Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Cao Minh - từ ca sĩ thành cư sĩ



Cao Minh - từ ca sĩ thành cư sĩ
Thứ hai, 22/5/2006 | 08:48 GMT+7


Bẵng đi một thời gian không thấy Cao Minh xuất hiện trên sân khấu. Hỏi ra mới biết, anh đã lập một lãnh địa riêng và đang tự dựng một khu du lịch sinh thái rộng 20 ha ở Đồng Nai. Vừa sửa chiếc máy cắt cỏ trên trang trại, Cao Minh kể lại những ngày tháng gian khổ của anh đến với âm nhạc.

Năm 1979, lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục Tây Ninh, có một học sinh duy nhất rớt tốt nghiệp phổ thông, đó chính là Nguyễn Cao Minh. Việc anh thi trượt là điều hoàn toàn có trong dự đoán vì thi vào lớp 6 cũng rớt, lớp 10 cũng không qua rồi lớp 12 cũng vậy. Nhưng bù lại, anh chàng này lại có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc.

Mỗi lần anh hát, ông bố lại xách roi mây đuổi đánh khắp làng. Ông cho rằng chuyện hát hò chính là nguyên nhân khiến thằng con khó nuôi này xao nhãng học hành. Ấy thế mà ông cũng không ngăn được niềm đam mê của cậu con trai. Thậm chí, ông không hề biết Minh còn lấy máng cho lợn ăn, lập úp lại làm đàn bầu rồi trốn cha vác ra chợ Trảng Bàng. Anh ngủ trên thớt thịt cả đêm, chờ gặp cho bằng được bà Hai Lùn lên đồng, xuống bóng để học cách gảy chiếc đàn một dây.

Ông cũng không biết thằng con học quá dốt của mình từng lén cha tháo sạch mấy cái loa trong mớ radio cũ, gắn vào chiếc máng lợn và tháo bình ắc quy trong máy cày khiêng ra giữa ruộng để tăng âm cho chiếc đàn độc chiêu của mình.

Sự khắt khe của cha khiến cho Cao Minh dù đạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình tỉnh Tây Ninh năm 1978 cũng không dám nói với cha mình về thành công ban đầu. Một hôm khi đang nhổ đậu với anh chị, từ chiếc radio bỗng sang sảng giới thiệu: "Đây là tiếng hát ca sĩ Cao Minh". Dù sướng lắm nhưng Minh đã phải lật đật đội chiếc nón lá chụp chiếc radio chạy tuốt vào bụi tre để tránh bị cha phát hiện.

Sau ngày bị rớt tốt nghiệp phổ thông, chàng ca sĩ đài phát thanh tỉnh lẻ mới biết nhục là gì. Anh tâm sự: "Tin tôi bị rớt tốt nghiệp vang xa. Cha đi tới đâu người ta cũng nhìn ông bằng ánh mắt tội nghiệp xen lẫn xót xa thương hại. Tôi không còn cam đảm ở nhà, lén cha xin vào đoàn văn công tỉnh Tây Ninh. Nhiệm vụ của mình là chỉ đứng đằng sau cánh gà kéo màn và ngồi trên mui xe chở phông màn, trông chừng đồ đạc mỗi lần đoàn chuyển điểm phục vụ".

Rồi một hôm, trên đài phát thanh và truyền hình toàn quốc đùng đùng tuyên bố: "Ca sĩ Cao Minh đoạt giải nhất Concour quốc gia lần thứ nhất, đoạt giải Người hát hay nhất về đề tài Bác Hồ, đồng thời đoạt luôn giải Người hát dân ca hay nhất năm 1988 khi đang là sinh viên Nhạc viện TP HCM".

Người hâm mộ hết lời khen tặng Cao Minh còn bạn bè cùng thời trêu anh là "chó ngáp phải ruồi". Chỉ có anh mới hiểu chính xác về thành quả của mình là "cả một quá trình kéo cày thay trâu, kỳ công luyện tập". Quá trình phấn đấu của một người biết thế nào là nhục vì sự thiếu văn hóa. Buổi sáng, nhịn đói đến trường luyện thanh, trưa về xách đồ từ tầng 11 của chung cư xuống lề đường sửa xe kiếm cơm. Chiều thuê xích lô đạp mướn để kiếm tiền mua bánh mì mang vào lớp bổ túc văn hóa tại trường Bùi Thị Xuân, vừa ăn, vừa học cho xong chương trình lớp 12.

Ngày ra Hà Nội dự thi giải Concour quốc gia, anh luyện thanh và tập hát với cây đàn piano của nghệ sĩ Hoàng My, người nổi tiếng tài hoa và khó tính.

Kết quả cuộc thi đã làm cho tiếng tăm của anh mỗi ngày một nổi tiếng với những ca khúc tiền chiến, trữ tình.

Nhưng Cao Minh lại thích công chúng mến mộ qua thú chơi xe cổ, qua hình ảnh một ông chủ tại quán cà phê sân vườn của mình tại Bình Thạnh.

Từ năm 2000 trở lại đây, mọi người đồn rằng Cao Minh đi dạy thanh nhạc kiếm cơm độ nhật qua ngày, rồi lại có người nói Cao Minh buồn chuyện gia đình, bỏ vợ lên rừng ăn chay.

Cuối năm ngoái, tình cờ gặp Cao Minh ở khu du lịch sinh thái thuộc vùng Vĩnh Tâm, huyện Vĩnh Cữu thuộc tỉnh Đồng Nai, hóa ra anh đang xây dựng một lãnh địa của riêng mình. Chàng ca sĩ ngồi trần trùng trục, há miệng, chắp tay ngang ngực đang luyện công trên gò đất cao trước ngôi chùa tự cất của mình.

Buổi chiều ở nơi rừng rú bạt ngàn mây mưa, gió lồng lộng thổi, trông Cao Minh không khác gì một ẩn sĩ đang tìm cách xa lánh mùi trần. Từ mấy năm nay, anh đã ngấm ngầm tuyên bố với lòng mình rằng từ nay có chăng là một cư sĩ Cao Minh. Anh tự mình vác cây, xây hồ, lát gạch. Cao Minh lái máy cẩu, làm cầu treo, chạy xe Kobe, móc hầm nuôi cá, khiêng đá làm bờ kè...

Bốn năm vắng bóng ở thị trường ca nhạc sôi động của TP HCM, Cao Minh đã lẳng lặng làm nên một kỳ công không giống ai: giấu vợ lên rừng một mình làm khu du lịch sinh thái. Nhìn khắp khu trang trại vẫn còn bề bộn của mình, bất giác Cao Minh mỉm cười: "Tôi đúng là một ca sĩ không giống ai".

(Theo Thế Giới Văn Hóa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template