Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Ca sĩ Cao Minh: “Âm nhạc là đạo, lao động là tu tâm”



Ca sĩ Cao Minh: “Âm nhạc là đạo, lao động là tu tâm”

Sau một thời gian “vắng bóng” trên sân khấu ca nhạc, nhiều người nói ca sĩ Cao Minh đã lên rừng, xây chùa niệm Phật. Đúng thật, Cao Minh đã xây “Cao Minh tự” nằm trên vùng đồi vắng, rộng hơn 20ha ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

Ngoài “sân chùa”, anh thiết kế sân khấu ca nhạc dưới những gốc cây rừng gần với trăng sao, trời mây và có cả một dòng sông với những con đò nhỏ… Những công trình kiến trúc ở đây lạ lẫm, đầy chất ngẫu hứng, giống như chủ nhân của nó. Và rồi chính cái “không giống ai” đó đã níu chân bè bạn.

Tiếng hát của Tiểu Đoàn 307

Người yêu nhạc biết đến ca sĩ Cao Minh qua những ca khúc tiền chiến, trữ tình, sâu lắng như Bến Xuân, Đôi Mắt người Sơn Tây, Hòn vọng phu… Đặc biệt là những bài hát ca ngợi Bác Hồ như Dấu chân phía trước, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người… Và có một bài mà mỗi khi nghe anh hát như thấy khí thế hừng hực của đoàn quân đi, đó là Tiểu đoàn 307. Ngoài đời, công chúng thường gặp Cao Minh qua hình ảnh một ông chủ quán cà phê sân vườn ở quận Bình Thạnh với nhiều mô hình kiến trúc kỳ lạ.

Đang làm ăn ngon lành bỗng dưng từ năm 2000, Cao Minh vắng mặt trên sân khấu ca nhạc. Có người nói anh đã lên rừng xây chùa, ăn chay niệm Phật… Thế rồi đùng một cái, cuối năm 2007, Cao Minh điện thoại mời bạn bè chiều thứ Bảy lên xem “cơ ngơi” của mình. Anh đã dành toàn bộ số tiền mình có mua hơn 23ha đất, mấy năm qua phải dành thời gian xây dựng vườn sinh thái. Tương lai Minh sẽ biến nó thành một điểm hẹn để anh em bạn bè đưa gia đình lên chơi vào những ngày cuối tuần.

Riêng ngôi chùa thì những lúc cần Minh vào đó tịnh tâm và có cơ hội quán xét lại mình. Chỉ trong tĩnh lặng, mới có thể nhìn lại mình nhiều hơn và hoàn thiện mình tốt hơn. Minh quan niệm “âm nhạc là đạo, lao động là tu tâm” hai thứ ấy không thể thiếu trong đời sống của Minh.

Trắng đêm bên ánh lửa bập bùng dưới khu nhà sàn bên “dòng sông thơ mộng”, Cao Minh kể lại chuyện những tháng ngày đã qua…

Một nông dân biết hát

Qua 5 năm làm nông dân ở đây, cái đạt nhất của anh là gì? Tương lai anh làm gì với khu vườn sinh thái này?

Nhờ suốt mấy năm làm “nông dân” nên sức khỏe, của Minh hiện giờ rất tốt. Minh có thể hát liền nhiều bài trên sân khấu mà không thấy mệt. Ở đây tuy vắng lặng hoang vu, nhưng lại gần thiên nhiên nên rất thuận tiện cho Minh luyện âm và yoga. Riêng khu vườn sinh thái thì Minh chưa dám nghĩ nhiều. Tuy nhiên, ai đến chơi thì Minh sẵn sàng đón tiếp… Một số anh bạn ở các công ty du lịch thấy vậy đề nghị Minh đưa vào tour du lịch cuối tuần. Việc này Minh đang cân nhắc.

Anh là ca sĩ chuyên nghiệp, sao lại chọn mô hình này?

Minh chính là một nông dân thứ thiệt, nhưng đã bao năm theo nghiệp ca hát, nay đã trở về đúng vị trí của mình. Minh luôn tự hào vì mình là một nông dân, một nông dân lãng mạn, một nông dân biết hát. Đến giờ Minh vẫn còn “thẹn” khi công chúng gọi mình là ca sĩ, bởi cái gốc của mình là nông dân và ông bà, cha mẹ cũng đều từ nông dân mà ra. Ở đây mình có thể trút hết cả niềm đam mê theo nhạc và mình cũng có thể cầm cuốc ra đồng làm một nông dân chính hiệu.

Các công trình kiến trúc ở đây không giống ai, việc này do anh tự thiết kế? Do Minh tự thiết kế, tự lái máy cẩu, chạy xe Kobe, móc đất tạo sông, khiêng đá làm bờ kè, làm cầu treo... Minh chỉ thuê người phụ. Cái lạ không giống ai là trước đây mình có lần đi tham quan đền Angkor bên Campuchia, thấy lối kiến trúc ở đây vô cùng kỳ lạ nên rất ấn tượng. Mặt khác, Minh cũng có dịp đi một số nước khác và chứng kiến những cảnh đẹp ở vùng đồng quê. Chính vì những ấn tượng đó Minh mới suy nghĩ ra lối kiến trúc lạ đời này.

Như các bạn nhìn thấy đó, ở đây có khu thì mang dáng dấp của xứ Ảrập huyền bí, khu nhà sàn lại giống nhà Rông ở Tây Nguyên, bên bờ hồ là những cối xay gió… Việc này một phần cũng do trước đây Minh đã đọc Nghìn lẻ một đêm, hoặc đấu sĩ Đông Ki-sốt một mình chiến đấu với cối xay gió, nên Minh tưởng tượng ra thành kiến trúc xây dựng. Ở đây có đầy đủ từ nhà nghỉ đến sân khấu ca nhạc, đu dây vượt hồ, câu cá tát mương, chèo thuyền, đi bộ khám phá rừng… đúng như sở thích của Minh khi còn nhỏ.

Một “quái nhân”

Cảm giác của anh khi mới đặt chân lên vùng đất này?

Những ngày đầu “khai hoang”, đi lối nào cũng gặp rắn. Đêm xuống một mình cô độc giữa vùng đất vắng lặng, hoang vu… Minh lại thích cái cảm giác rợn người này. Lúc đó người dân xung quanh tưởng Minh là “quái nhân” đang sống trong ngôi nhà ma chứ không ai nghĩ chủ nhân của nó là một ca sĩ. Sáng sáng khi thức dậy, nhìn những tác phẩm chưa hoàn chỉnh của mình, bất chợt Minh buột miệng mình là một ca sĩ không giống ai, nên làm những chuyện cũng không giống ai.

Một đêm ngẫu hứng giữa rừng

Sau khi ăn tối, thầy trò Cao Minh bắt tay chuẩn bị show ca nhạc phục vụ khán giả. Nói sân khấu cho xôm, chứ thật ra chỉ là vài tấm ván được kê dưới những gốc cây rừng và ban nhạc là cây ghita thùng và một đàn organ. Hơn 200 khán giả ngồi bao quanh sân khấu nghe Cao Minh hát. Từ bài hát sôi động làm nóng bầu không khí Tiểu đoàn 307, đến nỗi da diết trước một mối tình dang dở không đủ can đảm nói ra của một chàng trai Không thể và có thể, Những ánh sao đêm, Đôi mắt người Sơn Tây…

Khi mọi người thấm cái se lạnh của núi rừng, Cao Minh đưa mọi người lê bước trong đêm với Đêm Đông, rồi hướng mọi người về thủ đô với ca khúc Hướng về Hà Nội… Về khuya, Cao Minh đưa mọi người đến không gian trữ tình lãng mạn, anh bước lên ngọn cây, đu cáp treo lơ lửng như cánh chim giữa hồ rồi đáp mình xuống chiếc đò nhỏ đang lững lờ trôi trên sông với tác phẩm Con thuyền không bến, Bến Xuân, Trường ca sông Lô…

Có thể nói đây là một đêm ngẫu hứng tuyệt vời của Cao Minh, anh hát bằng cả con tim. Riêng tôi, đã nhiều lần nghe Cao Minh hát, nhưng có lẽ đây là đêm tôi nghe anh hát hay nhất. Trau chuốt cho sự rung động kỳ diệu đó phải kể đến ngón đàn ghita lúc réo rắt, lúc trầm buồn trước một không gian mà đất, trời, sông nước, núi rừng và con người như hòa quyện…

Ngọc Quý
Cao Minh sinh ra ở Long An, lớn lên ở Tây Ninh. Cái nghiệp hát ca đã thấm vào Minh từ nhỏ khi nghe tiếng hát của các ca sĩ qua sóng phát thanh. Nỗi đam mê đã buộc Minh thường trốn nhà ra chợ Trảng Bàng chờ nhìn bà Hai Lùn đồng bóng gảy chiếc đàn một dây để bắt chước. Minh lén cha tháo sạch mấy cái loa trong radio cũ, gắn vào chiếc máng cho lợn ăn và tháo bình ắc-quy trong xe máy cày đem ra ruộng chế tạo chiếc đàn bằng cái máng lợn rồi mặc sức ca hát. Bực mình với đứa con nghịch ngợm, người cha buộc Cao Minh phải chú tâm vào việc học hành và dứt khoát không cho hát với hò. Thế nhưng mọi cản trở không ngăn được nỗi đam mê ca hát của Minh. Năm 1978, Cao Minh đạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình tỉnh Tây Ninh, bắt đầu từ đó con đường âm nhạc đã mở ra...

Khăn gói từ quê lên, Cao Minh thi vào Nhạc viện TP.HCM và khi đang là sinh viên của Nhạc viện, Cao Minh đoạt giải người hát hay nhất về đề tài Bác Hồ, đồng thời đoạt luôn giải Người hát dân ca hay nhất và giải nhất Concour (thính phòng) toàn quốc. Để có được thành quả ấy, ít ai biết được quá trình cực khổ của anh. Buổi sáng, nhịn đói đến trường luyện thanh, trưa về nhà trọ xách đồ nghề xuống lề đường sửa xe kiếm cơm. Chiều thuê xích lô đạp mướn để kiếm tiền ăn buổi chiều...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. KỸ THUẬT ĐÀ NẴNG - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template