Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Đau xé lòng khi những hàng cây cổ thụ bị chặt bỏ



Đau xé lòng khi những hàng cây cổ thụ bị chặt bỏ

Những ngày này, hàng loạt cây cổ thụ giữa trung tâm TP.HCM bị đốn hạ để chuẩn bị cho việc khởi công nhà ga ngầm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Hàng cây cổ thụ chỉ còn trơ trọi cành, chờ đốn hạ.


Rất đông người dân Sài Gòn và du khách bày tỏ sự xót xa, tiếc nuối một mảng xanh, một khung cảnh đẹp của thành phố, mà có người ví là "đẹp như ở châu Âu". Nhiều người đã đến để chụp những bức hình cuối cùng của hàng cây cổ thụ trăm tuổi trước khi chúng bị hạ hoàn toàn.



Một người dân ghi lại hình ảnh cuối cùng của hàng cây. Đau lòng

Đó là cảm giác của nhiều người dân Sài Gòn cũng như những ai đã từng đến nơi đây. Nhiều người xem hình ảnh những cây xanh bị đốn hạ cưa ra từng khúc mà thấy xót xa, người từng gắn bó thảng thốt kêu lên: "Những đại thụ đã phát triển cùng Sài Gòn vậy mà giờ đây bị chặt đi! Mất chục năm để có 1 cây đại thụ - chỉ mất 1-2 ngày là san bằng cả 1 dãy đại thụ".



Ông Murayama Yasufumi - nhiếp ảnh gia người Nhật, tới Việt Nam 37 lần trong suốt 16 năm qua - cho biết cảm thấy vô cùng tiếc nuối vì sắp tới hàng cây nơi đây biến mất. Ông không quên ghi lại những khoảng khắc cuối cùng của hàng cây trước khi về nước. Nhiều cư dân mạng đã không kiềm chế được cảm xúc của mình. Một độc giả viết: "Đau lòng quá đi, những năm ở Sài Gòn đây là nơi hàng sáng mình đi qua và khi chiều về thì hôm nào cũng nấn ná lại, sau này chia tay Sài Gòn rồi, mỗi lần vào kiểu gì cũng phải ở khách sạn Rex, gần nhất có thể. Sao không làm ga trung tâm khu phía sau hay gần công viên 29/3, một khu vực đẹp như vậy, biểu tượng của thành phố mà bị phá bỏ không thương tiếc. Khi mà ý thức của người Việt còn thấp như thế này thì làm sao đảm bảo một nhà ga sạch đẹp, văn minh. Buồn ghê".

"Những biểu tượng thành phố, những hình ảnh quen thuộc rồi lại phải nhường chỗ cho những cái mới hiện đại hơn, xa hoa hơn... Nhưng không biết có tốt hơn, có thẩm mỹ hơn hay không? Một mảng xanh thành phố phải mất hàng chục thậm chí hàng trăm năm mới có vậy mà họ đốn hạ không chút thương tiếc. Thật đau lòng khi chứng kiến những hình ảnh này".


Sao không chọn cách di dời?

Đó là câu hỏi mà các cư dân mạng lặp đi lặp lại liên tục khi xem hình ảnh những cây cổ thụ hàng chục năm tuổi này bị cưa nhỏ ra rồi chất lên xe chở đi, để lại một mảng trống trơ trọi giữa trung tâm thành phố. Nhiều người thắc mắc, tại sao công trình không né cây mà cây lại phải né công trình?

"Vẫn có thể bứng nguyên cây để phủ xanh khu vực khác trong thành phố chứ... Có lẽ nào cơ quan môi trường đô thị không có nổi phương tiện kỹ thuật di dời hay sao mà để phải chặt nhỏ ra như sắp đi bán củi vậy!!!".




Thế là hết! Độc giả Henry Nguyễn viết: "Ở nước ngoài những cây 40, 50 tuổi luôn được ưu tiên gìn giữ. Nhất là trong nội ô, trung tâm thành phố. Chằng những họ không chặt mà còn trồng thêm. Nếu vì công trình ích nước lợi dân, họ sẽ bứng cây đi chỗ khác và trồng lại. Tại sao ngay mặt tiền, bộ mặt của thành phố lại xây cái nhà ga ngay tại đó? Tại sao không xây ngay khoảng đất trống phía sau nhà hát TP?".

Nhiều cư dân mạng chia sẻ, ở Singapore và nhiều nước khác, người ta rất coi trọng cây xanh, trồng nhiều cây xanh để lấy bóng mát, điều hòa khí hậu, muốn xây dựng phải trồng thêm cây trong khi ở ta thì chặt cây đi để xây dựng, đúng là hiện đại đâu chưa thấy, chỉ thấy văn minh thụt lùi. Thật là buồn!

Ở Singapore có hẳn một khu vực riêng để bảo tồn những cây xanh cao tuổi chuyển từ nơi khác về. Hay như Úc, người ta có phương tiện, dụng cụ có thể bứng gốc cây cổ thụ và mang đi trồng ở nơi khác. Tại sao Việt Nam lại không làm được?

"Ở Thái Lan có cho tiền cũng chẳng ai dám chặt những cây cổ thụ mấy chục năm như thế, thậm chí xây nhà hay xây tường họ cũng phải xây né cái cây ấy ra vì người Thái họ có đức tin hơn người Việt Nam nhiều. Họ tin vào linh hồn và họ thờ cúng dưới mỗi gốc cây cổ thụ"... "Ước gì cây có linh hồn và đủ bao dung để tha thứ cho những kẻ đang tàn phá Sài Gòn", một độc giả khác viết.




Bứng gốc… Một cư dân mạng chia sẻ câu chuyện ứng xử với cây xanh của chính bản thân mình trên trang cá nhân, để thấy rằng, những chuyện này không phải là không thể làm được mà bạn có TÂM để làm hay không thôi.

"Cách đây khoảng 10 năm, cả nhà định mua một căn nhà nhỏ ở Berlin và trong khuôn viên căn nhà có 2 cây thông khá lớn cần phải bỏ đi. Và người Đức không có máu lạnh chặt bỏ cây rồi cưa ra từng khúc như người Việt. Họ mang xe tải cỡ lớn đến, bứng cây lên rồi mang vào rừng và trồng lại. Cách đây 3 năm khi xây một building nhỏ ở Sài Gòn, một cây me phải bị chặt bỏ, nhưng mình và đồng nghiệp đã không nỡ, đã trả tiền cho công ty công viên & cây xanh đến đào và trồng ở chỗ khác".



Hàng cổ thụ giữa trung tâm Sài Gòn bị đốn để xây ga metro

Sáng nay (22/7) hàng loạt cây cổ thụ giữa trung tâm TP.HCM bị đốn hạ để tạo mặt bằng khởi công nhà ga ngầm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.

Công tác giải tỏa mặt bằng được tiến hành ngay khi tuyến Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) được cách ly, và hàng loạt cây xanh ở 2 bên tuyến đường này bị đốn hạ, các trụ đèn công cộng cũng được di dời.
Theo ông Dương Hữu Hòa - Phó giám đốc Ban quản lý dự án tuyến metro Bến Thành - Suối tiên, thời gian để Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đốn toàn bộ cây xanh trên đường Lê Lợi (đoạn giao nhau giữa Lê Lợi-Pasteur đến Nhà hát thành phố) dự kiến sẽ trong 3 ngày.

Tuy nhiên, những cây không nằm trong phạm vi dự án sẽ được giữ lại, các cây nhỏ cũng được di dời trồng lại tại các khu vực khác.




Công nhân thu dọn công trường.



Sau hàng cây xanh bị đốn hạ, khoảng công viên cũng được tháo bỏ phụ vụ xây dựng nhà ga metro. 


 
Nhiều người dân tỏ ý tiếc nuối về hàng cây xanh chục năm tuổi buộc phải đốn hạ để phục vụ phát triển hạ tầng TP Theo thông báo, Sở GTVT đã cấm tất cả các loại xe lưu thông trên đường Lê Lợi (quận 1) đoạn từ Pasteur đến Đồng Khởi. Đồng thời tuyến đường này sẽ bị rào chắn để thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, cho tới 11 giờ sáng nay, lượng phương tiện lưu thông vẫn chưa ổn định nên lực lượng chức năng chưa thể đưa các rào chắn trên tuyến đường Lê Lợi.

Theo: Innternet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template