Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

think tank





think tank


Tổ tư vấn kinh tế và những lát cắt xuyên dòng lịch sử

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng mới ra đời mang lại nhiều cảm xúc. Nhìn lại những lát cắt lịch sử của các "think tank" - bể chứa ý tưởng - của Việt Nam cũng khá thú vị.

Dễ hiểu và dễ dịch nhất thì think tank là cái bể chứa những ý tưởng. Về từ nguyên, tank có nghĩa ban đầu là lô cốt trong quân sự. Tại khu vực được bảo vệ kiên cố này, giới tham mưu tác chiến họp bàn và tư duy (think), hoạch định các kế hoạch, vì thế được gọi là think tank.

Về sau, nghĩa của từ vượt ra khỏi khuôn khổ quân sự, lan ra các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị. Trong kinh tế, think tank là tập hợp các chuyên gia đầu ngành để tư duy về các vấn đề kinh tế, đưa ra các khuyến nghị, tư vấn, đánh giá, gợi ý, phản biện... các chính sách, thông thường là mang tính độc lập.

Những lát cắt "Tổ tư vấn" và các think tank

Với không ít người Việt Nam, think tank vẫn còn khá lạ lẫm. Nhưng nhìn lại lịch sử của các think tank kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn gần đây cũng khá thú vị.

Các think tank về kinh tế đầu tiên, có thể nói là các ban ngành của Đảng. Vào các dịp chuẩn bị cho Đại hội Đảng, vấn đề đưa vào báo cáo đại hội, cần một đội ngũ các chuyên gia hàng đầu tham gia nghiên cứu và đề xuất, vì đó là các quyết sách lớn có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Hình thành rõ nhất và nở rộ nhất, theo cố giáo sư Đặng Phong, trong cuốn sách Tư duy kinh tế Việt Nam, chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, (Nhà xuất bản Tri Thức), là giai đoạn từ thập niên 1980 trở đi, nhất là thời kỳ đổi mới.

Thời kỳ này chứng kiến sự ra đời của hàng loạt think tank từ trung ương, bộ ngành đến địa phương.

Có thể điểm một số tổ chức như Tiểu ban cơ chế mới do sáu ủy viên Bộ Chính trị luân phiên phụ trách để tiếp thu ý kiến từ các địa phương và cả một số giám đốc công ty.

Sau đó, Tiểu ban nghiên cứu giải pháp cấp bách về tài chính - tiền tệ - giá cả ra đời trực thuộc Bộ Chính trị.

Nhóm nghiên cứu sản xuất hàng hóa và quy luật giá trị thuộc Hội đồng Bộ trưởng, tức Chính phủ sau này.

Bộ Ngoại giao cũng lập một nhóm nghiên cứu của riêng mình.

Đến năm 1987, hình thành các nhóm nghiên cứu chống lạm phát khi vấn đề này trở nên nóng bỏng.

Thời này, có hai nhóm được hình thành, một nhóm là các chuyên gia Liên Xô, một nhóm là các nhà nghiên cứu trong nước.

Các tiểu ban, các nhóm nghiên cứu này thảo luận sôi nổi chủ đề kinh tế thị trường và giá thị trường, với cơ chế một giá hay hai giá, về kinh tế kế hoạch, vốn là những vấn đề vừa nóng bỏng, vừa bức xúc, vừa ảnh hưởng đến quốc kế dân an khi đó.

Từ Câu lạc bộ Giám đốc đến Nhóm thứ Sáu




Ở TP.HCM thời đó, một vài tổ chức think tank cũng đã hình thành do Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt tổ chức.

Đầu tiên, vào giữa năm 1980, Câu lạc bộ (CLB) Giám đốc với khoảng 100 thành viên ra đời, với lịch sinh hoạt định kỳ.

Một trong những ví dụ làm tốt của CLB Giám đốc là Xí nghiệp dệt Thành Công. Năm 1979, sản lượng vải là 4,2 triệu mét, năm sau còn 2,5 triệu mét, xí nghiệp lâm vào cảnh khó khăn.

Nhờ cơ chế vay được 180.000 USD của Vietcombank, nhập nguyên liệu về, sản xuất rồi bán. Không chỉ trả đủ vốn lẫn lời mà còn dư 82.000 USD, rồi quay vòng vốn và ngày càng phát triển.

Một trong những buổi sinh hoạt của CLB này diễn ra tại Xí nghiệp dệt Thành Công với sự tham dự của nhiều cán bộ trung ương, trong đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Một trong những nhóm nghiên cứu khá âm thầm trong thời gian này ở TP.HCM là nhóm của tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, cựu Thống đốc ngân hàng và có thời gian làm phó thủ tướng chế độ trước năm 1975.

Ông Oánh chính là người đứng đầu Nhóm thứ Sáu, có tên chính thức là Văn phòng kinh tế Thành ủy TP.HCM.

Nhóm này tập hợp đông đảo các chuyên gia kinh tế của miền Nam, đặc biệt là các trí thức chế độ trước năm 1975, đóng góp rất lớn cho việc hình thành tư duy kinh tế mới.

Dĩ nhiên, vào thời điểm đó, những ý kiến của nhóm, dù được lắng nghe, nhưng khó có thể đi vào thực hiện.

Một số đề án về chính sách tiền tệ, tín dụng, giá cả, ngoại thương, khu chế xuất, tài chính, kinh tế đối ngoại được Nhóm thứ Sáu đưa ra trong suốt thời gian từ 1980-1983.

Phải đến sau thời kỳ đổi mới, các đề án trên mới được thực hiện.

Một nghiên cứu về so sánh giá đối với năm nhóm hàng gồm (1) hàng nhập khẩu, (2) hàng công nghệ thực phẩm sản xuất tại VN với nguyên liệu nhập khẩu, (3) hàng nông sản lương thực thực phẩm, (4) dịch vụ lao động phổ thông đơn giản và (5) vàng.

Nhóm so sánh hai thời điểm: 1973 và 1986.

Vào năm 1973 tỉ giá là 1 USD = 493 VND, còn năm 1986 tỉ giá là 1 USD = 455, tức là mức chênh lệch không lớn.

Kết quả cho thấy giá nhóm 1 năm 1986 tương đương 1973, giá ba nhóm giữa thấp hơn ít nhất 2,5 đến 4 lần so với giá năm 1973, trong khi đó chỉ có vàng là cao hơn đến 4 lần.

Như vậy, giá cả năm 1986 tụt thấp so với mặt bằng, vì thế nhóm kiến nghị cần phải chấm dứt cảnh “ngăn sông cấm chợ”, áp dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ cho kinh tế.

Mang theo tinh thần đó, ông Võ Văn Kiệt, về sau ra Hà Nội, rồi làm Thủ tướng, cũng đã lập một nhóm think tank của mình, gọi là Tổ tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính vào năm 1993 với 10 thành viên.

Đây chính là tiền thân của Ban nghiên cứu của Thủ tướng thời khi ông Phan Văn Khải tổ chức lại vào năm 1998.

Dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không còn ban nghiên cứu nữa mà xuất hiện Tổ tư vấn kinh tế với 12 thành viên, đứng đầu là cựu bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển.

Tổ này hoạt động theo nhiệm kỳ của Thủ tướng, vì thế hết nhiệm kỳ cũng tự giải tán.

Năm thành viên cũ trong tổ này cũng chính là các thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa mới ra đời, trong đó tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn giữ vai trò Tổ trưởng.

Có thể nhận thấy một nét táo bạo trong think tank mới này là sự xuất hiện của năm chuyên gia “có yếu tố nước ngoài” gồm các giáo sư đang giảng dạy tại Mỹ, Nhật, Singapore và Pháp và một người trong nước là tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh của Đại học Fulbright Việt Nam, một chuyên gia phản biện chính sách có uy tín.

Sử dụng các chuyên gia người Việt ở nước ngoài không phải là một chuyện mới. Từ nhiều năm trước, khá nhiều trí thức từ nước ngoài như tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia về tiền tệ của Liên Hiệp Quốc.

Ông Việt, nổi tiếng với các thống kê, đã góp phần mang những phương pháp tính toán mới chuẩn mực quốc tế vào hệ thống tính toán Việt Nam, chuyển đổi từ mô hình tính hệ thống tính toán thu nhập quốc dân và tổng sản phẩm xã hội cũ theo mô hình XHCN, gọi là SNA, sang thông lệ thế giới GDP.

Chuyên gia kinh tế Trần Văn Thọ cũng là một người không xa lạ đối với công cuộc cải cách, xây dựng và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Một điều khá đặc biệt đó chính là khá nhiều trong số 15 chuyên gia của Tổ tư vấn trên chính là những người đã tham gia xây dựng và đóng góp cho Báo cáo Việt Nam 2035, một tầm nhìn dài hạn của Việt Nam hướng đến thịnh vượng.

Cụ thể đó là cựu bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, giáo sư Trần Văn Thọ, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, tiến sĩ Trần Đình Thiên và tiến sĩ Nguyễn Đình Cung.

Theo tinh thần của báo cáo này, với tầm nhìn 20 năm sau, Việt Nam sẽ có mức thu nhập bình quân đầu người trung bình 22.000 USD tính theo sức mua tương đương (PPP).

Muốn vậy, để đạt mức tăng trưởng cao, điều cần phải làm chính là cải cách thể chế, phát triển khối doanh nghiệp tư nhân, nâng cao năng suất...

Những điểm kết nối và giao thoa giữa cũ và mới, giữa trong nước và ngoài nước đang khiến cho tổ tư vấn được kỳ vọng nhiều cả vấn đề giải quyết các khó khăn trước mắt lẫn tầm nhìn lâu dài của kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu và rộng.

Theo Tuổi Trẻ Cuối tuần




Think tank trên thế giới

Think tank, khái niệm quen thuộc của các nhà nước phương Tây, được hình thành cho cả nhà nước và tư nhân.

Trong khối nhà nước, các cơ quan tham mưu, giúp việc đông đảo từ các viện, các hội đồng tư vấn kinh tế, tiền tệ... của cả cơ quan hành pháp lẫn lập pháp. Các think tank của tư nhân cũng xuất hiện khá nhiều trong các nước phương Tây.

Đại học Pennsylvania trong nhiều năm qua đã bình chọn các think tank có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong đó Viện Brookings của Mỹ đứng số một, còn Viện quan hệ quốc tế Pháp đứng thứ hai.

Xếp thứ ba là một cái tên khá quen thuộc với Việt Nam: Center for Strategic and International Studies (CSIS) (United States).

Trong các think tank hàng đầu về kinh tế trong nước, Viện Brookings cũng giữ vị trí số 1, đứng trên Viện Adam Smith.

Trong khi đó, về mảng think tank kinh tế quốc tế, Viện Brookings xếp thứ ba, nhường chỗ cho PIIE và Bruegel lần lượt vị trí số 1 và 2.

Trong dữ liệu của Đại học Pennsylvania về các think tank năm 2016, có khoảng 6.846 think tank trên thế giới, vừa là các tổ chức độc lập, các cơ quan của chính phủ, bán nhà nước, các tổ chức của các đảng chính trị, của các công ty.

Theo đó thì ở Mỹ có đến 1.835 think tank, khoảng 400 trong đó có trụ sở tại Washinton DC, châu Âu có 1.770.

Ở châu Á, từ giữa thập niên 2000 đến nay đã xuất hiện thêm rất nhiều think tank.




Tổ tư vấn: Đặt hàng ngược và sòng phẳng với Thủ tướng

Tổ tư vấn kinh tế đã “đặt hàng” ngược lại với Chính phủ về sự độc lập, tính sòng phẳng trong các góp ý phản biện sau phiên họp đầu tiên kể từ ngày thành lập với Thủ tướng.


TS Trần Đình Thiên - Ảnh: N.KHÁNH

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế, cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online về cơ quan này và những công việc sắp tới.

* Có điểm gì khác biệt của Tổ tư vấn kinh tế lần này với các tổ/ban trước, thưa ông?

- Điểm khác với các tổ tư vấn trước ở chỗ Tổ tư vấn kinh tế lần này được thành lập bằng một quyết định, có văn bản ký tên đóng dấu chính thức của Thủ tướng trong khi ở các đời thủ tướng trước chưa có sự chính danh đó.

Với quyết định do chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký, Tổ tư vấn kinh tế được xem như một tổ chức có thể chế, vai vế và chức năng hẳn hoi của từng thành viên.

Khác biệt lớn nhất mà tôi thấy được của Tổ tư vấn lần này là giống với Ban tư vấn dưới thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là dù các thành viên là các nhà khoa học, nhưng lần này có nhiều người ở nước ngoài trong khi trước đó chỉ là người trong nước.

Điều này cho thấy ý đồ của việc thành lập tổ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện cách tiếp cận tư vấn cần được toàn cầu hóa trong điều kiện phát triển hiện nay.

Đấy là chưa kể Chính phủ cũng không giấu việc mong muốn được thêm các lực lượng tư vấn ở khắp nơi trên thế giới về tham gia, giúp ích cho đất nước.

Một điểm đặc biệt khác nữa là giữa Tổ tư vấn và Thủ tướng đã chọn cách đối thoại rất sòng phẳng, bảo đảm tính độc lập của từng thành viên trong ý kiến chuyên môn rất cao.

Thủ tướng “đặt hàng” với chúng tôi, nhưng đổi lại Tổ tư vấn cũng yêu cầu Thủ tướng “đặt hàng” sao cho đúng tầm của Chính phủ, cũng như phù hợp với chức năng chuyên môn để không bị lẫn lộn với các chức năng tư vấn, tham mưu khác đang có ở các bộ, ngành trong cơ cấu của tổ chức Chính phủ hiện hành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cơ chế làm việc như vậy.

* Cá nhân ông đánh giá thế nào về cơ chế làm việc này?

- Tôi thấy thoải mái được tiếp cận ở góc độ này, nếu không muốn nói gần như có sự thỏa thuận rất rõ ràng giữa Tổ tư vấn với Thủ tướng về các vấn đề mà Chính phủ cần tư vấn.

Thủ tướng luôn muốn biết Tổ tư vấn đánh giá các vấn đề Chính phủ đặt ra thế nào, có trói buộc hay xung đột gì nhau không, hoàn toàn không phải theo cách làm việc kiểu cấp trên nói với cấp dưới.

Chúng tôi giữ đúng chức năng của người tư vấn là bàn về vấn đề chung của đất nước một cách rất cởi mở, từ việc ngắn hạn cho đến dài hạn thế nào, giúp Thủ tướng việc gì, tham gia các vấn đề gì.

Tôi đánh giá cao cách Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ chuẩn bị các tư liệu, vấn đề cần được Tổ tư vấn đánh giá, góp ý rất cụ thể, rõ ràng, kể cả định hướng giao việc cho Tổ tư vấn sắp tới là gì.

Tôi thấy chủ trương của Chính phủ không yêu cầu Tổ tư vấn theo tính sự vụ, tình thế mà thay vào đó là tư vấn về tầm nhìn chiến lược mang tính nền tảng, gắn với thời lượng trung hạn và dài hạn đối với chiến lược phát triển cho cả nền kinh tế sắp tới.

* Như vậy, "đơn hàng" mà thủ tướng đã đặt cho Tổ tư vấn như thế nào, thưa ông?

- Sau phiên họp đầu tiên của Tổ tư vấn với Thủ tướng, ngoài những việc cần thiết làm cho các tháng cuối còn lại của năm 2017, Thủ tướng đã “đặt hàng” phải giải quyết nhiều vấn đề trong ba năm tới là gì, với một tầm nhìn dài hạn, mà nổi lên nhất là việc đổi mới mô hình tăng trưởng thế nào, tái cơ cấu thể chế nền kinh tế ra sao.

Hay với làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng yêu cầu cần phải giải quyết vấn đề cốt lõi nào, tập trung vào vấn đề trọng yếu gì để thay đổi.

* Cá nhân ông đánh giá như thế nào về những trở lực của Chính phủ lẫn mà Tổ tư vấn quan tâm?

- Riêng góc độ cá nhân, tôi thấy việc cải cách hoạt động của Chính phủ nhằm tháo gỡ các trói buộc về thủ tục hiện hữu đang kiềm hãm tư duy phát triển đất nước cần được tập trung giải quyết.

Sự kìm hãm này đang quá lớn. Nhưng những vấn đề này đang liên quan đến cơ chế phân cấp, phân quyền, phân bổ ngân sách từ trung ương cho đến địa phương và đòi hỏi sự giải quyết từ cấp Quốc hội, Thường trực Chính phủ trở lên.

Với những trói buộc như hiện nay, việc đòi hỏi một Chính phủ kiến tạo hành động ra sao, hoạt động thế nào để tháo cho được các nút thắt này rất cấp bách.

* Những phát biểu của Thủ tướng trong thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Là người tư vấn, ông đề xuất gì để phát triển lực lượng này?

- Tôi rất quan tâm đến chuyện làm sao Chính phủ xây dựng được một chiến lược phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó tháo gỡ thể chế để phát triển doanh nghiệp một cách độc lập, để doanh nghiệp thật sự được hoạt động trong một môi trường kinh doanh lành mạnh, có sức sống là hết sức cần thiết.

Nếu không, Việt Nam sẽ không thể có, hoặc không thể tạo dựng được một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp vững mạnh, mà vẫn chỉ là các doanh nghiệp “èo uột”, "không chịu lớn” khi cứ phải tiếp cận, hoạt động trong một thể chế bít các lối như hiện nay.

* Đã qua nửa năm nay rồi, giữa những ngổn ngang của "nút thắt", "điểm nghẽn" như ông nói thì "những việc cần làm ngay" của Tổ tư vấn là gì?

- Có nhiều thứ phải làm cho những tháng còn lại của năm, nhưng cũng đừng kỳ vọng là khi Tổ tư vấn đưa ra vấn đề gì là phải được giải quyết ngay vì có những chuyện chúng ta phải chấp nhận thực tế là không thể giải quyết ngay lập tức, mà nó cần phải được giải quyết trong các tháng tiếp theo của năm.

Chẳng hạn để tháo gỡ giải tỏa cho vấn đề giải ngân còn chậm, chúng ta bắt buộc phải thực hiện tiếp tục, nhưng cũng không thể đi theo hướng là phải giải ngân cho hết trong năm nay.

Hay vấn đề chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Không thể đùng một phát là cổ phần hóa ngay lập tức các doanh nghiệp nhà nước được trong năm nay.

Nhưng các vấn đề cộm cán về sự “ì ạch” này phải là những câu chuyện thật, những vấn đề thật, với những vướng mắc còn tồn đọng đã nằm ở đâu, do ai quản lý, thể chế gì ràng buộc thì phải được đặt ra để giải quyết ngay từ bây giờ cho đến các năm sau.

Theo TTO


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template