Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Bóng đá Đà thành nhớ ông Bá Thanh



Bóng đá Đà thành nhớ ông Bá Thanh

Đế chế bóng đá Đà Nẵng có được đến lúc này không thể không nhắc đến ông Nguyễn Bá Thanh..
Chủ nhật, 16:35 11/01/2015





Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh mặc bộ quần áo thi đấu màu vàng cam, cánh tay đeo băng đội trưởng hùng dũng bước ra sân Chi Lăng.

Đế chế bóng đá Đà Nẵng có được đến lúc này không thể không nhắc đến ông Nguyễn Bá Thanh. Thậm chí có người nói, ông Thanh thiếu nước nhảy xuống sân cầm sa bàn điều hành chiến thuật của SHB.Đà Nẵng.





2 năm, kể từ khi ông Thanh ra Trung ương đảm trách vai trò Trưởng ban Nội chính Trung ương thì bóng đá Đà Nẵng vẫn có những thành công nhất định, chẳng hạn như chức vô địch V.League năm 2013. Nhưng đến năm 2014, có vẻ như SHB.Đà Nẵng… đuối dần, không chỉ là hạng 4 chung cuộc V.League 2014 mà còn thiếu vắng những phi vụ chuyển nhượng lớn, thiếu những cầu thủ chất lượng về đầu quân.

Chuẩn bị V.League 2015, SHB Đà Nẵng im ắng trong thị trường chuyển nhượng và rồi ngay trận đầu ra quân thua Thanh Hóa 1-2, nhiều người yêu bóng đá Đà Nẵng chợt nhớ ông Bá Thanh…



Con người của bóng đá

Như một sự trùng hợp thú vị. Năm 2001, bóng đá Đà Nẵng còn bươn trải ở giải hạng nhất thì đến năm 2003, khi ông Bá Thanh bắt đầu làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng, bóng đá Đà Nẵng gặt hái được những thành công đầu tiên. Khởi đầu là chức vô địch bóng đá trẻ U21 và U17QG. Có thể tình cờ nhưng phần đông người Đà Nẵng tin chắc đó là cái duyên của ông Thanh với bóng đá Đà Nẵng.

Một dạo, người Đà Nẵng còn làm thơ: Hoan hô ông Nguyễn Bá Thanh/Làm việc cũng giỏi, đá banh cũng tài.

Nói ông Thanh “đá banh” không chỉ là nói về chuyện ông yêu và thích môn thể thao này hay khi nói chuyện, ông Bá Thanh cũng thích vận dụng những quy luật, hình ảnh của môn thể thao này để ví von. Ông Bá Thanh là cầu thủ thật, cầu thủ 100%.



Một ngày cuối năm 2006 - năm mà Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Chanchu - người dân Đà Nẵng “tròn mắt” thấy ông Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh mặc bộ quần áo thi đấu màu vàng cam, cánh tay đeo băng đội trưởng hùng dũng bước ra sân Chi Lăng. Ấy là trận đấu giữa hai “đội” Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế nhằm gây quỹ ủng hộ nạn nhân cơn bão Chanchu. Cầu thủ Nguyễn Bá Thanh đã chơi rất máu lửa và “trụ” được những 70 phút trên sân, không những thế, chính ông Thanh là người ghi bàn thắng nâng tỉ số lên 3-0 cho đội Đà Nẵng. Trận ấy, chủ sân Chi Lăng thắng đẹp 4-3, nhưng chiến thắng lớn nhất là dưới sự chứng kiến của 10.000 khán giả Đà Nẵng, số tiền gây quỹ ủng hộ lên tới con số 6 tỉ đồng.

Nói một cách chính xác, ông Thanh cũng không thật sự là cầu thủ giỏi, điều ấy là tất nhiên. Trong trận đấu, anh em hay… nhường bóng để ông sút và đi bóng, song những trận đấu như thế không ai thấy “chối”, ngược lại, dân Đà Nẵng thấy điều đó rất bình thường, cũng như ông Bá Thanh từng ghi nhiều “bàn thắng” đẹp cho Đà Nẵng.



Nhà báo Lê Thọ Bình, dẫn lời ông Nguyễn Bá Thanh trong một bài viết của mình như sau: “Ngồi trò chuyện với ông Nguyễn Bá Thanh, ông bảo: “Giống như một trận đấu bóng đá ấy mà. Muốn có cơ hội thắng được đối phương thì khi ra sân 11 cầu thủ đều phải cố gắng hết mình. Ai chẳng hiểu điều ấy, nhưng khi vào trận rồi, có anh đá hết sức, có anh lại chỉ lo giữ “giò”. Ấy vậy mà khi chia tiền thưởng thì 11 cầu thủ được chia đều như nhau. Đá hăng cũng như không đá mà lại được hưởng như nhau thì cần gì phải đá”. Rõ là quản lý thì phải tách bạch, thưởng phạt phải đúng, không cào bằng, không hô hào suông mới mong phát huy được sức mạnh tập thể, sức mạnh cá nhân.

Cũng trong bài viết ấy, nhà báo Lê Thọ Bình nhận xét: “Cựu Phó Chủ tịch Quảng Nam Đà Nẵng (cũ) Ngô Văn Trấn nói một cách hình ảnh rằng: “Ông Thanh là một “cầu thủ” chuyên nghiệp, khi đã ra sân là đá hết mình. Mục tiêu lớn nhất là đem lại một trận thắng cho đội nhà, bất chấp cá nhân mình có bị làm sao”.

Khi còn là “cầu thủ” ông đã làm đúng như vậy. Đúng là cái “triết lý bóng đá” đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách lãnh đạo của ông. Sau này, khi trở thành “huấn luyện viên”, ông yêu cầu “các cầu thủ” của mình phải có kỷ luật nghiêm. “Đã ra sân thì các cầu thủ phải thực hiện triệt để ý đồ chiến thuật của huấn luyện viên. Nếu cầu thủ nào không đáp ứng đúng yêu cầu thì phải thay ra khỏi sân”, ông nói.

Ông Bá Thanh không chỉ biết chơi bóng đá, mà còn biết dùng bóng đá. Ngoài chuyện ông ra sân đá bóng gây quỹ ủng hộ nạn nhân bão Chanchu hồi 2006 như đã kể, có một chuyện liên quan đến việc SHB “mua” CLB Đà Nẵng hồi 2008 mà ít người biết.

Chuyện là khi đó, ông bầu Đỗ Quang Hiển cùng một đoàn “tùy tùng” vào Đà Nẵng đặt vấn đề gắn tên ngân hàng SHB và CLB Đà Nẵng, nói đúng ra là mua. Phía Đà Nẵng ra giá 300 tỉ đồng, không kém. Trong khi đó, bầu Hiển và “tùy tùng” kiên quyết 100 tỉ đồng, không hơn. Tranh cãi nâng lên đặt xuống cho đến khi dừng lại ở con số 150 tỉ đồng, phía SHB chốt “nếu hơn thì chúng tôi về”.

Phi vụ tưởng chừng đổ bể thì ông Bá Thanh đưa ra một gợi ý “không thể tốt hơn”: Đà Nẵng đồng ý 150 tỉ đồng với điều kiện là SHB “ủng hộ” Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng 20 tỉ đồng. Đề nghị này khiến phái đoàn của bầu Hiển “không thể chối từ”. Đến năm 2011, SHB Đà Nẵng có kế hoạch “xem đá bóng ủng hộ bệnh viện ung bướu”, nghĩa là sẽ trích 5% tiền bán vé mỗi trận ở sân Chi Lăng cho bệnh viện. Người Đà Nẵng tin chắc đó là ý tưởng của ông Bá Thanh.

Một… HLV Nguyễn Bá Thanh

Cũng ít lãnh đạo cấp cao nào lại đưa vấn đề bóng đá, mà là một trận đấu rất cụ thể vào… phiên họp Hội đồng nhân dân thành phố như ông Nguyễn Bá Thanh. Hồi tháng 7.2005, khi Đà Nẵng có trận đấu gặp TMN-CSG gây xôn xao dư luận (bị cho là bán độ), ông Bá Thanh, sau khi “phê” Giám đốc Sở TDTT Đà Nẵng Lê Nguyên Hồng rất quyết liệt, đã có những nhận định rất chuyên môn: “Vắng cầu thủ Rogerio đang đá quen ở giữa như thế, bên phải mất thêm Quang Cường nữa nên lúng ta lúng túng. Trong khi đối phương đá chết sống vì thua thì họ tụt hạng. Chứ không phải cả đội bóng đứng ra bán độ để kiếm tiền đâu. Không phải tới mức đó đâu!

Đúng là trận đá bóng nớ nhìn thấy không bình thường thật. Lãnh đạo Sở TDTT phải lưu ý, phải chỉ đạo, rút kinh nghiệm. Đá để cho dân mua vé vào xem, cổ vũ. Nhưng mình lại đá không đúng sức của mình. Thua như thế giải thích với dân sao được. Rõ ràng ổng đá chưa hết sức nên ổng thua. Còn ổng đá hết sức mà có thua thì dân cũng thông cảm.

Dân người ta tinh lắm. Các ông chỉ có một cái đầu, hai con mắt chứ người ta có cả hàng ngàn, hàng vạn con mắt soi vào từng cặp chân là họ biết. Họ biết ông đá như thế nào. Tôi chưa nói ông đánh độ hay bán mua gì hết nhưng rõ ràng là ông đá chưa hết sức, chưa đúng với khả năng của ông. Nên ông thua trong tức tưởi!”.

Ông Thanh bực là phải, ông yêu và muốn bóng đá Đà Nẵng phát triển tới mức “đang đi công tác ở Hải Phòng, 5 giờ sáng đã dậy từ đảo Cát Bà đi canô chạy thẳng qua Đình Vũ, rồi chạy suốt mấy tiếng đồng hồ nữa lên tới sân bay Nội Bài để bay về kịp chiều xem trận bóng đá” nên không khó hiểu việc ông biết về chiến thuật đội bóng, mạnh yếu của cầu thủ chẳng khác nào một HLV.

“Ông bầu” Nguyễn Bá Thanh

Nếu không có cú điện thoại của ông Nguyễn Bá Thanh thì có lẽ giờ này Lê Huỳnh Đức đã giải nghệ và làm một công việc gì đó chứ chưa chắc đã trở thành HLV Đà Nẵng. Cuối năm 2003, khi Huỳnh Đức bị “gán” cho cái gọi “quyền lực đen” ở CA TPHCM, anh gần như bế tắc và dự kiến sang Perak (Malaysia) thi đấu. Bất ngờ, Huỳnh Đức nhận được lời mời trực tiếp từ ông Bá Thanh, với một mức lương kỷ lục 18 triệu đồng/ tháng, chế độ đãi ngộ ở mức “không thể tốt hơn”. Thương vụ Lê Huỳnh Đức hóa ra là thương vụ cực lãi của bóng đá Đà Nẵng, để rồi dưới dự dẫn dắt của Huỳnh Đức, Đà Nẵng đã 3 lần lên ngôi V.League.

Nhiều cầu thủ Đà Nẵng gặp khó khăn, vợ con thiếu việc làm hay chuyện nhà cửa chưa yên nên không chuyên tâm đá bóng được đã mạnh dạn lên thẳng phòng “chú Thanh” đề đạt nguyện vọng. Nhiều cầu thủ được cấp đất, xây nhà. Tất nhiên, những cái “gật đầu” ấy đều trên nguyên tắc chứ không phải tình cảm với bóng đá đơn thuần. Có một giai thoại rằng, sau nhiều năm bóng đá Đà Nẵng cứ “trượt” hoài chức vô địch, ông Bá Thanh chỉ đạo phải mời bằng được thủ môn Võ Văn Hạnh vì cái duyên của Hạnh là hễ đi đâu là đó có chức vô địch. Thế là trúng phóc, Võ Văn Hạnh về Đà Nẵng không lâu thì đội này vô địch V.League lần đầu.

Cũng không ngoa khi nói rằng, bóng đá Đà Nẵng thành công như lúc này là có công lao đặc biệt của “kiến trúc sư” Nguyễn Bá Thanh. Người yêu bóng đá Đà Nẵng không thể quên được trong ngày Đà Nẵng đăng quang chức vô địch V.League đầu tiên năm 2009, người hâm mộ đã in ảnh ông Bá Thanh thật lớn, rộn ràng một góc khán đài, như một sự ghi nhận.

Vậy mà, trong lễ mừng công SHB.Đà Nẵng đoạt chức vô địch V.League 2012, ông Nguyễn Bá Thanh vẫn nhắc: “Tuy nhiên, 12 năm mà chỉ mới vô địch có 2 lần thì quá ít. Đội bóng SHB.ĐN có thể làm hơn được điều đó. Năm nay vô địch là một điều rất đáng tự hào nhưng cũng sẽ là một thách thức. Ban lãnh đạo và các cầu thủ cần tập trung thi đấu tốt ở mùa giải năm sau để có thể giữ lại cúp ở lại sông Hàn”.

Thế mà cầu thủ Đà Nẵng làm được, tháng 12.2012 ông Thanh ra Hà Nội thì V.League năm sau, SHB.Đà Nẵng lại vô địch V.League 2013 như thể giữ lời hứa với “ông bầu” của họ.

Một mùa giải khó khăn đang chờ SHB.Đà Nẵng khi họ đôn quá nhiều cầu thủ trẻ lên đội 1. Mục tiêu của SHB.Đà Nẵng là top 3. Khó, nhưng nhiều người Đà Nẵng tin chắc là sẽ làm được, bởi đó cũng là cách để họ nhớ về và tri ân về “cầu thủ” Nguyễn Bá Thanh.

Clip: Diễu hành mừng chiến thắng vô địch V-League năm 2012 của SHB.Đà Nẵng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template