Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Tiết lộ mới về hành trình đào tẩu bí hiểm của bà Yingluck




Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra được cho là trốn khỏi Thái Lan bằng đường biển
Tiết lộ mới về hành trình đào tẩu bí hiểm của bà Yingluck


Nữ cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra được cho là trốn khỏi nước này bằng đường biển. Không có nhiều khả năng bà Yingluck vượt biên giới đường bộ như ở Chanthaburi và Trat, vì có thông tin cho rằng đây là vùng rừng núi vẫn còn nhiều mìn chưa nổ.

Chạy trốn bằng đường biển?

Theo tờ Bangkok Post, các quan chức an ninh biên giới Thái Lan cho hay, gần như chắc chắn rằng, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra trốn khỏi Thái Lan bằng đường biển.

Nguồn tin Hải quân Hoàng gia Thái Lan cho biết, không có nhiều khả năng bà Yingluck vượt biên giới đường bộ như ở Chanthaburi và Trat, vì đây là vùng rừng núi được cho là vẫn còn nhiều mìn chưa nổ.

"Tôi tin rằng một người quan trọng như bà Yingluck sẽ không chọn đường này để rời khỏi đất nước", nguồn tin cho hay.

“Bà ấy chắc chắn sẽ chọn một con đường khác thuận tiện hơn”, nguồn tin khẳng định.

Bà Yingluck đã không đến toà án Tối cao vào hôm 25/8 để nghe phán quyết cuối cùng về trách nhiệm của bà liên quan đến chương trình trợ cấp giá gạo.

Nguồn tin cho biết thêm, thậm chí bà Yingluck còn gặp khó khăn hơn nếu đi qua trạm kiểm soát biên giới đường bộ, vì những trạm này được quân đội, hải quan và cảnh sát xuất nhập cảnh theo dõi chặt chẽ.

"Những người lính của quân đội không thể không thấy bà Yingluck. Họ kiểm tra từng chiếc xe, thậm chí ngay cả xe của VIP. Tài xế những xe này phải trình giấy tờ có liên quan nếu họ muốn ra khỏi đất nước", nguồn tin khẳng định.

Nguồn tin này cho hay, giới chức an ninh tin rằng bà Yingluck đã bỏ trốn bằng đường biển. Chẳng hạn, bà có thể đã lên một chiếc tàu cao tốc từ Rayong đến một hòn đảo nào đó như Koh Chang, Koh Kood hay Koh Laoya ở Trat, trước khi tới Campuchia.

"Đi theo con đường này dễ hơn và không bị giới chức phát hiện bởi có rất nhiều tàu thuyền trên biển gần 3 hòn đảo đông khách du lịch này", nguồn tin khẳng định.

Giả thuyết này cũng phù hợp với thông tin mà Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon đưa ra hôm 25/8 rằng, bà Yingluck có thể đã rời Thái Lan qua đường Koh Chang. Tướng Prawit phủ nhận giới chức an ninh cố tình để bà Yingluck trốn thoát.

Trước đó, có nhiều thông tin khác nhau về hành trình trốn chạy của nữ cựu Thủ tướng Thái Lan.

Một nguồn tin thân cận với gia đình bà Yingluck cho biết, bà đã đi bằng máy bay riêng đến Trat, từ đó bà đi qua biên giới Thái Lan để sang tỉnh Koh Kong của Campuchia, nơi bà được những người thân tín hộ tống.

Trong khi đó, một nguồn tin khác nói bà từ Bangkok đi thẳng đến Phnom Penh.

Tranh cãi về "cuộc đào tẩu thế kỷ"

Các nguồn tin thân cận với giới quyền lực Thái Lan hôm 25/8 tiết lộ một số quan chức cấp cao của Chính phủ nước này đã thông đồng trong vụ bỏ trốn khỏi đất nước của bà Yingluck Shinawatra.

Lý do khiến các quan chức có động thái này là bởi phán quyết của toà và đặc biệt bản án tù với cựu Thủ tướng có thể sẽ gây nên tình trạng bất ổn trong nhóm người ủng hộ bà Yingluck.

Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) yêu cầu Chính phủ nước này điều tra cuộc trốn thoát của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và trừng phạt nặng bất kỳ quan chức Nhà nước nào đã giúp bà Yingluck chạy trốn khỏi đất nước.



Bức ảnh được cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đăng tải trên Facebook vào hôm thứ Tư.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động thuộc phe áo đỏ ở Thái Lan lại tỏ ra thông cảm trước việc bà Yingluck trốn ra nước ngoài để tránh bị bắt giam.

Hầu hết người ủng hộ bà Yingluck sẽ tha thứ cho việc bà trốn khỏi nước này để tránh bị bỏ tù, Nattawut Saikua, lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ chống Độc tài hôm qua cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Voice TV.

Trước đó, một số cựu nghị sĩ đảng Pheu Thai, do anh trai của bà Yingluck là Thaksin Shinawatra sáng lập, đánh giá việc cựu nữ Thủ tướng không ra hầu tòa sẽ bị coi là chạy trốn công lý và tác động xấu đến hình ảnh của đảng trước cuộc bầu cử Quốc hội vào nửa cuối năm 2018.

"Những người ủng hộ Yingluck Shinawatra sẽ tha thứ", ông Saikua nhận xét.

Người ủng hộ trung thành của nhà Shinawatra cho rằng, dù thế nào phán quyết dành cho Yingluck cũng đã được định sẵn, vì vụ việc của bà có yếu tố chính trị, theo AFP.


Tiết lộ thế lực “bật đèn xanh” cho cuộc đào thoát của bà Yingluck

Theo The Guardian, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đào thoát sang Dubai. Thông tin trên được các thành viên cấp cao cùng đảng với bà cho hay một ngày sau khi bà Yingluck không đến tòa án.

Cuộc đào tẩu chấn động

Nguồn tin từ đảng Puea Thai của bà Yingluck cho biết, nữ cựu Thủ tướng đã rời khỏi Thái Lan vào tuần trước và bay qua Singapore để tới Dubai, nơi anh trai của bà, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra có một ngôi nhà riêng.

Ông Thaksin đã sống lưu vong suốt nhiều năm qua để tránh án tù mà tòa án Thái Lan đã tuyên phạt ông vào năm 2008 vì tội danh Tham nhũng.



Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra được cho là đã chạy trốn sang Dubai.

“Chúng tôi nghe nói bà ấy đã sang Campuchia, rồi tới Singapore và bay đến Dubai. Bà ấy đã đến nơi an toàn và giờ đang ở bên đó”, một thành viên cấp cao giấu tên của đảng Puea Thai chia sẻ.

Phó Cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan, Tướng Srivara Rangsibrahmanakul khẳng định, cảnh sát nước này không có dữ liệu gì về việc bà Yingluck bỏ trốn ra nước ngoài và đang theo dõi diễn biến.

Lực lượng an ninh ở Dubai, nơi có căn nhà của ông Thaksin luôn ngăn cản báo chí tìm hiểu vụ việc. Người phát ngôn của ông Thaksin ở Dubai đã từ chối mọi nỗ lực của truyền thông trong việc liên hệ với ông.

Ước tính của cảnh sát cho thấy, có tới 3.000 người ủng hộ bà Yingluck đã tụ tập bên ngoài tòa án ở Bangkok vào ngày thứ Sáu, khi cựu Thủ tướng lẽ ra phải có mặt để nghe phán quyết vụ xét xử bà với cáo buộc trong chương trình trợ giá lúa gạo thời bà còn cầm quyền.

Bà Yingluck đã không đến tòa với lý do bị ốm. Tuy nhiên, tòa án bác bỏ lý do này và lùi thời hạn ra phán quyết đến ngày 27/9. Tiếp đó, tòa phát lệnh bắt bà Yingluck.

Cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan nói sẽ bắt giữ bà Yingluck ngay lập tức nếu thấy bà.

Nguồn tin thân cận với gia đình Shinawatra ngày 25 cho hay, cựu Thủ tướng đã trốn ra nước ngoài trước khi phán quyết kết thúc.

Bị lật đổ vào năm 2014, bà Yingluck có thể lĩnh án 10 năm tù giam trong vụ xét xử trên nếu bị kết tội. Hôm 25/8, cựu Bộ trưởng bộ Thương mại Thái Lan thuộc chính quyền trước đây của bà Yingluck cũng bị tuyên án 42 năm tù giam trong vụ án cũng liên quan đến chương trình trợ giá lúa gạo.

Các đảng chính trị do nhà Shinawatra lãnh đạo hoặc hậu thuẫn đã chiếm ưu thế trên chính trường Thái Lan và giành chiến thắng trong tất cả các cuộc tổng tuyển cử ở nước này kể từ năm 2001 đến nay.

Tuy nhiên, gia tộc Shinawatra bị tầng lớp giàu có ở Bangkok cáo buộc tham nhũng và gia đình trị.

Còn những người ủng hộ nhà Shinawatra chủ yếu là tầng lớp người nghèo, nông dân ở phía Bắc và Đông Bắc của Thái Lan.

Những dấu hỏi chờ lời giải

Theo Bangkok Post, các nguồn tin thân cận với giới quyền lực Thái Lan hôm 25/8 tiết lộ một số quan chức cấp cao của Chính phủ nước này đã thông đồng trong vụ bỏ trốn khỏi đất nước của bà Yingluck Shinawatra.

Lý do khiến các quan chức có động thái này là bởi phán quyết của toà và đặc biệt bản án tù với cựu Thủ tướng có thể sẽ gây nên tình trạng bất ổn trong nhóm người ủng hộ bà Yingluck.



Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

"Hãy biết là một số nhân vật quyền lực đã bật đèn xanh cho bà ấy ra đi", một nguồn tin nói với Bangkok Post. "Nếu bà ấy bị tuyên có tội hay phải đi tù thì tình hình sẽ rắc rối thêm và có thể dẫn đến bạo loạn, nên việc để bà ấy ra đi được xem là giải pháp tốt nhất", nguồn tin lý giải.

Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) cho biết, cuộc trốn thoát của bà Yingluck phản ánh sự thất bại của các cơ quan an ninh.

PAD yêu cầu Chính phủ điều tra cuộc trốn thoát của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và trừng phạt nặng bất kỳ quan chức Nhà nước nào đã giúp bà Yingluck chạy trốn khỏi đất nước.

Một nguồn tin thân cận với gia đình bà Yingluck cho biết, bà đã đi bằng máy bay riêng đến Trat, từ đó bà đi qua biên giới Thái Lan để sang tỉnh Koh Kong của Campuchia, nơi bà được những người thân tín hộ tống.

"Bà Yingluck đã sang Campuchia để đón chuyến bay đi Singapore rồi từ đó bay sang Dubai", người này nói. Anh trai bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong tại Dubai.

Trong khi đó, một nguồn tin khác nói bà từ Bangkok đi thẳng đến Phnom Penh, "nơi bà nhận được sự trợ giúp từ nhiều nhân vật quyền lực của Campuchia".

Hôm thứ Tư, trang Facebook của bà Yingluck vẫn đăng tải hình ảnh và video bà đi chùa Rakhang Khositaram ở Bangkok cũng như ở căn nhà của bà tại Thủ đô Thái Lan.

Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ đây là cách để bà Yingluck đánh lạc hướng cũng như làm sao nhãng sự chú ý của các lực lượng an ninh để có thể trốn thoát. Cho đến nay, thời điểm bà rời khỏi Thái Lan vẫn còn chưa được làm sáng tỏ.

Giới quan sát cho biết gia đình Shinawatra từ lâu đã có quan hệ thân thiết với giới chức cấp cao Campuchia. Con gái của Yaowapa Wongsawat, một người em gái khác của ông Thaksin, kết hôn với con trai của một nghị sĩ Campuchia.

Các nguồn tin cho hay bà Yingluck đã được trợ giúp để đến Dubai.

Bà Yingluck cũng được cho là có một hộ chiếu Nicaraguan giống như người anh Thaksin của bà.


Cục diện chính trường Thái Lan sau phiên tòa xử cựu Thủ tướng Yingluck

Một phán quyết từ tòa án tối cao vào ngày 25/8 về số phận cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra có thể sẽ tác động nhiều đến cục diện chính trị Thái Lan.

Sự bất an thể hiện rõ trên khuôn mặt bà Yingluck, cựu Thủ tướng 50 tuổi khi khóc và nói trước tòa hôm 1/8 rằng, bà vô tội trước tất cả các cáo buộc.

Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) kết luận, cựu Thủ tướng Yingluck đã gây ra thiệt hại tài chính khổng lồ sau khi Chính phủ của bà trợ giá cho 20 triệu tấn gạo của nông dân cao hơn so với giá thị trường quốc tế.



Phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra sẽ tác động lớn đến chính trường Thái Lan.

Trong thời gian nắm quyền từ 2011-2014, bà Yingluck hy vọng sẽ bán được gạo với giá rất cao trên thị trường quốc tế, nhưng Chính phủ của bà không ngờ rằng giá gạo sút thê thảm khiến họ phải bỏ ra 5 tỷ USD để trợ giá cho người dân.

Không chỉ vậy, phiên tòa ngày hôm nay (25/8) sẽ xem xét những cáo buộc bà Yingluck đã chỉ đạo cố ý ghi nhãn một số loại gạo chất lượng cao thành mác giá trị thấp khi Chính phủ mua vào.

Cơ quan điều tra cho rằng, điều này giúp một số doanh nghiệp tư nhân mua lại gạo từ phía Chính phủ và bán ra thị trường với giá cao hơn để ăn chênh lệch.

Cho đến hiện tại, sau hai năm lưu kho, chính quyền quân sự hiện tại của Thái Lan vẫn muối mặt khắc phục hậu quả của người tiền nhiệm bằng việc cố gắng bán nốt 4 triệu tấn “gạo mục nát” cho mục đích sản xuất ethanol, sau khi bán bù lỗ số lượng lớn gạo trước đó.

“Chương trình trợ giá gạo là một chính sách có lợi”, bà Yingluck nói với khuôn mặt đẫm lệ trong phiên tòa ngày 1/8. “Tôi không bao giờ nghĩ đến tham nhũng trong kinh doanh gạo”, cựu Thủ tướng Thái Lan đồng thời tuyên bố bà đã từng ra lệnh cho các quan chức điều tra vụ việc khi đó.

Luật pháp Thái Lan quy định, quan chức có hành vi sai trái, không trung thực hoặc cố tình gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử tù 10 năm, phạt tiền hoặc nhận cả hai hình phạt trên.

Nếu bị kết tội, bà Yingluck có khả năng còn bị từ chối khi nộp đơn kháng cáo. Không chỉ có vậy, có hàng chục cáo buộc khác chống lại nữ chính khách này về chính trị, tài chính và nhiều lĩnh vực khác từ NACC vẫn đang chờ được giải quyết tiếp theo.

Những cáo buộc mà cựu Thủ tướng Thái Lan phải hứng chịu được khui ra sau vụ đảo chính cách đây 3 năm dẫn đến sự lên ngôi của chính quyền quân sự hiện tại. Tháng 5/2014, bà Yingluck bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan cáo buộc vi phạm hiến pháp và lạm quyền.

Hai tuần sau đó, quân đội tuyên bố đảo chính không đổ máu lật đổ Chính phủ của bà Yingluck và chính quyền quân sự lên nắm quyền do cựu Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-o-chan làm Thủ tướng.

Các nhà phân tích đánh giá bản án ngày 25/8 này sẽ có những tác động rất lớn đến diễn biến chính trị vốn không yên ả trong nhiều năm qua ở Thái Lan.

“Nếu bà Yingluck được phán quyết chỉ ra là hoàn toàn vô tội, cuộc đảo chính 2014 sẽ mất đi tính chính đáng và trên thực tế quân đội Thái Lan sẽ bị mang tiếng là cướp chính quyền thay vì nhận ủy thác quyền lực”, Paul Chambers, nhà nghiên cứu Đông Nam Á tại đại học Naresuan, Thái Lan cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

“Nếu tòa án chống lại Yingluck và đưa bà vào nhà tù, những người ủng hộ trung thành của cựu Thủ tướng Thái Lan sẽ bị chia rẽ và phe chính trị đối lập có lý do để vui mừng khi kết quả sẽ giúp chính quyền hiện tại tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình", Chambers nhận định.



Chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-o-chan sẽ "mang tiếng" nếu bà Yingluck được xử trắng án.

Một số nhà phân tích như Titipol Phakdeewanich từ đại học Ubon Ratchathani lại cho rằng, dù có sự vụ lợi trong chính sách trợ giá gạo, lỗi không thể đổ hoàn toàn cho một mình bà Yingluck. Chuyên gia này nêu quan điểm, phán quyết của tòa án phải chống lại những kẻ tham gia vào dây chuyền tham nhũng đó, chứ không phải người đề xuất chính sách như cựu lãnh đạo Thái Lan.

Tuy nhiên, một tuyên bố trắng án dù sẽ cứu vãn danh tiếng của bà Yingluck một cách trông thấy, nhưng trong tương lai ngắn hạn, nó vẫn "có ít ảnh hưởng đến sự kiểm soát của chính quyền quân sự hiện tại”, Sam Zarifi, Tổng thư ký Ủy ban Luật gia quốc tế (ICJ) nhận định.

Lợi ích quan trọng nhất đối với một tuyên bố trắng án đó là dỡ bỏ sự phong tỏa tài sản của bà Yingluck, cùng với các khoản bồi thường oan sai nếu có, điều này sẽ là nền tảng rất tốt phục vụ cho các chiến dịch chính trị trong tương lai của nữ chính khách.

Thủ tướng Prayuth và chính quyền của ông đã xác định mục tiêu kiềm chế bất kỳ sự trở lại chính trị nào của bà Yingluck và người anh trai vẫn có ảnh hưởng rất lớn ở Thái Lan là Thaksin Shinawatra, người từng là Thủ tướng trong giai đoạn 2001-2006 trước khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự tháng 9/2006.

Ông Thaksin đang sống lưu vong và bị tòa án trong nước cáo buộc tội danh Tham nhũng với phán quyết án tù hai năm.

Trong khi Prayuth được sự ủng hộ rộng rãi tại Bangkok, miền Nam đất nước, các thành viên hoàng gia, quân đội và nhiều nhân vật giàu có cùng tầng lớp trung lưu người Thái.

Nhiều nhiều nhà phân tích tin rằng, đảng Vì người Thái (Peua Thai) do dòng họ Shinawatra hậu thuẫn sẽ giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc bầu cử tự do và công bằng nào.

Gia đình nhà Shinawatra không chỉ được ủng hộ bởi giới tinh hoa, mà còn có số đông cử tri nông thôn ở phía Bắc và Đông Bắc đất nước, những người luôn hài lòng với chính sách của chính quyền cũ như nhận được các khoản vay làm ăn một cách dễ dàng, tận hưởng hệ thống chăm sóc sức khỏe giá rẻ, cùng nhiều ưu đãi khác về cuộc sống.

Thủ tướng Prayuth đã cam kết sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới vào năm 2018 và rất có thể một lần nữa, đó sẽ là một cuộc chiến quyết liệt giữa dòng họ Shinawatra và phe quân đội Thái Lan.

Theo (NDT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template