Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

Vì sao OECD xếp hạng Việt Nam đứng thứ 12 !?



Vì sao OECD xếp hạng Việt Nam đứng thứ 12 !?

Nhìn nhận khách quan đánh giá của OECD cho thấy ở bậc THCS trở xuống, nền giáo dục hiện tại của Việt Nam đã làm khá tốt tại các môn Toán, Đọc hiểu và Khoa học. Sở dĩ vậy vì các môn này ở Việt Nam được coi là môn chính, được giảng dạy với thời lượng lớn hơn

Việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 12 dựa trên kết quả môn Toán và Khoa học đang được tranh luận sôi nổi. Phái hoài nghi cho rằng cần xem xét lại phương pháp luận của bản báo cáo. Phái hồ hởi thì nhấn mạnh đây là khẳng định chắc chắn về chất lượng giáo dục Việt Nam. Tại sao việc nhìn nhận hệ thống giáo dục lại gây nhiều tranh cãi như vậy? Điều đơn giản vì chúng ta đã và đang nhìn giáo dục như là một thực thể đồng nhất mà chưa đánh giá chi tiết từng mặt của giáo dục để biết điểm yếu nhất là gì và cần khắc phục tại đâu.

Tháng 12/2013, OECD đưa ra đánh giá về chất lượng giáo dục ở độ tuổi 15, Việt Nam đạt ở mức độ khá cao với các mức tương ứng là 17/65; 19/65 và 8/65 cho ba môn Toán, Đọc hiểu và Khoa học. Trong khi đó tại cùng danh sách đánh giá gồm 70 quốc gia, Việt Nam đứng ở vị trí 69/70 về GDP đầu người và 70/70 về chỉ số phát triển con người (HDI). Mở rộng hơn theo kết quả báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới công bố, tỷ lệ thất nghiệp đối với sinh viên ra trường đã tăng hơn gấp đôi sau 4 năm từ 2010 đến 2014.

Những kết quả đầy mâu thuẫn đó cho thấy với việc đánh giá chất lượng giáo dục, chúng ta không thể phiến diện. Nhìn nhận khách quan đánh giá của OECD cho thấy ở bậc THCS trở xuống, nền giáo dục hiện tại của Việt Nam đã làm khá tốt tại các môn Toán, Đọc hiểu và Khoa học. Sở dĩ vậy vì các môn này ở Việt Nam được coi là môn chính, được giảng dạy với thời lượng lớn hơn. Nếu đánh giá thêm các môn Nghệ thuật, Lịch sử, Địa lý, Phát triển cá nhân thì kết quả chắc cũng sẽ khác. Các quốc gia OECD đang có các môn Khoa học xã hội phát triển nên thiếu quan tâm đến các môn Toán - Khoa học. Chính vì vậy, những năm gần đây các quốc gia này đánh giá rất cao về các môn Toán - Khoa học. Nói cách khác đây là điểm yếu cần khắc phục của các quốc gia OECD.

Theo tâm lý học giáo dục độ tuổi dưới 15, sự chuyên biệt hóa chưa cao nên cách tổ chức giáo dục theo hướng đồng nhất của Việt Nam đáp ứng được khá tốt việc dạy và học. Trong khi đó ở độ tuổi 16-19, phương thức tổ chức giáo dục ở Việt Nam hoàn toàn giống với nền giáo dục dưới 15 tuổi. Và tệ hại hơn, giáo dục đại học vẫn được lặp lại phương pháp này hay nhiều nhà giáo dục vẫn gọi là cấp 4.

Chính vì vậy khi đặt vấn đề cải cách giáo dục, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần xác định rõ ràng điểm yếu nhất của giáo dục nằm ở đâu và cần tập trung nguồn lực để giải quyết. Trong nền giáo dục hiện tại có nhiều điểm tốt như hệ thống các trường chuyên như THPT Lê Hồng Phong tại TP HCM, THPT Hà Nội - Amsterdam Hà Nội hay các trường chuyên cấp tỉnh. Kể cả hệ thống chuyên từ cấp THCS cũng có những điểm tốt mà hiện nay còn rất ít do đã bị vội vã xóa bỏ. Trong khi đó các điểm yếu nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ở bậc THPT lại ít được đề cập như một vấn đề riêng lẻ.

Kết quả đánh giá của OECD có tính khoa học và chính xác. Điều đó nói lên một điều là Việt Nam đang có hệ thống giáo dục trước 15 tuổi cho các môn Toán và Khoa học khá tốt. Nhưng để phát triển toàn diện thì kết quả đó chưa phải là nền tảng vững chắc cho Việt Nam phát triển. Những môn về nhân văn rất cần thiết và khó đo đếm hơn như Nghệ thuật, Tư duy phản biện, Tư duy giải quyết vấn đề, Kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm còn khá lạ lẫm trong các trường lớp Việt Nam. Những môn học kỹ năng này được coi là nền tảng cho sự phát triển tương lai và còn được gọi là hệ kỹ năng thiết yếu thế kỷ 21.

Điểm yếu đó bộc lộ rõ khi ở cấp học THPT, đa phần học sinh Việt Nam vẫn có tư duy học tập thụ động bên cạnh một chương trình học cứng nhắc. Điều này không phù hợp cho việc phát triển nhân cách và là nền tảng bền vững để phát triển những công dân có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Hay nói một cách khác, chúng ta đang có một ngôi nhà giáo dục. Trong ngôi nhà đó có bức tường THCS và nền móng tiểu học khá tốt, nhưng mái nhà THPT và đại học không được như vậy. Các điểm nhấn trang trí cho ngôi nhà cũng không được coi trọng. Vì vậy nếu nói rằng đó là ngôi nhà kém chất lượng và không có hồn thì cũng đúng. Nếu chúng ta chỉ đánh giá bức tường mà cho rằng đó là ngôi nhà tốt thì chưa toàn diện. Nhưng cho rẳng toàn bộ ngôi nhà cần phá bỏ vì quá tệ thì cũng chưa công bằng.

Điều cuối cùng, vượt trên mọi bảng đánh giá, cho dù có xếp hạng bao nhiêu thì nền giáo dục Việt Nam cũng vẫn là chính nền giáo dục Việt Nam ngày hôm qua cho dù hôm nay có được đánh giá thế nào? Vấn đề hệ quả của một nền giáo dục thiếu sức sống thế nào thì mọi người đều thấy rõ và Việt Nam vẫn cần nhanh chóng thay đổi để giáo dục thực sự là động lực của sự phát triển.


Bạn xem lại:
Việt Nam vượt Anh, Mỹ trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu

Dựa vào kết quả kiểm tra môn Toán và Khoa học ở học sinh, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu, trong đó Việt Nam xếp thứ 12, đứng trên các nước như Anh và Mỹ.

Theo BBC, bảng xếp hạng này được tính toán dựa trên kết quả môn Toán và Khoa học của học sinh 15 tuổi ở 76 quốc gia.

5 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á đứng đầu bảng là Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Phần Lan, đất nước được cho là có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới, xếp vị trí thứ 6. Anh xếp thứ 20, sau Australia và Mỹ xếp thứ 28. Các quốc gia châu Phi xếp thứ hạng thấp, trong đó Ghana xếp cuối bảng.



"Đây là lần đầu tiên chúng tôi đánh giá chất lượng giáo dục trên quy mô toàn cầu", Andreas Schleicher, giám đốc chương trình giáo dục của OECD cho biết.

"Sáng kiến này nhằm cung cấp cho những nước giàu và nghèo dữ liệu để so sánh với những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới, nhằm khám phá điểm mạnh, cũng như điểm yếu của nước mình. Từ đó, xem xét những lợi ích kinh tế dài hạn có được nhờ cải thiện chất lượng giáo dục", ông Schleicher nói.

Thang điểm so sánh được tính toán theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD, xu hướng nghiên cứu quốc tế về toán học và khoa học (TIMMS) của Mỹ, và TERCE, nghiên cứu thành tích học tập của học sinh quốc gia khu vực Mỹ Latin.

Các cố vấn kinh tế của OECD cho rằng, kết quả này cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế. Năm 1960, Singapore từng có tỷ lệ mù chữ cao, nhưng nay trở thành nước có nền giáo dục đứng đầu bảng xếp hạng, và là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới.

Nghiên cứu cũng cho thấy, hiện Anh có khoảng 1/5 trẻ bỏ học khi chưa học xong chương trình giáo dục phổ thông. OECD cho rằng, giảm thiểu tình trạng bỏ học, đồng thời nâng cao kỹ năng cho học sinh có thể mang lại hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế Anh.

Báo cáo về bảng xếp hạng này sẽ được trình bày tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới ở Hàn Quốc tuần tới, trong hội nghị về mục tiêu nâng cao giáo dục toàn cầu đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.


Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế

(tiếng Anh: Organization for Economic Co-operation and Development; viết tắt: OECD, Tiếng Pháp:Organisation de coopération et de développement économiques, OCDE)



Có mục đích là để tìm ra các chính sách phát triển kinh tế cùng phúc lợi của người dân. Nó là một diễn đàn dành cho các thành viên, hiện là chính phủ của 34 nước kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới cũng như 70 nước không phải là thành viên, cùng nhau bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề kinh tế cũng như các vấn đề chung khác. Hiện OECD có 34 thành viên, hầu hết trong số đó là các quốc gia có thu nhập cao. Trụ sở của tổ chức hiện nay cũng như tiền thân OEEC trước đó từ năm 1949 là ở lâu đài La Muette ở Paris.

Lịch sử phát triển

Tiền thân của OECD là Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OEEC) của 16 nước châu Âu nhằm khôi phục kinh tế và giám sát phân bổ viện trợ.

Năm 1950, Mỹ và Canada tham gia OEEC với tư cách quan sát viên.

Năm 1961, OEEC được chuyển thành OECD. 16 nước châu Âu trong OEEC cùng với Mỹ và Canada trở thành những thành viên sáng lập của OECD (tổng cộng 20 thành viên).

Trong những năm tiếp theo, OECD tiếp tục kết nạp một số quốc gia, bắt đầu từ Nhật Bản năm 1964, Phần Lan 1969, Úc 1971, New Zealand 1973, Mexico 1994, Cộng hòa Séc 1995, Hungary, Ba Lan và Hàn Quốc 1996, Slovakia năm 2000, và mới nhất là Chile, Slovenia, Israel, và Estonia năm 2010.

Thành viên

OECD hiện đang có 34 thành viên.

Châu Âu: 25 thành viên.

Anh, Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Đức, Estonia, Hà Lan, Hungary, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Luxembourg, Pháp, Phần Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy, Ý

Châu Mỹ: 4 thành viên,

3 thành viên từ Bắc Mỹ và một từ Nam Mỹ.
Canada, Hoa Kỳ, Chile, Mexico

Châu Á: 3 thành viên.
Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản

Châu Đại Dương: 2 thành viên.
New Zealand, Úc

Các quốc gia được mời để trở thành thành viên

Ngày 16 tháng 5 2007 OECD đã đồng ý mời Chile, Estonia, Israel, Nga và Slovenia thảo luận để trở thành thành viên. Ngoại trừ Nga, các nước còn lại hiện đã là thành viên.

Ngày 13.03.2014, OECD loan báo ở Paris là sẽ ngưng các đàm phán với Nga về việc nước này xin vào tổ chức theo như yêu cầu của 34 nước thành viên vì cuộc khủng hoảng Krym 2014.

Từ tháng 5 2013 OECD bắt đầu các cuộc thảo luận với Columbia, Latvia, Costa Rica và Litva.


Các bài viết trên , thống kê “gom lại” từ Internet
Trang web các thành viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template