Lãnh đạo Bộ Công an, TGĐ ngân hàng tháp tùng Thủ tướng cũng bị mất cắp hành lí
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
17/06/2015 21:15
ANTT.VN – Vấn nạn mất cắp hành lí khi đi máy bay ngày càng “nóng” khi những bí mật mới được tiết lộ
Cuộc họp “nóng” tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chiều 18/6 một lần nữa khẳng định “thủ phạm” của nạn mất cắp hành lý tại các sân bay chính là “trộm trong nhà”. Ngay cả lãnh đạo Bộ Công an, Tổng giám đốc (TGĐ) ngân hàng đi tháp tùng Thủ tướng cũng bị “hỏi thăm”.
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phê bình Chủ tịch, Tổng Giám đốc của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng vì đã vắng mặt. Trong khi đó, phía Bộ Công an, tức cơ quan phối hợp đã có sự tham gia đầy đủ của Cục trưởng các Cục chức năng và thành phần có trách nhiệm.
Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói: "Nguyên nhân lớn nhất là lãnh đạo các anh không nhận thấy trách nhiệm của mình. Bao giờ các ông còn vô cảm, không thấy nhục khi khách quốc tế đến bị mất cắp, thì mất cắp chưa giảm được".
Cũng trong buổi làm việc chiều 18/6, Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an - cho biết, từ 2013 đến hết 6 tháng đầu năm 2015, xảy ra trên 600 vụ mất cắp. Càng ngày, số vụ mất trộm càng gia tăng. Các vụ việc này chúng ta đánh giá khách quan là hiệu quả xử lý chưa cao, tính chất phức tạp vì nhiều vụ việc xảy ra nhưng không tìm ra được. Vấn đề bức xúc nhất là mất cắp hàng hóa không chỉ của hành khách, mà của cả khách đặc biệt.
“Đồng chí TGĐ một ngân hàng tháp tùng Thủ tướng đi công tác mà lúc về mất cắp cả một vali. Lãnh đạo Bộ Công an đi công tác nước ngoài về có kiện hành lý ký gửi cũng bị mất đồ, mất iPad. Hành lý và hàng hóa ký gửi thường xuyên bị cạy móc và rạch rất đúng chỗ. Phần lớn mất hành lý hàng hóa ở khâu cách ly nên hành vi này phải xảy ra trong nội bộ, khách quan mà nói thì phải có sự móc nối” - Cục trưởng Cục An ninh kinh tế dẫn chứng.
Nói đến nguyên nhân mất cắp, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế cho rằng, nguyên nhân trực tiếp là do khâu tuyển nhân viên hợp đồng bị coi nhẹ, nhân viên không được tuyên truyền, giáo dục, trả lương thấp dẫn đến thiếu trách nhiệm và chắc chắn có sự tiếp tay cho nội bộ ăn cắp. Nguyên nhân gián tiếp là hệ thống tường rào chưa được kiên cố, lực lượng giám sát xung quanh sân bay mỏng. Chưa hết, diện đối tượng được cấp thẻ ra vào sân bay chưa được siết chặt nên việc đi lại nội bộ tại một số cảng hàng không chưa nghiêm túc.
Để khẳng định cho vấn đề nêu ra, ông Nguyễn Đình Thuận đưa ra căn cứ về một trường hợp cụ thể tại công ty suất ăn trong TPHCM, đối tượng là tội phạm bị truy nã nhưng “lọt” vào công ty suất ăn làm việc và được bổ nhiệm lên tới chức Trưởng phòng tổ chức mà không ai biết, đến khi lực lượng công an điều tra ra sự việc và làm rõ nhân thân của đối tượng này thì công ty suất ăn mới… “ngã ngửa”.
Tổng rà soát phát hiện 'điểm mù' móc trộm hành lý sân bay
Phát hiện“lỗ hổng”, “điểm mù” tạo điều kiện cho kẻ xấu móc trộm hành lý ký gửi của hành khách tại sân bay
Hành lý tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài
Dây chuyền phục vụ hành lý tại các sân bay từ khâu làm thủ tục, soi chiếu, xếp dỡ trong đảo hành lý đến khi đưa lên máy bay đang được các cơ quan chức năng rà soát chặt chẽ nhằm phát hiện“lỗ hổng”, “điểm mù” tạo điều kiện cho kẻ xấu móc trộm hành lý ký gửi của hành khách.
Có hay không, nhân viên móc nối để trộm hành lý?
Câu hỏi này được chính Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Đào Văn Chương đặt ra khi đi kiểm tra các công đoạn vận chuyển hành lý lên, xuống máy bay tại ba sân bay lớn nhất cả nước là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Cần phải nhấn mạnh rằng, các vụ mất cắp hành lý tại các sân bay không phải là chuyện bây giờ mới nói, cũng không phải chuyện riêng có ở Việt Nam. Tuy nhiên, hành lý vẫn cứ bị móc trộm, bất chấp những quy trình kiểm soát của cảng hàng không, lực lượng an ninh hàng không, các công ty dịch vụ mặt đất cũng như cảng vụ hàng không…
Theo thống kê, bình quân mỗi năm trên thế giới có khoảng 30 triệu kiện hành lý bị thất lạc, đến muộn (trung bình sau 31 giờ) hoặc mất mát hành lý trong quá trình di chuyển bằng máy bay, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Riêng ở Mỹ, xác suất thất lạc, đến muộn hành lý lên tới 10%. Một trong các biện pháp để giảm thiểu tình trạng này là hành khách không nên để các vật dụng, đồ dùng có giá trị cao trong hành lý ký gửi.
Tại VN, theo Cục Hàng không VN, trong năm 2014 đã ghi nhận 48 vụ việc mất cắp hành lý, tài sản. Từ đầu năm 2015 đến nay, cơ quan này đã nhận 23 vụ việc báo cáo mất tài sản.
Theo chân đoàn kiểm tra tại ba sân bay ở Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng những ngày qua, PV Báo Giao thông ghi nhận, các công ty dịch vụ mặt đất, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc vận chuyển hành lý đều khẳng định “quy trình, quy định giao nhận, bốc xếp, vận chuyển, lưu giữ hành lý, hàng hóa đều rất chặt chẽ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Hàng trăm camera hoạt động liên tục đảm bảo không để xảy ra bất kỳ sơ hở nào. Thậm chí, quần áo của nhân viên làm việc trong kho hàng cũng không được may túi, điện thoại không được dùng, tất cả người và phương tiện chỉ đi qua một cửa kiểm soát duy nhất”. Câu hỏi đặt ra, nếu quy trình tốt như thế, chặt chẽ như thế, sao hành lý vẫn mất? Nghi vấn móc nối giữa các nhân viên hàng không cũng được đặt ra từ đây.
Về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc CHK quốc tế Nội Bài cho rằng, các vụ mất cắp xảy ra trong khu vực hạn chế, không có đối tượng nào bên ngoài, mà chỉ có lực lượng trực tiếp tham gia vào các dây chuyền vận chuyển.
Cũng như vậy, ông Hoàng Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài nói: “Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện nhân viên soi chiếu vi phạm. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc móc nối giữa các nhân viên với nhau, các bộ phận với nhau”.
Đồng quan điểm, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc Trần Hoài Phương nhấn mạnh: “Quy trình rất chặt chẽ thì chỉ còn con người, do con người mà thôi. Cũng theo ông Phương, tình trạng mất cắp chỉ xảy ra trên tàu bay, trong khu vực xử lý hàng hóa, trong khu vực hạn chế của nhà ga, khu bay thì chắc chắn có sự tiếp tay trong nội bộ nhân viên”.
Nghi ngờ này của ông Phương được khẳng định bởi tiết lộ của ông Trần Văn Hiệp, Phó Giám đốc Jetstar miền Bắc. Cụ thể, ông Hiệp cho biết từng phát hiện hai vụ mất trộm đồ ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài khi nhân viên của Hãng cấu kết với nhân viên bốc xếp lấy đồ của khách.
Bốc xếp hành lý tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - Ảnh: Thanh Bình
Nhiều hành lý “bất thường” trước khi về đến Việt Nam
Sau ba ngày “lăn lóc” cùng hầm hàng, đảo hành lý, hầm máy bay, có một thực tế mà PV Báo Giao thông đã tận mắt chứng kiến là việc khá nhiều hành lý từ nước ngoài về có dấu hiệu bất thường ngay từ khi hầm hàng được mở ra. Điều này cũng có nghĩa rằng, không loại trừ việc hành lý được báo “bất thường” như hỏng khóa, bị rạch… thậm chí bị mất đồ tại sân bay của Việt Nam nhưng thực tế đã bị “can thiệp” từ sân bay nước ngoài trước đó. Như trường hợp hành khách Trần Thị Tuyết bay từ Mỹ về Việt Nam. Tại đảo hành lý Nội Bài, nữ hành khách này phát hiện hành lý của mình có bất thường (mất dây chằng và bật khóa). Trùng hợp là chính đoàn kiểm tra của Cục Hàng không VN và các phóng viên trước đó đã phát hiện sự việc khi kiểm tra ngay khi hầm hàng tàu bay được mở ra, điều này có nghĩa là nếu hành lý của hành khách này bị móc trộm thì cũng là ở sân bay trước đó. Được biết, hành khách có transit qua Hàn Quốc.
Tại Tân Sơn Nhất, ngày hôm sau, PV Báo Giao thông tình cờ phát hiện một hành khách người Việt khác cũng từ Mỹ về cho biết, thùng hàng của bà đã quá cảnh qua Nga, Singapore, bị bung dây đai, có dấu hiệu bị mở và mất một gói thịt. Sau khi kiểm tra, an ninh Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, thùng hàng đã được Tổ chức quản lý an ninh vận chuyển Hoa Kỳ (TSA) kiểm tra và dán tem niêm phong.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc cảng kiêm Giám đốc An ninh HK Tân Sơn Nhất cho hay, hồi cuối tháng 5, có một vị khách Việt kiều Mỹ khi nhận hành lý bị bung từ băng chuyền đã nổi cáu, chửi bới xúc phạm các nhân viên hàng không gây mất trật tự. Đáng nói hơn, sau đó, va li được mở kiểm tra thì khách không bị mất đồ, trong hành lý có giấy xác nhận đã mở khóa kiểm tra của Cục An ninh giao thông Mỹ.
Hạn chế cách nào?
Liên quan đến các giải pháp hạn chế việc móc trộm hành lý tại sân bay, ông Cao Văn Thái, Trưởng ban An ninh an toàn Tổng công ty CHK VN (ACV) cho biết, nhiều giải pháp đã được đặt ra, tuy nhiên, hiện tượng mất cắp đã và vẫn đang tồn tại. “Các biện pháp đã được đặt ra, “mạch” bắt đúng rồi nhưng bốc thuốc chưa đủ mạnh để trị”, ông Thái nói.
Về vấn đề này, ông Chương cho rằng giải pháp gì đi chăng nữa, quan trọng là phải đồng bộ, từ quản lý nội bộ của các DN có liên quan trong dây chuyền phục vụ hành lý, trang thiết bị hỗ trợ đến hoạt động kiểm tra giám sát của cảng vụ. “Ba khâu này lỏng khâu nào đều có thể dẫn đến việc mất cắp hành lý của hành khách”, ông Chương nói và cho rằng, phải có sự phối kết hợp của các đơn vị trong và ngoài ngành. “Mọi người đều biết quá trình sau khi hành lý được check in, lên đến tàu bay có sự tham gia của không phải chỉ cán bộ trong ngành hàng không mà còn có các đơn vị chức năng khác. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị như hải quan, công an cửa khẩu để cùng phối hợp phòng chống trên tinh thần hỗ trợ, giám sát lẫn nhau để thực hiện tốt nhất, đảm bảo hành lý của hành khách đi tàu bay được nguyên vẹn”, ông Chương khẳng định.
Có hiện tượng hãng hàng không “giấu nhẹm” vụ việc
Theo ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng phòng An ninh hàng không (Cục Hàng không VN), có một thực tế là các hãng hàng không vì sợ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín thường có xu hướng giấu các vụ mất cắp, móc trộm hành lý của hành khách, nếu có thể bồi thường hoặc thỏa hiệp với hành khách.
“Chúng ta đang trong một dây chuyền. Không có cớ gì chúng ta không mang vụ việc đó để gửi các cơ quan có trách nhiệm xác minh. Việc điều tra, xác minh, làm rõ ngoài việc giúp tăng khả năng truy tìm, thu hồi hành lý bị mất để trao trả cho hành khách, còn là tìm khiếm khuyết của quy trình, từ đó có biện pháp khắc phục, tránh tái diễn”, ông Hùng nói. Theo baogiaothong.vn
Khó bắt quả tang trộm hành lý ở sân bay Tân Sơn Nhất
Các đơn vị liên quan dến sân bay Tân Sơn Nhất cho biết đã ghi nhận một số trường hợp hành lý bị moi móc, mất mát...
Bốc xếp hành lý tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - Ảnh: Thanh Bình
Ngày 11-6, tại sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận trường hợp hành lý khách hàng bị rạch, không nguyên vẹn trước khi đến sân bay, dấu hiệu trên hành lý cho thấy trường hợp này do phía Cục hàng không Mỹ kiểm tra trước đó theo quy định. Nhân viên an ninh sân bay ghi nhận vụ việc và giải thích cho hành khách hiểu - Ảnh: L.Sơn
Chỉ trong những ngày đầu tháng 6-2015, Trung tâm an ninh hàng không Tân Sơn Nhất (TSN) ghi nhận và chuyển Cảng vụ hàng không miền Nam xử lý ba trường hợp là nhân viên vệ sinh, vận chuyển có dấu hiệu ăn cắp, cầm giữ đồ gồm điện thoại, sạc pin của khách.
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Cục Hàng không VN với Cảng hàng không TSN về công tác giám sát, phục vụ đảm bảo an ninh vào ngày 11-6.
Tại buổi làm việc, các đơn vị liên quan cho biết đã ghi nhận một số trường hợp hành lý bị moi móc, mất mát hoặc cầm nhầm giữa các hành khách.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho rằng không dễ bắt quả tang việc ăn cắp hành lý của khách, chưa kể nhiều trường hợp hành lý bị mất cắp trước khi về đến TSN hoặc khách bị... nhầm.
Một mất mười ngờ
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tô Tử Hùng - phó Phòng an ninh hàng không VN - cho biết thống kê trong năm 2014 đã ghi nhận 48 vụ mất cắp hành lý, tài sản, con số này từ đầu năm 2015 đến nay là 23 vụ diễn ra tại các cảng hàng không cả nước.
“Mất mát hành lý là việc không mới do hàng hóa đi qua nhiều điểm. Riêng hàng không, việc trung chuyển hàng hóa nhanh chóng, số lượng lớn nên nguy cơ càng cao. Tuy giá trị mất mát ghi nhận không quá lớn nhưng ảnh hưởng uy tín của ngành cũng như hình ảnh đất nước đối với du khách nước ngoài” - ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, việc “một mất mười ngờ” không chỉ gây tâm lý khó chịu cho riêng hành khách mà chính những đơn vị trực tiếp tham gia quá trình vận chuyển cũng bức xúc. Việc mất cắp hành lý không dễ dàng xác định bởi cảng hàng không tập trung rất nhiều đơn vị tham gia hoạt động, bất cứ cá nhân nào cũng nằm trong diện khả nghi khi có sự cố xảy ra.
“Có rất nhiều trường hợp đồ đạc bung khóa, mất mát từ sân bay đi hoặc trung chuyển nhưng nếu không trình đầy đủ đường đi của hàng hóa sẽ rất khó thuyết phục hành khách” - ông Hùng cho hay.
Dù cho biết số lượng hàng hóa không còn nguyên hiện trạng, bung khóa trước khi được vận chuyển về sân bay TSN khá nhiều, nhưng ông Nguyễn Đức Tiến - phó giám đốc cảng kiêm giám đốc an ninh Cảng hàng không TSN - khẳng định không có bất cứ tiêu cực nào đối với nhân viên phục vụ tại cảng.
“Có trường hợp Việt kiều Mỹ về cảng phát hiện kiện hàng không còn nguyên vẹn. Ngay lập tức, hành khách này khẳng định sai phạm thuộc về phía cảng và lăng mạ trước sự chứng kiến của hàng trăm hành khách. Tuy nhiên, khi chúng tôi kiểm tra qua hệ thống giám sát, cân lại và kiểm tra hành lý thì ghi nhận mảnh giấy của Cục Hàng không Mỹ đã kiểm tra hành lý không có sự chứng kiến của hành khách này” - ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, đơn vị đang triển khai hàng loạt kế hoạch để thắt chặt an ninh hàng không, tránh mất mát hành lý, tuy nhiên để triệt tiêu 100% sự cố là điều không thể bởi đây là thực trạng chung của các cảng hàng không thế giới, dù hiện đại đến mấy.
Tính từ đầu năm đến nay Cảng hàng không TSN phục vụ khoảng 10 triệu lượt khách, tần suất 70.000 hành khách/ngày nên có thể thấy việc đảm bảo an ninh, kiểm soát mất mát hành lý được thực hiện nghiêm ngặt.
Phòng là... chính
Ông Phạm Ngọc Tùng - phó giám đốc Xí nghiệp thương mại mặt đất TSN (TIAGS) - cho biết việc bắt quả tang nhân viên có hành vi ăn cắp tài sản, hành lý của khách hàng không dễ. Do đó, công tác giám sát nội bộ được đặt lên hàng đầu.
Trong đó, công tác tuyển chọn nhân viên cùng các biện pháp nghiệp vụ theo dõi, chuyển vị trí công tác nhằm hạn chế tình trạng móc nối, tuồn hàng ra ngoài được chú trọng. Việc thực hiện lắp đặt camera giám sát khu để đồ của nhân viên cũng được tính đến nhưng đang cân nhắc vì có thể vi phạm quyền cá nhân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Hùng - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) - cho rằng ngoài việc lắp đặt thêm các điểm camera giám sát, cần có khu quản lý đồ của nhân viên. Cụ thể, tất cả đồ dùng cá nhân được để ngoài khu làm việc và được kiểm soát chặt chẽ tương tự hình thức khách hàng bỏ đồ trước khi vào mua sắm tại các khu siêu thị.
Tuy nhiên, ông Phan Ngọc Linh - giám đốc Trung tâm kiểm soát khai thác sân bay TSN - cho biết dù việc giám sát được thực hiện nghiêm ngặt nhưng rất khó kiểm soát. Do đó công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao ý thức nhân viên phải được coi trọng.
Bên cạnh đó, việc xử lý phải mạnh tay để tạo tính răn đe. Theo ông Linh, có những trường hợp bị phát hiện, đơn vị chuyển người vi phạm qua công an địa phương nhưng việc xử lý không đủ sức răn đe.
Theo khuyến cáo của ông Linh, đối với hành lý có giá trị, hành khách nên giữ bên mình theo hành lý xách tay. Riêng hành lý ký gửi, cần kê khai loại hành lý này rõ ràng trước khi gửi. Khi xảy ra sự cố, đơn vị sẽ xác minh toàn bộ quy trình vận chuyển để bồi thường theo quy định.
Tuy nhiên, không ít trường hợp hành khách không mang theo tài sản nhưng nhớ nhầm, thậm chí kê khai khống.
Bà Bùi Thị Hằng - trưởng phòng an ninh hàng không Jetstar - cho rằng việc phòng tránh mất mát tài sản cũng cần sự chú tâm từ chính khách hàng.
Theo bà Hằng, rất nhiều khách hàng để tài sản có giá trị lớn trong hành lý ký gửi dù có thể mang theo dạng xách tay. Khi được nhắc nhở hoặc qua soi chiếu, đơn vị phát hiện khá nhiều trường hợp này.
“Chúng tôi tiến hành bàn giao lại cho khách tự bảo quản hoặc kê khai trước khi nhận vận chuyển hành lý này để tránh mất mát có thể xảy ra” - bà Hằng nói.
Theo thống kê của SAGS và TIAGS, trong tháng 1 và 2-2015 có trên 300 vụ việc hành lý của khách hàng bị rạch, bung khóa, moi móc trước khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, được các đơn vị lập biên bản xác nhận để thông báo rõ với khách hàng.
Theo tuoitre.vn
Hành khách Vietjet bị phá khóa, lấy đồ ở sân bay Nội Bài
Nhóm hành khách đi chuyến bay VJ902 từ BangKok (Thái Lan) về sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) đã phản ánh việc các vali hành lý mang theo đã bị phá khóa.
Trên Facebook, chị Trần Phương Anh ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, đoàn của chị khởi hành từ BangKok (Thái Lan) đi sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc 14h ngày 23/5 trên chuyến bay VJ902. Đoàn của chị Hương có 11 kiện hàng và vali ký gửi.
Chiếc vali bị phá khóa sau chuyến bay từ BangKok về Nội Bài (Ảnh hành khách cung cấp)
Trước khi khởi hành, một số vali đã được khóa, dán băng dính cẩn thận, nhưng khi đến sân bay Nội Bài, đoàn khách chỉ nhận được 7 kiện hàng.
Sau khi phản ánh sự việc, đoàn nhận được thông tin 2 kiện hàng được tìm thấy tại sân bay BangKok (Thái Lan), một kiện hàng được tìm thấy tại Nội Bài. Trong đó có một chiếc vali màu cam bị phá khóa, mất đồ đạc bên trong.
“Sau gần một giờ đồng hồ chờ đợi, chúng tôi nhận được giải thích của nhân viên với nội dung "Em không có chuyên môn hay thẩm quyền trong việc này”, chị Phương Anh kể.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Hãng hàng không VJ cho biết: thời gian gần đây hãng rất “nhức đầu” khi thường xuyên nhận được phản ánh của hành khách kêu mất đồ. Hãng đã nhiều lần ghi nhân biên bản bất thường tại san bay Nội Bài về tình trạng này và gửi công văn đi các nơi để phối hợp giải quyết.
Liên quan đến vụ việc nhóm hành khách đi từ BangKok (Thái Lan) về sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) phản ánh việc các vali hành lý mang theo đã bị phá khóa, đại diện hãng Hàng không VJ cho biết, tại đầu bay từ Thái Lan dịch vụ của hãng chịu trách nhiệm còn về sân bay Nội Bài là dịch vụ bốc dỡ hành lý tại sân bay Nội Bài.
Ngay sau khi sự việc xảy ra Hãng đã báo cáo sự việc tới Cảng vụ hàng không miền bắc và các cơ quan liên quan.
Ông Trần Hoài Phương – Phó Giám đốc Cảng vụ hàng không Miền Bắc cho biết: Hiện Cảng vụ đã nhận được báo cáo sự việc hành khách phản ánh bị phá khóa, mất đồ trên chuyến bay từ Thái Lan về Nội Bài của Hãng hàng không VJ.
Cảng vụ sẽ làm việc với VJ để xem xét điều lệ vận chuyển của hãng xem hãng thực hiện với hành khách như thế nào, đồng thời cũng xác minh lại quy trình hành khách ký gửi để xác minh rõ sự việc.
Ông Phương cũng nói rõ, trong trường hợp hành khách có mất mát, hay hành lý bị vỡ gây hỏng hóc và hành khách khiếu nại thì hãng sẽ làm theo quy trình khiếu nại và đền bù cho khách.
Theo đại diện của VJ, khi hành khách phản ánh mất đồ thì hãng phải đối mặt với việc phải đền bù thiệt hại cho hành khách. Tuy nhiên, theo phản ánh của hành khách hàng hóa bị mất là những hàng hóa giá trị trong khi đối với những mặt hàng ký gửi không kê khai giá trị thì chỉ được bồi thường tính theo trọng lượng cân nặng theo quy định chung của ngành hàng không.
“Thực sự rất khó bồi thường theo lời khai của hành khách. Tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều có quy định như vậy, nên bây giờ hành khách khai mất những đồ giá trị thì rất khó để hãng xác minh được giá trị hàng hóa bị mất”, đại diện VJ nói.
Về vấn đề này, trao đổi với VietNamNet, ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết: Theo quy định của ngành hàng không, chỉ trường hợp kê khai giá trị hàng hóa khi mất mới được bồi thường theo giá trị hàng hóa khai báo, còn với những hàng hóa hành lý thông thường không thể xác định giá trị, theo quy ước chung của hàng không trên thế giới là bồi thường theo trong lượng cân nặng.
“Trong trường hợp không thể xác định được giá trị hàng hóa thì 1kg hàng hóa là đồng hồ với 1kg hàng hóa đường ăn là như nhau”, ông Cường nói.
Theo vietnamnet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn