Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

Định mệnh nghiệt ngã của thiên tài vật lý Stephen Hawking




Cuộc đời ông được dựng thành phim The Theory of everything - Ảnh: GETTY IMAGES
Định mệnh nghiệt ngã của thiên tài vật lý Stephen Hawking


Định mệnh nghiệt ngã của thiên tài vật lý Stephen Hawking

Cuộc đời Stephen Hawking đầy trắc trở và bi kịch. Ông lấy nguồn cảm hứng từ trên trời, định mệnh lại luôn muốn kéo ông xuống đất. Nhưng ông không chịu đầu hàng.


Giáo sư Stephen Hawking - Ảnh: Wired

Ngày 14-3-2018, nhà vật lý học Stephen Hawking đã vĩnh viễn ra đi. Ông hưởng thọ 76 tuổi. Tin ông ra đi khiến tôi muốn rơi nước mắt. Vì thương ông. Thương cho định mệnh quá nghiệt ngã đối với ông.

Vâng, tuy ông có nhiều thiên thần thương yêu và cứu giúp ông - nhất là người vợ đầu tiên, nhưng ông vẫn chịu một cuộc sống thật vô cùng khó khăn.

Ông luôn luôn lạc quan, có lẽ là người giao tiếp với xã hội nhiều hơn tất cả những nhà khoa học bình thường. Có lẽ vì ông yêu đời, và muốn quên đi căn bệnh của mình.

Xem Con gái GS Stephan Hawking



Xem Lời khuyên của: StephenHawking

Sorry: Stephen Hawking (lộn chữ a thành chữ o)

Quyết không đầu hàng số phận

Stephen Hawking đã trở thành biểu tượng bất tử của một thiên tài khuyết tật, như mọi người đều biết, tên tuổi vang danh từ Đông sang Tây, chỉ sau Albert Einstein.

Cuộc đời ông đầy trắc trở và bi kịch. Ông lấy nguồn cảm hứng từ trên trời, định mệnh lại luôn muốn kéo ông xuống đất. Nhưng ông không chịu đầu hàng.

Xem Tưởng nhớ GS Stephen Hawking của đại học Cambridge



Ông ngước nhìn trăng sao, thiên hà, vũ trụ, "hố đen", "lỗ giun", "du hành thời gian", những định luật nền tảng của vũ trụ, nhưng vất vả, vấp ngã rồi lại đứng lên trong thân phận của một kẻ bị định mệnh "xử" bất lực cơ thể mình do chứng bệnh ALS (chứng bệnh xơ cứng teo cơ) nghiệt ngã gây ra (80% những người mắc ALS qua đời trong vòng 5 năm sau khi mắc bệnh).

Các bác sĩ cũng tiên lượng ông chỉ có thể sống tối đa thêm 2 năm. Nhưng ông đã sống tiếp 5 thập kỷ nữa.

Chưa đủ, ông lại mất đi vĩnh viễn tiếng nói sau một ca phẫu thuật cứu cấp khi đi dự hội nghị tại CERN năm 1985. Từ đó ông chỉ còn giao tiếp được qua chiếc máy tính điện tử với những chương trình phần mềm đặc biệt dành cho ông.

Với khả năng vô cùng chật vật ấy, vậy mà ông đã viết bảy cuốn sách nổi tiếng cho thế giới.


Giáo sư Stephen Hawking cười tươi tại cuộc họp báo ở ĐH Potsdam, gần Berlin, Đức hôm 21-7-1999. Sự lạc quan, nghị lực phi thường của ông là nguồn động lực cho bao người - Ảnh: AP

Nhưng ông cũng có những "thiên thần" hộ mạng. Jane Wilde là người vợ đầu tiên của ông, Elaine Mason là người vợ thứ hai. Mỗi người đã cứu giúp ông một cách.

Jane Wilde yêu và cưới Stephen Hawking dù biết chồng tương lai của mình bị bệnh hiểm nghèo ALS, đã giúp đẩy lùi nỗi tuyệt vọng ở tuổi xuân 21. Cô đã đem lại ý nghĩa sống cho ông, làm sống lên khát vọng khám phá khoa học như ý nghĩa của cuộc đời.

Cô cũng quyết định không chịu rút ống thở ra cho Hawking, ngược lại lời khuyên từ sự tuyệt vọng của các bác sĩ, cô tìm cách cứu ông, "còn nước còn tát". Cô cho ông ba đứa con kháu khỉnh và thành đạt.


Giáo sư Stephen Toope, Phó Hiệu trưởng của Đại học Cambridge nói rằng Giáo sư Hawking đã để lại "một di sản khổng lồ" - Ảnh: AFP

Còn Elaine Mason cũng đã cứu ông ba lần với tư cách một y tá điều dưỡng. Mỗi người như muốn kê vai gánh bớt gánh nặng của ông. Ông đã sống thêm hơn nửa thế kỷ vượt qua chẩn đoán 2 năm sống sót của bác sĩ dành cho ông. Một điều kỳ diệu. Và lại nổi tiếng khắp thế giới. Lại kỳ diệu hơn.

Tình yêu của ông mạnh mẽ đối với vũ trụ, nhưng cũng không thiếu phần sôi nổi với người yêu. Tinh thần ông dường như đã kéo lê cơ thể ông buộc phải sống tiếp trong mọi tình huống để phụng sự cho khoa học. Đó là mệnh lệnh. Ông phải sống cho khoa học.

Giống như nhà thơ Friedrich Schiller, đáng lẽ đã chết mười năm trước như bác sĩ chẩn đoán, nhưng vẫn còn sống tiếp vì những ý tưởng văn chương của ông chưa viết hết.

Stephen càng bị tước mất khả năng vật lý thì các ý tưởng của ông lại càng phát triển thêm, tên tuổi ông càng nổi bật, quyết không chịu thua định mệnh.

Mục tiêu của tôi đơn giản lắm. Đó là hoàn toàn hiểu rõ về vũ trụ, tại sao nó là như vậy và tại sao nó tồn tại"

Hãy tưởng niệm ông bằng hoa và nến


Nghệ sĩ Sudarsan Pattnaik khắc tượng cát giáo sư Stephen Hawking ở bãi biển Puri, Ấn Độ hôm 14-3 - Ảnh: AFP

Ông cũng là con người nhân văn, và rất đời thường. Ông rất thích nghe nhạc cổ điển, xem opera cũng như nhạc Beatles.

"Vật lý tất cả đều tốt, nhưng hoàn toàn ‘lạnh lẽo’. Tôi không thể tiếp tục cuộc sống nếu tôi chỉ có vật lý thôi. Cũng như mọi người khác, tôi cần hơi ấm, tình yêu và tình cảm.

Lại một lần nữa, tôi rất được may mắn, may mắn nhiều so với nhiều người có những khuyết tật như tôi, khi tôi nhận được rất nhiều tình yêu và tình cảm. Âm nhạc cũng rất quan trọng đối với tôi" - ông đã trải lòng như thế.

Năm 1992, vào ngày Giáng sinh, khi được chương trình Desert Island Disc của Đài BBC hỏi ông muốn mang theo những thứ gì nếu ông bị lạc lên một hòn đảo hoang vắng và cô lập, ông trả lời một trong những thứ quan trọng mà ông không thể thiếu là sách và âm nhạc.

Vâng, bản nhạc Requiem của Mozart phải có theo, ông sẽ nghe nó bằng Walkman cho tới khi hết pin. Và một ít món tráng miệng khoái khẩu của ông là crème brûleé, "biểu tượng của sự xa xỉ", theo cách nói của ông.

Nếu Việt Nam có người hâm mộ của Hawking, xin các bạn hãy cùng nhau tưởng niệm ông bằng hoa và nến tại một góc phố nào đó, để nói rằng: Việt Nam luôn có những người mến mộ ông.

Tôi tin rằng các nhà khoa học thế giới sẽ có một công trình nào đó về thiên văn xứng đáng để tôn vinh tên tuổi ông mãi mãi.
.....................................
Stephen Hawking: Tính hiếu chiến đang đe dọa tiêu diệt tất cả chúng ta




Nhiều triệu năm liền, nhân loại chỉ sống như các động vật. Nhưng rồi một điều gì đó đã xảy ra, làm giải phóng sức mạnh của óc tưởng tượng chúng ta.

Chúng ta học nói, và học lắng nghe. Ngôn luận - speech - đã cho phép thông tin các ý tưởng làm cho con người có khả năng làm việc chung với nhau để tạo ra những điều thần kỳ bất khả. Những thành tựu lớn nhất của nhân loại đã hình thành bằng lời nói, và những thất bại lớn nhất của nó là do không nói.

Những hi vọng lớn nhất của chúng ta sẽ trở thành sự thực trong tương lai với công nghệ để chúng ta sử dụng. Những khả năng là vô tận. Tất cả những gì chúng ta cần làm là bảo đảm chúng ta tiếp tục nói, nói và nói.

Nếu là con người thông minh duy nhất trong dải ngân hà, chúng ta nên bảo đảm để sống còn và tiếp tục. Nhưng chúng ta đang bước vào một giai đoạn ngày càng nguy hiểm của lịch sử. Dân số chúng ta và cách chúng ta sử dụng các nguồn lực giới hạn của hành tinh Trái đất đang tăng theo hàm mũ, với năng lực kỹ thuật có thể thay đổi môi trường cho những mục tiêu tốt hay xấu.

Nhưng mật mã di truyền của chúng ta vẫn còn mang những bản năng ích kỷ và hiếu chiến, điều có lợi cho sự tồn tại trong những ngày trong hang động. Nhưng tính hiếu chiến giờ đây đang đe dọa tiêu diệt tất cả chúng ta.

Sự khám phá một lý thuyết thống nhất hoàn chỉnh... có thể không giúp bảo đảm sự sống sót của chủng loài chúng ta. Nó cũng có thể không ảnh hưởng lên cách sống của chúng ta. Nhưng từ buổi bình minh của văn minh, người ta đã không hài lòng nhìn những sự kiện như rời rạc và không giải thích được.

Sự khao khát sâu thẳm của nhân loại về tri thức là sự biện minh đầy đủ cho sự tìm kiếm của chúng ta. Và mục tiêu của chúng ta không gì hơn là một sự mô tả đầy đủ của vũ trụ chúng ta sống trong đó.


Cuộc đời ông được dựng thành phim The Theory of everything - Ảnh: GETTY IMAGES


Ông được diện kiến Nữ hoàng Elizabeth năm 2014 - Ảnh: REUTERS


Ông trong mắt mọi người là người luôn lạc quan - Ảnh: BBC/Twitter


'Lược sử thời gian' - Cuốn sách khoa học bán chạy hơn cả sách 'Sex' của Madonna

Tại Việt Nam, 'Lược sử thời gian' của Stephen Hawking đã được tái bản lần thứ 15. Một thành tích cực kỳ đáng nể đối với dòng sách khoa học phổ thông.

Bất chấp căn bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) quái ác, Stephen Hawking đã vượt qua mọi khó khăn về mặt thể chất để trở thành một trong những bộ óc lỗi lạc nhất của ngành vật lý hiện đại. Những lý thuyết của ông về lỗ đen và vũ trụ đã có sức ảnh hưởng sâu sắc đến góc nhìn của chúng ta về mọi thứ xung quanh. Đóng góp to lớn của ông đã được chứng minh bằng chiếc ghế giáo sư Toán học Lucas tại Đại học Cambridge - vị trí trước đây từng thuộc về Isaac Newton và Paul Dirac.

Tuy nhiên, điều khiến cho Hawking trở nên đặc biệt so với những khoa học gia khác chính là ở chỗ ông đã truyền cảm hứng đam mê khoa học đến với hàng triệu người khác - những người mong muốn tìm hiểu về cách vận hành của vũ trụ nhưng lại không có đủ kiến thức cơ bản về vật lý thiên văn.




Trước 1988, Hawking hầu như chỉ nổi tiếng trong giới hàn lâm mặc dù ông đã là thành viên của Hoàng gia Anh với nhiều lý thuyết táo bạo về lỗ đen, thăng giáng lượng tử và bức xạ Hawking (phát xạ của lỗ đen). Mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi sau khi Hawking cho ra đời Lược sử thời gian (tên gốc: A Brieft History of Time) - cuốn sách khoa học phổ thông được xuất bản bởi nhóm Xuất bản Bantam Dell. Lời đề tựa cho ấn bản đầu tiên do một người bạn của ông viết: Carl Sagan, vốn cũng là một nhà vật lý nổi tiếng với nhiều đầu sách và chương trình truyền hình phổ biến khoa học.

Hawking từng chia sẻ rằng ông đã ấp ủ dự án này từ năm 1983. Ông nghe theo lời khuyên của người bạn Simon Mitton là hạn chế sử dụng những công thức phức tạp vào cuốn sách nhằm tránh việc gây khó hiểu cho bạn đọc. Kết quả, Hawking chỉ mang vào Lược sử thời gian một công thức duy nhất nhưng lại là nền tảng cho mọi lý thuyết khoa học hiện đại: E = mc2 của Albert Einstein.


Ấn bản đầu tiên của Lược sử thời gian

Trong Lược sử thời gian, Hawking đã giải thích nhiều khía cạnh của vũ trụ như lý thuyết Big Bang, lỗ đen, nón ánh sáng, nguyên lý bất định, du hành thời gian cũng như giới thiệu tiểu sử của ba nhà khoa học quá cố Albert Einstein, Galileo Galilei và Issac Newton. Mục đích của ông là cố gắng giúp cho độc giả phổ thông có thể vẽ nên bức tranh tổng quát về vũ trụ thông qua các lý thuyết sẵn có và lý giải một vài ý niệm toán học phức tạp. Chính vì thế, Lược sử thời gian của Hawking ban đầu được đánh giá là cuốn sách khoa học không dễ đọc, đặc biệt là đối với những người chưa hề biết đến cơ học lượng tử.

Trước đó, cuốn sách khoa học Vũ trụ (Cosmos - 1980) của Carl Sagan đã tẩu tán được hàng triệu bản trên toàn thế giới và xuất hiện trong danh sách best-sellers của Tạp chí New York Times. Cứ tưởng sẽ chẳng có thêm cuốn sách nào cùng thể loại có thể lập được kỷ lục tương tự. Ấy vậy mà Lược sử thời gian không những phá vỡ được thành tích của Vũ trụ mà còn tái lập nhiều kỷ lục khác về doanh thu.


Carl Sagan

Tính đến hiện tại, Lược sử thời gian đã bán được 10 triệu bản, xuất hiện trong danh sách best-seller của tờ London Sunday Times trong hơn 5 năm liên tục và được dịch ra 40 thứ tiếng trên toàn thế giới. Thành công này đã khiến cho Hawking phải bất ngờ và nhiều người khác ngỡ ngàng.

Trong lần tái bản thứ 2, Hawking đã đùa trong lời đề tựa của mình rằng ông cảm thấy cực kỳ ngạc nhiên khi biết cuốn sách khoa học của mình còn bán chạy hơn cuốn hồi ký Sex xuất bản năm 1992 của nữ hoàng nhạc Pop Madonna với nhiều tấm ảnh nude táo bạo. Thậm chí, nhà hát opera Metropolitan ở thành phố New York còn chuyển thể cuốn sách này thành một vở opera và trình diễn từ năm 2015-2016.


Bản Việt hóa của Lược sử thời gian do Cao Chi và Phạm Văn Thiều chuyển ngữ. Được phát hành thông qua NXB Trẻ, Lược sử thời gian đã tái bản đến lần thứ 15 tính đến năm 2017 (khoảng 2.000 bản mỗi lần in). Đây là một thành tích trước nay chưa từng có đối với một cuốn sách khoa học tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế Lược sử thời gian vẫn là một cuốn sách khó đọc. Trong một cuộc bỏ phiếu trực tuyến, nhiều người đã bình chọn Lược sử thời gian là "quyển best-seller chưa đọc", tức là bán chạy và được nhiều người sở hữu nhưng lại ít ai hoàn thành hoặc hiểu hết được kiến thức mà nó truyền tải.

Ngày 14.3 vừa qua, giáo sư Hawking đã về cõi vĩnh hằng trong sự tiếc thương vô hạn của những người từng yêu mến và ngưỡng mộ ông. Đáng tiếc, ông đã không thể nhận giải Nobel như kỳ vọng từ nhiều năm nay. Mặc dù vậy, Lược sử thời gian cùng nhiều ấn phẩm khác của ông sẽ tiếp tục được tái bản và được nhiều thế hệ sau này biết đến. Cái ngọn lửa đam mê khoa học mà ông và Sagan đã góp phần truyền đi sẽ không bao giờ tắt.

Sky+:Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template