Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

VỀ ĐÂY NGHE...A KHUÊ


Đăng ngày: 11-06-2010
A KHUÊ thành viên nhóm Ngậm ngãi tìm trầm _ LÊ SƠN THẠCH


VỀ ĐÂY NGHE...A KHUÊ

Nhà thơ A. Khuê
- Tên thật: Hoàng Văn Phúc
- SN 1948 tại xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương
- Hội viên Hội VHNT tỉnh
- Chi hội trưởng chi hội âm nhạc - điện ảnh - sân khấu.

Tình Thiên Thu_Tác giả: A Khuê, Cs: Trần Thu Hà


TÀI HOA RỒI CŨNG RA ĐI
"Thương tặng hương hồn A-Khuê"

Ðàn bò đã khuất trong sương
Người chăn bò cũng lên đường viễn du.
Ung dung về cõi Thiên Thu
Ðồi hoang cỏ biếc mịt mù dấu xưa !
Cách biệt nhau đã bao mùa
Sương pha mái tóc đời chưa tương phùng.
Ðắng cay từ độ nghìn trùng...
Biết đâu Hợp Phố mà mong Châu về.
Nhạc Thơ còn vọng trời quê
Tài hoa một kiếp ÐI, VỀ tay không !!

Lê Sơn Thạch

Biết bao giờ_Nhạc, lời: A khuê, Ca sĩ Quỳnh Châu


NHÀ THƠ A. KHUÊ ĐÃ RA ĐI

Nhà thơ A. Khuê đã ra đi vào cái tuổi ngoài 60 trong đêm 13/08/2009 sau một cơn đột quị. Chọn Bình Phước là quê hương thứ ba (thứ 2: Đà Nẵng)

Anh là tác giả bài thơ "Về Đây Nghe Em" mà nhạc sĩ Trần Quang Lộc chuyển thành ca khúc rất nổi tiếng.

Trước 1975 anh có tập thơ " Vàng Bay " do NXB Da Vàng Đà Nẵng ấn hành 1970.
Sau 1975 anh có tập thơ " Lùa Bò Trong Sương " do NXB Trẻ ấn hành 1999.
Anh còn dự định cho xuất bản khoảng 300 Tình Khúc A. Khuê, nhưng không kịp.
Gia đình đã chọn Thị trấn Đồng Xoài, Huyện Đồng Phú, Tỉnh Bình Phước cho anh an nghỉ cuối cùng.

1- năm trước, lần đầu tiên tôi gặp A.Khuê ở Đồng Xoài, trong một túp lều nhỏ của anh. A.Khuê đã mở đầu câu chuyện với tôi bằng những câu hỏi lạ lẫm giữa hai con người chưa một lần quen biết trước đó. Thế rồi chúng tôi quen nhau, trở thành bạn thơ của nhau. Hồi ấy Đồng Xoài còn thưa người lắm! Mỗi lần tôi buồn, A.Khuê lại ngữa mặt lên trời rồi “nhả” vào thinh không mấy vần thơ, như muốn chia sẻ cùng tôi cái nỗi niềm nhớ quê da diết.

Lên đồi tóc trắng lê thê
Cỡi trâu thổi trúc nhớ quê nghìn trùng
(Thơ A.Khuê - trích từ tập Vàng bay)

A.Khuê bảo rằng tôi chưa đi nhiều, chưa trải nghiệm buồn vui nhiều như anh, nên tôi chỉ mới nhớ nhà, nhớ quê…còn anh, anh nhớ cả tiếng bò “than” khát nước, tiếng chim hót buổi bình minh, tiếng tắc kè hòa nhịp (1) mỗi khi anh đàn hát giữa khuya…nhớ cả những nơi mà thời gian tạm trú của anh cũng vừa chỉ đủ để hát xong bản nhạc, đọc xong bài thơ với bạn bè.

Bóng gương_Nhạc A khuê, thơ Thái Thanh Nguyên, CS Quỳnh Châu


2. A.Khuê “sinh ra đời để đi”. Lời nhận định về anh của giới văn nghệ sĩ quả không sai. Năm 15 tuổi anh đã rời Quang Phục- Tứ Kỳ- Hải Dương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình để cùng với người bạn Trần Quang Lộc đi ngao du khắp nơi và sống được bằng chút năng khiếu bẩm sinh về thơ, nhạc. Con người chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ ấy đã có nhiều trải nghiệm với đời. Trải nghiệm ấy đã cho anh những vần thơ chân chất, mộc mạc và những nốt nhạc trữ tình đầy sâu lắng.

Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây mặc áo the đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Và về đây nghe lại tiếng ru thơ ấu khúc hát ban đầu…

(“Về đây nghe em”- lời A.Khuê-nhạc Trần Quang Lộc)

Thoạt nghe cứ ngỡ chỉ là những lời tình tự của chàng trai với người bạn gái chốn thành đô. Nhưng thực ra ca khúc không chỉ đơn thuần là lời mộng mơ, tự tình của đôi lứa, mà nó ẩn chứa một ước mơ lớn lao hơn: Ước mơ về một cuộc sống thanh bình, không hận thù, không lọc lừa - Một cuộc sống với những mối quan hệ được thiết lập giữa người với thiên nhiên và người với người…Cái mơ ước đầy tính thiện đó được biểu đạt bằng những câu thơ mộc mạc, hồn nhiên, trong trẻo như ngôn ngữ đời thường dân dã (*).

Thơ A.Khuê, dẫu đó là những vần thơ có chút “lang bạt”, kể chuyện đời, hay thơ tình…đều được thể hiện rất tự nhiên, hình như anh không hề dụng công tý nào. Mỗi vần thơ, mỗi câu chữ, ngoài cái sự “đắm say” vẻ “hồn nhiên” (chữ dùng của nhiều nhà báo), đều ẩn chứa tình người, sự bao dung, một ước mơ về cuộc sống thanh bình, một sự kiếm tìm quê hương đích thực.

Lùa đàn bò say
Nghêu ngao trong sương
Đời qua ngọn gió
Cát bụi muôn phương…
(Lùa bò trong sương)

Lùa bò trong sương”- tập thơ được báo chí bình phẩm và khen ngợi nhiều-tập thơ đã làm nên tên tuổi của A.Khuê, cũng chính là sự đúc kết chuỗi hành trình đi- trải nghiệm- sống đích thực của anh…

KHUNG TRỜI YÊU_nhạc Nguyễn Ngọc Tài, CS Quỳnh Châu


3. A.Khuê thành công với những tác phẩm thi ca, điều ấy đã rõ. Nhưng thành công lớn nhất của anh, đóng góp lớn nhất của anh lại là thể loại sáng tác nhạc. Anh đã viết gần 1.000 ca khúc. Chưa cần bình phẩm những ca khúc này dở hay thế nào, chỉ cần biết một người đang mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh mà cứ tranh thủ những lúc khỏe để ngồi ghi chép từng nốt nhạc để lại cho đời cũng đã khá khen rồi.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Tấn - một trong những người bạn thân thiết nhất của A.Khuê nhận định: Bất cứ dở hay, tác phẩm của A.Khuê kể cả thơ hay nhạc, không hề có dấu vết của sự rung động giả tạo, làm dáng trí thức- một căn bệnh phổ biến trong giới cầm bút đương đại. Khi xuất hiện với tư cách nhạc sĩ, hình như A.Khuê cũng không có ý tạo cho mình một sự nghiệp đồ sộ. Anh chỉ viết để giải bày, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống ( mà đa số là niềm vui); vậy nên ca khúc của anh thường theo thể loại kể chuyện, tâm tình (Recitatif), như: Khi chúng ta gặp nhau, Lời nguyện cầu cho hoa, Tình thiên thu, Viễn mộng, Chiều xuân Thác Mơ, Tìm nhau…Và, chính những ca khúc ấy đã làm cho thơ của anh thêm lung linh, sáng ngời theo kiểu tuyến tính.

A.Khuê nói, anh may mắn được thân phụ cho theo học vĩ cầm từ nhỏ, bản thân anh cũng có được chút năng khiếu thơ nhạc và tình yêu cuộc sống mãnh liệt: yêu con người, cỏ cây, yêu cả những viên sỏi vô tri bị người ta ném giữa đời thường, nên anh viết dễ lắm! Người khác có thể chỉ viết được trong lúc yên tịnh, riêng anh có thể sáng tác trong khi đám trẻ con đứa bẹo má, đứa véo tai.

Với một “kho tàng” kể cả thơ và nhạc anh viết từ năm 17 tuổi đến nay, nếu đem in hết thảy có khi lên đến vài mươi cuốn sách. Nhưng A.Khuê nhất quyết không chịu “làm kinh tế tri thức”- điều mà hầu hết các nhạc sĩ, thi sĩ cần phải theo để nuôi sống cảm hứng sáng tác, điều kiện sáng tác. May mắn thay vẫn có một số tác phẩm thơ và nhạc của anh được bạn bè, đồng nghiệp vì ngưỡng mộ tài năng và nhân cách, đã gom góp in thành sách, dĩa VCD, DVD…Nhờ vậy mà công chúng đã sớm biết đến A.Khuê như một thi sĩ, nhạc sĩ tài năng và bình dị giữa đời thường.

Mùa xuân này A.Khuê đã “sáu mươi năm cuộc đời”. Cái “gã” thi sĩ-nhạc sĩ lãng tử bổng dưng sợ…cái vòng đời sáu mươi là…hết!, bèn tâm sự: “ Hôm qua tớ chợt giật mình, ở tuổi sáu mươi tớ mới biết đứa trẻ mới chào đời cũng cần lời khen: chui ra đi con, chui nhanh lên, giỏi lắm!- Người bác sĩ phụ sản vừa khen xong, thế là đứa bé chào đời rất lẹ mà người mẹ trẻ chẳng hề đau đớn…”. A.Khuê chợt thổ lộ lòng mình: thú thật với cậu, cái tâm tớ tốt lắm, nhưng lâu nay tớ thẳng tính quá, khó tính quá nên cũng chỉ được lòng những ai hiểu mình. Tớ đi nhiều, từng trải nhiều nhưng lại thiếu nghệ thuật khen, chê…Mà ở đời, cậu thấy đấy, đôi khi người ta cần lời khen lắm lắm.

Riêng tôi, lại nghĩ cái sự thẳng tính, khó tính của anh là cần thiết. Bởi nếu không có A.Khuê “gác cổng” với tư cách của một chi hội trưởng âm nhạc-điện ảnh-sân khấu của một tỉnh có nhiều văn nghệ sĩ trẻ, ai dám bảo sẽ không còn có những tác phẩm âm nhạc “mì ăn liền” kiểu “ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra”…


“Về đây nghe…A Khuê” 

Nghe anh kể bố anh là nhạc sĩ, danh cầm violon Hoàng Liêu nổi danh một thời, anh trai là nhạc sĩ Hoàng Lương hiện ở Vũng Tàu, còn anh lại bỏ qua cái tên Hoàng Phúc và dùng A Khuê làm danh xưng.

Vậy là sau nửa thế kỷ lận đận, nay đây mai đó, thi sĩ A Khuê đã chịu cùng vợ con về sống trên đồi cao, thuộc thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Đã 10 năm ngụ cư cứ tưởng gia đình anh được mở mày mở mặt ở cái xứ sớm lạnh giá, trưa lại nóng như rang, như đốt này, thế mà nhà cửa vẫn tuềnh toàng, với bốn bức tường xây tạm gọi là cho hình thành cái phòng ở.

Không hiểu bởi cái duyên cớ gì mà tôi mấy lần định mò mẫm lên với anh; và rồi cuối cùng, cũng đã ngồi đối diện với anh bên cạnh cái cửa sổ búi xùi nhỏ bé, vào một buổi trưa oi ả. Chợt trong lòng tôi lại vang lên lời thơ của anh trong bài hát "Về đây nghe em" do Trần Quang Lộc phổ nhạc.

Và đúng là tôi đã về đây nghe "Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai. Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới..." cùng anh.

Tôi giục anh đàn hát cho tôi nghe một ca khúc mới nhất về tình yêu. Nhưng mà nghe sao trầm buồn làm vậy. Sang trọng đấy nhưng lại ai hoài và nghe như văng vẳng đâu đó tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Cái nốt kết bài hát cùng lời thơ của anh uẩn khúc như tiếng thở dài vậy.

Giọng anh đã khê khàn và ngón tay đã khô khỏng trên mỗi phím đàn mà tôi nghe thấy tồi tội dường bao. Rồi tôi ngẫm nghĩ trong giai điệu dịu dàng như tâm hồn anh vậy. Ấy là những giây phút thiêng liêng trong anh đang đậu bên cánh cửa thiên đường của tình yêu. Giai điệu sâu lắng nhưng buồn rượi. Đột nhiên từ con đường dốc nhỏ dẫn lên nhà anh có tiếng xe máy rồ ầm ĩ cả đồi cao. Anh dừng tay đàn rồi nhoẻn cười nói:

- Anh bạn họa sĩ Quốc Việt lên chơi đó!

Vừa hay một đàn gà con cùng gà mẹ ríu rít chạy vào căn phòng khách trống trải này. Chúng mổ và kêu chích chích trên sàn nhà , chạy cuống quýt dưới gầm tủ mốc thếch để tìm mồi. Có cái gì để chúng ăn ở đây cơ chứ!?. Căn nhà hun hút gió lùa. Đàn gà cứ vô tư đi lại trong nhà như ngoài vườn vậy.

Khi anh chàng họa sĩ với một bộ dạng rất ngầu giống một tên phỉ với bộ râu rậm rịt bước vào làm đàn gà chạy toé sang cửa bên. Bất ngờ tôi cũng giật mình, không phải vì anh chàng dữ dằn kia mà vì những chú gà chạy vụt mất, bay khỏi cảm xúc bâng quơ gần như lạc lỏng của mình.

Thì ra đây là Quốc Việt, người đã thiết kế maket quảng cáo cho đêm trình diễn âm nhạc của A Khuê ở TP HCM cách đây vài năm. Tôi vội ngắm cái bảng quảng cáo với màu đen đã phai và các họa tiết đầy phá phách đúng bộ dạng ngang tàng như A Khuê ở ngoài đời mà lại cũng dịu dàng như A Khuê trước 7 nốt nhạc của đất trời đem lại.

A Khuê chẳng kể chuyện về mình nhiều nhưng họa sĩ Quốc Việt lại nói:
- Cuộc đời A Khuê khúc khuỷu lắm đó!

Rồi anh kể như thuộc lòng những năm tháng mà A Khuê tự đầy ải trong bể khổ. 6 năm theo gia đình ở Quảng Ngãi. 12 năm sinh sống ở Đà Nẵng rồi về Đồng Nai. Sau đó lấy vợ và xuống tỉnh Sóc Trăng những 14 năm để làm ruộng. Rồi bất ngờ lại quay về Đồng Nai ở đến 8 năm. Mãi tới năm 1998 cả nhà ngụ cư tại Bình Phước đến nay...

Chính A Khuê nghe anh bạn trẻ kể lại cũng thấy phát mệt, còn tôi thấy choáng ngợp vì với một người vật vã với đời như thế mà dám làm cho vợ chửa đẻ đến 8 đứa con, trong suốt tuyến đường chạy "Maratông" của 60 năm trôi qua. Tôi chợt nghĩ không khéo A Khuê là một thi sĩ kiêm nhạc sĩ tình ái này đạt kỷ lục về nhiều con nhất trong giới nghệ sĩ giang hồ chưa biết chừng. Đột nhiên tôi nhìn ra ngoái đồi, ngỡ như có ánh trăng lu xuất hiện làm tôi nhớ những câu thơ đầy ám ảnh của A Khuê:

"Đồi trăng không ngớt vi vu
Bữa nay tôi ngậm sương mù thở than
Đồi trăng mỏng diệu diệu vàng
Hồn bay, bay giữa hai hàng hoa lê"

Ma quái và u uất biết chừng nào. Cả một đời trần thế vậy còn gì. Nào làm ruộng, đốt củi, ca hát làm than, chăn bò...Và giờ đây để mưu sinh không có gì hơn với hai bàn tay trắng với cây đàn ghi ta gỗ ngây ngô trên đồi trăng.

Nếu ai có nghe ca sĩ Trần Thu Hà hát ca khúc "Tình Thiên Thu" của A Khuê mới hay anh lãng mạn và với muôn nỗi niềm dịu đắng trong lòng. Các nốt nhạc cứ mơ màng tha thiết như dứt ruột để cuốn những sợi tơ tâm hồn long lanh trong ánh trăng ngăn ngắt vàng rượi.

Và sao tôi lắng nghe một "Viễn mộng" do Tấn Minh hát, thấy day dứt nhưng lại sang trọng, trong một xứ sở tình yêu, ở một bầu trời nào đó không có thực và đúng là như anh cũng không có thực trên đời này.

Không biết anh chàng họa sĩ mê nhạc A Khuê kia mở album mới thâu khi nào mà tôi như bị hút hồn với những âm sắc kỳ lạ của giai điệu trời đất và ánh trăng chiều hôm phảng phất trên sườn đồi đầy huyền hoặc. Lúc này, A Khuê mới chịu lên tiếng:

- Nhiều lúc tôi không hiểu mình là ai nữa trên cõi đời này.

Bất chợt đám mây đen trôi qua, ánh nắng le lói từ vườn cây điều. Ngàn tia nắng như đánh thức tất cả những mụ mị trong căn nhà rỗng, mang cảm giác thiền của cái "sắc sắc không không" trên đồi cao. Đúng lúc ấy một người bạn trẻ khác của A Khuê là đạo diễn ca nhạc Việt Hoàng chạy lên và mang theo một cút rượu cùng ít đồ nhắm. Họa sĩ Quốc Việt nhìn tôi cười rồi nói:

- Gọi là ngồi với nhau cho vui thôi chứ A Khuê không thích bia rượu và ăn ít lắm

Đúng là một sự lạ, tôi thấy anh chỉ hút thuốc, mà độc mỗi loại có hình Con Mèo, chỉ với giá mươi ngàn. Tôi nghĩ chắc là thuốc rởm? A khuê ngồi im lặng bên bình rượu và chỉ nhón một hạt lạc khẽ nhai để hưởng cái bùi, thơm của trời đất trao tặng. Anh đang nghĩ gì thật khó định nhưng tôi lại ngờ rằng có lẽ lại một giai điệu tình yêu ngân lên trong trái tim đầy đam mê của anh.

Chả thế Việt Hoàng nói đến nay A Khuê có tới cả ngàn ca khúc là đúng. Rồi chính anh nhắc A Khuê lấy ra 3 tập nhạc, đã chép cẩn thận, đang chờ xuất bản và một CD gồm 36 bài được chọn lọc theo một hợp đồng bán bản quyền cho FPT, để phát sóng trên kênh nhạc số.

A Khuê nói rằng thơ trong anh đã ngủ quên suốt những mùa đông của 10 năm qua nhưng lại ẩn vào âm nhạc. Một đời nhạc đã quay về bởi đây mới chính là cái gốc mà anh đã được học để mưu sinh và sáng tạo trong quãng đời dài của mình. Âm nhạc đã ngự trị trong anh sau cái đận "thả ước mơ đi hát dạo".

Anh kể hàng chục ca sĩ đã chọn ca khúc này để biểu diễn và nó đã trở thành tiết mục tủ trong các đêm biểu diễn. Và tôi lại nghĩ, cái lý tôi lên đây, phải chăng đó là câu hát này: "Về đây mặc áo the đi guốc mộc. Kể chuyện tình bằng lời ca dao...". Và tôi đã gặp anh. Tôi nói chuyện nhẩn nha, nghe anh kể bố anh là nhạc sĩ, danh cầm violon Hoàng Liêu nổi danh một thời, anh trai là nhạc sĩ Hoàng Lương hiện ở Vũng Tàu, còn anh lại bỏ qua cái tên Hoàng Phúc và dùng A Khuê làm danh xưng. Đột nhiên tôi hỏi vì sao lại có tên Khuê. Anh ghé tai tôi nói nhỏ làm như rất sợ vợ mặc dù chị chẳng có nhà, anh lẩm bẩm nói:

- Đó là tên cô gái mà tôi yêu hồi 15 tuổi.

Tôi phì cười vì cho là mối tình cổ tích đó chẳng thể làm bất cứ người vợ nào ghen tuông. Nhưng khi tôi hỏi còn chữ A? Thì anh chúm chím cười, rồi bộc bạch:

- Mình là người của rừng núi mà. Là con cháu của Ama Kông chẳng hạn.

Nghe vậy mọi người cười ran. Tôi nghĩ thảo nào anh có tới 8 đứa con là phải. Nhưng anh đưa ngón tay lên suỵt miệng nói vui:

- Nhưng cả đời mình chỉ có một bà thôi. Long đong khốn khổ nhưng vẫn chung thuỷ cho đến đầu bạc răng long nhé.

Lúc này A Khuê đã vui hơn, nói nhiều hơn và tôi biết rằng anh đã quên đi mọi cái lo toan thường nhật. Quên đi đàn lợn đang kêu rít lên vì đói ở phía sau nhà để làm cho tôi vui. Bên chén rượu còn thơm phức mùi nếp, anh ngồi cho vui để nói chuyện, để hát và để cười với tôi, một tay cũng một đời lang thang đây đó, về hội ngộ. Và bỗng nhiên câu hát của anh lại vang lên từ giọng hát của chính đạo diễn Việt Hoàng, nghe thân thương làm sao:

"Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để đời đời làm giọt sương mai
Để chào đời bằng lòng mới lớn
Để hận thù người người lắng xuống
Và tìm nhau như tìm xót xa
Trong lúc lệ đã đầy vơi..."

Tôi khe khẽ hát theo và có lẽ đó là sự kỳ ảo của thi ca đang tràn ngập trong tâm hồn của A Khuê. Bên cái dốc nhỏ như khe suối dẫn khách lên căn nhà đầy gió và nắng này, có lẽ nghe bài hát "Về đây nghe em" lúc này mới thật hay và cũng chính trên đỉnh đồi này tình khúc "Viễn mộng" của anh ngân nga óng ả mới làm thổn thức lòng người làm sao.

Tôi nhìn A Khuê mỉm cười. A Khuê nhìn tôi cũng với đôi mắt cười. Hai kẻ lang thang giang hồ thật "hạnh phúc khi đã gặp nhau"

Sky+ tổng hợp

BÀI LIÊN QUAN

Lê Sơn Thạch_THƠ : VÀNG PHAI MẤY ĐỘ
Kiên Giang : bài đề tựa tập thơ " VÀNG PHAI MẤY ĐỘ " của LÊ SƠN THẠCH
VỀ ĐÂY NGHE...A KHUÊ
Lê Sơn Thạch CHỢT NGHE EM HÁT DẬY CUỒNG MỘNG XƯA
Lê Sơn Thạch _THƠ : CUNG THƯƠNG NGÀY CŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template