Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Cú lật ngược thế cờ ngoạn mục của Putin



Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)
Cú lật ngược thế cờ ngoạn mục của Putin

Tại hội nghị G20 ở Brisbane năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chịu sự "ghẻ lạnh" của các nhà lãnh đạo phương Tây. Nhưng giờ đây, ông đã chứng tỏ họ phải cần mình.

Đó là nhận định trong một bài viết của Simon Tisdal, nhà bình luận của báo The Guardian về các vấn đề ngoại giao.

Theo tác giả Simon Tisdal, cách đây 12 tháng, Tổng thống Nga là một mục tiêu bị công kích tại hội nghị G20 ở Brisbane. Các nhà lãnh đạo phương Tây thi nhau lên án ông can thiệp quân sự vào Ukraina và sáp nhập bán đảo Crưm.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Putin sẽ bị cô lập trên toàn thế giới; Thủ tướng Anh David Cameron nói ông không tin nhà lãnh đạo Nga; Thủ tướng Canada khi đó, Stephen Harper, nói huỵch toẹt: "Ra khỏi Ukraina đi".

Phản ứng một cách giận dữ trước một loạt đòn cấm vận nhằm vào Nga, Putin tuyên bố các nhà lãnh đạo phương Tây "hồ đồ" và đang khiến cho các vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi trừng phạt Moscow.

Tuy nhiên, chỉ trích nhằm vào người đứng đầu điện Kremlin vẫn không giảm và ông đã rời hội nghị sớm.

Cho đến hội nghị G20 năm nay ở Thổ Nhĩ Kỳ, dường như mọi thứ đã thay đổi. Putin trở thành nhân vật trung tâm.

Ông sôi nổi trao đổi với Obama và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice. Ông cũng có các cuộc đối thoại tích cực với Thủ tướng Anh Cameron và nhiều nhà lãnh đạo khác. Không còn bị tẩy chay và lên án nữa, ông trở thành người mà ai cũng muốn gặp.

Mấu chốt lật ngược thế cờ này không có gì bí mật. Bị nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công táo tợn, sa lầy vào một cuộc khủng hoảng di cư và đang tuyệt vọng tìm câu trả lời cho cuộc chiến ở Syria, các nhà lãnh đạo phương Tây - được Obama hậu thuẫn - đã phải đi đến một kết luận dù khá khiên cưỡng: Họ cần Nga.

Phát biểu sau loạt vụ khủng bố tàn khốc ở Paris tối ngày 13/11, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kêu gọi một liên minh quốc tế mới và đa dạng chống lại IS. "Chúng ta phải tính đến hậu quả của tình hình ở Syria, ông nói. "Chúng ta cần tất cả mọi người để tiêu diệt Daesh [IS], trong đó có người Nga. Không thể có hai liên minh ở Syria".

Tổng thống Pháp đương nhiệm Francois Hollande đã nhắc lại lời kêu gọi của người tiền nhiệm về một hành động quân sự quốc tế thống nhất phối hợp với Nga khi phát biểu trước Quốc hội Pháp ngày 16/11.

Thủ tướng Anh Cameron cũng có lập trường tương tự. Ông kêu gọi Putin tập trung hỏa lực Nga vào các mục tiêu IS, và tuyên bố Anh sẵn sàng thỏa hiệp về một thỏa thuận hòa bình chung và một giai đoạn chuyển giao ở Syria.

Nhà Trắng thông báo hai ông Obama và Putin đã nhất trí cần phải có một "sự chuyển giao chính trị do người Syria làm chủ và dẫn dắt, theo sau các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc làm trung gian giữa chính phủ và phe đối lập Syria, cùng một thỏa thuận ngừng bắn".

Đây rõ ràng là một cú hat-trick ngoại giao đối với Putin.

Trước tiên, ông khiến phương Tây phải công nhận rằng, các lực lượng quân sự của Nga có một vai trò chính đáng ở Syria, trao đổi cam kết sẽ hợp tác với liên quân do Mỹ dẫn đầu và không nổ súng vào "những người tốt".

Điều này làm đảo ngược hoàn toàn quan điểm lúc đầu của Mỹ, rằng sự can thiệp quân sự của Moscow là không được chào đón và "rồi sẽ thất bại".

Nhận thức mới hiện nay còn mang lại cho Putin một sức mạnh chính trị mà ông cần ở bên trong nước Nga, sau khi Moscow thừa nhận, dù khá muộn, rằng máy bay Nga bị rơi từ bầu trời Sinai, Ai Cập, là do một quả bom của IS.

Ngày 17/11, Putin tuyên bố tăng cường các hoạt động chiến đấu của Nga, và ông ngay lập tức giữ lời, cho phóng tên lửa hành trình và điều máy bay ném bom tầm xa tấn công IS.

"Chúng tôi sẽ truy lùng chúng (IS) ở bất cứ nơi nào chúng ẩn náu. Chúng tôi sẽ tìm kiếm chúng ở mọi ngõ ngách trên hành tinh và trừng phạt chúng", ông khẳng định.

Cả Obama và Cameron đã buộc phải chấp nhận Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể tiếp tục nắm quyền, có thể trong khoảng thời gian 18 tháng diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc giám sát, như ông Putin đề xuất. Cho tới gần đây, các nhà lãnh đạo Ảrập và phương Tây vẫn khăng khăng đòi Assad phải ra đi.

Cameron thậm chí còn cam kết các lợi ích chiến lược của Nga ở Syria - bao gồm các căn cứ hải quân và không quân của nước này ở Địa Trung Hải - sẽ được công nhận hoàn toàn và được bảo vệ bởi bất kỳ thỏa thuận nào - đúng như một mục tiêu chủ chốt khác mà Putin theo đuổi.

Không chỉ có vậy, Nga dường như còn thành công trong việc giành được sự chấp nhận ngầm về tình hình thực tế ở Ukraina. Dù sao thì cuộc chiến ở miền đông nước này cũng đã giảm nhiệt sau các thỏa thuận được ký ở Minsk (Belarus). Nhưng Nga vẫn cương quyết kiểm soát Crưm và việc Moscow sáp nhập bán đảo này có vẻ đã an bài.

Các quan chức cho rằng, ông Obama đã nêu ra vấn đề Ukraina với ông Putin tại cuộc gặp G20. Nhưng việc trao trả lại Crưm không được đem ra thảo luận. Kết luận chắc chắn là ván cờ đã nghiêng về Putin và Crưm giờ đây đã hoàn toàn tuột khỏi tay Kiev.

Nhưng sẽ sai lầm nếu hiểu đây là một sự phục hồi của Nga. Nước này vẫn bị cấm vận và đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng, một phần do giá dầu xuống thấp.

Tuy nhiên, đánh giá của nhiều người Mỹ rằng, Putin là một chiến lược gia yếu kém giờ đây đang có vẻ bị chứng minh ngược lại. Sự can thiệp của Nga thay vì làm ông suy yếu thì lại đang đưa nước Nga trở lại vị trí của mình trong cuộc đàm phán.

Và không còn là tâm điểm bị chỉ trích nữa, Putin giờ đây đã trở thành người dẫn dắt ngoại giao.

Thanh Hảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template