, các thỏa thuận đã đạt được giũa 2 nước cho đến thời điểm hiện nay. Việt Nam quyết không để cho các phần tử chống đối có cơ hội kích động nhân dân Khmer vô tội lao vào cuộc chiến tranh phi nghĩa, vì những động cơ chính trị đen tối.

Ts Trần Công Trục


Campuchia muốn "trấn an láng giềng" về quan hệ với Trung Quốc

Campuchia không bao giờ phân biệt đối xử giữa những người bạn. Chỉ vì Campuchia có một mối quan hệ tốt với Trung Quốc không có nghĩa là chúng tôi từ bỏ ...


Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong. Ảnh: AP.

The Cambodia Daily ngày 22/7 đưa tin, Bộ Ngoại giao Campuchia hôm Thứ Ba 21/7 đã tìm cách trấn an các nước láng giềng của mình rằng, quan hệ gần gũi hơn bao giờ hết giữa Campuchia với Trung Quốc là một phần chiến lược đối ngoại không đe dọa đến quan hệ giữa Campuchia với các nước "bạn bè" trong ASEAN cũng như các đối tác phương Tây.

Một hội nghị an ninh khu vực kéo dài 2 ngày ở Phnom Penh đã quy tụ đại diện chính phủ 10 nước ASEAN và 8 đối tác Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Úc, New Zealand để thảo luận các vấn đề an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông do các hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) mà Trung Quốc tiến hành.

Hôm qua Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong đã gặp gỡ tân Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Từ Bộ. Sau đó Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia phụ trách vấn đề ASEAN Chem Vidhya nói với báo giới, quan hệ Campuchia - Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với quan hệ giữa Phnom Penh với các nước láng giềng khác.

"Campuchia không bao giờ phân biệt đối xử giữa những người bạn. Chỉ vì Campuchia có một mối quan hệ tốt với Trung Quốc không có nghĩa là chúng tôi từ bỏ quan hệ với các nước khác hoặc không chú ý đến họ", ông Chem Vidhya nói.


Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong và tân Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Từ Bộ. Ảnh: AKP.

Phát biểu này được xem như nhằm giải thích phản ứng của Campuchia tháng trước với việc Mỹ cảnh báo điều chiến hạm, máy bay tiến vào 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp), The Cambodia Daily bình luận.

Ông Vidhya nói rằng Ngoại trưởng Campuchia đã nhờ Từ Bộ chuyển lời cảm ơn đến Trung Quốc đã viện trợ hào phóng cho Campuchia. Vấn đề Biển Đông đã không được thảo luận trong cuộc gặp giữa Hor Namhong với Từ Bộ, Vidhya lưu ý.

"Campuchia mong muốn ASEAN và Trung Quốc duy trì mối quan hệ hữu nghị để bảo vệ sự ổn định chính trị và an ninh lâu dài, vì lợi ích kinh tế cho tất cả các bên", ông Vidhya nói với báo giới. Campuchia không có yêu sách ở Biển Đông, nhưng liên minh lợi ích rõ ràng với Trung Quốc đã gia tăng tiếng nói của mình (bảo vệ Bắc Kinh) trong các cuộc tranh luận.

"Campuchia muốn giúp xoa dịu bầu không khí giữa ASEAN và Trung Quốc bởi vì chúng tôi tin rằng sự hiểu biết lẫn nhau sẽ không thể có được nếu thiếu đối thoại", quan chức này nói.


"Campuchia đang chơi trò mạo hiểm với Trung Quốc"

Chheang Vannarith nói: "Một khi chúng tôi dựa quá nhiều vào Trung Quốc, chúng tôi sẽ mất đi quyền tự quyết trong chính sách đối ngoại."


Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và người đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Đài VOA Khmer Hoa Kỳ ngày 21/7 đưa tin, trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh đã nhận được nhiều cam kết hỗ trợ từ phía quân đội Trung Quốc. Ông Tea Banh nói với VOA rằng chuyến thăm rất thành công và quan hệ hợp tác Campuchia - Trung Quốc gần gũi hơn quan hệ Phnom Penh với Washington.

Các nhà phân tích nói rằng Campuchia có thể sẽ xem xét tìm kiếm hỗ trợ từ Trung Quốc nhiều hơn về các vấn đề "biên giới, lãnh thổ". Năm 2012 Campuchia đứng về phía Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Scarborough và căng thẳng leo thang trên Biển Đông, một năm sau Trung Quốc cho Campuchia vay 195 triệu USD để mua 12 chiếc trực thăng quân sự Z-9 do Bắc Kinh chế tạo.

Tháng Năm năm nay, Trung Quốc cam kết sẽ viện trợ xe tải quân sự, phụ tùng thiết bị và một số loại hóa chất không xác định cho Campuchia. Thủ tướng nước này ông Hun Sen rất hoan nghênh quan hệ với Trung Quốc. Tháng trước ông nói với một nhóm nông dân Campuchia rằng, quan hệ với Trung Quốc đang ở "đỉnh cao thời đại". Quỹ phát triển Trung Quốc dành cho Campuchia năm 2015 đã tăng lên 140 triệu USD từ 100 triệu USD năm trước.

Tea Banh đã bảo vệ quan hệ song phương với Trung Quốc khi cho rằng viện trợ của Bắc Kinh là "vô điều kiện", Trung Nam Hải chưa bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia. Ông từ chối tiết lộ Trung Quốc đã hứa sẽ viện trợ bao nhiêu trong chuyến đi vừa rồi của mình.


Ông Tea Banh bắt tay một cố vấn quân sự Trung Quốc trong lễ tốt nghiệp học viên sĩ quan quân sự Campuchia tại tỉnh Kampong Speu ngày 12/3 vừa qua. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên các nhà phân tích cảnh báo rằng Trung Quốc đang được nhiều hơn Campuchia từ các thỏa thuận song phương. Chheang Vannarith, một giáo sư thỉnh giảng tại đại học Leeds nhận định, Trung Quốc cần Campuchia như một đối tác trong khu vực Đông Nam Á nơi cạnh tranh ngày càng gay gắt. "Campuchia cần sự hợp tác của Trung Quốc khi Việt Nam phát triển quan hệ với Hoa Kỳ", ông nói.

"Đây là khu vực đầy cạnh tranh phức tạp. Trung Quốc sẽ thông qua Campuchia và khu vực sông Mekong để tăng cường tầm ảnh hưởng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Chheang Vannarith bình luận. Nhưng rốt cuộc Campuchia đang chơi một trò chơi mạo hiểm hơn so với Trung Quốc, Chheang Vannarith nói: "Một khi chúng tôi dựa quá nhiều vào Trung Quốc, chúng tôi sẽ mất đi quyền tự quyết trong chính sách đối ngoại."

Paul Chambers, một giáo sư từ đại học Chiang Mai bình luận, Trung Quốc là một siêu quyền lực đang gia tăng muốn sử dụng Campuchia để gây ảnh hưởng trong ASEAN, trong một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới với Mỹ. "Tôi tin rằng Hun Sen đã thể hiện sự cân bằng rất tốt với các đồng minh trong quá khứ cũng như hiện tại. Hun Sen sẽ ngày càng chào đón hỗ trợ quân sự của Trung Quốc cho Campuchia".

Hugh With, giáo sư nghiên cứu chiến lược từ đại học Quốc gia Úc nói với VOA Khmer rằng: "Chúng tôi nhìn thấy nước Mỹ đang nỗ lực phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam. Trung Quốc sẽ sẵn sàng phát triển các mối quan hệ quân sự mạnh mẽ hơn với Campuchia là một phần của quá trình này. Tuy nhiên tôi nghi ngờ rằng điều đó có thể dẫn đến một biến đổi cơ bản trong thế trận quân sự của Campuchia hay khu vực".

Theo GDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template