Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Nguyễn Tăng Tri_"Bây giờ 'mấy tháng' rùi hởi em !?"



Nguyễn Tăng Tri
Những ngày thơ mộng


Xuất bản ngày 18 tháng 2 năm 2015

Mấy hôm nay, trời bắt đầu trở lạnh. Những tàng lá xanh đã bắt đầu đổi sắc thành vàng, đỏ, tím, nâu…tuyệt đẹp, nhưng lòng tôi lại buồn man mác, nao nao nhớ lại kỷ niệm của những mùa thu xưa thời trung học.
Ngày đó là khoảng cuối mùa thu năm 1968, trong giờ Việt văn, lớp chúng tôi Đệ Tam T1 đã nhận được lệnh của cô Mộng Hoàn : Làm một tờ báo của lớp, mỗi HS viết một bài. Thời hạn…tuần phải nộp cho cô chấm điểm. Điểm nầy sẽ cộng vào điểm thi môn Việt Văn của kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt rồi mới lấy điểm trung bình, (điểm nầy sẽ được nhân đôi cộng với điểm trung bình của đệ nhất lục cá nguyệt rồi chia 3 để thành điểm trung bình của toàn năm). Ngoài ra, mỗi HS phải nôp một số tiền để mua giấy stencil, mực in, giấy trắng.

Cả lớp nhốn nháo lên, bàn cãi ồn ào… Cái sợ nhất là chưa thằng nào từng viết văn cả nên sợ bị ăn ”hột vịt”, lại bị cộng điểm vào điểm thi luc cá nguyệt ảnh hưởng đến kết quả học tập cả năm.

Cô Mộng Hoàn đã đập bàn rầm rầm để trấn át sự ồn ào…Cô chỉ định Ban biên tập gồm có:

Lớp trưởng Nguyễn Đăng Quỳnh (Đai đen TaeWondo, huynh trưởng hướng đạo,có khả năng vẽ và điêu khắc). 

Lớp phó Nguyễn Trương Khôi (Khôi Bạch diện, trong đội bóng tròn của trường luôn luôn mang 2 số 0, lừa bóng rất hay). 


Trưởng ban báo chí Đinh văn Tư (chuyên viên viết bandroll, vẽ và viết chữ đẹp, thích làm chuyện “chùa” hay “nhà thờ”). 


Thủ quỹ Phạm văn Thìn (chuyên viên thâu thuế, rất hiền từ, giữ tiền rất kỹ ).
Huỳnh Phi Long (ăn mặc rất theo mode, khoái hippy). 


Bắt đầu là như vậy, sau giờ học Ban Biên Tập phải ở lại để họp với cô, bàn cụ thể công việc…

Thế là từng nhóm nhỏ chúng tôi cứ rù rì xầm xì trong giờ học là phải viết gì đây?! Có lẽ cô cũng biết là đã tung “một chưởng” vào đám học trò “ngổ ngáo” nầy,… có lẻ chúng đang “chới với” và đang chuẩn bị biện pháp đối phó !?, mặc kệ, để cho chúng được “quyền tự do báo chí và ngôn luận” nên dù lớp có ồn hơn nhưng cô đã chiến thắng.

Khởi đầu như vậy, nhưng đến khi công bố bài được đăng mới phát hiện ra được khả năng viết báo của các bạn trong lớp.

Tôi còn giữ được bản gốc của các tờ báo ngày xưa, xem lại cũng “hay hay”, cũng “đáo để” nên xin mượn phương tiện của Xanh Hoài Niêm 3 mà gởi đến các thầy cô cùng các bạn. Trong đó, các bài viết của 2 bạn Nguyễn văn Đoàn vàNguyễn Ngọc Anh đã “về lại” với chúng ta và lại… “ra đi” vĩnh viễn.

Một tờ báo có tên Xanh Thời Đại 1968, chỉ có 65 trang nhưng đã thể hiện sự nổ lực của những cây bút amateur, để lại kỷ niệm khó quên trong thời học sinh.

Ngoài tờ báo nầy, cô Mộng Hoàn dưới bút hiệu Toàn Miên, đã chỉ đạo ra một tờ Đặc san của trường là Giai Phẩm Xanh 1968 (Mậu Thân) 114 trang không kể bìa. Với “đóng góp” các cây bút của nhiều lớp: 


Nguyễn, Nguyễn Hùng, Uyển giang, Hồng Thùy, Võ Thị Yên Bình (Nguyễn Văn Thảo), Lê Tự Lộc, Hồng Sơn (Đinh Hồng Sơn?),Trương Võ Văn Chính, chàng họ Đinh (chắc là Đinh Văn Tư, cũng là người trình bát tờ Giai phẩm Xanh này), Trần Mạnh Hùng, Huy Thanh, Mai dương Tử(chắc là Mai Rạng?), Hùnh Ngọc (chắc là Huỳnh ngọc Hồ?), Lê Như Phương (nhị niên T2), Bùi Thanh Cần (đệ tam T2), Võ Ngọc Thao (đệ nhi niênT2), Nguyễn Thế Thanh (Tam T2),Nguyễn Ngọc Long (nhị niên T2), Nguyễn Kính (nhất niên T2), Phạm Quốc (nhất niên CN2), Võ Như Tuán (nhất niên T1), Đến ghiêu (Tam T1), Đoàn Công thảo (11T2), trịnh Quang Tâm (nhất niên CN1)… 

 Năm sau, cũng với sự chỉ đạo của cô Mộng Hoàn, lớp Đệ nhị T1 chúng tôi cho “ra lò” tờ Xanh Hai Một, tờ nầy chỉ có 55 trang.

Năm cuối cùng ở lớp 12 T1 Anh Văn (NK69-70), “dân số” của lớp chúng tôi chỉ còn 31 người. Nhưng vẫn “Thừa thắng xông lên”, dù không còn được hướng dẫn của cô Mộng Hoàn nữa!, đã thực hiện tờ báo cuối cùng mang tên “Ra Khơi” khoảng 80 trang. (Bên lớp 12T2 Phápvăn thì mang tên “nổ” và “kêu “ hơn: Xuông Núi, chỉ lưu hành trong lớp) .

Sau khi đã bàn cãi rất nhiều về một cái tên gì nghe cho “Kêu”, tôi đã đề nghị tên này, tôi còn nhớ bìa sau ghi tên 31 người của Thủy thủ đoàn. Sở dĩ chúng tôi chọn tên Ra Khơi vì chúng tôi nghĩ rằng, sau năm học nầy chúng tôi sẽ lưu lạc mỗi người một phương trời. Có ai ngờ sau nầy có rất nhiều bạn đã vào Hài Quân như một định mệnh hoặc một lời nguyền, tôi và một số bạn khác lại tha phưong khắp nơi trên thế giới. Rất tiếc, tôi đã bị mất tờ báo nầy do di chuyển nhà hoặc đã cho ai mượn mà quên thu lại !

Khi làm tờ báo nầy, cả lớp chúng tôi đã quyết định in đến…1.500 quyển. Phải đánh máy trên giấy stencil đến 3 lần vì khi quay ronéo được khoảng hơn 500 bản thì giấy stencil bắt đầu bị méo mó hoặc di chuyển, trật hàng, trật chữ hoặc mất chữ, hoặc rách và lem mực, nên phải đánh máy lại đúng với hàng và chữ giống như stencil trước đó! Số lượng của mỗi tờ, 2 mặt in ra lại phải nhiều hơn 1.500 tờ để bù trừ số bị hư, vì có thể có trang không đẹp hoặc bị lỗi kỹ thuật.

Chúng tôi đã chia thành 3,4 “tòa soạn”, xưởng “đánh máy” stencil”, máy in ronéo, mượn văn phòng Hãng Bông Bach Hạc của Thầy Nguyễn Tuyên, ba của bạn Nguyễn Anh Trí. Trí cũng là môt cây bút và đánh máy rất
“chiến” của lớp.

(Nhân nhắc đến thầy Tuyên, chúng con xin chân thành nói lên lòng biết ơn thầy về tất cả những gì thầy đã dạy dỗ và giúp đỡ chúng con không những như người thầy mà còn như một người cha trong thời học sinh và cố vấn về sau nầy, rất tiếc khi thầy qua đời mà chúng con không về được để tiễn thầy đến nơi an nghi nghìn thu).

Quay ronéo thì 3 nơi : Ở VP nhà của Trí do Thìn,Trí và tôi, ở văn phòng của trường KT do Quỳnh, Phi Long, Minh Bạch Đằng, Phúc, Chính…, Ở VP của Hội Thánh Tin lành ở đường Khải Định do Đinh văn Tư và Mai Thế Định,Trần Văn Thuận…

Quỳnh thì điêu khắc âm bản bằng gổ mềm loại để khắc dấu hình huy hiệu và một hình phối cảnh của trường Kỹ thuật để gắn lên máy in mới có thể in trang bìa tại nhà in Nguyễn Tăng Đình (bác họ tôi), sau khi cả ban biên tập phải năn nỉ hết lời vì gần Tết, thợ in đòi nghỉ ăn Tết đúng ngày mà công việc in cũng còn rất nhiều nên họ không nhận in, chúng tôi phải xung phong vào phụ sắp chữ hoặc phụ việc để họ rảnh tay mà in hơn 1500 bìa báo cho chúng tôi.

Khi đã in đầy đủ bài và bìa, 1500 cuốn báo đã đóng xong thật ngoài sức tưởng tượng, phải chở đầy xe TOYOTA 800 của Công Ty Bạch Hạc (khi đi bán báo).

Ráp trang vào nhau cũng ở 3 nơi, nhưng ở Hội Thánh TinLành phải chuyển qua trên một căn chòi canh ở nhà của Trần trọng Phúc (cà Phê Thạch Thảo). 2 nhóm kia ráp đã xong, nhưng nhóm ở trường phải in tới tấp, thức trọn một đêm mới in xong, sáng hôm sau khi chúng tôi đến trường để lấy các trang đã ráp thì mới “tá hỏa” vì còn nguyên những chồng các trang báo đã in mà các bạn phụ trách in và ráp các trang nầy đang…chuẩn bị thi đấu với đội bóng rổ của trường Phan Châu Trinh dưới sân bóng trường Kỹ Thuật !!!?.

Ngày nầy là hạn chót phải đóng tập cho xong vì chỉ còn ngày hôm sau là các trường còn mở cửa. Nếu không xong thì báo sẽ không bán được, chúng tôi sẽ phải “Ôm sô” và lỗ vốn (mà chúng tôi đã dự định sẽ dùng tiền lời để tổ chức tiệc liên hoan cuối năm khi bãi trường hay còn gọi là “ra trường” cuối năm học đó tại Hội Quán Hướng Đạo Đường Phan Châu Trinh).

Thế là chúng tôi, những người ở các nhóm khác không thể xuồng sân bóng rổ để cổ vũ đội nhà. Tất cả đều phải ở tại phòng học của lóp tại lầu 2 “Đệ nhị cáp”, trải hết các trang báo ra để xếp lại đúng số trang rồi mang về “Tổng hành dinh” là nhà của Phúc để kịp đóng tập. Đóng “khùng “luôn, các bàn tay đau nhức và nhứt là mắt cứ trĩu xuống vì đã thức khuya nhiều đêm trước, mà đêm qua đã thức trắng đêm.

Thật không thể ngờ là đội bóng rổ của trường lúc ấy lớp tôi có các bạn: Phạm văn Thin, Nguyễn Đăng Quỳnh, Trần Công Minh, Nguyễn Kim Dõng, Nguyễn Đặng Chính, Phạm Quang Nghiêu.

Lớp trên có Lê Tất Chánh và một vài bạn ở các lớp khác mà tôi không nhớ tên, các bạn cùng lớp tôi đã thức trắng đêm để làm báo mà đã chiến đấu quyết liệt và đã giành được chiến thắng là Vô địch bóng rổ liên trường năm đó sau trận chung kết với đội bóng rổ của trường PCT, vượt qua chức vô địch của đội Trường Thọ Nhơn danh tiếng lúc bấy giờ.

Và một điều không thể ngờ nữa đã đến với chúng tôi mà tôi là người bị bất ngờ nhất, đó là việc bán báo:

Chỉ còn ngày cuối cùng, phải chở báo đi bán bằng phương tiện gì? Xe gắn máy làm sao chở hết, nếu chia nhau đi bán ở các trường thì thằng nào cũng nhát, nhất là vào các trường có nữ học sinh. Đặc biệt là trường Nữ trung Học, toàn những giai nhân nổi tiếng như Thùy Trâm, Dung giáo Cơ, Phạm Thị Diễm, Cẩm Lai,Thùy Nhung…

Ở trường Phan Thanh Giản thì có Lê thị Đông, Anh Thơ, Thu Huyền…Bọn con trai nói thì nghe hùng dũng nhưng hễ gặp mấy nàng là chân tay lúng túng, lúng búng trong miệng. Nói không ra lời thì làm sao rao bán báo đây? nhất là đám học Kỹ thuật như bọn tôi chỉ dám chọc ghẹo các em học nữ công của trường mình vì ỷ số nam sinh nhiều hơn nữ…Chứ gặp nữ sinh đông như trường nữ TH thì chắc là “mãnh hổ nan địch quần… hồng” ?

Ngày ra quân bán báo mà mục tiêu đã định trước: Nguyễn Anh Trí “uống mật gấu”, lén lấy chìa khóa xe lái chiếcToyota 800 của công ty Bạch Hạc (mà không có bằng lái), chạy lên nhà Trần Trọng Phúc sau khi đã điện thoại thông báo cho chúng tôi (nhà của Phúc và Trí đã có điện thoại) để thống nhất đi bán cùng lúc chứ không đi lẻ tẻ. Từ nhà của Phúc đến trường Sao Mai trước, bán được khoảng 100 tờ. Kế đến lần lượt là trường bán công Nguyễn Công Trứ, Bồ Đề, Phan Thanh Giản, Phan Châu Trinh, cuối cùng và khó nhất là trường Nữ trung Học.

Khi đến văn Phòng của trường nầy, bà Tổng Giám Thi đòi giấy phép của HiệuTrưởng mới cho phép đem báo vào trường bán cho nữ học sinh (có lẽ để bảo vệ nữ sinh khỏi bị mấy anh HS kỹ thuật “dê”). Chúng tôi còn đang lúng túng vì làm sao biết bà hiệu trưởng đang ở đâu mà tìm để xin phép!, nhưng thật vô cùng may mắn “ở hiền gặp lành”! Bỗng nhiên, từ trong một lớp học bước ra một “cứu tinh”, thầy Tôn Thất Liệu bước ra hỏi chuyện gì ?, chúng tôi ào đến thầy, bỏ bà Tổng Giám Thị ở đứng đó, nói với thầy là bán báo, bán báo!..

Thầy Liệu cười và nói: ”tau biết tụi bây ngoài việc bán báo, tụi bay “muốn gì rồi!”. Bọn tôi nhao nhao:

“Thầy cứu các em, không thì báo nầy ăn cũng không hết, vì chỉ còn ngày hôm nay để bán nó Thôi!”.

Thầy trả lời tỉnh bơ : “Thôi để đó đi, vào đây ăn liên hoan tất niên với lớp thầy đang hướng dẫn cái đã, rồi hãy bán báo sau”.

Bọn tôi không chịu, nhưng thầy nói bọn bây cứ yên trí, thầy nói sẽ bán hết mà! Thầy trò đang nói chuyện thì một nữ sinh là lớp trưởng chạy ra mời thầy và mấy anh vào dự tiệc tất niên, thầy Liệu nói : Tụi bây thấy không? học trò của thầy ngoan và lịch sự lắm mà!

Thế là chúng tôi đi bán báo chưa xong mà lại vào tiệc trà với lớp đó. Vào đến lớp lại được cả lớp đứng lên chào. (chắc là chào thầy Liệu, chúng tôi được chào ké). Lớp trưởng hỏi thầy Liệu là chờ cô hiệu trưởng đến mới khai mạc hay khai mạc ngay cuộc tiệc,thầy Liệu nói chắc cô hiệu trưởng còn dự tiệc ở các lớp khác, nên cứ khai mạc di, thầy sẽ xin lỗi cô hiệu trưởng sau.

Bọn tôi được ngồi vào bàn danh dự cùng với thầy Liệu và lớp trưởng, lớp phó và các trưởng ban. Bắt đầu nhâm nhi bánh và nước ngọt, vẫn chưa nói được chuyện bán báo vẫn còn để ngoài xe. Bỗng nhiên thầy Liệu nói lý do các anh Kỹ thuật có mặt hôm nay là bán báo với lớp.

Cả lớp nhao nhao : Các anh phải hát giúp vui trưóc thì mới mua báo. Các bạn tôi nhìn nhau rồi nhìn tôi, (vì bọn nó chưa bao giờ lên sân khấu còn tôi ở trong ban văn nghệ của trường, đã từng ca hát nhiều, lại đã có lần hát trên đài truyền hinh và đài phát thanh Đà nẵng nữa).

Nhưng ở đây phải hát “chay” nghĩa là không có đàn, không “kèn”, không “trống”. Các bạn rầm rì, thúc hối: ”Thôi mầy liều làm thân Thúy Kiều chuộc mạng đi Tri”. Tôi nghĩ cũng có lý và hay lắm, nếu làm được Thúy Kiều kiểu này cũng có lợi, nhưng mà tại sao mấy thằng bây không làm. Hát kiểu nầy dễ bị “bể dĩa” lắm! (Tôi đã bị bể diã một lần trong buổi văn nghệ của trường khi lần đầu tiên đơn ca bản “bàn tay” - mà Duy Khánh đã hát) do bi mấy thằng bạn ở dưới chọc quê, đang hát thì quên lời ca phải lui vào hậu trường.

Thầy Tôn Thất Lan phải đá đít và hăm dọa tội, ổng ra sân khấu xin lỗi giùm tôi và sau đó tôi hát lại và thành công.Môt lần khác tôi “bị” thầy Nguyễn Sỹ Long đưa ra trước cột cờ để…Điều khiển chào cờ toàn trường, (thầy Long lúc ấy làm Tông Giám học, lúc tôi học đệ nhị, thường thì Nguyễn Đăng Quỳnh điều khiển chào cờ, nhưng bị bệnh hay phải nghỉi phép để đi thi lên đẳng Tae Kwoon do, hay đi họp Hướng đạo gì đó, nên đã không có người điều khiển chào cờ.)

Bỗng nhiên tôi bị gọi lên cột cờ và bảo tôi điều khiển. Tôi từ chối mãi không được đành phải lên điễu khiển, khi tôi vừa mới hô: Tất cả chú ý, nghiêm…Chưa kịp hô chào cờ,chào, thì cả đám học sinh nam nữ bên dưới cười rần lên, làm tôi muốn “độn thổ” ngay lúc ấy! Chúng nó cứ cười rúc rích mãi đến khi thầy Long lên đe dọa trừ điểm hanh kiểm chúng nó mới yên.

Rồi tôi hô lại, lần nầy chúng lại cười to hơn, thầy hiệu trưởng Hồ Sĩ Hùng phải lên đe dọa lần thứ ba, cũng y như 2 lần trước, chúng lại cười và cười lâu hơn, to hơn và nhiều hơn!

Tôi bỗng nghĩ ra một cách, tôi đi đến 2 đứa kéo cờ và nói nhỏ: bây giờ tau sẽ hô liên tục không ngắt dự lịnh ra khỏi động lịnh, tụi bây kéo cờ ngay lên, buộc chúng nó phải hát quốc ca liền để theo cờ lên, không kịp thời gian để cười, nếu chúng nó không hát sẽ bị đuổi học.

Tôi làm như vậy và đã thành công!

Còn ở đây, toàn là nữ đẹp dễ thương,chắc không đến nỗi “hiếp” người quá đáng? Tôi cũng hơi mắc cỡ vì bị “tấn công” dữ quá từ phía mấy cô nữ sinh cứ nhao nhao lên làm như tôi là “ca sĩ” nổi danh không bằng.

Cuối cùng thì tôi đành chịu hát bản “Bây giờ tháng mấy”, chứ không phải “bây giờ mấy tháng” rồi hỡi em ? Tôi vừa hát xong là các cô hô ’Bis, Bis” loạn xạ cả lên, tôi phải hát một bản nữa là “ba tháng quân trường”.

Ngay sau đó, một cô nữ sinh đứng lên tự nguyện đáp lễ xin hát một bản tặng các anh Kỹ Thuật Đà nẵng yêu dấu! (yêu mà dấu không cho ai biết ,sợ bị giành !) nhạc phẩm :”Không Bao giờ Quên Anh”. Ôi “lãng mạn làm sao?!” Nhìn các bạn tôi mặt ai cũng“ngu” ra vì được “hát tặng”, mặt tôi lúc đó chắc cũng ngu lắm, ngu còn hơn các bạn khác vì được tặng trực tiếp. Cô “bé” đó tên là Thanh Vân ở cách nhà tôi… chỉ có vài căn!

Có điều là không hiểu sao tôi cứ chọn các bài hát có chữ ”tháng” trong đó?

Sau đó thì bọn tôi bán được hết báo, vì các lớp bên cạnh thấy sôi động bên lớp nầy, nên đến lớp nào cũng đòi tôi hát 2 bài trong số nhiều bài hát đã trình diễn ở trường, rồi họ đáp lễ, mới chịu mua báo.

Lần đi bán báo này thật khó quên, phải không các bạn?

Thế là chúng tôi đã tiêu thụ được hết tất cả báo đã in đến nỗi trong lớp mỗi đứa chỉ có 2 cuốn, một để giữ làm kỷ niệm và một cuốn để tặng “người yêu” (nếu có).

Kỷ niệm đã qua hơn 40 năm rồi, ngày nay đã có một số thầy cô và bạn học cũ đã nghìn thu vĩnh biệt với chúng ta, trí nhớ mong manh của tuổi “ngoài “sổ bộ đời” của tử vi bói toán chắc chắn sẽ lạt phai hoặc biến mất nếu không viết lại để cùng nhau “học ôn “ những bài học vui không ai dạy, mà do những bản năng sinh động của một thời mơ mộng yêu thương của tuổi học trò.

Ước mong rằng những kỷ niệm khó quên nầy sẽ giúp những bạn đã và đang quên kỷ niệm hoặc chưa nghe đến, nên nhớ lại những ngày thơ mộng đó. Đây là những câu chuyện thật, không có phóng tác, chỉ có chêm vài câu dí dỏm cho vui.

Dầu sao đi nữa tôi cũng xin đáp ứng lời kêu gọi thực hiện Xanh Hoài Niệm 3 theo đúng nghĩa hoài niệm của nó và xin cám ơn các thầy và các bạn đã chủ xướng, ủng hộ và thực hiện.

Bạn nào là tác giả bài viết trước đây trong các tờ báo Xanh thời Đại 1968 của lởp Đệ Tam T1(NK 67-68), Xanh Hai Một Đệ nhị T1(NK 69-69) hoặc Giai Phẩm Xanh 1968 của toàn trường mà muốn có bản copy bài viết đó, tôi đề nghị các bạn MUA lại, tôi sẽ BÁN các bản copies và dung toàn bộ số tiền nầy góp vào quỹ của Hội Ái Hũu Cựu Giáo sư và HS Trung Học Kỹ thuật Đà nẵng?.

Như bạn Nguyễn Văn Thảo có lần đề nghị với tôi, chỉ nên bán đấu giá copy thôi. Không biết là những cuốn báo nầy có “nên” được xem là “Đồ cổ” không hở các bạn !?

Toronto, 18/10/2011
Nguyễn Tăng Tri (63-70)
Ban Văn Nghệ Toàn trường.(63-70)
Ban báo chí Lớp (67-70): ĐệTam T1, Đệ nhị T1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template