Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Thầy NGUYỄN VĂN SỞ … Đã ra đi


Thầy NGUYỄN VĂN SỞ … Đã ra đi
7 giờ 20 sáng ngày 23-01-2014 

Tôi đang ngồi ở máy computer thì điện thoại reng.
Cầm phone lên thấy hiện lên chữ Sở, tôi nghĩ là thầy Nguyễn Văn Sở vẫn thường gọi tôi để trao đổi về giai phẩm “XANH hoài niệm 5” mà hai anh em đang làm.
Nhưng đầu giây giọng cô Sở sụt sùi: “Anh Thọ ơi! Anh Sở em sắp mất rồi!”
Tôi thật sự choáng váng, định thần hỏi lại cô Sở mấy câu không thứ tự và được biết:

Hôm qua, 11 giờ sáng, thầy Sở vẫn đi mua bảo hiểm xe định kỳ như thường lệ. Nghỉ trưa, chiều lại 4 giờ đem xe đến chỗ car wash rửa xe.
Sau đó người con gái nhận được điện thoại của Thầy: Con ơi, không hiểu sao cái chân trái của Ba bây giờ không nhắc lên được!

Khi cháu gái tới nơi thì chỗ rửa xe cho biết: Thầy đã tự bấm số 911 gọi xe cấp cứu chở Thầy vào bệnh viện rồi.

Khi cô Sở và cháu gái tới bệnh viện, Thầy vẫn còn tỉnh táo, vẫn còn nhận ra được vợ con, nhưng tối lại thì bắt đầu hôn mê. Bác sĩ khám nghiệm và cho biết: Thầy bị xuất máu trong đầu, đây là trường hợp nặng nhất từ trước đến nay. Xuất máu ở chỗ rất khó giải phẩu mà có giải phẩu thì cũng rất ít có hy vọng thành công. Hơn nữa, Thầy đã có những tiền bệnh.

Sau khi cho biết như vậy, các bác sĩ đề nghị gia đình chọn một trong hai giải pháp: Giải phẩu hay là rút ống thở nhân tạo để Thầy ra đi.

Khi thầy, trò KTĐN Nam Cali chúng tôi tới bệnh viện thì được cô Sở cho biết: Cô Sở và cháu gái đang chờ cháu trai từ Boston về sáng nay để gia đình quyết định rút ống thở vì:

Mấy ngày trước đó, nhân một bữa ăn với cháu gái con thầy, thầy đã nói: Thời gian gần đây, Ba vô ra bệnh viện làm xét nghiệm để theo dõi một chấm đen ở trong gan. Sắp tới, nếu Ba có phải nhập viện mà bác sĩ đề nghị giải phẩu; thì các con từ chối, cứ để cho Ba ra đi nguyên vẹn, vì Ba đã giải phẩu nhiều rồi, Ba không muốn phải giải phẩu nữa.

(Thầy Sở đã giải phẩu tim năm 1997 và giải phẩu cắt hết cái bao tử cách đây 3 năm)

Cô Sở cho biết, gần đây, cứ mỗi khi ăn no, Thầy lại thường bị khó thở. Bạn bè thì nhận xét: Lúc sau nầy, Thầy có vẽ gầy hơn và nước da hơi xạm lại.

Chắc là hơn ai hết, Thầy biết sức khỏe của Thầy.

Bao phen chống lại bệnh tật, nhưng thầy Sở vẫn sống và làm việc với một nghị lực hiếm có. Thầy là mẫu người Chân chất, Mẫu mực, Tình nghĩa và sống rất Phải đạo với gia đình, bà con, với bằng hữu.

Thầy ra đi đã đem đến cho mọi người một niềm thương tiếc sâu sắc.

Là một người bạn rất thân từ lúc nào (dạy học cùng trường, động viên cùng khóa, ở tù cùng trại, làm báo cùng tờ và có thêm...một hai cái cùng nữa không tiện nói ra), tôi đã hiểu rất nhiều về thầy Nguyễn Văn Sở. Tôi nghĩ, với quan điểm sống của Thầy, với sự nắm rất vững về lẽ Sinh Diệt trong giáo lý nhà Phật, Thầy đã ra đi một cách bình thản.

Chỉ còn lại là: Những người thân thương, những bằng hữu của Thầy làm sao lấy lại được sự bình an tình cảm nhanh chóng sau sự ra đi của Thầy.

Tôi thật sự hụt hẫng nhưng đang cố gắng tìm lại sự tự tại trong tâm; và trước mắt, sẽ cố gắng phát hành "XANH hoài niệm 5" để chuyên chở thông điệp sau cùng của Thầy đến với đại gia đình KTĐN.

Trong khu vườn Ái Hữu KTĐN, từ nay thiếu bóng của một cây cỗ thụ mà tàn lá sum sê đã bốn mùa đem lại im mát cho hoa viên.

Hôm nay, để tưởng nhớ đến thầy Nguyễn Văn Sở, tôi xin được gởi lên diễn đàn "Lá Thư Chủ Bút" của Thầy viết cho giai phẩm "XANH hoài niệm 5". Bức thư nói lên tình cảm của Thầy đối với ngôi trường KTĐN, với gia đình KTĐN.

Tôi bùi ngùi khi nghĩ đến việc Thầy đã thức khuya mỗi đêm để sửa từng lỗi chính tả cho các bài viết, xê dịch từng space trước và sau mỗi dấu chấm câu cho đúng văn phạm...

Để hiểu thêm về thầy Nguyễn văn Sở, đề nghị quý Ái Hữu đọc bài viết dài 9 trang của Thầy trong "XANH hoài niệm 5" sắp phát hành với tựa đề "Kỳ Vọng Của Ân Sư Tôi".

Thân ái cùng quý Thầy, Cô và quý Ái Hữu
Nam Cali 24-01-2014
Tâm Hữu Lê Đình Thọ


PS: Bác sĩ Trưởng khu bệnh viện Hoag nơi thầy Sở đến là Bác sĩ Andre VoVan, con trai thứ ba của Bác sĩ Võ Văn Tùng, cháu gọi cô Hồng Nhụy (nguyên GS KTĐN) là Cô ruột.



LÁ THƯ CHỦ BÚT
Như đã thông báo trước trên diễn đàn AiHuu_KTĐN, XANH Hoài Niệm 5 là một giai phẩm kỷ niệm 50 năm thành lập Ái Hữu KTĐN tại Sài Gòn. Bài vở gởi về cho số đặc biệt năm nay phải nói là khá phong phú, có sự đóng góp của 8 thầy, cô cựu giáo sư và gần 30 tác giả nguyên là cưu học sinh KTĐN. Cũng như 4 số trước, nội dung kỳ này cũng gồm nhiều bài văn xuôi thuộc nhiều thể loại và những bài thơ mượt mà, trau chuốt, trữ tình mà đặc tính chung của đa số đều muốn nói lên sự thân thiết, gần gủi trong tình nghĩa thầy trò cùng những hồi tưởng về thời niên thiếu hay những kỷ niệm sâu sắc còn đọng lại trong kí ức của bạn bè đồng môn, đồng khoá thời còn là những Ruồi Xanh.

Video: KHI THẦY TÔI CÒN SỐNG

Là một thành viên trong Ban Biên Tập, không có gì thích thú hơn đối với người viết là được làm người đầu tiên đọc trước những bài vở gởi về và có được những khoảnh khắc sống lại với tuổi học trò qua những tường thuật, những giai thoại của một thời đã đồng hành, hay những tâm tình, ưu tư, trăn trở, gởi gắm của cả một thế hệ mà giờ đây hầu như ai cũng đã bước vào bóng xế hoàng hôn của cuộc đời sau những “thành bại”, “cùng thông” mà Cụ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã nói đến trong Cung Oán Ngâm Khúc:

Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc
Lớp cùng thông như đúc buồng gan.
Bây giờ xin giới thiệu qua một vài nét tiêu biểu về số đặc biệt XANH Hoài Niệm 5 này. Trong “Tản mạn về một nhịp cầu” Thầy Huỳnh Phương đã đưa ta về với những nỗ lực đầu tiên có tính mở đường, thăm dò nhằm tập họp lại một số Ruồi Xanh còn liên lạc được để bắc môt nhịp cầu trong buổi giao thời còn nhiều bất trắc, nghi kị, và cuộc sống còn nhiều khó khăn, kéo dài từ cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 80. Từ đó mới bắt đầu có những lần họp mặt đầu tiên của KTĐN tại Sài Gòn.

Thầy Thọ thì kể về “Những lần họp mặt KTĐN tại Sài Gòn và Đà Nẵng từ năm 1988 cho đến năm 1992, khi Thầy rời VN qua định cư tại Hoa Kỳ. Thầy cũng kể lại những lần về VN tham dự họp mặt thường niên sau đó, nổi bật nhất là lần họp mặt năm 2010 để ra mắt Giai Phẩm XANH Hoài Niệm 1. Bộ nhớ của Thầy còn rất tốt. Thầy nhớ hầu hết những người về tham dự họp mặt, gần như không sót tên một người nào. "

Cũng về đề tài này Cô Mộng Hoàn kể lại cho chúng ta nghe về “Một chuyến họp mặt” mà Cô gọi là “Ba ngày đại hội bỏ túi” ở Savannah, Georgia, vào dịp hè 2006 tại nhà anh chị Đỗ Tiến Như, có sự tham gia của một số anh em cựu học sinh KTĐN từ các tiểu bang kế cận Georgia như Oklahoma, Texas, Kansas, và từ một tiểu bang rất xa là Washington. Để tham dự lần họp mặt này, Cô Hoàn và Thầy Hiệu trưởng Hồ Sỹ Hùng đã đi từ San Francisco, CA, lúc 7 giờ sáng, chuyển máy bay ở Charlotte, Carolina, và đến Savannah, Georgia lúc gần nửa đêm.

Tham gia lần này với bài “Trường KTĐN trong mắt tôiThầy Trần Phát Lạc kể cho nghe những kỷ niệm của Thầy trong 3 niên khoá gắn bó với Trường KTĐN từ 1964-1967, sau khi tốt nghiệp Khoa Sư Phạm, Ban Kỹ Nghệ Hoạ. Về kỷ niệm những năm đầu đời trong sự nghiệp giáo dục của mình thì nói sao cho hết, nhưng chắc chắn người đọc sẽ dễ dàng thông cảm với Thầy nỗi ám ảnh ray rứt của một thanh niên phải sống xa Sài Gòn, để lại người yêu trẻ nơi Thủ Đô của Miền Nam mà lòng cứ thầm lo “không biết có chàng nào thay thế mình không”.

Thầy Vĩnh Ba từ Huế trong “Ngày đầu tiên đi … dạy” thì hóm hỉnh chia sẻ những kỷ niệm của mình trong thời kỳ mới đáo nhậm nhiệm sở đầu tiên là Trường KTĐN trước khi được thuyên chuyển về Huế. Vì mới ra trường, tuổi còn rất trẻ, lại vóc người nhỏ thó nên Thầy đã bị bác Tuần, Cai Trường, nhận lầm, đuổi không cho tắm bên phía dành cho giáo sư (hồi đó được ở lại trong trường) và suýt nữa còn bị đuổi ra khỏi phòng họp giáo sư.

Phần chính của Giai phẩm XANH Hoài Niệm 5 vẫn là những đóng góp sinh động và đa dạng của cựu học sinh KTĐN. Vì giới hạn của Lá Thư Chủ Bút chỉ xin giới thiệu vài bài tiêu biểu.

Nguyễn Văn Dũng, Khoá 1, với bài “Khoá 1 Trường KTĐN cùng năm tháng” đã nói về niên khoá đầu tiên 1962-1963 của mình. Bài viết phản ánh nỗ lực thâm hậu của một cựu học sinh lớp đàn anh trong cố gắng trình bày cho hậu thế bức tranh hoàn chỉnh, công phu về Khoá 1: Khoá đầu tiên gồm những ai, đã học các môn văn hoá như (Văn, Toán, Anh Ngữ …) với thầy cô nào, rèn luyện trong các Xưởng (Điện, Dụng Cụ, Hàn gò, Mộc, Cơ khí Ôtô) với vị giáo sư nào phụ trách… Dũng còn theo dõi tin tức các bạn đồng khoá sau khi rời trường: bao nhiêu người phải ra đời sớm, ai được tiếp tục học lên ở Phú thọ, ai phải gia nhập quân đội và phục vụ trong các quân binh chủng khác nhau, và ai chọn lựa đi theo con đường “gõ đầu trẻ”… Bài viết còn nói đến những kỷ niệm gặp mặt thường niên của Khoá 1 mà tháng 5, năm 2014 tới đây sẽ là lần gặp mặt thứ 34.

Những ngày thơ mộng” của Nguyễn Tăng Tri là những kỷ niệm khó quên về 3 năm (Đệ Tam, Đệ Nhị, và Đệ Nhất hồi đó gọi là Lớp 12T1) làm báo cho lớp hay đặc san cho toàn trường. Là một thành viên trong Ban Biên Tập, Tri không chỉ kể lại kinh nghiệm làm báo của mình thời còn đi học mà còn vi vút về những lần xâm mình đi bán báo ở các trường bạn trong Thị Xã, và trong tình huống nào anh đã phải vận dụng đến tài ca hát thiên phú của mình để giúp Ban Báo Chí của trường KTĐN thanh toán hết số đặc san đã in.

Bài “Ghi lại một chuyến đi “ của Lê Như Phương tường thuật lại chuyến đi từ Melbourne, Úc, đến Detroit, Michigan, Hoa Kỳ để tìm thăm một vị thầy già đã mù cả hai mắt. Người đọc sẽ phải nén xúc động khi nghe Phương kể lại câu chuyện tái ngộ với vị thầy của mình sau 40 xa cách, vì “quá xúc động thầy trò tôi cùng oà khóc.” Trong bài thơ “Thầy tôi”, Phương tâm sự:

Đường đời lắm nỗi ngược xuôi
Dù bao khổ cực không nguôi nhớ thầy
Nên dù góc biển chân mây
Phải tìm cho được thăm thầy mới thôi.
Đặc biệt về thơ viết cho XANH Hoài Niệm 5 thì… như Thầy Thọ đã lên tiếng trên diễn đàn: “…không ngờ anh em, thầy trò Kỹ Thuật mình mà làm thơ hay như vậy” cho nên có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều. Thầy Thọ cũng đã đưa lên diễn đàn bài “Tự thuật” của Thầy Hiệu Trưởng Vũ Quý Hảo và đề nghị các nhà thơ KTĐN quen làm thơ Đường luật làm thơ hoạ lại chúc mừng Thầy. Liền sau đó đã có ngay mấy bài hoạ rất chỉnh niêm luật của Nguyễn Lương Vỵ, Phan Văn…

Riêng phần người viết khi đọc bài “Tự thuật” của Thầy Hiệu Trưởng thì nghĩ ngay đến câu nói trong tiếng Anh có thể ứng hợp với phần số may mắn, tốt đẹp hy hữu của Thầy: “You must have been born under a lucky star.” Thì quả đúng như lời Thầy nói đó: “Ân điển, theo tôi suốt cuộc đời.”

Xin trích dẫn thêm một vài câu/đoạn thơ từ vườn thơ XANH Hoài Niệm 5 để chúng ta cùng thưởng thức.

Thầy Nam Lộ Lê Văn Nghĩa thuở sinh thời đã từng kinh qua những đêm không ngủ vì thế sự nên tự nhắc nhở mình:

Thao thức hoài chẳng ngủ,
Buồn giận cái gì đâu,
Con tim mình tự nhủ,
Cuộc đời có bao lâu.
Thầy Thọ nói về một sự thuỷ chung của đời mình

Cuộc đời biển cả, vườn dâu
Trong ta chỉ có trước sau một trường.

Nguyễn Chữ
cũng từ ẩn dụ “Tang điền biến vi thương hải” nhưng trực tiếp phơi bày tình cảm trong lòng mình, dù thời gian có qua đi với vật đổi, sao dời:

Năm mươi năm trước rừng dương
Mấy mươi năm nữa sân trường. Nhớ em.

Đình Lộc
nói về những thăng trầm, xoay vần, đổi ngôi trong dòng đời thế tục:

Gom thành bại, trải sầu vui,
Công danh mấy bận, ngậm ngùi mấy ai?

Đỗ Bá Sang
thì nhớ thương ray rứt với mối tình mình ấp ủ trong tim:

Đà Nẵng mùa này lạnh hả em?
Anh ở phương Nam chợt thấy thèm
Nhớ về da diết mùa đông cũ
Trời lạnh cho tình ta ấm thêm.

Đinh Ngọc Hữu
thì hân hoan, rạng rỡ khi gặp lại bạn bè đồng môn, đồng khoá:

Bầy ngựa chứng vó tung bươn chải trăm miền
Mừng hạnh ngộ…
Bâng khuâng một khoảng trời diễm tuyệt.
Còn đây là một mối tình tan vở của Lê Duy Ngộ khi có thuận duyên gặp gỡ nhưng lại thiếu nợ ba sinh:

Rồi mùa thu đó chít khăn tang
Ai nhớ thương ai tiếc lá vàng
Tiễn đưa tình lỡ duyên không nợ
Níu vội thu sang để nắng tàn.

Mai Rạng
thì trầm ngâm tự hỏi không biết rồi đây khi tuổi đời càng ngày càng chồng chất, Thầy hay trò ai sẽ là người bỏ cuộc chơi dang dở trên cõi trần ai:

Tôi về rót rượu ra ly
Uống cho say. Để khỏi đi về trời
Bởi còn nặng nợ với đời
Nhớ ơn thầy cũ, viết lời tri ân.
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ với vị trí đã được khẳng định từ mấy chục năm nay trên văn đàn thì khẳng khái, hiên ngang với tuyên ngôn:

Máu xương nhé đừng câm lặng
Câu thơ đâu nỡ gài then…

Còn nhiều nữa, nhiều nữa. Xin để dành để người đọc tự khám phá. Trân trọng chuyển đến Quý Thầy, Cô, và các bạn Giai Phẩm XANH Hoài Niệm 5.

Nguyễn Văn Sở.

2 nhận xét:

  1. Nhắc về Thầy Nguyễn Văn Sở. Thầy là một người Thấy đáng kính. Thời gian dài sinh hoạt chung Ái Hữu KT tại Hải Ngoại, hầu hết Thầy luôn hiện diện và có những lời nói kín đáo hướng dẫn, khuyên bảo một cách tế nhị..Cũng chính vì biết Thầy nhiều qua mỗi buổi họp mặt thường xuyên trong nhiều năm qua, hầu như tại quán Tip Top thân quen. Mỗi lần lái xe trên đường về, Khương & Thái thường hay nhắc đến người Thầy mà thâm tâm vợ chồng tôi rất quí mến.
    Từ tình cảm sâu lắng đó, nhân ngày Sinh Nhật của Thầy, là ngày 24/12/13, cách đây đúng một tháng, Khương làm bài thơ về ngày Sinh Nhật của Thầy như sau:
    CHÚC MỪNG SINH NHẬT
    Hôm nay Sinh Nhật của Thầy
    Lòng em quí mến tỏ bày tình thương
    Những điều Thầy dạy ở trường
    Đậm tình ghi nhớ công ơn đong đầy
    Những ngày họp mặt sum vầy
    Gặp nhau quyến luyến như là người thân
    Thầy Cô, Ái Hữu xa gần
    Thường hay nhắc nhở cuối tuần gặp nhau
    Chúc Thầy sức khỏe dồi dào
    Trong ngày Sinh Nhật ngập tràn dấu yêu
    Góp lời chúc tụng thật đầy..
    Một ngày vui trọn với Thầy tôi thương
    Ngày 24/12/13
    Nguyên Khương
    Sáng ngày 23/1/14, nhận được tin Thầy Thọ thông báo, Khương giật thót người, trả lời với Thầy Thọ mà hai hàng nước mắt, rưng rưng nhỏ lệ..
    Khí đến gặp Thầy lần chót. luồn vào tấm mền trắng cầm tay Thầy còn âm ấm, nước mắt tự dưng trào trong xúc cảm tột cùng..Thương Thầy nhiều lắm! Thầy ơi!
    Thầy đã ra đi.
    Cầu cho Hương Linh Thầy mau về cõi Vĩnh Hằng
    NK

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất quý và thương, kính mến Thầy Nguyễn Văn Sở. Cảm ơn anh Ngyễn Khương

      Xóa

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template