Đại Thủy Chiến
Sky+ _Trận đánh quyết định làm nên lịch sử vẻ vang của người dân nước Hàn là trận hải chiến năm 1597 tại eo biển Myeongryang, phía nam của bán đảo Triều tiên.
Quả bom tấn "The Admiral: Roaring Currents" gây nên một cơn sốt thực sự tại Hàn Quốc khi thu hút gần 17,5 triệu lượt khán giả sau một tháng trình chiếu.
The Admiral: Roaring Currents kể lại một câu chuyện gần như bất cứ người dân xứ Hàn nào cũng thuộc nằm lòng: trận thuỷ chiến Myeongryang. Bộ phim đưa người xem trở lại những ngày cuối năm 1597 ở Triều Tiên, khi triều đại Joseon đang phải đối diện với cuộc xâm lược thứ hai của Nhật Bản. Đô đốc Yi Sun Sin, người từng góp phần mang lại chiến thắng trong cuộc chống xâm lược thứ nhất năm 1592, tiếp tục là người chỉ huy thuỷ quân trong cuộc chiến mới. Tuy nhiên, tình thế lúc này lại hết sức nguy cấp. Mới trước đó hai tháng, hải quân Nhật Bản vừa đánh bại quân đội Triều Tiên trong trận Chilchonryang và nguy cơ mất nước là rất cao.
Mời bạn xem phim
Đó chưa phải là khó khăn lớn nhất. Tuy Yi Sun Sin từng có chiến tích lẫy lừng, nhưng ông lại bị chính đức vua đối xử thậm tệ, không hề nhận được bất cứ trợ giúp gì về quân sự. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, Yi Sun Sin phải tìm cách thiết lập một đội quân chỉ có vỏn vẹn 12 thuyền chiến, đều là những thuyền cũ còn sót lại trong trận Chilchonryang. Trái lại, quân đội Nhật Bản thì vô cùng hùng hậu, với khoảng hơn 330 tàu chiến được trang bị chắc chắn, kiên cố, cộng thêm sự chỉ huy của tướng Kurushima Michifusa hết sức mưu mô và giàu kinh nghiệm.
Với nội dung như vậy, trọng tâm của The Admiral: Roaring Currents dồn vào trận thuỷ chiến kinh hoàng trên eo biển Myeongryang, từ những trận đánh giáp lá cà cho đến các màn công phá bằng cung tên, thuốc súng, pháo, đại bác,… Ghế đạo diễn của The Admiral: Roaring Currents thuộc về Kim Han Min, người từng nhào nặn nên War of the Arrows - bộ phim ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2011. Ông không chủ định phô bày kỹ xảo hoành tráng lên màn ảnh như các bom tấn Hollywood, mà thay vào đó, Kim Han Min cố gắng giữ mạch phim được liên tục bằng những cảnh quay chân thật và giàu cảm xúc.
Song, để đi đến trận thuỷ chiến cuối cùng của bộ phim, người xem phải kiên nhẫn chờ đợi khoảng một tiếng đồng hồ khá chậm rãi và có phần dài dòng, chủ yếu xoay quanh quá trình chuẩn bị quân đội của đô đốc Yi Sun Sin trước khi xuất trận. Có thể nói, tình thế mà Yi Sun Sin đang phải đối mặt chẳng khác gì lấy trứng chọi đá. Quân đội Nhật Bản không ít lần phái gián điệp sang phá rối, thậm chí còn định ám sát ông. Chưa kể, ngay cả những thuộc hạ dưới tay của Yi Sun Sin cũng cho rằng việc ông đang làm là bất khả, lần lượt quay lưng lại về phía ông.
Đó cũng là lúc nhân vật Yi Sun Sin trở nên sáng ngời bởi ý chí sắt thép và một lòng tin vững chắc. Bài học của danh tướng dành cho con trai, là phải biết biến nỗi sợ hãi thành ý chí quật cường. Hơn hai tiếng đồng hồ của The Admiral: Roaring Currents bám sát bài học đó. Chính ý chí của Yi Sun Sin truyền cảm hứng cho từng người lính trên tàu, cho đến những người dân đang quan sát trận chiến trên đảo. Ông đã biến nỗi sợ hãi của họ trở thành mũi nhọn phản công lại quân địch lớn gấp trăm lần mình.
Đảm nhận vai chính Yi Sun Sin là nam diễn viên Choi Min Sik, một gương mặt thuộc hàng lão làng của điện ảnh Hàn Quốc. Tên tuổi của ông gắn liền với những vai diễn nặng ký trong Oldboy, I Saw the Devil, Nameless Gangster... Gần đây, ông vừa có màn chào sân với Hollywood bằng một vai phụ trong bộ phim hành động Lucy của đạo diễn Luc Besson. Tuy nhiên, diễn xuất của Choi Min Sik trong The Admiral: Roaring Currents chưa thực sự ấn tượng bằng những gì ông làm đựơc trong quá khứ. Nếu như nam diễn viên 52 tuổi hoá thân xuất sắc trong các bộ phim đương đại, thì ông lại trở nên một màu với vai diễn cổ trang này. Cách xử lý nhân vật của ông còn đơn điệu, thiếu linh hoạt, chủ yếu giữ nét mặt nghiêm nghị của một người chỉ huy, chứ chưa toát được vẻ hào hùng, anh dũng của một chiến sĩ.
Đứng ở phía đối diện trong vai Kurushima là một cái tên quen thuộc khác. Ryoo Seung Ryong, người cha thiểu năng trong Miracle in Cell No. 7, trở thành một vị tướng nham hiểm, nhiều mưu mô, ngay từ ánh mắt đã toát ra vẻ nguy hiểm, đáng sợ. Đáng tiếc là Ryoo Seung Ryong lại không có nhiều đất diễn để có thể toả sáng. Tương tự là một loạt nhân vật phụ khác trong bộ phim liên tục được nhắc đến nhưng lại không được biên kịch phát triển rõ ràng. Nếu không phải là khán giả nội địa, hoặc không biết rõ về câu chuyện lịch sử của bộ phim, thì người xem khó có thể ghi nhớ hết những cái tên khác, cũng như nắm rõ mạch phim.
Tuy vẫn còn những hạt sạn không đáng có, nhưng The Admiral: Roaring Currents thực sự vẫn là một bom tấn hấp dẫn. “Để mất biển là để mất Joseon”, câu nói của đô đốc Yi Sun Sin hoàn toàn có thể tham chiếu đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của nước ta. Chính vì vậy, ngay cả khi người xem không hiểu rõ lắm về đường dây của câu chuyện, thì vẫn có thể đồng cảm với cảm xúc, tâm trạng của những người dân, người lính trước cảnh ngoại xâm.
The Admiral: Roaring Currents hiện là bộ phim ăn khách nhất lịch sử Hàn Quốc với kỷ lục gần 17,5 triệu lượt xem sau một tháng trình chiếu, vượt qua kỷ lục cũ thuộc về bom tấn Avatar từ năm 2010 tới nay.
Theo Zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Những người bạn