Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Toan tính của Triều Tiên khi táo bạo phóng tên lửa bay qua Nhật Bản




Theo một số thông tin ban đầu, tên lửa Triều Tiên đã bay xa khoảng 2.700km.
Toan tính của Triều Tiên khi táo bạo phóng tên lửa bay qua Nhật Bản


Vụ phóng tên lửa mới nhất là lời chứng minh cho tuyên bố Triều Tiên đủ khả năng tấn công đảo Guam không phải lời nói suông.

Sáng 29/8, Triều Tiên đã phóng một tên lửa qua Nhật Bản mà Thủ tướng Shinzo Abe đã gọi là mối đe dọa "nghiêm trọng hơn bao giờ hết" với đất nước của ông.

Tên lửa bay qua Erimomisaki, phía Bắc của Hokkaido và vỡ thành ba mảnh trước khi rơi xuống Thái Bình Dương, cách khoảng 1.180 km ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Ngay trong sáng nay, cảnh báo đã gửi tới người dân Nhật Bản kêu gọi mọi người tìm nơi trú ẩn.

Hàn Quốc phản ứng bằng cách tiến hành một cuộc diễn tập ném bom lúc 9h30 sáng giờ địa phương để kiểm tra "khả năng tấn công Triều Tiên" trong trường hợp khẩn cấp, một quan chức bộ Quốc phòng nước này nói với CNN.

Xem


Lần đầu kể từ năm 1998

Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng thành công một tên lửa qua Nhật Bản kể từ năm 1998, khi nước này phóng tên lửa đưa vệ tinh vào không gian.

Các nhà phân tích tin rằng màn thử nghiệm ngày hôm nay đã thể hiện sự tự tin ở mức cao của Triều Tiên so với trước đây.

"Đó là một vấn đề lớn khi phóng tên lửa qua Nhật Bản. Triều Tiên đã tránh hành động này trong nhiều năm do việc thử nghiệm tên lửa luôn yêu cầu phóng về hướng Nam do hướng Đông sẽ khiến thử nghiệm ít hiệu quả (ảnh hưởng bởi chuyển động quay của Trái đất)”, David Wright, Giám đốc Chương trình an ninh toàn cầu tại Liên hiệp các Nhà khoa học nói.

"Điều này sẽ làm cho Nhật Bản trở nên hoang mang hơn trong lúc thời điểm tình hình đang nóng lên”.

Mỹ hiện đang tham gia cùng với Hàn Quốc trong cuộc tập trận có tên Người bảo vệ tự do Ulchi trong vòng 10 ngày. Phía Triều Tiên chỉ trích cuộc diễn tập là âm mưu xâm lược. Các nhà phân tích nói rằng có khả năng vụ phóng tên lửa là một phần chiến lược của Triều Tiên để chia rẽ Mỹ và hai đồng minh chính trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc.

"Chúng ta đã chờ đợi một phản ứng từ Triều Tiên về cuộc tập trận, nhưng điều này đã đẩy ranh giới đi quá một phản ứng bình thường”, Daryl Kimball, Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí nhận xét.


Giới phân tích dự đoán sẽ có một vụ thử khác đến tương đối sớm.

Tuy nhiên, Kimball nói rằng các cuộc đàm phán vẫn là giải pháp tốt nhất nhằm xoa dịu trước hành động của Triều Tiên.

“Mỹ và Nhật Bản có quá ít lựa chọn để ứng phó với các vụ thử tên lửa đạn đạo. Do đó đàm phán để yêu cầu Triều Tiên đồng ý ngăn chặn những vụ phóng để đổi lấy việc ngừng các bài tập quân sự trong tương lai là hướng đi hợp lý”, ông nói. “Bình Nhưỡng phóng tên lửa như vậy chỉ vì họ không có lựa chọn nào tốt hơn”.

David Schmerler, nhà nghiên cứu từ trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin ở Monterery, California cho biết, nếu vụ phóng sáng nay là một thử nghiệm không thành công của tên lửa tầm xa, sẽ không có gì bất ngờ nếu như Triều Tiên nhanh chóng thử thêm một lần nữa.

"Nếu đó là Hwasong-12, họ có thể cố gắng tiến hành một thử nghiệm toàn lực để có thể phóng tới Guam", Schmerler nói với ABC News. "Nếu tên lửa này được xác nhận là thất bại, tôi nghi ngờ thử một vụ thử khác sẽ đến tương đối sớm”.

Chuyên gia này cũng nhận định, tên lửa được phóng từ Soonan, gần Bình Nhưỡng, có lẽ để chứng minh rằng Triều Tiên có thể phóng tên lửa ở bất cứ nơi nào trên cả nước nhờ sử dụng bệ phóng di động.

"Việc tung ra mối đe dọa tăng gấp đôi đến Washington đã cho thấy họ thực sự có khả năng phóng tên lửa tới vùng biển gần đảo Guam. Vấn đề là họ có muốn hay không", Moon Seong Mook, chuyên gia phân tích về Triều Tiên tại viện Chiến lược quốc gia Hàn Quốc nêu quan điểm


Chấn động thế giới: Triều Tiên bắn tên lửa bay qua Nhật Bản

Sáng 29/8, lần đầu tiên sau nhiều cuộc thử nghiệm, Triều Tiên đã phóng tên lửa được cho là bay vượt qua lãnh thổ Nhật Bản.

Động thái bất thường

Triều Tiên đã phóng tên lửa bay qua Nhật Bản và rơi xuống vùng biển ngoài khơi khu vực phía bắc Hokkaido sáng 29/8.

Điều này đánh dấu sự leo thang mạnh mẽ những căng thẳng vốn âm ỉ trước đó trên bán đảo Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, tên lửa phóng đi có thể là loại tầm trung Hwasong-12 mới được phát triển gần đây.

Động thái của Bình Nhưỡng đưa ra khi Mỹ và các lực lượng Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận quân sự thường niên trên bán đảo mà phía Triều Tiên luôn kịch liệt phản đối.


Phóng tên lửa qua Nhật Bản là động thái hiếm thấy của Triều Tiên.

Hồi đầu tháng này, Triều Tiên đe dọa sẽ phóng bốn tên lửa Hwasong-12 vào vùng biển gần lãnh thổ Guam của Mỹ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với “lửa thịnh nộ” nếu đe dọa nước Mỹ.

Triều Tiên đã tiến hành hàng chục vụ thử tên lửa đạn đạo dưới thời chính quyền Kim Jong-un và mới đây nhất là vào cuối tuần trước, nhưng việc phóng qua đất liền Nhật Bản là rất hiếm thấy.

Thủ tướng Nhật Bản lên tiếng

“Hành động liều lĩnh của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đất nước chúng ta”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với các phóng viên ngay khi nhận được tin.

Thủ tướng Nhật Bản cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Trump vào sáng nay và hai bên đã đồng ý gia tăng áp lực đối với Triều Tiên. Ông Trump cũng nói rằng nước Mỹ đồng ý “100% với Nhật Bản”.

Theo Al Jazeera, lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã không cố gắng để bắn hạ tên lửa.

“Nó khá bất thường”, Jeffrey Lewis, người đứng đầu Chương trình không phổ biến Đông Á tại viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury ở California cho biết.

“Triều Tiên từng phóng tên lửa vào quỹ đạo mang theo vệ tinh vào năm 1998 và 2009 cũng đi qua Nhật Bản, nhưng nó không phải phóng tên lửa thực sự như lần này”.


Bức ảnh hé lộ về "đội tấn công cảm tử" của Triều Tiên

Một bức ảnh được công bố mới đây cho thấy, loại vũ khí của Triều Tiên vốn bị đánh giá thấp bấy lâu nay lại thực sự trở thành mối lo ngại không ngờ tới.

Quân cảm tử, vũ khí bí mật

Với những căng thẳng gần đây ở bán đảo Triều Tiên lên cao tới đỉnh điểm, Mỹ và Hàn Quốc đang thực hiện các cuộc tập trận rầm rộ như một sự chuẩn bị cho mọi tình huống xung đột có thể xảy ra.

Ở phía ngược lại, Bình Nhưỡng cũng cho thấy những động thái tương tự, khi triển khai các bài tập pháo binh và giả lập một cuộc tấn công đổ bộ trên biển.


Bức ảnh cho thấy vũ khí bí mật của Triều Tiên.

Hình ảnh được phương tiện truyền thông Nhà nước Triều Tiên công bố đã cho thấy phần nào khả năng tác chiến quân sự của nước này. Trong số đó có một bức ảnh được chú ý hơn cả.

Đó là khung cảnh phi đoàn máy bay cánh kép An-2 thả lính biệt kích ở độ cao gần mặt đất.

Theo tờ The Drive, thoạt nhìn nó trông có vẻ như một màn trình diễn không mấy đặc sắc của Triều Tiên, nhưng trên thực tế nó là một phần trong kế hoạch chuẩn bị cho cuộc xung đột toàn diện trên bán đảo.

Nếu có một cuộc chiến xảy ra, hàng trăm chiếc An-2 sẽ bay thấp trên mặt đất với tốc độ chậm, dần tiến vào không phận Hàn Quốc trong bóng đêm mịt mờ.

Đội biệt kích nhảy dù của An-2 được giao nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm nhất, đó là thâm nhập sâu vào hậu tuyến của địch.


Biệt đội cảm tử của Triều Tiên sẽ thâm nhập sâu vào lãnh thổ Hàn Quốc nếu có chiến tranh?

Nhiệm vụ của “đội tấn công cảm tử” Triều Tiên là rất đa dạng, nhưng về cơ bản là thực hiện các hành động tàn phá sâu bên trong lãnh thổ Hàn Quốc, bao gồm phá hủy cơ sở hạ tầng và căn cứ quân sự quan trọng. Gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng dân chúng Hàn Quốc.

Với việc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân và đang dần nắm trong tay công nghệ đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, không loại trừ khả năng những chiếc An-2 cũ kỹ có thể trở thành một hệ thống vận chuyển hạt nhân phi truyền thống.

Cây bút Tyler Rogoway của tờ The Drive cho rằng, Bình Nhưỡng có thể sử dụng những máy bay dạng nhỏ như vậy, để tấn công các căn cứ quân sự lớn, hoặc cứ điểm quan trọng mà không cần đến tên lửa đạn đạo.

Máy bay "sát thủ" không thể coi thường

Antonov An-2, niềm tự hào của quân đội Triều Tiên. Nó được sơn màu xanh lá cây ở thân trên và xanh da trời ở phần dưới để dễ ngụy trang dù từ dưới đất nhìn lên hay từ trên cao nhìn xuống.

Điểm ưu việt của máy bay này là chỉ cần khoảng cách cất cánh và hạ cánh rất ngắn, từ 50 cho đến 80m. Trong khi đó, với các máy bay cùng lớp khác thì khoảng cách nhỏ nhất vẫn phải là từ 400-500m. Tiềm năng kỹ thuật của An-2 khi hạ cánh xuống địa bàn không có sự chuẩn bị cũng cao hơn.

Những chiếc An-2 của Triều Tiên có thể bay thấp và chậm qua biên giới Hàn Quốc để thả đặc nhiệm mà không bị radar phát hiện.

Ngoài ra, việc bay tầm thấp cũng đồng nghĩa với việc hệ thống tên lửa đất đối không truyền thống sẽ mất thời gian lâu hơn để định vị mục tiêu khi máy bay bị lẫn vào địa hình.


Máy bay An-2 rất khó bị radar phát hiện.

Tờ The Drive cho rằng, thậm chí cả hệ thống bảo vệ không phận được coi là nghiêm ngặt nhất ở Thủ đô Washington DC nước Mỹ cũng không thể nhận ra một mục tiêu di chuyển chậm trên radar, ngay cả khi nó bay xuống bãi cỏ trên đồi Capitol.

Chưa bàn về chất lượng, chỉ cần nói đến số lượng huy động,Triều Tiên đã có đủ khả năng để lấp đầy bầu trời với khoảng 300 chiếc An-2.

Trong thời điểm cuộc chiến mới diễn ra, sẽ không có đủ chiến đấu cơ hoặc hệ thống tên lửa phòng không đủ bắn hạ hoàn toàn phi đội bay của Bình Nhưỡng, ngay cả khi phát hiện ra sớm.

Thêm vào đó, dù Triều Tiên có thể mất rất nhiều máy bay nhưng sự lợi hại lại nằm ở chiến thuật cảm tử đằng sau. Thậm chí ngay cả một nửa hạm đội bay biến mất, vẫn còn hàng ngàn lính đặc nhiệm đổ bộ xuống mặt đất ở Hàn Quốc gây tình trạng lộn xộn.

Ngay cả khi đường băng có thể bị bắn phá trước khi các chiến dịch trên không của Triều Tiên được triển khai thì trên thực tế những chiếc An-2 có thể cất cánh hầu như ở khắp mọi nơi.

Tờ The Drive phân tích, một lần nữa các phương tiện truyền thông đã bỏ qua những chi tiết rất đáng chú ý về năng lực thật sự của Triều Tiên. Phần lớn báo chí chỉ lo ngại về hỏa lực pháo binh của nước này mà coi thường năng lực trên không.

Trên thực tế, sức mạnh của quốc gia Đông Bắc Á không hề chệch choạc hay chỉ là lời hùng biện dọa dẫm đơn thuần. Ẩn giấu bên trong đó là một bộ máy quân sự logic và sáng tạo hơn rất nhiều so với sự tưởng tượng của nhiều người. An-2 chính là lời nhắc nhở về thực tế này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template