Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Tác giả ca khúc "Mưa rừng", "Kiếp cầm ca" qua đời tại Mỹ

Tác giả ca khúc "Mưa rừng", "Kiếp cầm ca" qua đời tại Mỹ


Nhạc sĩ Huỳnh Anh qua đời ở tuổi 81



Nhạc sỹ Huỳnh Anh, người nổi tiếng với những sáng tác như "Mưa rừng", "Kiếp cầm ca", "Rừng lá thay chưa"... đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng của ông ở Mỹ trong sự tiếc thương của gia đình và đồng nghiệp.

  Vào khoảng 15 giờ ngày 13-12-2013 (giờ địa phương – San Fransisco, Mỹ), người nhạc sĩ tài hoa mang tên Huỳnh Anh đã ra đi mãi mãi ở tuổi 81. Ông sinh năm 1932 tại thành phố Cần Thơ và xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha là nghệ sĩ đàn kìm nổi tiếng ở miền Nam với nghệ danh Sáu Tửng. Điều này cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến năng khiếu và lòng đam mê nghệ thuật của nhạc sĩ Huỳnh Anh từ thuở thiếu thời. Nhiều khán giả sẽ khó có thể quên, thậm chí là thuộc cả lời của những ca khúc mà người nhạc sĩ tài hoa này đã từng sáng tác vào trước những năm 70 như: Kiếp cầm ca, Mưa rừng, Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, Rừng lá thay chưa... Dù đã được khai sinh từ rất lâu nhưng có thể nói, đến thời điểm hiện tại, nhiều ca khúc của nhạc sĩ Huỳnh Anh vẫn được khán giả mộ điệu và dành cho tình cảm đặc biệt bền bỉ theo năm tháng. Các ca sĩ yêu thích dòng nhạc trữ tình cũng thường chọn một số sáng tác của ông để thể hiện hoặc đưa vào các sản phẩm âm nhạc của mình.

Được biết, trước khi sáng tác nhạc, nhạc sĩ Huỳnh Anh còn là một nhạc công tài năng và có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau như guitar, piano, kèn... Ông thường xuyên biểu diễn cho các ban nhạc tại những đoàn cải lương, các phòng trà, vũ trường ở miền Nam khi còn trẻ. Đến năm 1957, nhạc sỹ Huỳnh Anh đã rời quê hương để sang Mỹ sinh sống cho đến hiện giờ.



Nhạc sĩ Huỳnh Anh nổi tiếng với các ca khúc trữ tình lãng mạn

Nói về các sáng tác của nhạc sĩ Huỳnh Anh, “gia tài” các ca khúc của ông không nhiều với con số khá khiêm tốn nhưng hầu hết đều được rất nhiều khán giả yêu thích. Đặc biệt, ca khúc Kiếp cầm ca, một nhạc phẩm được cho là món quà mà nhạc sĩ Huỳnh Anh dành tặng cho nghệ sĩ Thanh Nga, đã nổi tiếng và sống mãi cùng thời gian. Với giai điệu dễ nghe, dễ nhớ, các nhạc phẩm của nhạc sĩ Huỳnh Anh luôn chạm đến trái tim của người nghe bằng những cảm xúc bình dị nhất như chính con người của ông.

Trước sự ra đi của tác giả Huỳnh Anh, những người yêu mến các sáng tác của ông cùng với gia đình, đồng nghiệp cũng đã thể hiện sự thương tiếc và cùng cầu nguyện cho người nhạc sĩ tài hoa này được yên nghỉ nơi chín suối.
Theo Cao Trí Hòa (Dân Trí)

Mời bạn nghe ca khúc: Mưa rừng

Ca sĩ Cẩm Ly


Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng



Ca sĩ Như Quỳnh


Ca sĩ Hạ Vy


Mưa rừng 

 Mưa rừng là một câu chuyện tình cảm, tâm lý, ly kỳ hư cấu nổi tiếng của Việt Nam viết bởi tác giả Hà Triều - Hoa Phượng. Mưa rừng đã nổi tiếng trong nhiều thập kỷ và được trình diễn dưới nhiều hình thức khác nhau như cải lương, phim điện ảnh, phim truyền hình, kịch nói, ca khúc tân nhạc...[1]Ra mắt lần đầu dưới dạng tuồng cải lương vào năm 1961, vở tuồng này đã góp phần khẳng định tên tuổi của cố nghệ sĩ Thanh Nga cũng như nhạc sỹ Huỳnh Anh - người viết bài tân nhạc "Mưa rừng" cùng tên dành riêng cho Thanh Nga.[2]

Trải qua hơn nửa thế kỷ, câu chuyện liên tục được trình diễn qua nhiều thế hệ nghệ sĩ từ những thế hệ ban đầu như Hữu Phước, Thanh Nga, Ngọc Dọc, Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Út Trà Ôn, Thành Được, Thanh Sang, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết[1][2] cho đến Khánh Hoàng, Trịnh Kim Chi, Quốc Thái, Anh Vũ, Lê Khánh, Lệ Thủy, Thanh Ngân, Tú Sương, Quế Trân,...[3]

Nguồn gốc Trong một chuyến đi chơi tắm suối ở Tây Nguyên, một nhóm soạn giả trong đoàn cải lương Thanh Minh-Thanh Nga gồm: Nguyễn Phương, Hà Triều,Hoa Phượng, Kiên Giang Hà Huy Hà phải trọ qua đêm trong một buôn bản người Thượng vì mưa to không về được. Khi họ đang vui chơi thâu đêm tại nhà ông chủ bản thì từng tràng tiếng hú của người rừng trổi lên giữa cơn mưa bão tạo cảm giác rùng rợn. Hà Triều, Hoa Phượng viết tuồng “Mưa Rừng” nổi tiếng dựa trên bối cảnh đó. Tuồng cải lương thành công rực rỡ do Thanh Nga đóng và được đánh giá là sự kiện "cháy vé" lúc bấy giờ.[1]

Nội dung Câu chuyện lấy bối cảnh một đồn điền. Khanh được ông chủ đồn điền mướn lên từ thành phố để làm cai phu, anh rất được mọi người thương mến. K’Lai, cô gái dân tộc, người giúp việc nhà cho ông Tịnh thầm yêu anh nhưng anh lại yêu Tuyền, cô dâu trưởng của ông Tịnh, có chồng là Thuyết bị điên vốn nhốt riêng trong phòng không cho ai biết trừ K'Lai. Em trai của Thuyết đem lòng si mê K’Lai, hắn tìm cách đuổi Khanh đi. Chán ngán cảnh ba đường, anh bỏ đi làm cho Tuyền và K’Lai đau khổ.[1]

Ở rừng, hằng đêm có những tiếng hú ghê rợn vọng về, người ta mê tín cho rằng do những người phu chết trong đồn điền. Khanh lợi dụng tình cảm của K’Lai để điều tra phát hiện tiếng hú đó là của Thuyết, bị gia đình xích chân tại một nơi kín đáo, chỉ có K’Lai hàng ngày đem cơm đến.[1]

Câu chuyện hé mở rằng Thuyết đã bắn chết cha K’Lai. Để trả thù, K’Lai xin vào giúp việc và dùng lá thuốc rừng trộn vào thức ăn đầu độc Thuyết khiến cho anh ta điên. Vì danh dự gia đình, ông Tịnh nói dối mọi người rằng Thuyết đã chết. Khanh thuyết phục K’Lai tìm thuốc cứu Thuyết hết điên. Thuyết chứng kiến vợ mình tỏ tình với Khanh, anh ghen toan giết Tuyền thì ông Tịnh đến. Tưởng Thuyết còn điên nên ông bắn chết Thuyết để cứu con dâu.[1]

Khanh và Tuyền đã rộng đường để tới với nhau, nhưng đối với K’Lai thì là sự mất mát lớn. Cô bỏ đồn điền, từ chối tình yêu với Bằng. Khanh cũng bỏ đi lần nữa vì tự thấy mình hèn hạ khi lợi dụng tình cảm của K’Lai để đạt ý nguyện của mình.[1]

Tất cả chia tay giữa tiếng Mưa Rừng tạo nên một kết thúc buồn.[1]

Bài hát mưa rừng 


Bài hát nhạc vàng cùng tên "Mưa rừng" được Hà Triều, Hoa Phượng nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh viết riêng cho Thanh Nga năm 1961 khi tuồng cải lương đã gần kề -do lúc đó Huỳnh Anh đang tập ca tân nhạc cho Thanh Nga. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng theo vở tuồng năm 61 và bộ phim năm 62 khẳng định tên tuổi Huỳnh Anh. Trong một buổi phỏng vấn thu hình với Nguyễn Ngọc Ngạn, trong Paris By Night 74 năm 2004 Huỳnh Anh đã ngỏ ý cảm ơn và biết ơn Thanh Nga vì điều này.[1][2]. Bài hát nhanh chóng được phát đi phát lại nhiều lần trên làn sóng của đài Phát Thanh Sài Gòn và về sau được nhiều danh ca trình bày lại như Sơn Ca, Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền...đều thành công, trở thành một trong những ca khúc yêu thích nhất miền Nam Việt Nam lúc đó.[1][2]

Phim “Mưa rừng” 

Bộ phim chuyển thể cùng tên của đạo diễn Thái Thúc Nha do Hãng phim Alpha sản xuất năm 1962 có sự tham gia của Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Ngọc Phu, Hoàng Vĩnh Lộc, Xuân Phát, Năm Châu …. Phim đoạt giải Tượng Vàng- phim có cốt truyện hay nhất và là một bộ phim ảnh màu, đại vĩ tuyến đầu tiên của Việt Nam. Nó được in, rửa và thâu thanh tại Nhật Bản, trình chiếu năm 1963. Ca khúc "Mưa rừng" do Thanh Nga và Phương Dung trình bày.[1]

Về sau và cho đến tận ngày nay, "Mưa rừng" tiếp tục được thực hiện lại nhiều lần:
Hãng dĩa nhạc Continental cho thâu tuồng Mưa Rừng với: Út Trà Ôn vai ông Tịnh, Thành Được vai Khanh, Hữu Phước vai Bằng, Thanh Sang vai Thuyết, Mộng Tuyền vai K'Lai, Bạch Tuyết vai Tuyền.[1]

Mưa Rừng được quay trên Đài truyền hình Sài Gòn số 9 với sự tham gia của Mộng Tuyền - về sau nổi tiếng rực rỡ với vai K'Lai trong vở cải lương này. Mộng Tuyền cùng Phương Thanh, Dũng Thanh Lâm, Thành Được…còn quay thêm tuồng này một lần nữa cho trung tâm Thúy Nga.[1]

Năm 2003, sân khấu kịch Phú Nhuận ra mắt Mưa rừng với sự đạo diễn của Xuân Phước và sự tham gia của các diễn viên: Khánh Hoàng, Trịnh Kim Chi, Quốc Thái, Anh Vũ, Lê Khánh...[3]

Tháng 6 năm 2005, vở cải lương Mưa rừng được ra mắt lại tại rạp Hưng Đạo, mở màn cho hoạt động của một nhóm "xã hội hóa" mới do Nghệ sĩ ưu tú Thanh Thanh Tâm khởi xướng.[4][5]

Nhóm tác giả Lê Quang Thanh Tâm và Vy Uyên viết lại kịch bản thành bộ phim truyền hình 30 tập.Nữ nghệ sỹ Mộng Tuyền sẽ tái ngộ khán giả trong phim với vai nàng K'Lai lúc về già kể lại câu chuyện cho con cháu nghe.[1]

Chú thích: 


1. ^ a b c d e f g h i j k l m n o Các đại mỹ nhân và "Mưa Rừng" – sống mãi với thời gian !, Báo Màn ảnh Sân khấu, 17/11/2012

2. ^ a b c d nhạc sỹ Huỳnh Anh và nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn xác nhận trong Paris By Night 74: Hoa bướm ngày xưa tại Toronto năm 2004

3. ^ a b Sân khấu kịch Phú Nhuận ra mắt Mưa rừng. Tuổi Trẻ online, 03/09/2003

4. ^ Tiếp sức trước đã, Chuyên trang Tuổi Trẻ, 28/06/2005

5. ^ Mưa rừng - Ấn tượng Thanh Thanh Tâm, Người Lao Động, 22/06/2005

6. ^ Trích từ tác phẩm gốc bởi Nguyễn Ngọc Ngạn năm 2004 tại Toronto khi ông dẫn chương trình Paris By Night 74

7. ^ Trích từ tác phẩm gốc của Huỳnh Anh (phiên bản đối chứng là của Như Quỳnh hát thu DVD năm 2004 tại Toronto trong chương trình Paris By Night 74) - Có thể tham khảo tại đây trênYouTube


Nghệ sĩ thương tiếc tác giả ca khúc "Mưa rừng"

"Vĩnh biệt anh, người nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho đời nhiều ca khúc hay. Trong đó, ca khúc "Mưa rừng" mãi mãi sẽ là một sáng tác bất hủ được nhiều thế hệ khán giả yêu thích” - ca sĩ Giao Linh ngậm ngùi.



Tú Trinh. Ảnh: Thanh Hiệp

Thông tin từ chị Lê Thị Nở, con gái của cố nghệ nhân dân gian Bạch Huệ cho biết người cậu thứ ba (anh trai ruột của mẹ chị), là nhạc sĩ Huỳnh Anh (tác giả ca khúc Mưa rừng và nhiều ca khúc nổi tiếng khác) đã từ trần tại San Francisco – Mỹ ngày 14-12, thọ 81 tuổi.

Bà Lê Thị Nở xúc động: “Cậu mỗi lần về thăm quê hương đều đến thăm mẹ tôi. Hồi trước, khi nhà cậu còn ở đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TP HCM, anh chị em tôi đều đến tá túc mỗi khi mẹ đi diễn, thu âm. Cậu tôi sống đạm bạc, hiền lành và ít khi nói về mình. Gia đình cậu có ba người con gái và một người con trai, tiếc là không ai theo nghề sáng tác hoặc biểu diễn. Khi hay tin mẹ tôi mất cách đây không lâu, cậu tôi có điện thoại về rất xúc động nhưng vì tuổi cao sức yếu không thể về tiễn đưa em ruột”.


Cố nhạc sĩ Huỳnh Anh và ca khúc Mưa rừng

Trước tin nghệ sĩ Huỳnh Anh qua đời, nghệ sĩ Tú Trinh tâm sự: “Nhạc sĩ Huỳnh Anh là con trai thứ ba của cố nhạc sĩ Sáu Tửng, ông là một trong những danh cầm đờn kìm nổi tiếng của sân khấu cải lương miền Nam, một thời với ba tôi – nhạc sĩ đờn cò Chín Trích. Ông yêu đơn phương “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga, gửi tâm sự cùng tình yêu nồng nàn vào ca khúc Mưa rừng".

Nghệ sĩ Tú Trinh cho biết, cách đây vài năm, nhạc sĩ Huỳnh Anh có về thăm quê nhà, lúc đó ông còn rất khỏe mạnh và kể cho chị nghe nhiều về cuộc sống nơi xứ xa. Ở San Francisco – Mỹ, ông sinh sống bằng nghề lái xe taxi. Mỗi khi chở khách là người Việt Nam, ông đều nói với họ về ca khúc Mưa rừngmà ông yêu thích nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình.

Chị rưng rưng nhớ lại lời ông nói: “Không phải anh khoe mình là tác giả, mà muốn được nghe cảm nhận của mỗi người về ca khúc này. Có người chịu bộc bạch nỗi niềm giống anh, yêu mà không dám nói, có người chỉ buộc miệng nói, tôi thích bài hát đó lắm, vậy là anh hạnh phúc! Đời người nhạc sĩ có một ca khúc được khán giả nhớ đã là vinh hạnh". Nghệ sĩ Tú Trinh cho biết ông đã rất xúc động khi biết hiện nay một vài ca sĩ trẻ đã hát lại ca khúc này, cũng như trong liveshow của NSND Lệ Thủy, Mộng Tuyền, trích đoạn Mưa rừng và bài hát này lại một lần nữa vang lên.

Danh hài NSƯT Bảo Quốc cho biết: “Tôi định trong liveshow kỷ niệm 64 năm của gia tộc tổ chức tại Nhà hát Bến Thành vào tháng 3-2014, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ hát lại ca khúc Mưa rừng trước khi công diễn hai vở Bên cầu dệt lụa và Tiếng trống Mê Linh. Nói đến thương hiệu Thanh Minh, Thanh Nga phải nhắc đến tác phẩm sân khấu Mưa rừng của soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng và trong đó phải nhắc đến ca khúc chủ đề của vở do anh Huỳnh Anh sáng tác. Xin vĩnh biệt anh, tôi tin anh không mất mà vẫn ở đâu đó trong tiếng Mưa rừng đầy cảm xúc của những người đang yêu”.


NSUT Bảo Quốc và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: Thanh Hiệp

Nhạc sĩ - ảo thuật gia Bảo Thu xúc động: "Huỳnh Anh rất giỏi, là con của danh cầm cổ nhạc nhưng chơi được nhiều loại nhạc cụ, từ guitar, piano cho tới kèn, percussion. Nếu bên phía cải lương tuồng cổ có nhạc sĩ Đức Phú, tuy xuất thân từ lò Hồ Quảng nhưng lại giỏi sáng tác và viết khí xướng âm cho tân nhạc thì ở bên sân khấu cải lương, con trai của ông Sáu Tửng lại là một kỳ tài về lãnh vực này".

Nghệ sĩ Mộng Tuyền – người sau này khi cố NSƯT Thanh Nga qua đời, đã được bà bầu Thơ mời về diễn vai K’lai thay thế con gái mình, nói: “Tôi mê bản Mưa rừng lắm! hồi đó nghe chị Thanh Nga ca, rồi yêu say đắm câu chuyện tình của nàng K’lai với thầy cai trong vở. Không ngờ tôi lại được chọn đóng thế vai này của chị Thanh Nga. Với tôi, ca khúc Mưa rừng là một kỷ niệm khó quên, nó nhắc tôi nhớ về quá khứ của tuổi trẻ, học nghề và rèn luyện để được khán giả tin yêu như chị Thanh Nga”.


Nhạc sĩ Bảo Thu. Ảnh: Thanh Hiệp

NSƯT Thanh Sang kể: “Tôi biết anh nhạc sĩ Huỳnh Anh sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 20 ca khúc, nhưng bài nào cũng hay, cũng có một chút gì đó da diết đọng lại trong lòng khán giả mộ điệu. Một trong những nhạc phẩm đầu tiên của ông là Em gắng chờ, ra đời khoảng cuối thập niên 1950. Tiếp theo đến những ca khúc khác được nhiều người biết tới như Lạnh trọn đêm mưa, Kiếp cầm ca và Thuở đó có em... Dù là nghệ sĩ của sân khấu cải lương nhưng nhắc đến nhạc của Huỳnh Anh, tôi thuộc nhiều. Tôi đã diễn vai thầy Cai, nhân vật chịu nhiều bi kịch, chứng kiến nỗi bất hạnh của cô gái núi rừng K’lai, nên tôi cũng cực kỳ yêu thích ca khúc Mưa rừng, rồi sau đó được quay thành phim, khẳng định tên tuổi Huỳnh Anh trong làng nghệ thuật”.


NSUT Thanh Sang. Ảnh: Thanh Hiệp

Ca sĩ Giao Linh bộc bạch: “Tôi đã từng hát ca khúc Mưa rừng trong đêm nhạc Huỳnh Anh tại Mỹ, khi chúng tôi tổ chức suất hát vinh danh ông nhân lễ mừng thọ ông tròn tuổi 70. Không ai ngờ một nhạc sĩ về chiều làm nghề lái taxi ở San Francisco – Mỹ lại là cha đẻ của nhiều ca khúc mà khán thính giả khắp nơi trên thế giới, hễ ai là người Việt, đều đã nghe ca khúc của ông. Vĩnh biệt anh, người nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho đời nhiều ca khúc hay. Trong đó, ca khúc Mưa rừng mãi mãi sẽ là một sáng tác bất hủ được nhiều thế hệ khán giả yêu thích”.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

1 nhận xét:

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template