Mẹ mất năm lên 8 tuổi, bốn năm sau người cha qua đời vì bạo bệnh nhưng Hoàng không gục ngã. Tại kỳ thi THPT vừa qua, em đạt 28 điểm ở các môn thi khối A, cao thứ hai Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa).
Chàng trai mồ côi được 28 điểm kỳ thi THPT quốc gia
Mồ côi cha mẹ, Hoàng lớn lên trong sự đùm bọc của bà nội và người thân.
Vài ngày nay, ngôi nhà nhỏ của gia đình cậu học trò nghèo Nguyễn Đình Hoàng ở xã Quảng Hải (Quảng Xương, Thanh Hóa) luôn đầy ắp tiếng cười. Với số điểm 28 (Toán 10, Hóa 9,25 và Lý 8,75), Hoàng gần như chắc suất đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự ở kỳ tuyển sinh sắp tới.
Buổi tối 22/7 nhận được kết quả thi, Hoàng bảo đã hét lên sung sướng và nhiều lần nước mắt chực trào. “Đêm đó, em gần như không ngủ vì quá hạnh phúc. Khi biết chắc kết quả, em trở ra trước ban thờ thắp hương tạ ơn cha mẹ rồi đứng lặng hồi lâu…”, Hoàng kể.
Cậu học trò có dáng người nhỏ thó, đôi mắt sáng, lúc trò chuyện có phần bẽn lẽn. Mỗi khi nhắc đến chuyện gia đình, Hoàng lại cúi mặt, ngậm ngùi hồi lâu. Hoàn cảnh của em là một chuỗi biến cố đầy mất mát, bất hạnh.
Là anh cả trong gia đình có ba anh em, sau Hoàng còn có hai em gái đang theo học phổ thông. Hơn 10 năm trước, mẹ em - bà chị Trần Thị Huyên - bị tai biến mạch máu não. Sau hơn hai năm chữa trị nhưng không có kết quả, bà ra đi.
Mẹ mất khi anh em Hoàng còn quá nhỏ, ông Nguyễn Đình Oanh (bố Hoàng) không đi bước nữa mà sống cảnh “gà trống nuôi con”. Không có vợ đỡ đần sớm hôm, ông Oanh phải làm đủ thứ nghề để lo cho các con ăn học. Cảnh nghèo nhưng cha con Hoàng vẫn sống rất đầm ấm, sum vầy.
Bất hạnh tiếp tục ập đến với anh em Hoàng khi cậu đang học lớp 7. Người cha bất ngờ phát hiện bị mắc căn bệnh ung thư. Không có điều kiện chữa trị, ông cũng từ giã cõi đời ở tuổi 42.
Cha mẹ mất, ba anh em Hoàng sống trong sự đùm bọc của bà nội. Dù lúc đó còn rất nhỏ nhưng phận làm anh cả, lại thương bà già yếu và các em thơ dại, Hoàng đã nhiều lần định bỏ dở việc học lên thành phố kiếm việc làm thêm để phụ bà nuôi các em. Nhưng được sự động viên của thầy cô và người thân, cậu tiếp tục cắp sách tới trường để nuôi giấc mơ thoát cảnh nghèo đói.
“Thầy cô, các bác và bà nội đêm ngày khuyên can, chỉ có học hành đỗ đạt mới mong thoát được cảnh đói nghèo nên em lại nén đau thương tiếp tục con đường học vấn chông gai”, Hoàng kể.
Không phụ lòng mong đợi của người thân, suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường, Hoàng đều là học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 12, cậu đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh và giành điểm cao nhất trong số 5 học sinh đạt giải nhất môn Toán năm đó. Hai em gái Hoàng theo bước anh trai, đều có học lực khá giỏi.
Lúc rãnh rỗi sau mỗi giờ học, Hoàng thường phụ bà việc nhà hay nuôi đàn gà tăng gia sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng.
Chàng trai sinh năm 1997 kể, con đường từ nhà tới trường dài hơn chục cây số, ngày ngày em đạp xe tới trường. Nhiều hôm cậu phải nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách vở học thêm. Không có tiền mua máy tính hay lên mạng tìm tài liệu, cậu trò nghèo chủ yếu học từ kiến thức thầy cô truyền thụ trên lớp.
Năm nay đã 82 tuổi nhưng cụ bà Lê Thị Thiết (bà nội Hoàng) vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Bà bảo, những năm cuối đời, bà sống nhờ niềm an ủi từ mấy đứa cháu chăm ngoan, học giỏi. Tuổi cao nhưng hàng ngày cụ bà vẫn ra đồng trồng rau, tỉa ngô hay nuôi thêm đàn gà, con lợn kiếm tiền nuôi các cháu. Là mẹ liệt sĩ nên cụ Thiết được nhà nước hỗ trợ khoản tiền hơn triệu mỗi tháng. Số tiền chính sách, bà không dám ăn tiêu mà dành dụm chu cấp cho các cháu ăn học.
“Cha mẹ chúng nó mất, mình vừa làm bà nhưng cũng đồng thời mang trọng trách làm cha mẹ. Cuộc đời tôi mất mát đã quá nhiều nên dặn lòng phải trấn tĩnh trước mỗi biến cố bi ai để làm chỗ dựa cho các cháu”, cụ Thiết tâm sự.
Tự hào về đứa cháu nội, cụ Thiết bảo đó là thành quả bao ngày bà vỗ về, động viên. “Có bữa thấy cháu đi học đường xa về, khuôn mặt hốc hác tôi thương cháu vô cùng. Hay những đêm thấy cháu ngồi ở góc nhà học bài tới tận 2-3h sáng, tôi lại rơi nước mắt”, người bà có khuôn mặt đầy những nếp nhăn trải lòng.
Với số điểm 28 chưa kể ưu tiên, Hoàng bảo đã gần như chắc suất đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự. Đó cũng là ước mơ và mục tiêu từ nhiều năm nay của cậu học trò mồ côi. “Em chọn môi trường quân đội vì nó sẽ giúp em trưởng thành, rắn rỏi hơn và không phải lo chu cấp để đỡ gánh nặng cho bà nội tuổi đã cao”, Hoàng nói.
Chia sẻ về bí quyết học tập, Hoàng cho hay thường chọn phương pháp ghi nhớ nhanh trên lớp, luôn kiên trì, đọc nhiều sách báo để có cách giải nhanh và chính xác nhất. Mỗi khi gặp đề toán khó, Hoàng thức trắng đêm để nghĩ cách tìm đáp án. Nam sinh không cảm thấy lo lắng gì về chặng đường học tập phía trước dù phải xa nhà, xa người thân. “Bố mẹ mất từ nhỏ nên em cũng chai sạn rồi. Em sẽ không đầu hàng trước bất kỳ chướng ngại nào…”, Hoàng quả quyết.
Chàng trai thắp hương trước bàn thờ cha mẹ sau khi biết mình đỗ đạt cao. Ảnh: Lê Hoàng.
Trong thời gian chờ kết quả xét duyệt từ Học viện Kỹ thuật quân sự, Hoàng thường phụ bà làm việc nhà và nuôi thêm đàn gà vài chục con. Cậu cũng tích cực chạy thể dục hoặc ra biển tập bơi để rèn luyện thể lực cho môi trường học tập mới mà em tin rằng sẽ có nhiều thử thách.
Nhận xét về cậu học trò cưng, cô Nguyễn Thị Mai Hương, chủ nhiệm lớp 12T1 cho hay, dù hoàn cảnh khó khăn lại mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng bù lại Hoàng có tố chất rất thông minh lại hiền lành, chăm ngoan nên được bạn bè và thầy cô rất quý mến. Những năm theo học THPT, mọi khoản đóng góp của Hoàng đều được nhà trường miễn trừ.
Biết Hoàng chăm học nên các giờ học thêm, thầy cô cũng không thu tiền mà cho em theo học miễn phí. “Không phụ kỳ vọng của mọi người, Hoàng đã đem vinh quang về cho nhà trường và gia đình ở mọi kỳ thi em tham gia”, cô Hương cho hay.
Lê Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn